Ngày 31-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trong Chúa chúng ta mạnh mẽ
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:57 31/05/2024
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ
TRONG CHÚA CHÚNG TA MẠNH MẼ

Hội Thánh không ngừng mời gọi con cái Thiên Chúa hãy siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Vâng lời Hội Thánh, chúng ta đến với Thánh Thể Chúa bằng nhiều hoạt động cụ thể như:
- Tham dự thánh lễ mỗi ngày và tham dự tích cực, tham dự bằng cả niềm ý thức và tin tưởng vào một mình Chúa là Đấng duy nhất có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu Ngài;
- Chầu Mình Thánh Chúa;
- Thường xuyên đặt mình trước Thánh Thể trong thinh lặng để cầu nguyện và tôn thờ Chúa;
- Giữ tâm hồn thanh sạch trước và sau khi rước Chúa Thánh Thể;
- Sống hòa nhã, tôn trọng, gần gũi với mọi người, yêu thương, tha thứ và đón nhận mọi người vì lòng yêu mến đối với Chúa;
- Luôn đề cao tinh thần bác ái, tương trợ nhau mọi nơi, mọi lúc;
- Luôn phấn đấu thi hành những điều luật Chúa và Hội Thánh dạy;
- Luôn ý thức để cho Lời Chúa thấm vào lòng và hết sức thực thi như ý Chúa mong mỏi...

Chúng ta cần tin tưởng vững vàng rằng, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể là:

I. ĐẾN VỚI NGUỒN SÁNG CỦA ĐỜI NGƯỜI.

Trần gian đã trở nên bóng tối, tội lỗi đã giăng mắc từ sau khi nguyên tổ vong ân và bội phản Thiên Chúa của mình. Tội lỗi và sự ác, sự dữ ngang nhiên xâm nhập và đánh vào đời sống, đánh vào từng hoạt động của con người.

Nhưng vì yêu, Thiên Chúa đã gieo ánh sáng vào bóng tối trần gian để cứu độ con người. Bằng một hành động cứu độ lớn không thể tả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16), Thiên Chúa đã làm cho ánh sáng cứu độ tràn ngập, để bất cứ ai đón nhận Người Con Một ấy, cũng đều nhận lãnh chính ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa Kitô, Người Con Một của Thiên Chúa, cũng đã chứng thực mình là ánh sáng cứu độ trần gian: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo Tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12).

Bởi Chúa Kitô chính là ánh sáng của trần gian, vì thế, mỗi lần đến với Thánh Thể của Chúa, chúng ta sẽ được Chúa soi chiếu trên cuộc đời của mình.

Chúa chính là ánh sáng, là sức nóng sưởi ấm lòng ta. Hơn thế, nơi Thánh Thể, dấu chỉ của tình yêu bền vững, không chỉ là chốn để con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa cũng tìm kiếm và chờ đợi con người.

Vì thế, hãy đến với Thánh Thể, chúng ta sẽ gặp được chính tình yêu đang không ngừng hướng về chúng ta. Cũng chính vì thế, càng đau đớn bao nhiêu, ta càng cần phải tìm về nguồn tình yêu là chính Thánh Thể Chúa bấy nhiêu.

Có mấy cách giúp ta đón nhận ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể:
- Suy niệm và sống Lời Chúa: Nơi Lời của Chúa, Chúa đang giảng dạy, giáo huấn, chỉ đường lối để ta đến với Chúa. Vì thế, khi đến trước Thánh Thể, ta chăm chú đọc và suy niệm Lời Chúa là cách tốt nhất để khám phá Thánh ý Chúa.
- Tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa Giêsu Thánh Thể: Tin rằng, Chúa Giêsu đang hiện diện thật sự với trọn vẹn Mình và Máu Ngài, linh hồn và Thiên tính Ngài. Có tin như thế, con người mới có thái độ yêu mến và tôn thờ cách xứng hợp trước mầu nhiệm tình yêu cao cả này.
- Như Đức Maria, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cần chiêm ngắm Thánh Thể cách thân tình sốt sắng. Đức Mẹ đã trung thành chiêm ngắm Chúa, đã khắc ghi và nội tâm hóa Lời Chúa suốt cả cuộc đời của Đức Mẹ.

Ngày nay, mặc lấy tâm tình yêu mến Chúa của Đức Mẹ, chúng ta sẽ thực sự cưu mang chính Chúa trong lòng mình, trong suốt đời sống, trong mọi hoạt động, mọi tương quan của mình.

II. DỊP ĐỂ NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH.

Đó là kinh nghiệm của chính tôi. Đời linh mục không phải lúc nào cũng phẳng lặng. Có những lần biển cả cuộc đời dậy sóng. Những lần như thế, người trong cuộc chỉ còn một nguồn trợ lực duy nhất là Thánh Thể Chúa. Nơi bao trùm cả một không gian tĩnh mịch ấy, lại là nơi bình an nội tâm thật lắng sâu mang đầy sức sống.

Đã có biết bao nhiêu lần trong đời, muốn khóc, khóc không nổi. Nỗi rát buốt như dồn lên tận cổ và chặng lại một cách dồn nén, một cách tức tưởi. Chỉ cần quỳ xuống bên nhà tạm, nước mắt lại có thể lăn trên má, những thử thách như có dịp được trút và tay Chúa. Chúa vẫn ân thầm đỡ nâng, ban ơn và đồng hành.

Bên Thánh Thể Chúa, tôi càng khám phá ra rằng, chính Chúa dùng những thử thách ấy để dạy tôi nhiều bài học xác đáng, cần thiết.
Chúa dạy tôi đón nhận nhiều thử thách trong âm thầm tin tưởng, không nao núng.

Chúa dạy tôi yêu mến Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi phải đối đầu với muôn nỗi bi ai, thổn thức, nhiều lúc như cắt da, cắt thịt.
Chúa dạy tôi luôn tin tưởng phó thác cho thánh ý Chúa, để từ nơi Chúa, tôi kín múc sức mạnh cho tinh thần và tình yêu của bản thân dành cho Chúa, giúp tôi cố gắng trung thành theo Chúa, trung thành phụng sự Chúa.

Chúa dạy tôi, càng trong khó khăn càng bám vào Chúa hơn, càng nhẫn nại để bước theo bước chân của Chúa bằng trọn lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Chúa dạy tôi, giữa bao nhiêu bộn bề của cuộc sống, còn có một chốn bình an để quay về, để ngã mình vào mà gột rửa mọi nỗi chán chường, mọi ngã lòng, mọi ê chề, mọi nỗi nhục nhằn, mọi lao tác, mọi bất trắc... mà lấy lại niềm bình an, lấy lại niềm tin, lấy lại nghị lực, lấy lại sức sống, lấy lại bao nhiêu những vững chãi cho hành trình tiếp theo mà bản thân nhiều lúc tưởng chừng như đổ gục, mà khả năng bản thân tưởng chừng đã đổ nát từ lâu.

Chúa dạy tôi biết dùng chính thử thách để lớn lên, để trưởng thành và kiên vững sau mọi nghịch cảnh, mọi va đập.

Chúa dạy tôi biết sợ tội lỗi, biết tôn trọng con người, và cố hết sức để đừng làm tổn thương anh chị em mình.

Chúa dạy tôi biết cảm thông với nỗi đau, vớic sự yếu đuối của mọi người, nhất là của anh em linh mục, những người cùng chung lý tưởng với mình.

Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi biết, mình tuy chưa lớn mạnh nhưng có thể đủ sức vượt thắng; tuy chưa trọn vẹn như mong mỏi nhưng có thể bước đi trên con đường trọn lành; tuy chưa đủ thánh thiện nhưng có thể theo Chúa tiến về sự hoàn bị hơn; tuy chưa yêu thương nhiều như Chúa đòi hỏi nhưng có khả năng biết yêu hơn; tuy chưa làm được gì lớn cho đoàn chiên của Chúa nhưng vẫn có những nỗ lực ít ỏi để có thể trao dâng về Chúa...

Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi biết mình luôn có Chúa ban ơn, có Chúa đồng hành, có Chúa sớt chia. Tôi biết mình không mồ côi, vì Chúa chẳng buông ai ra khỏi vòng dây tình yêu của Chúa bao giờ...
 
Ngày 01/06: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
01:10 31/05/2024


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Đang khi Người đi đi lại lại trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” Đức Giê-su đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!” Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Nhưng chẳng lẽ mình nói: ‘Do người ta’?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Đó là lời Chúa

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:49 31/05/2024

23. Suy niệm đến sự khổ nạn của Đức Chúa Giê-su, thì giống như học ở một trường học cao cấp vậy, ở đó hoàn toàn đón nhận sự dạy bảo của Ngài.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:52 31/05/2024
70. CHỜ NGƯỜI ĐỀN MẠNG

Có người say rượu đi trên đường té lên té xuống, thấy người thì đánh, thấy vật thì đá, người đi đường đều tránh xa, nhưng chỉ có Vu công đứng thẳng thân mình, hai tay chống nạnh, để cho nó đánh.

Có người nói:

- “Tại sao ông tự dưng lại để cho thằng quỷ say rượu hồ đồ đánh vào đầu vậy?”

Vu công đáp:

- “Tôi thật muốn nó đánh tôi cho chết, nếu nó đánh chết tôi thì nó phải đền mạng !”

(Nhã Ngược)

Suy tư 70:

Để cho người ta đánh chết mình rồi đòi đền mạng, thì quả là người có lòng tham không đáy, đền mạng khi mình đã chết thì còn gì nữa mà nói...

Có một vài người Ki-tô hữu đòi ma quỷ đền mạng khi đã để cho ma quỷ giết chết linh hồn, họ nói: “Lo gì, bây giờ sống cho đã trong tội, rồi sau này trở về với Thiên Chúa cũng không muộn mà”, thế là họ bị ma quỷ giết mất linh hồn rồi còn gì nữa mà đòi đền mạng, còn gì nữa mà đòi trở về với Thiên Chúa chứ, đã chết rồi thì đến cả thế giới cũng không ích gì, chứ đừng nói là đền một mạng.

Lòng tham không đáy cũng đồng nghĩa với việc dễ dãi chiều theo cơn cám dỗ mà không muốn cự tuyệt.

Vu công đã làm một việc điên khùng: tự ý để cho người ta đánh chết rồi đòi đền mạng; người Ki-tô hữu cũng làm một việc khùng điên khi họ tự ý để cho ma quỷ cướp mất linh hồn của mình rồi nói: Lo gì, Chúa thông cảm mà !!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Cố chấp
Lm. Minh Anh
14:08 31/05/2024
CỐ CHẤP
“Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!”.

“Nói dối thực sự là một thói xấu đáng nguyền rủa. Nó lớn lên cùng với đứa trẻ và trở nên cố chấp cùng sự trưởng thành của một con người. Một khi cái lưỡi đã ‘có tài nói dối’, thật khó để tưởng tượng trong việc sửa lại nó vì đó là điều không thể!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay phần nào chỉ ra những con người xem ra ‘có tài nói dối’; đúng hơn, những con người ‘cố chấp’ đang tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu.

Đó là những nhà lãnh đạo tôn giáo đang hoạnh hoẹ Ngài, “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” nhân việc Chúa Giêsu đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Nhân dịp này, Chúa Giêsu đã trích lời Thánh Kinh, nói cho họ rằng, “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân, nhưng các ngươi đã biến nó thành hang trộm cướp!”. Điều này khiến các thượng tế, kinh sư phẫn nộ và ngay lập tức bắt đầu bàn bạc cách thức để có thể xử tử Ngài.

Trước tiên, hãy xét xem sự căng thẳng. Theo đúng nghĩa đen, họ đang âm mưu giết Con Thiên Chúa. Lòng đầy hận thù, họ ghen tị và không chịu tin Ngài. Chúa Giêsu thấy sự cứng lòng của họ và đặt họ vào thế phải trả lời câu hỏi của Ngài trước khi Ngài trả lời câu hỏi của họ, “Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!”. Tại sao Ngài làm điều này?

Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra thực sự là một hành động đầy xót thương. Ngài cho họ cơ hội để ăn năn. Nếu trả lời câu hỏi của Ngài bằng một niềm tin khiêm tốn và thành thật, họ đã có thể cứu được mạng sống mình. Thay vào đó, họ thảo luận để đưa ra một câu trả lời đúng về mặt chính trị nhưng tránh việc nói phép rửa của Gioan là từ con người vì sợ dân chúng phản đối. Bởi thế họ nói “Chúng tôi không biết!”. Nhưng hãy tưởng tượng nếu họ nói rằng phép rửa của Gioan thực sự đến từ Thiên Chúa và lẽ ra họ phải tin thì sao? Chỉ cần hạ mình xuống, thừa nhận họ đã sai lầm đối với Gioan, thì Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi của họ và cuộc sống đức tin đích thực của họ đã có thể bắt đầu! Nhưng họ đã không làm vậy. Họ vẫn ‘cố chấp’, không thừa nhận mình đã sai.

Anh Chị em,

“Các ông trả lời cho tôi đi!”. Chúa Giêsu muốn những con người ‘có tài nói dối’ này ra khỏi sự cứng lòng. Khi một người từ chối thừa nhận tội lỗi mình, từ chối thay đổi, thì đến Thiên Chúa cũng không thể giúp gì họ. Họ lạc lối trong tội lỗi và gánh lấy hậu quả. Hôm nay, hãy suy gẫm về bất cứ điều gì mà bạn vẫn ‘cố chấp’. Có vấn đề đức tin nào bạn đang từ chối tin? Có mối quan hệ tan vỡ nào mà bạn từ chối khôi phục cách khiêm tốn? Bạn có biện minh cho tội lỗi mình, từ chối thừa nhận nó và cần thay đổi? Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn và tôi một trái tim khiêm nhường. Khiêm nhường không gì khác hơn là hoàn toàn thành thật với bản thân và người khác trước mặt Chúa. Đừng rập theo các nhà lãnh đạo này nhưng khiêm tốn tìm cách loại bỏ mọi sự ngoan cố khỏi trái tim bạn để Chúa có thể bước tới, mang lòng thương xót của Ngài vào cuộc sống bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con cảm thấy ‘yên ổn’ trong những ‘nhà tù tự tạo’ của mình. Xin giải thoát con khỏi sự ‘cố chấp’, bướng bỉnh trước sự dun dũi của Thánh Thần!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Giao ước mới
Lm. Thái Nguyên
14:13 31/05/2024


GIAO ƯỚC MỚI
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B: Mc 14, 12-16. 22-26

Suy niệm

Sau khi dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, trên hành trình về Đất hứa thì được thiết lập một Giao ước với Thiên Chúa, để trở thành dân riêng Người. Môsê thuật lại cho dân nghe tất cả những lời phán dạy và lề luật của Thiên Chúa, toàn dân đồng thanh thưa: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Sau đó Môsê lập bàn thờ và toàn dân cử hành nghi lễ kết ước với Thiên Chúa. Bò tơ được giết làm lễ tế, một nửa máu rưới trên bàn thờ, một nửa rảy trên dân.

Thiên Chúa là Đấng siêu việt, cao cả vô cùng, thế mà Ngài lại hạ mình để ký kết giao ước với loài người chúng ta. Giao ước đã ký kết tại núi Sinai, nhưng dân đã chẳng tuân giữ những lệnh truyền, và luôn chạy theo các ngẫu thần. Dù dân bất trung bất tín, Thiên Chúa vẫn không bỏ dân, Người tiếp tục hết lần nầy tới lần khác kết giao với họ, và qua các ngôn sứ, Ngài luôn cho họ niềm hy vọng cứu độ.

Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thực hiện ơn cứu độ đó. Ngài thiết lập một Giao ước mới. Lễ vật giao hoà không phải là máu chiên bò mà là chính Ngài: Con Chiên Thiên Chúa. Ngay trong ngày lễ Vượt qua của người Do Thái, trong bữa tiệc ly, Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể, biểu hiện một Giao ước mới bằng chính máu mình. Dưới hình bánh rượu, Chúa Giêsu đã tự trao hiến hoàn toàn: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy… Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”.

Tiệc Thánh Thể này Ngài đã tiên báo trong tiệc cưới Cana, đã được Ngài hứa ban cho dân ở Caphanaum, đã được Ngài thiết lập ở Giêrusalem trước khi bước vào cuộc khổ nạn, và đã được chính Ngài cử hành đầu tiên tại làng Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện và đan kết với nhau tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa.

Như Thư Do Thái đã công bố: Đức Giêsu là Thượng tế của Giao ước mới, thánh hóa loài người bằng chính máu của Ngài (Dt 9,11-15). Thật nhiệm lạ, lễ Vượt Qua Do Thái giáo mà Đức Giêsu cùng các môn đệ cử hành, đã biến thành lễ Vượt Qua Kitô giáo trong việc Chúa Giêsu thiết lập Bàn Tiệc Thánh Thể: vừa nối tiếp vừa đoạn tuyệt, vừa song đối sâu xa, vừa mới mẻ tận căn giữa hai lễ Vượt Qua này. Thánh Máccô cũng nhấn mạnh “giá trị cánh chung” của “bàn tiệc Thánh Thể”: bàn tiệc này tham dự trước bàn tiệc Thiên Quốc, vì “chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.

Qua việc đóng dấu Giao ước mới bằng chính máu thịt mình, Đức Giêsu trở thành đầu của Dân mới. Đất Hứa mà Ngài dẫn chúng ta tiến vào không phải là một lãnh thổ mà là quê hương của cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta không chỉ là dân của Thiên Chúa mà còn là con cái của Ngài. Mỗi lần cử hành Thánh lễ là chúng ta lập lại giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, nhờ máu cứu chuộc của Đức Giêsu đổ ra trên Thánh giá.

Thánh Thể chính là trung tâm đời sống người tín hữu Kitô; là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau. Thánh Thể còn chính là món quà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại; là lương thực thiêng liêng cho cuộc sống người tín hữu, và cũng chính là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của chúng ta. Mầu nhiệm tình yêu này vượt quá tầm trí mọn của con người, là sáng kiến táo bạo nhất của Thiên Chúa, Đấng đã tự hiến trọn vẹn cho chúng ta qua Đức Giêsu.

Cha Gioan Vianey đã xác định: “Mọi việc lành gom lại cũng không thể so sánh với thánh lễ Misa, vì mọi việc lành là của loài người, còn thánh lễ là của Thiên Chúa”. Ngài còn nói: “Nếu ai hiểu được phép Thánh Thể là gì, người đó sẽ chết ngay”. Chết ngay vì quá hạnh phúc, vì thấy mình tràn ngập tình yêu Thiên Chúa như ngụp lặn giữa đại dương. Thế nhưng nhiều Kitô hữu vẫn xem nhẹ thánh lễ, nên tham dự và cử hành như một nghi thức bên ngoài, thiếu lòng sùng mộ bên trong, nên không cảm nhận được chính Chúa đang hiến thân cho mình.

Thực tế, yêu mến bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành và khiêm nhường, sống thân thương với những người bé nhỏ nghèo hèn? Cử hành bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, xóa mình trong Chúa để có thể hiến thân cho anh em? Tôn sùng bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là để cho“Đức Kitô sống trong tôi”. Những điều ấy phải trở thành hiện thực đối với những ai rước lấy Thánh Thể. Thật sự, Mình Thánh Chúa đang lan tỏa và thấm nhập vào máu thịt của ta để làm cho ta trở nên một Đức Kitô thứ hai (Alter Christus). Và như vậy, Thánh Thể hướng ta đến việc chia sẻ vận mạng của anh em mình; biến ta trở thành tấm bánh cho mọi người, góp phần làm nên cuộc sống mới cho tha nhân.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Giao ước cũ đã ký kết bằng máu,
đó là máu chiên bò rảy trên dân,
nhưng đến thời viên mãn Chúa giáng trần,
thì Ngài đổ máu mình làm lễ vật,
lễ hy sinh để cứu độ nhân trần.
Giao ước mới ký kết bằng lời nguyền,
không chỉ Lời uy quyền trong bữa tiệc,
mà còn chính là bằng việc hiến thân,
khi Chúa chịu phơi trần trên thập giá,
bị hành hình ngay chính lễ Vượt Qua.
dâng lên Cha để tha thứ tội đời.
Giao ước là dấu ấn của tình yêu,
Chúa đã tự cam kết để làm thành,
để hôm nay mỗi ngày trên bàn thánh,
hy tế xưa lại tràn xuống ơn lành,
việc cử hành trở thành ơn cứu độ,
cho những ai một lòng tin mến mộ,
để đời mình thoát khỏi kiếp hư vô,
được chứng ngộ tình thiên thu vạn cổ.
Ôi Bí tích Thánh Thể thật nhiệm mầu,
con nhận ra tình Chúa quá thẳm sâu,
lòng trí con không thể nào suy thấu,
chỉ làm thinh và chiêm ngắm cúi đầu,
cảm tạ Chúa tràn đầy tình yêu dấu,
Chúa đã làm nên để cảm thấu tim con.
Xin cho con lòng say yêu Thánh Thể,
luôn chuyên chăm trong thánh lễ hằng ngày,
là sức thiêng nuôi dưỡng niềm tin cậy,
để dựng xây tình thương mến tràn đầy,
cho lòng con vui vầy lời ước thệ,
từ đây mãi mãi thuộc về Chúa luôn. Amen.
 
Mình Máu Chúa chan chứa tình yêu
Lm. Nguyễn Xuân Trường
14:15 31/05/2024
MÌNH MÁU CHÚA CHAN CHỨA TÌNH YÊU

Trong đời, chúng ta nhiều lần mời nhau ăn uống. Mời nhau ăn uống không chỉ để sống, mà còn để bày tỏ tình cảm quý mến dành cho nhau. Kinh nghiệm này giúp ta hiểu hơn ý nghĩa Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô: Chúa mời chúng ta ăn uống chính Mình Máu Ngài để trao ban tình yêu và sự sống của Ngài cho chúng ta.

1. Tình yêu. Yêu nhau người ta luôn thích gần nhau, gần đến độ con sà vào lòng mẹ, em ngồi vào lòng anh. Chúa yêu nên cũng muốn ở gần con người, gần đến độ Ngài vào ở trong lòng dạ con người qua bí tích Thánh Thể. Yêu thích gần và cũng thích cho đi: Yêu nhau luôn thích tặng quà cho nhau. Yêu ít thì tặng ít, yêu nhiều thì tặng nhiều, yêu hết mình thì trao tặng tất cả. Chúa yêu đến độ trao tặng cả thịt máu Ngài, nghĩa là trao tặng cả con người của Ngài cho chúng ta. Có gì Chúa trao tặng hết sạch, không giữ lại gì. Chúa luôn sẵn lòng tặng, phần chúng ta có mở lòng đón nhận qua việc siêng năng đi lễ hàng ngày không?

2. Sự sống. Khi chúng ta ăn cơm canh cá thịt vào trong cơ thể, thì các đồ ăn ấy phải tan biến để trở thành chất dinh dưỡng làm nên sự sống của ta. Cũng vậy, khi Chúa trao ban Mình Máu Ngài làm của ăn uống là lúc Chúa chấp nhận tan biến để làm nên sự sống của chúng ta. Hơn nữa, cơm canh cá thịt có giúp nuôi sống nhưng rồi thân xác ta vẫn phải chết, còn Mình Máu Thánh Chúa là thần lương giúp ta có sự sống đời đời.

Lễ Mình Máu Chúa là dịp giúp chúng ta ý thức hơn việc tham dự Thánh lễ là dự tiệc Thánh Thể. Dự tiệc thì phải đẹp đẽ vui vẻ. Đồng thời, lễ Mình Máu Chúa cũng là dịp mời gọi chúng ta sống lối sống Thánh Thể, nghĩa là sống yêu thương quảng đại cho đi, sống vì người khác, để trở nên tấm bánh tình yêu và sự sống thơm ngon dâng tặng cho người, cho đời. Amen.
 
Lễ Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:49 31/05/2024
LỄ MÌNH MÁU THÁNH ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

Tin mừng : Mc 14, 12-16.22-26

“Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy.”


Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính lễ Mình Máu thánh Đức Chúa Giê-su; hôm nay có nhiều nhà thờ trên thế giới rước kiệu Mình Thánh Chúa cách trọng thể để biểu dương tình yêu của Ngài đối với nhân loại, và nhất là đối với mỗi người trong chúng ta. Trong niềm vui của thánh lễ này, tôi xin được chia sẻ với anh chị em hai điểm sau đây:

1. Đức Chúa Giê-su là Bánh nuôi nhân loại.

Với cử chỉ rất thân tình và trang trọng, Đức Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người...” (Mc 14, 23), Ngài không nói đây là mình và máu của người khác, Ngài cũng không nói đây là bánh mì và rượu nho, nhưng nói: đây là mình Thầy và đây là máu Thầy, máu Giao Ước, mình Thầy là tấm bánh tinh tuyền, máu Thầy là máu Giao Ước được trao ban cho các môn đệ, và những ai tin vào Ngài để họ được sống và sống dồi dào.

Bánh được làm ra bởi lúa mì và trái nho được ép thành rượu không phải để cất vào tủ lạnh hay chạn bếp, nhưng để nuôi mình và chia sẻ với tha nhân, đó là ý nghĩa đích thực của bánh và rượu.

Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá như hạt lúa mì bị nghiền nát trong cối xay, để rồi phó linh hồn trong tay Đức Chúa Cha, và trở nên Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn những người tin vào Ngài, đó là mầu nhiệm của tình yêu, là của lễ hiến tế để cứu độ muôn người đẹp lòng Chúa Cha nhất, và hy lễ này vẫn còn tiếp diễn mỗi giây mỗi phút trên trần gian qua thánh lễ Mi-sa, đễ bánh và rượu trên bàn thờ trở thành Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su dưỡng nuôi nhân loại cho đến ngày tận thế...

2. Mỗi người là bánh cho tha nhân.

Thánh giám mục I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a trong thư gởi cho tín hữu Rô-ma, ngài viết rằng: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa và sẽ được nanh thú nghiền tán để thành tấm bánh tinh tuyền của Đức Ki-tô”, và ngài đã chết dưới hàm răng của sư tử.

Ngày nay, chúng ta không bị hàm răng sư tử nghiền nát để trở nên tấm bánh tinh tuyền của Đức Chúa Ki-tô, nhưng chúng ta có thể trở nên tấm bánh hạnh phúc, thân thiện của anh em chị em chung quanh mình, đó là khi chúng ta chấp nhận hy sinh vì quyền lợi của tha nhân, chấp nhận lời phê bình ác ý của tha nhân, nở nụ cười thân thiện với người có thành kiến với mình.v.v...đó là lúc chúng ta trở nên tấm bánh cho tha nhân rồi vậy.

Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã trao ban chính mình Ngài làm của ăn của uống để nuôi linh hồn của chúng ta, do đó chúng ta biết rằng, nhờ bí tích Thánh Thể này, mà chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng cách rõ ràng và mật thiết hơn với Đức Chúa Giê-su, khi chúng ta rước Mình Máu thánh của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta.

Và nhờ bí tích Thánh Thể này mà chúng ta cũng biết rằng:

Thánh Thể làm cho Giáo Hội sống,

Thánh Thể làm cho Giáo Hội hiệp nhất,

Thánh Thể làm cho Giáo Hội yêu thương.

Thánh Thể làm cho Giáo Hội tồn tại và phát triển...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
VIỆC THỜ PHƯỢNG TRONG KI-TÔ GIÁO
Anphong Nguyễn Công Minh ofm
18:14 31/05/2024
VIỆC THỜ PHƯỢNG TRONG KI-TÔ GIÁO

Trước hết thờ phượng ở đây chỉ tất cả các cử chỉ mà con người dâng lên Thiên Chúa để tỏ lòng mến yêu, thần phục, và vì thế, là một cơ cấu tổ chức các lễ nghi tôn thờ do con người cử hành để công nhận và chứng tỏ chủ quyền tuyệt đối của Người trên mọi loài thụ tạo. Đó là nét đặc trưng của nhân đức thờ phượng, một cách thế phát động và biểu dương những tâm tình và thái độ tôn thờ trong tôn giáo. Vì thế, thờ phượng và tôn giáo có liên hệ với nhau và khi thờ phượng là lúc con người đem tôn giáo ra thực thi.

Địa vị của đức thờ phương

Vậy đâu là vị trí của đức thờ phượng trong Ki-tô giáo?


Một số nhà thần học thuộc trường phái Pháp, vì đặt nặng tầm quan trọng và đề cao vai trò của nhân đức thờ phượng nên đã muốn coi nhân đức này như một nhân đức đối thần ngang hàng với đức tin, đức cậy và đức mến, thậm chí còn cho đó là tổng hợp ba nhân đức nói trên.

Thánh Tô-ma A-qui-nô đã không nghĩ như vậy. Ngài định nghĩa thờ phượng là một nhân đức làm cho con người tôn vinh Thiên Chúa cho xứng với địa vị Đấng Tạo Hoá. Cho xứng ở đây có ý hiểu về phía Thiên Chúa, nghĩa là Đấng Tạo Hoá phải được tôn thờ vì là Thiên Chúa. Bởi thế, ngài xếp nhân đức thờ phương vào loại các nhân đức thuộc đức công bình (Ila IIae, 80,1) theo nghĩa con người mắc nợ Thiên Chúa và phải đền đáp món nợ đó mới sòng phẳng. Nợ ở đây là nợ của thọ tạo đối với Đấng Hoá Công đã dựng nên mình cũng như nợ của con cái đối với cha mẹ.

Nhưng vì đối với Thiên Chúa, con người không thể trả nợ cho cân xứng được nên nhân đức thờ phượng không thể nói là thuộc đức công bình. Nói như vậy không có ý giảm giá, coi nhẹ hay cho đức thờ phượng là cái gì tuỳ thuộc, ít quan trọng mà chỉ có ý cho thấy nhân đức thờ phượng chưa thực hiện đầy đủ ý nghĩa của đức công bình mà thôi.

Chúng ta biết vai trò của nhân đức thờ phượng là điều chỉnh các mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng nó không phải là nhân đức đối thần như đức tin, cậy, mến (IIa IIae, q. 81) vì đối tượng của nó không phải là Thiên Chúa, nghĩa là nó không làm cho chúng ta nhận biết, ước ao và yêu mến Thiên Chúa vì Người và trong Người như ba nhân đức trên.

Khác với nhân đức đối thần, thờ phượng là một nhân đức luân lý cũng như các nhân đức luân lý khác, nhằm điều chỉnh cách ăn nết ở của con người đối với Thiên Chúa, nhưng xét về tầm quan trọng và giá trị thì nó lại đứng đầu trong bậc thang luân lý (IIa Iiae q. 81 a 6) vì các nhân đức luân lý khác thì điều chỉnh kỷ luật trong đời sống cá nhân, hoà hợp các mối tương quan với những người khác và hướng dẫn các hoạt động của lý trí trong phạm vi luân lý, còn riêng nhân đức thờ phượng thì diều chỉnh các mối liên quan của con người đối với Thiên Chúa, nên trổi vượt hơn cả trong phạm vi luân lý.

Tư thế trổi vượt này giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của nhân đức thờ phượng đối với toàn thể các hành vi luân lý. Ngoài các hành vi luân lý riêng biệt, nhân đức thờ phượng còn có thể đảm nhận hành vi của các nhân đức khác, khiến cho những hành vi này có thêm ý hướng và giá trị thờ phượng. Vì thế, việc ăn chay tuy là một hành vi thuộc đức tiết độ, nhưng nhờ đức thờ phượng lại thêm giá trị tôn thờ dâng lên Thiên Chúa.

Cũng như tất cả những gì thuộc con người đều do Thiên Chúa mà đến, và do đấy phải tuỳ thuộc Thiên Chúa thì tất cả những gì thuộc phạm vi luân lý cũng đều có thể quy về đức thờ phượng, do đức thờ phượng đảm nhận để dâng lên Thiên Chúa. Như vậy, dức thờ phượng là một nhân đức chung (dù xếp theo các hành vi riêng biệt, nó vẫn là một nhân đức riêng (IIa Iiae q. 81 a 1 ad 1um; a 4 ad 11um)

Tư thế trổi vượt này còn làm cho đức thờ phượng rất gần với các nhân đức đối thần. Thánh Tô-ma dạy rằng trong phạm vi siêu nhiên, các nhân đức đối thần đảm nhận các hành vi của đức thờ phượng và làm cho những hành vi này nên sâu sắc và tạo cho chúng một quy chế đích thật (Iia IIae q. 81 a 5 ad 1um). Như thế, các việc thuộc đức thờ phượng và các nhân đức đối thần cụ thể không thể tách rời nhau, thí dụ không thể cầu nguyện thật mà không có đức tin, đức cậy, đức mến (In Boetio, De Trinitate q. 3 a 2). Vì vậy, thánh Tô-ma viết : “Thiên Chúa được tôn thờ bằng đức tin, đức cậy và đức mến (Deus colitur fide, spe et caritate, Enchiridion 3, PL 40, 232). Nhưng dù vậy, các việc thuộc đức thờ phượng và ba nhân đức đối thần vẫn khác biệt nhau, tuy trong thực tế phù hợp với nhau.

Vì đức thờ phượng phải quy hướng tất cả về Thiên Chúa để thành lễ phẩm dâng lên Đấng Hoá Công, nên bao gồm những hành vi bên trong là dâng ý mình làm của lễ cho Thiên Chúa mà thánh Tô-ma gọi là lòng sùng kính, hiểu theo nghĩa mạnh là hiến dâng, hiến thánh.

Những hành vi bên ngoài là dâng thân xác, của cải diễn ra bằng những cử chỉ tôn thờ hay những lễ vật dâng kính. Tuy vậy, những việc bên trong mới là chính và tự chúng mới là những việc thuộc đức thờ phượng. Chính những việc bên trong mới làm cho những việc bên ngoài có giá trị và những việc bên ngoài chỉ là những cách thế biểu lộ, thúc đẩy và phát động lòng sùng kính ở bên trong (IIa IIae q. 87 a 7).

Nhưng những việc bên ngoài cũng đích thật là những việc thờ phượng và lễ tế là điểm cao nhất trong sinh hoạt tôn giáo.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o,p.

Đức thờ phượng và các tôn giáo

Cần phân biệt đức thờ phượng với các tôn giáo. Trong các tôn giáo tự nhiên, cung cách tôn giáo và việc thờ phượng phát triển theo hướng bên ngoài. Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác biệt, ở bên ngoài con người và bên trên thế giới. Vì thế, mọi nỗ lực tôn giáo ngay từ căn bản là một cuộc tìm kiếm để gặp gỡ, giao cảm với thần linh.

Bởi vậy, xét theo lịch sử, cung cách tôn giáo gắn liền với quan niệm về sự thiêng thánh. Đối lập với thiêng thánh là trần tục, là thông thường, thuộc nhân tình thế thái, còn thiêng thánh là cái được đặt riêng ra, là một phần của cái thông thường, là cái đã được rút ra khỏi thế giới này để trở thành ngoại tại tính của thần linh và là cứ điểm giao cảm với thần linh.

Tất cả mọi việc thờ phượng đều theo quan niệm thiêng thánh này. Vì thế mới có những nơi dành riêng, những khoảng thời gian vượt ra ngoài khuôn khổ sinh hoạt thông thường, những con người được hiến thánh, được đặt riêng ra, nhất là những nghi thức đặc biệt, nghĩa là những cái đi từ phạm vi trần tục đến chỗ thiêng thánh. Bởi vậy, thường khi làm lễ tế, người ta để riêng một sự vật ra ngoài, tránh không cho sự vật ấy trở về chỗ phàm tục nữa, thậm chí có khi còn thiêu huỷ ngay cả vật được dâng hiến.

Nghĩ về đạo cũ trong Cựu Ước

Nếu xét như một tôn giáo thì căn bản Cựu Ước cũng chẳng khác gì những đạo khác. Đạo cũ dựa theo luật Mô-sê được tổ chức rất cặn kẽ tỉ mỉ với các lễ nghi liên quan đến sự thiêng thánh (như phải tẩy uế, giữ luật ngày sa-bát rất chặt chẽ, tôn trọng Đền Thờ, chấp hành các nghi thức tế tự v.v…) Nhưng khác với các đạo khác ở chỗ không dừng lại ở bên ngoài mà thôi mà còn đi xa hơn, tiến tới chỗ nôi tâm và thiêng liêng hoá việc thờ phượng như một số đoạn văn của các ngôn sứ và các thánh vịnh cho thấy, khi kết án các lề lối hành đạo vụ hình thức và đòi phải biến đổi tâm hồn, chú trọng dến việc giữ luật bác ái yêu thương, công bình chính trực.

Đáng kể hơn cả là luồng gió tin tưởng cậy trông đã thổi qua lịch sử Do Thái trông chờ một Đấng Cứu Tinh sẽ đến giải thoát họ và thiết lập một chế độ mới, một hệ thống pháp luật không tạc trên bia hay ghi trong sách mà ăn sâu vào lòng người (Gr 31, 33).

Việc thờ phượng từ khi Đức Giê-su ra đời

Tình trạng này hoàn toàn thay đổi khi Đức Giê-su ra đời. Khi Người xuống thế làm người thì Thiên Chúa thôi không còn ở xa loài người nữa. Con người cũng không phải ra ngoài thế giới để bắt gặp Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa đến cư ngụ giữa loài người. Biến cố này đã gây nên một cuộc đảo lộn hoàn toàn. Quan niệm về sự thiêng thánh là phải xếp riêng ra ngoài không còn ý nghĩa nũa, hay đúng ra những cử chỉ thông thường trong đời sống hàng ngày đã trở thành những cử chỉ của Thiên Chúa, tất cả cái phàm tục trở nên cái thiêng thánh hay ít ra đang trở thành như thế.

Đó là ý nghĩa Đức Ki-tô mặc cho những thứ đó. Do thái độ và những lời Người nói trong Tin Mừng khiến người Pha-ri-sêu phải lấy làm khó chịu. Người chủ ý lỗi ngày sa-bát. Người và các môn đệ đã coi thường luật buộc rửa tay trước khi ăn uống v.v… Nếu chỉ nhìn thấy trong nhũng bản văn này lời kết án những cách thức hành đạo của người Do Thái hay một lời đòi hỏi phải sống đạo tại tâm, hay lấy tinh thần bên trong mà linh hoat hoá những cử chỉ bên ngoài thì e rằng chúng ta sẽ làm giảm bớt tầm quan trọng của những bản văn này. Thiết tưởng thái độ của Đức Giê-su không nguyên chỉ có tác dụng sửa đổi mà còn có giá trị mặc khải nữa.

Việc thờ phượng hiểu theo nghĩa các tôn giáo tự nhiên, kể cả Do Thái giáo đã bị bãi bỏ. Phải hiểu những lời Đức Giê-su nói với người thiếu phụ xứ Sa-ma-ri : “Này chị, hãy tin tôi, đã đến giờ người ta thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem “ (Ga 4, 21) và những lời quả quyết của thánh Phao-lô : “Vậy đừng ai xét đoán anh em về chuyện dồ ăn thức uống hay về mục ngày lễ, ngày đầu tháng, ngày sa-bát. Tất cả những cái đó chỉ là hình bóng (báo trước) những điều sắp tới, nhưng thực tại là thân mình Đức Ki-tô” (Cl 2, 16-17)

Hiểu theo nghĩa này thì Ki-tô giáo không phải là một thứ đạo. Khi thánh Phao-lô coi nhẹ cách thế thờ phượng và những lễ nghi như thế thì chúng ta có thể hiểu được rằng đó là người từ chối tất cả những việc thờ phượng chỉ có hình thức bên ngoài để chú trọng đến cách thờ phượng bên trong với tất cả tinh thần và tâm hồn mà thánh Tô-ma gọi là devotio. Từ này quen được dịch là sùng kính, nhưng sùng kính chưa lột tả được hết ý nghĩa của vovere nghĩa là dâng hiến, thánh hiến mà devotio phát xuất tù đó và cũng vì thế xem ra Dức Ki-tô như từ chối kinh phụng vụ mà chỉ nhận lời cầu nguyện riêng tư khi nói : “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng đứng cầu nguyện trong các hội đường cho người ta thấy. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo (Mt 6, 5-6). Và xem ra đó cũng là ý nghĩa tự nhiên của những lời Đức Giê-su nới với thiếu phụ xứ Sa-ma-ri : “Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây : những người thờ phượng Chúa đích thật sẽ thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật” (1 Cr 10, 31)

Nhưng ngoài thiêng liêng hoá việc thờ phượng, còn phải đi xa hơn nữa. Có hai sự kiện khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm. Việc thờ phượng bên ngoài của Do Thái giáo xem ra như bị Đức Ki-tô kết án và loại trừ, nhưng lại được duy trì trong Hội Thánh sau này, mà cả trong Tân Ước nữa. Đó là một trong những mâu thuẫn hay xẩy ra trong Tin Mừng : cái bị phế bỏ sau lại được lấy lại và sử dụng. Trong Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy các tín hữu đầu tiên siêng năng dự lễ bẻ bánh, cầu nguyện chung và hay lui tới Đền Thờ. Thánh Phao-lô cũng nhiều lần nói đến các cộng đoàn hội họp nhau để cử hành phụng vụ và lễ tạ ơn.

Chính Đức Ki-tô đã thiết lập các nghi thức tượng trưng cho bí tích Rửa Tội và bí tích Thánh Thể, không phải chỉ để làm cho sáng tỏ tương quan thiêng liêng với Thiên Chúa mà còn coi đó là những cử chỉ cần thiết như Người nói : “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và thần khí “ (Ga 3, 53); “Nếu không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình “ (Ga 6, 53).

Nhưng như vậy không phải là phủ nhận những điều đã quả quyết về việc xóa bỏ cung cách thờ phượng xưa. Nếu có một nền thờ phượng và thờ phượng bằng các lễ nghi bên ngoài thì đó là một nền thờ phượng mới không còn ý nghĩa và cùng một phạm vi như xưa. Việc thờ phượng mới là việc thờ phượng của Đức Ki-tô do chính Người cử hành như thánh Phao-lô nói : “Tất cả những nghi thức đó báo trước những sự việc sẽ xẩy ra sau này, nhưng thực tế là mình Đức Ki-tô và như chính Người nói trong Tin Mừng : “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2, 19).

Nơi thờ phượng, nghi thức thiêng thánh, linh mục được đặt riêng ra khỏi dân thường, tất cả đều được Mình Chúa Ki-tô thay thế. Nếu có một nền thờ phượng bên ngoài thì không phải chỉ là để diễn tả và thúc đẩy sự thờ phượng bên trong mà trước hết chính vì Ngôi Lời đã nhập thể, có xác và linh hồn như chúng ta. Vì là việc thờ phượng của Đức Ki-tô nên việc thờ phượng trong Ki-tô giáo không giống như việc thờ phượng trong các tôn giáo khác. Đó không còn phải là hành động của con người đi ra khỏi thế gian để gặp Thiên Chúa nữa, mà chính Thiên Chúa đến trần gian để thi hành việc thờ phượng của con người. Theo tinh thần phụng vụ mới thì phải thờ Chúa trong thần khí và sự thật. Thần khí ở đây phải hiểu về Chúa Thánh Thần, nghĩa là Chúa Thánh Thần cử hành, thôi thúc và phát động. Trong nền thờ phượng này, cái thiêng thánh không còn là cái tách biệt đặt riêng ra mà là điểm xuất phát, hiến thánh toàn bộ cái phàm tục. Vì thế việc thờ phượng trong Ki-tô giáo là hiến thánh trần gian và thánh hoá những cái thông thường trong đời sống hàng ngày. Hiến thánh không còn nghĩa tiêu cực nữa, không còn phải là rời xa, tách biệt, mà có nghĩa tích cực, cái gì được hiến thánh thì phải đóng vai trò là men, chìm ngập trong thế gian, nội tại trong thế gian. Hiến thánh bây giờ có nghĩa là chuyển hiện từ thế gian cũ sang thế gian mới không phải chỉ là một thực tại toàn thiêng liêng mà là những nỗ lực kéo dài, nối tiếp thân mình Đức Ki-tô phục sinh. Thế giới mới đã được thực sự hình thành nơi thân mình Đức Ki-tô. Tất cả mọi sự hiến thánh đều là mầm mống khai mở một thế giới mới để dần dà xâm chiếm và thay thế cho thế giới cũ. Các sự vật được hiến thánh, các nghi thức thờ phượng, đặc biệt các bí tích, chỉ là diểm xuất phát của thế giới mới này mà thôi. Nhưng tất cả đều qui tụ về việc xây dựng thế giới mới này bằng đức ái, nhờ ân sủng Thiên Chúa ban cho. Tất cả những cái đó đều là công việc của Chúa Thánh Thần.

Kết luận

Phải nắm vững bậc thang giá trị này và nhìn nhận rằng tất cả những cái đó đều tuỳ thuộc vào công việc của Chúa Thánh Thần và ơn Chúa hoạt động nơi mỗi người và trong thế gian thì mới thấy tầm quan trọng của bí tích và phụng vụ trong nền phụng tự Ki-tô giáo.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.

 
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô 2/6 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
21:32 31/05/2024


BÀI ĐỌC 1  Xh 26, 3-8

Bài trích sách Xuất hành.

Ngày ấy, khi từ núi Xi-nai xuống, ông Mô-sê thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.” Ông Mô-sê chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Hr 9, 11-15

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

Thưa anh em, Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.

Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  

Alleluia, Alleluia!
Chúa nói: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

Alleluia

TIN MỪNG  Mc 14, 12-16.22-26

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Hôm ấy, nhằm ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào?’ Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.” Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.

Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em : chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”

Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.

Đó là Lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Số quân nhân Pháp kỷ lục được rửa tội tại Lộ Đức
Vũ Văn An
14:43 31/05/2024

Luke Coppen của tạp chí The Pillar, ngày 29 tháng 5 tường trình từ Đền Thánh Đức Mẹ tại Lourdes rằng Một con số kỷ lục các quân nhân thuộc lực lượng vũ trang Pháp đã được rửa tội hôm thứ Bảy trong Cuộc hành hương quân sự quốc tế hàng năm đến Lourdes.



Thực vậy, gần 180 tân tòng từ bốn nhánh của quân đội Pháp – Lục quân, Hải quân, Lực lượng Không quân và Vũ trụ, và Hiến binh Quốc gia – đã được rửa tội vào ngày 25 tháng 5 tại Vương cung thánh đường Thánh Piô X, nhà thờ lớn nhất trong Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức.

Nó đánh dấu mức tăng 50% so với năm trước, khi có 120 người được rửa tội.

Hơn 400 người nữa đã được lãnh nhận Bí tích Thêm sức trong cuộc hành hương từ ngày 24 đến 26 tháng 5, thu hút 15,000 quân nhân từ khoảng 40 quốc gia.

Nhiều tân tòng đã được rửa tội bởi “bộ trưởng ngoại giao” của Vatican, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, người chủ trì cuộc hành hương, được dẫn đầu hàng năm bởi Giám mục phụ trách Lực lượng Vũ trang Pháp Antoine de Romanet.

Giáo phận Lực lượng Vũ trang Pháp chỉ là một trong những nơi được hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ số người lớn được rửa tội trên khắp đất nước từng được coi là “trưởng nữ của Giáo hội”.

Số người lớn được rửa tội ở Pháp đã tăng 30%, từ 5,463 vào năm 2023 lên 7,135 vào năm 2024, Hội đồng Giám mục Pháp báo cáo vào tháng Ba.

Đây là con số cao nhất kể từ khi hội đồng giám mục bắt đầu lập bảng dữ liệu cách đây hơn 20 năm.

Hàng trăm người được rửa tội hoặc được tiếp nhận vào Giáo hội thông qua giáo phận lực lượng vũ trang hàng năm, một dấu ấn của đặc tính Công Giáo thấm sâu vào quân đội nước này bất chấp chủ nghĩa thế tục được thực thi nghiêm ngặt ở Pháp.

Một nhà quan sát đã gợi ý rằng lực lượng vũ trang Pháp có “sự đại diện quá mức của các sĩ quan Công Giáo” và “sự cam kết của cá nhân để trở thành một sĩ quan dường như tương ứng khá thường xuyên với việc thuộc về môi trường văn hóa và gia đình Công Giáo, với cam kết chính trị đối với phái hữu truyền thống”.

Jean-Louis Georgelin, một người Công Giáo thực hành, từng giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quốc phòng Pháp từ năm 2006 và 2010. Ông giám sát việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà sau trận hỏa hoạn kinh hoàng năm 2019, nhưng đã qua đời khi đang đi bộ đường dài vào tháng 8 năm 2023.

Giáo phận Lực lượng Vũ trang Pháp được thành lập vào năm 1952, khi đất nước đang hồi phục sau Thế chiến thứ hai. Nhà thờ của nó là Saint-Louis des Invalides, một phần của khu phức hợp Les Invalides ở Paris.

Theo trang web của giáo phận, chức vụ tuyên úy quân đội ở Pháp đã có từ thế kỷ thứ 8, nhưng được chính thức hóa bởi một đạo luật được thông qua năm 1880, trong đó khẳng định quyền tự do thờ phượng trong lực lượng vũ trang. Theo luật của Pháp, nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo rằng quân nhân của nước này có thể thực hiện quyền tự do thờ phượng của mình.

Các tuyên úy Công Giáo thuộc giáo phận lực lượng vũ trang được phép mặc đồng phục, thăm các căn cứ và đi trên tàu hải quân. Hơn 200 tuyên úy - linh mục, phó tế, giáo dân nam nữ - phục vụ tổng cộng khoảng 270,000 nhân viên tại ngũ người Pháp. Họ cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ tại các căn cứ quốc phòng, trường học và bệnh viện cũng như tại các khu vực hành quân.

Giám mục Lực lượng Vũ trang được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm với sự đồng ý của chính phủ Pháp. Giám mục được đại diện bởi một tuyên úy khu vực ở mỗi khu vực quân sự của Pháp, bao gồm các lãnh thổ hải ngoại ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Cuộc hành hương quân sự quốc tế được phát động vào năm 1958 - 100 năm sau khi cô gái nông dân 14 tuổi Bernadette Soubirous báo cáo đã nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Lộ Đức - với sự nhấn mạnh vào sự hòa giải sau chiến tranh giữa Pháp và nước láng giềng Đức.

Những người hành hương tại sự kiện kéo dài ba ngày, được biết đến với tên viết tắt tiếng Pháp là PMI, bao gồm Vệ binh Thụy Sĩ từ Vatican và một đội quân Hoa Kỳ bao gồm Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, người đứng đầu Tổng Giáo phận Quân sự, Hoa Kỳ, và chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Hàng năm, quân nhân tại ngũ và cựu chiến binh Hoa Kỳ tham dự cuộc hành hương thông qua chương trình Warriors đến Lộ Đức, được đồng tài trợ bởi Tổng Giáo phận Quân đội và Hội Hiệp sĩ Columbus.

Cuộc hành hương của các chiến binh đến Lộ Đức năm 2024 diễn ra từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 5, kết hợp với Cuộc hành hương quân sự quốc tế thường niên lần thứ 64.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp tới những người hành hương quân sự tại Lộ Đức, được ký bởi Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Vatican Pietro Parolin, kêu gọi những người tham gia hãy trở thành “những người lính canh của hòa bình”.

“Các chiến sĩ thân mến, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn hãy đứng lên và bước đi với lòng can đảm và kiên trì”, thông điệp ngày 25 tháng 5 viết.

“Hãy là những quân nhân nam nữ, những người ngẩng cao đầu và tự hào tôn vinh quân phục, khẩu hiệu và quê hương của mình, nhưng cũng ý thức rằng các bạn là thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất, một gia đình bị chia rẽ và bị thương tích, nhưng Chúa Kitô đã đến. để cứu chuộc và cứu rỗi bằng sức mạnh của tình yêu, chứ không phải bằng bạo lực vũ khí.”
 
Đức Thánh Cha kỷ niệm lời kêu gọi hòa bình năm 2014 cho Thánh địa
Thanh Quảng sdb
17:55 31/05/2024
Đức Thánh Cha kỷ niệm lời kêu gọi hòa bình năm 2014 cho Thánh địa

Đã mười năm trôi qua, lời kêu gọi hòa bình của Đức Phanxicô, Đức Thượng phụ Đại kết Constantinople và hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine, Đức Thánh Cha sẽ kỷ niệm ngày kỷ niệm lịch sử này và đưa ra lời kêu gọi hòa bình khác khi cuộc chiến ở Đất Thánh vẫn tiếp diễn.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Mười năm trước, Đức Phanxicô đã có một lời kêu gọi hòa bình lịch sử cho Đất Thánh tại Vườn Vatican. Mười năm sau, khi chiến tranh đang tàn phá khu vực này, ngài chuẩn bị tái khẳng định lại lời kêu gọi của mình bằng một cử chỉ quan trọng.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni đã xác nhận: Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra tại cùng một địa điểm và cùng một ngày, cho một bối cảnh hoàn toàn bị tàn phá và hủy diệt!

Vào ngày 8 tháng 6 năm 2014, Đức Phanxicô, Tổng thống Nhà nước Israel lúc bấy giờ, Shimon Peres, Tổng thống Nhà nước Palestine, Mahmoud Abbas, và Thượng phụ Đại kết Constantinople, Bartholomew I, đã làm nên lịch sử trong một sự kiện chưa từng có, trong đó các nhà lãnh đạo đã trồng một cây ô liu vì hòa bình và phát biểu trước những người có mặt tại Vườn Vatican.

Trong dịp đó, Đức Phanxicô đã nhắc nhở các tổng thống rằng thế giới của chúng ta không chỉ "là di sản được truyền lại cho chúng ta từ các thế hệ trước", mà còn "được con cháu chúng ta trao phó; con cháu chúng ta đang mệt mỏi, kiệt sức vì xung đột và khao khát bình minh của hòa bình, con cháu chúng ta đang cầu xin chúng ta phá bỏ những bức tường thù địch và bước đi trên con đường đối thoại và hòa bình, để tình yêu và tình bạn sẽ chiến thắng".

Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha cũng tái khẳng định rằng việc xây dựng hòa bình, "nhiều hơn cả chiến tranh", đòi hỏi lòng dũng cảm.

"Nó đòi hỏi lòng can đảm để nói có với sự gặp gỡ và nói không với xung đột:

- có với đối thoại và nói không với bạo lực;

- có với đàm phán và nói không với thù hận;

- có với tôn trọng các thỏa thuận và nói không với hành động khiêu khích;

- có với sự chân thành và nói không với sự gian dối. Tất cả những điều này đòi hỏi lòng can đảm, nó đòi hỏi sức mạnh và sự kiên trì."

Đức Thánh Cha đã đến thăm Đất Thánh vài tháng trước đây, ngài đã thực hiện chuyến hành hương từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 5 năm ngoái nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Đại kết Athenagoras tại Jerusalem.

Bây giờ, Đức Phanxicô hơn bao giờ hết tái khẳng định lời kêu gọi hòa bình cho quê hương của Chúa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Cung Hiến Vườn Thánh Mẫu tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô, quận Cam California
Nguyễn Thành
08:24 31/05/2024
Lễ Cung Hiến Vườn Thánh Mẫu tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô, quận Cam California.

Xem hình

Lễ Cung Hiến Vườn Thánh Mẫu tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô (Nhà Thờ Kiếng) đã được diễn ra vào ngày 5.29.2024 lúc 5:15 chiều. Đây là một đánh dấu cột mốc quan trọng, một tuyệt đỉnh của những nỗ lực vất vả của anh chị em trong tổ chức Our Lady of La Vang Foundation
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương Bẩy: Nghiên cứu Kinh Thánh sau Vatican II, tìm kiếm sự cân bằng
Vũ Văn An
22:43 31/05/2024

Tìm kiếm sự cân bằng

Bản chất khinh suất và đôi khi công khai bài trừ hình tượng của phần lớn trước tác kinh thánh là điều hiển nhiên đối với các học giả ôn hòa hơn, nhưng nó có ảnh hưởng không nhỏ đối với các định chế và nhiều tín hữu Công Giáo. Như một sử gia đã lưu ý, ngay cả tác phẩm hay nhất cũng có tác dụng cắt đứt Giáo hội khỏi gốc rễ của nó:



Những người sáng lập vĩ đại của Giáo hội cùng với các nhà thần học có ảnh hưởng nhất của Giáo hội dựa suy tư thần học của họ trên những cách giải thích Kinh thánh, cả Cựu ước lẫn Tân ước, mà các học giả hiện đại coi là không hợp lệ. Người ta chỉ cần nghĩ đến nhiều lời nói trong Tân Ước mà theo truyền thống được giải thích là lời của chính Chúa Giêsu nhưng bị nền học giả hiện đại gán cho Giáo hội sơ khai để nhìn ra vấn đề trong mọi sức mạnh của nó.

Và, ông này nói tiếp, điều này đã có tác động không những đối với các tín hữu đơn giản ngồi trên băng ghế nhà thờ, bị hoang mang trước các chủ trương và phản chủ trương đó; nó còn làm tê liệt các nhà thần học tinh vi, những người muốn tìm đến Kinh thánh để tìm kiếm nền tảng luân lý, tâm linh và mục vụ:

Một sự không dứt khoát nào dó vốn được chấp nhận trong thần học như một biện pháp kiểm tra chống lại chủ nghĩa giáo điều. Nhưng tình hình đã phát triển trong phê bình lịch sử vượt xa sự kiểm tra cần thiết này. Rất ít công trình tái tạo lịch sử với những chi tiết đôi chút có giá trị đã giành được sự đồng thuận lâu dài giữa các học giả. Sự vắng mặt của sự đồng thuận về tình huống đã trải dài qua việc không có sự đồng thuận về ý nghĩa của bản văn phụ thuộc vào tình huống đó. Không có cả một căn bản tương đối chắc chắn trong bản văn, suy tư thần học đã bị trì hoãn. Sự trì hoãn này thường là vô thời hạn. Suy tư thần học bị hoãn lại sine die [không thời hạn]. (13)

Ngay cả trước khi những triệu chứng này tự biểu lộ, Vatican đã lo lắng về những gì có thể xảy ra từ việc cởi mở mới. Trong chính Công Đồng, trong khi các Nghị Phụ đang tranh luận về tài liệu Kinh Thánh, thì Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh đã ban hành một “Huấn thị về Sự thật Lịch sử của các sách Tin Mừng” (tiếng Latinh, Sancta Mater Ecclesia [Mẹ Thánh Giáo Hội]), trong đó nêu ra sáu mối nguy hiểm mà các nhà chú giải Công Giáo phải tránh:

1. phủ nhận một trật tự siêu nhiên
2. phủ nhận sự can thiệp của Thiên Chúa vào thế giới trong sự mặc khải đúng nghĩa
3. phủ nhận khả thể và sự hiện hữu của phép lạ
4. đức tin không thể tương thích với sự thật lịch sử
5. một sự phủ nhận gần như tiên thiên đối với giá trị và bản chất lịch sử của các tài liệu mặc khải
6. coi thường lời chứng của các tông đồ và nhấn mạnh quá mức vào cộng đồng sáng tạo của Giáo hội sơ khai

Huấn Thị tiếp tục khẳng định rằng sự khác biệt không nên nghi vấn tính đáng tin cậy thiết yếu của bản văn: “Vì sự thật của câu chuyện (hoặc tường thuật, nếu người ta muốn nhấn mạnh) không bị ảnh hưởng bởi sự kiện này là các tác giả Tin Mừng kể lại lời nói và việc làm của Chúa theo một trật tự khác và diễn đạt những lời của Người không phải theo nghĩa đen, nhưng theo cách khác, trong khi vẫn giữ nguyên ý nghĩa [của chúng].” (14) Không cần phải nói, những lời cảnh cáo như vậy và những nỗ lực cẩn thận trong Dei Verbum để thúc đẩy cả nền học giả lẫn sự gắn bó cá nhân với Kinh thánh đã không có những hiệu quả dự tính.

“Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội”

Không có gì ngạc nhiên khi Rôma đã thực hiện một số nỗ lực khác nhằm củng cố lòng tin nơi Kinh Thánh. Năm 1993, Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh đã triệu tập để chuẩn bị một tài liệu bao quát và cân đối về “Việc giải thích Kinh thánh trong Giáo hội”. (15) Như chúng ta đã nhận thấy, ủy ban đã được thành lập vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20 theo sau sự lãnh đạo của Đức Lêô XIII trong Providentissimus Deus—một định chế khác cho thấy các mục tiêu thiết thực của ngài về đổi mới trí thức. Cho đến Công đồng Vatican II, nó là một nguồn giải thích Kinh thánh chính thức và có thẩm quyền, đồng thời cung cấp đào tạo học thuật cho các nhà chú giải, thậm chí cấp bằng giáo hoàng cho họ. Tuy nhiên, vào năm 1971, nó đã được tái cấu trúc bởi Đức Phaolô VI và trở thành một cơ quan tư vấn đơn thuần cho Bộ Giáo lý Đức tin, bao gồm nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới. Khi họ gặp nhau vào năm 1993 vào dịp kỷ niệm một trăm năm của Providentissimus Deus để chuẩn bị một số hướng dẫn về việc giải thích Kinh thánh trong Giáo hội, chính các thành viên của nó đã là những người thực hành thành thạo các phương pháp chú giải hiện đại khác nhau, và tài liệu mà họ tạo ra có sự cân bằng hợp lý giữa nhu cầu phải có một nền học giả có tính học thuật và việc sử dụng nền học giả này trong Giáo Hội Công Giáo.

Sự cân bằng trong và tự nó không phải là một phẩm chất rất phấn khích nhưng thiên về việc xoa dịu các cuộc khủng hoảng rõ ràng. Đôi khi, bản văn của ủy ban có thể tỏ ra quá nhạt nhẽo để có thể đáp ứng một cách thỏa đáng tình trạng rối loạn trí thức rộng lớn và hỗn loạn mục vụ mà ủy ban đang đề cập. Nhưng mỗi đoạn cũng đưa ra những hiểu biết vững chắc về các phương pháp chú giải khác nhau—và cách sử dụng chúng cũng như cách sử dụng chúng sai trong gần ba mươi năm trôi qua từ khi Công đồng ban hành Dei Verbum. Không có phương pháp nào hiện hữu hoàn toàn bị loại trừ, ngay những hình thức gai góc hơn được các phương pháp tiếp cận duy cấp tiến và duy nữ trình bày. Mỗi phương pháp đều được khảo sát và đánh giá từ điểm mạnh và điểm yếu chung của nó. Ủy ban thậm chí còn công nhận rằng “một số coi sự đa dạng của các phương pháp và cách tiếp cận này như một dấu hiệu của sự phong phú, nhưng đối với những người khác, nó gây ấn tượng về nhiều sự nhầm lẫn”. (16) Tuy nhiên, tuy không khuyến cáo bất cứ cách giải thích đặc thù nào hay lên án bất cứ phương thức nào, bản văn đã trình bầy một lối đọc Kinh thánh có cơ sở và cởi mở—một lối đánh giá đúng những đóng góp của học giả và nhu cầu của tín hữu bình thường cũng như của Giáo hội hoàn vũ.

Do đó, có lẽ nguyên tắc bao quát toàn bộ là mối quan tâm duy trì cả việc điều tra khách quan về quá khứ lẫn niềm tin sống động vào hiện tại: “điều có nghĩa là lúc đó và điều có nghĩa lúc này”. Như Đức Hồng Y Ratzinger lúc đó đã viết trong một ghi chú mở đầu: “Lời Kinh Thánh bắt nguồn từ một quá khứ có thật. Tuy nhiên, nó không chỉ đến từ quá khứ, mà đồng thời từ sự vĩnh hằng của Thiên Chúa và nó dẫn chúng ta vào cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa, nhưng một lần nữa dọc theo con đường xuyên thời gian, mà quá khứ, hiện tại và tương lai đều thuộc về.”(17) Bản chất nhập thể của Kitô giáo đòi hỏi phải nghiên cứu về lịch sử loài người, chính tài liệu nói, nhưng nó cũng cảnh cáo các học giả không rơi vào những sai lầm giống như các luật sĩ bị chỉ trích trong Kinh thánh vì đã tước mất chìa khóa trí thức khỏi người khác và không tự mình bước vào. (Mt 23:13).

Ratzinger khẳng định, “Tất cả những gì thu hẹp tầm nhìn của chúng ta và cản trở chúng ta nhìn và nghe vượt ra ngoài những gì đơn thuần là con người đều phải được mở ra. Vì vậy, sự xuất hiện của phương pháp phê bình-lịch sử được khởi động đồng thời với một cuộc đấu tranh về phạm vi và cấu hình riêng của nó chưa hề có nghĩa là kết thúc.” (18) Thí dụ, khi tài liệu bắt đầu xem xét các phương pháp khác nhau, nó cho thấy trong “giả thuyết tài liệu” [documentary hypothesis] có giá trị khác đối với Cựu Ước (tức giả thuyết nói rằng bốn nguồn—Giavê, Elohist, Đệ nhị luật, và Tư tế—đóng góp cho Ngũ Kinh), hình thức và ý nghĩa cuối cùng của Cựu Ước đôi khi bị mất giữa các lý thuyết phức tạp. Một điều tương tự cũng xảy ra với “giả thuyết hai nguồn” trong Tân Ước (Máccô + một tài liệu Q không xác định nằm đàng sau Mátthêu và Luca).

Đó là một khiếu nại phổ biến đối với một số phương pháp hiện đại. Thí dụ, chỉ sau khi khoa phê bình soạn thảo (redaction criticism) ra đời (người soạn thảo có nghĩa là người soạn thảo cuối cùng hoặc nhóm sọan thảo cung cấp cho chúng ta hình thức cuối cùng mà chúng ta hiện có, một hình thức giả thiết được linh hứng) thì người ta mới thấy diễn trình biên tập, hình thức của bất cứ bản đặc thù nào và các cộng đồng mà chúng được dự định gửi tới không tạo thành các yếu tố ngoại lai xác định tính trung thực của bản văn cuối cùng (như đôi khi xuất hiện trong các nhà chú giải nổi tiếng như Martin Dibelius và Rudolf Bultmann). Ngược lại, những phương pháp này cho thấy các quá trình khác nhau mà cộng đồng tín hữu đã được thông tri và thừa nhận tính hợp lệ của các bản văn mà chúng ta hiện có. Đối với một người Công Giáo hay Kitô hữu khác, biết nhận ra tính không thể thiếu của cộng đồng đó - có thể nói là Giáo hội - trong toàn bộ quá trình phát triển, đúng hơn trong việc tin rằng Giáo hội được Thiên Chúa dự định như một phần của quá trình cứu rỗi, các phương pháp hiện đại chỉ ra một hướng rất khác so với hướng họ theo khi chỉ được hướng dẫn bởi các nguyên tắc duy nghiệm. Ủy ban nhận xét về toàn bộ phương pháp lịch sử: “Đó là một phương pháp, khi được sử dụng một cách khách quan, tự nó không có nghĩa là tiên thiên. Nếu việc sử dụng nó đi kèm với các nguyên tắc tiên thiên, thì đó không phải là điều gắn liền với bản thân phương pháp, mà là đối với một số lựa chọn giải thích nào đó điều khiển việc diễn giải và có thể mang tính thiên vị.” (19) May mắn thay, phương pháp này đã được tách biệt khỏi các giả thiết đó, và các nhà giải thích hiện nay có khái niệm đầy đủ hơn về cách các phương pháp khác nhau có thể được sử dụng một cách hợp pháp và nhận ra rằng không một phương pháp nào là thỏa đáng đối với toàn bộ nhiệm vụ.

Các phương pháp văn học

Thật vậy, ủy ban khảo sát một số phương pháp—phân tích tu từ học, tường thuật và ký hiệu học—là những phương pháp nổi bật vào cuối thế kỷ 20 trong các nghiên cứu văn học thế tục và giúp mở rộng các phương pháp tiếp cận bản văn Kinh thánh. Mỗi một trong số này, mặc dù theo những cách khác nhau, đều cho thấy rõ rằng một bản văn văn học không chỉ đơn thuần là một thứ để phân tích khách quan, giống như một mẫu vật trong ống nghiệm. Với bản chất là một bản văn văn học, nó tìm cách gợi ra một phản ứng nhất định từ người đọc—chứ không chỉ truyền đạt thông tin trung lập. Đối với nhiều người ủng hộ phê bình lịch sử chặt chẽ hơn, điều này dường như đưa chủ nghĩa chủ quan vào việc đọc Kinh thánh, điều mà ngay cả khoa chú giải truyền thống lâu đời cũng lo ngại. Nhưng có sự khác biệt giữa, một mặt, nói rằng ai đó sử dụng một biện pháp tu từ nhất định hoặc kể một câu chuyện theo một cách nhất định hoặc sử dụng các dấu hiệu cụ thể để gợi lên phản ứng trong một chủ thể, và mặt khác, một chủ nghĩa chủ quan xuyên suốt, với đứa con bất hạnh của nó là chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa hoài nghi. Rõ ràng không phải là không thể nghiên cứu khía cạnh khách quan của bản văn và cùng một lúc xét xem những tài liệu khách quan đó nhằm mục đích gây ảnh hưởng bản vị ra sao đối với người nghe. Người ta thường nói rằng phương pháp lịch sử đóng vai trò như một loại “cửa sổ” nhìn vào quá khứ, trong khi phương pháp văn học là một loại “tấm gương soi”. Cách các thành viên của một cộng đồng tiếp nhận bản văn không bảo đảm rằng họ đã giải thích nó đúng cách, điều này đòi hỏi các tiêu chuẩn thần học. Nhưng trong trường hợp của truyền thống, nó đưa ra một số lời giải thích về cách những khán giả từ những ngày đầu của Kitô giáo có thể đã phản ứng.

Các phương thức dựa trên truyền thống

Thực vậy, ủy ban đảm nhận điều nó gọi là toàn bộ một nhóm các phương thức “dựa trên truyền thống”. Điểm nổi bật nhất trong số này vào thời điểm đó là “phê bình quy điển” [canonical criticism], do Brevard S. Childs, một người Thệ Phản Mỹ, và các sinh viên của ông tại Đại học Yale khởi xướng. Họ đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về lý do tại sao các bản văn đặc thù được cộng đồng tín hữu chính thức chấp nhận như một phần của “quy điển” [canon] hoặc quy tắc mà nhờ đó, Kitô giáo được xác định. James A. Sanders, một người Thệ phản Mỹ khác được ủy ban xem xét, đã có một cách tiếp cận mới đối với câu hỏi về “hình thức” bằng cách lập luận rằng việc chấp nhận vào qui điển cũng là sự xác nhận hình thức cuối cùng của Kinh thánh như chúng ta đang có. Cả hai phương pháp này đều phù hợp đáng kể với một trong những nguyên tắc giải thích trung tâm của Công Giáo được diễn tả trong Dei Verbum: rằng các phần riêng lẻ của Kinh thánh chỉ có ý nghĩa đầy đủ khi ý nghĩa của chúng được nhìn dưới ánh sáng của toàn bộ. Rõ ràng, điều này cũng liên quan đến một sự hiểu biết tinh tế và nhạy cảm về sự phụ thuộc của Kitô giáo, về mặt lịch sử cũng như về mặt thiêng liêng, vào các bản văn Do Thái. (20)

Trong cùng một việc lên nhóm lớn này, ủy ban cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến cách tiếp cận thông qua lịch sử ảnh hưởng của bản văn, Wirkungsgeschichte, như nó được gọi trong tiếng Đức. Tất nhiên, điều này đặt ra đủ loại câu hỏi lịch sử về giá trị hoặc thiếu giá trị trong các bước phát triển bên trong Giáo hội ở các thời kỳ khác nhau. Nhưng nó cũng tập chú vào một sự kiện này là, ở mức độ lớn, độc giả của bản văn không phải là những cá nhân cô lập đến với bản văn mà không có giả định nào, như cả những người duy nghiệm và những người duy chính thống cực đoan đôi khi nghĩ. Hầu hết việc đọc Kinh thánh diễn ra trong một số loại truyền thống có sẵn, một điều cần được xem xét. Một độc giả cá nhân có thể chấp nhận hoặc bác bỏ một phần những truyền thống như vậy và, trong một số trường hợp hiếm hoi, đi đến một cách hiểu mới có giá trị nhưng từ lâu đã không được thể hiện trong các bản văn. Nhưng ngay thành tố riêng lẻ đó cũng có một lịch sử hơn hai thiên niên kỷ mà giờ đây cần được kết hợp vào các nỗ lực diễn giải.

Các chiều kích khoa học mới

Sự bùng nổ kiến thức trong hai thế kỷ qua đã cung cấp cho các nhà chú giải Kinh thánh những tài liệu khảo cổ và tài liệu mới đáng lưu ý—Các sách cuộn Qumran (“Biển Chết”) có lẽ là tài liệu ấn tượng nhất trong thông tin về Palestine vào thời Chúa Kitô. Nhưng có những ngành khoa học hiện đại khác cũng ảnh hưởng đến việc giải thích: xã hội học, nhân học văn hóa và tâm lý học (bao gồm cả phân tâm học). Những khoa này rõ ràng đã được sử dụng với một sự tự tin ngây thơ nào đó trong cơn sốt nhiệt tình đầu tiên sau khi chúng được khai triển. Nhưng chúng cũng có nhiều công dụng có tính phòng thủ hơn. Chẳng hạn, phân tích xã hội học thường là một loại hình thức phê bình nhìn vào Sitz-im-Leben [ngữ cảnh] của các nhà văn và độc giả trong cộng đồng. Các vấn đề với cách tiếp cận này thường xuất phát từ việc quá chú trọng vào các yếu tố kinh tế, xã hội và chính trị và tương đối bỏ qua “các khía cạnh tôn giáo và bản thân”. Rõ ràng, có những cảnh cáo tương tự được áp dụng cho nhân học văn hóa và tâm lý học. Vì chúng được khai triển trong bối cảnh thế tục rõ ràng hàng nghìn năm sau các bản văn mà chúng nghiên cứu, nên chúng có thể giúp ích—nhưng cũng làm sao lãng. (21)

Tuy nhiên, các cách tiếp cận gây tranh cãi nhất mà ủy ban xem xét là các trường phái duy giải phóng và duy nữ, mà ủy ban cho là hoạt động "theo ngữ cảnh". Thần học giải phóng, bắt nguồn từ cả châu Âu lẫn các nước đang phát triển, tìm kiếm sự giải phóng xã hội cho các dân tộc hiện đang sống và không nhất thiết đòi hỏi niềm tin vào bất cứ lý thuyết chính trị hay kinh tế đặc thù nào. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt là ở những nơi như Châu Mỹ Latinh và Châu Phi, nó có xu hướng chấp nhận những ý niệm không rõ ràng của chủ nghĩa Mác, chẳng hạn như bóc lột, phụ thuộc và đấu tranh giai cấp—và những ý niệm đó không chỉ trong phạm vi từng quốc gia mà còn ở bình diện quốc tế. (22) Tuy nhiên, yếu tố Mácxít đã phần nào giảm đi với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1989, hiển nhiên là một phương pháp tập chú vào các vấn đề xã hội tức khắc một cách hết sức cuồng nhiệt đã mở ra một số chiều kích Kinh thánh nhưng có xu hướng hiểu chúng theo cách ý thức hệ. Ủy ban nhận xét rằng thần học giải phóng vẫn đang phát triển và rằng “để phát triển hơn nữa và mang lại hiệu quả trong giáo hội, một yếu tố quyết định sẽ là làm sáng tỏ các giả định giải thích, các phương pháp và sự gắn kết của nó với đức tin và truyền thống của giáo hội như một tổng thể.” (23)

Tuy nhiên, không có phương pháp nào gây tranh cãi trong Giáo hội nhiều hơn các phương pháp duy nữ. (24) Thực thế, ở một trong ba chú thích duy nhất, ủy ban ghi lại rằng trong số mười chín học giả đã bỏ phiếu cho phần cụ thể này, mười một người ủng hộ, bốn người phản đối, và bốn phiếu trắng — và bốn đối thủ đã yêu cầu và được cấp một ghi chú giải thích phản ứng của họ. Các cách tiếp cận duy nữ liên quan đến các câu hỏi về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và do đó, thậm chí còn được cảm nhận rộng rãi hơn các thần học giải phóng. Đồng thời, ủy ban cảnh cáo rằng việc sử dụng các nguyên tắc phê phán hoặc xã hội học để bác bỏ các bản văn Kinh thánh đơn thuần do văn hóa qui định— hay "khoa giải thích nghi ngờ" [hermeneutic of suspicion] nổi tiếng—thường tiến hành theo cách các giả định tiên thiên triệt để và có nguy cơ "giải thích các bản văn Kinh thánh một cách thiên vị. Để thiết lập lập trường của mình, vì muốn đạt được điều gì đó tốt hơn, nó thường phải viện đến các lập luận ex silentio [nghĩa là bằng cách im lặng].” Ủy ban viết tiếp:

Khoa chú giải duy nữ thường nêu ra những câu hỏi về quyền lực bên trong giáo hội, những câu hỏi hiển nhiên là những vấn đề được thảo luận và thậm chí đối đầu. Trong lĩnh vực này, khoa chú giải duy nữ chỉ có thể hữu ích cho Giáo hội đến mức độ nó không rơi vào chính những cái bẫy mà nó tố cáo và không đánh mất giáo huấn Tin Mừng liên quan đến quyền lực hiểu như việc phục vụ, một giáo huấn được Chúa Giêsu ngỏ với mọi đệ tử, nam và nữ. (25)

Chủ nghĩa chính thống cực đoan

Nếu ủy ban thận trọng chỉ trích một số cách sử dụng các phân tích “cấp tiến”, thì ủy ban đó chỉ đơn giản bác bỏ chủ nghĩa chính thống cực đoan. Nó bác bỏ bất cứ cách tiếp cận “duy chiểu tự ngây thơ nào theo nghĩa đen”, một cách, dù có chủ ý tốt và nồng nhiệt bao nhiêu, và dù có thể hiểu được như một phản ứng chống lại điều mà những người duy chính thống cực đoan Thệ phản coi như cố ý làm mất thanh thế các sự thật của Kinh thánh, thì nó vẫn đơn giản không trung thành với Kinh thánh:

Cách thức trình bày những sự thật này của nó bắt nguồn từ một ý thức hệ không có trong Kinh Thánh, bất kể những người ủng hộ cách tiếp cận này có thể nói gì. Vì nó đòi hỏi một sự tuân thủ không thể lay chuyển đối với các quan điểm tín lý cứng ngắc và áp đặt, như nguồn giáo huấn duy nhất về đời sống và sự cứu rỗi của Kitô hữu, một cách hiểu Kinh thánh nhằm bác bỏ mọi việc nghi vấn và mọi loại nghiên cứu phê bình.

Vấn đề căn bản với cách giải thích duy chính thống cực đoan thuộc loại này là, khi bác bỏ việc tính đến tính cách lịch sử của sự mặc khải Kinh thánh, nó tự làm cho nó không có khả năng chấp nhận sự thật trọn vẹn của chính sự nhập thể. Liên quan đến mối quan hệ với Thiên Chúa, chủ nghĩa chính thống cực đoan tìm cách thoát khỏi bất cứ sự gần gũi nào giữa thần linh và con người. Nó từ chối thừa nhận rằng lời được linh hứng của Thiên Chúa đã được diễn đạt bằng ngôn ngữ loài người và lời này đã được diễn đạt, dưới sự soi dẫn của Thiên Chúa, bởi các tác giả con người sở hữu những khả năng và nguồn lực hạn chế. Vì lý do này, nó có xu hướng coi bản văn Kinh thánh như thể nó đã được Thần Khí đọc từng chữ một. Nó không thừa nhận rằng lời Thiên Chúa đã được hình thành trong ngôn ngữ và cách diễn đạt tùy thuộc vào các thời kỳ khác nhau. Nó không chú ý đến các hình thức văn học và các cách suy nghĩ của con người được tìm thấy trong các bản văn Kinh thánh, nhiều trong số đó là kết quả của một quá trình kéo dài trong thời gian dài và mang dấu ấn của các tình huống lịch sử rất đa dạng. (26)

Một cách chuyên biệt, những người duy chính thống cực đoan hiểu tính không sai lầm một cách hoàn toàn đến mức họ coi các bản văn như có tính lịch sử trong khi chúng vốn không có ý nghĩa như vậy và, một phần do đó, không hiểu việc các cộng đồng Kitô giáo đầu tiên đã viết và tiếp nhận Kinh thánh như thế nào— một việc bao gồm các kinh tin kính, tín lý, và phụng vụ. Trong mong muốn trung thành, nó đã phá hủy tư tưởng Kitô giáo: “Không cần phải nói nhiều bằng nhiều lời như thế, chủ nghĩa chính thống cực đoan thực sự mời người ta đến một kiểu tự sát trí thức. Nó chích vào cuộc sống một sự chắc chắn giả tạo, vì nó vô tình lẫn lộn bản chất thần linh của sứ điệp Kinh thánh với những điều thực ra chỉ là những hạn chế của con người". (27)
 
VietCatholic TV
Crimea rung chuyển: 4 chiến hạm Nga bị hạ gục trong đêm. Putin họp khẩn đối phó, mặt đầy sợ hãi
VietCatholic Media
03:00 31/05/2024


1. Cập nhật Chiến tranh Ukraine: Quân đội cho biết Phà qua biển, 4 tàu tuần tra bị tấn công Crimea

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine war latest: Russian ferry crossing, 4 patrol boats struck in Crimea, military says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 31 Tháng Năm, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết thuyền điều khiển từ xa Magura 5V của hải quân Ukraine đã đánh chìm 2 tàu tuần tra, và làm hư hại thêm 2 tàu tuần tra khác của Nga ở Crimea trong cuộc tấn công qua đêm ngày 30 Tháng Năm.

Tất cả bốn chiếc thuyền đều thuộc lớp KS-701 Tunets, nghĩa là “Cá ngừ”.

Đại Úy Andriy Yusov cho biết: “Quân xâm lược Nga đã sử dụng những con tàu này trong công tác hậu cần và tuần tra vùng biển gần bán đảo bị tạm chiếm”.

Ông cho biết đơn vị Nhóm 13 của Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine đã tấn công một ụ tàu bằng thuyền điều khiển từ xa của hải quân ở Vịnh Vuzka, nằm ở thị trấn Chornomorske trên bờ biển phía tây Crimea.

Để ngăn chặn cuộc tấn công, lực lượng Nga đã điều động máy bay của họ 32 lần, bao gồm các máy bay phản lực Su-27/30/35 và MiG-29, máy bay Be-12 và An-26, trực thăng Ka-27/29 và Mi-8.

Quân đội Nga cũng được cho là đã đáp trả bằng hỏa lực hỗn loạn từ vũ khí nhỏ và pháo 30 ly.

Trước đó cùng ngày, chính quyền Nga tuyên bố rằng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine đã làm hư hại hai chiếc phà vận tải ở thành phố cảng Kerch ở phía đông Crimea.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 8 hỏa tiễn tầm xa được phóng từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ cung cấp và 8 máy bay điều khiển từ xa trong đêm.

Thuyền điều khiển từ xa Magura đã phá hủy tàu tuần tra Sergey Kotov của Nga vào ngày 5 Tháng Ba và tàu đổ bộ lớp Ropucha Caesar Kunikov vào ngày 14 Tháng Hai.

2. Vụ tấn công lớn của quân Ukraine vào bán đảo Crimea làm Putin giận dữ và lo sợ

Sáng Thứ Sáu, 31 Tháng Năm, nhà độc tài Vladimir Putin đã có cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh Quốc gia Nga sau cuộc tấn công dữ dội của quân Ukraine vào bán đảo Crimea. Bốn chiến hạm của Nga đã bị tấn công trong đó 2 chiếc được tin là đã bị đánh chìm và 2 chiếc khác bị hư hại nặng. Hai chiếc phà qua eo biển Kerch cũng bị hư hại đến mức có lẽ không thể phục hồi. Putin lộ vẻ nóng giận nhưng các chuyên gia về body language cho rằng ông ta lộ ra vẻ sợ hãi trước các diễn biến mới nhất.

Các videos lan truyền trên các mạng xã hội cho thấy các thuyền điều khiển từ xa lao trên mặt nước ở Vịnh Uzkaya, phía tây Crimea đã né tránh thành công đạn bắn ra như mưa từ trực thăng Nga khi Ukraine tiến hành cuộc tấn công gần cầu Kerch yêu quý của Putin.

Đoạn phim TUYỆT VỜI cho thấy các thuyền điều khiển từ xa trên biển của Ukraine đã tránh được hỏa lực của Nga trong một trận chớp nhoáng qua đêm ở Crimea bị tạm chiếm hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm.

Trong khi đó, đồng thời với cuộc tấn công bằng thuyền điều khiển từ xa, lực lượng của Kyiv cũng đã phóng hỏa tiễn về phía Cầu Kerch yêu quý của Putin - được cho là đã gây ra khoảng 20 vụ nổ.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Sáu, 31 Tháng Năm, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết các thuyền điều khiển từ xa Magura V5 đã đánh chìm ngay trong loạt tấn công đầu tiên hai chiến hạm lớp KS-701 Tunets tốc độ cao của Nga - bất chấp cuộc phản công công dữ dội của quân Nga.

Trong đợt tấn công thứ hai, 2 chiến hạm khác tương tự đã bị tấn công và bị hư hại nặng.

Các tàu cá ngừ được lực lượng Nga sử dụng để tuần tra cũng như vận chuyển hậu cần và đổ bộ binh lính.

Ở phía bên kia Crimea ở Kerch, Ukraine đã tấn công thành công hai chiếc phà - cả hai đều được sử dụng trong cuộc chiến bất hợp pháp của Putin để cung cấp cho Crimea từ Nga.

Đại Úy Yusov cho biết: “Trong cố gắng vô hiệu hóa các cuộc tấn công của thuyền điều khiển từ xa, quân xâm lược Nga ở Crimea đã điều động máy bay quân sự 32 lần.”

Nỗ lực thất bại của họ bao gồm nhiều chiến đấu cơ, máy bay trực thăng và pháo 30 ly.

Ông nói: “Không có gì ngăn cản lực lượng đặc biệt của GUR hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu.”

“ Kết quả của cuộc tấn công là hai tàu Nga đã bị phá hủy - theo dữ liệu sơ bộ, đó là tàu vận tải và đổ bộ tốc độ cao KS-701. Hai chiếc khác tương tự bị hư hại nặng, thiệt hại đang được làm rõ”

Nga buộc phải thừa nhận bị tấn công ở Kerch vào ngày Thứ Năm, 30 Tháng Năm - tuyên bố đã bắn hạ 8 hỏa tiễn ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Người bạn thân của Putin trong vùng - Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, cho biết toàn bộ tuyến phà ở Kerch đã bị đình chỉ sau vụ tấn công.

Cây cầu Crimea trị giá 3 tỷ bảng Anh đã bị đóng cửa không cho giao thông qua lại và hệ thống phòng không trong khu vực đã được kích hoạt.

Các kênh Telegram địa phương đưa tin người dân Kerch đã nghe thấy tới 20 vụ nổ.

Những đòn tấn công chiến thuật của Kyiv ở bán đảo bị sáp nhập từ lâu đã là điểm sỉ nhục đối với Putin - người lần đầu tiên xâm chiếm Crimea vào năm 2014.

Nhà chức trách Nga cho biết “các phương tiện giao thông trên cầu Crimea tạm thời bị phong tỏa” vào khoảng 7h30 sáng Thứ Năm, 30 Tháng Năm, theo giờ địa phương.

“Họ sử dụng cây cầu - và những chiếc phà - để vận chuyển trang thiết bị quân sự cho quân đội Nga ở miền nam Ukraine,” Yusov nói.

Hỏa tiễn từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, được trang bị đầu đạn nặng 500 pound và có thể tiếp cận mục tiêu cách xa 290 dặm chỉ trong 5 phút, nhanh gấp ba lần tốc độ của Storm Shadows do Anh cung cấp.

Các chuyên gia Nga lo ngại cuộc tấn công dữ dội này là khởi đầu cho nỗ lực dự kiến của Kyiv nhằm cho nổ tung cây cầu vốn đã bị hư hại hai lần trước đó trong chiến tranh.

Cơ quan truyền thông Suspilne Krym dẫn lời một người dân cho biết: “Thành phố bây giờ rất ồn ào.

“Chúng tôi nghe thấy 20 hoặc nhiều hơn những tiếng nổ có cường độ tương đương nhau. Các cửa sổ trong nhà rung chuyển.”

Có người lại nói: “Cây cầu còn nguyên vẹn hay không? Nó ồn ào đến mức khiến mọi người nghi ngờ.”

Cả hai khu vực Kerch và Krasnodar - ở hai đầu đoạn đường vượt biển dài 12 dặm - đều đặt lực lượng phòng không của họ trong tình trạng báo động cao.

RBC-Ukraine cho biết hai chiếc thuyền được “quân xâm lược Nga” sử dụng đã bị chìm trong giờ đầu tiên của cuộc tấn công được Nga dùng để bảo vệ cây cầu.

3. Bộ Tổng tham mưu xác nhận Ukraine tấn công phà qua biển của Nga ở Crimea bằng ATACMS

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine hits Russian ferry crossing with ATACMS in Crimea, General Staff says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, tuyên bố vào chiều Thứ Năm, 30 Tháng Năm, rằng quân Ukraine chủ ý tấn công vào cầu Kerch, các hệ thống phòng không Nga đã đánh chặn và các mảnh vỡ từ hỏa tiễn đã làm hư hại hai chiếc phà của Nga.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 31 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, bác bỏ ý kiến này và cho rằng quân Ukraine chủ ý tấn công bến phà qua biển này chứ không phải cầu Kerch.

“Quân đội Ukraine đã tấn công bến phà Kerch của Nga ở vùng Crimea bị tạm chiếm vào đêm ngày 30 tháng 5,” ông nói.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng xác nhận rằng bến phà đã bị tấn công bằng hỏa tiễn ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp.

Quân đội cho biết Mạc Tư Khoa “tích cực sử dụng” tuyến phà để tiếp tế cho quân đội Nga trên bán đảo bị tạm chiếm và bảo vệ bán đảo này bằng các hệ thống phòng không Pantsir, Tor và Triumph của Nga.

Hai chiếc phà “bị hư hại đáng kể”, ông cho biết và chia sẻ những bức ảnh cho thấy dấu vết hư hại. Một trong những chiếc phà bị mắc kẹt và được cho là đã “chặn hoạt động của toàn bộ tuyến đường Kerch”.

Ông nhấn mạnh rằng: “Nhờ hoạt động chiến đấu thành công của các bệ phóng hỏa tiễn Ukraine, hậu cần quân sự của quân xâm lược trên bán đảo đã bị suy yếu đáng kể”.

Nga sử dụng cây cầu và phà qua eo biển Kerch để vận chuyển quân nhu cho lực lượng xâm lược của Nga ở Crimea và miền nam Ukraine.

Ukraine đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây cầu vào tháng 10 năm 2022 và tháng 7 năm 2023.

Ukraine đã liên tục tấn công hạm đội Hắc Hải của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, bao gồm vụ đánh chìm tàu tuần dương chủ lực Moskva vào tháng 4 năm 2022 và một cuộc tấn công hỏa tiễn tàn khốc vào trụ sở của hạm đội ở Crimea bị tạm chiếm khiến hơn 30 sĩ quan thiệt mạng.

4. Washington, Berlin báo hiệu khả năng thay đổi chính sách, mở đường cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Washington, Berlin signal potential policy change, paving way for permission for Ukraine to strike Russian territory”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Tờ Bild của Đức đưa tin hôm 28 Tháng Năm rằng không nên nghĩ rằng Ukraine chưa từng phóng hỏa tiễn tấn công quân Nga, ngay trên đất Nga. Ukraine “ít nhất một lần” đã sử dụng hỏa tiễn đất đối không Patriot để tấn công quân Nga đang tập trung trên lãnh thổ Nga để chuẩn bị tấn công vào miền Bắc Ukraine. Theo tờ Bild, Nga đã cố ý dấu kín chuyện này để tránh gây hoảng loạn quân tình. Nhưng, Berlin và Washington được tường trình đã đe dọa đình chỉ chuyển giao hỏa tiễn phòng không cho Kyiv.

Tuy nhiên, giờ đây, Mỹ và Đức đang báo hiệu một sự thay đổi tiềm tàng đối với chính sách lâu nay của họ là không cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ và Đức cung cấp, theo các tuyên bố gần đây và hai bài báo đăng trên Politico ngày 29 Tháng Năm.

Mỹ và Đức là những nhà cung cấp viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine. Cả hai nước đều nhiều lần tuyên bố Ukraine không nên dùng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga vì lo ngại điều này sẽ dẫn đến leo thang chiến tranh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này hôm 29 Tháng Năm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ đã “thích nghi và điều chỉnh khi cần thiết” ở mọi bước đi của cuộc chiến, “vì vậy đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm trong tương lai”.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng thống Moldova Maia Sandu ở Chisinau, Blinken nói rằng những điều chỉnh đã được thực hiện “vì tính chất của chiến trường đã thay đổi, vì địa điểm” và vì “các phương tiện mà Nga đang sử dụng đã thay đổi”.

Politico đưa tin rằng theo các quan chức chính quyền Tổng thống Biden, “chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra” và Blinken đang mô tả xu hướng chung là Mỹ ủng hộ Ukraine trong việc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, chủ đề này vẫn đang được “xem xét” ở Washington, Politico cho biết, dẫn lời một quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này.

Những lời kêu gọi Ukraine cho phép tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây đã gia tăng sau khi Nga phát động một cuộc tấn công mới ở Kharkiv vào ngày 10 tháng 5, với 30.000 quân được cho là đã tham gia vào chiến dịch này.

Kyiv cho biết họ không thể tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu vào lực lượng Nga đang tập trung ở biên giới do những hạn chế về cách sử dụng vũ khí của phương Tây.

Hội đồng Nghị viện NATO đã thông qua tuyên bố vào ngày 27 tháng 5 ủng hộ việc chấm dứt các hạn chế cấm Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để chống lại các mục tiêu quân sự bên trong Nga.

Ngày hôm sau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, nói rằng Ukraine nên được phép tấn công các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nga, nơi Mạc Tư Khoa thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn chống lại Ukraine.

Scholz cho biết tại cuộc họp báo rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Đức cung cấp “trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”. Chỉ vài ngày trước đó, ông nói rằng Đức đã đưa ra các quy định rõ ràng cho Ukraine cấm sử dụng vũ khí của Đức trên đất Nga và ông không thấy có lý do gì để thay đổi.

Theo Politico, Scholz hiện “ủng hộ việc cho phép sử dụng vũ khí phương Tây chống lại các mục tiêu bên trong nước Nga”, trích dẫn tuyên bố của phát ngôn nhân văn phòng Thủ tướng Đức, Steffen Hebestreit.

Trước đây, Berlin và Washington được tường trình đã đe dọa đình chỉ chuyển giao hỏa tiễn phòng không cho Kyiv sau khi nước này “ít nhất một lần” sử dụng hỏa tiễn đất đối không Patriot trên lãnh thổ Nga, tờ báo Bild của Đức đưa tin hôm 28 Tháng Năm mà không tiết lộ nguồn tin.

5. Nga tăng thuế đối với các công ty và cá nhân giàu có để tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến chống Ukraine

Bộ Tài chính Nga đã đề xuất tăng thuế đáng kể đối với các tập đoàn và cá nhân giàu có để tạo ra khoảng 2,6 ngàn tỷ rúp mỗi năm nhằm giải quyết thâm hụt tài chính trong cuộc xâm lược toàn diện ở Ukraine.

Động thái này nhằm mục đích tài trợ thêm cho cuộc chiến, vốn đã tiêu tốn của Nga hơn 211 tỷ Mỹ Kim.

Những thay đổi về thuế, dự kiến được thực hiện vào năm 2025, sẽ huy động được khoảng 29 tỷ Mỹ Kim hàng năm và tác động đến khoảng 2 triệu người.

Các trường hợp ngoại lệ sẽ được áp dụng cho binh lính và các gia đình có nhiều con sẽ được hoàn lại tiền.

Thuế suất doanh nghiệp sẽ tăng từ 20% lên 25%, đóng góp thêm 18 tỷ Mỹ Kim vào ngân sách vào năm 2025 và 125,3 tỷ Mỹ Kim vào năm 2030.

Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 11/2023 cho rằng nền kinh tế Nga “có nguy cơ quá nóng” do chi tiêu quân sự tăng, thị trường lao động thiếu hụt và lạm phát gia tăng.

Tuy nhiên, nền kinh tế Nga vẫn mạnh mẽ hơn dự kiến, mặc dù nước này ngày càng phụ thuộc vào ít đối tác thương mại hơn so với trước cuộc xâm lược toàn diện.

6. Crimea rung chuyển vì ‘những vụ nổ’ sau khi có báo cáo về cuộc tấn công ATACMS

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Rocked by 'Explosions' After Reported ATACMS Strike”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông địa phương, một số vụ nổ đã được nghe thấy ở phía đông Crimea hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm, khi Nga cho biết họ đã bắn hạ một số hỏa tiễn được phóng từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, gọi tắt là ATACMS, do phương Tây cung cấp.

Các kênh Telegram địa phương đưa tin về một loạt vụ nổ ở thành phố Kerch phía đông Crimea trong khoảng thời gian từ khuya thứ Tư đến sáng thứ Năm. Cơ quan truyền thông độc lập của Nga Astra đưa tin rằng có khoảng 20 vụ nổ có thể nghe thấy trong thành phố, dẫn lời người dân địa phương.

Kerch nằm ở phía đông của Bán đảo Crimea do Nga sáp nhập, nơi Mạc Tư Khoa đã kiểm soát trong một thập niên nhưng Kyiv tuyên bố sẽ đòi lại. Ukraine thường xuyên tấn công vào các địa điểm ở Crimea và trước đó đã tấn công vào Cầu eo biển Kerch nối bán đảo với đất liền Nga.

Còn được gọi là Cầu Crimea, đây là tuyến đường bộ và hỏa xa kết nối quan trọng để Mạc Tư Khoa duy trì nguồn cung cấp cho bán đảo và cho các lực lượng của nước này đang chiến đấu ở lục địa phía nam Ukraine. Đây là tuyến đường bộ trực tiếp duy nhất giữa Nga và Crimea. Phần phía bắc và phía đông của Crimea, bao gồm cả Kerch, nhìn ra Biển Azov.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 8 hỏa tiễn ATACMS trên Biển Azov trong đêm, cũng như 8 máy bay điều khiển từ xa trên Hắc Hải gần Crimea. Tuy nhiên, các blogger quân sự Nga cho rằng thực tế là không một hỏa tiễn nào bị đánh bại.

Nikolai Lukashenko, Bộ trưởng Giao thông vận tải Crimea do Nga bổ nhiệm, cho biết hai chiếc phà đã bị hư hại nặng nề do các mảnh hỏa tiễn khi lực lượng phòng thủ Nga ngăn chặn một cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng giao thông ở Kerch trong đêm. Ông cho biết trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội và được truyền thông nhà nước Nga đăng tải rằng không có thương vong. Theo báo cáo địa phương, cầu Kerch đã bị đóng lại vì các đánh giá ban đầu là quân Ukraine đang tấn công vào chính cây cầu.

Cây cầu Crimea dài 19km được Putin khánh thành vào năm 2018. Kể từ khi bùng nổ chiến tranh toàn diện ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, cây cầu đã bị tấn công và sửa chữa nhiều lần. Đối với Ukraine, việc phá hủy cây cầu không chỉ có giá trị chiến lược mà còn có ý nghĩa biểu tượng.

Vasyl Maliuk, nhà lãnh đạo cơ quan an ninh SBU của Ukraine, trước đây đã nói: “Cây cầu sẽ bị phá hủy”.

Kyiv đã tấn công vào cây cầu bằng cách sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong nước và các quan chức Nga đã cáo buộc Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa do phương Tây cung cấp để nhắm vào cầu Chonhar, nối Crimea với đất liền Ukraine.

Các hỏa tiễn tầm xa, như Storm Shadow do Anh cung cấp, SCALP do Pháp tài trợ và ATACMS do Mỹ cung cấp, cho phép Kyiv tấn công các tài sản quan trọng của Nga vượt xa chiến tuyến hiện tại ở lục địa Ukraine.

Các cuộc tấn công của Kyiv trên bán đảo rộng lớn hơn là một trong những phần thành công nhất trong nỗ lực chiến tranh của Ukraine, nhắm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga có trụ sở một phần tại thành phố Sevastopol phía tây nam và các căn cứ quân sự khác của Nga ở Crimea.

7. Đại sứ Mỹ nói rằng tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh NATO có 'ngôn ngữ mới' về tư cách thành viên của Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh tháng 7 của NATO tại Washington sẽ có nội dung mới liên quan đến tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh, Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho biết trong cuộc họp báo tại Praha vào ngày 29 tháng 5, Radio Free Europe đưa tin.

Kyiv đã không nhận được lời mời như mong muốn cũng như thời hạn chắc chắn để gia nhập liên minh trong hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 tại Vilnius, mặc dù NATO đã thực hiện các bước khác nhằm thắt chặt sự hợp tác.

Giới chức Ukraine bày tỏ hy vọng cuộc gặp ở Washington dự kiến diễn ra từ ngày 9-11 Tháng Bẩy sẽ mang đến tín hiệu rõ ràng hơn.

Julianne cho biết Ukraine khó có thể nhận được lời mời trở thành thành viên tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 của liên minh, đồng tình với tuyên bố của các quan chức khác. Tuy nhiên, cô nói thêm rằng công việc hỗ trợ thêm cho Kyiv trên đường gia nhập NATO vẫn đang được tiến hành.

“Tuyên bố của NATO sẽ không giống hệt như tuyên bố mà chúng tôi đã có năm ngoái. Chúng ta phải đồng ý về điều này. Liên minh có một số ý tưởng rất quan trọng và hữu ích, một số đề xuất thú vị”, Julianne nói.

Theo đại sứ, một trong những ý tưởng đang được thảo luận là việc bổ nhiệm một đại diện NATO tới Ukraine để giám sát các nỗ lực hỗ trợ nước này.

“Chúng tôi đang tìm cách xác định và cung cấp thêm nguồn lực cho những người bạn của chúng tôi ở Ukraine… Điều này sẽ gửi một thông điệp bền vững tới Mạc Tư Khoa rằng không ai trong chúng tôi rời bỏ và các đồng minh NATO sẵn sàng thực hiện cam kết lâu dài với những người bạn của chúng tôi ở Ukraine, “ Julianne nói thêm.

Nhận xét của cô được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng Kyiv sẽ không tiến xa hơn nữa tới việc trở thành thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh thường niên năm nay do lo ngại rằng liên minh này có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hồi tháng 4 rằng sự kiện sắp tới có thể “tập trung cao độ” vào việc tạo ra lộ trình để Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai.

Anders Fogh Rasmussen, cựu tổng thư ký của liên minh, nói rằng lời mời của NATO tới Ukraine “sẽ là một quyết định gây tranh cãi và ít nhất là một quyết định chưa từng có”.

Tuy nhiên, Rasmussen cho rằng bước đi này có thể đóng vai trò là “công cụ” để chấm dứt chiến tranh với Nga.

8. Lời đe dọa của bạo chúa. Vladimir Putin dọa chiến tranh tổng lực nếu Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công Nga

Tờ The Sun cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “TYRANT'S THREAT Vladimir Putin threatens all-out war if Ukraine uses Western weapons to hit Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

VLADIMIR Putin đe dọa chiến tranh tổng lực nếu Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công Nga.

Tên bạo chúa đã chỉ ra nước Anh và cảnh báo “các quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc” nên cẩn thận.

Nga sử dụng vũ khí của Iran, Bắc Hàn và Trung Quốc để tấn công Ukraine. Nhưng, bạo chúa Vladimir Putin cho biết việc Kyiv đáp trả bằng hỏa tiễn từ các đồng minh có nguy cơ gây ra “xung đột toàn cầu”.

Vương quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine cả vũ khí sát thương và không sát thương.

Putin cho biết: “Sự leo thang liên tục có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Các thành viên NATO, đặc biệt là ở Âu Châu, nên cẩn thận với những gì họ đang chơi”.

Khi được hỏi liệu Ukraine có bị cấm sử dụng vũ khí của chúng ta chống lại Nga hay không, Ngoại trưởng Cameron nói: “Chúng tôi không muốn thảo luận về bất kỳ cảnh báo nào từ phía Nga. Nhưng, Ukraine hoàn toàn có quyền tấn công lại Nga”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh cho phép sử dụng vũ khí của họ trên đất Nga.

Quân đội Điện Cẩm Linh đang tấn công Kharkiv dường như miễn nhiễm với các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa của các bệ phóng Himars của Mỹ, với tầm bắn 70 dặm.

9. Ukraine, và các đồng minh NATO kêu gọi Tổng thống Joe Biden từ bỏ ranh giới đỏ 'Thế chiến III'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine, NATO Allies Urge Joe Biden to Drop 'World War III' Red Line”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các đồng minh NATO đang có động lực cho phép Ukraine bắn vũ khí phương Tây vào các mục tiêu quân sự bên trong biên giới Nga, một bước đi mà Tòa Bạch Ốc kiên quyết phản đối vì lo ngại cuộc chiến của Mạc Tư Khoa với nước láng giềng sẽ mở rộng thành một cuộc đụng độ trực tiếp với các đồng minh phương Tây.

Cuộc tấn công xuyên biên giới mới của Nga vào khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine đã khiến Kyiv quay cuồng, với các lực lượng phòng thủ không thể sử dụng vũ khí tiên tiến của NATO để nhắm vào các tuyến tiếp tế quan trọng hỗ trợ cuộc tấn công đang diễn ra.

Ngoại trưởng Antony Blinken được tường trình nằm trong số những người thúc đẩy tổng thống nới lỏng các hạn chế đối với Ukraine mà trong hơn hai năm đã giới hạn việc sử dụng vũ khí phương Tây trong lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với tờ New York Times tuần trước rằng những hạn chế đã mang lại cho Mạc Tư Khoa một “lợi thế to lớn”.

“Chúng tôi có vũ khí, nhưng chúng tôi không thể sử dụng chúng để chống lại Nga cho đến khi họ vượt qua biên giới”, Yehor Cherniev – một thành viên quốc hội Ukraine và là phó chủ tịch ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia – nói với Newsweek.

Cherniev nói thêm: “Chúng tôi đã có thông tin trước cuộc tấn công mới nhất của Nga gần Kharkiv, về việc họ tập hợp quân đội, về trang bị của họ, nhưng chúng tôi không thể làm gì được”.

“Chúng tôi không thể tấn công và đó là lý do tại sao chúng tôi không thể ngăn chặn cuộc tấn công này. Đó là lý do tại sao chúng ta mất một số làng mạc, một số vùng lãnh thổ, mất cả binh lính và dân thường. Chuyện này thật vớ vẩn.”

Ukraine đang nhận được sự chấp thuận từ các quốc gia NATO khác để sử dụng vũ khí được cung cấp của họ chống lại các mục tiêu bên trong Nga. Các quốc gia bao gồm Anh, Estonia, Latvia, Lithuania, Tây Ban Nha, Phần Lan và Ba Lan đã bày tỏ sự ủng hộ để Kyiv tấn công các mục tiêu của Nga ở bất cứ nơi nào họ chọn.

Hôm thứ Hai, 27 Tháng Năm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mở màn cho việc giật sập các hạn chế mà một số nước phương Tây áp đặt lên Ukraine. Ông tin rằng “đã đến lúc xem xét một số hạn chế này” và mô tả tình thế hiện nay như việc trói một tay người Ukraine sau lưng họ. Lập luận và các ví dụ do Tổng thư ký NATO đưa ra đặt các chính trị gia chống lại việc Ukraine tấn công vào Nga bằng vũ khí phương Tây vào nguy cơ bị người dân coi là các chính trị gia ngớ ngẩn, và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai chính trị của họ.

Chỉ một ngày sau đó, nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu Josep Borrell đã nói rằng một số quốc gia Âu Châu đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế. “Các sự kiện đang thay đổi và con người cũng đang thay đổi,” ông nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đi đầu trong các quốc gia NATO từ lâu đang thúc đẩy hành động quyết đoán hơn ở Ukraine, cũng cho biết hôm thứ Ba rằng liên minh phải cho phép Kyiv “vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi hỏa tiễn được bắn đi, chứ không phải các mục tiêu dân sự hoặc quân sự khác. Chúng ta sẽ không leo thang căng thẳng khi làm điều này.”

Phát biểu cùng ông, Thủ tướng Đức Scholz có đặc điểm thận trọng hơn, cũng đồng ý, và nói thêm rằng bất kỳ việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây nào “phải luôn nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”.

Tổng thống Biden đã phản đối rộng rãi bất kỳ sự leo thang nào có thể được cảm nhận ở Ukraine, chính quyền của ông ngăn cản các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào lãnh thổ Nga, thẳng thừng từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ bên trong biên giới Nga và bác bỏ khả năng NATO đưa bộ binh vào Ukraine.

“Chúng tôi sẽ không tiến hành một cuộc chiến chống lại Nga ở Ukraine,” tổng thống nói ngay sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào mùa xuân năm 2022. “Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga là Thế chiến thứ ba. Và có điều gì đó chúng ta phải cố gắng ngăn chặn.”

Nhưng có dấu hiệu bất hòa trong chính quyền. Blinken và Bộ Ngoại giao của ông được cho là đang thúc đẩy việc nới lỏng các hạn chế về việc sử dụng vũ khí. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ám chỉ về một sự thay đổi trong chính sách liên quan đến việc bắn hạ máy bay Nga hoạt động trên lãnh thổ Nga, trong tháng này nói rằng “động lực trên không hơi khác một chút”.

Trong khi sự hỗ trợ của Âu Châu đang tăng lên, Cherniev, người cũng là trưởng phái đoàn thường trực của Ukraine tại Hội đồng Nghị viện NATO, nói: “Chúng tôi hiểu rằng điều quan trọng hơn là phải được sự cho phép của Mỹ”

“Tôi biết vấn đề này đang được thảo luận, nhưng chúng tôi vẫn chưa có quyết định,” ông nói thêm. “Tôi thực sự hy vọng rằng quyết định này sẽ được đưa ra càng sớm càng tốt và đó sẽ là một dấu hiệu cho các quốc gia khác”.

Hôm thứ Hai, Hội đồng Nghị viện NATO đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các quốc gia đồng minh dỡ bỏ “một số hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do các đồng minh NATO cung cấp để tấn công các mục tiêu hợp pháp ở Nga”.

Oleksandr Merezhko, một thành viên quốc hội và là chủ tịch ủy ban đối ngoại của cơ quan này, nói với Newsweek rằng ông “chắc chắn” rằng quyết định của Mỹ đã được đưa ra. “Đánh giá theo tuyên bố của Blinken, Mỹ không công khai khuyến khích các cuộc tấn công của Ukraine trên lãnh thổ Nga, nhưng đồng thời, sẽ không cấm các cuộc tấn công như vậy.”

Khi được yêu cầu cập nhật quan điểm của Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao đã đề cập đến Newsweek trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, trong đó phát ngôn nhân Matthew Miller nói: “Chính sách của chúng tôi là không khuyến khích hoặc cho phép các cuộc tấn công bên ngoài biên giới Ukraine. Nhưng nếu bạn nhìn vào phạm vi rộng lớn trong chính sách của chúng tôi, chúng tôi đã nói rõ rằng Ukraine không có người ủng hộ nào lớn hơn Hoa Kỳ.”

Tại cuộc họp báo hôm Thứ Tư, 29 Tháng Năm, Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith nói với các phóng viên rằng chính sách của Mỹ “vẫn giữ nguyên; không có sự thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ.”

Điện Cẩm Linh đã tìm cách tận dụng những lo ngại của phương Tây về sự hiện diện sâu hơn ở Ukraine. Nhà độc tài Vladimir Putin nói với các phóng viên hôm thứ Ba: “Sự leo thang liên tục có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”. “Nếu những hậu quả nghiêm trọng này xảy ra ở Âu Châu, tính đến sự ngang bằng của chúng ta trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân chiến lược, Hoa Kỳ sẽ hành xử thế nào?”

Các đồng minh NATO đang tranh luận gay gắt về cách tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và củng cố Kyiv khi nước này đang suy yếu trước cuộc tấn công đa hướng của Nga, kết hợp với các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa liên tục trên toàn quốc.

Việc dỡ bỏ các hạn chế về vũ khí, triển khai quân NATO không tham chiến trong nước và sử dụng hệ thống phòng không của đồng minh ở các quốc gia sườn phía đông để bảo vệ các khu vực của Ukraine đều đã được đề xuất. Tổng tư lệnh Ukraine, Oleksandr Syrskyi, tuần này đã ký một sắc lệnh cho phép các huấn luyện viên quân sự Pháp được phép sử dụng các căn cứ của Ukraine.

“Chúng tôi vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào về việc này từ bất kỳ quốc gia nào.” Cherniev nói về sự hiện diện của NATO trên mặt đất. “Chúng tôi sẵn sàng đón nhận mọi cách mà quân đội phương Tây có thể tham gia vào việc bảo vệ lãnh thổ của chúng tôi.”

Các lựa chọn được đưa ra bao gồm bố trí quân đội NATO dọc biên giới Ukraine với Belarus để ngăn chặn bất kỳ cuộc tái xâm lược nào từ phía bắc, cũng như thực hiện vai trò bảo vệ tương tự dọc theo khu vực Transnistria của Moldova liên kết với Nga trên biên giới phía tây nam Ukraine.

“Chúng tôi không nói về các cuộc đụng độ trực tiếp với người Nga ở Donbas hay Kharkiv”.

Nỗ lực của liên minh nhằm giành lại “sự thống trị leo thang” từ Mạc Tư Khoa diễn ra trong bối cảnh dòng viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine đã bị khựng lại một thời gian và lo ngại rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và Nghị viện Âu Châu trong năm nay sẽ làm gián đoạn thêm sự ủng hộ của NATO dành cho Kyiv.

Giống như tất cả các can thiệp lớn của phương Tây, tốc độ của các cuộc thảo luận hiện tại đôi khi có vẻ chậm chạp.

Cherniev nói: “Lần nào chúng tôi cũng nhận được những gì mình yêu cầu, nhưng sau sáu tháng, tám tháng, chín tháng, một năm thuyết phục. “Và nó khiến chúng tôi phải trả giá bằng mạng sống của mình, mạng sống của những người lính giàu kinh nghiệm nhất, các đơn vị sẵn sàng chiến đấu và thường dân của chúng tôi.”

Ông nói thêm: “Lãng phí thời gian này, chúng ta cho Nga thời gian chuẩn bị và việc đẩy họ ra khỏi các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm trở nên khó khăn hơn”. “Chúng tôi đã mất quân trong những tháng này khi phải chờ đợi những loại vũ khí khác nhau. Bây giờ cũng là tình huống tương tự.”
 
Hậu quả của Fiducia tại Tây Ban Nha. Từ Ấn giáo đến với Công Giáo nhờ Chân phước Carlo Acutis
VietCatholic Media
06:37 31/05/2024


1. Tác hại của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans: Cả một tu viện các nữ tu lìa bỏ Giáo Hội

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Nuns Denounce Pope Francis, Break From Catholic Church”, nghĩa là “Các nữ tu tố cáo Đức Thánh Cha Phanxicô, rời bỏ Giáo Hội Công Giáo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Mười sáu nữ tu người Tây Ban Nha đã tuyên bố rời bỏ Giáo Hội Công Giáo; và từ nay đặt mình dưới quyền của Pablo de Rojas Sánchez-Franco, một giám mục tự phong đã bị vạ tuyệt thông vào năm 2019.

16 nữ tu dòng Thánh Clara khó nghèo, một phần của Dòng Thánh Clara, có trụ sở tại các giáo phận Burgos và Vitoria ở miền bắc Tây Ban Nha.

Cuộc ly giáo xảy ra trong bối cảnh phe bảo thủ tức giận trước sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vào tháng 2, 90 giáo sĩ và học giả Công Giáo đã viết một lá thư cho “tất cả các Hồng Y và Giám mục của Giáo Hội Công Giáo”, kêu gọi các ngài phản đối một tài liệu được Đức Thánh Cha phê chuẩn cho phép các linh mục chúc lành cho các cặp đồng giới.

16 nữ tu, do Nữ tu Isabel của Chúa Ba Ngôi dẫn đầu, đã tuyên bố rời bỏ Giáo Hội Công Giáo trong một bức thư ngỏ dài 5 trang đăng trên trang web của tu viện.

Trong thư, Sơ bề trên Isabel nói rằng người Công Giáo đã phải chịu đựng “sự im lặng của các mục tử của chúng ta”, những người “đã bỏ mặc đàn chiên của mình và bất lực khi đối mặt với bầy sói”.

Đề cập đến Đức Giáo Hoàng, Sơ bề trên nói: “Từ ngai tòa Thánh Phêrô, chúng ta đã nhận được sự mâu thuẫn, nhầm lẫn và nói nước đôi, mơ hồ, thiếu giáo lý minh bạch, là điều càng cần thiết hơn trong thời kỳ giông bão, để giữ con thuyền Giáo Hội vững chắc hơn.”

“Trong thời gian này, các chị em, mỗi người theo phong cách, cách thức và nhịp điệu riêng của mình, đang suy ngẫm một câu hỏi, một mối nghi ngờ về người chèo lái con thuyền Thánh Phêrô và những người cộng tác thân cận nhất của ngài. Một mối nghi ngờ mà theo thời gian đã trở thành tai tiếng.”

Tuyên ngôn Fiducia Supplicans được đề cập đến như một giọt nước cuối cùng dẫn đến quyết định rời bỏ Giáo Hội của cả tu viện.

2. Vatican xin lỗi sau nhận xét xúc phạm người đồng tính nam trong chủng viện Công Giáo

Vatican hôm thứ Ba đã đưa ra lời xin lỗi sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng một từ xúc phạm bằng tiếng Ý liên quan đến các chủng sinh được xác định là người đồng tính.

Matteo Bruni, phát ngôn viên của Tòa Thánh, cho biết trong thông cáo báo chí hôm thứ Ba rằng Đức Thánh Cha “đã biết về các bài báo được xuất bản gần đây về cuộc trò chuyện, đằng sau cánh cửa đóng kín, với các giám mục” của Hội đồng Giám mục Ý, gọi tắt là CEI.

Truyền thông Ý đưa tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp CEI vào ngày 20 tháng 5 tại Hội trường Thượng hội đồng của Vatican. Tại cuộc họp đó, Đức Thánh Cha đã được hỏi về việc tiếp nhận vào chủng viện những người công khai tự nhận mình là người đồng tính nam.

Khi nói với các giám mục rằng những người đồng tính nam không nên được nhận vào đào tạo linh mục, Đức Thánh Cha lập luận rằng “có quá nhiều từ 'frociaggine' trong các chủng viện”.

Từ ‘frociaggine’ đang được giới truyền thông mô tả là một thuật ngữ thô tục, xúc phạm. Thế giới này ít người biết tiếng Ý nên nhiều người không biết và tưởng tượng ra vị Giáo Hoàng đang chửi thề hay đang dùng một từ dơ bẩn. Chúng tôi không có ý quyết liệt bênh vực Đức Giáo Hoàng bằng mọi giá. Tuy nhiên, tiếng Việt có một từ có thể dịch sát từ ‘frociaggine’, đó là từ “bóng lại cái”. Tùy quý vị và anh chị em nhận định xem có đáng gọi từ ngữ ấy là một thuật ngữ thô tục, xúc phạm hay không.

Bruni nói với các nhà báo rằng Đức Thánh Cha “không bao giờ có ý xúc phạm hoặc thể hiện mình bằng những thuật ngữ kỳ thị người đồng tính, và ngài xin lỗi những ai cảm thấy bị xúc phạm khi sử dụng thuật ngữ do người khác báo cáo”.

Nhận xét này lần đầu tiên được trang web báo lá cải Dagospia của Ý đưa tin và sau đó được các tờ báo lớn của Ý La Repubblica và Corriere della Sera xác nhận.

Vatican gần hai thập niên trước đã đề cập đến chủ đề tiếp nhận hay không những người đàn ông được xác định là đồng tính nam vào các chủng viện Công Giáo. Năm 2005, Bộ Giáo dục Công Giáo đã ban hành một chỉ thị có tựa đề “Liên quan đến các tiêu chuẩn để phân định ơn gọi liên quan đến những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái trong quan điểm tiếp nhận họ vào Chủng viện và chức thánh”.

Tài liệu nêu rõ rằng “cần phải nói rõ rằng Giáo hội, trong khi tôn trọng sâu sắc những người đang được đề cập, không thể tiếp nhận vào chủng viện hoặc chức thánh những người thực hành đồng tính luyến ái, có khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu xa, hoặc ủng hộ cái gọi là 'văn hóa đồng tính nam.'“

Hướng dẫn tiếp tục lưu ý sự khác biệt giữa những người thể hiện “khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu sắc” và những người “đối phó với xu hướng đồng tính luyến ái vốn chỉ là biểu hiện của một vấn đề nhất thời”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giữ nguyên phán quyết vào năm 2016. Vào năm 2018, ngài lại yêu cầu các giám mục Ý phải kiểm tra cẩn thận các ứng cử viên.

La Repubblica lưu ý rằng các giám mục Ý trong cuộc họp ở Assisi vào tháng 11 năm ngoái đã phê chuẩn một tài liệu mới có nhan đề Rate Formationis Sacerdotalis, trong đó nêu chi tiết các tiêu chuẩn tiếp nhận nam giới vào các chủng viện ở Ý.

Tờ báo Ý nói thêm rằng tài liệu này “đã được Bộ Giáo sĩ Vatican xem xét phê duyệt lần cuối”.

Người viết tiểu sử về Giáo hoàng Austen Ivereigh đã viết trên X hôm thứ Ba rằng “mối quan tâm của Đức Giáo Hoàng là về việc những người đồng tính nam coi chức linh mục như một cách sống để thể hiện giới tính của họ. Đức Giáo Hoàng cũng lo lắng về nền văn hóa đồng tính nam trong nhiều chủng viện”.

Đôi khi, Đức Thánh Cha đã được ca ngợi vì đã tiếp cận cộng đồng được xác định là LGBT.

Trong một cuộc họp báo trên chuyến bay vào năm 2013, Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi của một nhà báo về kinh nghiệm của ngài với tư cách là người giải tội cho những người đồng tính, ngài nói : “Tôi là ai mà phán xét người ta?”

Đức Thánh Cha đã mở rộng những nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn dài một cuốn sách năm 2016 có tựa đề “Danh Thiên Chúa là Lòng Thương Xót”, trong đó ngài nói rằng ngài đang “diễn giải thuộc lòng” Sách Giáo lý của Giáo hội, trong đó nói rằng “những người này nên được đối xử tế nhị và không bị gạt ra ngoài lề xã hội.”

“Tôi vui mừng vì chúng ta đang nói về 'những người đồng tính'“, Đức Thánh Cha tiếp tục, “bởi vì trước hết, mỗi cá nhân đều phải có sự trọn vẹn và phẩm giá của mình”.

Trong khi đó, vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã ban hành Fiducia Supplicans, một tuyên bố cho phép ban phép lành ngoài phụng vụ cho các cặp vợ chồng trong các tình huống “bất thường”, bao gồm cả các cặp đồng giới.

3. Từ Ấn Độ giáo đến Công Giáo: Chân phước Carlo Acutis đã truyền cảm hứng cho một người hoán cải như thế nào

Vào ngày 23 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của Chân phước Carlo Acutis, mở đường cho ngài trở thành vị thánh đầu tiên từng sống trong thiên niên kỷ này.

Cậu thiếu niên viết thảo chương máy tính người Ý qua đời vì bệnh ung thư năm 2006 được biết đến với lòng sùng kính sâu sắc đối với sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Chứng tá của cậu đã truyền cảm hứng cho cha mẹ cậu quay trở lại thực hành đức tin Công Giáo và người chăm sóc theo đạo Hindu của cậu cải đạo và chịu phép rửa.

Sau đây là đoạn trích được chuyển thể từ cuốn sách “Chân phước Carlo Acutis: Một vị thánh đi giày thể thao” của Phóng viên Courtney Mares của CNA Rôma.

Chân phước Carlo Acutis đã truyền cảm hứng cho con trai của một đạo sư Ấn Độ giáo Bà la môn xin được rửa tội như một người Công Giáo qua việc cậu bé vui vẻ làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và tình yêu của Người dành cho người nghèo.

Trong một cuộc phỏng vấn, Rajesh Mohur đã chia sẻ câu chuyện về hành trình tâm linh của mình và làm thế nào anh biết đến Acutis, cậu thiếu niên lập trình máy tính, người thuộc thế hệ thiên niên kỷ đầu tiên được phong chân phước trong Giáo Hội Công Giáo và là người bảo trợ của Ngày Giới trẻ Thế giới tháng 8 năm 2023.

Mohur lớn lên trên một hòn đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương ngoài khơi Phi Châu, cách Madagascar khoảng 500 dặm về phía đông. Giống như hầu hết người dân Mauritius, Mohur là người theo đạo Hindu. Anh lớn lên nói tiếng Creole và học tiếng Phạn, ngôn ngữ cổ được sử dụng trong kinh thánh Hindu.

Gia đình Mohur thuộc đẳng cấp đạo sư Brahman, là đẳng cao cấp nhất trong bốn đẳng cấp trong xã hội Hindu. Cha của Mohur là một đạo sư đạo Hindu, từng là chủ tịch Hiệp hội đạo Hindu ở Mauritius.

Mohur nhớ lại: ''Cha tôi thường dạy tôi ngay từ đầu về tất cả những lời cầu nguyện của họ... về kinh điển, kinh điển Ấn Độ.'

Năm 16 tuổi, cha của Mohur gửi anh đến Ấn Độ để tiếp tục học ở Gujarat, thành phố nơi Mahatma Gandhi sinh ra. Trong thời gian ở Ấn Độ, Mohur thậm chí còn đắm chìm hoàn toàn hơn vào văn hóa và thực hành tôn giáo của đạo Hindu.

''Tôi đã đến rất nhiều ngôi chùa. Tôi đã gặp rất nhiều đạo sư ở trung tâm thiền và tôi đã gặp những thầy dạy đạo,” Mohur nói.

''Tôi đã chứng kiến tất cả những nơi đó. Nó thật yên bình, bạn biết đấy. Đẹp. Nhưng cuộc sống của bạn không thay đổi.... Tôi đang tìm kiếm một Thiên Chúa hằng sống.''

''Hành trình của tôi luôn là tìm kiếm điều gì đó mà... từ sâu thẳm bản thân, tôi không thể thực hiện được.''

Sau khi được nhận vào một trường đại học ở Rajasthan, Mohur ở lại Ấn Độ và hoàn thành bằng cử nhân vật lý. Anh đang định ghi danh học chương trình thạc sĩ ở Anh thì nhận được tin cha anh qua đời. Vì gia đình đang gặp khó khăn về tài chính nên anh cảm thấy buộc phải quay lại Mauritius để giúp đỡ gia đình.

Mohur tăng cường sự sùng kính của mình đối với những lời cầu nguyện theo đạo Hindu sau cái chết của cha mình. Anh cầu nguyện mỗi ngày, thường với tâm trạng giận dữ và cay đắng. Anh nói: “Tôi luôn cầu nguyện với một tâm trạng cay đắngL ‘Tại sao tôi lại rơi vào hoàn cảnh như vậy?’”.

Vào thời điểm đó, rất khó tìm được việc làm ở Mauritius. Mohur nghe nói Ý không khắt khe về thị thực lao động như một số nước khác vào thời điểm đó nên anh nhập cư vào đó để tìm việc làm vào giữa những năm 1980. Sau hơn chục năm sống và làm việc tại Ý, tháng 12/1995, Mohur được gia đình Acutis thuê để giúp chăm sóc Carlo.

“Và tôi đã gặp Carlo, một đứa trẻ nhỏ,” Mohur nhớ lại.

Ấn tượng đầu tiên của anh về Acutis, với mái tóc xoăn màu nâu, là anh trông giống như những thiên thần nhỏ được thấy trong các bức tranh và tác phẩm điêu khắc quanh Milan. Vào ngày thứ hai làm việc cho gia đình, Mohur nhớ rằng cậu bé Carlo đã đến gặp anh với nụ cười rạng rỡ và một món quà - một miếng kẹo cao su.

Vào những ngày mưa, Acutis đôi khi xem các đoạn băng video hoạt hình dựa trên Kinh thánh và cuộc đời các vị thánh cùng với Mohur, người đã xem một cách thích thú vì anh ta chưa tiếp xúc nhiều với Công Giáo.

Sau khi Acutis Rước lễ lần đầu vào năm 7 tuổi, Mohur sẽ cùng cậu đi bộ đến nhà thờ gần nhà để tham dự Thánh lễ hoặc để cầu nguyện trên đường đi học.

Mohur quan sát hành vi của cậu bé Acutis thay đổi như thế nào khi cậu bước vào nhà thờ. Trong khi Acutis cầu nguyện trước nhà tạm, Mohur lặng lẽ ngồi ở phía sau và quan sát cậu bé cầu nguyện tha thiết.

''Hành vi của anh ta đã thay đổi khi anh ta ở trong nhà thờ, với tất cả sự tôn kính. Cậu biết rằng có điều gì đó khác biệt ở nơi Chúa Giêsu sống.... Điều đó làm tôi cảm động... khi tôi nhìn thấy hành vi của Carlo'' anh nói.

Acutis háo hức nói chuyện với Mohur về những điều anh yêu thích: thiên đường, Thánh lễ và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Mohur nói: Anh ta giải thích mọi thứ một cách “thật ngọt ngào”.

Mohur nói: “Cậu ấy luôn nói về Bí tích Thánh Thể, về Chúa Giêsu, về việc Ngài đã chịu đau khổ vì chúng ta như thế nào… đã hy sinh mạng sống của mình cho chúng ta”. ''Carlo nói với tôi rằng... bất cứ nơi nào bạn đi, bạn có thể tìm thấy Chúa Giêsu hiện diện trong Thịt, Linh hồn và Máu trong nhà tạm''

Mohur cũng quan sát thấy sự quan tâm của Acutis dành cho người khác. Anh kể rằng có lần cậu bé Carlo đã gom đồ chơi của mình, trong đó có một số món quà Giáng Sinh xinh xắn từ ông bà, bố mẹ và nhờ Mohur đi cùng đến công viên để bán đồ chơi của mình để lấy tiền giúp người nghèo.
 
Bước ngoặt: Mỹ, Đức đã dỡ bỏ lệnh cấm. Quân Pháp vào Ukraine trong vài ngày tới. Cầu Crimea sắp tiêu
VietCatholic Media
18:01 31/05/2024


1. Báo cáo cho biết huấn luyện viên quân sự Pháp có thể được gửi đến Ukraine trong vài ngày tới

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “French Military Trainers Could Be Sent to Ukraine in Days: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các báo cáo, Pháp có thể cử các huấn luyện viên tới Ukraine để huấn luyện quân đội nước này trong vài ngày tới.

Sự phát triển này đã được báo Pháp Le Monde đưa tin hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm, trích dẫn các nguồn quen thuộc với vấn đề này. Điều này xảy ra vài ngày sau khi chỉ huy hàng đầu của Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết ông đã ký giấy cho phép Pháp cử các huấn luyện viên quân sự đến đất nước của ông để huấn luyện lực lượng Ukraine “và làm quen với cơ sở hạ tầng và nhân sự của họ”.

Pháp, cùng với các đồng minh NATO khác của Ukraine, đã huấn luyện hơn 100.000 quân kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, trong khuôn khổ Liên minh Âu Châu. Ngay sau thông báo của Syrskyi, Bộ Quốc phòng Ukraine đã đưa ra “làm rõ” rằng Kyiv “vẫn đang thảo luận với Pháp và các nước khác về vấn đề này”.

Theo nguồn tin của Le Monde, Ukraine buộc phải hạ giọng bình luận về khả năng triển khai các huấn luyện viên người Pháp tới quốc gia bị chiến tranh tàn phá này vì lý do an ninh cho các huấn luyện viên. Họ cho biết, các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ được đẩy nhanh trong những ngày tới và thông báo có thể được đưa ra trong chuyến thăm Pháp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào tuần tới.

Các nguồn tin cho biết ban đầu Pháp sẽ cử vài chục nhân sự “để xác định nhu cầu đào tạo” trước khi triển khai thêm hàng trăm người nữa.

Reuters cũng đưa tin hôm thứ Năm rằng Pháp có thể sớm gửi các huấn luyện viên quân sự đến Ukraine, trích dẫn ba nguồn tin ngoại giao cho biết, các khóa huấn luyện sẽ tập trung vào rà phá bom mìn, bảo đảm rằng thiết bị vẫn hoạt động và chuyên môn kỹ thuật cho các chiến đấu cơ do các đồng minh phương Tây của Ukraine cung cấp.

Một nguồn tin cho biết: “Các thỏa thuận đang tiến triển rất tốt và chúng tôi có thể mong đợi điều gì đó vào tuần tới”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 3 đã tăng gấp đôi khả năng đưa bộ binh vào Ukraine. Vào cuối tháng 2, ông gợi ý rằng các thành viên NATO có thể gửi những đội quân như vậy và nói rằng “Chúng tôi không thể loại trừ các lựa chọn” vì “an ninh của Âu Châu và an ninh của người dân Pháp đang bị đe dọa ở đây”.

Ông Macron từng nói rằng “không có giới hạn” đối với sự hỗ trợ của Pháp dành cho Kyiv.

Các thành viên NATO khác, bao gồm cả Mỹ và Đức, đã loại trừ khả năng gửi quân bộ binh tới Ukraine. Vào tháng 3, phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Tổng thống Joe Biden đã “nói rõ rằng chúng tôi sẽ không đưa quân Mỹ đến Ukraine”.

Putin hồi tháng 2 đã cảnh báo rằng “Nga sẽ không để bất kỳ ai can thiệp vào công việc nội bộ của mình” và rằng “các lực lượng hạt nhân chiến lược của nước ông đang ở trạng thái sẵn sàng hoàn toàn”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên hôm 8 Tháng Năm rằng quân đội Pháp sẽ trở thành mục tiêu của lực lượng Nga nếu họ “xuất hiện trong khu vực xung đột ở Ukraine”.

2. Cây cầu Crimea trị giá gần 4 tỷ Mỹ Kim của Putin sắp bị 'diệt vong'

Cơ quan an ninh Ukraine - nói với The Sun rằng họ có kế hoạch sử dụng thuyền điều khiển từ xa Sea Baby để phá hủy cây cầu Crimea yêu quý của Putin. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Sun, Thiếu Tướng Vasyl Malyuk, nhà lãnh đạo của SBU cho biết “Cầu Crimea sắp bị hủy diệt”.

Putin từ lâu đã tuyên bố rằng cây cầu Kerch quý giá của ông - mà ông ca ngợi là một “phép màu” khi hoàn thành vào năm 2018 - không thể bị phá hủy. Ukraine lại nói khác. Đối với họ, cây cầu Kerch là một màn trình diễn lố bịch về 10 năm bị Nga xâm lược. Việc cắt đứt cây cầu đất liền duy nhất của Nga tới Crimea sẽ là một bước quan trọng trong việc giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Hắc Hải và bóp nghẹt cỗ máy chiến tranh của Putin.

Tướng Malyuk nói “độc nhất vô nhị, Những chiếc thuyền điều khiển từ xa tuyệt mật được thiết kế và chế tạo hoàn chỉnh bởi một “đơn vị đặc biệt” gồm các kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin, sĩ quan hải quân và lực lượng bí mật SBU của Ukraine.”

Ông nói: “Vào thời điểm đó, trên thế giới không có chuyên môn nào về máy bay và thuyền điều khiển từ xa có trình độ công nghệ cao như vậy. Được điều khiển từ xa bằng GPS và camera, các tàu bán chìm sát thương được dẫn đường tới mục tiêu và phát nổ khi va chạm.

Ông nhấn mạnh rằng: “Các thuyền điều khiển từ xa đã thay đổi cục diện chiến tranh hải quân.” Trong số 27 tàu mà Ukraine tuyên bố đã đánh chìm hoặc vô hiệu hóa, 11 chiếc đã bị thuyền điều khiển từ xa Sea Baby bắn trúng. Đầu năm nay, SBU đã công bố một đội thuyền điều khiển từ xa Sea Baby mới có thể “tiếp cận mục tiêu ở bất kỳ đâu trên Hắc Hải” và mang theo trọng tải 1 tấn.

“Do hành động của chúng tôi trên biển, Nga đã rút các tàu chiến chiến lược nhất của họ khỏi Vịnh Sevastopol và đang giấu chúng ở Novorossiysk. Ukraine đã khôi phục thành công hành lang ngũ cốc.” Ukraine đã tiêu diệt 1 phần 3 hạm đội Hắc Hải đáng sợ một thời của Nga, trong khi phần còn lại dường như đang chạy trốn.

3. Tổng thống Biden bí mật cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Biden secretly gave Ukraine permission to strike inside Russia with US weapons”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đó là một sự đảo ngược lớn sẽ giúp Ukraine bảo vệ tốt hơn thành phố lớn thứ hai của mình.

Chính quyền Tổng thống Biden đã lặng lẽ cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga - chỉ gần khu vực Kharkiv - bằng vũ khí do Mỹ cung cấp, ba quan chức Mỹ và hai người khác quen thuộc với động thái này cho biết hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm. Đó là một sự đảo ngược lớn sẽ giúp Ukraine phòng thủ tốt hơn thành phố lớn thứ hai của mình.

Một quan chức Mỹ cho biết: “Tổng thống gần đây đã chỉ đạo nhóm của mình bảo đảm rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí của Mỹ cho mục đích phản công ở Kharkiv để Ukraine có thể đánh trả các lực lượng Nga đang tấn công họ hoặc chuẩn bị tấn công họ”.

Quan chức này cho biết thêm, Ukraine chỉ yêu cầu Mỹ thay đổi chính sách cấm tấn công vào Nga bằng vũ khí Mỹ sau khi cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv bắt đầu trong tháng này. Tất cả mọi người đều được giấu tên để thảo luận về các quyết định nội bộ chưa được công bố.

Quan chức thứ hai của Mỹ cho biết, trong vài ngày qua, Mỹ đã đưa ra quyết định cho phép Ukraine “linh hoạt” tự vệ trước các cuộc tấn công ở biên giới gần Kharkiv.

Trên thực tế, Ukraine hiện có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, chẳng hạn như hỏa tiễn và bệ phóng hỏa tiễn, để bắn hạ hỏa tiễn Nga phóng về phía Kharkiv, tấn công vào quân đội Nga tập trung ngay trên biên giới Nga gần thành phố Kharkiv, và các máy bay ném bom Nga đang phóng bom về phía lãnh thổ Ukraine. Nhưng quan chức này cho biết Ukraine không thể sử dụng những vũ khí đó để tấn công cơ sở hạ tầng dân sự hoặc phóng hỏa tiễn tầm xa, như Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật của quân đội, để tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong nước Nga.

Đó là một sự thay đổi đáng kinh ngạc mà ban đầu chính quyền cho biết sẽ làm leo thang chiến tranh bằng cách lôi kéo Mỹ trực tiếp hơn vào cuộc chiến. Nhưng điều kiện ngày càng tồi tệ đối với Ukraine trên chiến trường –– cụ thể là những bước tiến của Nga và vị thế được cải thiện của Nga ở Kharkiv –– đã khiến tổng thống phải thay đổi quyết định.

Hội đồng An ninh Quốc gia đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Chính quyền Tổng thống Biden ám chỉ rằng một quyết định đã được đưa ra một cách bí mật hoặc sắp được đưa ra trong những ngày gần đây. Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Antony Blinken, người ủng hộ việc dỡ bỏ hạn chế, đã trở thành quan chức Mỹ đầu tiên công khai gợi ý rằng Tổng thống Biden có thể thay đổi hướng đi và cho phép các cuộc tấn công như vậy, đồng thời nói với các phóng viên rằng chính sách của Mỹ đối với Ukraine sẽ phát triển khi cần thiết. Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby sau đó tuyên bố rằng không loại trừ khả năng có sự thay đổi.

Những thông điệp đó được đưa ra sau khi các đồng minh hàng đầu của Mỹ, như Anh và Pháp, cho biết Ukraine nên có quyền tấn công bên trong nước Nga bằng vũ khí phương Tây. Các nhà lập pháp của cả hai đảng cũng ủng hộ động thái này một cách công khai và riêng tư, trong khi các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ thông báo kín với Quốc hội rằng việc nới lỏng hạn chế có “giá trị quân sự”, POLITICO đưa tin đầu tiên.

Một số quan chức lo ngại Ukraine khi tấn công vào lãnh thổ Nga bằng máy bay điều khiển từ xa của mình đã tấn công các mục tiêu quân sự không liên quan đến cuộc xâm lược của Nga. Mỹ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng Kyiv chỉ được sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công trực tiếp vào các địa điểm quân sự của Nga được sử dụng cho cuộc xâm lược Ukraine chứ không phải cơ sở hạ tầng dân sự.

Các quan chức Ukraine, từ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trở xuống, đã thúc đẩy chính quyền Tổng thống Biden thay đổi chính sách kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công lớn vào Kharkiv. Trong nhiều tuần, họ nói rằng việc không thể tấn công các vị trí quân sự của Nga ở biên giới đã làm phức tạp thêm việc phòng thủ Kharkiv của Ukraine và đất nước này.

Hôm thứ Hai, 27 Tháng Năm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mở màn cho việc giật sập các hạn chế mà một số nước phương Tây áp đặt lên Ukraine. Ông tin rằng “đã đến lúc xem xét một số hạn chế này” và mô tả tình thế hiện nay như việc trói một tay người Ukraine sau lưng họ. Lập luận và các ví dụ do Tổng thư ký NATO đưa ra đặt các chính trị gia chống lại việc Ukraine tấn công vào Nga bằng vũ khí phương Tây vào nguy cơ bị người dân coi là các chính trị gia ngớ ngẩn, và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai chính trị của họ.

Trong cuộc thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã “thúc đẩy mạnh mẽ” việc sử dụng vũ khí Mỹ ở Nga, theo một người nắm rõ cuộc gọi.

4. Ukraine được giao quy định về F-16 từ đồng minh NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Handed F-16 Stipulation From NATO Ally”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Lời hứa của Bỉ sẽ cung cấp hàng chục chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra với Nga đã đi kèm với một quy định quan trọng có thể hạn chế việc sử dụng máy bay.

Năm ngoái, Bỉ đã trở thành một trong bốn quốc gia đồng minh của NATO, cùng với Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan, tuyên bố sẽ gửi cho Ukraine một số lượng máy bay phản lực do Mỹ sản xuất không xác định.

Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib hôm thứ Ba cho biết 30 chiếc máy bay đã được quyết định chuyển tới Kyiv và lô hàng đầu tiên dự kiến được chuyển giao “vào cuối năm nay”. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo sau đó đã yêu cầu các máy bay phản lực chỉ được sử dụng trong lãnh thổ Ukraine.

“Mọi thứ được đề cập trong thỏa thuận này đều rất rõ ràng: nó được sử dụng bởi lực lượng quốc phòng Ukraine trên lãnh thổ Ukraine,” ông De Croo nói trong cuộc họp báo chung công bố cam kết viện trợ quân sự 10 năm trị giá 1 tỷ Mỹ Kim với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Theo The Kyiv Independent, nhận xét của De Croo được đưa ra “để trả lời câu hỏi của một nhà báo về việc liệu Ukraine có thể sử dụng máy bay phản lực F-16 của Bỉ để bắn hạ máy bay Nga trong không phận Nga hay không”.

Không rõ liệu chính sách của Bỉ có cho phép sử dụng máy bay phản lực trên lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm mà Nga tuyên bố đã sáp nhập hay không, chẳng hạn như bán đảo Crimea.

Trong suốt cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, Zelenskiy và chính phủ của ông đã nhiều lần vận động các đồng minh phương Tây cung cấp máy bay phản lực F-16 như một bản cập nhật rất cần thiết cho phi đội không quân già cỗi của Kyiv, vốn đang vận hành phần lớn các máy bay MiG thời Liên Xô và không thể sánh với các máy bay phản lực hiện đại hơn mà Nga hiện đang sử dụng.

Tổng thống Zelenskiy hồi đầu tháng cho biết Không quân Ukraine, vốn đã chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm, cần các đồng minh cung cấp từ 120 đến 130 chiếc F-16 để chống lại không lực Nga. Cho đến nay, số lượng máy bay phản lực đã được hứa hẹn ít hơn nhiều.

Việc giao máy bay phản lực từ Hà Lan và các nước tài trợ khác đã bị trì hoãn nhiều lần. Lô máy bay phản lực đầu tiên của Hà Lan ban đầu được dự kiến xuất xưởng vào đầu năm nay. Các phi công Ukraine cũng được yêu cầu đào tạo chuyên sâu về máy bay phản lực và chỉ một số phi công đã hoàn thành khóa đào tạo trong những tuần gần đây.

Các chuyên gia nói với Newsweek hồi đầu tháng này rằng Ukraine cuối cùng có thể nhận được F-16 quá muộn để tạo ra sự khác biệt thực sự trong cuộc chiến, cho thấy rằng việc dựa vào các đồng minh NATO để cung cấp máy bay phản lực có thể là một sai lầm chiến lược.

Guy McCardle, quản lý biên tập của hãng tin quân sự SOFREP, nói rằng Ukraine sẽ tốt hơn nếu tăng cường “các hoạt động liên tục và các biện pháp phòng thủ” với nhiều máy bay MiG sẵn có hơn trong khung thời gian ngắn hơn.

McCardle nói: “Đối với người Ukraine, một chiếc MiG trên bầu trời có giá trị bằng hai chiếc F-16 trên đường băng”. “F-16 là một máy bay tốt và có thể mang lại lợi ích cho nỗ lực của Ukraine về lâu dài, nhưng nếu tôi là một tướng Ukraine, tôi thích có MiG càng sớm càng tốt. Tại sao? Máy bay MiG có thể được triển khai ngay lập tức, mang lại sự tăng cường khẩn cấp cho khả năng không quân của Ukraine. “

Ông nói tiếp: “Các phi công Ukraine đã quen thuộc với máy bay MiG nên giảm nhu cầu đào tạo lại rất nhiều”. “MiG sẽ cho phép tích hợp dễ dàng hơn với đội máy bay và hệ thống hậu cần hiện có của Ukraine, vốn đã được trang bị cho các máy bay thời Liên Xô. Người Ukraine cần sự hỗ trợ trên không ngay lập tức.”

5. Ngoại trưởng Đan Mạch nói Ukraine có thể sử dụng F-16 của nước này để tấn công lãnh thổ Nga

Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nói với các phóng viên ở Brussels hôm 30 Tháng Năm rằng Ukraine có thể sử dụng máy bay phản lực F-16 do Đan Mạch cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga vì điều này sẽ “nằm trong quy tắc chiến tranh”.

Đan Mạch cùng với Hòa Lan thành lập “liên minh chiến binh” cho Ukraine vào tháng 7 năm 2023. Nhóm các nước này cam kết cung cấp cho Kyiv máy bay F-16 và giúp đào tạo phi công cũng như nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành máy bay phản lực thế hệ thứ 4 do Mỹ sản xuất.

Lô F-16 đầu tiên của Đan Mạch dự kiến sẽ được bàn giao cho Ukraine vào mùa hè này.

Trong những tuần gần đây, Ukraine đã kêu gọi các đối tác của mình cho phép tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây, một động thái mà Washington và Berlin, hai nhà cung cấp viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine, từ lâu đã phản đối.

Rasmussen nói với các phóng viên: “Đây không phải là quyền tự do để Ukraine sử dụng F-16 thực hiện các cuộc tấn công tùy tiện vào Nga”.

“Chúng tôi đang nói về cơ hội làm suy yếu kẻ xâm lược bằng cách tấn công các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga.”

Rasmussen nói: “Hoàn toàn tuân theo các quy tắc chiến tranh, một quốc gia bị tấn công phải có khả năng tự vệ”.

“Ukraine cũng không có lợi ích gì trong việc chạy theo loại hình chiến tranh từ phía Nga. Putin tấn công các các cơ sở hạ tầng dân sự để khủng bố người dân Ukraine. Kyiv không có nhu cầu làm như thế.”

Bỉ cung cấp cho Ukraine 30 máy bay F-16 vào năm 2028, lần đầu tiên đến năm 2024

Rasmussen cũng bác bỏ những lo ngại rằng động thái này sẽ khiến chiến tranh leo thang. Rasmussen nói: “Nếu chúng ta đang nói về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công thực sự vào lãnh thổ của chúng ta thì đó không phải là điều tôi lo lắng”.

Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin đưa ra tuyên bố vào ngày 29 tháng 5, tuyên bố rằng “việc Ukraine sử dụng vũ khí do Copenhagen cung cấp để chống lại các mục tiêu bên trong Nga có thể dẫn đến sự phát triển không thể kiểm soát của cuộc xung đột”.

Barbin đang đáp trả Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, người hôm 28 Tháng Năm cho biết Ukraine được phép sử dụng vũ khí Đan Mạch trên lãnh thổ Nga “nếu điều đó phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Những lời kêu gọi Ukraine cho phép tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây đã gia tăng sau khi Nga phát động một cuộc tấn công mới ở Kharkiv vào ngày 10 tháng 5, với 30.000 quân được cho là đã tham gia vào chiến dịch này.

Kyiv cho biết họ không thể tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu vào lực lượng Nga đang tập trung ở biên giới do những hạn chế về cách sử dụng vũ khí của phương Tây.

Hội đồng Nghị viện NATO đã thông qua tuyên bố vào ngày 27 tháng 5 ủng hộ việc chấm dứt các hạn chế cấm Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để chống lại các mục tiêu quân sự bên trong Nga.

Ngày hôm sau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và nói rằng Ukraine nên được phép tấn công các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nga, nơi Mạc Tư Khoa thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn chống lại Ukraine.

Scholz cho biết tại cuộc họp báo rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Đức cung cấp “trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”.

6. Quân đội Mỹ thấy có 'giá trị' khi để Ukraine tấn công sâu bên trong Nga bằng vũ khí Mỹ

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US military sees ‘value’ in letting Ukraine strike Russia with US weapons”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo hai người tham dự cuộc họp, một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ đã nói với các nhà lập pháp vào đầu tháng 5 rằng sẽ có “giá trị quân sự” trong việc nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ bên trong lãnh thổ Nga.

Tiết lộ này được đưa ra khi Tổng thống Joe Biden và các trợ lý của ông đang thảo luận để cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công xuyên biên giới vào Nga và khi Mạc Tư Khoa đã đạt được những thắng lợi đáng kể trên chiến trường. Các đồng minh Âu Châu của Mỹ và các nhà lập pháp từ cả hai đảng đang ngày càng kêu gọi Tổng thống Biden cho phép các cuộc tấn công như vậy xuyên biên giới.

Một người quen thuộc với các cuộc thảo luận giữa Washington và Kyiv cho biết quyết định cuối cùng nhằm nới lỏng lệnh cấm đó “đã đến rất gần”, ám chỉ rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ sớm bật đèn xanh cho Ukraine.

Hai quan chức Mỹ cho biết, các quan chức Mỹ đã cân nhắc nghiêm chỉnh hơn về việc thay đổi chính sách ngay sau khi Nga phát động cuộc tấn công nhằm vào thành phố Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, giống như những người khác được giấu tên để trình bày chi tiết về một cuộc thảo luận nhạy cảm. Hội đồng An ninh Quốc gia đã không trả lời các yêu cầu bình luận nhiều lần.

Các quan chức quân sự đang thảo luận về lợi ích của việc thay đổi chính sách ngay cả trước khi chiến dịch Kharkiv bắt đầu vào ngày 10 tháng 5. Trong cuộc họp kín với các thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện vào ngày 7 tháng 5, các nhà lập pháp ở cả hai đảng đã thúc ép các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng nới lỏng chính sách này. Theo những người tham dự, chính sách hạn chế Kyiv sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công bên trong lãnh thổ Nga ngày càng trở nên ngớ ngẩn.

Dân biểu Don Bacon của Đảng Cộng Hòa tiểu bang Nebraska, một thành viên ủy ban cho biết, các quan chức Ngũ Giác Đài “đang cố gắng bảo vệ các chính sách của tổng thống” nhưng các thành viên Quốc Hội “Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều chỉ trích mạnh mẽ.”

Phó giám đốc tác chiến của Bộ tham mưu liên quân Ngũ Giác Đài, Chuẩn Đô đốc Paul Spedero, cho biết quân đội tin rằng sẽ có “giá trị quân sự khi tấn công các mục tiêu hợp pháp ở Nga”, theo một trong những người tham dự. Người tham dự khác đã xác nhận nhận xét của Spedero. Người tham dự cho biết quan chức hàng đầu của Bộ Quốc Phòng phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế, Celeste Wallander, nói với các nhà lập pháp rằng cho đến thời điểm đó không có cuộc thảo luận nào về việc thay đổi chính sách này.

Người tham dự cho biết những bình luận đó đã vấp phải “sự thất vọng của lưỡng đảng”. Như Bacon đã nói: Cô ấy “bảo vệ chính sách của Tổng thống Biden và không ai trong chúng tôi chấp nhận nó”.

Tuy nhiên, các quan chức quân sự đã tranh luận nội bộ và thảo luận với các nhà lập pháp trong nhiều tuần để ủng hộ việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ ở Nga, với một số hạn chế đối với các hệ thống và thành phố mà họ có thể tấn công, theo một quan chức Bộ Quốc phòng và một nhà lập pháp Đảng Dân chủ quen thuộc với các cuộc thảo luận. Cả hai người đều nói rằng phần lớn điều đó đã xảy ra kể từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công ở Kharkiv, nơi đã đẩy nhanh các cuộc đối thoại về cách đối phó với việc Mạc Tư Khoa đang xây dựng lực lượng ngay bên trong biên giới.

Dựa trên các cuộc thảo luận với các thành viên của cộng đồng tình báo và quân sự, có “sự đồng thuận” rằng “sẽ có giá trị quân sự thực sự khi cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu xuyên biên giới ở Nga”, nhà lập pháp Đảng Dân chủ cho biết. “Nga đã sử dụng khá hiệu quả sự hạn chế đó để tạo lợi thế cho mình”.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine đang thúc đẩy chính quyền Tổng thống Biden thay đổi chính sách. Trong cuộc thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã “thúc đẩy mạnh mẽ” việc sử dụng vũ khí Mỹ ở Nga, theo một người nắm rõ cuộc gọi.

Các quan chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Biden đang ngày càng thể hiện sự cởi mở của họ đối với sự thay đổi công khai như vậy.

Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Antony Blinken, người ủng hộ việc dỡ bỏ hạn chế, đã trở thành quan chức Mỹ đầu tiên công khai gợi ý rằng Tổng thống Biden có thể thay đổi hướng đi và cho phép các cuộc tấn công như vậy, đồng thời nói với các phóng viên rằng chính sách của Mỹ đối với Ukraine sẽ phát triển khi cần thiết. Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby sau đó cũng nói rằng không loại trừ khả năng có sự thay đổi như vậy.

Áp lực lưỡng đảng buộc Tổng thống Biden phải nới lỏng các hạn chế sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp chống lại các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga được đưa ra sau khi Quốc hội phê duyệt hơn 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự cho Ukraine vào tháng trước và chính quyền cuối cùng đã chuyển hỏa tiễn tầm xa cho Kyiv.

Một nhóm đảng viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã bày tỏ sự thất vọng của họ với chính sách của chính quyền trong một lá thư ngày 20 tháng 5 gửi cho Austin. Lập luận về việc nới lỏng chính sách, các thành viên cho biết những hạn chế đã cho phép Mạc Tư Khoa tấn công Ukraine “từ lãnh thổ Nga mà không bị trừng phạt”.

Austin hồi đầu tháng này đã nhấn mạnh rằng trọng tâm lúc này là giúp Ukraine giành chiến thắng trong “cuộc chiến cận chiến”. Tuy nhiên, vào ngày 20 tháng 5, ông đã hé mở cánh cửa thay đổi chính sách, ít nhất là đối với các mục tiêu trên không.

Khi được hỏi liệu Ukraine có được phép tấn công máy bay ném bom Nga bằng bom lượn, cho phép Mạc Tư Khoa tấn công các mục tiêu Ukraine từ trên bầu trời Nga hay không, ông Austin cho biết trong cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài: “Chúng tôi đã nói rõ về việc cung cấp cho Ukraine khả năng bảo vệ lãnh thổ chủ quyền của mình”, và thừa nhận rằng “động lực trên không hơi khác một chút.”

7. Bộ trưởng Quốc phòng Đức đến Odesa, công bố gói viện trợ 542 triệu Mỹ Kim cho Ukraine

Berliner Zeitung đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu euro hay 542 triệu Mỹ Kim vào ngày 30 Tháng Năm trong chuyến thăm không báo trước tới thành phố cảng Odesa.

Pistorius đến vào thời điểm Kyiv đang gây áp lực lên các đồng minh của mình, kêu gọi họ dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp chống lại các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga. Cho đến gần đây, Berlin nhiều lần phản đối ý tưởng này do lo ngại điều này sẽ dẫn đến chiến tranh leo thang. Theo văn phòng của Thủ tướng Đức, từ ngày 29 Tháng Năm, lệnh cấm này đã được dỡ bỏ.

Gói hàng mới này được cho là sẽ bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng không Iris-T và hỏa tiễn SLS tầm ngắn, cũng như máy bay điều khiển từ xa trinh sát, 1 triệu viên đạn vũ khí nhỏ, xe tăng chiến đấu Leopard 1 và xe thiết giáp Marder.

Pistorius cho biết Berlin cũng sẽ gửi tới Ukraine các phụ tùng thay thế cho các hệ thống pháo và xe tăng chiến đấu Leopard. Ông nói thêm rằng một số vật liệu khác nữa sắp được chuyển giao.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn trong cuộc đấu tranh phòng thủ này”, Bộ trưởng Đức nói trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov.

Đây là chuyến thăm thứ ba của Pistorius tới Ukraine kể từ khi cuộc chiến toàn diện bùng nổ vào tháng 2/2022.

Tờ báo viết: Chuyến đi tới Odesa không được thông báo trước vì lý do an ninh khi Nga tăng cường các cuộc không kích và phát động cuộc tấn công ở phía đông đất nước. Trước đó Bộ trưởng đã đến thăm Kyiv vào tháng 11 năm 2023.

Pistorius hồi giữa tháng 5 cho biết Berlin sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot bổ sung mà không nêu rõ ngày giao hàng. Kyiv cũng dự kiến sẽ nhận được một hệ thống phòng không Iris-T khác.

Ban đầu là một đối tác do dự, Berlin đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, mặc dù Scholz vẫn miễn cưỡng cung cấp một số năng lực quan trọng, cụ thể là hỏa tiễn tầm xa Taurus.

Berlin có kế hoạch tăng viện trợ quân sự cho Ukraine thêm 3,8 tỷ euro hay 4,13 tỷ Mỹ Kim vào năm 2024.

8. Thăm dò cho thấy 71% người Nga cho rằng đất nước đang đi đúng hướng, 87% tán thành Putin

Một cuộc thăm dò được công bố ngày 30 Tháng Năm bởi Trung tâm Levada, một tổ chức thăm dò ý kiến độc lập của Nga, cho thấy 71% số người được hỏi tin rằng Nga đang “đi đúng hướng” và 87% khác cho biết họ ủng hộ Putin.

Các cuộc thăm dò do Trung tâm Levada thực hiện trong suốt cuộc chiến đã cho thấy đa số người Nga nhất quán và áp đảo ủng hộ Putin và tin rằng đất nước đang đi đúng hướng.

Theo cuộc thăm dò mới nhất, chỉ có 17% số người được hỏi cho rằng Nga đang đi sai hướng, 13% khác cho rằng khó trả lời.

Các phát hiện này có phần lớn tương đối nhất quán ở mọi lứa tuổi và các nhóm nhân khẩu học khác, bao gồm cả những người nói rằng họ “hầu như không có đủ thức ăn”.

Tỷ lệ ủng hộ dành cho Putin vẫn ở mức trên 80% trong 5 cuộc thăm dò trước đó mà Trung tâm Levada thực hiện, tính từ tháng 12 năm 2023.

Phần lớn những người được hỏi cũng cho biết họ ủng hộ các cơ quan lập pháp, thống đốc, Thủ tướng Mikhail Mishustin của Nga và “chính phủ Nga” nói chung.

Khó khăn là hầu hết người Nga bày tỏ niềm tin rằng Nga là một dân tộc thượng đẳng, xứng đáng lãnh đạo thế giới, biên giới nước Nga cần phải được tái lập như thời Liên Xô và ngày càng mở rộng theo ý thức hệ thế giới Nga.

9. Mỹ cảnh báo Âu Châu nghiêm chỉnh về viện trợ của Trung Quốc cho Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US warns Europe to get serious about China’s aid to Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lãnh đạo Bắc Kinh quyết tâm hỗ trợ Mạc Tư Khoa “đến tận cùng”, Kurt Campbell, Bộ trưởng Ngoại giao số 2 cho biết.

Hoa Kỳ đang tăng cường nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Âu Châu về quy mô vai trò của Trung Quốc trong việc hỗ trợ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Và theo nhân vật cao cấp thứ hai trong Bộ Ngoại giao Mỹ, Âu Châu hiện đang có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Kurt Campbell - thứ trưởng ngoại giao, người cho đến gần đây vẫn giữ chức vụ “ông hoàng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Tổng thống Mỹ Joe Biden – tuần này đã chuyển tận tay cảnh báo đó tới các nhà ngoại giao Âu Châu tại NATO với “càng chi tiết và cụ thể càng tốt”. Chuyến thăm của ông diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh lớn của các nhà lãnh đạo NATO tại Washington vào tháng 7, tại đó liên minh này dự kiến sẽ gửi một thông điệp nghiêm chỉnh tới Bắc Kinh.

“Theo quan điểm của chúng tôi, công bằng mà nói, mục tiêu chung của Trung Quốc là hỗ trợ Nga, nhưng cố gắng giấu diếm điều đó và cố gắng duy trì mối quan hệ ngoại giao và thương mại bình thường với Âu Châu”, Campbell nói với một nhóm nhỏ các chuyên gia, và các cơ quan truyền thông bao gồm POLITICO trong chuyến thăm Brussels vào thứ Tư.

“Và tôi nghĩ điều khiến chúng tôi phấn khởi ngày hôm qua trong các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương,, gọi tắt là NAC, là cơ quan ra quyết định chính trị chính trong NATO, là có bao nhiêu nước Âu Châu đã lên tiếng rõ ràng, với quan điểm rằng sẽ không thể duy trì được một mối quan hệ bình thường với Trung Quốc nếu cùng lúc đó, người Trung Quốc lén lút tiếp tay cho cuộc chiến tranh gây bất ổn nhất ở Âu Châu kể từ Thế chiến thứ hai,” Campbell nói.

Campbell mô tả viện trợ của Bắc Kinh dành cho Nga trong vòng từ 18 đến 24 tháng qua là “đáng lo ngại sâu sắc”.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng những gì chúng tôi đã thấy từ Trung Quốc đến Nga không phải là một lần hay một vài công ty lừa đảo liên quan đến việc hỗ trợ Nga.

“Đây là một nỗ lực bền vững, toàn diện được lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ, được thiết kế để cung cấp cho Nga mọi sự hỗ trợ đằng sau hậu trường, cho phép họ tái thiết các thành phần của lực lượng quân sự, hỏa tiễn tầm xa, máy bay điều khiển từ xa của họ, một số khả năng theo dõi chuyển động trên chiến trường, pháo binh tầm xa và những thứ tương tự,” Campbell nói. “Đây là một nỗ lực được thiết kế để phần lớn nằm ngoài tầm nhìn.”

Ngoài cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, mối quan tâm chung khác của Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu là tình trạng dư thừa năng lực thương mại của Trung Quốc.

Đầu tháng này, chính quyền Tổng thống Biden đã tăng gấp 4 lần mức thuế đối với xe điện của Trung Quốc lên 100%. Ủy ban Âu Châu dự kiến sẽ sớm bắt đầu áp dụng thuế quan.

Các công ty Âu Châu - từ các hãng xe hơi khổng lồ của Đức đến các nhà sản xuất rượu cognac của Pháp - đã kêu gọi các nước không đi theo con đường chiến tranh thương mại với Trung Quốc, vì sợ mất khả năng tiếp cận thị trường nếu nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện hành động trừng phạt để trả đũa.

Campbell trích dẫn những bất ổn kinh tế của Trung Quốc là lý do khiến Bắc Kinh có thể không trả đũa Âu Châu – nếu áp dụng thuế quan – một cách nghiêm ngặt như trước đây.

“Trong môi trường hiện tại, tôi nghĩ Trung Quốc nhận thức được một số điểm yếu của nền kinh tế của mình và do đó, họ đã cảnh giác thực hiện một số nỗ lực trả đũa toàn diện mà chúng ta đã thấy trong các giai đoạn trước khi họ chống lại Australia, Nam Hàn, Phi Luật Tân và những nước khác,” ông nói. “Tôi không nghĩ điều đó sẽ mang lại cho chúng tôi quá nhiều sự thoải mái. Nhưng tôi nghĩ hiện nay, từ quan điểm của Bắc Kinh, đã có sự thừa nhận rằng tình hình kinh tế và thương mại phức tạp hơn.”

Campbell cho biết: “Ở nhiều khía cạnh, nếu các bước đi được phối hợp giữa các quốc gia thì việc trả đũa chỉ ở quốc gia này hay quốc gia khác sẽ khó khăn hơn”.