35 NĂM HIỆP THÔNG VỚI GIÁO HỘI QUÊ HƯƠNG

Biến cố ngày 30.04.1975 đã làm thay đổi quá nhanh và quá nhiều cho Miền Nam Tổ Quốc Việt-Nam, về chánh trị, kinh tế lẫn tín ngưỡng và tôn giáo.

Người dân Miền này vô cùng ngỡ ngàng với những thay đổi. Trước đĩ, Miền đất họ sống chiến tranh bao phủ, nhưng người dân cĩ tự do dù hạn chế để ngừa phá hoại an ninh. Những lời hứa với các sĩ quan Việt-Nam Cộng hịa về thời gian đi tù, được ngụy trang ‘học tập cải tạo’ đã gieo sự nghi ngờ nơi giới cầm quyền mới. Tiếp theo, những cuộc đổi tiền làm cho đồng bào thêm nghèo…

Giáo hội Công giáo Quê Hương, là thành phần của Dân Tộc, không là một ngoại lệ, đã sống trọn vẹn với vận mạng của Dân Tộc Việt-Nam. Các Đức Giám mục (kể cả Đức Tổng Giám mục Henri Lemaître, Khâm sứ Tòa Thánh, đại diện Đức Thánh Cha cạnh Hội đồng Giám mục, đã chấp nhận mọi gian nguy, hiểm trở có thể đến với mình, quyết chu toàn nhiệm vụ Chủ chăn mà Đức Thánh Cha, thừa ủy nhiệm Chúa Kitô, giao phó để dẫn dắt Cộng dồng Dân Chúa. Nhờ thế, Giáo hội Công giáo Việt-Nam vẫn sống kiên cường dưới sự linh hướng của Hội đồng Giám mục.

I.- HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT-NAM.

Chúng ta xác tín: Giáo hội Công giáo Quê Hương được lãnh đạo và đại diện bởi Hội đồng Giám mục Việt-Nam. Tiếng nói hay hành động của một tín hữu Công giáo, dù người đó là một Giám mục, một Linh mục, một Tu sĩ hay một Giáo dân, cũng chỉ là tiếng nói hay hành động của cá nhân ấy mà thôi chứ không phải của Giáo Hội Công Giáo tại Việt-Nam (Giáo luật điều 447 và những điều kế tiếp).

1.- Các Giám mục Miền Nam đã nhận định « Đứng trước hoàn cảnh mới và phức tạp, chúng tôi ý thức tầm mức quan trọng của khóa họp (từ ngày 15 đến 20.12.1975) và vì thế, chúng tôi đã nhất trí đề ra một phương pháp mới để làm việc. » và đã có các phiên họp để đề ra những đường hướng sống đạo trong hoàn cảnh mới về Giáo hội tại thế, Dấn thân, Phục vụ và Người Công giáo và Chủ nghĩa xã hội trong Thư Chung ngày 16.07.1976.

Trong Thư Chung này, các Đức cha nhấn mạnh: « Giáo hội ước mong được đối thoại với hết mọi người vì tin rằng đối thoại là con đường tốt nhất để đi tới sự thông cảm nhau » và « Giáo hội cũng chỉ nhắm một điều là tiếp tục công cuộc của chính Chúa Kitô. Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho Chân lý, để cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được hầu hạ (xem Vui mừng và Hy vọng 3) ».

2.- Hội đồng Giám mục Việt-Nam đã họp Đại hội từ ngày 24.04 đến 01.05.1980 tại Hà nội. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành Sắc chỉ ‘Venerabilium Nostrorum’ thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt-Nam ngày 24.11.1960, các Đức Giám mục Việt-Nam mới có dịp họp chung. 33 Đức Giám mục đã có thư gởi toàn thể tín hữu Công giáo ngày 01.05.1980. Trong đó, Hội đồng Giám mục Việt-Nam xác định Đường Hướng Mục Vụ được xây dựng dựa trên căn bản:

A.- Một Hội Thánh vì Loài Người. Sứ mạng của Hội Thánh:

a) không những là đem Phúc Âm và ân sủng của Chúa Kitô đến cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế (Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân 1).

b) là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến không phải để được hầu hạ, nhưng đến để phục vụ tất cả loài người. Đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích trong thông điệp "Đấng Cứu chuộc con ngườĩ" (Redemptor Hominis) rằng: « Con người là con đường của Hội thánh », nghĩa là tất cả mọi con đường của Hội thánh đều dẫn tới con người (Đấng Cứu chuộc con người, 14). Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hội thánh và xã hội trần thế, giữa sứ mạng của Hội thánh và xã hội trần thế, vì ‘dù có tin hay không tin, mọi người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cần chung sống trong thế giới này (Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Vui mừng và Hy vọng, 21, 6).

B.- Hội Thánh trong Lòng Dân Tộc. Sự gắn bó và hòa mình với Dân Tộc và Đất Nước đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:

a) Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc;

b) Xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp với truyền thống Dân Tộc.

Các Giám mục cũng đã loan báo việc thông qua ‘Qui chế Hội đồng Giám mục Việt-Nam’ và giải thích ý nghĩa việc đi Rôma: “Việc viếng mộ các Tông đồ và việc tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới tại Rôma nói lên hai đặc tính của Hội thánh Chúa Kitô là phổ quát và hợp nhất, đồng thời thể hiện tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm của các Giám mục đối với Hội thánh hoàn cầu.”

3. Ad limina viết tắt của ad limina apostolonna (aux seuils des basiliques des apôtres) = bước qua ngưỡng cửa vương cung thánh đường các tông đồ, nói cách khác là đến Rôma. Tại đây, các Giám mục, mỗi năm năm phải đến viếng mộ hai thánh Tông đồ, Phêrô và Phaolô, cùng gặp Đức Giáo Hoàng để tường trình về mục vụ tại Giáo phận mình có trách nhiệm. (Giáo luật điều 400).

Ngay sau đó, 21 Đức Giám mục Việt-Nam thực hiện ‘ad limina' do Đức hồng y Trịnh văn Căn hướng dẫn. Lần đầu tiên, các Giám mục đến đông từ miền Bắc đến viếng Tòa Thánh và gặp Đấng kế vị Phêrô. Đặt biệt, ngày 22.06.1980, Đức Thánh Cha đã ưu ái đến tận Nhà Quản lý Phát Diệm (Rôma) để thăm Đức hồng y và các Đức cha.

Năm 1985 chỉ có 3 Giám mục được về Rôma. Năm 1990 có 21 Giám mục và 1996 có 14 Giám mục về Rôma.

Từ ngày 14.01.2002, các thành viên Hội đồng Giám mục Việt-Nam đã đến viếng mộ hai thánh Tông đồ, Phêrô và Phaolô, cùng gặp lần cuối Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô Đệ nhị để tường trình về mục vụ tại Giáo phận mình có trách nhiệm.

Ngày 22.01.2002, sau khi chào mừng Đức Thánh Cha, cám ơn Tiền Nhân từ gần năm thế kỷ đã gieo Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội Đất Việt, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt-Nam, đã đề cập đến việc sống đạo của tín hữu người Việt, quốc nội cũng như hải ngoại. Nhìn lại Quê hương đang canh tân, Đức Cha nói: « Việt-Nam là quốc gia đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ nền kinh tế quốc doanh chuyển sang kinh tế thị trường, từ chủ thuyết cô lập tiến vào việc hội nhập với cộng đồng thế giới tự do. Thế nhưng, trong tiến trình đổi mới nầy Giáo Hội vẫn còn chưa được hưởng tất cả những tự do cần thiết.»

Trong phần đáp từ trao tay các Giám mục, Đức Thánh Cha mời: Giáo Hội Việt-Nam ra khơi. Sự phát triển huấn dạy giáo lý cơ bản lẫn đào luyện liên tục cho linh mục, tu sĩ và giáo dân để xây dựng và sống Đức Tin cần cung cấp cho mọi người một giáo huấn vững chắc về học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Giáo hội Công giáo kêu gọi chia sẻ niềm Hy vọng bằng luôn đề xuất con đường đối thoại. Chỉ một cuộc đối thoại tín nhiệm và xây dựng giữa các thành phần của xã hội dân sự cũng đủ mở ra một niềm hy vọng mới cho toàn dân Việt-Nam, như đã khẳng định trong đoạn 76 ‘Gaudium et Spes’: « Giáo hội, vì sứ mạng và chức năng mình, không lẫn lộn với một cộng đồng chánh trị và không bị gắn liền với bất cứ hệ thống chánh trị nào ». Bởi thế, « cộng đồng chánh trị và và Giáo hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình ». Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu « cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau”. Vì ‘sự hợp tác lành mạnh nầy', Giáo hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. Giáo hội không muốn thay người trách nhiệm của Nhà nước, công việc của cá nhân hay tập thể.

Để thực hiện ‘sự hợp tác lành mạnh’ nầy, Giáo hội mong đợi nơi chánh quyền tôn trọng toàn diện sự độc lập và tự trị của Giáo hội mà quyền Tự do Tôn giáo quí giá đã được khẳng định trong Công đồng Vatican II và trong những Tuyên ngôn và Quy ước quốc tế, cho từng cá nhân và những cộng đồng tôn giáo.

Đức Thánh Cha không chỉ ưu tư đến Giáo hội Công giáo mà còn nghĩ đến các tôn giáo khác cũng như cả Dân Tộc Việt-Nam. Mọi người Việt được quyền có đời sống no ấm và hạnh phúc thật sự, Đức Thánh Cha cũng đã nói đến ‘sự hợp tác lành mạnh’ giữa Cộng đồng Chánh trị và Cộng đồng Tôn giáo. Khi Cộng đồng Tôn giáo được độc lập và tự chủ thì mới có đủ tư cách để cộng tác trực tiếp vào việc xây dựng xã hội lành mạnh. Một thí dụ: công tác giáo dục cần thiết cho việc mở mang dân trí. Các tôn giáo không được dự phần vào công tác nầy vì Nhà nước đã chiếm đoạt toàn bộ những trường học cũa các tôn giáo từ 1975 đến giờ.

Nhật báo ‘La Croix’ (Thánh Giá), phát hành tại Pháp quốc ngày 23.01.2002, dưới tựa đề « Jean-Paul II encourage les évêques vietnamiens qu’il juge ‘exemplaires'» (Gioan-Phaolô Đệ Nhị khích lệ các Giám Mục Việt-Nam mà Ngài cho là ‘gương mẫu'), đặc phái viên thường trực đã nhắc lại đầy đủ cuộc thăm viếng ‘ad limina'' các Giám mục Việt-Nam tại Rôma.

Trong dịp ‘Ad limina’ lần vừa qua, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp các Giám mục Việt-Nam và ban Huấn từ lúc 12 giờ ngày 27.06.2009, tại Sảnh đường Công Nghị, Vatican.

Trong diễn từ chào mừng Đức Thánh Cha, Đức cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đà lạt, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt-Nam, đã nói: “Hàng Giáo Phẩm địa phương được tạo lập vào một thời điểm mà Việt-Nam bị chia cắt trên bình diện chính trị, và đã kéo theo những hậu quả sâu đậm trong nhiều lãnh vực của Đất Nước. Phải chờ đến năm 1980, sau khi hai miền Nam, Bắc thống nhất vào năm 1975, Hội đồng Giám mục của cả nước Việt-Nam mới được khai sinh.”

{Xin ghi chú: Đêm khuya ngày 20 rạng 21.07.1954, Cộng sản Việt-Nam và Thực dân Pháp đã ký Hiệp định Genève để chia đôi Đất Nước Việt-Nam. Chánh phủ hợp pháp Việt-Nam do Thủ tướng Ngô đình Diệm điều hành quốc vụ nước Việt-Nam thống nhất, từ ải Nam Quan đến mũi Cà mau, đã không ký vào đó, vì trái với nguyện vọng của toàn dân Việt-Nam. Sự chia cắt Việt-Nam chỉ có giá trị chính trị, không ảnh hưởng đến Giáo hội Công giáo Việt-Nam luôn là một. Hai sự kiện sau đây chứng minh điều đó:

a.- Ngày 25.05.1925, Đức Thánh Cha Piô XII đặt chức vụ Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương, Đại diện Tòa Thánh để liên lạc giữa Rôma và các Giáo phận truyền giáo tại Việt-Nam, Cam bốt và Ai lao, đặt Tòa Khâm sứ tại Huế. Năm 1951, Đức Khâm sứ John Dooley dời Tòa Khâm sứ từ Huế ra Hà nội.

Sau khi chiếm Miền Bắc, từ ngày 14.06.1955, chính quyền cộng sản Hà nội áp dụng sắc lệnh tôn giáo một cách triệt để khủng bố, de dọa, bỏ tù, chiếm đoạt tài sản, ly gián chia rẽ Giám mục, Linh mục và Giáo dân trong hoạt động mục vụ. Đức Khâm sứ không liên lạc được với các lãnh thổ khác thuộc quyền, nên, ngày 15.02.1956, Tòa Thánh cử Đức Cha Giuseppe Caprio làm Thanh Tra Tòa Thánh (Visiteur Apostolique) tại Sài gòn để có thể liên lạc được Việt-Nam, Cam bốt và Ai lao. Ngày 13.03.1957, vị Thanh Tra Tòa Thánh ở Sài gòn được nâng lên hàng Đại lý Khâm sứ (Régent Apostolique). Năm 1959, sau khi Đức Khâm sứ John Dooley rời Hà nội trong một cơn bệnh nguy kịch và, vài tuần kế tiếp, các nhân viên Toà Khâm sứ bị trục xuất khỏi Việt-Nam,, Tòa Thánh mới thiết lập Tòa Khâm sứ tại Sài gòn với tân Khâm sứ Mario Brini.

b.- Đức Khâm sứ Mario Brini đã góp công lớn trong việc chuẩn bị thiết lập ‘Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt-Nam’.

Ngày 24.11.1960, qua Tông Hiến ‘Chư Huynh Đáng Kính’ (Venerabilium Nostrorum), Đức Thánh Cha Gioan XXIII thiết lập ‘Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt-Nam’ với ba Giáo tỉnh: Hà nội, Huế và Sài gòn. Sắc chỉ được công bố ngày 08.12.1960, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Do đó, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt-Nam cho biết Giáo hội tại Việt-Nam sắp cử hành một Năm Thánh đặc biệt đánh dấu 50 năm đánh dấu biến cố này.

Trong phần đáp từ, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc lại ‘sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị’ mà Đức Gioan-Phaolô II đã đề ra trong Huấn từ ngày 22.01.2002. Ngài cũng nhắc đến Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt-Nam công bố năm 1980 nhấn mạnh về "Giáo hội của Chúa Kitô giữa lòng dân tộc". Khi đóng góp phần đặc thù của mình - là loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô -, Giáo hội góp phần vào sự phát triển con người về mặt nhân bản và tinh thần, nhưng cũng góp phần vào sự phát triển đất nước nữa. Sự tham gia của Giáo hội vào tiến trình này là một nghĩa vụ và là một đóng góp quan trọng nhất là trong lúc Việt-Nam đang dần dần cởi mở đối với cộng đồng quốc tế.

Thật đáng tiếc: gần 7 năm rưỡi đã trôi qua và chưa biết đến bao lâu, đảng Cộng sản vẫn từ chối "sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị" để phát triển toàn diện con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. Nhờ thế, và chỉ nhờ thế, toàn dân Việt-Nam mới có thể chống ngoại xâm.

Trong nhiệm vụ Giáo dục, các trường Công giáo, từ mẫu giáo đến đại học, đã đào tạo bao nhiêu chuyên viên các ngành cho Việt-Nam. Sau ngày 30.04.1975, các cơ sở giáo dục này bị ‘mượn’ và, đến nay, nhiều nơi đã biến thành những nơi ăn chơi, nhảy nhót. Hậu quả tất yếu là bao nhiêu trẻ em phải bỏ học và nền Giáo dục đã đi đến chổ mà báo chí quốc doanh không ngừng lên tiếng báo động.

Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục Việt-Nam cho các thành viên Cộng đồng Dân Chúa biết qua Thư ngày 08.12.2008:

Chiều 01.10.2008, sau khi nghe Hội đồng Giám mục trình bày quan điểm về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay(*), Thủ tướng đã thông báo tình hình thực hiện chính sách tôn giáo và quan điểm của chính phủ đối với vụ Tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà.

Nhờ lời cầu nguyện của anh chị em, con đường đối thoại đã được khai mở sau một thời gian tưởng như bế tắc. Xin cám ơn. Nhưng con đường đối thoại tìm về chân lý, công lý và lợi ích lâu dài của đất nước với những khó khăn và trắc trở, đòi hỏi khôn ngoan và kiên nhẫn, yêu thương và ôn hòa. Chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn đồng hành với Dân Người. Xin Chúa ban ơn bình an và soi sáng cho mọi người vì khi nhận biết chân lý, công lý và lợi ích lâu dài của cả dân tộc, thì có thể vượi mọi khó khăn và trở ngại trong tiến trình xây dựng quê hương và phát triển đất nước.

(*) Xin đính kèm văn kiện của Hội đồng Giám mục Việt-Nam để tham khảo:

QUAN ĐIỂM CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

http://www.hdgmvietnam.org/quan-diem-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ve-mot-so-van-de-trong-hoan-canh-hien-nay/215.116.3.aspx