Trong sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, chỉ có một ít tư tưởng các thánh được nêu lên để làm minh chứng. Trong số đó, tư tưởng Thánh Têrêsa được trích dẫn trong điều 2011 khi nói đến Tình Yêu Thiên Chúa. Và điều này cũng là điểm tổng kết bản tóm lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo.

Đó là: “Lạy Chúa, vào lúc xế bóng của cuộc đời này, con sẽ đến trước Chúa với hai bàn tay trắng, vì con không xin Chúa tính sổ việc con làm. Mọi việc được gọi là công lý của chúng con đều khiếm khuyết trước mặt Chúa. Vì thế, con cầu xin Chúa bảo bọc con trong công lý của Chúa và xin cho con được nhận từ tình yêu của Chúa sự sở hữu vĩnh cửu là chính Ngài”.

Những ngày đầu một năm, nhắc đến Tình Yêu và Công Lý là điều đáng làm, nhất là khi chúng ta vừa tiễn một năm 2010 với quá nhiều những đau đớn và xót xa cho Giáo Hội Việt Nam và cho công lý. Thánh Giá Chúa bị xúc phạm. Môn đệ Chúa bị lên án. Và những tiếng nói cho công lý dường như rơi vào khoảng không.

Năm 2010 cũng là năm nhiều người nói đến tình yêu. Có điều là người ta nói đến tình yêu để khước từ công lý. Đại loại như thế này: Đòi công bằng để làm gì? Nói lên tiếng nói của người nghèo để làm gì? Yêu thương mới là giới răn trọng nhất.

Hội Thánh trả lời giúp cho chúng ta: “Bác ái là điều răn mang tính xã hội cao cả nhất. Bác ái tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ. Bác ái đòi buộc thực thi công lý và chỉ có bác ái mới làm cho ta có khả năng đạt tới điều đó. Bác ái gợi hứng cho ta một cuộc sống tự hiến: ‘Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai liều mất mạng sống mình sẽ bảo tồn được mạng sống ấy’ (Lc 17,33)”

Điều ấy là giáo lý (điều 1899). Điều ấy là giáo huấn của Hội Thánh (HTXHCG 583). Thánh Têrêsa bảo mọi việc được gọi là công lý của con là thiếu sót. Huống chi là ngồi nhìn mà không hoạt động cho công lý. Thánh Têrêsa là vị thánh của sự đơn sơ khiêm hạ, là vị thánh của tình yêu. Và không ít người lầm tưởng đã yêu thì cứ cho qua hết mọi thứ. Nhưng thật ra, bỏ qua hết nhiều khi là một cách chống lại tình yêu.

Khi con người sẵn sàng cho qua mọi lỗi lầm, mọi gian ác bất công, thì mặc nhiên họ chấp nhận cho một số anh chị em mình đau khổ. Khi con người coi việc đập phá Thánh Giá là “chẳng có gì đáng nói”, hoặc phải yêu thương những người dám cả gan hành xử phạm thượng, thì họ tưởng rằng họ thực hành giới răn yêu thương, nhưng thật ra họ chỉ “yêu” vì sợ hãi.

Khi một vị linh mục bị đánh nát mặt vì ngài bảo vệ thánh đường, bảo vệ dân Chúa, những người khác vẫn im lặng với ý nghĩ “tha thứ cho người đánh mình” thì họ vi phạm bác ái vì “bác ái đòi buộc thực thi công lý”.

Khi giáo dân bị đuổi ra khỏi giáo xứ, xa khỏi nhà thờ, mà người ta vẫn nghĩ đó là hành vi dân sự thì quả là vô lý. Đó chính là sự bách hại người Kytô hữu, bởi vì tách con người ra khỏi cộng đoàn là cách hữu hiệu nhất để bắt người ta bỏ đạo.

Vào thời nhà Nguyễn cách đây hơn hai trăm năm, những kẻ bách đạo cũng đã nghĩ ra trò ấy: “Phân sáp (cũng đọc là Phân tháp); “Phân” là chia ra, “Sáp” hay “tháp”là cắm vào, lách vào. “Phân sáp” (hay “Phân tháp”) là chia riêng ra không cho tụ họp lại rồi cắm vào, ghép vào một nơi khác để bộ phận bị ghép vào đồng hóa với nơi được ghép vào. Như vậy, “Phân sáp” người Công giáo ở các làng Công giáo là xé nhỏ các gia đình Công giáo, các làng Công giáo để không còn là một đồng thể rồi ghép vào với gia đình không Công giáo (thuật ngữ gọi là người “bên lương”). Ở các làng “bên lương” khác quản lý, người Công giáo sẽ bị đồng hóa về mặt tôn giáo với người “bên lương” thì từ đó các cộng đồng người Công giáo là các họ đạo, các giáo xứ sẽ tàn lụi, sẽ bị xóa sổ.” (Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, Tập I, 2000, tr. 43).

Nhìn lại một năm qua, nhiều người cười hỉ hả và bao người khóc thầm. Người ta cười vì hưởng lộc. Người khác khóc không phải vì mình bị hại, mà vì thấy công lý Chúa vẫn chưa được thực thi ở nơi có quá nhiều bảng hiệu quảng cáo cho văn minh, văn hóa và cả văn hoa nữa.

Ước chi con người đừng dừng lại loay hoay đánh tráo khái niệm từ ngữ. Hãy nhìn vào lời huấn dạy của Chúa Giêsu và của Hội Thánh, để cùng xắn tay áo, bắt tay vào xây dựng con người và xã hội từ những điều nhỏ nhặt nhất.