Trong lịch sử Hội Thánh, đoàn dân Chúa luôn được che chở và hướng dẫn bởi những mục tử Chúa sai đến. Nhưng có những lúc vì hoàn cảnh, cộng đoàn dân Chúa không có mục tử trông coi. Và cũng không hiếm những trường hợp dân Chúa không tín nhiệm vào người mục tử được giao quyền chăm sóc họ.

Những tình huống ấy quả thật đáng buồn. Nhưng Chúa lại dùng những hoàn cảnh ấy để giáo huấn dân Chúa rằng chỉ có Chúa là Mục Tử hoàn hảo của họ, điều mà Thánh Vịnh 121 (CN 29QN) diễn tả: “Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề.”

Dân Chúa không phải lúc nào cũng hài lòng về mục tử của mình. Tuy các ngài được gọi và chọn giữa muôn dân để làm người chăm sóc đoàn chiên Chúa, nhưng vì giới hạn bởi phận người, các ngài không thể làm tất cả những điều mà dân Chúa mong đợi. Ngay cả Môisen, vị đại mục tử, vẫn có nhiều lúc bị dân phản đối.

Đó là chưa kể những con người dù được chọn gọi, vẫn có thể hư đi do hoàn cảnh, do thời cuộc và do cả những điều không ai lường trước. Tình cờ tôi đọc được bài thơ của một chủng sinh viết từ bốn mươi năm trước với ước nguyện dâng cuộc đời để phục vụ dân Chúa, không từ nan bất cứ khó khăn đau khổ nào. Bốn mươi năm sau, chủng sinh ấy đã là mục tử cao niên, nhưng lời thơ ngài không còn “nhớ” nhiều nữa!

Chuyện của các ngài hãy để Thiên Chúa thu xếp. Có điều rõ nét nhất là chính Chúa chăn dắt dân Ngài, dù mục tử hữu hình có ở đó hay không. Ở Nhật bản, dưới triều đại Edo (Tokugawa), Đạo Chúa bị cấm cách mãi hai thế kỷ cho đến đầu thế kỷ 19. Lúc đó có những cộng đoàn giữ vững đức tin qua nhiều thế hệ mà không hề có bóng dáng mục tử.

Ở Việt nam, từ năm 1975, nhiều giáo dân Công giáo bị đưa đi kinh tế mới, sống xa cách cộng đoàn. Các linh mục thì không được phép đến các vùng ấy. Ở giáo phận Huế chẳng hạn, dân Chúa đi kinh tế mới ở A Lưới, vùng cao nguyên lạc hậu, nghèo đói. Thế mà hơn 20 năm, giáo dân giữ vững đức tin nhờ lời kinh nguyện. Ở A lưới, người người Công Giáo tìm nhau, vẫn quy tụ lại đọc kinh, cầu nguyện và nghe dự Thánh lễ được phát thanh trực tiếp qua Ðài Chân Lý Á Châu từ Phi luật tân.

Những sự kiện ấy chứng minh rằng Thiên Chúa là Chúa của lịch sử, không bao giờ nhượng bộ thời cuộc. Ngài cũng không lệ thuộc vào bất cứ con người trần thế nào khi Ngài tỏ lòng thương xót hay thi ân giáng phúc.

Môisen là người dẫn đưa dân ra khỏi Ai cập và đi trong hoang địa trên đường về Đất Hứa. Nhưng quyết định “Ta sẽ giải phóng dân Ta” là quyết định của chính Chúa. Lương thực nuôi dân là do Chúa ban. Ánh sáng dẫn đường cho dân là chính Ngài.

Và có chi tiết cực kỳ đặc biệt, dường như xảy ra cho dân Chúa ở mọi thời: rắn độc có nhiều lúc bao vây dân thánh và rình cắn họ. Thực tế nhiều người đã bị rắn cắn. Không phải Môisen, không phải Aaron hay bất cứ ai đưa ra giải pháp cứu dân. Mà là chính Chúa. Vâng, mình Ngài thôi.

Ở cái thời đại mà người ta nghi ngờ nhau, nhìn đâu cũng thấy lừa lọc, các mục tử bị ngờ vực. Điều đau khổ là có những mục tử chọn đứng về phía chân lý và công lý, đứng về phía người nghèo, vẫn có lúc bị lên án và bị loại trừ. Các ngài là hình ảnh của vị mục tử lầm lũi đi tìm con chiên lạc giữa tứ bề giông bão.

Chính Chúa là mục tử. Thánh Vịnh 121 diễn tả ba hành vi mục tử của Chúa: Chúa canh giữ, Chúa chở che và Chúa ở gần kề! Có lẽ không tôn giáo nào mà Đấng sáng lập lại gần gũi dân mình đến như thế.

Sứ vụ mục tử của Thiên Chúa được thực hiện hoàn hảo. Đoàn chiên của Chúa do đó không bao giờ thiều thốn, như Thánh Vịnh 23 diễn tả:

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.“

Và khi có Chúa là mục tử, dân Chúa có lẽ không cần quan tâm đến chuyện ai là mục tử tốt lành ở trần gian này cho bằng việc thực thi sứ mạng xây dựng Hội Thánh ở mức độ nào. Đồng thời, Lời Chúa cũng mời gọi các mục tử chăn dắt dân thánh thế nào để họ không còn thiếu thốn gì, và để họ không phải bước đến những đồng cỏ khô cháy.

Khi họ đang ở trong đồng cỏ xanh, suối mát trong, nếu có thế lực nào bắt ép họ phải rời đi, thì xin cũng đừng biện mình bằng cách định nghĩa công ích, công lý theo ý mình để khuyến dụ họ phải thực hiện điều thế gian toan tính.

Còn gì đẹp hơn hình ảnh đoàn chiên Chúa cùng các mục tử hữu hình ngước mắt nhìn lên Vị Mục Tử tối cao: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời.“ (Tv. 121)