THƯƠNG THẦY KHOA !

Những người khát khao công lý, đi tìm công lý, sống công lý luôn luôn là những người lội ngược dòng trong cộng đồng, trong xã hội thiếu sự thật, thiếu công lý. Lẽ dĩ nhiên, những người ấy phải trả một cái giá thật đắt cho khát khao, cho nỗ lực đi tìm công lý, sống công lý của mình.

Thầy Đỗ Việt Khoa
Những ai đang làm việc, đang sống với ngành giáo dục hay quan tâm đến ngành giáo dục đều biết đến sự kiện của thầy Đỗ Việt Khoa. Thầy Đỗ Việt Khoa “nổi tiếng” không phải vì bằng cấp, vì trình độ hay vì khả năng sư phạm xuất chúng. Thầy Đỗ Việt Khoa “nổi tiếng” vì thầy đã làm hé lộ những mảng tối trong việc giáo dục.

Phải chăng thầy Đỗ Việt Khoa làm cái chuyện đâu đâu ? Trong dòng chảy của những người có chữ tâm và đặc biệt có chữ tâm trong chuyện giáo dục thì không thể nào không lên tiếng về nền giáo dục của Việt Nam. Ngành giáo dục có quá nhiều vấn đề từ đào tạo đến quản lý giáo dục.

Ngành giáo dục của Việt Nam đang đi vào bế tắt. Vị đứng đầu ngành giáo dục của nước nhà đã không ngần ngại đưa ra những khó khăn mà ngành giáo dục đang gặp phải. Nêu thì nêu nhưng vẫn cho tìm được lối thoát.

Với lối chạy theo thành tích để rồi lối đánh giá thành tích sinh viên - học sinh thay đổi xoành xoạch. Nay thế này, mai lại thế khác đến độ giáo viên đi học về chưa kịp đả thông tư tưởng từ trên thì lại nhận văn bản mới cho cách xếp loại hay thay đổi.

Ngày hôm nay, nhiều và quá nhiều trường đại học mọc lên. Mọc lên nhiều và cũng mọc lên một cách vô tội vạ. Có những trường đại học đạt danh hiệu 3 không: không cơ sở vật chất - không giảng viên - không có người lãnh đạo thật. Chỉ có một cái thật là có sinh viên thật để kiếm tiền mà thôi !

Không cơ sở vật chất: Cơ sở của trường đại học chỉ là những khu nhà được thuê mướn. Sau khi vỡ hợp đồng thì lại thuê chỗ khác làm cho sinh viên phải đổi chỗ ở muốn hụt hơi.

Không giảng viên: Giảng viên đứng lớp được “trưng dụng” từ những sinh viên năm cuối theo kiểu “chị kèm em”. Nếu như thuê giáo sư có trình độ hẳn hoi thì không đủ tiền nên đành phải xén trước cắt sau.

Không người lãnh đạo thật: Những vị trí hiệu trưởng hay trưởng phòng đào tạo thường được thuê từ những giáo sư có tên tuổi như những nhà thuốc thuê tên của dược sĩ vậy.

Đặc biệt nhất của giáo dục nước nhà đó là thiếu vắng những môn dạy về đạo đức của sinh viên. Từ chỗ thiếu vắng môn đạo đức như vậy nên đã sản sinh ra không biết bao nhiêu “thợ dạy”. Nếu là người dạy thật thì người ta sẽ truyền đạt cho thế hệ mai sau về con người, về đạo lý chứ không đơn thuần về kiến thức chuyên môn. Cũng vì thiếu vắng môn đạo đức để rồi ngày hôm nay trong xã hội có quá nhiều vụ án thương tâm xảy ra từ giảng đường, từ học đường và từ những con người gọi là có tri thức trong xã hội.

Ngày hôm nay có quá nhiều vụ án bạo lực học đường, thù hận từ những con người đang cắp sách đến trường để đi tìm tri thức. Người ta quá chú tâm vào tri thức để rồi để một lỗ hỗng quá lớn về đạo đức con người.

Trường đại học thì như thế còn các cấp nhỏ thì sao ?

Mới có dăm ba tuổi đầu hỷ mũi chưa sạch mà phải biết tiếng Anh để thi vào lớp 1 ! Vì có những cuộc tuyển chọn hết sức buồn cười như thế nên một số phụ huynh phải bở hơi tai để đưa con em mình đến những lớp dạy kèm ngoại ngữ. Điều nghịch lý ai cũng biết đó là tiếng Việt chưa rành mà bắt phải giỏi tiếng Anh !

Quá nhiều bất cập và bất cập cho nền giáo dục nước nhà.

Bên cạnh những bất cập ấy còn có những “khoảng tối” trong ngành giáo dục.

Thầy Đỗ Việt Khoa đã can đảm nói lên những khoảng tối ấy để cầu mong ngành giáo dục dần dần thay đổi. Thế nhưng, sau những lời tâm huyết của thầy Khoa thì ngành không thay đổi nhưng đời thầy đã thay đổi. Đời thầy đang rơi vào bế tắt vì bị trù dập như ngành giáo dục đang đi vào bế tắt vậy. Thầy Khoa đã dũng cảm lên án những "phần tối" trong nhà trường. Ngày trước, nhiều người cứ tưởng ngành giáo dục nhân cơ hội ấy mà dọn dẹp căn nhà có không ít nhếch nhác và bừa bộn của mình. Thế nhưng, ngày tháng cứ trôi đi, mọi chuyện trở lại yên ắng như không gian "bình yên" sau một tiếng nổ.

Kể từ ngày ấy, không ít người có suy nghĩ cẩn trọng đã dự báo rằng: những động thái của ngành giáo dục đối với thầy Khoa chỉ là một cách đối phó và lựa theo dư luận chứ không phải muốn thay đổi thực sự. Bởi ngày ấy, sự kiện thầy Khoa là một "quả bom" làm chấn động dư luận.

Giáo sư Văn Như Cương, một giáo sư danh tiếng và cẩn trọng thấy ý kiến của thầy Khoa đã tuyên bố sẵn sàng bảo vệ thầy Khoa cho đến cùng nhưng …. Không những thế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã về thăm thầy Khoa. Các phương tiện truyền thông vào cuộc rầm rộ. Đồng nghiệp của thầy thì lấy sự kiện của thầy Khoa để bàn tán, tranh cãi với người khen, kẻ chê... tán loạn.

Thầy Khoa đã dũng cảm lên án những "phần tối" trong nhà trường.

Sự kiện của thầy Khoa lan đi rất nhanh. Sự kiện này cho ngành giáo dục đã xuống cấp đến mức nào. Nó cho thấy xã hội muốn có một cuộc cách mạng đối với ngành giáo dục nước nhà. Truyền thông "bốc" lên sự kiện dũng cảm của thầy Khoa bốc lên rồi chợt tắt.

Dưới những áp lực đang có, thầy Khoa buồn buồn bã và phần tủi thân thông báo sẽ rời bỏ ngành giáo dục vĩnh viễn. Sự kiện lần này không "nổ to" bằng sự kiện lần thứ nhất nhưng nghe cay đắng và ê chề hơn. Cay đắng và ê chề hơn cho thầy Khoa khi xã hội nghe giáo sư danh tiếng Văn Như Cương chối từ không nhận thầy Khoa vào trường mình nữa cho dù thầy Khoa chưa muốn bỏ ngành.

Thầy Khoa đã lao vào chiến đấu với những gì mà cá nhân thầy cho rằng những cái đó đang nguy hại cho ngành giáo dục. Thầy Khoa cứ tin rằng phía sau mình là là cả một biển người đi theo thầy. Nhưng thực ra nhiều người xem thầy vì là tính tò mò. Rất ít người thực sự ủng hộ thầy

Sau cùng, không còn lối thoát thầy tự đầu hàng.

Thật sự ra mà nói thì sự kiện “Đỗ Việt Khoa” không phải là hiếm, đâu đó trong cộng đồng, trong xã hội vẫn có những hình ảnh, những con người như Đỗ Việt Khoa đó thôi. Họ thấy sai trái, họ thấy khiếm khuyết và họ lên tiếng. Họ lên tiếng để rồi cuộc đời của họ vất vả lao đao.

Bi hài kịch của cuộc đời đó chính là những người nói sự thật, sống sự thật, nói công lý, sống công lý đều có một mẫu số chung đó là bị ngược đãi. Dẫu biết trước thân phận mình bị ngược đãi, bị chà đạp ấy nhưng họ vẫn can trường trong gian khổ.

Thương lắm thầy Khoa ơi !

Đời sống vật chất của Thầy và gia đình từ nay sẽ phải vất vả hơn sau khi rời bỏ cái ngành mà bao năm thầy ôm ấp, thầy yêu thương. Đời sống vật chất sẽ khốn khó nhưng đời sống tinh thần của thầy sẽ thăng hoa và lòng thầy cảm thấy bình an hơn khi thầy đã nói thật, sống thật và làm thật.

Xin chúc mừng thầy Đỗ Việt Khoa và những ai can đảm sống thật, nói thật và làm thật.