Nhân ngày nhà giáo 2009, Đức cha Micaen Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum đã gửi đến quý thầy cô Công giáo một lá thư mục vụ khiến nhiều người phải suy nghĩ về thực trạng giáo dục và việc xã hội hóa giáo dục tại Việt Nam.

Tôi nhớ lại cách đây hơn một năm, linh mục Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT Việt Nam đã gửi một bài tham luận cho Hội nghị “Xã hội hoá giáo dục - y tế - từ thiện” do Ban Tôn Giáo Chính phủ tổ chức ngày 24.07.2008 tại Sài Gòn. Nhưng cho tới nay bài tham luận này cũng như các ý kiến đóng góp của các dòng tu cũng như các tôn giáo khác không hề được quan tâm. Vì nói như Đức cha Oanh nhà nước này vẫn chưa "vượt lên cái sợ tôn giáo" được. Họ vẫn tuyên truyền cho nhau những "cái mũ" mà họ "chụp" cho các tôn giáo, đặc biệt là Công giáo. Đức cha Oanh thắc mắc: "Thử hỏi một nền giáo dục mà không có “Tôn Giáo” thì tương lai sẽ ra sao? Một con người chỉ được đào tạo cái tay, cái chân, cái đầu, cái óc mà không được giáo dục cái Tâm, cái Linh thì sẽ tạo ra những hình tượng gì?". Liệu mấy cái đầu "bã đậu" đang cầm quyền trên đất nước Việt Nam có hiểu nổi vấn đề này không?

Xin đăng lại ở đây nguyên văn Tham luận của Giám tỉnh DCCT VN về "xã hội hóa giáo dục, y tế, từ thiện" ngày 24/7/2008:

(Trình bày tại Hội nghị “Xã hội hoá giáo dục - y tế - từ thiện” do Ban Tôn Giáo Chính phủ tổ chức ngày 24.07.2008)


Kính thưa quý vị đại biểu,

Hôm nay, trong khuôn khổ hội nghị bàn về xã hội hoá giáo dục, y tế và từ thiện nhân đạo, đại diện cho 280 linh mục tu sĩ DCCT đang phục vụ tại hơn 20 tỉnh thành ở 3 miền đất nước, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Thứ nhất: Xã hội hoá giáo dục - y tế là chủ trương đúng đắn. Quy luật phát triển của xã hội đòi hỏi phải xã hội hoá giáo dục. Trước đây, các triều đại phong kiến, chế độ thực dân và các chế độ cộng hoà ở Việt Nam đều đã thực hiện điều này. Nhiều tổ chức tôn giáo đã mở trường và lập nhà thương. Bản thân DCCT chúng tôi trước đây cũng đã được các chính quyền cho mở trường và dạy học từ cấp mầm non đến cấp đại học. Nhiều cán bộ hiện nay từ cấp làng xã đến cấp trung ương đã từng học ở các trường Công giáo chúng tôi. Do đó, chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương xã hội hoá giáo dục, y tế và từ thiện.

Thứ hai: Hiện nay ở Việt Nam nhiều cá nhân và tổ chức trong ngoài nước đã được phép mở trường học hoặc / và trung tâm dạy nghề và bệnh viện, trong khi ấy một chủ thể có kinh nghiệm giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khoẻ như Giáo hội Công giáo thì lại không. Không thể tiếp tục đối xử bất bình đẳng với các tôn giáo! Không thể tiếp tục gạt các tôn giáo ra bên lề xã hội và biến các tôn giáo thành “người ngoại quốc”, và thậm chí còn bị đối xử không bằng một người ngoại quốc, trên quê hương Việt Nam như thế ! Nếu chính quyền thực sự thương dân thương nước này, nếu chính quyền thực sự tôn trọng tự do tôn giáo, nếu chính quyền thực sự tôn trọng pháp luật, chính quyền phải để cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào tiến trình xã hội hoá giáo dục-y tế, cụ thể là được mở trường và lập bệnh viện như những cá nhân và tổ chức khác.

Thứ ba: Yêu cầu cấp bách chính quyền công nhận các dòng tu, giáo xứ, giáo phận và Giáo hội Công giáo có tư cách pháp nhân và bình đẳng trước pháp luật như những tổ chức xã hội - chính trị khác, vì trên thực tế cho đến hiện nay các tổ chức uy tín này của Công giáo vẫn chưa được công nhận về mặt pháp lý trong các giao dịch dân sự: tài khoản ở ngân hàng không được lập, con dấu và chữ ký không được nhìn nhận, v.v...

Thứ bốn: Chúng tôi phản đối việc gắn liền tiến trình xã hội hoá giáo dục-y tế với việc cổ phần hoá các trường công và bệnh viện công. Vì như thế là tước mất cơ hội học tập và chữa bệnh của người nghèo. Cũng trong tiến trình xã hội hoá giáo dục - y tế, chúng tôi đề nghị giao quyền quản lý và điều hành các cơ sở giáo dục - y tế mà chính quyền đã mượn của các giáo xứ, các dòng tu, các giáo phận và Giáo hội Công giáo cho chính các tổ chức này. Các tổ chức này sẽ điều hành và quản lý theo quy định của luật pháp và sẽ dạy học sinh, sinh viên theo chương trình đào tạo quốc gia. Như thế, sẽ vừa giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, vừa tạo cơ hội cho nhiều người nghèo được học tập và chữa bệnh.

Nếu muốn xã hội hoá giáo dục - y tế, chúng tôi nghĩ chính quyền phải bắt đầu thực hiện những điều trên đây. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho quý vị biết được ý của Chúa Trời và hành động theo ý Chúa Trời. Vì “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” cho quý vị, cho con em chúng ta, cho chúng tôi và cho cả dân tộc Việt Nam và đất nước thân yêu này.

Cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

Kính chúc quý vị dồi dào sức khoẻ.

Linh mục Vinhsơn Phạm Trung Thành

Giám tỉnh DCCT Việt Nam

Đại diện báo cáo:

Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại

Thư ký - Chánh Văn phòng