GIŨ BỤI TRẦN AI SỐ 3

Trong lớp bụi phủ trên khuôn mặt của Giáo hội Công giáo Việt Nam nhất là tại thủ đô Hà Nội, có lớp bụi rất dày ảnh hưởng tới nhiều lãnh vực mà chúng ta cần giũ bỏ:

I. Sự kiện đạo Công giáo dính líu đến những cuộc xâm lăng như Pháp thế kỷ XVI- XVII, cuôc đấu tranh dành độc lập (1945-1954), cuộc chiến tranh thống nhất đất nước (1954-1975). Nhiều người nêu rõ vai trò của Công giáo ở đây một cách tiêu cực nghĩa là dửng dưng hay đứng ngoài cuộc, hoặc tích cực ủng hộ phe địch nhiều hơn là ta.

Trước những vấn đề này: đã có rất nhiều cuộc hội thảo và tranh luận của những giáo sư, nhà khoa học với khuynh hướng khác nhau, ở trong nước và ngoài nước, nhưng hình như chưa tìm được câu trả lời nào thích đáng. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này tôi xin đưa ra vài ý kiến thô thiển góp phần vào việc xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

A. Nói tới người công giáo không hẳn là nói tới Giáo hội Công giáo, hay đạo Công giáo nói chung, dính tới vấn đề nói trên. Người Công giáo cũng giống như các thành phần khác trong xã hội; có quan điểm riêng của mỗi người, trước những biến cố cùng với hàng triệu công dân nước Việt Nam. Vậy ngoại trừ trường hợp họa hiếm người Công giáo hoặc tổ chức thành cộng đoàn, gồm toàn những người Công giáo để tham gia vào các sự kiện nói trên thì thường cùng tham gia với rất đông những người của các tôn giáo khác, các thành phần khác, nhất là trong xã hôi phong kiến trước đây. Số người Công giáo lúc khai sinh ra giáo hội là một nhóm rất nhỏ, trong khi nhóm người mệnh danh là lương dân (gồm phật giáo, lão giáo, nho giáo…) chắc phải chiếm đa số. Thế nên, trong những cuộc đấu tranh (mà chúng ta quen gọi chung chung là nổi loạn chống đối cướp bóc…) thì số người Công giáo tham gia rất ít, nếu so sánh với thành phần khác trong xã hội lúc đó. Vậy kêu trách riêng, người Công giáo nổi loạn dính líu tới các sự kiện kể trên, là một điều oan ức, phả được minh oan. Cũng nên để ý đến một vài điều nổi bật khác:

a. Họ bị dồn vào con đường cùng: vì muốn bảo vệ cho xóm làng tín ngưỡng… trước những tấn công tinh thần, vật chất họ buộc phải đứng lên chống đối trong thời Minh Mạng- Tự Đức, Văn Thân bách hại hoặc liên kết với những người chống đối khác để bảo toàn mạng sống và hạnh phúc riêng tư của gia đình họ… cũng có người can tâm theo địch lúc đó, chỉ vì muốn được tự do giữ đạo, để tránh khỏi sự bách hại của vua quan lúc đó. Nói tóm lại: khi đánh gía những người như vậy, cần phải để ý tới tấm lòng ngay thẳng của họ khi tham gia các sự kiện nói trên, và chú ý tới trường hợp bất khả kháng của họ.

b. Nhưng dù sao theo khách quan mà nói, không tránh khỏi những cộng đoàn hay cá nhân đích thực tham gia các sự kiện không có lợi cho đất nước. Điều này, đã được các vị Công giáo chân thành hối hận và xin lỗi trong những trường hợp khác nhau. (ví dụ: giáo phận Thái Bình trong 3 năm thánh từ 2003 đến 2005, và đặc biệt nhân danh giáo hội Công giáo Việt Nam lời xin lỗi, được đưa ra trong ngày khai mạc năm thánh ở sở kiện đêm 23/ 11/2009). Chúng tôi rất tán thành những tư tưởng mới đây nhân ngày 30/04 của nhiều người, nhiều phía muốn coi đó là dịp xóa đi mọi hận thù, để hòa giải dân tộc… Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình một hôm ngồi nói chuyện với nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trước sân trường học có các em đang vui đùa giải trí, ngài nguyên thủ tướng đã nói với Đức cha rằng: “chúng ta xem các em bé đang chơi đùa trước mặt chúng ta, có phân biệt được đứa nào là con của người Công giáo, đứa nào là con của cán bộ cộng sản hay Phật giáo, Cao đài… có lẽ chúng ta là người lớn mới phân chia ngăn cách như vậy thôi”.

Trong vấn đề quan trọng kể trên như tôi đã nói, cần phải có những cuộc thảo luận nghiêm túc hơn, tôi chỉ xin góp phần nhỏ bé.

II. Một biến cố gây vấp phạm trong đồng bào lương dân mấy trăm năm nay đó là sự kiện “vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội” (27/06/1908) các chiến sĩ Việt Nam tìm dịp chống lại quân đội Pháp bằng những cách thức khác nhau từ những toan tính báo đông quân sự đánh chiếm Hà Nội, thì những người cầm đầu quyết định đầu độc quân lính Pháp vào đêm đó nhân lúc chúng mở tiệc chiêu đãi sĩ quan: “kế hoạch được vạch ra khá hoàn hảo có phối hợp giữa các lực lượng ở trong và ngoài quân đôi Pháp, ở Hà Nội và Yên thế. Lúc 7 giờ tối ngày 27 tháng 6 những người nấu ăn cho quân đội Pháp đã bỏ thuốc độc, được chế biến sẵn từ trước, vào thức ăn khiến cho 80 lính Pháp thuộc trung đoàn bộ binh 9 và 125 tên thuộc trung đoàn pháo binh số 4, trúng độc và ngất xủi. tuy vậy, do thuốc độc làm từ cà độc dược, khong đủ mạnh nên chúng không chết. Sau đó, một người lính Công giáo trong cơ binh pháo thủ số 9 đến xưng tội với cố đạo Ân ở nhà thờ Hà Nội, nên địch biết âm mưu, kế hoạch khởi nghĩa. Pháp lập tức cho các thầy thuốc cấp cứu số sĩ quan và binh lính bị ngô độc, mặt khác cho bắt ngay các hạ sĩ quan và binh kính người Việt, giam họ vào trong trại. Lệnh thiết quân luật được ban bố. trong khi đó, các toán nghĩa binh cũng như các lực lượng chuẩn bị của ta đã ém sẵn ở các vị trí vòng ngoài chờ mãi không thấy súng hiệu nổ, biết kế hoạch bị lộ nên vội rút lui. Hơn 200 lính pháp được cứu thoát, trật tư an ninh trong thành phố dần được lập lại. Vụ đầu độc gây tiếng vang lớn. Đây là sự kiện rất đáng chú ý trông phong trào giải phống dân tộc vào đầu thế kỉ XX. Nó là cuộc nổi dậy đầu tiên của binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Điều này chứng tỏ,binh lính là một lực lượng lơi hại trong cuộc đấu tranh chống đế quốc báo hiệu một giai đoạn phát triển mới của phong trào dân tộc. Ngày 28/06/1908, hội đông đề hình của Pháp đã cấp tốc xét sử vụ “ Hà thành đầu độc”. chúng đã xử chem. Đội Bình, Đội Cốc, Đội Nhân, treo đầu ở các cửa ô Hà Nội để uy hiếp tinh thần nhân dân ta. Cả ba người trước khi bị hành quyết rất hiên ngang bất khuất. Tiếp đó thực dân Pháp còn mở rộng điều tra, bắt bớ, khám xết sử tử thêm hàng chục người có liên quan” (trích “Từ điển trí thức lịch sử phổ thông thế kỷ XX”).

Việc đầu độc binh lính Pháp là một biến cố có thật trong lich sử nhưng có một chi tiết là bịa đặt, vì không có bằng chứng xác thực. Những tin tức đó chỉ xuất hiện trong một số tài liệu trước đây như cuốn “Từ điển” nói trên, song những sách vở sau này đều nói một cách khách quan hơn là do có sự phản bội trong hàng ngũ nghĩa quân ( xem: “hỏi đáp về lịch sử Hà Nội” trang 324 NXB Văn Hoá Thông Tin quý I năm 2010) Vụ việc đầu độc bị vỡ lở như cuốn “tự điển tri thức” nói trên cho rằng: “một người lính Công giáo trong công binh pháo thủ số 9 đến xưng tội với cố đạo Ân ở nhà thờ tại Hà Nội nên địch biết rõ âm mưu ám sát nên hạ lệnh cho bắt hạ sĩ quan và quân lính người Việt giam trong trại”. Việc này tôi xin có ý kiến như sau: Một người lính Công giáo đến tòa giải tội xưng tội với cố Ân và cố Ân đã báo cho nhà chức trách. Điều này không xảy ra được vì, theo phương diện lý thuyết những điều gì xưng trong tòa giải tội dù có thế nào đi chăng nữa cũng buộc cha giải tội phải giữ kín không được tiết lộ với ai, dù cho có bất cứ áp lực nào. Nếu lỗi phạm theo giáo luật sẽ bị vạ, rút phép thông công ngay lập tức. Trong lịch sử giáo hội không thấy trường hợp nào lỗi phạm, mà còn kể ra rất nhiều gương sáng của các cha, thà chết, tù tội, đánh đập vẫn trung thành với luật buộc đó. Còn về mặt thực tế nếu cố Ân lỗi phạm Ấn Tòa giải tội như vậy, cả quân đội Pháp hay biết, và các sĩ quan Việt Nam cũng thông tỏ, mà các vị cầm quyền trong giáo hội không hay biết chút gì, là điều hơi lạ, và các vị trách nhiệm trong giáo hội lúc đó phải xử lý công khai cố Ân như giáo luật cũng không thấy ai nói tới. Vậy trong tất cả các tài liệu của giáo hội Công giáo nói chung và giáo hội Việt Nam nói riêng không có tài liệu nào đề cập tới vấn đề này. Tôi cho rằng: đây là những điều không chính xác nhằm bôi nhọ giới Công giáo và cũng để cắt nghĩa sự thất bại trong âm mưu chống Pháp thời kỳ đó chăng?

Đọc “giũ bụi trần ai” trên khuôn mặt giáo hội Công giáo chắc sẽ còn phải được tiếp diễn, chúng tôi sẽ có những ý kiến tiếp theo.

Thái bình ngày 07/05/2010

Fx: Nguyễn Văn Sang

Nguyên giám muc Thái Bình

Đón coi “Giũ bụi trần ai số 4”