CUỘC GẶP GỠ KHÓ QUÊN

Tôi đã đọc qua bài "Cuộc gặp gỡ kỳ diệu của Sinh viên CG Hà Nội với Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt tại Châu Sơn" trên Vietcatholic. Bài viết kể về chuyến viếng thăm Đức Tổng Gíam Mục Ngô Quang Kiệt tại Đan viện Châu Sơn ở Ninh Bình của gần 5o nam nữ sinh viên trong Ban Điều hành Sinh Viên Công Giáo thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác gỉa bài viết rằng có những cuộc gặp gỡ ta dễ dàng quên đi ngay nhưng có những cuộc gặp gỡ đã in đậm trong tâm khảm từng chi tiết khiến ta nhớ mãi, khó mà quên được. Cũng như các bạn sinh viên của Tổng Giáo phận Hà Nội chính tôi và một số anh chị em trong cộng đoàn của chúng tôi cũng đã có cuộc gặp gỡ khó quên với Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt.

Cách đây hơn một năm, trong dịp đến Canada tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 49 tại Quebac, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã đến dâng thánh lễ tại Đền thánh Giuse ở Montre’al theo lời mời của linh mục Giám đốc Đền thánh. Biết được tin này, một nhóm anh chị em thuộc cộng đoàn bé nhỏ của chúng tôi ở tiểu bang Vermont nằm sát biên giới Canada đã rủ nhau lên đường đi Montre’al để được gặp gỡ Đức Tổng, vị mục tử chúng tôi đã ngưỡng mộ từ lâu.

Ngày 13/6/2008, khởi hành từ những địa điểm khác nhau trong tiểu bvang Vermont cách Montre’al khoảng hơn 100 miles, chúng tôi đã gặp nhau đông đủ tại điểm hẹn lúc 2:00PM. Lúc này Đức Tổng vẫn còn đang trên đường đến từ Toronto. Vào lúc 3:30PM Ngài cũng đã đên nơi. Vừa bước ra khỏi xe Ngài vội vã đi thẳng đến một phòng họp được Ban Giám đốc Đền thánh dành riêng để chúng tôi gặp gỡ Ngài.

Tại đây, dù mới trải qua một cuộc hành trình lâu đến 6 giờ đồng hồ, Ngài tỏ ra không chút mệt mỏi khi gặp chúng tôi. Với nụ cười luôn nở trên môi, Ngài niềm nở với mọi người khiến cho ai nấy đều cảm thấy thậtt gần gũi với Ngài.

Trong suốt buổi gặp gỡ, với cử chỉ thân thiên của Ngài và với cách nói chuyện bình dân, giản dị với mọi người khiến chúng tôi vui đến nỗi có lúc đã quên bẵng thân thế của người đang hiện diện trước mặt mình. Ngài là một tên tuổi lớn không chỉ ở trong Giáo hội Việt Nam hay Giáo hội Hoàn vũ, Ngài còn là một nhân vật nổi tiếng trên trường quốc tế. Ấy vậy mà Ngài nói năng thật nhẹ nhàng, cung cách thật giản dị không dễ gặp được ở những người có trhế gía như Ngài.

Tinh thần vị tha, luôn sống cho tha nhân ở nơi Ngài đã thể hiện rõ nét khi Ngài sẵn sàng đứng chụp hình với chúng tôi trước lúc chia tay. Mặc dù còn phải đi gặp linh mục Gíam đốc Đền thánh, Ngài vẫn kiên nhẫn và vui vẻ chờ đợi để người “phó nhòm” cuối cùng chụp xong tấm hình để lưu niệm trước khi Ngài siết chặt bàn tay từ gĩa từng người.

Theo chân Ngài, chúng tôi cũng rời phòng họp để đến Đại Thánh Đường thánh Giuse nơi Ngài sẽ dâng thánh lễ. Hôm đó Ngài chủ tế thánh lễ với sự đồng tế của cha Giám đốc Đền thánh và nhiều linh mục Việt Nam ở trong vùng Montre’al cũng như đến từ Việt Nam. Số người tham dự thánh lễ ngoài những giáo dân Việt Nam còn có nhiều khách hành hương đến từ các nước khác đang có mặt tại đây. Tôi còn nhớ rất rõ trong bài giảng nói về thánh Giuse, nhân nói đến việc quốc gia Canada nói hai thứ ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, Ngài đề cập đến một thứ ngôn ngữ khác mà Ngài cho là ngôn ngữ của thánh Giuse. Đó là thứ ngôn ngữ của trái tim.

Nói đến trái tim là nói đến yêu thương, đến sự chính trực, khoan dung. Ngôn ngữ của trái tim vì vậy là ngôn ngữ của tình thương, của sự chân thành, cảm thông. Phải chăng Ngài đã dùng ngôn ngữ của trái tim trong cuộc gặp gỡ với nhóm chúng tôi cũng như với các bạn sinh viên của Tổng Giáo Phận Hà Nội nên Ngài đã nhanh chóng chiếm được thiện cảm của mọi người?

Thật ra thì Ngài đã dùng ngôn ngữ cũa trái tim với bất cứ ai và bất cứ ở đâu. Lời lẽ của Ngài luôn luôn chân thực, ý tưởng của Ngài luôn luôn trong sáng. Chỉ có những kẻ cố tình xuyên tạc, mang đầy thành kiến trong đầu hay là những người bị lừadối mới không hiểu được hay đã hiểu lệch lạc tâm lòng chân thành của Ngài.

Vermont 2/10/2009