Tương Quan Giữa Giáo Hội Và Thế Gian

Lời mở đầu

Trong mấy năm gần đây, Giáo Hội Hoàn Vũ cũng như Giáo Hội tại Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Những khó khăn và thử thách đó khiến người tín hữu có nhiều ưu tư và lo lắng; tuy nhiên, từ trong bóng đen vẫn sáng lên niềm vui và hy vọng. Những ưu tư và lo lắng ấy mời gọi người môn đệ dõi bước theo Thầy Giêsu, tin tưởng và phó thác vào Người để vượt qua mọi chướng ngại trên hành trình trần gian tiến về Thành Đô Vĩnh Cửu là Nước Trời. Người môn đệ đang sống trong thế gian, được mời gọi dấn thân vào đó để làm men, làm muối và làm ánh sáng cho trần gian; qua ơn gọi dân thân, người môn đệ kín múc từ tình yêu Đức Kitô Phục Sinh và Thần Khí của Người để biết đâu là “thế gian thật” và đâu là “thế gian giả”, từ đó nhận chân những giá trị nào là phù hợp với Tin Mừng của Đức Kitô để làm tươi trẻ Hội Thánh và canh tân bộ mặt trái đất này.

Chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều biến đổi và biến đổi không ngừng; và chúng ta cũng đang sống trong một thế giới đa cực, đa văn hoá, đa tôn giáo, đa hệ... Cái thế giới này hầu như bị phân hoá ra thành nhiều mảnh. Thế gian có nhiều nghĩa. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu theo bốn nghĩa cơ bản: các loài thụ tạo tồn tại trong vũ trụ này, thế giới loài người, thế giới vị lai và cuối cùng là ma quỷ cùng các thế lực đen tối của nó.

1. Thế giới vạn vật – Thế gian cần được tôn trọng và bảo vệ

Thế gian ở đây được hiểu là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Muôn loài muôn vật được tạo dựng trong năm ngày từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ năm trong chương thứ nhất của sách Sáng thế.¬¬¬¬¬¬¬¬(1)Chúng là những thụ tạo tốt đẹp mà Thiên Chúa đã dựng nên. Những loài này, khi tình trạng nguyên thuỷ của công trình tạo dựng bị sụp đổ do sự bất tuân phục của nguyên tổ loài người, thì đã lâm vào cảnh hư ảo..., nay đang mong ngóng ngày được giải thoát khỏi cảnh hư nát để được hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa.(2)

Công trình cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô bao gồm những loài này nữa. Vào thời gian tới hồi viên mãn, tất cả các loài vật này cũng sẽ được quy tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.(3)

Trong thời đại mà người ta đua nhau khai thác tài nguyên thiên nhiên ồ ạt để làm giàu, không lưu tâm đến những tác động có ảnh hưởng xấu lên môi trường. Môi trường đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này được minh chứng cụ thể qua việc trái đất ngày càng nóng lên, thiên tai ngày càng xảy ra nhiều. Trong những năm gần đây, các nhà môi trường, các nhà khoa học và những người hữu trách đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về những tác động của việc môi trường bị ô nhiễm lên đời sống con người. Môi trường là vấn đề sống còn của con người. Tương lai của nhân loại phụ thuộc vào ý thức của con người hôm nay đối với môi trường.(4)

Trong tình hình môi trường đang gồng gánh những sự khai thác bừa bãi và tàn phá nặng nề, Giáo Hội được mời gọi bảo vệ công trình tay Thiên Chúa tạo nên, cái công trình mà Thiên Chúa đã dựng nên rồi trao lại cho con người làm chủ. Giáo Hội tha thiết mời gọi người tín hữu ý thức tầm quan trọng của môi trường đối với việc phát triển toàn diện của thế giới con người. Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI nhiều lần lên tiếng mời gọi người tín hữu ra sức tôn trọng và bảo vệ môi trường.(5)

2. Thế giới loài người – Thế gian cần được yêu mến và cứu độ

Thế gian theo nghĩa thứ hai được hiểu là con người. Ngoài những thụ tạo vừa nói trên, con người cũng là loài thụ tạo được dựng nên, nhưng là được dựng nên vào ngày thứ sáu theo trình thuật sáng thế.(6) Được dựng nên sau cùng, nên loài người là đỉnh cao trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa; do đó, họ có một phẩm giá cao trọng,(7) vượt trên các loài đã được tạo dựng trong năm ngày trước đó.

Loài người được dựng nên theo và giống hình ảnh Thiên Chúa(8) và được ban cho cái quyền trên các loài được dựng nên trước đó. Và khi loài người phạm tội,(9) lời hứa cứu độ của Thiên Chúa nhắm tới loài người trước tiên.(10)

Chúng ta tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính, Con Thiên Chúa làm người với mục đích thực hiện lời hứa cứu độ cũng là “vì loài người chúng ta”. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.(11)

3. Thế giới mai sau – Thế gian cần được ước mong và đạt tới

Thế gian theo nghĩa thứ ba được hiểu là thực tại mai sau. Trời đất này sẽ không qua đi, nhưng sẽ được biến đổi để thành “trời mới đất mới”.(12) Trời mới đất mới là thực tại mà muôn loài muôn vật và cả con người nữa đang ngong ngóng đợi chờ để được hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa;(13) trong trời mới đất mới, ở đó công lý ngự trị.(14)

Giáo Hội do Đức Kitô thiết lập đang tồn tại nơi trần gian là dấu chỉ và dụng cụ hướng đến trời mới đất mới. Nước Thiên Chúa đã được khai nguyên nơi trần gian,(15) nhưng đang trên đường tiến đến cùng đích tối hậu của mình. Giáo Hội có sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa ngay tại trần gian này cho đến khi đạt đến cùng đích viên mãn.(16)

4. Thế giới đen tối – Thế gian cần phải nhổ đi và loại trừ

Cuối cùng thế gian được hiểu một cách tiêu cực là những thực tại đối lập với Thiên Chúa, đó là ác thần hay còn gọi là satan cùng những việc làm đen tối của nó. Đức Kitô trong lời nguyện hiến tế đã xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ của Người khỏi loại thế gian này.(17) Kế đến, thế gian là những việc làm xấu xa do satan gây ra.(18) Ngoài ra, thế gian bao gồm dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của để huênh hoang tự đắc và coi trời bằng vung...(19)

Trong cánh đồng nhân loại, có nhiều thứ cây mang độc tố huỷ hoại, đó là những thế lực đen tối của ma quỷ, thù địch của con người “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”.(20) Đức Giêsu đến là để nhổ đi những thứ cây mà Chúa Cha đã không trồng: "Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng sẽ bị nhổ đi.”(21)

Ma quỷ và những thế lực là những phe đối lập với Thiên Chúa. Chúng luôn tìm cách để phá huỷ công trình tạo dựng của Thiên Chúa, luôn tìm kế để mê hoặc con người ta ngay cả Con Thiên Chúa...(22) Đức Kitô đến thế gian là để khử trừ tội lỗi và ma quỷ, và để thực hiện một cuộc giải phóng con người khỏi tình trạng tội lỗi và xiềng xích của ma quỷ. Tin Mừng thuật lại rất nhiều lần Đức Giêsu tha tội và trừ quỷ cho người ta.(23)



Tạm kết


Thế gian này quả là thiên hình vạn trạng. Từ những nghĩa như đã được phân tích ở trên, người môn đệ sẽ biết phải có trách nhiệm cùng bổn phận gì và phải có thái độ như thế nào đối với thế gian này. Có cái thế gian phải được người môn đệ Đức Giêsu yêu mến; có cái thế gian người môn đệ được mời gọi thấn thân vào để làm biến đổi từ bên trong; có cái thế gian người môn đệ phải hướng tới cho đến khi đạt được, và cũng có cái thế gian người môn đệ phải xa tránh và thậm chí là phải loại trừ.

Chú thích

(1) Xc. St 1,1tt; Ga 17,24.

(2) Xc. Rm 8,19-21.

(3) Xc. Ep 1,10.

(4) Cf. Msgr Celestino Migliore, Address at the Second Committee of the 63rd Session of the Un General Assembly on sustainable development, New York, 28 October 2008. Downloaded 27 September 2010; http://www.vatican.va/roman_curia/secretariat_state/2008/documents/rc_seg-st_20081028_sustainable-development_en.html; John Paul II, Address to the participants in the study week organized by the Pontifical Academy of Sciences, 6 November 1987. Downloaded 27 September 2010; http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/1987/november/documents/hf_jp-ii_spe_19871106_accademia-scienze_en.html

(5) Cf. Benedict XVI, Address in the Welcoming Ceremony, Government House - Sydney, 17 July 2008. Downloaded 27 September 2010; http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2008/july/documents/hf_ben-xvi_spe_20080717_welcome_en.html

(6) Xc. St 1,1tt.

(7) Xc. Tv 8,1-10.

(8) Xc. St 1,26-27.

(9) Xc. St 3,1tt.

(10) Xc. St 3,15.

(11) Ga 3,16-18.

(12) Kh 21,1.

(13) Xc. Rm 8,19-21.

(14) Xc. 2 Pr 3,13.

(15) Xc. Vatican II, Lumen Gentium, 3.

(16) Xc. Vatican II, Lumen Gentium, 5 và 9.

(17) Xc. Ga 17,15.

(18) Xc. Ga 7,7.

(19) Xc. 1 Ga 2,15-17.

(20) 1 Pr 5,8.

(21) Mt 15,13.

(22) Xc. Mt 4,1tt; Mt 9,33; Mt 17,18; Mc 7,29-30…

(23) Xc. Các Sách Tin Mừng.