Chuyện đền bù đất bao giờ cũng là chuyện dài nhiều tập, không chỉ ở một nơi mà chỗ nào cũng vậy, Thủ Thiêm cũng không nằm ngoài cái ngoại lệ ấy. Để biến đổi thành khu đô thị mới, với biết bao nhiêu là dự án tốt đẹp các cấp “ lãnh đạo” đã làm bao nhiêu điều “ tốt đẹp” cho chúng tôi, những người dân vùng này.

CHUYỆN ĐỀN BÙ GIÁ ĐẤT

Trước đây, nhà nước đề nghị một giá đất để đền bù cho người dân bỏ nhà của mình, giao đất cho nhà nước, di dời đến nơi khác hầu nhà nước dễ bề xây dựng một khu đô thị mới. Dân có khiếu nại thì nhà nước giải quyết bằng cách...giảm giá tiền đền bù. Ví dụ, trước đây giá đền bù là 5 triệu một mét vuông, dân không đồng ý và khiếu nại, thì giá đền bù rớt xuống 4 triệu và cứ còn khiếu nại thì còn giảm giá cho đến khi.. .hết khiếu nại mới thôi. Giảm giá đền bù là vũ khí tối hậu để “ bịt mồm” không cho dân tiếp tục khiếu nại.

CHUYỆN ĐO ĐẠC

Khi đã ngã giá cả xong xuôi thì chúng tôi được chính quyền đến đo đạc. Cũng một cây thước đấy thôi mà hai người đo có kết quả khác nhau, chủ nhà đo thì có một con số khác còn chính quyền chính thức đến đo thì diện tích đất tự nhiên “khiêm nhường” hẳn đi. Ví dụ nhà tôi 500 mét vuông mà khi đo lại chỉ còn có 450 mà thôi. Có nhờ chính quyền đo đi đo lại thì con số nó cũng chỉ có ngần ấy mà thôi. Vì khi đo các anh đã tìm đủ mọi cách để trừ bớt đầu này hoặc đầu kia mà tính con số cho “ gọn”!

TÌNH NGUYỆN DI DỜI

Trên giấy tờ và trên danh nghĩa thì người dân được chính quyền cho lựa chọn và khuyến khích dân tình nguyện di dời. Tuy nhiên, đây là mảnh đất đã gắn bao nhiêu đời của họ hàng, gia đình chúng tôi. Kỷ niệm từng góc đường, từng mảnh vườn, và tình làng nghĩa xóm mấy trăm năm qua, từ khi Thủ Thiêm con là một đầm lầy. Bao nhiêu ân tình và yêu thương gắn bó như vậy bảo sao mà chúng tôi muốn tình nguyện bỏ đi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải ngậm ngùi mà đi trên danh nghĩa là tình nguyện, nhưng kỳ thực tình nguyện trong “ nước mắt” và cả trong tiếng “ lẩm bẩm” của người dân thấp cổ bé miệng. Công an đến và đưa một tờ giấy nói rằng: trong vòng 7 ngày gia đình phải ký giấy tình nguyện đi. Nếu không đi chính quyền sẽ tự động gửi món tiền đền bù này vào ngân hàng. Nên cuối cùng người dân buộc lòng phải đi.

LÃNH TIỀN ĐỀN BÙ

Cù cưa mãi cũng không xong, những gia đình đồng ý di dời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình trong buồn tủi và ngậm ngùi cũng đành nuốt lệ đi lãnh tiền đền bù. Nhưng đoạn trường đã xong đâu, nếu muốn lãnh tiền sớm và lãnh giấy bạc có mệnh giá lớn thì phải “ gửi anh ít tiền uống nước” thì mới may mắn được lãnh sớm. Anh nào không biết cái “ thủ tục đầu tiên” này thì coi như vừa lãnh tiền trễ lại vừa được một bao.. .tải tiền, mệnh giấy nhỏ. Việc này rất nguy hiểm cho người dân. Xe hơi đâu mà đi nên họ đi xe máy đến lãnh tiền, chở một bao tải rõ to từ ngân hàng bước ra thì coi như đưa cả cái nhà của mình nhử mồi cho ăn cướp!

Chuyện nhiêu khê của di dời có lẽ sẽ còn nhiều tập nữa, nhưng sao mà vất vả cho người dân ở khu vực Thủ Thiêm, nơi mà dân lao động chân tay là chủ yếu, nơi người dân chân chất mỗi ngày vượt qua phà Thủ thiêm sang phía Saigon tráng lệ làm công. Chiều về lại lủ khủ kéo nhau về nơi ở tưởng đã an cư lạc nghiệp nhưng nay đã trở thành nhiều âu lo và cả nước mắt.