Cuộc ‘hôn nhân’ nhiều xung đột?

Sau các vụ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, những gì đang diễn ra tại Đồng Chiêm trong những ngày qua một lần nữa cho thấy mối ‘quan hệ’ giữa Chính quyền Việt Nam và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam có không ít căng thẳng và luôn ẩn chứa xung đột.

Có thể nói một trong những nguyên nhân chính – nếu không muốn nói là nguyên nhân sâu xa nhất – dẫn đến những căng thẳng và xung đột giữa chính quyền và người Công giáo đó là sự đối kháng, xung đột về quan điểm, cách sống.

Một bên luôn tìm mọi cách phủ nhận hay loại trừ các yếu tố tâm linh ra khỏi đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Còn một bên luôn đặt đời sống tâm linh làm trung tâm điểm cho mọi suy nghĩ, hành động của mình.

Chính vì điều đó, kể từ khi lên nắm chính quyền, người Cộng sản đã tìm mọi cách giới hạn hay thậm chí phá hủy, triệt hạ các sinh hoạt, hoạt động, biểu tượng tôn giáo nói chung và của người Công giáo nói riêng.

Bị giới hạn, theo dõi

Tại miền Bắc sau 1945 và tại miền Nam sau 1975, ngoài một số sinh hoạt tôn giáo thuần túy, hạn hẹp tại các cơ sở phụng tự giới hạn của mình, người Công giáo dường như không còn có chỗ đứng hay tiếng nói nào trong xã hội.

Các trường dạy Giáo lý, giáo dục đức tin cho con em bị tịch thu. Thậm chí trong nhiều năm, ngay cả các đại chủng viện cũng bị đóng cửa.

Rồi người Công giáo cũng không còn được phép, không còn có điều kiện để đóng góp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện bác ái. Đây là những hoạt động mà xã hội rất cần và họ lại có thế mạnh, và luôn được mời gọi dấn thân phục vụ.

Trước chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước, Đức Hồng Y (ĐHY) Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Fides và được đăng lại trên các trang mạng Công giáo.

Trong đó, khi nhìn lại 30 Giáo hội sống trong môi trường Việt Nam, ĐHY cho rằng sự thay đổi chính trị vào năm 1975 đã “lôi kéo theo nhiều mất mát và giới hạn cho Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam”.

“Riêng Tổng Giáo phận Sàigòn đổi tên là Tổng Giáo phận Thành phố HCM, với nhiều mất mát”.

Chẳng hạn, “về cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo: mất đi gần 400 cơ sở. Do đó không còn trường công giáo là nơi dạy giáo lý, giáo dục đức tin cho giới trẻ. Không còn bệnh viện công giáo, không còn những trung tâm từ thiện nhân đạo. Không còn những tổ chức hoạt động bác ái xã hội, chỉ còn cơ sở phụng tự”.

Mặc dù quan điểm, cách sống đối nghịch, mặc dù bị bất công đối xử, mặc dù chịu nhiều mất mát, cũng giống như các tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận ‘sống chung’ với chính quyền.

Trong cuộc ‘sống chung’ đó, Giáo hội giống như một ‘người vợ’ bị nô lệ, bị giam cầm. Muốn đi đâu khỏi ‘căn nhà’ của mình hay muốn nói cái gì, làm cái gì ngoài ‘chuyện bếp núc’ thì phải xin phép.

Ngay cả trong ‘chuyện bếp núc’, ‘nấu’ cái gì, ‘nấu’ như thế nào nhiều lúc cũng bị theo dõi, chất vấn, tra hỏi.

Bị đánh đập, bắt bớ

Trước sự giam cầm, bất công, đối xử đó, trong thời gian đầu của ‘cuộc sống chung’, cũng có một vài vụ phản kháng chống lại sự áp bức đó như vụ Trang Nứa, Quỳnh Lưu tại Giáo phận Vinh vào những năm 1950s. Nhưng rồi, tất cả đều bị dập tắt.

Vì hoàn cảnh lịch sử, vì biết không thể làm gì hơn, ‘người vợ’ này trong nhiều năm chỉ biết âm thầm chịu đựng.

Không còn những cơ sở để dạy giáo lý cho con em, không còn được phép tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nhân đạo, người Công giáo chỉ biết coi gia đình và giáo xứ như là môi trường duy nhất để giáo dục, để sống đức tin của mình.

Nhưng sức người có hạn. Bị dồn nén hoài nên cũng có ngày ‘tức nước vỡ bờ’. Không thể mãi nhắm mắt làm ngơ trước những vô lý, bất công người Công giáo đã dám mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, ‘đòi’ lại quyền của mình.

Trong một cuộc gặp với chính quyền Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã mạnh dạn nói rằng: “tôn giáo là quyền tự nhiên con người được hưởng. .. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải ân huệ ‘xin-cho’”.

Trong dịp Lễ Quan Thầy của Giáo phận Vinh, Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên cũng đã thẳng thắn nói rõ: “Giáo hội không bạo động. Giáo hội không nổi dậy. Giáo hội chỉ đòi chân lý, đòi công bình, cho nên chúng ta phải làm sao để có thật sự tự do hoà bình, đó là điều chính”.

Nhưng khi mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, ‘đòi’ lại những quyền căn bản của mình, người Công giáo lại một lần nữa bị trù dập, bị đánh đập, bị bắt bớ, bị tra hỏi, bị kết án.

Những gì xảy ra tại Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý và trong những ngày này tại Đồng Chiêm là những ví dụ điển hình.

Vì dám thẳng thắn nói rằng ‘tôn giáo là quyền chứ không phải là một ân huệ’, Đức Tổng Kiệt đã bị trù dập. Vì dám ‘đòi’ lại và bảo vệ tài sản của mình giáo dân Thái Hà đã bị bắt bớ, kết án.

Chỉ vì dựng một cái lán ngay trên đất của mình để làm nơi che nắng che mưa vào các dịp lễ, linh mục và giáo dân tại Tam Tòa bị đánh đập. Chỉ vì muốn bảo vệ Thánh Giá – biểu tượng cao quý nhất của mình, người Công giáo Đồng Chiêm bị đánh đập.

Những căng thẳng, xung đột tại Đồng Chiêm sẽ không bao giờ xảy ra nếu Thánh Giá không bị xúc phạm, nếu quyền tự do tôn giáo hoàn toàn được tôn trọng.

Nhưng vẫn vững niềm tin

Nhưng dù dùng thủ đoạn, sức mạnh khác nhau để giới hạn, để đàn áp, để triệt hạ, họ vẫn không thể dập tắt được niềm tin nơi người Công giáo.

Và hình như khi bị trù dập, bị đánh đập, bị bắt bớ, bị tra hỏi và bị kết án một cách vô lý, một cách bất công, một cách tàn nhẫn, người Công giáo lại càng can đảm sống niềm tin của mình hơn.

Việc chính quyền triệt hạ Thánh Giá hay đánh đập giáo dân tại Đồng Chiêm không chỉ khơi dậy và hâm nóng niềm tin các linh mục, giáo dân Đồng Chiêm mà còn thiết chặt tình liên đới, hiệp thông giữa hàng triệu người Công giáo trong và ngoài nước.

Nếu không có chuyện xúc phạm đến Thánh Giá, nếu không có chuyện giáo dân bị đánh, chắc có ít ai biến đến Đồng Chiêm, tìm về với Đồng Chiêm như trong những ngày này.

Những hình ảnh từ Đồng Chiêm phát đi cho thấy một cây Thánh Giá bị hạ, nhiều cây ‘Thánh Giá’ ‘lớn nhỏ’ khác nhau đã và đang được dựng lên.

Lịch sử cũng cho thấy rằng nhiều vương quyền, đế chế, chế độ khác nhau đã từng tìm cách triệt hạ ‘Thánh Giá’, tiêu diệt những ai treo, mang, theo Thánh Giá đó nhưng rồi chính họ đã ‘chết’. Còn cây Thánh Giá ấy và những ai tin vào Thánh Giá đó vẫn mãi trường tồn.

Khi nào hết xung đột?

Khi chứng kiến những gì đang diễn biến tại Đồng Chiêm, có người tự hỏi tại sao chỉ mới cách đây một tháng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp được coi là lịch sử, thân thiện, với nhiều hứa hẹn tốt đẹp với Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tại Vatican lại có một sự việc tồi tệ như vậy xảy ra?

Trong một bài viết mới nhất được đăng trên các trạng mạng Công giáo, linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh cho rằng ngài chẳng ngạc nhiên trước những sự việc đó vì “các quan chức cộng sản có thể có những vai diễn khác nhau nhưng đạo diễn duy nhất vẫn là đảng cộng sản”.

Theo ngài, “bắt tay Đức Giáo Hoàng, hay là triệt hạ Cây Thánh Giá, chỉ là những màn khác nhau của cùng một vở tuồng. Cộng sản Việt Nam với tôn giáo, ở đây chính xác là Công Giáo: Chiến thuật thay đổi tuỳ thời điểm, nhưng chiến lược thì không”.

Phải chăng vì muốn loại trừ đời sống tâm linh cũng như các biểu tượng và sinh hoạt tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội, nên người ta có thể làm tất cả? Phải chăng vì điều đó mà ‘chiến thuật của họ thay đổi tùy thời điểm nhưng chiến lược thì không’?

Nếu vậy phải chăng cũng như các tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo vẫn mãi không có tiếng nói, không có chỗ đứng và vẫn phải chịu cảnh đánh đập, bắt bớ, giam tù nếu dám mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, dám ‘đòi’ lại quyền của mình?

Và nếu vậy mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội hay ‘cuộc hôn nhân’ bắt đắc dĩ, ‘cuộc hôn nhân’ do thời cuộc đưa đẩy, sắp xếp này vẫn luôn căng thẳng và xung đột vẫn cứ xảy ra? Có ai dám chắc rằng Đồng Chiêm là vụ tranh chấp, xung đột cuối cùng?

Căng thẳng, xung đột chỉ có thể chấm dứt nếu các tôn giáo và Giáo hội Công giáo nói riêng không còn bị bất công đối xử, không còn bị áp bức.

Như lời Đức Cha Thuyên, “Giáo hội không bạo động. Giáo hội không nổi dậy”. Giáo hội càng không thể và không muốn thay thế chính quyền. “Giáo hội chỉ đòi chân lý, đòi công bình, cho nên chúng ta phải làm sao để có thật sự tự do hoà bình, đó là điều chính”.

Và khi có tự do, có hòa bình đó chắc chắn những vụ việc thật đáng tiếc, không nên có như Đồng Chiêm sẽ không bao giờ xảy ra.