Ngày 05-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Dung 06/08/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:58 05/08/2017
Bài Đọc Chúa Nhật – Chúa Hiển Dung – 06/08/2017

Bài đọc 1: Đn 7,9-10.13-14

Áo người trắng như tuyết.

Bài trích sách ngôn sứ Đa-ni-en.
Tôi là Đa-ni-en, ban đêm trong một thị kiến,
tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai
và một Đấng Lão Thành an toạ.
Áo Người trắng như tuyết,
tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền.
Ngai của Người toàn là ngọn lửa,
bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng.
Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra.
Ngàn ngàn hầu hạ Người,
vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan.
Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra.
Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa:
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện.
Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,
không bao giờ mai một;
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.
Đó là Lời Chúa

Đáp ca: Tv 96,1-2.5-6.9 (Đ. c.1a và 9a)
Chúa là Vua hiển trị, là Đấng cao cả trên khắp địa cầu.
Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo !
Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là chính trực công minh. Đ.
Núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
vị Chúa Tể hoàn cầu.
Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người. Đ.
Chính bởi vì Ngài, muôn lạy Chúa,
là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu,
Ngài trổi vượt chư thần hết thảy. Đ.

Bài đọc 2: 2 Pr 1,16-19

Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phê-rô tông đồ.
Anh em thân mến, khi chúng tôi nói cho anh em biết
quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa
chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện
hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã
được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả
thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang
và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với
Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý
mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán
ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.
Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các
ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc
đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và
sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em.
Đó là Lời Chúa

Tung hô Tin Mừng: Mt 17,5c
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 17,1-9

Dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và
Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo. Người đưa các ông đi
riêng với mình lên một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi
hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như
mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh
sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra
đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su
rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài
muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho
ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông còn đang nói, chợt
có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám
mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về
Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !” Nghe vậy, các
môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức
Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng
sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ thấy một
mình Đức Giê-su mà thôi.
Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền
cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến
khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

Đó là Lời Chúa
 
Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa
Lm Đan Vinh
05:09 05/08/2017
Chúa Nhật 18 Thường Niên A – Lễ Chúa Hiển Dung
Đn 7,9-10.13-14 ; 2 Pr 1,16-19 ; Mt 17,1-9

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 17,1-9.

(1) Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.
(2) Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.
(3) Và kìa các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.
(4) Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều. Ngài một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a một cái”.
(5) Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. (6) Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.
(7) Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!”.
(8) Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.

2. Ý CHÍNH: BIẾN ĐỔI CUỘC SỐNG NOI GƯƠNG CHÚA GIÊ-SU.

Bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giê-su biến hình trên một núi cao trước mặt ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Mặt Người chiếu sáng như mặt trời. Áo người trở nên trắng như tuyết. Có hai nhân vật Cựu Ước là Mô-sê và Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người, có tiếng Chúa Cha giới thiệu Người là Con yêu dấu và đòi các môn đệ phải vâng nghe lời Người. Ba môn đệ từ vui mừng đến khiếp sợ khi đối diện với vinh quang Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: +Các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê: Đây là ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giê-su. Các ông là những người nhiệt thành yêu mến Thầy, và được trao các nhiệm vụ then chốt, nên Đức Giê-su đã cho các ông thấy trước vinh quang của Người, để thêm lòng tin, hầu đủ sức vượt qua giờ phút đau thương trong cuộc khổ nạn của Người (x. Mt 26,37). + Một ngọn núi cao: Theo truyền thống xa xưa, thì đó là ngọn Ta-bo. Tuy núi này chỉ cao 360 m so với Địa Trung Hải, nhưng nằm trên cánh đồng rộng lớn Ét-rê-lon, cũng gây cho người ta cảm tưởng một ngọn núi cao. Ngày nay nhiều người nghĩ tới ngọn Khéc-môn cao 2.795 m gần thành Xê-da-rê của Phi-líp-phê. Đi từ Xê-da-rê tới nơi mất khoảng 5 ngày đường như Tin Mừng đã viết. Tuy nhiên có lẽ khi viết câu này, Mát-thêu chỉ chú trọng đến ý nghĩa tượng trưng của Núi: Núi là nơi khởi đầu và kết thúc mặc khải của Thiên Chúa đối với Mô-sê thời Cựu Ước hay với Đức Giê-su thời Tân Ước (x. Mt 5,1; 28,16). Núi cũng là nơi quy tụ muôn người nên một trong Nước Trời trong thời cánh chung (x. Mt 15,29; Is 2,2-3). + Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông: Đức Giê-su tỏ bày Thiên tính vinh quang của Người cho các môn đệ thấy. Trong thời Xuất Hành, sau mỗi lần đàm đạo với Đức Chúa, mặt Mô-sê sáng chói, đến nỗi dân Ít-ra-en sợ không dám lại gần ông (x. Xh 34,29-30). + Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng: “Chói lọi như mặt trời” là biểu hiện của sự thuộc về thiên quốc (x. Mt 28,3; Cv 9,3) và thời cánh chung (x. Kh 1,14; 4,4). Theo thể văn khải huyền thì y phục trắng tinh giống như ánh sáng là biểu hiện vinh quang thiên giới dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn.
- C 3-4: + Ông Mô-sê và ông Ê-li-a: Hai ông này tượng trưng cho Luật Mô-sê và các ngôn sứ, nghĩa là cho toàn bộ Cựu Ước. Như thế tất cả Cựu Ước đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giê-su. Hai vị này đàm đạo với Đức Giê-su về cái chết của Người sắp được thực hiện tại Giê-ru-sa-lem như một cuộc Xuất Hành Mới (x. Lc 9,31). Như vậy, toàn bộ khung cảnh biến hình này đều qui hướng về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su. + Dựng ba cái lều: Theo truyền thống Do thái thì Thiên Đàng được gọi là “Lều vĩnh cửu” hay “Nhà tạm đời đời” (x. Lc 16,9). Vào thời cuối cùng, Thiên Chúa sẽ ngự giữa dân Người trong lều vinh quang của Người, và dân chúng sẽ cắm lều quanh Đấng Cứu Thế (x. Ga 1,14).
- C 5-6: + Đám mây sáng ngời bao phủ các ông: Trong Cựu Ước, khi tiếp xúc với dân Ít-ra-en, Đức Chúa thường xuất hiện trong đám mây (x. Xh 24,15-16). Ở đây, Thiên Chúa dùng mây che phủ các ông, để nói lên sự can thiệp đặc biệt như Người đã từng cho mây rợp bóng trên dân Ít-ra-en xưa (x. Xh 13,21; 14,19-20), hay “rợp bóng” trên Đức Ma-ri-a vào ngày sứ thần truyền tin sau này (x. Lc 1,35). + Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người: Lời này nhắc lại lời Chúa Cha phán khi Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Mt 3,17). Nhưng ở đây còn thêm mệnh lệnh cho các môn đệ: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Qua đó, cho thấy Đức Giê-su chính là vị Mô-sê Mới thời cánh chung sẽ xuất hiện thay thế cho Mô-sê cũ thời Xuất Hành (x. Đnl 18,15). + Các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất: Thái độ và cử chỉ của các môn đệ là phản ứng người ta thường có khi tiếp xúc với Thiên Chúa (x. Xh 19,21; Is 6,5).
- C 7-9: + “Trỗi dậy đi, đừng sợ!”: Đức Giê-su đã ra lệnh các môn đệ giống như khi Người phục sinh đứa bé gái con viên thủ lãnh (x. Mt 9,25). + Chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi: Khi tiếng nói vừa dứt, thì mọi sự cũng tan biến theo. Từ đây, chỉ còn một mình Đức Giê-su là Thầy dạy của Luật mới, Luật hoàn hảo và vĩnh viễn. + “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”: Lệnh truyền: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy” cho thấy một mầu nhiệm lớn lao vừa được mặc khải (x. Đn 12,4.9). Có lẽ Đức Giê-su muốn tránh sự xáo trộn về chính trị, vì dân Do thái lúc bấy giờ đang trông chờ một Đấng Thiên Sai đến giải phóng họ khỏi ách thống trị của Rô-ma. Chỉ sau khi Chúa Giê-su sống lại thì vai trò của Người mới được hiểu cách đúng đắn theo thánh ý Thiên Chúa.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao ba ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lại được Đức Giê-su cho chứng kiến cảnh Người biến hình?
2) Núi cao nói đây là núi nào? Thực ra, Núi ở đây ám chỉ điều gì?
3) Thời Xuất Hành, nhân vật nào cũng được biến hình giống như Đức Giê-su?
4) Việc Đức Giê-su biến đổi dung nhan và áo mặc mang ý nghĩa gì?
5) Hai ông Mô-sê và Ê-li-a là đại diện điều gì? Nội dung hai ông đàm đạo với Đức Giê-su xoay quanh đề tài nào?
6) Lều là hình ảnh tượng trưng điều gì?
7) Đám mây bao phủ các môn đệ tượng trưng gì?
8) Lời Chúa từ đám mây khẳng định thế nào về Đức Giê-su?
9) Tại sao Đức Giê-su đòi ba môn đệ phải giữ kín điều họ mới được chứng kiến?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CẦN BIẾN ĐỔI BẮT ĐẦU TỪ BẢN THÂN:

Một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau: Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này".
Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.”
Giờ đây tôi đã già và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con." Và ông kết luận: “Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời.”
(Anthony de Mello, Trích trong “The Song of the Bird”)

2) CÁI TÔI ÍCH KỶ TỰ MÃN LÀ KẺ THÙ LỚN NHẤT:

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Ngày xưa thỏ và sư tử sống gần nhau, nhưng sư tử rất kiêu ngạo, vẫn cho mình là to khoẻ nên xem thường loài thỏ. Sư tử thường mắng thỏ và doạ nạt thỏ suốt ngày. Thỏ tức mình không chịu nổi mới nghĩ ra cách báo thù.
Một lần kia nó nói với sư tử rằng: “Thưa ông anh, em vừa gặp một thằng to lớn và trông giống anh lắm. Nó bảo em rằng: "Trên đời này nó chưa sợ ai, và cũng chưa ai dám đối mặt với nó". Thằng cha này không coi ai ra gì cả!
Sư tử tức giận và bảo rằng: "Thế mày có nhắc đến tên tao không?"
Thỏ trả lời: “Sao lại không? Em vừa nhắc đến tên anh thì nó lồng lộng lên và bảo rằng anh chỉ đáng đàn em nó thôi”.
Sư tử càng tức điên người lên và hỏi: “Nó ở đâu? dẫn tao đến ngay”.
Thỏ liền dẫn sư tử ra phía sau núi, và chỉ một cái giếng sâu và bảo: “Đấy, nó ở trong đó đấy!”
Sư tử đi lại gần giếng vẻ mặt căm tức nhìn xuống đáy giếng. Quả thực, nó trông thấy một tên sư tử cặp mắt giận dữ đang trừng trừng nhìn nó. Sư tử liền rống lên một tiếng ra oai và tên kia cũng rống lên một tiếng giống như nó. Sư tử xù lông cổ lên và tên kia cũng xù lông cổ lên không sợ hãi. Sư tử nhe nanh múa vuốt đe doạ, tên kia cũng hăm dọa lại. Sư tử căm tức đến tột độ liền dồn hết sức nhảy phốc xuống giếng để cho thằng khốn nạn kia một bài học. Thế là, con sư tử ngạo mạn đã tự huỷ diệt đời mình dưới giếng sâu không sao trèo lên được nữa...
Trong các thói hư thì thói kiêu ngạo đứng hàng đầu, thể hiện qua thái độ luôn tự mãn về cái tôi ích kỷ của mình, thích được người khác khen ngợi xu nịnh hoặc hay tự đề cao mình lên và coi thường người khác, luôn lấn át những người thân cô thế cô hoặc những ai yếu thế hơn mình.

3) BIẾN TỪ THÁNH THIỆN NÊN XẤU XÍ CHỈ SAU HAI NĂM SỐNG PHÓNG ĐÃNG:

Nhiều người đã được trông thấy bức ảnh rất nổi tiếng của nhà danh hoạ LEONARD DE VINCI, trong đó có các hình ảnh của Chúa Giêsu với 12 tông đồ đang ăn Bữa Tiệc Ly. Sau đây là câu chuyện về sự hình thành của bức tranh này:
Sau khi sơ phác bức tranh, họa sĩ Leonard muốn tìm một khuôn mặt nhân hậu bao dung và đẹp đẽ, để làm mẫu vẽ khuôn mặt cực thánh của Chúa Giêsu, thì may mắn làm sao: một ngày nọ khi tham dự thánh lễ tại một nhà thờ nọ, ông nhìn thấy trong đám ca viên hát lễ, có một thanh niên tên Pietro Bandenelli, có nét mặt khôi ngô phi thường. Sau một hồi tiếp xúc, cậu ta đã bằng lòng theo họa sĩ về xưởng tranh để làm mẫu cho ông vẽ khuôn mặt của Chúa Giê-su.
Sau đó, họa sĩ tiếp tục dành nhiều thời gian để vẽ các khuôn mặt 12 tông đồ. Khi vẽ khuôn mặt của Giu-đa phản bội, ông tìm mãi mà không thể tìm ra một con người có nét mặt vừa gian ác vừa xấu xí để làm mẫu vẽ tông đồ này. Một hôm khi đi qua một khu chợ, tình cờ họa sĩ nhìn thấy một gã ăn mày bên lề đường có khuôn mặt rất gian ác xấu xa, quần áo nhếch nhác bẫn thỉu, đang giơ chiếc nón ra xin ông làm phúc bố thí. Họa sĩ thầm nghĩ: Có lẽ đây chính là kẻ mình muốn tìm. Dù có đi hết các phố chợ trong thành phố cũng chẳng thể tìm ra kẻ nào có khuôn mặt xấu xa gian ác hơn gã ăn mày này. Ông đề nghị anh ta làm người mẫu với một số tiền thù lao khá hậu hĩnh và anh ta đã vui vẻ theo ông về xưởng vẽ, giúp ông hoàn thành bức họa chỉ còn thiếu khuôn mặt của Giu-đa phản bội.
Sau khi đã ngồi làm người mẫu và nhận tiền thù lao, trước khi ra về, gã ăn mày yêu cầu và được họa sĩ cho xem bức tranh hoàn tất. Đột nhiên gã ta bật khóc, và khi được hỏi lý do thì gã đã tâm sự như sau: “Ông quên tôi rồi sao? Cách đây hai năm, tôi cũng được ông mời đến đây làm người mẫu giống như hôm nay. Lúc đó ông đã khen tôi có khuôn mặt đẹp như thiên thần và ông lấy tôi làm mẫu vẽ khuôn mặt của Chúa Giêsu... Nhưng sau đó, tôi đã lỡ dại nghe theo bạn bè, sa đà vào các thói hư như rượu chè, hút chích, chơi bời trác táng và nợ nần chồng chất. Tôi đã phải đi trộm cướp rồi bị cảnh sát bắt đi tù. Khi được thả, sức khỏe bị suy yếu và không nghề nghiệp, tôi rơi vào cảnh đói khát bần cùng, phải đi ăn xin như ông đã thấy”.
Phải. Đây chính là câu chuyện điển hình của một cuộc biến đổi hình dạng: từ một khuôn mặt tốt đẹp thánh thiện ban đầu trở thành xấu xa gian ác chỉ sau hai năm chơi bời trác táng!

4) ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC VÀO THIÊN ĐÀNG LÀ PHẢI BIẾN HÌNH NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU:

Cha John Diamond một nhà giảng thuyết nổi tiếng bên Mỹ có kể lại câu chuyện này: "Hôm đó có một linh hồn vì chán ngấy cuộc sống ở thế gian cho nên linh hồn đi lên trước cửa Thiên đàng. Tới nơi linh hồn gõ cửa. Ở trong có tiếng hỏi vọng ra: "Ai đó"
Linh hồn trả lời: "Con đây ạ" .
Cửa vẫn đóng.
Sau đó linh hồn lại trở về với đời sống ở trần thế tìm thầy học đạo. Sau một thời gian thấy mình đã tiến bộ, linh hồn lại lên gõ cửa thiên đàng một lần nữa. Lại một tiếng hỏi từ bên trong như lần trước và linh hồn trả lời một cách quả quyết hơn:
- Dạ chính con đây.
Cửa vẫn đóng.
Linh hồn lại phải trở về trần thế...mở sách Tin Mừng để xem Chúa muốn gì. Quả thực khi mở Tin Mừng ra linh hồn mới thấy con đường của mình phải đi. Đó là con đường tự hủy. Chúa nói thật rõ về con đường đó. Đó là phải làm chết cái tôi ích kỷ, hay khoe khoang phô trương, hay tự mãn, hay ghen ghét của mình. Phải làm chết đi cái tôi đầy hận thù, nhiều kiêu ngạo và đầy dẫy những ham muốn bất chính để làm cho con người của mình dần dần được giống Thiên Chúa là Cha ở trên trời hơn.
Sau một thời gian thấy mình quả thực đã không còn là mình nữa thì linh hồn lại lên trời...lại gõ cửa...lại có tiếng từ bên trong hỏi vọng ra:
- Ai đó?
Vừa nghe xong câu hỏi linh hồn đáp lại ngay:
- Dạ thưa chính Chúa đấy ạ.
Vừa trả lời xong thì linh hồn thấy cửa Thiên đàng được mở ra và cả một đạo binh các thiên thần long trọng đón linh hồn vào thiên đàng.

5) LÒNG NHÂN ÁI CÓ GIÁ TRỊ HƠN SỰ KHỔ CHẾ :

Một vị ẩn sĩ nọ suy niệm và chay tịnh đến độ suốt ngày không động đến thức ăn, mọi người đều nhìn thấy một ngôi sao sáng xuất hiện ngay giữa ban ngày. Đó là dấu hiệu trời cao đã chấp nhận tinh thần khổ chế của vị ẩn sĩ.
Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định sẽ leo lên đỉnh núi để gia tăng giá trị cho sự khổ chế. Vừa lúc ông đang leo núi, thì một bé gái trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho em bé cùng đi. Thầy trò bắt đầu leo núi khi mặt trời mọc. Nhưng chẳng mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một thêm chói chang, hai thầy trò đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát bằng sự nhịn uống của mình, nhưng khi thấy cô bé, ông giục cô uống nước cho đã khát. Nhưng cả hai đều không uống giọt nào: Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề khổ chế của mình, còn bé gái lại không nỡ uống một mình. Rồi sau đó càng đi thì cơn khát lại càng dằn vặt. Đến lúc vị ẩn sĩ không nhẫn tâm thấy cô bé quằn quại trong cơn khát, nên ông đành lỗi lời thề, cầm lấy bình nước đưa lên miệng và cô bé liền bắt chước cùng uống nước với ông.
Sau khi uống nước, vị ẩn sĩ cảm thấy có lỗi và không dám nhìn lên trời cao, vì nghĩ ngôi sao luôn hiện ra chứng giám sự khổ chế của ông, có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, khi ông ngước nhìn lên đỉnh núi phía trước, thì càng ngạc nhiên hơn khi có hai ngôi sao đang chiếu sáng thay vì một ngôi.
Thì ra việc uống nước để cô bé uống nước theo không mất khổ chế mà còn gia tăng giá trị sự khổ chế lên gấp đôi.

3. SUY NIỆM:

1) Câu chuyện biến hình trên núi của Đức Giê-su:

Tin Mừng thuật lại câu chuyện Đức Giê-su biến hình trước mặt ba môn đệ thân tín là các ông: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Chính khi ở trên núi cao và đang khi Đức Giê-su cầu nguyện sốt sắng, mà khuôn mặt của Người biến đổi: Dung nhan Người trở nên sáng ngời như Mô-sê xưa kia, sau khi gặp gỡ Đức Chúa (x. Xh 34,29-35); Y phục của Đức Giê-su trở thành trắng tinh như ánh sáng biểu hiện vinh quang thiên giới; Đồng thời hai nhân vật đại diện Lề Luật và ngôn sứ là ông Mô-sê và ông Ê-li-a đã hiện ra đàm đạo với Người. Như vậy tất cả Cựu Ước đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giê-su. Điều đáng lưu ý là hai vị này đã đàm đạo về cái chết của Đức Giê-su, như một cuộc Vượt Qua Mới mà Người sắp trải qua tại Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra còn có đám mây tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, và tiếng phán của Chúa Cha từ đám mây xác nhận Đức Giê-su là con rất yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha.

2) Luôn làm theo ý Chúa Cha là “Qua đau khổ vào vinh quang”:

Đức Giê-su được biến hình sau khi đã chiến thắng ma quỷ cám dỗ qua lời ông Phê-rô can ngăn (x. Mt 16,22-23). Người cương quyết chọn “Qua đau khổ và trong vinh quang” theo ý Chúa Cha. Còn chúng ta hôm nay, để được thay hình đổi dạng nên tốt lành thánh thiện như Đức Giê-su, chúng ta cần chấp nhận đi theo con đường thập giá nhỏ hẹp leo dốc. Cần cầu xin ơn Thánh Thần trợ giúp, năng đọc và suy niêm Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa. Nhờ đó, chúng ta hy vọng sẽ được tham phần vào vinh quang phục sinh với Người.

3) Điều kiện để được biến đổi nên giống Chúa:

- Ngày nay, muốn được “biến hình” trở nên “con yêu dấu của Thiên Chúa”, chúng ta cần làm theo lời Chúa Cha phán trên núi là : “Hãy vâng nghe lời Người”.
- Không chỉ nghe bằng tai, bằng mắt mà nhất là bằng trái tim: luôn suy nghĩ và hành động theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su trong khi dự lễ hằng ngày.
- Cũng cần nghe đọc Lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình hằng ngày và năng tham dự buổi “học sống Lời Chúa” chung cộng đoàn hằng tuần tại nhà Sinh Hoạt Mục Vụ…

4) Thực hành Lời Chúa Cha : “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”:

Trong cuộc sống đời thường, hãy năng thưa với Chúa Giê-su như trẻ Sa-mu-en thưa với Đức Chúa trong Đền thờ : “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe'' (I Sm 3,9), hoặc như ông Sau-lô thưa với Chúa Phục Sinh sau khi bị ngã ngựa tại cửa thành Đa-mát: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (x. Cv 22,10).
- Mỗi khi gặp hoàn cảnh mà ta không biết phải ứng xứ thế nào theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta hãy thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, nếu Chúa ở trong hoàn cảnh của con bây giờ thì Chúa sẽ làm gì?”. Rồi lắng nghe Lời Chúa phán trong tâm trí và quyết tâm thực hành theo lời Chúa dạy.
- Ngoài ra chúng ta còn cần làm các công tác bác ái xã hội và tông đồ truyền giáo được trao phó.

4. THẢO LUẬN:

1) Chúng ta cần biến đổi những gì trong việc sống đạo, để xứng đáng được Thiên Chúa công nhận là “Con rất yêu dấu” như Đức Giê-su ?
2) Chúng ta cần làm gì để vâng nghe lời Đức Giê-su như Chúa Cha đã truyền cho các môn đệ hôm nay ?

5. LỜI CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa muốn chúng con thực thi giới răn quan trọng nhất là sống tình yêu thương tha nhân. Tuy nhiên, nói thì dễ mà thực hành lại không dễ chút nào. Thực vậy: Làm sao chúng con có thể yêu thương được một người hàng xóm lắm điều xấu tính; Một ông chồng khó ưa hay bẳn gắt nạt nộ vợ con; Một người mua hàng tham lam gian dối; Một bà hàng xóm tò mò tọc mạch, hay nói thêm nói bớt để hạ uy tín của chúng con… ? Xin giúp chúng con luôn nhẫn nhịn chịu đựng, biết cầu nguyện điều lành cho họ, làm điều tốt đáp lai điều xấu. Ước gì những lời nói của chúng con luôn là những lời an ủi động viên những người đang gặp đau khổ rủi ro. Ước gì chúng con biết quảng đại chia sẻ tiền bạc vật chất cho những bệnh nhân nghèo đói vì mắc chứng bệnh nan y. Ước gì chúng con biết mở rộng vòng tay thân ái đón nhận tha nhân và nhìn họ chính là anh chị em, là con cùng một Cha Chung trên trời là Thiên Chúa.

- Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con.
Mỗi lần con ngắm nhìn Chúa, xin biến đổi con nên hiền lành và bao dung như Chúa.
Mỗi lần con rước lễ, xin biến đổi môi miệng con luôn ăn nói dịu dàng dễ nghe.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con luôn mở ra để lắng nghe tha nhân.
Lạy Chúa. Xin làm cho khuôn mặt con nên ngời sáng giống như Mô-sê sau khi được gặp Chúa.
Ước chi mọi người nhìn thấy tình thương bao dung của Chúa trong nụ cười của con,
Ước chi mọi người nhìn thấy sự cảm thông của Chúa trong lời nói của con.
Xin cho con kiên trì đồng hành với Chúa trên mọi nẻo đường cuộc sống đời thường,
và sẵn sàng hợp tác với nhau để phục vụ những ai bị tật bệnh, đau khổ và bất hạnh.- Amen.

 
Suy Niệm Lễ Chúa Hiển Dung – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
08:57 05/08/2017
Biến cố Chúa Hiển Dung chúng ta mừng kính hôm nay được Tin mừng Nhất Lãm thuật lại (Mt 17,1-9; Mc 9,2-10; Lc 9,28-36). Biến cố này diễn ra sáu ngày sau lời loan báo về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu lần thứ nhất và khoảng một năm trước khi Ngài chịu chết khổ hình thập giá. Qua biến cố này, xin được gợi mở một vài suy niệm sau đây:

1. Biến cố Hiển Dung giúp các môn đệ tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa.

Từ khi theo Thầy cho tới hôm nay, dầu ở gần Thầy, được nghe Thầy giảng, được chứng kiến nhiều phép lạ Thầy làm, nhưng các môn đệ vẫn chỉ thấy một Đức Giêsu của bản tính con người bằng xương bằng thịt. Nhưng hôm nay các ông thực sự thấy Ngài với một diện mạo khác: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2). Bên cạnh đó, các ông còn thấy các bậc vị vọng của Cựu Ước xuất hiện và đàm đạo với Ngài: “Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người” (Mt 17,3). Ngoài ra, các ông còn được Chúa Cha cho biết về Đức Giêsu rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Thấy những điều đó, các ông đã “sấp mặt xuống đất” (x. Mt 17,6). Thái độ này cho chúng ta biết, các ông tin lời Chúa Cha phán, tin Đức Giêsu thực sự là một vị Thiên Chúa.

2. Biến cố Hiển Dung giúp các môn đệ biết đón nhận đau khổ.

Biến cố Hiển Dung không chỉ giúp các môn đệ tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa mà còn giúp các ông biết đón nhận đau khổ. Thật vậy, qua biến cố này, các môn đệ hiểu được rằng, Đức Giêsu phải trải qua đau khổ mới tới vinh quang. Hay nới cách khác, Thập giá và Phục sinh luôn nối kết với nhau không thể tách rời. Hiểu được như vậy, nên các môn đệ dễ dàng chấp nhận lời loan báo của Đức Giêsu về thập giá và sẵn sàng chấp nhận những đau khổ của người môn đệ Đức Giêsu, như lời Ngài mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Nhờ đó, các môn đệ nói chung và ba môn đệ được diễm phúc chứng kiến cuộc Hiển Dung hôm nay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Thầy trao phó: Thánh Phê-rô hoàn thành nhiệm vụ Tông đồ trưởng đã chết tử đạo, Thánh Gia-cô-bê là vị Tông đồ lãnh nhận phúc Tử đạo đầu tiên và Thánh Gioan là chứng nhân cuối cùng của các Tông đồ.

3. Biến cố Hiển Dung trở thành niềm hy vọng và an ủi cho hết thảy mọi người Kitô hữu.

Thật vậy, đứng trước đau khổ, con người thường có thái độ chán chường, thất vọng. Nhưng khi hiểu được ý nghĩa đau khổ, nhất là khi biết nhìn vào biến cố Hiển Dung, con người sẽ tìm được niềm hy vọng và nguồn an ủi. Cho nên, biến cố Hiển Dung là niềm hy vọng và sự nâng đỡ cho những ai đang trong tình trạng đau khổ về tinh thần cũng như thể xác: Đó là những bệnh nhân đang ở trên dường bệnh; Đó là những tù nhân đang ở trong các trại giam; Đó là những ai đang ở trên bờ vực thẳm của đau khổ, sự chết…Chắc chắn họ sẽ tìm được sự nâng đỡ và ủi an khi suy niệm về biến cố Hiển Dung này. Dietrick Bonhoffer, vị mục sư người Đức đã bị giam tù vì can đảm lên tiếng chống lại chủ trương dã man độc ác của Đức Quốc Xã. Trong tám tháng bị giam giữ, ông đã không ngừng suy nghĩ về biến cố hiển dung của Chúa Giêsu và tìm thấy được ánh sáng ngay giữa những đêm dài vô tận trong một nhà tù ở Berlin. Ngay chính buổi sáng bị đem ra hành quyết, ông đã thốt lên: “Thế là hết! Cuộc sống đã khởi đầu đối với tôi.” Trong bài thơ có tựa đề Những Tiếng Thì Thầm Trong Đêm Tối, ông đã kêu gọi: “Hỡi những người anh em, sau những đêm dài, bao lâu ngày của chúng ta chưa đến, chúng ta hãy chiến đấu.” (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ của Radio Veritas Asia ).

4. Biến cố Hiển Dung mời gọi mọi người chúng ta “biến hình” mỗi ngày.

Đức Giêsu đã biến hình để cho các môn đệ thấy bản tính Thiên Chúa của Ngài. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Nhưng với thời gian, tội lỗi đã làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa. Muốn gần Thiên Chúa, muốn giữ được bản tính làm Con Thiên Chúa, chúng ta cần phải “biến đổi”: Nếu chúng ta đang là con người xấu, chúng ta hãy biến đổi trở thành con người tốt. Nếu chúng ta đang trong tình trạng tội lỗi hãy biến đổi thành con người lành thánh. Nếu chúng ta đang là những con người dối trá, lừa lọc hãy biến đổi thành những con người trung tín, thành thật. Không những chúng ta biến đổi mà còn giúp người khác biến đổi. Để biến đổi, chúng ta cũng phải lên núi cao và sống tinh thần tĩnh lặng giữa chúng ta với Chúa: Đó là những khi chúng ta cầu nguyện; Đó là khi chúng ta đọc và suy gẫm Lời Chúa; Đó là khi chúng ta đọc kinh phụng vụ; Đó là khi chúng ta tham dự thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích; Đó là thời gian chúng ta tĩnh tâm, chúng ta đang ở riêng với Chúa.

5. Biến cố Hiển Dung cũng nhắc nhở chúng ta vâng nghe Lời của Đức Giêsu.

Đức Chúa Cha đã phán với ba môn đệ rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Vâng nghe Lời Đức Giêsu tức là vâng nghe những giáo huấn của Ngài được ghi lại trong các cuốn Tin mừng. Vâng nghe lời Đức Giêsu là tuân giữ Mười điều răn của Chúa, sáu điều răn Hội Thánh. Vâng nghe không chỉ bằng môi miệng nhưng phải đem ra thực hành trong đời sống, vì “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2,17)

Tóm lại, biến cố Chúa Hiển Dung không những củng cố đức tin cho các môn đệ mà còn củng cố đức tin cho mỗi người chúng ta vào Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đồng thời, qua biến cố này, giúp các môn đệ và mỗi người chúng ta chấp nhận và vượt qua những thử thách đau khổ trong cuộc đời với niềm hy vọng được phục sinh vinh quang.

Lạy Chúa, xin củng cố đức tin cho chúng con như xưa Chúa đã cũng cố đức tin cho các môn đệ. Xin giúp mỗi người chúng con hiểu biết nguyên tắc căn bản này là muốn tới vinh quang phải qua con đường thập giá. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Lễ Chúa Hiển Dung: Rất sáng và rất ngắn
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:09 05/08/2017
Trong thánh lễ cưới, cô dâu thường mặc áo trắng, hoặc soirée trắng hoặc áo dài trắng với voile phủ đầu cũng trắng. Nhưng màu trắng đó khi gặp bóng chiều buông xuống – nếu lễ cưới vào buổi chiều. Hoặc như mấy nhà thờ quê, lễ cưới vào giấc 4:30 hay 5 giờ sáng, gọi là sáng, nhưng trời còn tối om. Ngoài trời tối mà trong nhà thờ, đèn có sáng mấy cũng không đủ làm cho màu trắng áo cô dâu sáng lên được. Chỉ thỉnh thoảng khi ánh đèn flash của máy ảnh loé lên để ghi hình cô dâu chú rể, thì màu trắng của y phục cô dâu mới thật là trắng. Đèn flash bật lên rất sáng và cũng rất ngắn.

Cuộc hiển dung của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay cũng rất sáng và cũng rất ngắn.

Sáng đến độ diện mạo Chúa biến đổi khác thường, còn áo Ngài mặc thì trắng tinh sáng láng (Marcô thì ghi rõ: không thợ giặt trần gian nào giặt trắng đến thế ! Chuyên viên tẩy rửa Omo, hay Tide+ cũng không làm trắng đến như thế. Bột giặt với mẩu quảng cáo yêu nhau cởi áo cho nhau trên TV hẳn cũng không cho màu áo trắng sáng được như áo Chúa trong cuộc hiển dung !).

Rất sáng, nhưng lại cũng rất ngắn.

Phêrô vui mừng tột độ, nhưng nói chưa hết câu “làm 3 lều”, thì đã thấy chỉ còn mình Chúa Giêsu, bình thường, chẳng sáng là mấy... Cuộc hiển dung của Chúa rất sáng và rất ngắn. Tai sao ?

Tại sao Vinh quang của Chúa lại xuất hiện rất sáng, nhưng cũng rất ngắn như một tia chớp mau qua như thế ?

Thưa đó là qui luật muôn đời của đức tin.

Vinh quang Thiên Chúa bao giờ cũng chỉ được ban cho ta trong một chớp sáng mau qua vào những lúc ta cần được an ủi nhất: vừa sáng đủ để củng cố đức tin của ta mà cũng vừa ngắn đủ để khỏi xâm phạm tự do của ta. Ta tìm hiểu thêm về sáng và ngắn.

1. Rất sáng :

Các nhà giảng thuyết cũng như các nhà giải thích Kinh Thánh đều đồng ý với nhau về ý nghĩa bối cảnh của cuộc hiển dung. Đó là sau khi tiên báo mình sẽ chịu đau khổ, chịu chết tại Giêrusalem, những môn đệ theo Chúa buồn bã rồi nghi ngờ về người Thầy mà mình đang theo. Ông Giêsu này là ai, mà tương lai ông đen tối như thế: nào là đau khổ, nào là chết trên thập giá. Ông lại còn nói ai theo ông cũng phải vác thập giá : cả một bầu trời u ám. Giữa lúc ấy thì Chúa hiển dung vinh quang sáng láng, trước khi Ngài hai lần nữa loan báo về khổ đau và cái chết của Ngài: lần 2, lần 3 (thêm : bị nộp, bị khạc nhổ, xỉ vả, đánh đập).

Cuộc hiển dung này phải thật sáng thì mới chiếu đủ ánh sáng vào không gian (bầu khí) ảm đạm u buồn khá đậm nơi các đồ đệ của Đức Giêsu. Và cũng phải thật sáng thì mới ảnh hưởng đến thời gian còn rất lâu mới tới một cuộc hiển dung khác là sự phục sinh của Ngài.

Giống như đèn flash phải thật sáng để chiếu vào không gian đen tối hầu lưu ảnh cho thời gian dài lâu, thì cuộc hiển dung phải rất sáng để đủ chiếu soi không gian u buồn rất lớn và thời gian nghi hoặc rất dài. Cuộc hiển dung rất sáng để phá tan được ảm đạm và nghi ngờ nơi các Tông đồ, giúp củng cố niềm tin của các ông vào người Thầy mà mình đang đi theo. Nhưng cuộc hiển dung rất sáng đó, cũng diễn ra rất ngắn.

2. Rất ngắn. Tại sao lại rất ngắn

Thưa là để khỏi xâm phạm đến tự do của các Tông đồ. Tự do đi theo Ngài, và tin Ngài cách tự do. Giả sử Đức Giêsu cứ xuất hiện dưới dạng uy nghi sáng láng, thì tin vào Ngài là dễ dàng, là đương nhiên. Triết lý gọi là bó buộc, không tự do tin hay không tin tùy ý nữa. Và nếu Ngài cứ uy nghi sáng láng mãi thì đi theo Ngài cũng là bó buộc đương nhiên, nhất là khi Ngài hứa ai theo Ngài sẽ nên giống như Ngài. (Đèn flash mà cứ sáng hoài, ta cũng mất tự do, không dám co tay duỗi chân đập con muỗi !).

Trong cuộc sống thử thách ở trần gian này, Thiên Chúa vẫn cứ muốn là Thiên Chúa mai ẩn, giấu mình đối với những kẻ tin vào Ngài. Ngài muốn họ tự do. Tự do tin Ngài, theo Ngài, yêu mến Ngài. Khi cần, khi rất cần, để an ủi khích lệ những kẻ tin Ngài, Thiên Chúa mới tỏ vinh quang. Nhưng cũng như tia chớp, trong chốc lát. Rất rất ngắn. Vừa đủ sáng để củng cố đức tin ta vừa ngắn ngủi để khỏi xâm phạm đến tự do của ta.

Một hôm có người đến báo cho vua Louis IX (nước Pháp) là hãy đến ngay xem phép lạ tại nhà thờ kia : vị linh mục đọc lời truyền phép xong, thì chính Chúa Giêsu hiện nguyên hình trên tấm bánh. Tấm bánh sáng láng lạ thường. Vua Louis đáp lại: Ta không cần đến, vì ta vẫn tin như thế. Không phải vì thấy được ngời sáng mà ta tin hơn đâu. Những ai yếu tin, nghi ngờ thì cứ đến mà xem.

Không thấy sáng, không sờ được mà vẫn tin, cái tin đó mới tự do. Cái tin đó mới là Đức. Đức tin. Phúc cho ai không thấy mà tin. Chỉ cần nghe mà tin mới là phúc, mới là tự do. Tôi nghe nói, tôi nghe dạy : Chúa ngự thật trong hình bánh. Tôi tin. Tin “chất lượng” nhất vì có tự do, tức là tôi có thể tin hay không tin mà chẳng ai cho tôi là mát, là dị.

Còn khi vừa truyền phép xong, tấm bánh sáng láng lạ lùng và cứ sáng mãi bao lâu Chúa còn hiện diện thì tôi chỉ còn một con đường không có chọn lựa nào khác, là tin, là công nhận ; nếu không thiên hạ gọi tôi là khùng là mát… Chính vì để khỏi xâm phạm đến tự do của các tông đồ mà Chúa đã hiển dung sáng láng rất ngắn.

Trong cuộc sống tại trần gian của Kitô hữu chúng ta, rất nhiều khi và rất rất nhiều người không hề gặp được một cuộc hiển dung nào của Chúa cả, cho dù là rất ngắn. Một chút của rất rất ngắn cũng không có !

Nhưng đừng có ganh tị. Bởi cuộc hiển dung xưa kia trên núi, Chúa Giêsu cũng chỉ mang theo ba vị: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chín vị khác và đông đảo đệ tử có thấy được loé sáng vinh quang nào của Chúa Giêsu đâu. Mà họ vẫn tin theo Chúa. Mà ba vị đó khi xuống núi cũng bị cấm không tiết lộ cho chín tông đồ khác và các môn đệ ngơ ngác kia, nhưng họ vẫn tin.

Xin cho chúng ta cũng được như vậy, dù Chúa không hoặc chưa hiển dung với ta, nhưng ta vẫn tin Ngài là Chúa, như kinh Tin Kính ta sẽ tuyên xưng bây giờ đây.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:03 05/08/2017
90. BÀI THƠ SỐT RÉT
Kim Long Trần Toàn bị bệnh sốt rét, tự mình làm một bài vè miêu tả tình trạng của bệnh, khiến cho mọi người rất tức cười:
“Lúc lạnh đến, lạnh như nằm trên tảng băng;
lúc nóng đến, nóng như ngồi trong lồng ấp;
khi đau, đau muốn bể đầu óc;
khi run, run sái khớp xương hàm;
dù cho anh hại anh giết người cũng vẫn cứ ca,
dù cho anh hại anh giết người cũng vẫn cứ ca,
thật là một người khó sống khi lạnh đến nóng về !”

(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 90:
Trong bệnh hoạn mà vẫn còn làm thơ tả cảnh bệnh tình thì thật là một người lạc quan, cái lạc quan này có hai nguyên nhân: một là biết chấp nhận hoàn cảnh, hai là có ý chí.
Người Ki-tô hữu là người sống lạc quan, lạc quan để thấy được thánh ý của Chúa trong hoàn cảnh vui buồn của mình; lạc quan để chấp nhận thánh ý của Chúa gởi đến, mà đa phần là Chúa gởi niềm vui đến trong thánh giá mà thôi. Người Ki-tô hữu là người có ý chí, ý chí vươn lên từ trong vũng bùn tội lỗi, ý chí vươn lên làm lại cuộc đời đã bị lãng phí trong những tháng ngày đam mê hưởng thụ thế gian xác thịt.
Lạc quan và ý chí này chính là ân sủng mà Chúa ban cho.
Người sống không lạc quan là người không thể loan báo tin vui cứu độ cho mọi ngừơi được, bởi vì họ chưa hoặc không cảm nghiệm được niềm vui phục sinh mà họ chia sẻ từ nơi Đức Chúa Giê-su; người sống không có ý chí là người không thể giành được Nước Trời, bởi vì ai muốn giành được Nước Trời thì cần phải có sức mạnh mới chiếm được (Mt 11, 13) mà sức mạnh này không phải là ý chí của đức tin hay sao ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:05 05/08/2017

23. Tất cả các nhân đức của thánh nhân đều là do suy tư cầu nguyện mà tu luyện thành công.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Hiệp thông và Bình an
Lm GB Nguyễn Minh Hùng
23:41 05/08/2017
(Bài nói chuyện với các tu sĩ hội dòng Thừa Sai Đức Tin tại giáo phận Phú Cường)

Hiệp thông và bình an luôn sóng đôi nhau như người bạn thân khó tách rời nhau. Có hiệp thông, lập tức có bình an. Bình an sẽ vắng bóng, nếu nơi đâu không có hiệp thông, hay không có hiệp thông trọn vẹn.

Cũng vậy, ở đâu bình an ngự trị, ở đâu có một bầu khí chan hòa, thánh thiện, tình yêu, tương trợ, đầm ấm…, ở đó càng lúc, hiệp thông càng dồi dào, càng sâu sắc.

Hiệp thông và bình an sẽ lấp đầy những khác biệt, sẽ bổ sung những khiếm khuyết, sẽ nâng cao giá trị cuộc sống, nâng cao giá trị làm người, sẽ trào tràn ân nghĩa, trào tràn niềm vui, trào tràn hạnh phúc…

Xây dựng được tình hiệp thông, chúng ta đã trao tặng nhau ơn bình an. Và khi phủ đầy bình an, chúng ta đang làm bừng sáng tình hiệp thông.

I. CHÚNG TA LÀ ANH EM.

Thật lòng mà nói với nhau, nhiều khi chúng ta đã than thân trách phận. Gặp một chút phiền toái, tự nhiên chúng ta bực dọc. Thấy mình kém tài hơn người khác, chúng ta không vui. Thấy mình thua thiệt người xung quanh điều gì, bản thân thất vọng về mình. Thấy người này người nọ làm được chuyện này chuyện kia to tát, ta đễ bi quan cho mình…

Bởi không chấp nhận bản thân, cuộc sống chúng ta nhiều lúc không hạnh phúc. Không hạnh phúc, không phải Chúa keo kiệt hạnh phúc với ta, nhưng chỉ do ta vô ơn với hạnh phúc Chúa ban.

Vì yêu mình cách sai trái, yêu mình bằng cái nhìn bi quan, ta không nhận ra nơi mình, nơi cuộc đời mình có quá nhiều thứ để cảm tạ Chúa, để yêu Chúa, để yêu con người.

Không nhìn thấy hồng ân của Chúa trên chính sự sống của mình, ta dễ cắng đắng với bản thân. Không nhận ra hạnh phúc, thì cũng không có hạnh phúc. Không có hạnh phúc, cuộc sống luôn vắng nụ cười, chỉ toàn cau có, gắt gỏng…

Tôi từng đọc Thánh vịnh 77: “Phải chăng Chúa ruồng bỏ đến muôn đời, chẳng bao giờ còn dủ lòng thương đoái? Tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn, và thánh ngôn chấm dứt đời đời? Hay Thiên Chúa đã quên thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm?” (Tv 77, 8-10), mà quay quắt, mà xót xa cho bản thân. Lời Thánh vịnh, lẽ ra phải là lời cầu nguyện trong đức tin, trong lòng mến, thì tôi đã từng biến nó thành lời than thở, dù vẫn cầu nguyện, nhưng hình như cầu nguyện trong cay đắng.

Bản thân chúng ta có thánh thiện không, không ai dám chắc. Chỉ Chúa biết. Nhưng điều mà chúng ta có thể thể hiện, đó là niềm ý thức: CHÚNG TA LÀ ANH EM.

Vì cùng là anh em, cùng chung sống, từng người hãy để Chúa xoay cái nhìn của mình về hướng tích cực hơn, để tự thay đổi mình, tự mài mòn những góc cạnh của bản thân, tự dẫn mình đi vào lối mở của tình hiệp thông, tự khám phá mình hơn, để chân thành biến đổi theo hướng tích cực, nhằm gây nên sự bình an nơi mình đang hiện diện…

Mỗi ngày tôi đều ban phép lành của Chúa cho anh chị em trong từng thánh lễ. Đã không ít lần tôi phải giật mình, tự hỏi, chính tôi đã có phép lành của Chúa nơi bản thân mình chưa? Ai có phép lành của Chúa, người đó sẽ có bình an nội tâm sâu thẳm.

Nhìn lại bản thân, tôi tự thấy mình còn nhiều vướng bận quá. Hình như đó là dấu hiệu mình chưa có bình an của Chúa. Vậy rồi tôi lại cầu nguyện, lại phải ăn năn tội, lại suy tư nhiều hơn về những gì mình đã sống, đã thể hiện… Mong bình an của Chúa phủ đầy trên tôi. Mong bình an của Chúa lọt vào tận hồn tôi. Bởi nếu không, tôi chỉ là cái máy, chứ không phải là người ban bình an của Chúa đúng nghĩa. Vì nếu một linh mục không có bình an, thì làm sao có thể trao ban bình an cho ai khác?

Như ánh nắng trải rộng, chiếu soi mọi nơi. Nhưng ta đóng chặt cửa nhà, ánh nắng không thể lọt vào nhà. Bình an của Chúa là ánh nắng rộng rải ban phát. Bình an của Chúa luôn tưới gội chan chứa. Bình an của Chúa luôn có sẵn và chảy tràn trề. Nhưng như cánh cửa nhà đóng kín, lòng ta cũng đóng kín bởi còn đó nhiều tham vọng, còn nhiều nhen nhúm của thói hư tật xấu, còn nhiều những mầm mống của tột lỗi…, do vậy, bình an của Chúa không thể lọt vào hồn ta.

Bình an của Chúa đã có sẵn nhưng lòng ta không đủ điều kiện đón nhận. Vì thế, mãi mãi, ta vẫn đứng ngoài ơn bình an của Chúa. Cũng chính vì thế, đau khổ trong ta vẫn hoài đau khổ, mà không hề cảm nếm một chút ngọt ngào nào. Tội nghiệp biết bao nhiêu cho người giàu có mà không biết mình giàu có, không hề được hưởng nhờ sự giàu có của mình…

Với bản thân, bây giờ, khi đọc lời Thánh vịnh 77, tôi không còn thấy lời Thánh vịnh như chỉ nói về mình cách cắng đắng nữa. Nhưng nhờ lời Thánh vịnh, tôi đặt mình vào biết bao nhiêu đau khổ từ tinh thần, lẫn thể xác của nhiều anh chị em xung quanh tôi mà cầu nguyện cho họ, mà yêu thương họ, và nỗ lực phục vụ Hội Thánh cách nhiệt tâm hơn… Đó cũng chính là ơn hiệp thông mà tôi gắng sống, niềm bình an mà tôi gắng chiếm lấy.

Vậy ta cần khám phá bình an của Chúa từng ngày. Có như thế, ta sẽ thầy mình sống vui hơn, thanh thản hơn. Ước mong từng ngày sống, là từng ngày tôi quý trọng những gì tôi đang có, quý trọng những gì Chúa ban cho tôi, quý trọng ơn gọi của tôi và của anh em tôi. Ước mong mỗi một lần nhìn anh em, tôi có thể thốt lên, có thể reo lên: CHÚNG TA LÀ ANH EM!

II. BÌNH AN CỦA CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA.

Bình an của Chúa không ở ngoài tầm tay chúng ta, nhưng đang cư ngụ nơi tâm hồn mình. Nếu bớt nhìn vào mình theo nghĩa chỉ có mình là độc chiếm, là trên, là nhất, chúng ta sẽ vui với khả năng Chúa ban, dù khả năng đó nhiều hay ít, lớn hay nhỏ... Nếu bớt một chút ích kỷ cho bản thân, bớt một chút tính toán vụ lợi tư riêng, chúng ta sẽ thấy ơn bình an của Chúa tuôn đổ trên bản thân mình còn nhiều hơn, còn lớn hơn những gì ta có thể tưởng nghĩ.

Tôi thấy nơi ngôi nhà này có bình an. Có thể bên trong lòng từng người, bên trong nội bộ của đời sống chung của cộng đoàn, tôi không thể hiểu hết. Nhưng với những con người mà ngày nào cũng đến gần Chúa, cũng đều phủ phục trước Thánh Thể Chúa, cũng dâng thánh lễ, cũng suy niệm Lời Chúa, và đặt việc suy niệm, cầu nguyện lên hàng đầu, thì không thể nói rằng không có bình an của Chúa.
Một mặt, ta phải chân nhận rằng, bình an là một phần của ơn Chúa, nhưng cũng có một phần do nỗ lực của ta, dù ít, dù nhiều. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa ban cho ta ơn bình an của Chúa, để người khác có thể thấy được, và khen ngợi.

Mặt khác, nếu thấy mình chưa xứng đáng trước lời ngợi khen, ta hãy cố gắng mà sống cho xứng đáng hơn. Hãy biến mình thành dụng cụ mang bình an của Chúa đến cho tha nhân. Hãy cầu nguyện cho chính chúng ta, để từng người trong chúng ta thực sự cảm nếm bình an của Chúa.

Dĩ nhiên, mỗi người đã bước vào con đường luyện tập nên thánh, lúc nào cũng phải chiến đấu để giằn lấy sự thánh thiện của Chúa. Có lúc ta cảm thấy mệt mỏi. Có lúc thử thách như quá sức chịu đựng của mình. Có lúc như mình đang rơi vào vực thẳm do bị hiểu lầm, bị cám dỗ bỏ cuộc, bị chối từ, bị xúc phạm… Nhưng hãy tin rằng, Chúa luôn nâng đỡ ta. Người không bỏ rơi những ai Người tuyển chọn. Hãy tin vững chắc, tin một cách đinh ninh: Không bao giờ Chúa xô ta ra khỏi ơn bình an của Chúa. Ngược lại, nếu có lúc ta dại khờ, đánh mất bình an của Chúa, không những Chúa không bỏ rơi, mà Người còn ôm ấp, chở che đem ta về với sự bình an như người chủ cố đi tìm cho được con chiên chạy xa bầy, tìm được, ông vác lên vai đem về vậy (x. Lc 15, 4-7).

Chiêm ngưỡng thánh giá Chúa Kitô nơi những anh chị em đau khổ, giúp ta sống tinh thần phó thác. Ai càng phó thác, sẽ càng nhận được ơn bình an của Chúa.

Chúng ta tự hỏi, tại sao kẻ không còn gì đáng sống, không còn gì để mà đam mê cuộc sống, như rất nhiều người đau khổ, lại cứ sống, cứ muốn vươn lên giành lấy sự sống? Còn ta, được Chúa ban quá nhiều, sao lại cứ bi quan, cứ sống như chẳng nhận từ Chúa hồng ân nào? Càng quay quắt với chính mình bao nhiêu, ta càng chứng tỏ mình vô ơn với hồng ân Chúa bấy nhiêu.

Ta phải tự tra vần mình. Tự tra vấn để trong bất kỳ biến cố đau thương nào, ta cũng sẽ yêu mến chính hồng ân Chúa ban và yêu mến chính sự sống là hồng ân quý giá nhất trong đời làm người của mình, mà trân, mà quý, mà nâng, mà niu nó.

Hãy nhớ lời Chúa Kitô: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em… Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 27-30. 32-33).

Lời dạy đó giúp ta phó thác vào Chúa, để Chúa định liệu và quang phòng tất cả nơi ta theo thánh ý Chúa. Một khi đã ngã mình vào tay Chúa trong phó thác, bình an của Chúa sẽ theo ta mãi mãi.

Hãy nhớ, Chúa Kitô không hủy bỏ thánh giá nơi cuộc đời con người, nhưng Người cùng với con người vác thánh giá. Con Thiên Chúa không xóa bỏ đau khổ gậm nhấm con người, nhưng Người lại ban cho họ sức mạnh để vượt lên những đau khổ. Chúng ta sẽ có thánh giá. Và chúng ta cũng sẽ luôn có Chúa nơi cuộc đời mình. Chỉ cần ta phó thác vào Chúa để đón lấy bình an của Chúa là đủ.

Vậy, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa luôn chăm sóc ta. Và bình an của Chúa, Chúa vẫn ban tràn đầy trên từng người chúng ta:
“Lạy Đức Chúa là Vua, con xin cảm tạ Ngài, ca ngợi Ngài là Thiên Chúa, Đấng cứu độ con. Con cảm tạ danh Ngài.

Nhờ uy danh cao cả, và chiếu theo lòng lân tuất vô biên của Ngài, Ngài đã giải thoát con khỏi những kẻ rình cắn xé con, chực nuốt trửng, khỏi tay những kẻ tìm hại mạng sống con, khỏi bao khốn quẫn con hứng chịu.

Ngài đã đoái nghe lời con cầu khẩn, vì đã cứu con khỏi diệt vong, và giải thoát con khỏi thời tai hoạ. Bởi thế, con xin cảm tạ và ca ngợi Ngài, và xin chúc tụng danh Đức Chúa” (Hc 51, 1.3.11-12).

III. ĐỂ CÓ HIỆP THÔNG VÀ BÌNH AN.

Quên gì thì quên, chúng ta không bao giờ được phép quên: chính mình, một khi bước vào đời thánh hiến, là dấu chỉ của sự hiệp thông. Bởi là dấu chỉ, trước hết là linh mục, kế đến là những người hướng đến chức linh mục, cũng phải là biểu tượng của mầu nhiệm hiệp thông.

Do đó, anh em chúng ta được mời gọi, hãy mạnh mẽ dấn thân phục vụ cho sự hiệp thông bất cứ nơi nào trong Hội Thánh. Và khi dấn thân cho sứ vụ hiệp thông, chúng ta cũng lập tức trở thành sứ giả của ơn bình an. Bởi ở đâu có hiệp thông, ở đó có bình an. Và người nào sống tinh thần hiệp thông, người đó cũng tỏa sáng sự bình an.

Để sống hiệp thông và bình an lâu dài, chúng ta hãy cùng tập luyện vài đề nghị:

1. Cả một đời chỉ biết làm theo mệnh lệnh Thiên Chúa như Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu là bài học ngàn đời cho từng người chúng ta. Người tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa. Nhờ vâng phục, Chúa Kitô hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa. Nhờ hiệp thông, Chúa Kitô không bao giờ mất bình an, dẫu cho đối diện với cái chết đớn đau, đối diện với sự sỉ nhục tận cùng.
Anh em chúng ta cần ghi lòng tạc dạ: Chỉ có sống theo gương Chúa Kitô: hiệp thông hoàn toàn với Người và với Thiên Chúa, bằng cách chỉ biết một mực làm theo mệnh lệnh của Người và của Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự chất chứa ơn bình an, để có thể trao ban ơn bình an cho con người, làm chiếu giải sự bình an ở mọi nơi chúng ta hiện diện.

2. Ý thức Ơn gọi của bản thân chỉ đến từ Chúa. Người tín hữu sống ơn gọi tu trì không bao giờ được phép tự phụ về những thành công, hay quá đau buồn về những thất bại trên con đường dâng hiến của mình. Đã là tông đồ, phải xác tín mạnh mẽ: Bản thân chẳng là gì. Nếu không có Chúa, bản thân chỉ là thân cây khô héo. Chỉ duy tình thương của Chúa đã trao ban ơn gọi, thúc đẩy chúng ta lên đường mà thôi.

3. Linh mục và tu sĩ phải phó mình trong tay Chúa. Với chỉ thị: “Không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6, 8-9), Chúa Giêsu muốn người tông đồ của Chúa phải sống nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Sự nghèo khó giúp anh em chúng ta ý thức sự thiếu thốn của mình mà dễ cảm thông với người nghèo, nhờ đó hiệp thông với họ cách sâu sắc nhất, và gieo niềm bình an trong họ cách trọn vẹn nhất.

Càng không có gì, càng dễ phó mình trong tay Chúa, càng là khí cụ của ơn bình an và ơn hiệp thông. Tiện nghi vật chất dễ đẩy đến lối sống hưởng thụ. Từ hưởng thụ, dễ tha hoá, dễ sống xa hoa, dễ kiêu ngạo, dễ cậy mình hơn cậy vào Chúa… Tất cả những điều ấy, đều là kẻ thù của sự hiệp thông. Vì thế, sống nghèo, linh mục và tu sĩ sẽ chỉ chọn chúa, một mình Chúa thôi, làm gia nghiệp quý giá của đời mình. Chúa sẽ là nguồn bình an cho cả một đời hiến dâng của họ.

4. Linh mục và tu sĩ sống tinh thần nghèo khó. Sự nghèo khó của họ nên tấm gương lôi kéo người khác tin vào Chúa. Đòi phải ra đi tay không, “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’. Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy; bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em” (Lc 10, 4-6), là Chúa đòi họ phải sống tinh thần nghèo khó triệt để, để mang bình cho mọi người.
Hãy sống tinh thần nghèo khó như Chúa dạy: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó…” (Mt 5, 3). Linh mục và tu sĩ của Chúa sống nghèo khó, họ không mang theo gì của loài người, chỉ trọn một niềm phó thác vào Chúa mà thôi. Họ bình an phó thác, họ sẽ trở thành nguồn bình an. Họ hiệp thông với Chúa trong đức khó nghèo, họ sẽ trở thành nguồn ơn hiệp thông.

5. Linh mục và tu sĩ chỉ mong làm sáng danh Chúa chứ không tìm tư lợi bản thân. Linh mục và tu sĩ hãy sống ơn gọi mà Chúa ban cho mình thật thẳm sâu trong từng suy nghĩ, từng hành động, từng giây phút sống, từng mối tương quan, từng sự liên đới… chứ không bao giờ gợn chút manh nha nghĩ đến tư lợi bản thân.
Một khi chấp nhận làm tông đồ của ơn hiệp thông và ơn bình an, họ trở nên anh em giữa mọi anh em, cùng sớt chia, luôn ý thức mình phải trở nên đồng phận, vui với cái vui của con người; đau với cái đau của con người…

Hãy nhớ, không bao giờ toan tính cho bản thân, công tác của người hiến dâng sẽ sáng chói, đạt hiệu quả, đi vào lòng người, gây những ảnh hưởng tốt, làm Tin Mừng bùng phát…

IV. NHƯ MỘT KẾT LUẬN.

Mỗi ngày sống, là mỗi ngày đong đầy khó nhọc, mồ hôi, nước mắt, gánh nặng, lo toan, nhiều thứ phải đối đầu, phải chống chọi với thử thách, và nhiều gian nan khác…
Người ở xa, kẻ ở gần – người thành đạt, kẻ thất bại – người khỏe mạnh, kẻ yếu đau – người viễn xứ, kẻ lưu trú – người giàu sang, kẻ hèn hạ… Tất cả, không trừ ai, đã làm người đều phải nếm “muối mặn, gừng cay”.

Giờ phút tĩnh tâm là sự hồi tâm để bước vào cõi lòng của chính mình. Ít khi nào ta thấy mình rõ ràng bằng những lúc được chìm vào thinh lặng thẳm sâu. Hãy khám phá lại chính mình, để tìm ra mấu chốt gây nên đổ vỡ mà chỉnh đốn lại, mà biến đổi chính bản thân. Nếu phát hiện ra những gì tốt, những gì tích cực nơi bàn thân, hãy cố gắn vun bồi để ngày càng phát huy hơn.
Nếu chạm phải những phát hiện vẫn thường xảy ra trong đời như:
- Một chút ngậm ngùi nhớ về những tổn thương mà ai đó đã gây ra cho mình.
- Một chút cay đắng cho thói đời mạnh được yếu thua; hay một chút xót xa cho chính mình, và cho những ai là nạn nhân của bạo quyền, nạn nhân của kẻ nhân danh quyền lực, không phải để cứu người mà là để hại người…
- Một niềm yêu muốn gởi tặng những người đã cùng ta chung xây lý tưởng ơn gọi, đã cùng ta quyết đi đến cùng trên con đường phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân…
- Một niềm da diết dành cho những ai đã từ giã cõi đời, nhất là những đấng sinh thành, người thân yêu, những đồng nghiệp, bạn bè… Đặc biệt, trong ơn gọi linh mục và tu sĩ, còn có biết bao nhiêu anh chị em tín hữu mà mình đã tiễn đưa, đã cử hành nghi thức để gởi gắm họ vào lòng Chúa xót thương.
- Một nỗi xót xa trước những cảnh đời vô định, không có ngày mai của biết bao nhiêu trẻ em, hay người trẻ bị bán đứng, bị rơi vào vòng lao lý, bị làm nhục, bị tổn thương tinh thần…
- Một dạ bâng khuâng dành cho những nơi mà bản thân đã đi qua, đã từng phục vụ, đã để lại dấu ấn, đã ghi vào trái tim vô vàn kỷ niệm…
- Một chút xót xa cho những gì mà mình đã từng suy nghĩ, đã từng ước mơ nhưng chưa làm được, chưa hoàn thành, chưa đạt đến đích; hay nuối tiếc vì đã bỏ qua cơ hội, đã không làm được gì tích cựa hơn, mạnh mẽ hơn…

Thì hãy đặt tất cả vào tay Chúa, nguyện xin dâng lên Chúa, phó thác cho Chúa. Chúa là Chúa của niềm bình an. Hiến dâng cho Chúa, tâm hồn sẽ bình an. Chúa là Nguồn ơn hiệp thông, phó thác cho Chúa để hiệp thông với Chúa hơn. Nhờ hiệp thông với Chúa, ta sống tình hiệp thông với con người hoàn bị hơn.

Tin vào Lời Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28), từng người hãy ngã mình, hãy tín thác đời mình trong vòng tay yêu thương, từ ái của Chúa.

Chỉ có một thứ an bình mà thôi: An bình trong Chúa mới làm nên điều kỳ diệu: xóa hết mọi mặc cảm, mọi thương đau, mọi oán hờn, mọi rát buốt…, nhưng tăng niềm vui sống, tin yêu sống, hy sinh, và phục vụ…

Cảm tạ Chúa vì ơn an bình Chúa ban.

Cảm tạ Chúa vì tất cả. Làm sao chúng ta có thể kể hết ơn của Chúa. Chỉ xin hiến dâng một tâm hồn cảm tạ.

Xin cảm tạ Chúa. Cảm tạ Chúa vô cùng. Muôn đời cảm tạ Chúa.

Tình yêu của Chúa ngàn trùng, lòng đại lượng của Chúa muôn đời bền vững. Xin chân thành cảm tạ.

Hạnh phúc Chúa ban là hạnh phúc thật. Hạnh phúc Chúa ban là được hiệp thông với Chúa, là được chia sẻ sự sống bất diệt nơi lòng Chúa. Ước mong lòng cảm tạ của người trần thế có thể bay cao ngút ngàn và được Chúa thương đón nhận.

Biết bao nhiêu lần lầm lỗi, Chúa đã tha thứ. Biết bao nhiêu lần sống không tròn chữ hiếu, Chúa chẳng nặng lời quở trách. Biết bao nhiêu lần, thay vì hiệp thông, lại gây chia rẽ, Chúa đã không kết tội.
Biết bao nhiêu lần chểnh mãn trong lý tưởng ơn gọi, Chúa lại ban ơn nâng đỡ. Biết bao nhiêu lần, thay vì mang bình an, lại làm cớ cho sự dữ, sự xấu có cơ hội diễn ra, Chúa vẫn tiếp tục đón nhận.
Biết bao nhiêu lần Chúa âm thầm gìn giữ, mà không cảm tạ Chúa, không lo sử dụng đầy đủ nhất, tốt nhất hồng ân của Chúa, nhưng Chúa vẫn không nản lòng, lại vui lòng chờ đón chúng ta…

Không thể kể hết. Không thể đếm hết tình yêu của Chúa. Để đáp trả tình yêu nghìn trùng ấy, mỗi người hãy làm mới lại chính mình. Biết mình còn yếu chỗ nào, lo khắc phục chỗ ấy.

Hãy có một quyết tâm sống với Chúa trong suốt đời ơn gọi của bản thân. Mỗi một người hãy tự tìm một quyết tâm, và hãy cố gắng thi hành bằng được quyết tâm của mình, để nói lên lòng biết ơn Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cầu nguyện cho các nghệ sĩ thời đại chúng ta
Linh Tiến Khải
17:15 05/08/2017
VATICAN - Trong tháng 8 tới đây ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các nghệ sĩ thời đại chúng ta để họ giúp mọi người khám phá ra vẻ đẹp của thụ tạo qua các tác phẩm nổi tiếng của họ.

Khi viếng thăm các thủ đô hay thành phố lớn trên thế giới, du khách thường để giờ thăm các viện bảo tàng, là nơi trưng bầy kho tàng nghệ thuật của một nước bao gồm các tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại: điêu khắc, hội hoạ, nghệ thuật đúc và tạc tượng cũng như các tác phẩm thêu dệt và đủ mọi thứ vật dụng cho biết về lịch sử, cuộc sống và các sinh hoạt của một dân tộc, một quốc gia hay nhiều quốc gia khác. Trên bình diện này Italia là quốc gia rất nổi tiếng vì chứa đựng tới 70% gia tài nghệ thuật trên toàn thế giới.

Thí dụ điển hình là bảo tàng viện Vatican. Đây là một trong các bảo tàng viện lớn nhất thế giới. Có để ra cả năm bạn cũng không thể nào thăm viếng hết được, vì nó rộng mênh mông và chứa hàng chục triệu tác phẩm đủ loại, và gồm nhiều bảo tàng viện nhỏ. Mỗi bảo tàng viện như thế lại gồm nhiều phòng khác nhau. Chẳng hạn nếu muốn viếng thăm các tranh vẽ bạn đến khu vực Pinacoteca trưng bầy các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng hay của các trường phái hội hoạ từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, trong đó có Giotto, thầy Angelico, Melozzo da Forli, Raffaello, Leonardo da Vinci, Tiziano … hay tranh của trường phái Umbria, tranh thời Barốc vv… Nếu muốn hiểu biết về Ai Cập bạn có thể đến khu bảo tàng Gregoriano Egizio, nơi có thể thấy 5 xác ướp trong đó có xác hoàng hậu Hetepheres, mẹ Pharao Cheops, cũng như tượng hoàng hậu Tula, mẹ Pharao Ramses II, tức thời ông Môshê, và nhiều tượng cũng như xác ướp các con vật, và các thủ bản viết trên giấy làm bằng sậy Papiro.

Nếu muốn thăm các tác phẩm điêu khác bạn đến khu vực Pio Clementino sẽ thấy các tượng người và thú vật thuộc thời Hy Lạp và Roma cổ, hay khu vực Chiaramonti. Muốn thăm dấu tích của người Etruschi bạn đến khu vực Gregoriano Etrusco có các quan tài, bia mộ, mọi thứ dụng cụ tìm được trong các cuộc đào bới nghĩa trang tại Cerveteri. Trong khu vực này cũng có phòng trưng bầy các tác phẩm bằng đồng, các hòm đựng tro người chết, các đồ trang sức quý, các đồ bằng đất sét nung…Thế rồi cũng có hành làng trưng bầy các chân đèn, hành lang trưng bầy các tấm thảm danh tiếng, hành lang trưng bầy các bản đồ địa lý. Rồi các phòng do các danh họa như Raffaello và các họa sĩ nổi tiếng khác vẽ hồi thế kỷ XVI vv…

Để giúp tín hữu và khách hành hương dễ định hướng ban giám đốc viện bảo tàng Vatican đã soạn ra các lộ trình khác nhau dài 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ, 5 giờ theo thời gian du khách có. Nhưng lộ trình nào cũng kết thúc với nhà nguyện Sistina, là nơi các Hồng Y họp mật nghị bầu Giáo Hoàng. Nhà nguyện Sistina được xây cho ĐGH Sesto IV giữa các năm 1473-1481 là viên ngọc quý cuả nghệ thuật thời Phục Hưng. Qua các bức bích họa tả cảnh cựu ước và tân ước và nhất là bức họa Ngày phán xét chung” nổi tiếng Michelangelo và các họa sĩ thời đó đã không chỉ để lại cho hậu thế một phần gia tài quý báu của kho tàng nghệ thuật, mà còn trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống con người nữa. Các bức bích họa được nhiều họa sĩ danh tiếng vẽ giữa các năm 1481-1483.

Ngoài ra trong viện bảo tàng Vatican còn có Thư viện của Toà Thánh trưng bầy rất nhiều thủ bản và sách cổ, cũng như nhiều vật dụng phụng vụ. Rồi còn có khu vực Gregoriano profano dành cho các tác phẩm điêu khắc từ các thế kỷ đầu. Trong khi khu vực Pio Cristiano trưng bầy các tác phẩm nghệ thuật khảo cổ kitô. Lại còn có phần dành cho lãnh vực truyền giáo nhân chủng học với các tác phẩm của Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng, Mông Cổ, Đông dương, trong đó có chiếc kiệu hoa bằng gỗ mạ vàng làm năm 1846 được các tín hữu Bắc phần Việt Nam dùng để kiệu Đức Bà Mân Côi. Có thêm các tác phẩm Ấn Độ, Indonesia và Philippines, Polynesia và Melanesia, Úc, Bắc Phi châu, Etiopia, Madagascar, Tây Phi châu, Trung Phi châu, Đông Phi châu, Nam Phi châu, Phi châu Kitô, Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mỹ châu Kitô, Bắc Mỹ, Ba Tư, Trung Đông, các tác phẩm kitô thuộc các nước truyền giáo. Thêm vào đó còn có bảo tàng viện lịch sử trưng bầy các lọai xe ngựa các Giáo Hoàng và Hồng Y dùng xưa kia, và các vũ khí đủ loại.

Rất nhiều tác phẩm lấy hứng từ các cảnh và câu chuyện trong Thánh Kinh Cựu Ươc và Thánh Kinh Tân Ước. Ngoài giá trị nghệ thuật chúng cũng là các bài giáo lý bằng hình sống động.

Các tác phầm nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc là chứng tích cuộc sống tinh thần phong phú của con người và của toàn nhân loại. Chúng diễn tả vẻ đẹp của thụ tạo do Thiên Chúa làm nên cho hạnh phúc của con người

Chính vì thế trong tháng 8 tới đây hiệp ý với ĐTC và tín hữu Công Giáo toàn thế giới chúng ta hãy cầu nguyện cho các nghệ sĩ thời đại chúng ta để qua các tác phẩm nổi tiếng họ giúp mọi người khám phá ra vẻ đẹp của thụ tạo và đến với Thiên Chúa là Chân, Thiện Mỹ.
 
Tại sao khuynh hướng “chuyên gia trừ quỷ tư nhân” bị chống đối.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:41 05/08/2017
(EWTN News/CNA) Tin từ Denver, Colo. Theo một chuyên gia trừ quỷ Công Giáo thì có một bài viết mới đây trong tờ Economist đã đưa ra một số tin đáng lo ngại về việc nổi lên cái gọi là “những chuyên gia trừ quỷ chuyên nghiệp” ở Pháp và một số nơi khác.

Cha Vince Lampert thuộc Hội Chuyên Gia Trừ Quỷ Thế Giới đã nói với EWTN về một trong những lo ngại nơi hiện tượng này là “dường như nó chủ yếu là để giải trí.”

“Mục đích chính của việc trừ quỷ là giúp người ta tìm lại được đức tin của họ hay khám phá ra đức tin của họ. Thế mà dường như người ta lại nghĩ đến quỷ như là cái gì đó mà họ có thể đùa cợt với.”

Cha Lampert được giao nhiệm vụ trừ quỷ tại Tổng Giáo Phận Indianapolis từ năm 2005. Trong khi hầu hết danh tánh của các chuyên gia trừ quỷ được giữ kín, cha Lampert thường hay nói chuyện về đề tài này.

Các kinh tế gia đưa ra chi tiết về việc thực hiện trừ quỷ của “chuyên gia trừ quỷ tư nhân”, độc lập với Giáo Hội, cho rằng có hai lý do phổ biến nổi lên là: Sự thiếu quan tâm của Giáo Hội và những lợi ích người được trừ quỷ lãnh nhận qua “nghi thức ”

Đối với lý do sự thiếu quan tâm của Giáo Hội thì cha Lampert cho rằng lý do này không đúng. Thực ra Giáo Hội chỉ muốn thận trọng với các trường có thể liên quan tới hoạt động của quỷ hơn là vội vã đoán xét như người ta mong mỏi. Giáo Hội luôn cẩn trọng từng bước một.

Ngài mô tả về những lần chứng kiến những người muốn được trừ quỷ ngay hay một giải pháp mê tín, giống như là Sangomas, một loại phù thủy ở Nam Mỹ mà ngài tin rằng nó du nhập vào Pháp qua nhập cư.

Cha Lampert nói thêm “Rất nhiều lần tôi gặp những người mà thực sự họ không có đức tin.Họ chỉ muốn coi linh mục trừ quỷ như là một loại pháp sư. Rằng ‘Quỷ nhập vào tôi, xin hãy đuổi nó đi.Tôi thực sự không muốn cầu nguyện hay phát triển đức tin gì cả.’ Họ không muốn thay đổi đời sống của họ, họ chỉ mong linh mục trừ quỷ làm cho quỷ biến đi thôi.”

Cái nghề “chuyên gia trừ quỷ tư nhân” có thể sẽ bùng phát. Bài báo trong tờ Kinh Tế cho biết các “chuyên nghề ”này kiếm được trên 12,000 Euro (trên 14,000 dollars) mỗi tháng. Trong khi việc trừ quỷ của Giáo Hội không hề tốn một đồng xu.

Cha Lampert nói “Giáo Hội coi việc trừ quỷ là một công việc bác ái và do đó sẽ giúp bất cứ ai khi họ cần. Ngoài ra việc đi tìm hiệu quả lợi ích từ các “nghi thức” thì thực sự là nguy hiểm. Nếu là việc của ma quỷ thì bằng cách nào đó ma quỷ sẽ tạo ra ảo tưởng rằng những việc ấy có hiệu quả và khiến bạn sẽ tiếp tục vui thú đi theo những người mà bạn tin là họ có thể chiến đấu với thế lực của ma quỷ mà không cần sự hiện diện của Thiên Chúa. Những“chuyên gia này” lầm tưởng rằng họ có sức mạnh để thực hiện quyền năng thần linh.”

“Tôi không nghe họ nói gì đến Chúa Kitô cả. Người ta có cảm tưởng rằng chính “chuyên gia” này đã đuổi được quỷ. Nhưng chúng ta là người Công Giáo, tin chắc một điều là người trừ quỷ sẽ thực hiện việc trừ quỷ nhân danh Chúa và quyền năng vinh quang của Ngài, chứ không phải do sức mạnh hay quyền lực của một người phàm.

Cha mô tả nhiệm vụ của việc trừ quỷ thực sự là như thế nào.

“Người trừ quỷ chính là Chúa Giêsu Kitô, bởi vì bạn nhân danh Ngài, quyền năng của Ngài, quyền năng đến từ Chúa Giêsu Kitô và vị linh mục trừ quỷ chỉ là công cụ Chúa dùng trong việc này mà thôi.”

Những nghi thức giả tạo sẽ có hại hơn là có lợi cho người ta nếu vấn đề của họ là do những nguyên nhân khác chứ không phải do quỷ.

“Giáo Hội sẽ gây hại hơn là có lợi cho một người nếu chúng ta gắn cho họ là bị quỷ ám vì khi bị coi là quỷ ám người ấy sẽ không tìm nguồn chữa trị khác như bác sĩ hay nhà chuyên môn chữa thần kinh. Những chuyên gia trừ quỷ tư nhân chỉ là người săn lùng nỗi khốn khổ của người khác và họ thực sự làm cho mọi thứ tồi tệ thêm.”

Cha Lampert nói rằng tiến trình mà người nào đó bị nghi ngờ là bị ảnh hương bởi quỷ sẽ là:

“Việc đầu tiên là liên lạc với cha xứ để trình bài câu chuyện của mình. Nếu bạn chỉ gọi và nói là “Tôi nghĩ tôi bị quỷ ám” thì câu trả lời sẽ chẳng phải là điều bạn mong đợi. Nhưng nếu bạn đến và nói “Có một số vấn đề mà con không hiểu là gì, xin cha giúp con? thì vị linh mục sẽ lắng nghe và có thể liên lạc với linh mục trừ quỷ của giáo phận.

Cũng như bạn muốn gặp bác sĩ chuyên môn, bác sĩ chuyên về tim, bạn không chỉ đến để gặp được ngay, nhưng phải qua bác sĩ gia đình để giới thiệu đến các vị chuyên môn ấy. Một giáo dân phải đầu tiên là liên lạc với cha xứ của mình.

Nếu bạn không phải là người Công Giáo mà muốn được chữa trị thì cũng phải theo những thủ tục và phương cách của Giáo Hội đã có sẵn. Có người không muốn như vậy, nên họ đi kiếm những người gọi là chuyên môn để được chữa trị ngay. Giáo Hội thường giúp nhiều người không phải là Công Giáo trừ quỷ.

Các giáo phận thường có một linh mục trừ quỷ được chỉ định bởi giám mục địa phương. Vì mục đích an toàn, danh tánh của linh mục này thường không được phổ biến vì thế cần liên lạc với cha xứ trước.

Trong một bài báo trên tờ National Catholic Register phát hành vào tháng Ba, cha Lampert nói rằng hoạt động của quỷ đang gia tăng vì vậy những dịch vụ trừ quỷ tại Hoa Kỳ cũng gia tăng. “Vấn đề không phải là quỷ hoạt động mạnh hơn, nhưng do nhiều người thích đùa với nó. Cũng giống như phim ảnh dâm ô, ma túy và bói toán, “nơi nào có quỷ, nơi đó luôn có lối vào.” Cha Lampert trích dẫn lời của Đức Ông John Esseff thuộc học viện Giáo Hoàng Leo XII “sự phạm tội gia tăng vì hoạt động của ma quỷ gia tăng”, các linh mục đào tạo “để mang ánh sáng của Chúa Kitô xua tan quỷ dữ.”

Cũng theo tờ báo này, cha Lampert nhận định rằng việc quỷ thực sự nhập vào một người là rất hiếm, các linh mục trừ quỷ thường giúp với các trường hợp quỷ quấy phá, quỷ tấn công và nỗi ám ảnh của quỷ. Cha giải thích rằng quỷ quấy phá xảy ra khi những đồ vật tự di chuyển và có những tiếng la lớn. Quỷ tấn công là trường hợp một người bị tấn công về thể lý và có thể tìm thấy các vết bầm tím, vết cắn, trầy xước. Nổi ám ảnh là một hình thức tấn công bằng tinh thần, luôn nghĩ rằng quỷ đang nhảy chạy trong tâm trí của mình.

Tuy nhiên, cha nhắc nhờ người tín hữu không nên quá chú ý tới quỷ mà “phải chú tâm vào Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô. Khi tôi biết rằng Thiên Chúa làm được mọi sự, sắp đặt mọi sự thì nỗi lo sợ của tôi biến mất.”

“Nếu con người chăm lo xây dựng đời sống đức tin của mình, ma quỷ sẽ bị đánh bại.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney Tĩnh Tâm Thường Niên.
Diệp Hải Dung
09:05 05/08/2017
Sáng thứ Bảy 05/08/2017 các chị em Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney đã đến nhà thờ Saint Therese Fairfield Heights Sydney tham dự ngày Tĩnh Tâm thường niên.

Khai mạc buổi tĩnh tâm, chị Hà Thị Trí Tri Hội Trưởng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney ngỏ lời chào mừng đến các chị em trong Hội đã đến tham dự buổi tĩnh tâm đồng thời chị giới thiệu Cha Vũ Hiến đến từ tiểu bang Melbourne thuyết giảng tĩnh tâm cho Hội.

Xem Hình

Với đề tài Viên Ngọc Trai: Quà tặng cho đời. Cha Vũ Hiến đã chia sẻ về đời sống của Cha và gia đình qua những thách đố khăn và những lần cầu nguyện phó thác vào Thiên Chúa và Mẹ Maria để tâm hồn được lắng đọng và tìm sự bình an và Cha cũng giúp cho mọi người cảm nghiệm được sự yêu thương và quan phòng của Chúa và Mẹ Maria. Sau đó mọi người cùng chia sẻ những cảm nghiệm trong đời sống của mình và qua những lần thành tâm cầu nguyện.

Sau giờ dùng cơm trưa, Cha Vũ Hiến và Cha Đặng Đình Nên Linh hướng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn. Đặc biệt trong Thánh lễ có nghi thức tiếp nhận Hội Viên mới.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Chị Hội Trưởng Hà Thị Trí Tri ngỏ lời cám ơn Cha Vũ Hiến đã đến giúp giảng tĩnh tâm cho Hội, giúp cho các chị em trong Hội được thêm vững mạnh niềm tin trong sự cầu nguyện và chị cũng cám ơn Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm cũng đã đến thăm viếng. Sau cùng Cha Linh hướng Đặng Đình Nên cũng ngỏ lời cám ơn Cha Vũ Hiến và tất cả mọi người đã hy sinh thời gian quý báu đến tham dự buổi tĩnh tâm hôm nay.

Diệp Hải Dung
 
Hội trại Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo tỉnh Sài Gòn :Nối kết trong hiệp nhất
Nt. Maria Phương Trâm, OP.
09:19 05/08/2017
Mừng kỷ niệm 100 năm Thiếu Nhi Thánh Thể Thế Giới và 85 năm Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) Giáo tỉnh Sài Gòn, Hội trại TNTT Giáo tỉnh Sài Gòn được tổ chức trong hai ngày 04 và 05/8/2017 tại Giáo xứ Thái Hoà, Giáo phận Xuân Lộc. Hội trại đã quy tụ hàng ngàn Huynh trưởng từ 9 giáo phận trong Giáo tỉnh Sài Gòn. Hội trại TNTT cũng là điểm hội ngộ của tình hiệp nhất, không chỉ của riêng các Huynh trưởng mà còn là của Quý Cha Tuyên uý các Liên đoàn trong Phong trào TNTT trên toàn quốc.

Xem Hình

Ngay trước giờ khai mạc Hội trại, quý Cha đã hiện diện tại điểm đón tiếp của Đại Hội. Hiện diện trong giờ khai mạc ngoài Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc, còn có sự hiện diện đầy khích lệ và yêu thương của Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt. Đại Hội TNTT cũng vui mừng đón tiếp sự hiện diện của Đức ông Vinhsơn Đặng Văn Tú, nguyên Tổng Đại diện Giáo phận Xuân Lộc, người luôn quan tâm và đồng hành với phong trào TNTT Giáo phận Xuân Lộc trong nhiều năm qua. Cùng đồng hành trong những ngày Đại Hội còn có Cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh, nguyên Tổng Tuyên uý TNTT Việt Nam; Cha Giuse Phạm Minh Tuấn, Tổng Tuyên uý TNTT toàn quốc; Quý Cha Tổng Tuyên uý TNTT của cả ba giáo tỉnh: Sài Gòn, Huế và Hà Nội; Quý Cha Tuyên uý của 9 giáo phận trong Giáo tỉnh Sài Gòn và Quý Cha Tuyên uý, Quý Cha đại diện của 26 giáo phận trên toàn quốc.

Sự hiện diện của Quý Cha Tuyên uý của Giáo tỉnh Sài Gòn nói riêng và của các giáo phận trên toàn quốc nói chung diễn tả sự nối kết thân thương của toàn Đại Hội và nói lên mục đích của chủ đề Đại Hội là “Hiệp Nhất” đồng thời thắt chặt tình hiệp nhất TNTT trên toàn quốc. Để những ngày Đại Hội thành công tốt đẹp, quý Cha Tuyên uý cũng đã có những buổi họp và làm việc chung với nhau, cùng thống nhất những đường hướng, những phương án được thực hiện trong những ngày Đại Hội. Tình hiệp nhất cũng diễn tả một cách sâu sắc ý lực mà Đại Hội TNTT đã chọn trong Tin mừng Gioan: “Cứ dấu này mà người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,15).

Để định hướng cho Phong trào TNTT tại Việt Nam trong hiện tại và tương lai, điểm hội ngộ hôm nay nói lên sự đồng lòng của tất cả các thành phần làm nên Phong trào TNTT tại Việt Nam. Sự hiệp nhất này cũng giúp cho các Cha Tuyên uý, các Trợ uý, các Huynh trưởng không còn cảm thấy “đơn thương độc mã” trong hành trình dấn thân phục vụ cho công cuộc khôi phục lại Phong trào TNTT tại Việt Nam hôm nay.

Nt. Maria Phương Trâm, OP.