LTS. VietCatholic nhận được hồi ký của đức cố Giám Mục Phaolô Lê Đắc Trọng, nguyên Giám Mục Phụ Tá GP. Hà Nội. Tập hồi ký có tựa đề Những Câu Chuyện Về Một Thời (Tập 3) xuất bản năm 2009 tại Hà Nội. Nhận thấy đây là tài liệu có giá trị về mặt lịch sử nên chúng tôi sẽ lần lượt trích đăng tài liệu hiếm qúy này để cống hiến bạn đọc. Bài đầu tiên là Lời Bạt của Đức TGM Ngô Quang Kiệt được in trong tác phẩm này.

LỜI BẠT

Khi “Những câu chuyện về một thời” tập 3 đang lên khuôn thì Đức cha Phaolô lâm trọng bệnh. Bệnh nhiều và nặng nhưng ngài vẫn giữ được phong thái ung dung, thần sắc tỉnh táo. Tuổi 92 mà vẫn vui tươi dí dỏm, ngay cả lúc thập tử nhất sinh, nằm trong bệnh viện, giữa những bệnh nhân đang quằn quại đau đớn.

Đó là phong thái của một tâm hồn đạo đức thánh thiện luôn đơn sơ phó thác. Nhìn mọi việc bằng con mắt của Chúa. Phó thác vận mệnh trong tay Chúa. Không có gì trên đời quan trọng bằng thuận theo thánh ý Chúa. Giữa những gian nan phức tạp của thế sự, không bận tâm tìm lý giải biện minh hay tìm thóat thân trong lối đi nhàn tản, nhưng chắt lọc, biện phân để tìm ra con đường đi về thánh ý.

Đó là phong thái của một cuộc đời dầy dạn kinh nghiệm trải qua cuộc sống gần 100 năm, qua 2 thế kỷ với biết bao thăng trầm không chỉ của bản thân mà còn của Giáo hội, đất nước và dân tộc. Từng trải để thấy sau những biến chuyển khốc liệt cuốn đi biết bao giả trá phù vân vẫn còn đó những giá trị vĩnh cửu và tuyệt đối. Từng trải để thản nhiên dung dị vượt lên trên bao khó khăn cuộc đời, như ngọn cao sơn sừng sững trước phong ba.

Đó là phong thái của một nhân cách cao cả vượt trên tất cả những tầm thường nhỏ nhen. Mỉm cười trước những tranh đua hơn thiệt. Mở rộng tấm lòng cảm thông với những sai sót. Bao dung tha thứ những xúc phạm. Vượt lên trên chính mình để thấy tất cả vui buồn, vinh nhục, thành bại rồi cũng sẽ qua đi. Chỉ còn đức bác ái tồn tại. Đức bác ái thể hiện qua lòng nhân ái.

Tất cả những điều đó bàng bạc trong suốt những câu chuyện tích lũy từ nửa thế kỷ qua. Đặc biệt trong “Những câu chuyện về một thời” tập 3, ta thấy ngòi bút của ngài thẳng thắn trung thực nhưng không gay gắt chỉ trích khi đề cập đến những sai lầm quá khứ; tỉ mỉ chi tiết nhưng nhẹ nhàng tha thứ khi ghi lại những xúc phạm mà ngài là nạn nhân; phân tích cặn kẽ nhưng không chút cay đắng khi kể lại những biến cố đau thương ngài đã trải.

Tập sách Đức Cha Phaolô gửi lại cho ta như một lời từ biệt cuối cùng, như một kỷ vật nhớ đời nhưng đồng thời cũng như một nhắn nhủ trước lúc lên đường, kín đáo như ngài vốn thế. Nhẹ nhàng mà sâu lắng. Âm thầm mà mãnh liệt. Thoang thoảng mà thấm sâu. Dù cách xa ta khó mà quên được ngài.

Hà nội ngày lễ Xá tội Vong nhân 2009

+Giuse Ngô Quang Kiệt

TGM Hà Nội

(đóng dấu và ký tên)