Giáo Hội đã hiện diện tại Việt Nam hơn 350 năm, nhưng số người Công giáo chỉ chiếm chưa được 10% dân số. Như thế, hơn 90% dân số vẫn đang cần được nghe loan báo Tin Mừng. Cần có sức mạnh để loan báo Tin Mừng.

1. Đầu không xuôi, đuôi có lọt không?

Người Việt dạy nhau rằng đầu không xuôi thì đuôi không thể lọt. Câu nói đó có thể áp dụng vào nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống hàng ngày.

Một cái tàu hỏa muốn chạy được thì trước tiên người cầm lái phải khởi động máy. Cái đầu tàu không được khởi động thì làm sao các toa tàu có thể chạy được!?

Công cuộc truyền giáo thì cũng vậy thôi. Người cầm cương, người lãnh đạo, người cầm tay láy con tàu Giáo Hội mà không động đậy gì thì thử hỏi làm sao tàu chạy đi được? Đầu không xuôi thì đuôi không thể lọt. Thiết tưởng để con tàu truyền giáo trong Giáo Hội tại Việt Nam chuyển bánh thì những vị đứng đầu, trước hết là HĐGM đối với toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa cả nước, vị giám mục đối với từng giáo phận, cha sở đối với từng giáo xứ... phải là những người tiên phong khởi động đi trước. Như thế, công cuộc loan báo Tin Mừng mới mong có nét khởi sắc. Thực tế chứng minh rằng giáo phận nào mà vị đứng đầu tha thiết và thúc đẩy công cuộc loan báo Tin Mừng thì giáo phận đó mạnh về truyền giáo; giáo xứ nào mà cha sở mạnh về xây dựng thì giáo xứ đó có nhiều công trình xây dựng. Đó là một thực tế phổ biến. Người đứng đầu là linh hồn của một tập thể. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt!

2. Trên không thuận, dưới làm sao hòa?

Mầu nhiệm hiệp thông là một đặc điểm của Giáo Hội do Đức Kitô sáng lập. Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông, là phản ảnh đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Do đó, không thể nói tới Giáo Hội mà lại thiếu sự hiệp thông.

Đức Giêsu chọn các môn đệ đi theo mình, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một tâm tính, mỗi người một số phận. Nhưng tất cả khi được Đức Giêsu tuyển lựa thì đều chung về một chủ chăn. Các vị vẫn còn những khác biệt nhưng lại hiệp nhất với nhau trong một đức tin.

Giáo Hội của Đức Kitô bao gồm mọi nền văn hóa, mọi ngôn ngữ và mọi sắc tộc, nhưng chung quy cũng chỉ có một Chúa, một đức tin và một phép rửa. Sự hiệp thông trong Giáo Hội làm nên mầu nhiệm Giáo Hội.

Trong vài năm gần đây, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, do nhiều sự kiện xảy ra, phảng phất những dấu hiệu phân hóa. Điều ấy là một tổn thất lớn. Hiệp nhất là dấu chỉ để loan báo Tin Mừng hùng hồn nhất. Không gì phản truyền giáo cho bằng chia rẽ. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).

Trên không thuận thì dưới tắc loạn, đó là một kinh nghiệm thực tế. Cứ hô hào loan báo Tin Mừng nhưng những người cầm trịch lại không thuận ý với nhau, không đồng lòng với nhau thì làm sao mà loan báo sứ điệp hiệp nhất được? Giáo Hội thời sơ khai đã chứng minh một sức mạnh trong việc mở rộng Nước Trời một cách sống động qua việc đồng tâm nhất trí với nhau (xc. Cv 4,32-35). Đồng tâm nhất trí với nhau tạo nên một sức mạnh hùng hồn hơn bất kỳ lời rao giảng nào khác.

Những sự kiện mới xảy ra trong lòng Giáo Hội tại Việt Nam cho chúng ta thấy nhiều quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề: người thì như thế này, kẻ thì thế khác; người thì thuận, kẻ lại chống…! Trên không thuận thì dưới không lo âu, không nghi ngờ rồi sinh lòng này lòng kia mới là lạ?

Công việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội có cần một sự đồng thuận từ trên xuống dưới không? Mọi thành phần trong gia đình Giáo Hội nếu nhất trí với nhau thì việc thực thi sứ vụ “đến với muôn dân” tốt lên không? Dưới nhìn lên trên, trên nhìn xuống dưới, chẳng có một sự nhất trí thì có huề cả làng? Có cần một cuộc gột rửa tâm hồn để trên thuận dưới hòa mà tát bể đông cho cạn!?

3. Trống đánh xuôi, kèn sao lại thổi ngược?

Giới trẻ Việt Nam thường hát “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền… quyết chí ắt làm nên”. Tình hình hiện tại cho thấy chưa có một sự đồng thuận rõ ràng mang tính cách pháp lý trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam? Tình trạng trên bảo dưới không nghe có tồn tại trong lòng Dân Chúa không? Hoặc là trên nói gà dưới bảo vịt? hoặc là trên bảo làm, dưới cứ ngồi chơi!?

Trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì hòa điệu làm sao được? Trong dàn nhạc, tất cả các nhạc viên phải tuân theo sự điều khiển của nhạc trưởng nếu không thì bản nhạc sẽ tấu lên những âm thanh đanh tai nhức óc, chẳng ra bài bản gì! Trong bản nhạc của việc loan báo Tin Mừng, tất cả các thành phần từ kèn trống, đàn nhạc đều phải tuân theo một sự điều khiển và một bản nhạc thì mới mong có một hợp tấu vang lừng. Công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam có nằm trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”? Điều này người viết không dám đưa ra nhận định, nhưng người viết thấy là không ổn trong việc phối hợp các loại nhạc cụ để có một bản nhạc du dương.

4. Tiền không hô, hậu ủng làm sao?

“Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Những vị đi đầu trong công cuộc mở rộng Giáo Hội, nếu không thấm lời tự răn mình của thánh Tông Đồ Dân Ngoại thì làm sao những người theo sau say mê nhiệt huyết của vị Tông Đồ này được? Người cầm lái, người đứng mũi chèo thuyền mà không có một tinh thần rạo rực với sứ vụ loan báo sứ điệp cứu độ thì làm sao những người theo sau có thể hăng hái lên đường? Tướng mà nhát đảm thì lấy gì làm cho ba quân mạnh mẽ được? Muốn quân xuất trận hào hùng đầy nhuệ khí thì vị tướng phải là người tiên phong. Tiền hô, hậu ủng quyết một lòng thì việc ắt thành công. Việc loan báo Tin Mừng không ở trong quy luật đó ư? Các vị đứng đầu cứ hô hào mạnh mẽ xem, cương quyết và thúc đẩy mạnh lên thì chắc chắn con dân sẽ vâng theo. Chiên bao giờ mà chẳng nghe theo tiếng chủ chăn! (xc. Ga 10,1-21).

5. Sức mạnh nào để loan báo Tin Mừng?

“Một cây làm chẳng lên non, ba cây mà chùm lại thành hòn núi cao.” “Không có Thầy, anh em chẳng thể làm gì được” (Ga 15,5). Gắn kết với Thầy, ở lại trong Thầy và Lời của Thầy thì chắc chắn sẽ sinh nhiều hoa trái và hoa trái đó mới tồn tại (xc. Ga 15,1-8). Khi về cùng Cha, Đức Giêsu đã gửi Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội để Người hướng dẫn Giáo Hội. Giáo Hội không thể lớn lên làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng của Người nếu không có tác động của Thần Khí hướng dẫn. Sau khi Đức Giêsu về trời, các Tông Đồ họp nhau lại cùng với Đức Maria cầu nguyện, rồi từ đó các ngài mới mạnh mẽ ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh (xc. Cv 1,12-14). Đức Maria đã hiện diện ngay từ giây phút đầu tiên của công cuộc loan báo Tin Mừng. Giáo Hội kín múc sức mạnh từ Đấng sáng lập khi hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần với lời khẩn cầu tha thiết của Đức Maria bằng một tinh thần đồng tâm nhất trí với nhau cùng thực thi một sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ. Đó là sức mạnh làm nên cộng đoàn chứng nhân tiên khởi.

Cộng đoàn tín hữu Kitô tại Việt Nam lấy sức mạnh từ đâu để loan báo Tin Mừng? Chắc chắn là không thể đi ra ngoài quỹ đạo của Cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi tại Giêrusalem. Chúng ta vẫn tin rằng Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong lòng Giáo Hội, nhưng chúng ta cũng cần nỗ lực cộng tác và tìm cách thúc đẩy công cuộc làm chứng cho Đức Kitô tại Quê Hương Đất Việt. Sứ vụ và công cuộc loan báo Tin Mừng mà thiếu sự hiệp nhất nơi Đoàn Dân Thánh tại Việt Nam thì có tiến được không?!

Một điều ước

Trước khi về cùng Đức Chúa Cha, Đức Giêsu ước một điều: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,19-23).

Người viết cũng ước một điều là tất cả các thành phần trong gia đình Hội Thánh tại Việt Nam đồng tâm nhất trí với nhau cùng thực thi mệnh lệnh phổ quát của Thầy Giêsu là ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho khắp các miền tại Quê Hương Đất Nước Việt này (xc. Cv 1,8).