Hiệp thông vốn là chủ đề của năm thánh 2010 tại Việt Nam. Năm thánh này đã được chuẩn bị từ khá lâu với tài liệu học tập soạn thảo công phu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Năm thánh này cũng đã được khai mạc hết sức long trọng hồi cuối năm ngoái, tạo được nức lòng nơi dân Chúa Việt Nam khắp năm châu, hứa hẹn thật nhiều ơn phúc cho Giáo Hội tại mảnh đất đã thấm nhuần máu đào của không biết bao tín hữu, mà cụ thể là nhiều hiệp thông hơn. Đùng một cái, những vụ việc quanh việc ở đi tại toà tổng giám mục Hà Nội dường như đã đảo lộn tất cả, làm ngỡ ngàng cả những người đầu óc ít quan tâm đến chính trị nhất. Hiện nay, nói đến chuyện bình thản hình như là nói đến chuyện trên mây dưới biển, chắc chắn bị mọi người gạt qua một bên, đi chỗ khác chơi, cho người ta bàn chuyện lớn! Nhưng nếu không bình thản, không thanh thản, thì rất sợ là các mối quan tâm của ta không hẳn phát xuất từ Thần Khí Đức Chúa Trời, mà là phát xuất từ những thúc đẩy khác. Tôi cứ nhớ lại một câu nhận định của một thầy đại chủng sinh ở Manly, Sydney, cách nay dễ đến 20 năm, lúc thầy đến giúp tĩnh huấn cho lớp dự tòng. Thầy bảo cứ căn cứ vào trạng thái tâm hồn bạn, nếu bạn cảm thấy bình an trong tâm hồn, thì sự thúc đẩy là của Chúa Thánh Thần.

Nói thì dễ, làm khó khăn hơn nhiều. Chính bản thân tôi cũng muốn đi theo những thúc đẩy khiến tâm hồn mình mất thanh thản, bình an, mà ngứa miệng “phán” vài câu cho nó thỏa, dù quả tình, mình không nắm được đầu đuôi câu truyện. Đây cũng là nỗi bực dọc của anh em đồng đạo tôi trong lúc này. Người biết thì ngậm tăm. Người không biết thì tìm cách biết cho nó thỏa. Không thỏa thì gióng lên tiếng nói để áp lực người biết nói ra. Cứ thế mà tạo ra cả một cơn lốc, nguy hiểm ở chỗ, bây giờ chả còn biết tin ai, nghe ai. Cả những bậc được coi là chân tu cũng dùng những ngoa ngữ, lấy những hình ảnh của Thánh Kinh mà khoác lên người khác. Khiến người ngoài hân hoan chứng kiến cảnh anh em trong nhà choảng nhau ghê quá! Họ bảo: các anh chủ trương hiệp thông, hiệp thông đâu không thấy, chỉ thấy chỉ vào mặt nhau mà la hét, không còn ai nghe ai nữa.

Kinh Thanh Thản

Muốn nghe nhau, mà ai lại không muốn anh em mình lắng nghe mình? việc đầu tiên là phải tìm được sự thanh thản trong tâm hồn và giúp người khác tìm được sự thanh thản ấy. Xét cho cùng thì thanh thản, hay bình an trong tâm hồn, vẫn là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần, nên mục sư Reinhold Niebuhr đã soạn ra bài kinh bất hủ mà công chúng sau này đặt tựa đề cho là Lời Kinh Thanh Thản (The Serenity Prayer)

God grant me the serenity

to accept the things I cannot change; courage to change the things I can; and wisdom to know the difference.

Living one day at a time;

Enjoying one moment at a time;

Accepting hardships as the pathway to peace;

Taking, as He did, this sinful world as it is, not as I would have it;

Trusting that He will make all things right if I surrender to His Will;

That I may be reasonably happy in this life and supremely happy with Him Forever in the next.

Amen.

Lạy Chúa, xin ban cho con sự thanh thản, để con chấp nhận những điều con thay đổi không được; sự can đảm để con thay đổi những điều con thay đổi được; và sự khôn ngoan để con nhận ra sự khác biệt giữa hai điều ấy.

Xin cho con biết sống từng ngày;

biết vui hưởng từng giây phút;

biết chấp nhận gian lao như đường dẫn tới hòa bình;

biết tiếp nhận, như Người đã tiếp nhận, cái thế giới tội lỗi này trong tự thân của nó, chứ không như con muốn;

biết tin tưởng rằng Người sẽ làm mọi sự ra chân thật nếu con biết phó thác cho Thánh Ý Người;

Xin cho con được hạnh phúc cách hợp lý ở đời này và cực kỳ hạnh phúc với Người mãi mãi ở đời sau.

Amen.

Thực ra, lời kinh trên chỉ là phần kết thúc một bài giảng của mục sư Niebuhr vào đầu thập niên 1940. Còn nhờ đâu nó được truyền tụng và được truyền tụng từ bao giờ như một lời kinh độc lập thì hiện còn nhiều tranh cãi. Nó được nhiều người chú ý tới nhờ một độc giả nêu thắc mắc trên tờ Nữu Ước Thời Báo ngày 12 tháng 7 năm 1942 để biết tác giả là ai. Tờ Nữu Ước Thời Báo cho biết tác giả là mục sư Niebuhr và trích dẫn bài kinh chấm dứt bằng chữ Amen đặt sau 3 lời cầu đầu tiên.

Thập niên 1950, nó càng trở thành nổi tiếng khi được Hội Đồng Các Giáo Hội Liên Bang và sau đó, quân đội Hoa Kỳ sử dụng, và trở thành lời kinh chính thức của hội cai rượu “Alcoholics Anonymous”, và sau đó của hội cai ma túy “Narcotics Anonymous” và nhiều hội cai khác như chương trình Mười Hai Bước.

Sau đó, nó được nhiều ca sĩ, người viết ca khúc và nghệ sĩ lồng vào tác phẩm của họ. Đáng chú ý là chính Dan Brown trong cuốn “Angels & Demons” nhắc đến nó, nhưng nhắc sai vì cho là của Thánh Phanxicô Assisi. Album “Re-ac-tor” của Neil Young và “Whitney” của Whitney Houston có nhắc đến kinh này ờ bìa sau. Nhóm nhạc rốc Boston của thập niên 1970 dùng lời kinh này trong bài “Higher Power”. Ca sĩ Sinéad O’Connor của thập niên 1990 nhắc đến kinh này trong ca khúc “Feel So Different” của cô. Ca sĩ nhạc “rap” nổi tiếng 50 Cent (Curtis James Jackson III) đã lồng lời cầu đầu tiên của kinh này vào hai hàng đầu trong ca khúc “Gotta Make It To Heaven” của anh. Nhạc đệm cho cuốn phim “Soul Food” cũng gồm lời kinh này. Năm 2004, ban nhạc “punk” Blood for Blood đặt tựa đề cho dĩa nhạc của họ là “Serenity” và đã hát một bài dựa theo lời kinh Thanh Thản. Không những thế, ca sĩ chính còn đọc nguyên văn lời kinh Thanh Thản ở đầu và cuối dĩa nhạc này. Nữ ca sĩ Olivia Newton John của Úc, trong dĩa nhạc “Stronger Than Before”, cũng nhắc tới lời kinh này.

Lời kinh nổi tiếng đến nỗi có cả một dịch bản vô thần như sau: “Nhờ các cố gắng riêng, tôi đạt được sự thanh thản biết chấp nhận những điều tôi thay đổi không được; sự can đảm biết thay đổi những điều tôi thay đổi được; và sự khôn ngoan để tôi nhận biết sự khác nhau giữa hai điều ấy”.

Chủ nghĩa hiện thực Kitô Giáo (Christian Realism)

Mục sư Karl Paul Reinhold Niebuhr (21/06/1892-01/06/1971) là một nhà thần học và là một triết gia người Mỹ, nổi danh nhờ các nghiên cứu của ông về mối tương quan giữa Kitô Giáo với các thực tại của nền chính trị và ngoại giao hiện đại cũng như các đóng góp của ông vào nền tư duy về chiến tranh chính nghĩa thời nay.

Ông là người lớn tiếng chỉ trích Henry Ford vì những hậu quả băng hoại của chủ nghĩa duy kỹ nghệ đối với người công nhân. Và từng cho phép nghiệp đoàn sử dụng bục giảng nhà thờ để trình bày sứ điệp liên quan tới quyền lợi công nhân. Ông từng cung cấp nhiều tài liệu chứng minh các điều kiện vô nhân do dây chuyền sản xuất và việc sử dụng nhân công lầm lạc tạo ra. Ông cũng kịch liệt lên án nhóm Ku Klux Klan, gọi chúng là “một trong những hiện tượng xã hội tồi tệ nhất do đầu óc kỳ thị tôn giáo tạo ra”.

Qua thăm Âu Châu năm 1923, các điều kiện do sự chiếm đóng Đức của Pháp hồi ấy đã tăng cường khuynh hướng chủ hòa ông vốn có trong Thế Chiến I. Năm 1928, ông rời Detroit, đi lãnh nhiệm vụ giảng dạy tại Union Theological Seminary ở Nữu Ước cho tới năm 1960. Thời gian tại đây, ông đã gây ảnh hưởng trên nhiều thế hệ sinh viên, trong đó có mục sư nổi tiếng người Đức là Dietrich Bonhoeffer.

Cùng với triết gia John Dewey, Niebuhr là một trong 51 nhân vật nổi tiếng của Mỹ thành lập ra cơ quan International Relief Association (IRA) mà ngày nay có tên là International Rescue Committee (IRC). Sứ mệnh của cơ quan này, như tờ Nữu Ước Thời Báo tường thuật vào ngày 24/06/1933, là “trợ giúp người Đức đang chịu đau khổ vì các chính sách của chế độ Hitler”.

Trong thập niên 1930, ông trở thành lãnh tụ của phe tranh đấu trong Đảng Xã Hội Mỹ, mặc dù ông làm cho người Mácxít gộc phải thất vọng khi bảo niềm tin của họ là một tôn giáo và là một tôn giáo hạng xoàng. Khi xẩy ra Thế Chiến II, ông bắt đầu tách dần ra khỏi phe chủ hòa và trở thành người cổ vũ hết mình cho chiến tranh. Ông rời bỏ nhóm Fellowship of Reconciliation, một nhóm chủ hòa gồm nhiều nhà thần học và mục sư, và trở thành người chỉ trích hàng đầu đối với nhóm. Việc tách rời này sẽ diễn biến thành chủ nghĩa hiện thực Kitô Giáo sau này. Niebuhr được coi là người cổ vũ cho chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa này đem lại một phương thức cứng rắn cho chính trị hơn là chủ nghĩa lý tưởng của nhiều người đồng thời với Niebuhr. Chính với chủ trương hiện thực này, ông ủng hộ hành động của Hoa Kỳ trong Thế Chiến II, chống Cộng Sản, và phát triển vũ khí hạch nhân. Tuy nhiên, phương thức của ông không giáo điều, và điều không may là ông chống đối chiến tranh Việt Nam.

Dù là người gốc Đức, ông lên án hành vi kỳ thị người Do Thái. Ông viết nhiều bài báo về chủ đề này. Ông đi tiên phong trong nỗ lực hoà giải và đối thoại với Do Thái Giáo, đến độ không ủng hộ các cố gắng của một số Kitô hữu chủ trương phải làm cho người Do Thái trở lại. Sống trong một thời đại với nhiều biến cố đau thương trong lịch sử thế giới và lịch sử Mỹ, ông đề cập nhiều tới các bất công của nhân loại và nhu cầu đòi người ta phải đứng lên xóa bỏ các hệ thống gia tăng bất công trên thế giới, phải tổ chức dân chủ để mang sức mạnh lại cho dân và phải giải thoát thế giới khỏi cái tội “nguyên tổ” sử dụng bạo quyền nô dịch người khác.

Có thể nói về phương diện xã hội, ông là một nhà duy xã hội dân chủ (democratic socialist), có lần đã chế nhạo New Deal của Franklin Delano Roosevelt, cho là không tưởng. Nhưng sau Thế Chiến II, ông tỏ ra thực tiễn hơn và bắt đầu ủng hộ New Deal, cũng như các chính sách chủ yếu của Đảng Dân Chủ, góp phần cổ vũ các quan điểm ủng hộ vai trò của chính phủ trong việc che chở và hỗ trợ dân.

Các quan điểm của ông rất được Mục Sư Martin Luther King Jr ca ngợi. Những nhà bảo thủ trong chính sách ngoại giao ủng hộ chủ trương hạn chế (containment) của ông thời Chiến Tranh Lạnh, coi đó như một thứ chủ nghĩa hiện thực về luân lý (moral realism). Phe cấp tiến thì ủng hộ quan điểm chống chiến tranh Việt Nam của ông. Gia tài ông để lại tiếp tục gây ảnh hưởng đối với tư duy hiện đại. Cả hai ứng cử viên tranh chức tổng thống Mỹ năm 2008 đều trích dẫn ông. Thượng nghị sĩ John McCain, trong cuốn “Hard Call”, đã ca ngợi “Niebuhr như một mẫu mực trong sáng về các phí tổn của một cuộc chiến tranh tốt”. Tổng Thống Barack Obama gọi Niebuhr là “triết gia và thần học gia yêu qúi” của ông. Fred Kaplan gọi diễn văn nhận giải Nobel năm 2009 của Obama là “một phản ảnh trung thành” của Niebuhr. Jimmy Carter, lúc còn là Thống Đốc Georgia cũng nhắc tới Niebuhr trong bài diễn văn đọc tại Đại Học Georgia năm 1974. Tổng Thống Lyndon Johnson thì năm 1964 đã tặng Niebuhr Huy Chương Tự Do của Tổng Thống. Thành Phố Nữu Ước đặt tên cho đường số 120 giữa Broadway và Riverside Drive là Reinhold Niebuhr Place.