Ngày 13-08-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức Mẹ chiến thắng
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:10 13/08/2024
Đức Mẹ CHIẾN THẮNG
LỄ Đức Mẹ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Nói đến chiến thắng của Đức Mẹ, người ta dễ nghĩ đến lễ Đức Bà Chiến Thắng mà Đức Giáo Hoàng Piô V thiết lập sau khi đoàn Thập tự chinh chiến thắng Đế chế Ottoman - Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lepanto ngày 7.10.1571.

Mừng trọng thể sự kiện Đức Mẹ được triệu hồi hồn xác, chúng ta hoàn toàn không đề cập đến bất cứ biến cố quân sự nào.

Thay vào đó, chúng ta reo mừng chiến thắng lớn lao của Mẹ Thiên Chúa vượt qua trần thế, vượt qua ngàn nỗi lao đao, nghịch cảnh mà vẫn trung thành, vẫn bền gan đón nhận thánh giá cùng sự đại thắng trên quyền lực của hỏa ngục, của sự dữ và của biết bao nhiêu cám dỗ và tội lỗi...

Cùng Đức Mẹ, chúng ta cũng nhìn thấy sự sống trong Chúa Kitô soi rọi, thúc đẩy và giúp chúng ta mạnh mẽ như Đức Mẹ, đi tới đích là ơn cứu độ vĩnh cửu. Chúng ta cũng chiến thắng. Đó là chiến thắng của ơn thánh trên tội lỗi, trên sự sống tự nhiên để tiến về và mặc lấy sự sống siêu nhiên ngay trong cõi tự nhiên này.

Sự chiến thắng của Đức Mẹ và của chúng ta không phải tự dưng mà có. Đó là sự chiến thắng trong Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô và chỉ do một mình Chúa Kitô. Sự chiến thắng trong Chúa sẽ được dễ dàng nhìn thấy qua các bản văn phụng vụ Lời Chúa.

I. BẢN VĂN THÁNH KINH CỦA NGÀY LỄ.

Lời của Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi” (Lc 1, 46-47). Chính Đức Mẹ – nơi đoạn Tin Mừng, Đức Mẹ chứ không phải bất cứ tập thể hay cá nhân nào, dù là Hội Thánh hay chúng ta – đã ca ngợi Chúa, ca ngợi lòng thương xót của Chúa. Đức Mẹ tuyên xưng hành động cứu độ của Chúa, gọi Chúa là “Đấng Cứu độ tôi”.

Những chữ “Đấng Cứu độ tôi”, quả thật là lời quy hướng về Chúa. Đức Mẹ thực sự nhìn nhận, tin tưởng rằng: Chỉ có Chúa, chỉ trong Chúa, Đức Mẹ mới được vinh quang và hạnh phúc vô cùng như thế.

Lời ca ngợi quy hướng về Thiên Chúa của Đức Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”, còn được hỗ trợ bởi nhiều lời Kinh Thánh khác.

Chẳng hạn, lời thánh Phaolô trong bài đọc II: “Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của nhữn kẻ yên giấc…Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực” (1Cr 15, 20tt).

Từng có ai thuộc về Chúa Kitô như Đức Mẹ? Vì thế, Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, đã trở về trời cả hồn và xác, thì Đức Mẹ, người thuộc về hoa quả đầu mùa ấy cách trọn vẹn, cũng được đưa về trời hồn xác. Chính Đấng Cứu Độ đã thực thi ơn cứu độ khắp nhân loại, chắc chắn sẽ thực thi cách hoàn hảo nhất hành động cứu độ ấy trên chính mẹ của mình.

Bài đọc I, trích sách Khải Huyền kết thúc: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta và uy quyền của Chúa Kitô của Người đã được thực hiện” (Kh 12, 10).

Đây là lời nhấn mạnh sự chiến thắng trong ơn cứu độ của Chúa Kitô. Chắc chắn như chúng ta, Đức Mẹ đã không thể làm gì ngoài sức mình. Nhưng Đức Mẹ biết dùng sức mình để chiến đấu trong ơn thánh Chúa. Đức Mẹ đã không sống hay làm một mình, nhưng phó thác đời mình cho Chúa, để nhờ Chúa mà Đức Mẹ chiến thắng.

Bởi Đức Mẹ tin chắc rằng, dù phải sống trong đau thương đến đâu, thậm chí nỗi đau đớn lớn đến cùng cực như người mang thai “kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con”, hay sự dữ ập đến hãi hùng như “con rồng đỏ khổng lồ” đang đe dọa dữ dội, thì sự cứu độ của Chúa và vương quyền của Chúa Kitô đã và vẫn được thực hiện.

Mà sự cứu độ của Chúa đã được thực hiện, thì sự cứu độ ấy, chắc chắn bao trùm lên chính cuộc đời của Đức Mẹ. Đức Mẹ đã sống và chiến đấu với mọi thử thách trong Chúa. Ơn cứu độ dành cho tất cả những ai kiên trì chiến đầu và chiến thắng. Ơn cứu độ ấy thật xứng đáng trước tiên dành cho Mẹ của Chúa Kitô, Người Nữ Chiến Thắng, rồi đến từng người chúng ta.

Điểm qua ba bài đọc, ta nhận ra: cùng đích của mọi ơn lành là chính Chúa Kitô. Bởi thế, dù là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, nhưng Hội Thánh lại mời gọi ta hướng về Thiên Chúa, hướng về Chúa Kitô. Bởi chỉ nhờ ơn cứu độ do Chúa Kitô thực hiện trong cuộc phục sinh vinh hiển theo ý Thiên Chúa, Đức Mẹ mới được đưa ra khỏi trần gian, được trọng thưởng đặc biệt hồn xác.

II. CHIẾN THẮNG TRONG CHÚA KITÔ.

Mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời là mừng chính niềm hy vọng của chúng về một ngày toàn thắng. Chiến thắng ấy là sự nối kết gần gũi hết sức giữa niềm tin Mông Triệu của Đức Mẹ và niềm tin phục sinh của Chúa Kitô, người Con một yêu dấu của Đức Mẹ. Đó là sợi dây liên kết tất yếu giữa Mẹ và Con. Đó càng là bằng chứng lớn lao cho niềm tin phục sinh của mỗi chúng ta.

Bởi như Chúa đã phục sinh thế nào, thì Mẹ của Chúa cũng là người trước hết hưởng vinh quang phục sinh của Con mình thế ấy. Và nếu Chúa đã không để Đức Mẹ chịu cảnh hư nát, vì Đức Mẹ là Mẹ của Chúa, Đấng Vĩnh Cửu, thì cùng Đức Mẹ, chúng ta chắc chắn sẽ thông chia hạnh phúc phục sinh ấy.

Vì vậy, chúng ta tôn vinh Đức Maria hồn xác lên trời, cũng đồng thời là lúc tôn vinh mầu nhiệm phục sinh cao cả của Chúa Kitô, đồng hy vọng khải hoàn nơi sự sống đời đời của mỗi chúng ta.

Đức Mẹ đã về trời, đó là dấu chỉ hữu hiệu cho đức tin của ta: Tương lai không còn là điều đáng ngại hay lo lắng, nhưng trở nên điều đáng quan tâm xây dựng, và cuộc sống này trở thành những ngày chuẩn bị cho tương lai ấy.

Chúng ta chuẩn bị bằng cách bắt chước Đức Mẹ sống lành thánh trong tin yêu, sống niềm phó thác tuyệt đối trong tay Chúa, biết lắng nghe, thực thi Lời Chúa, sống đúng tư cách làm con Chúa qua đời sống bác ái với anh chị em. Nhất là với những người từng giờ, từng phút cần được sự chia sẻ cả phần hồn lẫn phần xác…
Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ để thấy rằng, Đức Mẹ dù là người Nữ Chiến Thắng, người Nữ Vinh Quang với triều thiên sao sáng, nhưng bị vây bủa đầy chông gai, thử thách.
Nhìn lên Đức Mẹ như thế, để nhận ra chính mình mà vững niềm cậy trông. Bởi chúng ta cũng phải cam chịu nhiều thử thách.

Vinh quang chỉ có thể lớn lên từ trong thử thách mà thôi. Chỉ có thể mang về cho mình sức mạnh của chiến thắng sau khi kiên trì chiến đấu trong ơn nghĩa và trong sự trung thành với Chúa mà thôi.

Chỉ nhờ Chúa Kitô mà Đức Mẹ và cả chúng ta, không chỉ chiến thắng, nhưng là toàn thắng.
 
Ngày 14/08: Quyền tha thứ tội lỗi của Hội Thánh – Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
01:54 13/08/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

“Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.

“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Đó là lời Chúa
 
Sự Sống - Bánh Sống
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
02:40 13/08/2024
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN NĂM B : GA 6,51-58

51 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. 52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”

53 Đức Giê-su nói với họ : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.



SỰ SỐNG - BÁNH SỐNG

Chương 6 Tin Mừng Gio-an là chương cho thấy Đức Giê-su mang đến sự sống cho ta tùy mức độ ta tán đồng chấp nhận tất cả những gì làm nên Người. Phần đầu chương nhấn mạnh đến sự tán đồng của đức tin : “Hãy tin vào tôi”. Bây giờ Đức Giê-su bảo : “Hãy ăn lấy tôi”. Mấy từ này đã khiến người Do-thái ghê rợn, nhưng đối với Ki-tô hữu, vốn biết đó là Thánh Thể, lời tuyên phán ấy dạy cho họ hai điều : sự sống họ nhận được qua việc ăn “bánh hằng sống” là sự sống nào, và việc ăn “bánh hằng sống” này quan trọng đối với sự sống của họ ra sao.

1. Sự sống nào nhận được qua “bánh hằng sống”?

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống…”. Đức Giê-su là “bánh trường sinh” (c. 48), nghĩa là ban sự sống thần linh, vì Người là “bánh hằng sống” (c.51), nghĩa là Đấng có sự sống thần linh trong mình, hay nói đúng hơn, Người là sự sống. “… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” một sự sống thần linh, đích thực, sung mãn. Những lời quả quyết của Người càng lúc càng rõ rệt và táo bạo.

Chỉ có thể quán triệt những lời quả quyết trên đây của Đức Giê-su nếu chúng ta đặt mình trên quan điểm đức tin, một đức tin cao sâu và liều lĩnh, đức tin mà Người luôn bảo là rất quan trọng. Đức tin này cho ta thấy được “sự sống” một cách hoàn toàn khác hẳn quan niệm thông thường của ta. Vì xét cho cùng, cái mà chúng ta thường gọi là “sự sống” trong lãnh vực tự nhiên, đáng được gọi là “chết” hơn là “sống”. Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Ki-tô, Đấng chính là sự sống, điều chỉnh quan niệm của ta bằng cách nói cho ta hay Thiên Chúa nghĩ gì về thực tại quan trọng này. Khi nói “sự sống” cách cụt ngủn (không có tính từ hay bổ từ), là Đức Giê-su cố ý nói đến sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã thông ban cho tổ tông nhân loại và sau lúc A-đam sa ngã thì Đức Ki-tô đã đến trả lại cho ta. Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã định ban sự sống siêu nhiên ấy cho con cái Người; Người đã chẳng muốn tạo dựng một sự sống thuần túy tự nhiên mà chẳng có sự sống siêu nhiên. Nhìn sự vật với con mắt Thiên Chúa, thì sự sống thuần túy tự nhiên thiếu mất cái đặc tính riêng của sự sống (trao hiến, sung mãn, vĩnh cửu), thành thử nó không được gọi là “sự sống” theo nghĩa đầy đủ và sâu xa.

Vì vậy khi Đức Giê-su tự xưng là “bánh hằng sống” và khi bảo bánh ấy ban sự sống cho ai ăn nó vào, là Người nói về “sự sống” theo nghĩa đầy đủ nhất, sự sống thần linh mà cái chết thân xác sẽ không thể nào hủy diệt được. “Lạy Chúa, đối với chúng con là những tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi” (Bài Tiền tụng lễ an táng).

Đối với chúng ta, sự sống thể lý mà chúng ta có kinh nghiệm nhiều hơn, chiếm chỗ quan trọng nhất; sự sống siêu nhiên xem ra thường ít quan trọng và mơ hồ. Phải sửa sai quan niệm này theo quan niệm Đức Ki-tô. Khi đứng trước một kẻ nào chỉ chết cách thể lý, như trước con gái ông Gia-ia hay trước anh bạn La-da-rô, thì Người thường gọi cái chết đó là một giấc ngủ (x. Mt 9,24; Ga 11,11); thánh Phao-lô cũng vậy (x. 1Cr 7,39; 11,30; 15,6.18.20.51…). Bởi đó, danh từ đạo gọi chỗ chôn người chết là “cimetière” (Pháp), “cemetery” (Anh), “coemeterium” (Latinh), do từ “koimètêrion” (Hy-lạp), có nghĩa là “phòng ngủ”. Trong các hang toại đạo, người ta thường thấy hàng chữ khắc sau đây : “Vivas in Deo = Hãy sống trong Thiên Chúa”. Ngang phần Lễ Quy (Kinh Tạ Ơn I), linh mục cầu nguyện cho tất cả những ai “đang nghỉ giấc bình an”. Sau hết, tinh thần duy thực siêu nhiên của Giáo Hội còn biểu lộ qua việc Giáo Hội gọi ngày qua đời của các thánh là “dies natalis” = ngày sinh ra trong sự sống đích thực và sung mãn.

2. “Bánh hằng sống” quan trọng ra sao đối với sự sống?

Sự sống đích thực và sung mãn nói trên có được là nhờ chúng ta khi còn ở trần gian đã biết ăn lấy “bánh hằng sống” (mỗi lúc đi dự Thánh lễ). Nhưng niềm tin này hiện nay có vẻ lu mờ. Ta ngày càng nghe câu nói chết người đối với cuộc sống Ki-tô hữu : “Tôi thì tin đạo nhưng không giữ đạo”. Điều này cũng thấy được qua thực tế. Số giáo dân đi lễ Chúa nhật ngày càng ít ỏi, nhất là tại các nước Âu châu và Bắc Mỹ. Đài Va-ti-can từng cho biết : ở Hy-lạp, Chính thống giáo là quốc giáo, nhưng số người Chính thống sống phụng vụ chỉ được 3%; bên Anh quốc, Anh giáo là quốc giáo (theo Hiến pháp), nhưng số tín hữu đạo này tham dự các sinh hoạt nhà thờ chưa tới 1/10. Công Giáo thì có khá hơn chút đỉnh nhưng cũng đáng lo ngại. Tại Pháp, cách đây nhiều năm, ai đi lễ mỗi Chúa nhật thì được xếp vào hạng tín hữu giữ đạo (croyants pratiquants); ngày nay, chỉ cần đi lễ mỗi tháng một lần cũng được xếp vào loại đó. Đấy là chưa kể rất nhiều Ki-tô hữu chỉ tới nhà thờ 4 lần trong đời : một lần được bồng tới, một lần được dắt tới, một lần được rước tới và một lần được khiêng tới ! Hy vọng rằng mọi cái trong ta đều chỗi dậy chống lại khẳng định vừa nói : “Tôi thì tin đạo nhưng không giữ đạo”, khẳng định tách rời “hành đạo” với “đức tin”. Nhưng hãy xem mối liên hệ giữa hai điều nầy.

Đoạn suy niệm của chúng ta về Bánh trường sinh trên đây đã cho thấy mối liên hệ Đức Giê-su đích thân thiết lập giữa hai thành tố của đời Ki-tô hữu : “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình các ông”. Từ chủ chốt là từ “sự sống” như đã thấy. Người tin đạo mà không giữ đạo cũng có ý tưởng “sống đức tin của mình”. Và điều này lập tức được họ thể hiện ra bằng mối ưu tư đúng đắn về lòng bác ái huynh đệ : “Tôi tin Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người. Nhưng Người không đòi tôi đi lễ mà đòi tôi yêu mến”. Người đòi cả hai đấy ! Đấng nói với ta rằng : “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã thương yêu anh em” cũng chính là Đấng cảnh cáo chúng ta : “Nếu không rước lấy mình máu Thầy, anh em sẽ chẳng có sự sống của Thầy, sự sống giúp anh em có tình huynh đệ như Thầy đã có”.

Thánh Thể liên kết chúng ta với sự sống của Đức Ki-tô đến độ chúng ta sẽ chẳng dám nghĩ tới điều ấy nếu Người đã không đích thân phán với chúng ta : “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong họ”. Thánh Xi-pri-a-nô đã phản ánh điều này một cách rất tuyệt : “Đấng ở tận đáy tâm lòng ta, thì xin Người cũng ở trong tiếng nói của ta”. Có thể thêm : trong các cử chỉ, trong toàn bộ cách yêu thương của ta. Kẻ tin muốn yêu “bất cần thánh lễ” chẳng thấy được rằng mình tin rất ít vì đã coi thường lời mạnh mẽ sau đây của Đức Giê-su : “Không Bánh trường sinh, anh em sẽ chẳng có sự sống”. Kẻ tin nửa vời ấy và kẻ không tin có thể giàu tình huynh đệ, điều này thường gặp, nhưng họ khó và hiếm khi yêu được “như Đức Giê-su”. Đối với kẻ không tin, đó là chuyện bình thường. Đối với kẻ tin, đó là một lệch lạc : muốn làm môn đệ Đức Giê-su, bắt chước Đức Giê-su mà lại chẳng nuôi mình bằng sự sống của Người. Khi không có niềm tin vào Thiên Chúa hay sức sống Thánh Thể, tình yêu trong con người, múc lấy từ trái tim nhỏ bé của họ, rất dễ biến thành ích kỷ, kiêu căng, thậm chí chỉ còn là ngôn từ rỗng tuếch.

Dĩ nhiên có một vấn nạn khủng khiếp : trong thực tế, kẻ năng dự lễ có tình huynh đệ nhiều hơn không? Trước hết, tổng quát hóa luôn là chuyện sai lầm. Nhưng có vô số người sốt sắng với Thánh Thể mà tính dễ thương trường kỳ và lòng quảng đại vô biên của họ nói với ta rất nhiều về “sự sống Đức Ki-tô” ở trong họ.

Nhưng vấn đề Thánh Thể liên hệ tới chúng ta tất cả là vấn đề sinh lực thánh thể của chúng ta. Đón nhận sự sống bằng cách ăn lấy Bánh Sự Sống, điều đó đòi hỏi một thái độ chăm chú, gắn bó nội tâm mà ta cứ thiếu hoài. Chuyện rước lễ dần dần trở nên một ma thuật và một thói lệ, như thể việc di chuyển và đưa bàn tay ra đủ biến ta trở thành người mạnh mẽ xin sự sống. Không, điều đó đòi một đức tin luôn tỉnh thức, luôn hỏi đi hỏi lại ta rằng ta đi rước lễ là vì sao và đến nhận thứ bánh nào. Một “tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới”, một sự sống đã bị nghiền nát để chúng ta có thể chết cho lòng ích kỷ và kiêu căng. Không có cái chết đó, chúng ta thực thi tình huynh đệ sao nổi ! Ngoài ra, Thánh Thể còn là sức mạnh giúp chúng ta can đảm tuyên xưng đức tin như các thánh tử đạo và chẳng tuyệt vọng khi gặp đau khổ lớn lao trong cuộc đời, như câu chuyện dưới đây.

Ngày 06-08-1945, quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản. Linh mục Pedro Arrupe (1907-1991, bề trên tổng quyền thứ 28 của Dòng Tên từ 1965-1983 và hiện thụ án phong thánh) lúc ấy đang coi tập viện của Dòng ở ngoại ô thành phố. Ngài tức khắc thành lập một phái đoàn điều trị y tế và cứu hộ. Trong hồi ký của mình, ngài có viết như sau : “Một ngày sau vụ nổ bom nguyên tử, tôi đang đi qua những con phố đầy rẫy đống đổ nát đủ loại. Tại nơi trước kia là ngôi nhà của một thiếu nữ, tôi tìm thấy một túp lều được chống đỡ bởi vài cây cột và được che chắn bằng những mảnh thiếc. Tôi cố gắng bước vào nhưng một mùi hôi thối khó chịu đã xua đuổi tôi. Cô gái trẻ là một Kitô hữu, tên Nakamura, đang nằm dài trên một chiếc bàn gồ ghề nhô cao hơn mặt đất một chút. Cánh tay và chân của cô duỗi ra và được bao phủ bởi một số mảnh vải vụn bị đốt cháy… Da thịt cô bị bỏng dường như chẳng còn gì ngoài xương và vết thương. Cô đã ở trong tình trạng này mười lăm ngày mà không thể tự chăm sóc hay tắm rửa; cô chỉ ăn một ít cơm mà cha cô, cũng bị thương nặng, đã đưa cho cô... Kinh hoàng trước cảnh tượng khủng khiếp như vậy, tôi im lặng không nói nên lời. Một lúc sau, Nakamura mở mắt ra và khi nhìn thấy tôi đến gần, mỉm cười với cô, cô nhìn tôi với hai hàng nước mắt và tìm cách đưa cho tôi bàn tay mưng mủ rồi nói với tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên : ‘Thưa cha, cha mang Mình Thánh Chúa đến cho con phải không?’”
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb..
03:32 13/08/2024

7. Lời cầu nguyện của linh mục như nước của cá, như không khí với chim, như nguồn nước của hươu.

(Thánh John Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức ")


---------------

http://www.vietcatholic.com

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb..
03:38 13/08/2024
32. GIẢ GÁI TRỐN NỢ

Có người mắc rất nhiều nợ, khi người ta đến đòi nợ thì hắn liền bịp bợm, nói:

- “Tôi sắp kết hôn với một quả phụ, phải bỏ ra rất nhiều tiền, chỉ tiếc là trong tay tôi không có tiền để nạp lễ, nếu như ngài có thể cho tôi mượn, giúp tôi lấy người quả phụ ấy, không những tôi có thể trả hết nợ, lại còn có thể cho ngài mượn nữa”.

Chủ nợ nghe thì tưởng là thật.

Người ấy sau khi lừa được một nén bạc, liền sơn lại nhà cửa, chủ nợ càng tin thêm.

Qua mấy ngày sau, chủ nợ đi qua trước cổng nhà người ấy, muốn hỏi chuyện trả nợ, bèn tiến tới gõ cửa, chỉ nghe phía trong cửa có tiếng phụ nữ trả lời:

- “Chồng tôi đi khỏi rồi.”

Chủ nợ qua lại mấy lần liên tiếp, đều nghe như thế, trong lòng bực bội, bèn len lén đi đến bên cửa sổ nhìn vào bên trong, nhưng bên trong không có phụ nữ, chỉ thấy người mắc nợ bịt mũi giả làm tiếng nói của phụ nữ mà thôi.

Chủ nợ như lửa đổ thêm dầu, đá toang cái cửa sổ nhảy vào bên trong túm ngay tên mắc nợ gian manh ấy mà đánh, lúc này tên mắc nợ vẫn cứ bịt mũi giả tiếng phụ nữ nói lớn:

- “Chồng tôi mắc nợ chứ can gì đến tôi chứ?”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 32:

Có một vài cha sở cho con chiên bổn đạo vay tiền, nhưng con chiên bổn đạo lại cứ lần chần không muốn trả, hoặc trả không đúng kỳ hạn, bởi vì họ cứ nghĩ rằng cha sở không có đòi nợ như những người cho vay ăn lời khác, còn cha sở thì không dám đòi vì sợ người ta nói là cha không biết thương người nghèo, đòi nợ gấp quá, thế là vì lâu quá không trả nợ cho cha sở nên người mượn tiền không dám đi tham dự thánh lễ, không dám đến tham gia các sinh hoạt nhà thờ, dần dần bỏ luôn nhà thờ vì sợ cha sở đòi nợ...

Giúp đỡ cho con chiên bổn đạo là việc làm chính đáng của cha sở, nhưng đừng làm cho họ phải bỏ nhà thờ vì sợ cha sở thấy mặt là hỏi nợ, mặc dù cha sở chưa bao giờ đòi nợ ai cả.

Kinh nghiệm hay nhất là nếu cha sở thấy giúp được thì tặng họ luôn một số tiền, bằng không có khả năng thì cứ nói thật là không có, chứ đừng bao giờ cho con chiên bổn đạo vay tiền, bởi vì chuyện cha sở cho vay tiền mà mất luôn cả chì lẫn chài, nghĩa là mất tiền và mất luôn cả bổn đạo, hơn nữa sẽ có nhiều chuyện không hay xảy ra mất tiếng tốt của cha sở...

Giúp đỡ là việc bác ái nên làm, nhưng nó có hai mặt mà chúng ta nên thấy cho tỏ tường...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholic.com

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
VietCatholic TV
Putin nổi giận: Kurds báo cáo 28 thị trấn thất thủ, viện quân trúng HIMARS. Kyiv có kế để giữ Kurds
VietCatholic Media
03:10 13/08/2024


1. Quân đội Ukraine đang đào chiến hào ở tỉnh Kursk của Nga. Đó là dấu hiệu họ dự định ở lại.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian Troops Are Digging Trenches In Russia’s Kursk Oblast. It’s A Sign They Plan To Stay.”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Chúa Nhật, 11 Tháng Tám, tức là ngày thứ sáu trong cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào Kursk ở miền nam nước Nga, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng Ukraine – bao gồm 5 lữ đoàn cộng với ít nhất một tiểu đoàn biệt lập - có kế hoạch ở lại.

Người Ukraine đang đào chiến hào. Dự đoán trước tình hình chiến tranh tĩnh dọc hoặc gần chiến tuyến hiện có, người Nga cũng đang tiến hành.

Việc cả hai bên đang củng cố vị trí của mình không có nghĩa là người Ukraine đã tiến đủ xa và không muốn tấn công tiếp. Điều đó cũng không có nghĩa là người Nga không thể phản công và đẩy người Ukraine trở lại biên giới.

Nhưng điều đó có nghĩa là việc ổn định tiền tuyến – và việc Ukraine chiếm đóng lâu dài một phần hay toàn bộ tỉnh Kursk – đang được đặt lên bàn cân.

Phóng viên quân sự Nga Aleksandr Kharchenko quan sát lực lượng Ukraine đào chiến hào ở Kursk hôm Chúa Nhật. Ông mô tả đó là “điều tồi tệ nhất có thể xảy ra”, theo bản dịch của nhà phân tích War Translated người Estonia.

Các nguồn tin Ukraine đã phát hiện các máy xúc công nghiệp đang làm việc ở cả hai bên chiến tuyến.

Kharchenko nói thêm: “Một khi đối phương cầm xẻng lên, trong hai ngày nữa việc tái chiếm các khu rừng sẽ khó khăn như gần Avdiivka” ở miền đông Ukraine. Quân đội Nga phải mất sáu tháng để đẩy lùi lực lượng phòng thủ của Ukraine ở Avdiivka – với cái giá phải trả là thiệt mạng hàng chục ngàn người.

Có thể cho rằng, người Nga đã thắng trận Avdiivka vào giữa tháng 2 chỉ vì người Ukraine đã hết đạn sau nhiều tháng viện trợ của Mỹ cho Ukraine bị trì hoãn do tranh cãi của các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ.

Giờ đây khi viện trợ của Mỹ đang quay trở lại, các lực lượng Nga xung quanh Kursk không thể trông chờ vào việc quân Ukraine sắp hết đạn. Để đẩy hàng ngàn binh sĩ Ukraine ra khỏi Kursk, họ sẽ phải chiếm từng chiến hào một.

Tất nhiên, trừ khi Điện Cẩm Linh có thể tổ chức một cuộc phản công mạnh mẽ trước khi chiến hào của Ukraine hoàn tất. Nhưng “cánh cửa cơ hội đang nhanh chóng đóng lại”, Kharchenko cảnh báo – và các cuộc tấn công của Ukraine đang ngăn chặn lực lượng tiếp viện của Nga đang cố gắng tiếp cận tiền tuyến Kursk.

Artur Rehi, một nhà phân tích quân sự người Estonia, viết: “Các đoàn quân của Nga đã gặp phải các nhóm trinh sát và phá hoại, máy bay điều khiển từ xa và pháo binh Ukraine”.

Đã có chuẩn bị trước, quân Ukraine tung ra một lực lượng lớn máy bay điều khiển từ xa bay đầy trời. Trong mấy ngày qua, không thiếu các trường hợp quân tiếp viện Nga bị máy bay điều khiển từ xa hay pháo binh của Ukraine vây đánh.

Rõ ràng Kursk có thể trở thành một mặt trận lớn khác trong cuộc chiến kéo dài 29 tháng của Nga với Ukraine.

Người Ukraine đã bố trí hơn 10.000 quân ở Kursk và tỉnh Sumy lân cận của Ukraine. Và theo Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine, Nhóm Lực lượng phía Bắc của Nga đang cố gắng điều động 10 đến 11 tiểu đoàn ra tiền tuyến - có lẽ tổng cộng là 4.000 quân.

Tuy nhiên, khoảng 10 tiểu đoàn Nga đó chỉ là những con số ảo. Trên giấy tờ, Tập đoàn Lực lượng phía Bắc có 48.000 quân. Nhiều người trong số họ đã đào ngũ, hay đang sa lầy ở Vovchansk, địa điểm xảy ra cuộc tấn công của chính Nga qua biên giới Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng Năm.

Nhưng nếu từ bỏ nỗ lực tiến quân ở Vovchansk và các thị trấn, thành phố tiền tuyến khác, quân đội Nga có thể chuyển lực lượng đáng kể tới Kursk. Thật vậy, việc buộc người Nga tiêu hao lực lượng của họ trên các mặt trận khác có thể là mục tiêu chính của Ukraine khi quyết định mở cuộc tấn công xuyên biên giới vào tỉnh Kursk.

2. Tư lệnh Ukraine cho biết lực lượng Kyiv kiểm soát 386 dặm vuông của tỉnh Kursk

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's Commander Says Kyiv's Forces Control 386 Square Miles of Kursk”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Tổng tư lệnh các quân đội Ukraine hôm thứ Hai cho biết lực lượng của ông hiện đang kiểm soát 1.000 km2 hay 386 dặm vuông khu vực Kursk của Nga.

Kyiv đã bất ngờ bắt đầu một cuộc tấn công xuyên biên giới từ vùng Sumy phía đông bắc vào Kursk vào thứ Ba tuần trước. Các cuộc tấn công từ Ukraine vào Nga trước đây đã được các nhóm Nga liên kết với Kyiv tuyên bố nhận trách nhiệm, nhưng đây là lần đầu tiên quân đội chính quy tiến hành một hoạt động như vậy.

Hôm thứ Hai, một đoạn video được đăng lên trang Telegram của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho thấy Đại tướng Oleksandr Syrskyi, người mới nhậm chức Tổng tư lệnh quân đội Ukraine vào tháng 2, nói về lực lượng của Kyiv ở Kursk.

“Quân đội đang hoàn thành nhiệm vụ của mình. Giao tranh thực sự vẫn tiếp tục dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Tình hình nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi”, Tướng Syrskyi nói.

Trước đó vào thứ Hai, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin trên kênh Telegram của mình rằng Putin đã có cuộc gặp với các quan chức an ninh hàng đầu của Nga và được Alexei Smirnov, đại diện thống đốc Kursk thông báo rằng “tình hình trong khu vực rất khó khăn”, và lưu ý rằng Ukraine hiện kiểm soát 28 thị trấn trong bối cảnh quân Ukraine tiếp tục thọc sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Đoạn video từ RIA Novosti cho thấy Putin phản ứng giận dữ và làm gián đoạn báo cáo của Smirnov trong cuộc họp.

BBC News hôm thứ Hai đưa tin rằng Putin đã nói với một cuộc họp với các quan chức Nga khác rằng “nhiệm vụ chính của bộ quốc phòng là đẩy, và đuổi đối phương ra khỏi lãnh thổ của chúng ta”.

Putin nói rằng việc Ukraine tấn công xuyên biên giới vào Kursk là một nỗ lực của Kyiv nhằm đáp trả các nỗ lực tấn công của Mạc Tư Khoa ở khu vực Donbas. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng Ukraine đang tìm cách gây bất ổn trong công chúng.

“Rõ ràng là đối phương sẽ tiếp tục tìm cách gây bất ổn tình hình ở khu vực biên giới nhằm gây bất ổn tình hình chính trị nội bộ ở nước ta”, Putin nói và cho biết thêm nhiệm vụ của Nga là “đẩy, và đuổi đối phương ra khỏi biên giới của chúng ta, các vùng lãnh thổ và cùng với lực lượng biên phòng để bảo đảm sự quản lý đáng tin cậy của biên giới quốc gia.”

Roman Starovoyt, Thống đốc khu vực Kursk của Nga, được tin là đang bị điều tra sau khi quân Ukraine vượt qua các công sự phòng thủ kiên cố của tỉnh Kursk. Tỉnh này đã chi ra 173 triệu Mỹ Kim trong 2 năm để làm công sự phòng thủ. Quân Ukraine được tường trình chỉ mất 2 tiếng đồng hồ vào hôm thứ Ba tuần trước 6 Tháng Tám, để vượt qua công sự này.

Lần đầu tiên vào thứ Hai, Zelenskiy xác nhận rằng các lực lượng Ukraine đang hoạt động bên trong khu vực Kursk của Nga. Trên Telegram, ông khen ngợi các binh sĩ và chỉ huy đất nước vì “sự kiên định và hành động quyết đoán” của họ.

Zelenskiy cũng lưu ý rằng Ukraine sẽ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở khu vực Kursk. Theo cơ quan khẩn cấp của Nga, hơn 76.000 người đã được yêu cầu di tản khỏi khu vực

3. Thống đốc cho biết vụ cháy tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia đã được dập tắt

Thống đốc tỉnh Dnipropetrovsk Serhii Lysak cho biết đám cháy tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, được cho là do Nga pháo kích một ngày trước đó, đã được dập tắt.

Trước đó, hôm Thứ Hai, 12 Tháng Tám, Yevhen Yevtushenko, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự ở Nikopol, cho biết lực lượng Nga đã bắn vào tháp giải nhiệt của nhà máy khiến ngọn lửa bùng phát.

“Có lẽ đây là một hành động khiêu khích hoặc một nỗ lực nhằm tạo ra sự hoảng loạn trong các khu định cư ở hữu ngạn hồ chứa nước cũ”, Yevtushenko nói vào thời điểm đó.

Trong tin nhắn Telegram lúc 7h30 sáng giờ địa phương, Lysak cho biết đám cháy tại nhà máy đã được dập tắt và mức độ phóng xạ trong khu vực ở mức bình thường.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, buộc Nga phải chịu trách nhiệm về hành động khiêu khích.

“Chừng nào những kẻ khủng bố Nga còn giữ quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân thì tình hình sẽ không và không thể bình thường”, Tổng thống Zelenskiy nói như trên hôm Chúa Nhật, 11 Tháng Tám.

“Chúng tôi đang chờ phản ứng của thế giới, chờ phản ứng của IAEA.”

ZNPP, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, đã nằm dưới sự xâm lược của Nga kể từ tháng 3 năm 2022. Vị trí của nó gần tiền tuyến đã dẫn đến rủi ro an toàn hạt nhân ngày càng cao trong suốt cuộc chiến tranh toàn diện của Nga.

4. Ukraine quyết tâm san phẳng căn cứ không quân Khalino, nằm cách chiến tuyến chỉ 50 dặm trong cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ của Ukraine vào Nga

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Is Determined To Flatten Khalino Air Base, Situated Just 50 Miles From The Front Line Of Ukraine’s Surprise Invasion Of Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Căn cứ không quân Khalino, ở thành phố Kursk, là phi trường quân sự gần Sudzha nhất. Đó là thành phố gần biên giới đã lọt vào tay quân Ukraine trong cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ vào Kursk bắt đầu từ hôm thứ Ba 6 Tháng Tám.

Khalino có Trung đoàn Hàng không Tiêm kích Cận vệ số 14 của Không quân Nga. 24 máy bay ném bom chiến đấu Sukhoi Su-30SM của trung đoàn có thể mang bom lượn KAB, nặng tới 3 tấn và có tầm bắn 25 dặm hoặc xa hơn trên các cánh bật ra.

Ngay sau khi năm lữ đoàn Ukraine tràn qua biên giới vào thứ Ba, lực lượng không quân Nga đã bắt đầu tấn công các lữ đoàn và căn cứ của họ ở Sumy của Ukraine, với khoảng 50 KAB mỗi ngày - một nửa số KAB mà người Nga thả xuống dọc theo 700 dặm tiền tuyến của cuộc chiến kéo dài 29 tháng của Nga với Ukraine.

Người Ukraine biết Khalino quan trọng như thế nào. Đó là lý do tại sao họ tấn công mạnh mẽ hơn kể từ tuần trước cuộc xâm lược.

Khalino chỉ cách biên giới 65 dặm hay 105 km, nằm trong tầm bắn của nhiều loại vũ khí tấn công sâu của Ukraine bao gồm hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn hành trình và máy bay điều khiển từ xa có chất nổ. Người Ukraine đã tấn công căn cứ này nhiều lần kể từ tháng 2 năm 2022.

Một cuộc đột kích bằng máy bay điều khiển từ xa vào Khalino vào tháng 12 năm 2022 đã gây ra hỏa hoạn tại kho nhiên liệu của căn cứ. Một cuộc tấn công khác tám tháng sau đó liên quan đến máy bay điều khiển từ xa tấn công được làm bằng bìa cứng độc đáo của Ukraine.

Các cuộc tấn công leo thang. Vào ngày 31 tháng 7, chỉ sáu ngày trước cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine, hỏa tiễn hành trình Neptune của hải quân Ukraine đã tấn công kho đạn của Khalino và đốt cháy một phần của nó, có thể phá hủy bất kỳ KAB nào được cất giữ ở đó.

Mười một ngày sau, quân đội Ukraine đã chiếm được gần 400 dặm vuông hay 1036 km vùng Kursk – quân Ukraine đã chiến đấu quyết liệt chống lại hàng loạt KAB là thứ đã và đang làm hư hại hoặc phá hủy một số xe cộ của Ukraine. Vào sáng Chúa Nhật, một hỏa tiễn của Ukraine đang lao về phía Khalino thì bị bắn trúng và các mảnh vỡ rơi xuống một tòa nhà chung cư ở Kursk, khiến 13 thường dân Nga bị thương.

Mối nguy hiểm đối với Trung đoàn Hàng không Tiêm kích Cận vệ số 14 và bất kỳ lực lượng nào khác của Nga tại Khalino sẽ chỉ gia tăng chừng nào người Ukraine còn kiểm soát vùng Kursk giáp biên giới.

Nếu họ tấn công Khalino từ bên trong khu vực xâm lược, quân Ukraine có thể tấn công vào căn cứ không quân bằng các hỏa tiễn phóng từ mặt đất tầm ngắn hơn, bao gồm cả hỏa tiễn M30/31 được bắn bởi Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao do Mỹ sản xuất.

Không rõ quân đội Ukraine có mạo hiểm với những chiếc HIMARS quý giá của mình ở gần tiền tuyến hay không. Nhưng nếu sẵn lòng, họ có thể tấn công Khalino mạnh hơn bao giờ hết.

5. Kyiv cho biết Nga chuyển một số đơn vị từ miền nam Ukraine tới Kursk

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia moves some units from Ukraine's south to Kursk, Kyiv says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Trong cuộc họp báo qua cầu truyền hình tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 13 Tháng Tám, Dmytro Lykhovii, phát ngôn nhân của Tập đoàn Tavria của Ukraine cho biết Nga đã điều động một số đơn vị của mình từ nhiều hướng ở Ukraine, bao gồm cả khu vực phía nam để tăng cường khả năng phòng thủ ở tỉnh Kursk.

Quân đội Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ qua biên giới vào tỉnh Kursk vào ngày 6 tháng 8, lần đầu tiên đưa lực lượng chính quy của Ukraine vào Nga.

Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi báo cáo rằng lực lượng Ukraine kiểm soát khoảng 1.000 km2 ở tỉnh Kursk.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Lykhovii cho biết Nga đang tái triển khai các đơn vị của mình không chỉ đến khu vực Kursk, nơi có “những lỗ hổng trong phòng thủ” mà còn sang các hướng khác.

Ông nói thêm rằng quân đội Ukraine cần thời gian để hiểu ý định của Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn nhân cho biết: “Khi có nhiều quân nhân Nga, các hành động tấn công ít hơn và khi họ bắt đầu rút về hướng Kursk, các hoạt động của chúng ta ở khu vực bờ trái sông Dnipro đã gia tăng mạnh mẽ”.

“Sẽ mất vài ngày để hiểu ý đồ thực sự của quân Nga”.

Quân Nga đã bị trúng nhiều cuộc pháo kích bằng HIMARS và máy bay điều khiển từ xa khi rút quân từ Ukraine về bảo vệ tỉnh Kursk. Các nguồn tin tình báo cho rằng quân Nga rút từ khu vực Nam Ukraine có thể tạm trám chỗ cho lực lượng ở Donbas để Nga rút lực lượng này về tỉnh Kursk. Quân Nga ở Donbas được coi là thiện chiến hơn nhóm ở miền Nam Ukraine.

Theo Lykhovii, số lần tấn công của quân đội Nga ở khu vực Tavria “ít hơn 10 lần” so với khu vực Pokrovsk, nhưng điều này không có nghĩa là “tạm lắng”.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào cuối tháng 7 khi các lực lượng Nga tập trung nhiều nguồn lực hơn vào tỉnh Donetsk, tình hình gần Pokrovsk vẫn “cực kỳ khó khăn”.

Theo Tổng thống Zelenskiy, cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine “chỉ là vấn đề an ninh” và Ukraine đặt mục tiêu giải phóng biên giới khỏi binh lính Nga để bảo vệ Sumy khỏi các cuộc tấn công hàng ngày của Mạc Tư Khoa.

6. Video Kursk cho thấy đoàn xe Nga bị phục kích trong 'Một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kursk Video Shows Russian Convoy Ambushed in 'One of Bloodiest Attacks'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Nga đã phải mở rộng các cuộc di tản mà ban đầu dự kiến bao gồm 76.000 người lên một con số lớn hơn nhiều trong bối cảnh quân Ukraine tiếp tục tấn công và quân tiếp viện Nga bị chặn đánh dữ dội trên đường đến tỉnh Kursk. Trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia do Vladimir Putin triệu tập, Alexei Smirnov, đại diện cho tỉnh Kursk, cho biết Ukraine đã giành quyền kiểm soát 28 khu định cư, 2.000 cư dân mất tích. Smirnov cho biết con số dân phải di tản đã lên đến 121.000 người và sẽ còn tiếp tục cao hơn thế nữa.

Phân tích cho thấy, một cuộc tấn công bằng pháo binh của Ukraine nhằm vào đoàn xe Nga ở khu vực biên giới Kursk vào hôm Thứ Hai, 12 Tháng Tám, có thể là một trong những cuộc tấn công “đẫm máu nhất” kể từ tháng 2 năm 2022, khi cuộc xâm lược xuyên biên giới của Kyiv tiếp tục.

Lực lượng của Kyiv đã di chuyển từ khu vực Sumy phía đông bắc Ukraine đến khu vực Kursk của Nga vào ngày 6 tháng 8, đạt được những thắng lợi nhanh chóng khi Mạc Tư Khoa nỗ lực đáp trả bước tiến quan trọng nhất vào lãnh thổ Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện gần hai năm rưỡi trước.

Trong vòng vài ngày kể từ khi Ukraine bắt đầu xâm nhập, cộng đồng blogger quân sự có ảnh hưởng của Nga và các tài khoản tình báo nguồn mở đã chia sẻ các đoạn phim và hình ảnh về các đoàn xe của Nga di chuyển đến Kursk bị pháo binh và các máy bay điều khiển từ xa Ukraine tấn công.

Trong số các báo cáo, nghiêm trọng nhất là vụ tấn công vào hơn chục phương tiện đã bị phá hủy xung quanh làng Oktyabrskoe, cách thành phố Rylsk của Kursk khoảng 8 km.

Một số tài khoản theo dõi chiến tranh cho rằng cuộc tấn công là do Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao của Ukraine, hay HIMARS, mà Kyiv đã sử dụng để chống lại lực lượng Nga trong hơn hai năm và đạt hiệu quả rất lớn. Ban tiếng Nga của BBC hôm thứ Sáu cho biết tổ chức này đã xác nhận rằng ít nhất một đoạn video cho thấy nhiều phương tiện Nga bị đốt cháy được quay ở Rylsk.

Tài khoản Maps and Arrows, do Ian Matveev, một nhà phân tích quân sự Nga có liên hệ với các tổ chức đối lập điều hành, cho biết một tiểu đoàn Nga đã trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công, và hầu hết các chiến binh bộ binh trong đoàn xe có thể đã thiệt mạng.

Matveev viết trong một bài đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Đây là một trong những cuộc tấn công đẫm máu và quy mô lớn nhất” trong cuộc chiến.

Theo tài liệu của Ngũ Giác Đài, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 40 HIMARS và đạn dược để bắn từ các hệ thống pháo binh được ca ngợi.

Mặc dù Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ Kyiv không cho phép Ukraine sử dụng khả năng tầm xa do phương Tây cung cấp để chống lại lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận, Kyiv có thể sử dụng vũ khí tầm ngắn, bao gồm một số loại được bắn từ HIMARS, để đánh trả Nga..

Việc Ukraine tiến vào Kursk “phù hợp với chính sách của chúng tôi”. “Chúng tôi đã hỗ trợ Ukraine ngay từ đầu để tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công xuyên biên giới và nhu cầu giao tranh.”

Một số quan chức Nga đã công khai nói rằng Mạc Tư Khoa đã ngăn chặn được bước tiến của Ukraine vào Kursk, tuy nhiên các báo cáo từ Bộ Quốc phòng Nga cho rằng lực lượng Ukraine đã tiến sâu tới 20 dặm vào lãnh thổ Nga.

Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod lân cận, cho biết riêng hôm thứ Hai rằng chính quyền khu vực đã bắt đầu di tản cư dân gần biên giới.

7. Vụ cháy nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia: Những gì chúng ta biết cho đến nay

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zaporizhzhia Nuclear Plant Fire: What We Know So Far”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Hỏa hoạn lớn đã được báo cáo tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị Nga tạm chiếm vào hôm Chúa Nhật, 11 Tháng Tám, trong đó Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau đã gây ra vụ cháy.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia—lớn nhất Âu Châu—đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ đầu tháng 3 năm 2022, chỉ vài ngày sau khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin bắt đầu. Đây là một trong những địa điểm đầu tiên bị lực lượng Nga chiếm giữ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm Chúa Nhật cho biết vụ hỏa hoạn là do lực lượng Nga gây ra, trong khi Thống đốc tỉnh Zaporizhzhia do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm, Yevhen Balitsky, cáo buộc Ukraine đứng sau vụ hỏa hoạn.

Đoạn phim được Zelenskiy chia sẻ trên các kênh mạng xã hội của mình cho thấy một cột khói đen dày đặc bốc lên từ cơ sở.

Tổng thống Zelenskiy nói: “Chúng tôi đã ghi nhận từ Nikopol rằng quân xâm lược Nga đã phóng hỏa trên lãnh thổ của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày Chúa Nhật rằng người ta đã quan sát thấy “khói đen mạnh” “đến từ khu vực phía bắc của ZNPP sau nhiều vụ nổ được nghe thấy vào buổi tối”.

“Nhóm đã được nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia thông báo về một cuộc tấn công được cho là bằng máy bay điều khiển từ xa ngày hôm nay nhằm vào một trong những tháp giải nhiệt đặt tại địa điểm này,” cơ quan này cho biết “Không có tác động nào được báo cáo đối với an toàn hạt nhân.”

Cơ quan năng lượng nguyên tử Nga Rosatom cho biết đám cháy đã được dập tắt vào lúc 23h30 giờ địa phương.

Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bằng xe thiết giáp vào ngày 6 tháng 8 khiến Nga bất ngờ và khiến lực lượng của Kyiv nhanh chóng giành quyền kiểm soát tính cho đến hôm Thứ Hai, 12 Tháng Tám, là 400 dặm vuông hay 1036 km vuông lãnh thổ Nga.

Nga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên bang ở Kursk, cách Zaporizhia bị Nga tạm chiếm khoảng 250 dặm hay 400 km về phía bắc, và buộc phải gấp rút triển khai các nguồn lực bổ sung cho khu vực, chuyển hướng nhân lực khỏi cuộc chiến mà nước này bắt đầu ở Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu đã công bố các video cho thấy các thiết bị quân sự của Nga được di chuyển tới quận Sudzhansky của Kursk, nơi được cho là hiện đã bị Ukraine chiếm được một phần.

Vụ cháy nhà máy điện hạt nhân xảy ra sau khi một số blogger quân sự Nga, trong đó có phóng viên chiến trường Nga Alexander Sladkov, suy đoán rằng lực lượng Ukraine đang lên kế hoạch kiểm soát nhà máy điện hạt nhân của Nga ở Kurchatov, Kursk.

Sáu lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã ở chế độ ngừng hoạt động kể từ tháng 9 năm 2022. Đường dây điện còn lại của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang cung cấp lượng điện cần thiết để ngăn chặn sự tan chảy của lò phản ứng.

Khi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị lực lượng Nga chiếm giữ vào tháng 3 năm 2022, đã có mối lo ngại rộng rãi về thảm họa hạt nhân tiềm ẩn tại nhà máy khi lực lượng Ukraine và Nga đụng độ trong khu vực. Cả Ukraine và Nga đều cáo buộc lực lượng của nhau tấn công nhà máy.

Zaporizhzhia là một trong bốn khu vực của Ukraine mà Putin tuyên bố sáp nhập vào mùa thu năm 2022, sau các cuộc trưng cầu dân ý bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và bị Liên Hiệp Quốc lên án.

Tổng thống Zelenskiy nói: “Hiện tại, mức độ phóng xạ ở mức bình thường. Tuy nhiên, chừng nào những kẻ khủng bố Nga còn duy trì quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân thì tình hình sẽ không và không thể bình thường”, ông Zelenskiy nói hôm Chúa Nhật. “Kể từ ngày đầu tiên bị chiếm giữ, Nga đã chỉ sử dụng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia để tống tiền Ukraine, toàn bộ Âu Châu và thế giới.”

8. Các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ nói rằng hoạt động ở Kursk của Ukraine là 'táo bạo, xuất sắc'

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lindsey Graham của Đảng Cộng Hòa và Richard Blumenthal của đảng Dân Chủ đã lên tiếng ủng hộ việc Ukraine tấn công xuyên biên giới vào Kursk của Nga trong chuyến thăm Kyiv ngày 12 Tháng Tám.

Khi chiến dịch ở Kyiv tiếp tục sang ngày thứ bảy, Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi báo cáo rằng lực lượng Ukraine kiểm soát khoảng 1.000 km2 ở tỉnh Kursk.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng cuộc xâm nhập của Ukraine “chỉ là vấn đề an ninh” và nước này đặt mục tiêu giải phóng biên giới khỏi binh lính Nga để bảo vệ Sumy khỏi các cuộc tấn công hàng ngày của Mạc Tư Khoa.

“Tôi nghĩ gì về Kursk? Táo bạo, rực rỡ, xinh đẹp. Hãy tiếp tục như vậy,” Graham nói với các phóng viên ở Kyiv.

“Hãy để người Ukraine chiến đấu. Hãy cung cấp cho họ những vũ khí họ cần để giành chiến thắng trong cuộc chiến mà họ không thể thua.”

Theo thượng nghị sĩ, Washington nên dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công trên đất Nga. Sau cuộc tấn công ở Kharkiv của Nga, Mỹ đã cấp cho Kyiv quyền hạn chế sử dụng một số vũ khí của Mỹ để tấn công các mục tiêu của Nga gần biên giới nước này.

Sau vụ tấn công vào Kursk, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby nói rằng Washington không thay đổi chính sách cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp “để nhắm vào các mối đe dọa sắp xảy ra ngay bên kia biên giới”.

Văn phòng Tổng thống cho biết, trong cuộc gặp với ông Zelenskiy, các thượng nghị sĩ đã thảo luận về việc hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp hệ thống phòng không và hỏa tiễn, cũng như việc dỡ bỏ hạn chế đối với các vũ khí như ATACMS trên đất Nga.

Trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia khẩn cấp do Vladimir Putin chủ trì vào chiều Thứ Hai, 12 Tháng Tám, các quan chức Nga cho biết Ukraine đang kiểm soát 28 thị trấn ở tỉnh Kursk, đồng thời tuyên bố rằng cuộc xâm nhập sâu tới 52 km dọc theo mặt trận dài 40 km.

Mặc dù quân tiếp viện do Mạc Tư Khoa gửi đến đã đến chiến trường nhưng Ukraine được cho là vẫn tiếp tục tiến sâu hơn vào tỉnh Kursk. Các blogger quân sự Nga than thở rằng một số đoàn xe tiếp viện bị trúng HIMARS của quân Ukraine, trong khi một số khác đánh chưa xong một trận đã đầu hàng, như trong video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Chính quyền Nga đã buộc phải công bố mở rộng các biện pháp di tản dân thường ở một số quận giáp biên giới Ukraine.

9. Zelenskiy nói Kursk là thảm họa của Putin

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kursk is Putin's catastrophe, Zelensky says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ngày 12 Tháng Tám cho biết hoạt động của Kyiv tại tỉnh Kursk của Nga là một “thảm họa” đối với Putin và cuộc chiến toàn diện của ông chống lại Ukraine.

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Hai, 12 Tháng Tám, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi báo cáo rằng lực lượng Ukraine đã kiểm soát khoảng 1.000 km2 ở Kursk khi cuộc tấn công của họ tiếp tục sang ngày thứ bảy.

Theo Zelenskiy, khu vực này bao gồm các vùng lãnh thổ mà Mạc Tư Khoa tiến hành các cuộc tấn công vào Sumy của Ukraine, khu vực đang hứng chịu các cuộc tấn công hàng ngày từ bên kia biên giới.

Tổng thống nói: “Vì vậy, hoạt động của chúng tôi chỉ là vấn đề an ninh đối với Ukraine: giải phóng biên giới khỏi quân đội Nga”.

Zelenskiy cho biết ông đã giao nhiệm vụ cho các quan chức và nhà ngoại giao đưa ra danh sách các hành động cần thiết để Kyiv xin phép các đối tác sử dụng vũ khí tầm xa để bảo vệ lãnh thổ Ukraine.

“Chúng ta thấy nước Nga dưới thời Putin thực sự đang chuyển động như thế nào: 24 năm trước, xảy ra thảm họa tàu ngầm Kursk, đây là sự khởi đầu mang tính biểu tượng cho sự cai trị của ông ta. Bây giờ chúng ta có thể thấy kết cục dành cho ông ta là gì. Và đó cũng là Kursk. Đó là thảm họa trong cuộc chiến của ông ấy”, Zelenskiy nói thêm.

Vào tháng 8 năm 2000, tàu ngầm Kursk của Nga bị chìm ở biển Barents khi đang tham gia một cuộc tập trận hải quân. Tất cả 118 người trên con tàu đều thiệt mạng. Khi được hỏi chuyện gì đã xảy ra với chiếc tàu ngầm, Putin mỉm cười và đưa ra nhận xét nổi tiếng hiện nay của mình - “nó đã chìm”.

“Điều này luôn xảy ra với những người coi thường mạng sống con người và bất kỳ quy tắc nào. Nga đã mang chiến tranh đến cho người khác và bây giờ nó đang trở về Nga. Ukraine luôn chỉ muốn hòa bình và chúng tôi chắc chắn sẽ bảo đảm hòa bình”, ông Zelenskiy nói.

Cho đến nay, Kyiv vẫn duy trì chính sách im lặng trước vụ xâm nhập, bất chấp giao tranh đang diễn ra và Ukraine ngày càng tiến sâu vào lãnh thổ Nga.

Chính quyền Nga đã buộc phải công bố mở rộng các biện pháp di tản dân thường ở một số quận giáp biên giới Ukraine.