SAU 35 NĂM HÒA BÌNH “MẮT MẸ VẪN CHƯA VUI”

Một thoáng suy tư qua nội dung ca khúc “Sao mắt mẹ chưa vui” của cố NS. Trịnh Công Sơn

Mới đây mà đã 35 năm sau biến cố định mệnh “30.4.1975”.

Nói rằng “biến cố định mệnh” dành cho sự kiện kết thúc cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt 20 năm giữa những người con dân Đất Việt, chắc chắn không phải là quá cường điệu. Bởi chưng, cùng với biến cố nầy, thân phận của cả một dân tộc bước vào một khúc quanh lịch sử mới: Toàn bộ nhân dân và đời sống xã hội “thống nhất” trong và dưới một chế độ độc tài đảng trị được trang bị bởi một ý thức hệ không tưởng, phi nhân mà nhân loại tiến bộ khắp nơi đã quăng vào sọt rác của lịch sử.

Trong khi khi đó, có không biết bao gia đình mà biến cố 30.4.75 quả thật là một định mệnh oái ăm chết người. Cái định mệnh mà ở đó cố nhạc sĩ Miền Nam tài danh đã báo trước từ năm 1968, sau cuộc chiến đẩm máu của cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân (1968) với bài hát mang đậm dấu ấn tiên tri cho cái ngày Hòa Bình định mệnh sau đó 5 năm. Bài hát về chiến tranh của Trịnh Công Sơn mà tôi thích nhất.

1. Ðêm nay hòa bình sao em nhỏ chưa vui
Hãy bước ra đây nhìn phố ngợp người
Ðêm nay hòa bình không nụ cười trên môi
Nhìn quanh em không ai còn lại
Không ai còn lại
Ru đỡ tình người cho có đôi

2. Ðêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui
Mẹ hãy ra xem đường phố ngập người
Ðêm nay hòa bình mắt mẹ buồn như kinh
Lời kinh đêm ru căn nhà lạnh
Ru me một mình
Ru mẹ một mình ôm bóng đêm


Trước hết là những người dân Miền Nam, một phần đất có chủ quyền với chế độ Cộng Hòa liên tiếp với hai nhiệm kỳ Tổng Thống. (Không kể nhiệm kỳ Tổng Thống thứ ba của tên tướng phản thầy Dương Văn Minh chỉ tồn tại được có mấy tiếng đồng hồ).

Chính vì thế, đối với hầu hết dân Miền Nam thuộc phe Quốc Gia, ngày hòa bình 30.4.75 là ngày quốc hận, là ngày đánh mất tất cả những gì mà mình đã xây dựng, chắt chíu với bao máu xướng, mồ hôi và nước mắt. Cho nên, Đêm nay hòa bình chỉ còn lại mất mát, đắng cay, sầu buồn, chia biệt:

Ðêm nay hòa bình tôi muốn nghe
Lời nói âm u trên đường về của mẹ
Ðiệu hát hoang vu trên phố sáng của anh
Giọng cười em thơ âm thầm từ thềm vắng
Chị hát nghẹn ngào bên nôi ấm của con
Ðêm nay hòa bình tôi muốn đi
Tìm thấy em thơ trong nụ cười của chị
Tìm thấy mẹ xưa trên môi nín của cha
Tìm gặp tên anh trong tình người vợ góa
Tìm thấy bạn bè trong nỗi nhớ của ta


Mà không chỉ những người dân Miền Nam theo Quốc gia mới lãnh đủ quả đắng của cái gọi là “Hòa Bình thống nhất”, mà cả bao nhiêu gia đình phía Bắc, cũng đã thấm thía nối đau của “hai mươi năm nội chiến từng ngày” để rồi vào chính lúc kết thúc chiến tranh, chỉ thấy một màu hoang tái của những người vợ mất chồng, mẹ mất con, người yêu vĩnh biệt, bạn bè mất nhau…

3. Ðêm nay hòa bình sao anh lại chưa vui
Hãy bước ra đây nhìn phố ngợp người
Ðêm nay hòa bình anh gọi thầm tên ai
Gọi tên ai trong căn nhà nhỏ
Anh đi trận về nghe lại chuyện kể
Ngỡ giấc mơ

4. Ðêm nay hòa bình sao mắt chị chưa vui
Chị hãy ra xem đường phố ngập người
Ðêm nay hòa bình sao chị còn bâng khuâng
Chị ru con sao ru lạnh lùng
Ru cha bỏ mình
Ru đời chỉ còn mẹ với con.


Toàn dân Miền Nam Quốc Gia sau 20 năm cương quyết bảo vệ vùng đất tự do, bảo vệ những giá trị nhân văn cao quí của văn minh con người, cuối cùng đã đuối sức trước sự vô tâm và cuồng tín của chính những người anh em Miền Bắc, quyết chiếm cho được Miền Nam bằng mọi giá để nhuôm đỏ ý thức hệ Cọng Sản trên toàn dãi đất chứ S. Cho dù có nhiều ý kiến để lý giải sự thất bại của Miền Nam như: đời sống chính trị-xã hội phân hóa, thiếu những người lãnh đạo tài đức, thiếu sự đoàn kết của toàn dân, kinh tế phụ thuộc, sự phản bội của Đồng Minh Hoa Kỳ, bị chi phối bởi những thế lực chính trị thế giới trong bối cảnh chiến tranh lạnh…Tất cả không sai. Tuy nhiên, theo tôi, cái yếu tố nền tảng đã làm cho nhân dân Miền Nam thua cuộc chính là cái yếu tố mang tính “bản chất” của người Miền Nam, cái bản chất hiền hòa, vị tha, không muốn hơn thua, tranh đoạt. Cái bản chất uyên nguyên đó lại được trau dồi trong một nền văn hóa tự do, dân chủ, nhân bản, và thấm đẫm tinh thần đạo lý từ bi, bác ái của các tôn giáo chuộng cái lý, cái tình, hơn là bạo lực sắt máu…Chính điều đó đã làm cho Miền Nam đổ sập để bị đè đầu cởi cổ của bọn người luôn chọn đấu tranh để mở mang ý thức hệ, chọn bạo lực như phương tiện tối ưu, chọn dối trá, đê hèn để biện minh cho mục tiêu chiến thắng.

Phản ảnh điều đó đậm nét nhất có lẽ là ngôn ngữ của văn chương và âm nhạc. Nếu có ai tập hợp tất cả các tác phẩm văn chương và âm nhạc của thời nội chiến đó ở cả hai miền rồi thử so sánh, phân tích. Tôi cam đoan sẽ khác biệt nhau một trời một vực.

Chúng ta cứ đơn cử một Trịnh Công Sơn, một Trần Thiện Thanh đại diện cho nền âm nhạc Miền Nam để xem thử họ đã nói về chiến tranh, về người lính, về kẻ thù bằng thứ ngôn ngữ nào. Và rồi thử đưa ra một vài bài hát thuộc loại “nhạc Cách Mạng” kinh điển thì sẽ thấy có một thứ ngôn ngữ hoàn toàn trái ngược đến 180 độ.

Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe.
Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy, đại bác qua đây con thơ buồn tủi nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi. Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi lắng nghe.
Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình, hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng, từng đêm chong sáng là mắt quê hương.
(Đại bác ru đêm của cố NS. Trịnh Công Sơn)

Người con gái một hôm qua làng
đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng
Người gái chợt ôm tim mình
trên da thơm, vết máu loang dần
Người con gái Việt Nam da vàng
mang giấc mơ quê hương lìa kiếp sống
Người con gái Việt Nam da vàng
yêu quê hương nay đã không còn
(Người con gái Việt nam Da vàng. NS. Trịnh Công Sơn).

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần, nh́ìn anh đến những xót xa đành nói cùng hư không!
(Anh nằm xuống. NS. Trịnh Công Sơn)


Trong khi đó, ngay với bài chọn làm Quốc Ca, Miền Bắc đã muốn chọn sắc máu hận thù làm tiêu chí để hành động, lên đường:

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.
Đường vinh quang xây xác quân thù,
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,
Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
(Tiến quân ca. Quốc ca Miền Bắc và hôm nay)

Ai nhanh tay vót bằng tay em?
Chim hót không hay bằng tiếng hát em.
Mỗi mũi chông nhọn hoắc căm thù.
Xiên thây quân cướp nào vô đây.
Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo.
(Cô gái vót chông. NS. Hoàng Hiệp)

Quả pháo ơi sao mà yêu như đứa trẻ
Suốt đêm ngày ta bế trên vai
Đường về đô thị còn xa
Ngày nay đi diệt thù cứu nước có ta có mình.
Chị em ta, cô gái thành đô đem lứa tuổi xuân
Cùng hiến dâng quyết giải phóng quê mình
Chị em ơi! Niềm tin tháng lợi thôi thúc ta lên đường
(Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. NS Lư Nhất Vũ)


Phải chăng cũng chính sự khác biệt căn cốt đó mà đã 35 thống nhất Đất Nước rồi, toàn dân qui về một mối rồi, nhưng lòng người thì vẫn còn phân chia, hận thù về “nợ máu” vần hằn sâu trong tim óc nhiều người, nhất là những đảng viên trung kiên với Cách mạng và có không ít thân nhân hy sinh trong cuộc chiến. Rồi nhất là với chiến dịch tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng bác Hồ vĩ đại, những nhà lãnh đạo Cọng Sản hôm nay lại một mặt cố gồng mình để to son trét phấn cho một cái thây ma chủ nghĩa đã thối rửa, một mặt đánh phá các giá trị tôn giáo uy tín bằng nững thủ đoạn hạ cấp như cướp đất nhà thờ, chùa chiền, đánh đập hành hạ các ni cô, sư sãi, linh mục, mục sư; kết án, giam tù những nhà bất đồng chính kiến và tranh đấu cho tự do dân chủ, nhân quyền, trấn áp những cuộc đấu tranh chính đáng của những người nông dân không có đất canh tác, những người sắc tộc không có rừng để mưu sinh, tước đoạt những quyền từ do cơ bản của con người: tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo…

Những ước vọng của Trịnh Công Sơn ngày nào xem ra quá xa vời đối với tương lai dân tộc Việt nam chúng ta, những ước vọng mà vào thời chưa kết thúc chiến tranh, đã âm vang cuồn cuộn trong trái tim của những người dân Việt yêu nước, yêu quê hương.

Huế Sài Gòn Hà Nội hai mươi năm tiếng khóc lầm than
Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim Việt Nam
Đạn bom ơi, lòng tham ơi, khí giới nào diệt nổi dân ta
Việt Nam ơi bừng cơn mơ cho mắt nhìn sạch tan căm thù
Hãy xóa hết dấu tích buồn xưa
Ngày mai đây những con đường Nam Bắc nở hoa
Bàn tay thân ái lòng không biên giới
Anh em ơi lắng nghe tình nhau
Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu
Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu
Cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao
Ngày-Nam-Đêm-Bắc tình chan trong mắt
Sẽ thấy trăm bình minh ngọt ngào
(Huế Sài Gòn Hà Nội. NS. Trịnh Công Sơn)


Như vậy, sau 35 năm kể từ biến cố 30.4.1975, tôi có thể mượn lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để đau đớn nói lên rằng: "SAU 35 NĂM HÒA BÌNH “MẮT MẸ VẪN CHƯA VUI