Ngày 07-08-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:37 07/08/2024

2. Cầu nguyện vốn là không coi trọng lời lẽ hùng biện, nhưng coi trọng sự rên xiết than thở trong tâm hồn của con người.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:41 07/08/2024
27. NHÌN CÁ MÀ ĂN CƠM

Hai anh em xới xong cơm liền hỏi cha mình:

- “Cha à, gắp món gì để ăn với cơm?”

Người cha lấy tay chỉ con cá mắm treo trên đầu bàn cơm nói:

- “Tụi bây nhìn nó một cái rồi và một miếng cơm !”

Đột nhiên đứa em kêu lên:

- “Anh hai nhìn hai lần luôn.”

Ông cha trợn mắt nhìn đứa anh rồi an ủi đứa em:

- “Đề nó ăn mặn cho chết luôn !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 27:

Thời đại văn minh ngày nay người ta có lối học gọi là phương thức hàm thụ, hay nói cách phổ thông hơn là “đào tạo từ xa”, tức là sinh viên lấy bài về nhà làm bài nghiên cứu, hoặc nghe chương trình dạy học trên truyền hình hoặc radio để học bài, phương pháp này có cái ưu là ai không có giờ đến trường thì có thể học, nhưng cái khuyết thì nhiều hơn, đó là chất lượng...

Dạy con khi ăn cơm nhìn lên con cá mắm để ăn cơm tưởng tượng, thì cũng có thể nói được là “ăn hàm thụ” hoặc là “ăn từ xa”, mà ăn kiểu ấy thì không bao giờ no được.

Có một vài người Ki-tô hữu vì làm biếng đến nhà thờ, vì lo buôn bán làm ăn, vì bận mánh mung nên nại lý do ấy để không đến nhà thờ được, họ nói với cha sở là “có Chúa trong mình rồi, cần gì phải đến nhà thờ nữa...”, họ đang ăn Mình Thánh Chúa hàm thụ, họ ăn uống tiệc thánh từ xa, những người này chất lượng thánh thiện và làm chứng nhân cho Tin Mừng thì không có bao nhiêu, bởi vì cứ đến ngày chúa nhật hay lễ trọng, thì họ lại dự thánh lễ hàm thụ trên giường, họ dự thánh lễ từ xa nơi các quán nhậu hoặc nhà hàng karaoke...

Con người ta thường “xả láng” với bản thân nhưng lại hay tính toán với người khác, và tính toán chi li với Thiên Chúa, họ có sáu ngày dành cho mình, nhưng một giờ dành cho Thiên Chúa ngày chúa nhật cũng bị tính toán, những người hay tính toán với Thiên Chúa thường là người thích “ăn hàm thụ”, thích “ăn từ xa”, cho nên không lạ gì họ coi việc rước lễ còn thua kém hơn bữa nhậu của họ trong ngày chúa nhật hoặc những ngày lễ trọng.

Ăn hàm thụ thì không bao giờ no được, chỉ càng làm cho linh hồn ngày càng đói mà đói đến chết đời đời mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Lời Chúa và Thánh Thể là của ăn nuôi hồn
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
05:32 07/08/2024
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIX – B
(Ga 6, 41 – 52)
Lời Chúa và Thánh Thể là của ăn nuôi hồn

Ngoài sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong giầu sang phú quý với những của cải vật chất. Nhưng những thứ đó vẫn không lấp đầy được lấp đầy được khát vọng của con người mọi nơi mọi thời. Con người vẫn hằng khao khát sống sống trường sinh mãi ở đời này và cả đời sau. Vì khát khao, nên người ta ra công tìm mọi cách để kéo dài sự sống bao nhiêu có thể.

Bánh bởi trời

Trên hành trình về Đất Hứa, qua sa mạc Sin, giữa Êlim và Sinai, dân Israel nổi loạn kêu trách Môsê đã dẫn họ ra khỏi Ai Cập để vào đây phải chết đói (x. Xh 16,3). Chính họ cảm thấy hối tiếc vì đã bỏ đất Ai Cập, dù làm thân nô lệ nhưng còn có thức ăn. Sau khi xảy ra chuyện phàn nàn này, Môsê đã xin Thiên Chúa ban cho Manna từ trời xuống làm của ăn dòng dã 40 năm trường (x. Xh 16, 1- 36 ). Thiên Chúa đã nhận lời và ban bánh xuống như mưa sa cho dân mỗi sáng thu nhặt bánh ăn thỏa thích trong ngày.

Đến lượt Êlia, người Tisbê, ở Galaad, sứ ngôn của Thiên Chúa, trong thời kỳ hạn hán không có mưa, có sương, Thiên Chúa đã dùng quạ ở thung lũng Cơrít và bà góa thành Xarépta nuôi ông (x. 1V 17, 1-15). Và trong cuộc hành trình đến núi Horeb của Thiên Chúa, ngài đã dùng chính Thiên Thần mang bánh đến cho ông ăn, nhờ “sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa” (1V 19, 8).

Manna hình ảnh báo trước về Chúa Giêsu

Lời ông Môsê trong sách Đệ Nhị Luật cho thấy, manna là thứ mà Thiên Chúa ban cho dân trong sa mạc ăn cho đỡ cái đói đời sống tạm bợ này. Vì: “Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3).

Môsê đã tiên báo cho dân Do Thái biết về lương thực Thiên Chúa sẽ ban cho dân Chúa sau này là chính Chúa Giêsu Kitô là của ăn nuôi dưỡng hồn : “Thiên Chúa sẽ ban cho các người của ăn mà các ngươi và cha ông các người chưa từng biết tới” (x. Đnl 8, 2-3.14b-16).

Bánh Giêsu

Thật không phải dễ để giúp những người Do thái thời Chúa Giêsu đón nhận Người là Bánh Hằng Sống, thứ bánh họ cần phải kiếm tìm và ăn không phải nhằm thỏa mãn thể lý trong một thời gian, nhưng còn để sống vĩnh viễn. Vì thế, từ phép lạ hóa bánh ra nhiều làm thỏa mãn cái đói thể xác của họ một cách lạ lùng, Chúa Giêsu đã chuẩn bị họ đón nhận lời loan báo, Người chính là bánh từ trời xuống (x. Ga 6, 41) làm thỏa mãn một cách vĩnh viễn :“Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51).

Chúa Giêsu nhắc lại bánh Manna trong sa mạc cha ông họ đã ăn và đã chết. Nay, Chúa Giêsu chỉ cho họ, Người là bánh đích thực do Thiên Chúa Cha ban xuống từ trời, ai ăn sẽ khỏi phải chết muôn đời, bánh đó là chính Chúa Giêsu, Người quả quyết: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời”(Ga 6, 51). Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống, là hồng ân bởi trời, là chính Chúa ngự trên các tầng trời, có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi. Người là lương thực ban sự sống vĩnh cửu, bởi vì Người là Con Một Thiên Chúa, ở cung lòng Thiên Chúa Cha, đến để trao ban cho con người sự sống tràn đầy, dẫn con người vào trong chính sự sống của Thiên Chúa.

Phần chúng ta giờ này đây phải tự hỏi xem chúng ta có thật sự tin Chúa là bánh hằng sống, có cảm thấy đói Lời Chúa, đói bánh Giêsu không? Êlia là biểu tượng của mỗi người chúng ta đang hành trình trần gian. Thiên Chúa không dựng nên con người để chết, nhưng để sống hạnh phúc. Nếu chúng ta cảm thấy đói thực sự, chúng ta hay tin vào Chúa và để Thiên Chúa lôi kéo. Vì chỉ có ai được Chúa Cha lôi kéo, chỉ có ai lắng nghe Ngài và để cho Ngài dậy dỗ, mới có thể tin nơi Chúa Giêsu, gặp gỡ Người và nuôi dưỡng mình bởi Người, và như thế tìm ra sự sống thật, tìm ra con đường sự sống, công lý, sự thật và tình yêu. Vì thật ra, ai ăn bánh hằng sống thì tin nơi Chúa, và ai tin thì ăn và trong một cách vô hình họ được no thỏa.

Ngày hôm nay, qua bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy đến để đón nhận Bánh ban sự sống, Bánh bởi Trời đích thực là chính thân mình Người: “Đây là Mình Thầy”; “Đây là Máu Thầy”; “Ai tin và đón nhận sẽ được sống muôn đời”.

Ước gì chúng ta luôn tin vào Lời Chúa như Êlia và Môsê để khi rước lễ chúng ta cảm thấy được bổ dưỡng thật sự như hai ông khi nhận được Manna và lương thực đi đường. Và phải hơn hai ông nữa, vì Manna và lương thực đi đường đích thực chính là Thịt Máu Chúa ban cho thế gian được sống và ban cho chúng ta được sống an bình ở thế gian để hành trình về Nước Trời.

Xin cho mỗi người chúng ta có lòng tin yêu Chúa hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể, để qua việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được sống trường sinh. Amen.
 
Nguồn trợ lực đời ta
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
05:34 07/08/2024
NGUỒN TRỢ LỰC ĐỜI TA
(Chúa Nhật XIX TN B)

Một hiện thực của cuộc đời tại thế là không ai được ở mãi trên các tầng mây, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sau phút giây vinh quang, thành công, sốt sắng là một chuỗi ngày vất vả, truân chuyên lẫn nhàm chán của đời thường, và chưa kể đến biết bao trở ngại phải đương đầu và cả những thất bại khó tránh. Thời kỳ sốt mến sau ngày chịu chức linh mục, giai đoạn thánh thiện sau ngày tuyên khấn trong Hội dòng, tháng ngày mặn nồng sau lễ hôn ước, khoảng thời gian sau khi nhận một sứ vụ…sao mà chẳng thể được lâu. Thế rồi chúng ta phải hạ cánh với các cảnh ngộ cuộc đời dù chẳng mong và thường không như ý.

Cảnh ngộ của ngôn sứ Êlia qua bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật XIX TN B là một minh chứng. Trước mặt vua Akhap, một mình thách đấu với 450 ngôn sứ thần Baal trên núi Carmel, ngài Êlia thật can trường và đáng khâm phục. Êlia đã chiến thắng, khi cầu khẩn Thiên Chúa và được Người nhậm lời cho lửa từ trời xuống thiêu hủy lễ vật. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất chúng ta phải tôn thờ, ngoài Người ra, tất thảy đều là “sản phẩm do tay loài người làm nên”. Êlia hãnh diện về niềm tin của mình. Ngài phấn khởi về chiến công xem như của mình.

Thế nhưng Êlia đã phải lập tức rời bỏ vinh quang của chiến thắng lẫy lừng ấy để chạy trốn khỏi sự truy diệt của hoàng hậu Giêgiaben. Chỉ mỗi một tiểu đồng cùng chung cảnh ngộ với ngài. Nhưng khi vào sa mạc, thì ngôn sứ Êlia chỉ còn một thân một mình. Một mình trong cảnh tình của kẻ vừa mới thắng lại liền thua giữa hoang mạc khô cằn, Êlia buồn bã, thất vọng, ngài xin Chúa cất mạng sống mình đi: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! bây giờ, xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con”. Thành công thì chốc lát, nhưng khó khăn, cảnh gập ghềnh thì ít thoảng qua. Cuộc đời làm con Chúa, cuộc đời người tông đồ không ít lần rơi vào cảnh “đêm tối của đức tin”. Nhìn lại dòng đời trôi qua, như Êlia, đã đôi lần chúng ta cũng muốn thiếp ngủ đi.

Chúa lại đến đánh thức chúng ta. “Chỗi dậy mau, vì đường vẫn còn xa!”(x.1V 19,7) Thiên Chúa không để một ai chịu thử thách quá sức mình. “Ơn Ta đủ cho con” (x.2 Cor 12,9). Nguồn trợ lực không phải ở dưới trần này mà là từ trên cao. Khi trao cho vị ngôn sứ bánh và nước, sứ thần muốn khẳng định với Êlia và với chúng ta rằng Thiên Chúa chính là nguồn sống đích thực đời chúng ta, là năng lực giúp chúng ta tiến bước trên cõi lữ thứ này để về quê thật.

Nguồn sống từ trời cao không còn là thứ bánh vật chất thưở nào cho dân đi trong hoang mạc 40 năm về đất hứa hay cho Êlia đủ sức tiếp bước trong 40 ngày để đến núi Horeb gặp Thiên Chúa. Nguồn sống ấy nay đã được tỏ bày cách minh nhiên là chính Đấng từ trời xuống, Giêsu Kitô. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 50-51). Chúa Kitô không ngại ngần tỏ bày một sự thật cho dù nó đi ngược với quan niệm thời bấy giờ. Người Do Thái vẫn hằng quan niệm ăn thịt ai, là xem người đó như kẻ thù (x.Tv 27,2; Dcr 11,9), và uống máu là một trọng tội đáng bị tru diệt (x.St 9,4; Lv 3,17; Dnl 12,23). Chắc chắn Chúa Giêsu biết rõ điều này, thế mà Người vẫn minh nhiên công bố thì ta đủ thấy tầm quan trọng của chân lý được tuyên rao.

Khi tuyên bố mình chính là bánh hằng sống, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là nguồn sống của chúng ta. Ai muốn được sống, sống đời đời thì phải đón nhận Người, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người (x.Ga 14,6). Người là lẽ sống, là nguồn sống của đời chúng ta. Người là nguồn trợ lực giúp chúng ta vững trước trước gian nan, khốn khó. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Thực tế đã có đó nhiều người vững vàng trong cảnh lao tù, khốn khó, nhờ sức mạnh của Thánh Thể Chúa. Đã có đó nhiều vị tông đồ lấy lại được sức mạnh mà kiên trì với sứ mệnh nhờ những phút giây hiện diện trước Thánh Thể. Cành nho chỉ có thể sinh trái, đơm hoa nhờ kết liền với thân nho. Không có Người thì chúng ta chẳng thể làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,1-8). Kitô hữu chúng ta ít nhiều đều xác tín và cảm nghiệm chân lý này ngay trong cuộc đời của mình.

Sau khi Chúa Kitô truyền hãy cầm lấy bánh mà ăn, hãy cầm lấy chén mà uống, thì Người đã truyền rằng hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy (x.1Cor 11,23-25). Đón nhận Chúa Kitô là bánh hằng sống, là lương thực trường sinh, là nguồn trợ lực trong những cơn gian nan, khốn khó, cô đơn, thất vọng, để có thể tiếp tục hành trình dương thế, thì chính chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh trao ban sự sống, nguồn trợ lực cho tha nhân. Thiết tưởng cũng thật cần thiết kiểm điểm xem sự hiện diện của chúng ta có đem lại sự bình an, sức sống, nguồn trợ lực cho những người mà chúng ta gặp gỡ hay đang chung sống với chúng ta như thế nào?

Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha xác quyết: Với Chúa, không có gì là không thể!
Thanh Quảng sdb
02:12 07/08/2024
Đức Thánh Cha xác quyết: Với Chúa, không có gì là không thể!

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục buổi tiếp kiến chung sau mùa nghỉ hè, Ngài tiếp tục suy tư về công trình của Chúa Thánh Thần trong Sự Cứu Chuộc mà Chúa Kitô đã đạt được.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Buổi Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha đã được bắt đầu lại sau thời gian tạm dừng trong tháng 6, Đức Thánh Cha tiếp tục suy ngẫm về công trình của Chúa Thánh Thần.

Sau khi kết thúc bài giáo lý về công trình của Chúa Thánh Thần trong Sự Sáng Tạo, Đức Thánh Cha Phanxicô chuyển sang Tân Ước để quảng diễn vai trò của Chúa Thánh Thần trong Sứ vụ Cứu Chuộc mà Chúa Giêsu Kitô đã đem lại.

Chúa Thánh Thần và Sự Nhập Thể

Vào thứ Tư, Đức Thánh Cha đã tiếp tục chủ đề về Chúa Thánh Thần trong Sự Nhập Thể của Ngôi Lời, bắt đầu bằng lời khẳng định trong Kinh Tin Kính rằng Chúa Giêsu “bởi Chúa Thánh Thần đã nhập thể trong Đức Trinh Nữ Maria và trở thành người”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết, “do đó, đây là một sự kiện đức tin đại kết, bởi vì tất cả các Kitô hữu đều cùng nhau tuyên xưng một Kinh Tin Kính”. Điều này được phản ánh trong lòng đạo đức truyền thống Công Giáo trong việc đọc Kinh Truyền Tin hàng ngày.

Đức Trinh Nữ Maria, một hình ảnh của Giáo hội

Thật thích hợp để so sánh giữa Đức Trinh Nữ Maria và Giáo hội, một sự tương đồng được Công đồng Vatican II đề ra: Như Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai rồi sinh ra Chúa Kitô thế nào, thì Giáo hội cũng chào đón Chúa Kitô “bằng cách đón nhận Lời trong đức tin, và trở thành một người mẹ”. Nếu không chấp nhận Lời Chúa trước, “cuộc sống và lời rao giảng” của Giáo hội sẽ trở nên “vô nghĩa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giáo lý của mình bằng cách suy ngẫm về câu hỏi của Đức Maria trong Lễ Truyền tin, “Điều này có thể xảy ra như thế nào?” Giáo hội cũng đặt ra câu hỏi tương tự, ngài nói: “Làm sao có thể công bố Chúa Giêsu Kitô và ơn cứu độ của Người cho một thế giới dường như chỉ tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới này?”

'Với Chúa, không có gì là không thể'

Câu trả lời, khi đó và bây giờ, mãi giống nhau, Đức Thánh Cha nói, trích dẫn sách Công vụ: “Bạn sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần”. Đức Thánh Cha nói rằng nếu không có Chúa Thánh Thần, Giáo hội không thể tiến tới, Giáo hội không thể phát triển, Giáo hội không thể rao giảng.”

“Những gì được nói về Giáo hội nói chung đều áp dụng cho mọi người đã chịu phép rửa tội”, Đức Thánh Cha tiếp tục. Khi chúng ta thấy mình “trong những tình huống vượt quá sức mình”, ngài tiếp tục, chúng ta nên “tiếp tục cuộc hành trình của mình với xác tín an ủi này”, bằng cách nhớ lại lời của Thiên thần nói với Đức Maria, “Với Thiên Chúa, không có gì là không thể”. “Và nếu chúng ta tin điều này”, ngài nói, “chúng ta sẽ làm được phép lạ… vì không có gì là không thể đối với Thiên Chúa”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Thế Vận Hội Olympia
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
02:20 07/08/2024
Hình ảnh Thế Vận Hội Olympia

Thế vận hội Olympia mùa Hè XXXIII. được tổ chức từ ngày 26.07. đến 11.08.2024 ở thủ đô Paris bên nước Pháp.

Ngay từ thời thượng cổ năm vào khoảng 776 - 775 trước Chúa giáng sinh (v. Chr.) đã có hội lễ thể thao Olympia kính thờ thần Zeus bên Hy lạp, như sử sách còn ghi chép để lại.

Olympia là hội lễ thể thao có nguồn gốc từ thời cổ xa xưa bên Hy Lạp để tôn kính các Thần Thánh. Người Hy Lạp ngày xưa tổ chức hội lễ thi đấu thể thao vừa để giải trí, vừa nhằm luyện tập thân xác cho khoẻ mạnh tráng kiện, và qua đó tinh thần cũng trở nên tỉnh táo minh mẫn. Và khi đó họ chỉ tổ chức Olympia vào mùa Hè cho các bộ môn thể thao mùa Hè thôi.

Những cuộc tranh tài lễ hội Olympia được tổ chức cứ bốn năm một lần cho tới thế kỷ thứ ba sau Chúa giáng sinh. Vào năm 394 sau Chúa giáng sinh, hoàng đế của đế quốc Roma, Theodosius I. ra chiếu chỉ cấm hẳn những sinh hoạt lễ hội Olympia. Từ thời điểm đó không còn lễ hội thể thao Olympia nữa.

Lễ hội thể thao Olymlia không chỉ chú trọng đến thân thể tráng kiện cùng vui giải trí, nhưng còn chú trọng đến khía cạnh đạo giáo tinh thần. Vì thế giữa các cuộc thi đấu thể thao họ dành giờ rước kiệu ca hát tôn kính các Thần Thánh của người Hylạp. Họ đặt ra luật lệ trong suốt thời gian diễn ra các cụôc tranh tài thể thao không được gây ra chiến tranh xung đột.

Các vận động viên tham dự các cuộc tranh tài phải có bộ mặt vui tươi, và khi luyện tập cũng như khi thi đấu họ phải biểu lộ sự chân thành, cái đẹp cái hay của nghệ thuật không được chơi xấu, vì thể thao là môn nghệ thuật nói lên sự dẻo dai uyển chuyển của thân xác.

Cùng qua hội lễ thi đấu thể thao Olympia có những cuộc gặp gỡ trao đổi tạo nên tình thân hữu với nhau.

Thánh Phaolô ví cuộc sống trần gian của chúng ta là một cuộc chạy đua trên vận động trường trên đường về quê hương trên trời với Thiên Chúa. Phần thưởng đạt được không phải huy chương vàng bạc hay đồng, nhưng là triều thiên chiến thắng không bao giờ hư nát, tức là đời sống hạnh phúc trên trời. ( 1cor 9, 24-25)

Ðến năm 1894 Pierre Baron de Coubertin, người Pháp, đã đưa ý kiến làm sống lại truyền thống thể thao Olympia.

Bá Tước Coubertin sinh ngày 01.01.1863 ở Paris. Ông là người con thứ tư của một gia đình thuộc hàng qúy tộc sinh sống gần khu lâu đài Versailles bên Paris. Ông đã lần lượt học chuyên ngành về Nghệ thuật, ngành Ngôn ngữ học và ngành Luật ở đại học Sorbonne bên Pháp.

Khi ra trường Ông trở thành nhà giáo dục môn sư phạm, nhà nghiên cứu lịch sử,và nhà chuyên môn về thể thao. Ông du lịch qua nhiều nước quan sát học hỏi về sư phạm cũng như thể thao. Sau cùng Ông đã cùng với Thomas Arnold đi đến niềm xác tín về con đường mới trong ngành đào tạo giáo dục nhất là qua môn thể thao làm sao tinh thần và thể xác phải dẫn đưa đến hòa hợp cho toàn thể con người.

Từ năm 1880 Ông đi nghiên cứu khai quật tàn tích lịch sử văn hóa Olympia bên Hylạp thời thượng cổ ngày xưa. Nơi đây Ông đã tìm thấy những ảnh hưởng cùng hứng thú gợi ý trong việc khôi phục làm sống lại Olympia đã bị chết mai một: Olympia góp phần xóa bỏ sự ích kỷ của một dân tộc để biến đổi thành nền hòa bình cho cả thế giới.

Năm 1894 Ông thành lập Ủy ban Olympia quốc tế (ICO) và chính Ông là vị Tổng thư ký tiên khởi. Bá tước De Coubertin qua đời ngày 02.09.1937 ở Geneve, bên Thụy Sỹ. Sau khi qua đời, trái tim của Ông được chôn cất trong đài kỷ niệm Olympia ở bên Thụy Sỹ.

Nhưng Ông là người không đồng ý thành lập Olympia mùa Đông. Vì Ông cho rằng ngay từ thời xa xưa bên Hylạp, nơi là nguồn gốc của Olympia không có tổ chức Olympia mùa Đông. Mãi tới khi Ông Coubertin rút lui khỏi sân khấu ban tổ chức, Olympia mùa Đông mới được khai sinh. Olympia mùa Đông lần thứ nhất được tổ chức 1924 ở vùng Chambonix bên Pháp. Và như Olympia mùa Hè, Olympia mùa Đông cũng được tổ chức bốn năm một lần.

Ngày 06.04.1896 Olympia trong thời đại mới lần thứ nhất được tổ chức ở thủ đô Athen nước Hylạp với sự tham dự của 60.000 người, có 295 nhà thể thao tham dự thi đấu tranh tài đến từ 13 quốc gia trên thế giới.

Hội điền kinh thế giới tổ chức Olympia nhằm khuyến khích phong trào thể thao luyện tập sức khoẻ, khuyến khích các tài năng phát triển qua các cuộc thi đấu treo giải thưởng huy chương cho những ai, những dân tộc nào thắng cuộc, và cổ vũ cho mọi dân tộc xích laị gần nhau qua thể thao.

Nên hình ảnh dấu hiệu của Olympia là năm vòng tròn tượng trưng cho năm châu lục được vẽ hay khắc đan vào nhau như các mắt xích liên kết với nhau. Năm vòng tròn với năm mầu sắc khác nhau nói lên đặc điểm của mỗi châu lục:

- Vòng mầu xanh da trời tượng trưng cho Châu đại dương hay còn gọi là Úc châu.
- Vòng mầu vàng tượng trưng cho Á châu
- Vòng mầu xanh lá cây tượng trưng cho Âu châu
- Vòng mầu đen tượng trưng cho Phi châu
- Vòng mầu đỏ tượng trưng cho Mỹ châu

Năm vòng tròn với năm mầu sắc khác nhau cũng nói lên những đặc tính của Olympia: Hoà bình, Vui tươi, Khoẻ mạnh, Chân thành và Tình bằng hữu.

Năm vòng tròn tượng trưng cho năm châu lục trên thế giới được vể thêu trên lá cờ Olympia nền mầu trắng. Và Bá tước Pierre de Coubertin đã có suy tư về ý nghĩa của sáu mầu lá cờ Olympia “ Hình thể tượng trưng của lá cờ Olympia mang ý nghĩa: Năm mầu sắc của vòng tròn chỉ về năm vùng trái đất địa cầu cùng chung hợp chuyền động nơi lễ hội thể thao Olympia. Mầu thứ sáu ( mầu trắng) trong tương quan với những lá cờ quốc gia của thế giới ngày hôm nay.”

„Thể thao là một ngôn ngữ phổ quát vượt qua biên giới, ngôn ngữ, chủng tộc, quốc tịch và tôn giáo; nó có khả năng đoàn kết mọi người, khuyến khích đối thoại và chấp nhận lẫn nhau; nó kích thích sự vượt qua chính mình, hình thành tinh thần hy sinh, nuôi dưỡng lòng trung thành trong mối quan hệ giữa các cá nhân; nó mời mọi người nhận ra giới hạn của chính mình và giá trị của người khác. Thế vận hội Olympic, nếu chúng vẫn thực sự là “trò chơi”, thì có thể là nơi gặp gỡ đặc biệt giữa các dân tộc, ngay cả những quốc gia thù địch nhất. Năm vòng tròn liên kết với nhau tượng trưng cho tinh thần huynh đệ đặc trưng của sự kiện Olympic và các cuộc thi đấu thể thao nói chung.

Vì vậy, tôi hy vọng rằng Thế vận hội Paris sẽ là một cơ hội không thể bỏ qua để tất cả những người đến từ khắp nơi trên thế giới khám phá và trân trọng lẫn nhau, phá bỏ những thành kiến, nuôi dưỡng lòng quý trọng ở những nơi có sự khinh thường và ngờ vực, cũng như tình bạn ở những nơi có hận thù. Về bản chất, Thế vận hội Olympic là về hòa bình chứ không phải chiến tranh.”(Thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi đức Tổng gíam mục Paris ngày 19.07.2024, Vietctholic news.)

Không chỉ lá cờ Olympia với năm vòng tròn tượng trưng cho năm châu lục được long trọng rước kéo lên cột cờ trên sân vận động Olympia, nhưng ngọn lửa Olympia cũng được rước vào ngày lễ khai mạc, và được đốt cháy sáng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội thể thao Olympia.

Lửa Olympia được lấy trực tiếp từ ánh nắng mặt trời, ở tại chính vận động trường Olympia ngày xưa đã diễn ra Olympia bên Hylap. Ðây là một vận động trường nhỏ ngày xưa thời thượng cổ xây có sân vận động, có nhiều ngôi đền thờ trong khuôn viên để tôn kính thần Zeus. Bây giờ khu vận động trường Olympia lịch sử chỉ còn lại những tàn tích đổ nát.

Và cứ gần tới lễ hội Olympia được tổ chức nơi đâu trên thế giới, lại có lễ lấy lửa Olympia. Ngọn lửa đó được gìn giữ rước vòng quanh các nước, các thành phố cho tới ngày khai mạc Olympia rước vào vận động trường nơi tổ chức Olympia.

Ðức thánh cha Benedicto XVI. đã có suy tư khi làm phép chúc lành ngọn đuốc Olympia tại quảng trường Thánh Phero, lúc ngọn đuốc Olympia hôm 05.02.2006 được rước tới đó.
“ Ngọn lửa này nhắc người tín hữu Chúa Kitô nhớ đến Ngôi Lời Thiên Chúa đã xuống trần gian làm người, cùng chung sống trong mọi hoàn cảnh con người. Vâng có cả thể thao nữa, và đồng thời Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng soi chiếu trong trần gian. Chúa Giêsu con Thiên Chúa đã chấp nhận hóa thành người có thân xác, trừ tội lỗi ra. Ngài đã sống trải qua những chặng biến cố, kể cả thể thao của con người chúng ta dưới sự hướng dẫn soi sáng của Thiên Chúa. Ðể những gía trị của cá nhân cũng như tập thể trên mọi phương diện được thanh luyện và nâng cao.”

Lễ hội thể thao Olympia có những cuộc thi đua tranh tài các bộ môn điền kinh thể thao. Người thắng cuộc được tưởng thưởng hạng nhất bằng Huy chương vàng, hạng nhì Huy chương bạc và hạng ba Huy chương đồng. Tranh tài thuộc về quy luật trong đời sống. Có thế cuộc sống mới phát triển, mới trăm hoa đua nở! Nhưng phải trong tinh thần cao thượng thể thao, tôn trọng sự chân thật.

Thành tích thi đua ở lễ hội thể thao Olympia được tóm tắt với khẩu hiệu: Citius – Altius – Fortius – Nhanh hơn – Cao hơn và khoẻ mạnh dẻo dai hơn!

Mens sana in corpore sano - Tâm hồn lành mạnh trong một thân xác khỏe mạnh!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Hình ảnh niềm hy vọng nhỏ niềm vui lớn.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
02:22 07/08/2024
Hình ảnh niềm hy vọng nhỏ niềm vui lớn.

Trong đời sống niềm hy vọng luôn cần thiết, là điều phải có. Đời sống có niềm hy vọng mới có niềm vui, mới có năng lượng đà sức phấn khởi vươn lên. Kinh nghiệm này ai cũng đã đang cùng sẽ sống trải qua vào mọi không gian thời đại.

Ai cũng nuôi niềm hy vọng cho đời sống mình, và cũng muốn gây mang niềm hy vọng cho người khác nữa. Trong đời sống con người những thử thách hầu như luôn xảy đến nhiều khi như bị qúa tải không biết phải giải quyết vượt qua, tìm ra giải đáp lối thoát làm sao được!

Trước những vấn đề thách đố khó khăn như không sao vượt qua đó, tâm trạng thành ra hoang mang chao đảo không biết có còn tương lai nữa không!

Xưa nay thường nghĩ cho rằng sự nhỏ bé làm sao có đủ sức mạnh giúp làm cho tinh thần đời sống có sức vui mạnh trở lại! Nhưng sự thể lại khác không như suy nghĩ xưa nay.

Trong hoàn cảnh khó khăn như vô vọng đó có thể một sự giúp đỡ rất nhỏ cũng là món qùa tặng lớn lao mang đến cho tinh thần sức sống niềm vui giúp can đảm vươn lên.

Hình ảnh đó được tường thuật lại trong phúc âm ( Gioan 6, 1-15) về quang cảnh Chúa Giêsu dùng Năm chiếc bánh và Hai con cá cho năm ngàn người đang trong lúc đói có thực phẩm ăn no đủ và còn dư thừa 12 thúng.

Nơi địa danh Tabgha nước Do Thái ngày nay có ngôi nhà nguyện kính nhớ phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện. Trên nền cung thánh phía trước bàn thờ có khắc ghép bằng đá hình Mosaic bốn chiếc bánh và hai con cá, bàn thờ kính Chúa Giêsu là chiếc bánh thứ năm, để nhớ lại biến cố ngày xưa Chúa đã làm phép lạ biến 5 chiếc bánh và hai con cá thành lương thực cho năm ngàn người ăn no đủ dư thừa tại nơi này.

Xưa nay khi đọc đoạn Kinh Thánh này thường có những thắc mắc hoài nghi về tính xác thực khả tín của bài tường thuật. Phép lạ là điều vượt khỏi tầm suy nghĩ của trí khôn, vượt khỏi tầm nhìn con mắt con người.

Nhưng đâu là những hình ảnh chất chứa ý nghĩa trong bài tường thuật phép lạ năm tấm bánh nhỏ biến hoá ra nhiều?

Những con số viết thuật lại mang nhiều ý nghĩa hình ảnh biểu tượng: hai con cá và năm chiếc bánh, và 12 thúng.

Con số năm (5) là hình ảnh biểu tượng nói về sự hoàn thiện tròn đầy, đang khi con số hai (2) nói về hình ảnh biểu tượng trời và đất. Những hình ảnh biểu tượng này nói lên Chúa Giêsu, Đấng là con Thiên Chúa, cùng chung sống giữa thiên nhiên với con người.
Hai con số 5 và 2 cộng chung lại thành số bẩy (7) là con số thánh cũng diễn tả Thiên Chúa thực hiện cho xảy ra trong sự thánh đức.

Các Tông Đồ, sau bữa ăn của phép lạ, thu gom lại được 12 thúng giỏ dư thừa. Con số 12 là hình ảnh biểu tượng nói đến 12 chi tộc dân Do Thái. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người thuộc 12 chi tộc dân Do Thái. Và Chúa Giêsu đã tuyển chọn kêu gọi 12 Tông đồ thành lập Giáo hội Chúa ở trần gian.

Phép lạ biến hóa bánh ra nhiều do Chúa Giêsu thực hiện cho con người đang lúc họ đói khát lương thực không phải là một màn trình diễn ảo thuật. Nhưng đó là hình ảnh dấu chỉ mang đậm phẩm chất sắc thái linh thiêng thần thánh trong đời sống con người.

Thiên Chúa muốn ngay trong sinh hoạt hằng ngày gặp gỡ con người, và muốn thực hiện hình ảnh dấu chỉ thánh đức giữa con người.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có suy tư : “Chúa Giêsu Kitô không làm ảo thuật. Ngài không hóa phép cho năm chiếc bánh và hai con cá thành năm ngàn phần rồi nói mang đi mà chia cho đám đông ăn! Không Ngài không làm như thế. Nhưng Chúa Giêsu cầu nguyện, chúc lành cho năm chiếc bánh và hai con cá, và bắt đầu đặt niềm tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa Cha, Đấng là nguồn đời sống, nguồn nuôi sống con người, rồi bẻ ra phân phát cho mọi người. Và lương thực từ năm chiếc bánh và hai con cá không cạn hết. Đây không phải là ảo thuật. Đây là sự tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và vào sự quan phòng của ngài.”
Con người chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa thánh thiêng ẩn chứa nơi những hình ảnh biểu tượng trong thiên nhiên, trong đời sống con người, mà Đấng Tạo Hóa luôn hằng thực hiện nơi công trình sáng tạo thiên nhiên: những sự nhỏ bé. Như cậu bé nhỏ có năm chiếc bánh và hai con cá cũng nhỏ bé cùng qúa ít, được Chúa Giêsu tiếp nhận rồi chúc phúc lành biến hóa thành sự lạ lùng mang lại niềm vui to lớn cho đời sống năm ngàn người đang trong lúc đói có lương thực ăn no đủ dư thừa.
Niềm hy vọng tuy nhỏ, nhưng mang lại niềm vui to lớn mang chiều kích thần thánh cho tinh thần cùng thể xác con người!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Nhớ về Đức Thầy Gioan Baotixita Bùi Tuần
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
02:24 07/08/2024
Nhớ về Đức Thầy Gioan Baotixita Bùi Tuần (1927-2024)

Sau quãng đường hành trình 97 năm trên con đường đời sống gío bụi trần gian, Thiên Chúa nguồn đời sống đã gọi Đức Thầy Gioan Baotixita Bùi Tuần đi sang con đường đời sống khác ở bên kia trần gian.

Đức Thầy Giaon Baotixita nghe theo tiếng Thiên Chúa gọi, từ gĩa trần gian ra đi về đời sau để lại khoảng trống vắng, nỗi buồn thương nhớ tiếc cho những người giáo dân Công Giáo Việt Nam trong giáo phận Long Xuyên, nơi ngài gắn bó suốt dọc đời sống từ năm 1964-2024 trong vai trò là Linh mục giáo sư chủng viện, là Linh hướng chủng viện và Giám mục chính tòa Giáo phận, nhất là cho Linh mục đoàn giáo phận Long Xuyên và các học trò của ngài.

Về thể lý ngài không còn hiện diện với thân xác cùng nụ cười tình thân ái duyên dáng, thiếu vắng hay không còn nữa những bài viết suy tư ngắn gọn, mà lại khúc chiết thời sự mang tính cách tiên tri cùng thâm sâu của ngài chất chứa nội dung chất lượng cao sâu cho đời sống đạo đức tâm linh. Nhưng tinh thần của ngài, nhất là những bài viết nội dung chất liệu suy tư thâm thúy chiều sâu tâm linh cùng văn chương triết học thần học trong sáng, mà ngài từ hơn nửa thế kỷ nay hằng tuần viết sáng tác cho tới ngày cuối cùng đời sống, còn lưu để lại ở trên Internet hay nơi bộ sách Thao Thức gồm 5 quyển.

Phải, đó là một kho tàng tinh thần qúy báu ngài để lại cho trần gian. Kho tàng tinh thần văn chương linh đạo này to lớn với những suy tư thâm sâu mạch lạc, văn phong sáng sủa ngắn gọn của riêng ngài. Phải, có thể nói đó làm một “hiện tượng Bùi Tuần!”. Nó bao gồm hàng ngàn bài viết của ngài cho những dịp, những đề tài khác nhau. Kho tàng văn chương đạo đức tâm linh này là những tinh hoa kinh nghiệm đời sống tu đức phát xuất từ tâm hồn trí óc của ngài cho mọi người, cho thế hệ học trò con cháu đọc suy niệm học hỏi.

Nhớ về người Đức Thầy qúa cố đáng kính Gioan Baotixita Bùi Tuần trong dòng nước mắt nghẹn ngào với lòng biết ơn sâu xa, cùng ngước mắt lên trời cất cao lời kinh tạ ơn Te Deum laudamus lên Thiên Chúa đã sai gửi ngài đến là sứ gỉa tông đồ cho Giáo phận Long Xuyên, là thầy dậy, là linh hướng cho các học trò Linh mục của giáo phận Long Xuyên.

Nhớ về người Thầy vĩ đại đáng kính được Trời cao ban cho tâm trí học hành suy tư thâm sâu uyên bác, gợi nhớ lên trong tâm trí người học trò năm xưa một hai suy tư của ngài về con đường đời sống trong nhiệm vụ sống đức tin giữa lòng xã hội gío bụi trần gian.

-Đức Thầy GB. Bùi Tuần đã khai triển trình bày dựa theo Lời Chúa Giêsu ( Cv 1,8 ) sai đi, ăn khớp với hoàn cảnh đời sống xã hội con người, cùng với kinh nghiệm riêng của ngài, về bản đồ cùng địa chỉ việc truyền giáo:

„ Hãy đi làm chứng cho Ðức Kitô đến tận cùng trái đất.
- Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về địa lý, các vùng sâu vùng xa, các vùng biên giới.
- Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về thời gian, cho đến tận cùng ngày, tận cùng tháng, tận cùng năm, tận cùng thế kỷ.
- Tận cùng trái đất là ranh giới tận cùng về thân phận con người, như các lớp người cùng khổ nhất, cô đơn nhất, bị nhục nhã nhất, bị thiệt thòi nhất.
- Tận cùng trái đất còn là ranh giới tận cùng của các lớp tâm sinh lý sâu thẳm làm nên bản thân mỗi người như tính tình, tiềm thức, vô thức…“ (+ GB. Bùi Tuần, Làm chứng cho Ðức Kitô tới tận cùng trái đất. Bài giảng lễ phong chức hai tân Giám Mục Giuse Kiệt và Giuse Tiếu, Lx 29.06.1999).

Suy tư này khác nào như ánh sáng ngọn đuốc soi chiếu trên con đường sống làm việc mục vụ truyền giáo. Khúc chiết mạch lạc cụ thể hơn, tưởng khó có thể diễn tả được như thế!

-Đã có lần Đức Thầy GB. Bùi Tuần tâm sự về đời sống con người giống như một “con đường được kết hợp nối liền lại với nhau qua từng bước nhỏ của một hành trình dài”. Hay lịch sử đời sống một người tựa như “một tấm thảm dài được kết dệt bện đan chéo vào nhau bằng những sợi chỉ nhỏ mầu sắc khác nhau.”

Con đường đời sống hay tấm thảm lịch sử đời sống làm người trong chiều tương quan với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, trong chiều tương quan giữa con người với nhau, và cùng trong chiều tương quan với nhiên nhiên luôn phải trải qua con đường hạt lúa giống được gieo vãi trên nền đất biến đổi phát triển thành cây xanh tốt có bông hoa trái, như+ GB. Bùi Tuần lý giải:

„ Cái tôi của ta ví như những hạt cây có dầu. Nếu được nghiềm nát ra, nếu được lọc sạch, cái tôi có thể trở thành đầu cbữa bệnh, dầu xức cho thơm, dầu để thắp sáng.

Cái tôi của ta ví như hạt lúa. Nếu chịu thối đi, để góp phần vào những hy sinh của Chúa Giêsu, nó sẽ có phần trong việc mở mang Nước Trời.

Nếu con đường người môn đệ là con đường hạt lúa, thì dù ở bậc nào, dù mang chức quyền nào, dù ở hoàn cảnh nào, gía trị thực sự của ta vẫn phải qui chiếu vào con đường hạt lúa.“ ( Đức Giám Mục GB. Bùi Tuần, Con đường hạt lúa, 19.03.2003).

Suy tư thâm trầm cao sâu như thế tưởng không hơn được!

-Đức Thầy Gioan Bùi Tuần là một nhà đạo đức thần học với nhiệm vụ rao giảng làm chứng cho tin mừng Đức Kitô giữa lòng xã hội trần gian. Vì thế trong suy tư xác tín của ngài môi trường thiên nhiên chiếm chỗ quan trọng làm nền tảng cho nếp sống đức tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa tạo dựng nên môi trường thiên nhiên cho muôn loài trong vũ trụ:

“Từ xa xưa, con người tiền sử đã lặng lẽ thiết lập những liên hệ mật thiết với môi trường. Ðối với họ, sống là sống trong môi trường, sống với môi trường, sống nhờ môi trường, sống từ môi trường.
Cũng từ rất xa xưa, nhiều nhà tư tưởng đã nghiên cứu môi trường, rút ra từ đó những nhận định về các nguyên lý cho nhân sinh quan và vũ trụ quan. Như thuyết Ngũ Hành: Kim mộc thuỷ hoả thổ, thuyết Âm dương.
Cũng từ lâu rồi, nhiều vị thánh đã gắn liền môi trường với đời sống thiêng liêng. Thánh Bênađô coi trái đất như một cuốn sách mở, để mọi người có thể đọc được sự khôn ngoan của Thiên Chúa (De Diversis, 9,1). Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, thánh nhân tiết lộ đã học được nhiều điều hay ho ở các núi đồi, rừng rú (Epistoloe, 106,2). Thánh Tômasô tạ ơn Thiên Chúa đã trao cho loài người hai cuốn sách quý: Một là Kinh Thánh, hai là thiên nhiên (Oeuvres, Éd. Vives, t.29). Thánh Phanxicô Assisi, bổn mạng của môi trường, đã rất thoải mái hát khen Thiên Chúa qua mọi tạo vật, từ mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cho đến chim chóc, cá mú, cây cỏ, hoa màu (Oeuvres latines, Albin Michel, 1959). Thánh Inhagiô tìm Chúa, mến Chúa, phụng sự Chúa trong tất cả mọi loài, mọi sự (Ad amorem). Những cái nhìn trên đây đầy vẻ thanh thản, mở ra một lối sống nội tâm thanh thoát, liên kết hài hoà với thiên nhiên, coi môi trường là một kho báu không những về mặt vật chất, mà cũng về mặt thiêng liêng.” ((+ GB. Bùi Tuần Vấn đề môi trường 7.1995).

Khiêm nhường chân nhận mình là tạo vật trong môi trường sinh sống là cung cách nếp sống của người khôn ngoan có lòng đạo đức biết tôn trọng nguồn gốc cùng lòng biết ơn sâu xa.

-Giáo sĩ theo luật Hội Thánh khi bước qua ngưỡng cửa thất thập cổ lai hy được bề trên giáo hội cho phép đi nghỉ hưu. Đức Thầy GB. Bùi Tuần khi bước sang tuổi 76. năm 2003, đã được Giáo hội chấp thuận cho phép đi nghỉ hưu.

Có thắc mắc nêu ra không biết giáo sĩ đi nghỉ hưu làm gì, tội nghiệp suốt đời làm việc phục vụ nơi giáo xứ, nơi giáo phận, bây giờ sống xa giáo dân gần như cô đơn một mình! Suy nghĩ này đúng cùng chan chứa tình nghĩa con người với nhau. Nhưng lịch sử đời sống con người, như Đức Thầy Bùi Tuần hằng tâm niệm, như một tấm thảm dài được đan bện dệt bằng những sợi chỉ nhỏ to mầu sắc khác nhau. Vì thế ngài đã thố lộ tâm tư về nếp sống của một giáo sĩ đi nghỉ hưu:

“Tôi gọi đời hưu là thời gian tích cực chuẩn bị đón Chúa đến. Trong thời gian chờ đợi này, người giáo sĩ hưu thường xuyên tha thiết với các việc sau đây: Cảm tạ, cảm ơn, cảm nhận, cảm thương và cảm nghiệm.
1/ Chúng tôi cảm tạ Chúa, vì Chúa đã yêu thương chúng tôi cách đặt biệt, khi Người gọi chúng tôi, chọn chúng tôi, sai chúng tôi đi. Người yêu thương chúng tôi mặc dầu chúng tôi tội lỗi, yếu hèn.
2/ Chúng tôi cảm ơn giáo phận, vì giáo phận là gia đình thiêng liêng của chúng tôi.
Khi các thành phần dân Chúa đền ơn đáp nghĩa chúng tôi, chúng tôi hiểu sâu xa về tình yêu giáo phận. Tình yêu này chủ yếu là dành cho những con người cùng được sống chung với nhau trên dòng sông lịch sử thăng trầm. Họ gắn bó với nhau trong tình yêu thương thăng tiến, tha thứ và trung thành.
3/ Chúng tôi cảm nhận rõ ràng những người nâng đỡ chúng tôi. Họ thuộc nhiều thành phần trong Hội Thánh và trong xã hội. Nâng đỡ của họ là thường xuyên, là tế nhị, là lặng lẽ, là vị tha.
4/ Chúng tôi cảm thương sâu sắc mọi mảnh đời trên Quê Hương. Có những ngọt ngào và có những đắng cay. Có những ánh sáng và có những bóng tối. Có những điều xảy ra như dự báo, và cũng có những bất ngờ đau xót.
5/ Chúng tôi cảm nghiệm một cách xác tín về ơn Chúa. Chúa phán: “Không có Thầy, chúng con không làm gì được” (Ga 15,5). Lời đó đã là sự thực trong suốt cuộc đời chúng tôi.
Năm chi tiết trên đây đều được diễn tả qua một ngôn ngữ chung, đó là cảm tình. Vì tình cảm, đối với chúng tôi, là ngôn ngữ dễ hiểu nhất.
Ðể kết, tôi xin mượn lời thánh Phaolô viết gởi giáo đoàn Côrintô: “Không phải vì tự chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được việc gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Chúa” (2 Cr 3,5). ( (+ GB. Bùi Tuần, Tâm sự đời hưu, Long Xuyên 27.12.2008)

Thâm thúy, thân tình chí thiết thấm nhuần tình người cùng lòng tin tưởng vào Thiên Chúa hơn, tưởng khó có thể được như thế!

-Đức Thầy Bùi Tuần từ khi còn thơ bé, lúc cha mẹ bồng ẵm đến thánh đường nhận lãnh làn nước Bí Tích rửa tội ở xứ Cam Lai thuở xưa miền Bắc Việt Nam đã nhận Thánh Gioan Baotixita làm thánh bổn mạng làm gương mẫu cho đời sống đức tin vào Chúa. Tên Thánh Gioan Baotixita gắn liền với cuộc đời của ngài. Càng đi sâu vào con đường đời sống tâm linh, con đường truyền giáo tin mừng của Chúa cho con người giữa lòng xã hội trần gian, Đức Thầy Gioan Baotixita Bùi Tuần càng có nhiều quan tâm chú ý đến lịch sử đời sống Thánh Gioan Baotixita. Phải, ngài có suy niệm sâu xa về linh đạo của vị Thánh này:
„Ðạo đức nơi Gioan Baotixita được nhận thấy ở nhiều nét, đặc biệt ở những điểm sau đây.
Trước hết là lòng khiêm tốn. Ðang khi dân chúng ca tụng ngài như một vị tiên tri cao cả, thì ngài lại xưng mình là kẻ hèn hạ, không đáng cởi dây giầy cho Ðấng Cứu thế sẽ đến sau ngài (x. Mt 3,11). Ðang khi nhiều người tung hô ngài như một vị có bản lãnh dám đứng ra cải cách đạo, thì ngài lại tự nhận mình chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc (x. Ga 1,23).
Cùng với lòng khiêm tốn, đạo đức của Gioan Baotixita chú trọng đến cái tâm. Ngài tập trung việc dọn đường cho Chúa Cứu thế vào sự ăn năn sám hối, rèn luyện lương tâm (x. Lc 3,3). Phải thành tâm thống hối. Phải thực tâm mến Chúa yêu người. Cái tâm phải ngay thẳng, phải trong sáng. Toà án lương tâm nơi mỗi người phải được xây dựng và kiểm tra bởi động lực và mục tiêu chân lý đạo đức.
Từ cái tâm tốt, Gioan Baotixita dấn thân lo cho con người bằng những hành vi phục vụ và những ứng xử xót thương. Ngài khuyên những ai dư ăn dư mặc hãy chia sẻ cho những kẻ thiếu thốn (x. Lc 3,10). Ngài khuyên đừng hà hiếp, đừng vu vạ cáo gian (x. Lc 3,14). Ngài cảnh giác thói quen phô trương cậy mình là con cháu Abraham nhưng trên thực tế lại không đem lại cho đồng bào mình hoa thơm trái tốt thiêng liêng nào (x. Mt 3,7-10). Ðạo đức là xót thương con người, là phục vụ con người bằng những việc làm cứu độ cụ thể, đó cũng là một dấu chỉ đúng đắn để nhận ra chính Ðức Kitô. Có lần Ðức Kitô đã nhắn cho Gioan Baotixita biết tiêu chuẩn đó. (x. Mt 11,2).
Ðể việc phục vụ con người đáp ứng được đúng nhu cầu, nhất là những nhu cầu thiêng liêng, đạo đức, thánh Gioan Baotixita đã nêu cao việc tu thân, sống chay tịnh và chiêm niệm, thường xuyên phấn đấu với chính mình và những khuynh hướng hưởng thụ, an nhàn, như lời Ðức Kitô đã khẳng định: Muốn vào Nước Trời, phải có nhiều cố gắng, phải thực sự phấn đấu từ bỏ chính mình“ (x. Mt 11,12).
Sau cùng, nét đạo đức nổi bật nhất của thánh Gioan Baotixita là đề cao Ðức Kitô. Chỉ Ðức Kitô là Ðấng Cứu thế. Và khi tuyên xưng chân lý đó, Gioan Baotixita đã tự tìm cách để mình mờ nhạt đi. Ngài chủ trương ngài cần phải hạ thấp xuống, và Ðức Kitô cần phải được nâng lên cao (x. Ga 3,30).( (+ GB. Bùi Tuần, Dọn đường cho Đức Kitô bằng đạo đức của Đức Kitô, 24.06.1997).

Thật là một tâm hồn luôn thao thức nỗ lực đi tìm tòi không phải chỉ về lịch sử đời sống của vị Thánh bổn mạng mình, nhưng quan hệ hơn cả là gương sống đức tin của vị Thánh cho đời mình và cho sứ vụ mục tử của mình.

Một người có nếp sống như thế là một người có tâm hồn suy tư nhậy bén cùng tràn đầy năng lựợng sống thức thời!
Sáng sớm ngày 27.07.2024 tin buồn Đức Thầy Gioan Baotixita đã được Thiên Chúa nguồn đời sống gọi ra khỏi con đường đời sống trần gian trở về quê hương trên trời được thông báo rộng rãi đi khắp nơi. Trong yên lặng, lần tìm trong ký ức những kỷ niệm nhớ về ngài, và mở trang báo Công Giáo và dân tộc trên Internet có bài suy tư cuối cùng của ngài viết ngày 24.07.2024. Trong bài suy niệm cuối cùng này tâm tình hy sinh “ thay cho người khác” là trung tâm, như lời trăn trốí từ gĩa trần gian của ngài trước khi nghe tiếng Chúa gọi ra đi:
“Khi có dịp qua Pháp, tôi thường ghé đền thờ kính Trái Tim Chúa ở Montmartre. Bất cứ lúc nào, tôi cũng gặp ở đó một ít người âm thầm cầu nguyện, lặng lẽ hồi tâm, để rồi ra đi dấn thân phục vụ những người đau yếu, già nua, nghèo khổ. Họ lãnh nhận ở đó lửa của Trái Tim Chúa, để biết cầu nguyện thay, đền tội thay và hy sinh mạng sống mình thay cho những người khác.
Một hôm, trong lần gặp riêng Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi thấy ngài mệt mỏi, bước đi khó khăn, tôi liền nói với ngài: “Con xin dâng mạng sống con, thay cho Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha cần sống hơn con”. Ngài quay sang tôi mà nói: “Xin cám ơn hết lòng. Chúng ta hãy vâng theo ý Chúa”. Tôi tin chắc ngài đã được an ủi phần nào. Kinh nghiệm đó giúp tôi đừng ngại cầu nguyện thay, đền tội thay, và sẵn sàng hy sinh mạng sống thay cho người khác.
Khi những “thay cho” đó trở thành hướng đi của đời mình, thì cuộc sống thường ngày sẽ mang màu sắc mới trong từng chi tiết nhỏ. Thí dụ: những ngày này, tôi rất suy sụp về cả thân xác lẫn tinh thần. Tôi cô đơn, mệt mỏi. Chính trong hoàn cảnh đó, ý tưởng cầu nguyện và đền tội thay cho người khác đang giúp tôi sống phần nào như của lễ dâng lên Chúa.” ((+ GB. Bùi Tuần Những “thay cho” mà Chúa muốn, Báo Công Giáo và Dân tộc, ngày 24.07.2024).

Đức Thầy Gioan Bùi Tuần sống ròng rã 97 năm trên trần gian không sống thay cho người khác. Nhưng Đức thầy là Tư Tế của Chúa có nhiệm vụ sống đời cầu nguyện dâng lễ tế tạ ơn cầu nguyện lên Thiên Chúa thay cho dân Chúa. Đó là ơn kêu gọi, là việc Chúa muốn cho đời của Đức Thầy.

Vị Tư Tế GB. Bùi Tuần, dù trên giường bệnh mệt mỏi vào những ngày cuối đời, vẫn trung thành xác tín với sứ vụ chịu đựng đau đớn như của lễ lời “cầu nguyện thay cho” dân Chúa dâng lên Thiên Chúa, mà Chúa muốn ngài sống thi hành.

Thật là một mẫu gương đời sống chân thành cùng trung thành với nhiệm vụ của người tôi tớ được Thiên Chúa kêu gọi tuyển chọn!

Trong những năm tháng cuối đời từ khi đi nghỉ hưu 21 năm nay, tuổi gìa sức yếu với nhiều bệnh tật đau đớn, có lẽ Đức Thầy Bùi Tuần đã có nhiều lần như nghe thấy tiếng nói thầm thĩ trong tâm hồn: „Con hãy nắm lấy tay Ta. Ta là Đấng sinh thành ra con, đã nuôi sống đời con, đã kêu gọi con trở thành linh mục, là giám mục cho Ta. Ta sẽ dẫn đưa con đến bờ bến bình an vĩnh cửu…“
Và có lẽ trong tâm hồn Đức Thầy Bùi Tuần cũng đã nghe tiếng Thiên Chúa nói với mình điều gì đó. Và ngài hằng cầu khấn kêu xin Thiên Chúa tình yêu nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, của Thánh Gioan Baotixita, bổn mạng của mình, xin ơn trợ giúp cho chính mình, cho giáo phận Long Xuyên, cho những người con linh tông, cho những học trò của ngài, cho những người đã nâng đỡ làm ơn cho đời mình.…

Trước ngưỡng cửa sự sống vĩnh cửu bên Thiên Chúa, Đức Thầy Gioan Baotixita trong tâm tưởng lòng tin muốn nói: „Lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa đã kêu gọi ban cho chức thánh linh mục, rồi chức thánh Giám mục cho Giáo hội Chúa ở trần gian. Con xin phó dâng những người thân yêu trong gia đình con, trong Giáo phận Long Xuyên, những người từ hơn 21 năm nay hằng quan tâm chăm sóc việc ăn uống thuốc men, sức khoẻ vệ sinh cho con nhất là từ mấy năm nay khi con đau yếu sức khoẻ yếu kém rất nhiều về cả thể xác lẫn tinh thần, trong bàn tay chan chứa tình yêu thương của Chúa

Đến đây con không còn có thể tiếp tục được nữa. Xin Chúa hoàn tất những gì Chúa đã khởi sự ngày con lãnh nhận làn nước Bí Tích rửa tội đức tin vào Chúa, ngày con được nhận chức thánh Linh mục năm xưa cách đây hơn 69 năm, chức thánh Giám mục trước đây 49 năm.

Lạy Thiên Chúa tình yêu, con xin trao gửi đời con trong đôi bàn tay nhân lành của Chúa, cùng tất cả những gì con đã lãnh nhận, những gì con có. Ngày xưa từ cung lòng mẹ con đi vào đời sống trên trần gian với hai bàn tay không. Bây giờ nghe tiếng Chúa kêu gọi, con trở về bên Chúa cũng với hai bàn tay không. Xin Chúa tha thứ những lỗi lầm khiếm khuyết tội lỗi con đã vấp phạm, và xin đón nhận con. Con là con của Chúa. Con là người đầy tớ vô dụng.“

Và trong thâm tâm vào những năm tháng tuổi đời xế chiều khi đi nghỉ hưu Đức Thầy Bùi Tuần cũng đã có suy niệm tâm tình muốn nói cùng người thân gia đình, cùng giáo dân giáo phận Long Xuyên, cùng các linh mục học trò của mình:

Xin cám ơn sự nâng đỡ cùng tấm lòng yêu thương qúi mến mọi người dành cho tôi trong suốt dọc đời sống của tôi trên trần gian:

Tôi vui mừng hạnh phúc được phục vụ cùng sống đức tin với anh chị em giáo dân ở Giáo Phận Long Xuyên miền đồng bằng sông Cửu Long, được có cơ hội là thầy giáo góp phần vào việc giáo dục đào tạo các linh mục ở chủng viện khi xưa về trí thức và tu đức.

Tôi xin mọi người tha thứ cho tôi, vì những lỗi lầm khiếm khuyết mà tôi đã vấp phạm gây ra làm phiền lòng mọi người.

Sau quãng thời gian dài trên trần gian, Thiên Chúa gọi tôi trở về với Ngài. Tôi sẵn sàng xin vâng nghe tiếng Chúa gọi, và „Xin đừng giữ tôi lại. Thiên Chúa đã cho chuyến đi của tôi thành công, xin cho tôi đi, để tôi trở về với chủ, Thiên Chúa của tôi.“ ( St 24, 56).

Từ hơn 21 năm nay đi nghỉ hưu, tôi hằng tâm niệm về ngày ra đi từ giã khỏi đời sống trần gian:

„- Khi ra đi thân xác còn lại của tôi sẽ được chôn vùi trong lòng đất, rồi sẽ mục nát ra thành cát bụi, như Thiên Chúa đã tạo thành tôi từ bụi đất. Nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Ðấng sinh thành ra tôi.
- Trở thành tro bụi. Nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ linh hồn tôi, Ngài sẽ cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt, như Ngài đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

Thân xác tôi biến hóa thành tro bụi. Nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi. Vì ngài là Cha đời tôi, Ngài hằng yêu mến tôi.Và tôi tin tưởng tâm niệm rằng:

- Những gì ngày xưa tôi học hành nghiên cứu, viết lách xây dựng làm ra, lúc ra đi đến trước tòa Chúa tôi phải bỏ lại tất cả.
- Những gì ngày xưa theo bản tính con người thu góp tích lũy để dành, tôi không mang đi được.
- Nhưng chỉ những gì ngày xưa tôi đã cho đi, lúc đó tôi được nhận lãnh trở lại.

Xin cám ơn và chào vĩnh biệt mọi người ở lại trên trần gian. Xin cầu nguyện cho tôi. Và hẹn ngày chúng ta được cùng xum họp trên nước Chúa nguồn sự sống và tình yêu thương.“

Vâng chúng con xin cám ơn Đức Thầy Gioan của chúng con. Cùng xin cúi đầu trong dòng nước mắt nghẹn ngào thắp sáng “Ngọn nến Mandatum Novum” - Biểu tượng khẩu hiệu Giám mục của Đức Thầy Gioan Baotixita - dâng lời kinh vực sâu cầu nguyện nhớ về Đức Thầy Gioan Baotixita yêu kính.

Đức quốc ngày 28.07.2024

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Cậu học trò cũ.










 
VietCatholic TV
Thứ Trưởng Nga tiết lộ: Ukraine vừa có cơ hội ám sát Vladimir Putin, nhưng Mỹ ngăn chặn vào giờ chót
VietCatholic Media
03:06 07/08/2024


1. Ukraine có cơ hội để lấy mạng Vladimir Putin nhưng Mỹ ngăn chặn vào giờ chót

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Did US Veto Ukraine Plan to Attack Putin's Navy Parade? What We Know”, nghĩa là “Phải chăng Mỹ chống lại kế hoạch của Ukraine tấn công lễ duyệt binh hải quân của Putin? Những gì chúng ta biết”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức hàng đầu của Nga cho biết Mỹ đã phủ quyết âm mưu của Ukraine tấn công cuộc duyệt binh nhân Ngày Hải quân hàng năm của nhà độc tài Vladimir Putin hôm 28 Tháng Bẩy, vừa qua.

Sergei Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, cho biết trong chương trình truyền hình nhà nước rằng Mỹ đã can thiệp vào một âm mưu có thể dẫn đến một “sự leo thang mới”.

Theo lời Thứ trưởng Ryabkov, tình báo Ukraine đang chuẩn bị một hành động khiêu khích chống lại Putin trong cuộc duyệt binh Ngày Hải quân Nga mà ông tham dự vào ngày 28 Tháng Bẩy. Kế hoạch này đã bị chặn đứng sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào ngày 12 Tháng Bẩy.

Ryabkov nói thêm: “Tín hiệu từ lãnh đạo quân sự của chúng ta và bộ trưởng quốc phòng gửi đến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chắc chắn đã có tác động”.

Hôm Thứ Tư, 07 Tháng Tám, các hãng tin Nga, bao gồm cả RT của nhà nước, đồng loạt đưa tin rằng các cơ quan tình báo Ukraine đã chuẩn bị một vụ ám sát Putin và Belousov tại cuộc duyệt binh Ngày Hải quân ở St. Petersburg.

Tờ New York Times ngày 26 Tháng Bẩy đưa tin Belousov đã yêu cầu một cuộc điện thoại với Austin về một hoạt động được cho là bí mật của Ukraine mà Nga tin rằng đã được Washington bật đèn xanh.

Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết các quan chức quốc phòng không hề biết về hoạt động như vậy và rất ngạc nhiên trước tuyên bố của Belousov. Tờ báo không nêu chi tiết về âm mưu bị cáo buộc nhưng cho biết Mỹ đã liên lạc với Ukraine sau cuộc điện thoại.

Kênh Telegram VChK-OGPU, vốn tuyên bố có liên hệ với các cơ quan an ninh của Nga, nhưng vừa bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, dán nhãn là “đặc vụ nước ngoài” vì thường đưa ra các tin tức bất lợi của quân đội Nga, cho biết thêm rằng, theo lời của Thứ trưởng Ryabkov, biệt kích Ukraine không hành động một mình nhưng có sự trợ giúp của các thành phần trong quân đội Nga, những người mong muốn chấm dứt chiến tranh bằng cách lật đổ Putin. VChK-OGPU cho biết một cuộc bắt bớ đang diễn ra ở Nga. Kênh này nhận định rằng không phải ngẫu nhiên mà Thứ trưởng Ryabkov đưa ra tin tức này. Ông ta đang muốn chứng minh với Putin rằng ông ta không dính dáng đến âm mưu hạ sát nhà độc tài.

Putin đã tổ chức một cuộc duyệt binh thường niên đáng chú ý để đánh dấu Ngày Hải quân Nga vào tháng trước. Cuộc diễn hành chính ở Kronstadt đã bị hủy bỏ, trong khi một sự kiện nhỏ hơn rất nhiều diễn ra ở St. Petersburg trên sông Neva.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin, lần đầu tiên cũng không có cuộc duyệt binh nào được tổ chức ở Hắc Hải hoặc ở Novorossiysk “vì lý do an ninh”. Ukraine đã tấn công vào Hải quân Nga trong suốt cuộc xâm lược Ukraine của Putin vào tháng 2 năm 2022, sử dụng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa để tấn công Hạm đội Hắc Hải quý giá của ông.

Trong cuộc phỏng vấn với báo The Sun của Anh tại Kyiv vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng nước ông có mọi quyền giết chết Putin nếu có cơ hội, để bảo vệ Ukraine và người dân nước này sau biết bao đau khổ mà tên bạo chúa đã gây ra.

Zelenskiy nói với tờ báo rằng ông không nhớ số lần Mạc Tư Khoa đã cố gắng ám sát ông kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

“Đó là chiến tranh, và Ukraine có mọi quyền để bảo vệ đất đai của mình”, nhà lãnh đạo Ukraine nói khi được hỏi liệu Kyiv có tận dụng cơ hội để ám sát Putin nếu có cơ hội như vậy hay không.

2. Chỉ huy Ukraine cho biết: Người Nga tránh các trận chiến 'đối đầu' với Bradley của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russians Avoiding 'Head-On' Battles With Ukraine's Bradleys: Commander”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga ở miền đông Ukraine không muốn đối đầu với các phương tiện chiến đấu bộ binh do Mỹ cung cấp trên tiền tuyến, bất chấp những gì họ mô tả là “sự mệt mỏi” đang hành hạ một trong những lữ đoàn nổi bật nhất của Kyiv.

“Người Nga biết Bradley là gì,” một chỉ huy xe thiết giáp Ukraine, tên là Kristmas, cho biết trong nhận xét được Lữ đoàn cơ giới 47 dày dặn kinh nghiệm chiến đấu của Ukraine đăng tải trên mạng xã hội hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám. “Họ không muốn gặp trực tiếp cỗ máy này. Có lẽ tôi cũng sẽ không muốn nếu tôi là họ.”

Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine, nằm sâu trong các điểm nóng giao tranh ở miền đông Ukraine, là đơn vị duy nhất được biết đến là đơn vị vận hành các phương tiện chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ tài trợ, cũng như xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ.

Theo tài liệu của Ngũ Giác Đài, Mỹ đã gửi hơn 300 chiếc Bradley tới Ukraine, cùng với 4 xe hỗ trợ Bradley.

Một chỉ huy của Lữ đoàn cơ giới 47 nói với Newsweek vào Tháng Giêng năm 2024 rằng binh lính Nga “sợ” tiến hành các chiến dịch “khi họ biết rằng một chiếc Bradley sẽ chống lại họ”.

Trên hàng trăm dặm chiến tuyến trải dài qua miền đông Ukraine, xe thiết giáp và xe tăng của cả hai bên đều cảnh giác trước hỏa lực pháo binh của bên kia, đồng thời họ cũng phải đề phòng các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa sắp tới.

Sáng kiến Mặt trận Thép, một nỗ lực có sự tham gia của một số doanh nghiệp do tỷ phú Ukraine Rinet Akhmetov chỉ đạo, đã phát triển các kết cấu kim loại để bảo vệ xe Abrams, và giờ là xe Bradley, khỏi máy bay điều khiển từ xa có góc nhìn thứ nhất gây nổ của Nga.

Oleksandr Myronenko, giám đốc điều hành của Tập đoàn Metinvest, nói với Newsweek rằng một màn hình trượt mới sẽ được trang bị cho xe Bradleys đã “thành công trong thử nghiệm” vào cuối tháng trước.

Myronenko nói: “Máy bay điều khiển từ xa ở thời điểm hiện tại là mối nguy hiểm lớn nhất đối với xe tăng và bất kỳ loại xe thiết giáp nào mà quân đội Ukraine sử dụng”. Ông cho biết thêm vào tháng 6 rằng máy bay điều khiển từ xa FPV có thể làm hỏng một phần của xe tăng, bao gồm cả việc làm bất động phương tiện, khiến xe tăng tiên tiến của phương Tây trở thành mục tiêu cho một cuộc tấn công tiếp theo của máy bay điều khiển từ xa, hoặc hỏa tiễn chống tăng và pháo binh.

Lữ đoàn cơ giới số 47 cho biết hôm Chúa Nhật: “Pháo binh Nga luôn làm việc” để truy tìm Bradleys, “nhưng vấn đề chính là máy bay điều khiển từ xa kamikaze”.

Lữ đoàn cho biết: “Ngày càng có nhiều và đối phương đang phát triển máy bay điều khiển từ xa rất năng động”.

Lữ đoàn cho biết các chiến binh của lữ đoàn 47 đã bị sa lầy ở phía tây thành phố Avdiivka do Nga nắm giữ trong 10 tháng và “sự mệt mỏi là những gì bạn có thể nhìn thấy trên khuôn mặt các binh sĩ của chúng tôi”.

Nga đã giành được lãnh thổ ở miền đông Ukraine một cách chậm rãi nhưng đều đặn kể từ đầu năm, tuyên bố chủ quyền với Avdiivka vào tháng 2 năm 2024 và di chuyển về phía tây trong những tháng kể từ đó.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa đã tiến về phía thành phố phòng thủ chiến lược Pokrovsk và Ukraine liên tục báo cáo về các cuộc đụng độ ác liệt dọc theo khu vực này của tiền tuyến. Nga đã mở một mặt trận mới ở khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine vào đầu tháng 5 và Ukraine cho biết cuộc tấn công xuyên biên giới mới được thiết kế để làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của Kyiv ở phía đông.

3. Zelenskiy nói: Ukraine muốn thành lập liên minh để bắn hạ hỏa tiễn Nga

Hôm Thứ Ba, 06 Tháng Tám, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Kyiv sẽ thảo luận với NATO về việc thành lập một liên minh gồm các quốc gia giúp bắn hạ hỏa tiễn của Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Hỏa tiễn hoặc máy bay điều khiển từ xa của Nga đã nhiều lần xâm nhập không phận Ba Lan và Rumani và các mảnh vỡ của chúng đã được tìm thấy trên lãnh thổ của hai quốc gia NATO giáp biên giới Ukraine.

Warsaw và Bucharest đã nhiều lần điều chiến đấu cơ bảo vệ không phận của mình khi lực lượng Nga tiến hành các cuộc tấn công trên không quy mô lớn vào Ukraine, nhưng các máy bay này chưa bao giờ được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu này.

“Chúng ta phải nghiên cứu khả năng kỹ thuật của việc sử dụng chiến đấu cơ từ các nước láng giềng để chống lại hỏa tiễn Nga bắn trúng Ukraine theo hướng các nước láng giềng của chúng ta. Trước hết là các quốc gia trong liên minh”.

Tổng thống gọi động thái như vậy là “một trách nhiệm rất lớn” có thể gây khó khăn cho các đối tác, nhưng ông giao nhiệm vụ cho các nhà ngoại giao tổ chức một cuộc họp Hội đồng NATO-Ukraine để thảo luận về vấn đề này.

Ông nói thêm: “Tôi muốn thử công cụ này để các nước NATO có thể thảo luận với Ukraine về khả năng thành lập một liên minh nhỏ gồm các nước láng giềng sẽ bắn hạ hỏa tiễn của đối phương trên lãnh thổ Ukraine”.

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski hồi giữa tháng 7 cho biết Warsaw đang xem xét đề xuất của Kyiv về việc bắn hạ hỏa tiễn Nga bay về phía lãnh thổ Ba Lan khi chúng vẫn còn trong không phận Ukraine. Đề xuất này được đưa vào thỏa thuận an ninh được ký kết giữa hai quốc gia.

Ý tưởng này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các thành viên NATO khác. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết việc bắn hạ máy bay điều khiển từ xa hoặc hỏa tiễn của Nga trên bầu trời Ukraine là “không thể xảy ra”, trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngụ ý rằng một bước đi như vậy sẽ kéo liên minh vào cuộc chiến.

Các video lan truyền trên mạng xã hội hai tuần trước cho thấy lực lượng phòng không Rumani bắn hạ máy bay điều khiển từ xa của Nga trong cuộc tấn công vào Ukraine, nhưng Bucharest đã bác bỏ tuyên bố này vì sợ lôi thôi với Nga.

4. Báo cáo cho biết mạng lưới hỏa xa Nga đối mặt với 'sự sụp đổ sắp xảy ra'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Railway Networks Facing 'Imminent Collapse': Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Một kênh Telegram của Nga đưa tin, Công ty Hỏa xa quốc doanh Nga đang phải đối mặt với “sự sụp đổ sắp xảy ra” trong bối cảnh thiếu đầu máy xe lửa, do các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với cuộc chiến ở Ukraine.

Các lệnh trừng phạt đã góp phần gây ra tình trạng thiếu ổ bi ở Nga, ảnh hưởng đến việc bảo trì đầu máy xe lửa ở nước này. Báo Vedomosti và Kommersant của Nga đưa tin vào tháng 2 và tháng 3 năm nay rằng điều này đã dẫn đến sự gia tăng trục trặc trên các đoàn tàu trong mạng lưới và tăng số lượng phương tiện bị đình chỉ.

Kênh VChK-OGPU, được nhiều người cho là có quan hệ với các cơ quan an ninh Nga, hôm thứ Hai trích dẫn một nguồn tin giấu tên, đưa tin rằng phó giám đốc mạng lưới hỏa xa Sergei Kobzev đã nói với cấp dưới của mình tại một cuộc họp nội bộ “rằng tình hình rất nguy kịch”.

Kênh này cho biết: “Sự sụp đổ hoàn toàn của toàn bộ mạng lưới hỏa xa trong nước có thể xảy ra trong vài ngày tới”. “Các lãnh đạo hỏa xa Nga đã được lệnh làm việc đến mức kiệt sức. Những người không thể đương đầu sẽ bị đe dọa sa thải. Đây chính là động lực.”

Bộ Tư pháp Nga hồi đầu tháng này đã bổ sung VChK-OGPU vào danh sách “đặc vụ nước ngoài” vì tội “phổ biến thông tin sai lệch nhằm tạo ra hình ảnh tiêu cực về quân đội Nga”.

Igor Sushko là một blogger quân sự người Ukraine và là giám đốc điều hành của Nhóm Nghiên cứu Làn gió Thay đổi. Anh ta chia sẻ những gì anh ta cáo buộc là một đoạn âm thanh bị rò rỉ về cuộc gặp giữa Kobzev và cấp dưới của anh ta, trong đó anh ta nói rằng “Mạng lưới hỏa xa của Nga đang trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn”.

“Chúng ta cùng nhau lập kế hoạch; Chúng ta còn bốn ngày nữa là mạng lưới hỏa xa ngừng hoạt động hoàn toàn,” Kobzev được tường trình đã nói như trên.

“Không còn những thứ như 'đây là đoạn hỏa xa của tôi;' không có gì. Chúng ta đã bước vào một khu vực trong đó bạn thực hiện nhiệm vụ một cách chính xác và nó sẽ được kiểm tra sau một hoặc hai giờ xem bạn có hoàn thành nhiệm vụ hay không và chúng tôi điều chỉnh đường lối của mình với một thái độ khác và chúng tôi sẽ khôi phục về trạng thái bình thường và chỉ sau đó bạn có thể thảo luận xem đâu là 'phân đoạn của bạn', HOẶC công việc sẽ được người khác hoàn thành và khởi động nhanh chóng và đáng tin cậy”, phó giám đốc Hỏa xa Nga cho biết trong cuộc họp.

Kobzev nói thêm: “Tôi hứa với bạn rằng nếu chúng ta làm việc chăm chỉ trong kỳ nghỉ và chúng ta sẽ có một kỳ nghỉ, theo đúng nghĩa đen, với những giọt nước mắt.”

Hỏa xa Nga vào năm 2023 đã báo cáo rằng số lượng chuyến tàu bị đình chỉ do các vấn đề với đoàn tàu của họ đã tăng hơn gấp đôi lên 42.600 chuyến trong bối cảnh thiếu các bộ phận quan trọng. Điều này là do “việc bảo trì đội đầu máy không đầy đủ”, Kommersant đưa tin vào tháng 3.

Phát ngôn nhân của Hỏa xa Nga nói với Vedomosti vào tháng 2 rằng vấn đề “trở nên đặc biệt nghiêm trọng” vào quý cuối cùng của năm 2023.

Các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, gọi tắt là CSIS, ở Washington, DC, cho biết vào tháng 4 năm 2023 rằng tình trạng thiếu ổ bi ở Nga đang gây ảnh hưởng dây chuyền đến việc sản xuất xe hơi.

Nhà sản xuất vòng bi Thụy Điển SKF Group đã ngừng mọi hoạt động kinh doanh và hoạt động tại Nga để ứng phó với cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 4 năm 2022. Công ty này đã hoạt động ở nước này từ năm 1991.

Các nhà phân tích của CSIS cho biết: “Trong lịch sử, Nga đã nhập khẩu hầu hết vòng bi phẩm chất cao từ các nhà sản xuất phương Tây”. “Ví dụ, vào năm 2020, Nga đã nhập khẩu vòng bi trị giá hơn 419 triệu Mỹ Kim, khoảng 55% trong số đó có nguồn gốc từ Âu Châu và Bắc Mỹ; Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 17% tổng lượng nhập khẩu trong năm đó.

Các nhà phân tích cho biết: “Sau khi bắt đầu cuộc xâm lược, các nhà sản xuất vòng bi lớn của phương Tây đã rời khỏi Nga và kết thúc hoạt động bán hàng của họ ở đó”.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tạo ra sự thiếu hụt các phụ tùng nước ngoài cao cấp hơn và buộc Mạc Tư Khoa phải thay thế chúng bằng các sản phẩm thay thế phẩm chất thấp hơn.

Các nhà phân tích cho biết thêm: “Hiện tại, những nỗ lực của Mạc Tư Khoa trong việc thay thế nhập khẩu do nhà nước hậu thuẫn phần lớn vẫn không thành công”.

5. Cựu đại diện NATO cảnh báo phương Tây 'không có chiến lược' để chấm dứt chiến tranh Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “West Has 'No Strategy' for Ending Ukraine War, Warns Ex-NATO Representative”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga tiếp tục chuyển sang chiến tranh tiêu hao, một số chuyên gia tin rằng phương Tây thiếu một kế hoạch gắn kết và hiệu quả để đưa cuộc xung đột đi đến hồi kết mang tính quyết định.

Theo Viện Kiel, tính đến ngày 30 tháng 4, Mỹ và Âu Châu đã phân bổ khoảng 176 tỷ euro để hỗ trợ Ukraine. Trong khi hỗ trợ tài chính và quân sự có ít dấu hiệu giảm sút, thì có thể khoản viện trợ này vừa quá ít vừa quá nhiều. Theo các nhà phân tích, sự muộn màng trong các quyết định đã cản trở cơ hội giành chiến thắng của Ukraine.

John Lough là cộng tác viên tại Chương trình Nga và Á-Âu của Chatham House ở Luân Đôn, và trước đây từng là đại diện của NATO tại Mạc Tư Khoa.

Lough nói với Newsweek: “Các nước phương Tây vẫn sẵn sàng hỗ trợ Ukraine nhưng họ không có chiến lược chấm dứt chiến tranh”. “Họ đã bỏ lỡ cơ hội vào năm 2022 để cung cấp cho Ukraine những gì họ cần trước khi người Nga lao vào và bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài.”

Nhận xét của Lough là để đáp lại việc Ukraine giao lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên vào tuần trước, mà Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm Chúa Nhật cho biết đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, Lough nói rằng: “Theo quan điểm của tôi, một câu hỏi quan trọng hơn nhiều là liệu Mỹ, Anh và Pháp có dỡ bỏ các hạn chế sử dụng hỏa tiễn của họ để cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga hay không”.

Khi Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên đưa ra cam kết cung cấp cho lực lượng không quân Ukraine các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất, ông nói rằng điều này với điều kiện là những máy bay này sẽ không được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở Nga.

Lough nói: “Phương Tây vẫn lo ngại về những rủi ro leo thang ngắn hạn hơn là hậu quả lâu dài của việc Ukraine thua cuộc trong cuộc chiến”.

Lough trước đây là đồng tác giả của một báo cáo tháng 6 năm 2023 có tựa đề “Làm thế nào để kết thúc cuộc chiến của Nga với Ukraine”, trong đó ông lập luận rằng phương Tây nên “chứng minh cho Điện Cẩm Linh rằng họ sẽ dành các nguồn lực cần thiết để bảo vệ nền độc lập của Ukraine”.

Timothy Ash, một cộng sự tại Chatham House và một người đóng góp khác cho báo cáo, lặp lại mối quan ngại của Lough và nói rằng sự đồng thuận chung là phương Tây đã quá thận trọng trong việc cung cấp cho quân đội Ukraine.

Ash nói với Newsweek: “Tôi nghĩ hầu hết những người theo dõi Ukraine - tôi đã đưa tin về Ukraine trong 36 năm - đều cảm thấy thất vọng với sự thận trọng quá mức khi nói đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine”.

Ash nói: “Những gì chúng ta đáng lẽ phải biết về Putin trong 2,5 năm qua là ông ấy lo sợ về một cuộc xung đột trực tiếp với NATO vì Nga sẽ thua bất kỳ cuộc chiến thông thường nào ở đó rất nhanh”. “Và do đó thực ra chẳng có cái gọi là ranh giới đỏ của ông ấy về việc cung cấp vũ khí cho NATO cho Ukraine”

Ông nói thêm: “Chúng ta nên tăng tốc tối đa và cung cấp cho Ukraine đầy đủ các trang thiết bị thông thường cần thiết để tự vệ”. “Đó là cách dễ nhất để răn đe Putin.”

Hôm Chúa Nhật 17 Tháng Mười Hai, 2023, tại Diễn Đàn An Ninh Thế giới, Tướng Ben Hodges đã đưa ra nhận định sau:

“Khi chúng ta viện trợ cho Ukraine, Nga thường xuyên đề cập đến những lằn ranh đỏ kích hoạt vũ khí hạt nhân. Nhưng trong thực tế, chẳng có điều gì sẽ xảy ra, vì họ lo ngại chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta ngưng, Putin nhận ra sự thiếu quyết đoán của chúng ta, trong khi đó, người Ukraine vẫn có khả năng cầm chân quân Nga như họ đã làm 8 năm trước cuộc xâm lược toàn diện của Putin. Ông ta sẽ cảm thấy áp lực kết thúc cuộc chiến bằng mọi giá kể cả dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trong bối cảnh đó, NATO không thể không can thiệp trước nguy cơ nhiễm phóng xạ.”

6. Các nhà lập pháp Washington hy vọng các lãnh đạo phe đối lập được thả sẽ làm sống lại phong trào chống Putin ở Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Washington lawmakers hope released opposition leaders revive anti-Putin movement in Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Các chính trị gia ở Washington - háo hức chờ đợi bất kỳ tín hiệu nào cho thấy sự nắm quyền của Putin có thể bị phương hại - nói rằng họ hy vọng những người bất đồng chính kiến được trả tự do trong cuộc trao đổi tù nhân tuần trước có thể tiếp thêm sinh lực cho phe đối lập Nga.

Cộng tác viên đoạt giải Pulitzer của Washington Post Vladimir Kara-Murza, Ilya Yashin, Andrei Pivovarov, là ba trong số những nhân vật đối lập nổi bật nhất trong một cuộc trao đổi, cũng đã trả tự do cho một số cộng sự của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny - người đã chết trong một nhà tù ở Nga vào tháng 2..

Kể từ khi Navalny qua đời, một số phe đối lập ở Nga ngày càng trở nên chán nản và chia rẽ. Nhiều người Nga trẻ tin rằng Navalny đại diện cho cơ hội cuối cùng của họ cho sự thay đổi tự do, dân chủ.

Thượng nghị sĩ Thom Tillis cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng việc trao đổi tù nhân là một “cuộc trao đổi tốt” và bày tỏ hy vọng rằng Yashin, Kara-Murza và những người khác sẽ có thể tiếp tục thông điệp dân chủ của Navalny khi họ không còn nữa. ở sau song sắt lâu hơn.

Tillis nói: “Các tù nhân đối lập Nga đã được thả, họ có cơ hội để khuếch đại tiếng nói đó.

“Và đó là điều mà tôi nghĩ gây được tiếng vang hơn những gì hầu hết mọi người nghĩ ở Nga,” ông nói thêm. “Chúng ta cần vượt qua Putin và những tên côn đồ đang điều hành đất nước của ông ta ngay bây giờ.”

Tuy nhiên, cũng có khả năng việc hoán đổi có thể làm suy yếu phong trào đối lập. Bản thân Navalny đã trở lại Nga vào năm 2021 sau một âm mưu ám sát - biết rằng mình có khả năng bị bắt - vì ông nói rằng mình có thể là tiếng nói hiệu quả hơn chống lại Putin ở trong nước, ngay cả khi ngồi sau song sắt. Yashin và một số thành viên đối lập khác bày tỏ sự tức giận và thất vọng khi được ra tù, nói rằng họ không đồng ý rời khỏi Nga và muốn ở lại đất nước của mình.

Yashin cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng ông đã chiến đấu cho đến ngày cuối cùng để ở lại Mạc Tư Khoa, coi mình là “một chính trị gia Nga, một người Nga yêu nước và một công dân Nga có vị trí ở Nga”.

Putin đã sử dụng cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine để nâng cao tình cảm yêu nước và ông có thể lợi dụng việc trao đổi tù nhân để miêu tả Yashin, Kara-Murza và các thành viên khác của phe đối lập là những đặc vụ phương Tây mà người Mỹ và người Đức đang khao khát tiếp nhận đến mức sẵn sàng trả lại cho Nga các điệp viên và sát thủ người Nga.

Trong khi các phong trào đối lập thường lúng túng khi phải sống lưu vong, những người theo dõi Nga ở Washington cho rằng có khả năng đây sẽ là một ngoại lệ.

Michael McFaul, người từng là đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời chính quyền Obama, nói rằng “Kara-Murza và Yashin là hai trong số những nhà lãnh đạo chính trị Nga tài năng và dũng cảm nhất của Nga”.

Ông nói thêm: “Tôi không nghi ngờ gì rằng sự tự do của họ giờ đây sẽ mang lại nguồn năng lượng mới và sự tập trung cho phong trào dân chủ ở Nga”.

Mặc dù Kara-Murza được biết đến rộng rãi hơn ở Hoa Kỳ và Âu Châu, Yashin, 41 tuổi, được coi là chính trị gia đối lập được yêu thích nhất ở Nga.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy nhấn mạnh rằng quyết định đưa những người bất đồng chính kiến này vào thỏa thuận cũng cho thấy Mỹ và phương Tây sẽ có mặt để hỗ trợ những người chấp nhận rủi ro nhằm đẩy lùi Putin và các chế độ độc tài nói chung.

“Tất nhiên, nó nói lên một chính sách rất thông minh của chính quyền này, đó là ưu tiên người Mỹ nhưng cũng nhận ra rằng chúng ta không thể đứng lên vì dân chủ trên toàn cầu nếu chúng ta không ủng hộ những người đấu tranh cho tự do ở những nơi như Nga,” Murphy nói.

Và có khả năng thực sự là những nhà lãnh đạo này sẽ chết sau song sắt và Mạc Tư Khoa đã ngăn cản thông điệp của họ được đưa ra ngoài. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm dấy lên mối lo ngại trong vòng trong của Navalny rằng họ đã đánh giá thấp mức độ mà bọn cầm quyền Putin có thể tra tấn hoặc giết các thành viên phe đối lập đang bị bỏ tù. Và cái chết của Navalny đã nhận ra nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của họ.

Kara-Murza nói trong cuộc điện đàm với Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm: “Tôi đã từng chắc chắn rằng mình sẽ chết trong tù. Tôi chỉ muốn ngài biết rằng ngài đã làm được một điều tuyệt vời khi cứu được rất nhiều người.”

Các thành viên đối lập được trả tự do giờ đây sẽ cố gắng truyền bá những giá trị tương tự đó ở Nga. Fiona Hill, một chuyên gia lâu năm về Nga, từng làm việc trong ba chính quyền tổng thống Mỹ, cho biết liệu họ có thành công hay không “phụ thuộc vào những gì họ làm và cách họ tự tổ chức”.

“Mục tiêu của tôi là trở lại Nga,” Yashin nói trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu. “Mục tiêu của tôi là một nước Nga tự do và hạnh phúc.”

“Tôi đã cống hiến cả cuộc đời mình cho điều đó và tôi sẽ tiếp tục cống hiến cuộc đời mình cho điều đó,” anh nói thêm.

7. Trung Quốc khoe máy bay điều khiển từ xa mới cải trang thành chim

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “China Shows Off New Drones Disguised as Birds”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một đoạn video mới được công bố cho thấy một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nổi tiếng của Trung Quốc sử dụng máy bay điều khiển từ xa mô phỏng sinh học cải trang thành một con chim nhỏ trong một cuộc thi bắn súng ở nước này.

Đoạn phim quay bằng máy bay điều khiển từ xa giống chim đã được truyền hình trực tiếp bởi các phương tiện truyền thông liên kết với quân đội Trung Quốc hôm thứ Năm, tình cờ là ngày nước này hàng năm kỷ niệm ngày thành lập lực lượng vũ trang của mình — Quân đội Giải phóng Nhân dân, hay PLA.

Theo báo cáo, học viện bộ binh của quân đội Trung Quốc đã tổ chức một sự kiện bắn súng cho lực lượng đặc nhiệm của nước này được giao cho quân đội và cảnh sát vũ trang, nơi họ tập trung lại để trình diễn “các sự kiện bắn súng đặc biệt” và bắn nhiều loại súng.

Một trong những thí sinh là Biệt kích Giao Long của Thủy quân lục chiến Trung Quốc. Theo một báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc vào năm 2019, người ta tuyên bố rằng đơn vị này, tương tự như lực lượng SEAL tinh nhuệ của Hải quân Hoa Kỳ, có khả năng trên không, trên bộ, trên biển và dưới nước.

Trong bức ảnh này được lấy từ video do các phương tiện truyền thông liên kết với quân đội Trung Quốc công bố vào ngày 1 tháng 8, một máy bay điều khiển từ xa giống chim được Bộ đội Giao Long của Thủy quân lục chiến nước này thả ra trong một cuộc thi bắn súng. quân đội Trung Quốc

Giao Long, có nghĩa là rồng biển trong tiếng Anh, đã tham gia di tản công dân Trung Quốc và nước ngoài khỏi Yemen trong cuộc nội chiến ở đó vào năm 2015. Trung Quốc cho biết đây là lần đầu tiên họ sử dụng quân đội để di tản công dân nước ngoài khỏi vùng chiến sự.

Đơn vị có trụ sở tại thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam ở Biển Đông, nổi tiếng nhờ Operation Red Sea, một bộ phim chiến tranh hành động của Trung Quốc phát hành năm 2018.

Đoạn phim cho thấy, trong sự kiện bắn súng, một người nhái Trung Quốc được giao nhiệm vụ cho Đội biệt kích Giao Long đã thả một chiếc máy bay điều khiển từ xa giống chim ra khỏi tay sau khi nổi lên khỏi mặt nước. Chiếc máy bay điều khiển từ xa, giống như loài chim sẻ Á-Âu, đang vỗ cánh khi bay vòng vòng trên bầu trời.

Theo các nhà quan sát quân sự Trung Quốc, chiếc máy bay điều khiển từ xa này được phân loại là máy bay mô phỏng sinh học thu nhỏ, một phương tiện bay bằng cách vỗ cánh giống như chim và côn trùng. Do có hình dáng thực tế nên loại máy bay điều khiển từ xa này có tiềm năng ứng dụng trong quân sự.

So với các máy bay điều khiển từ xa thông thường, chim bay có độ bền, tải trọng và tầm hoạt động kém hơn, nhưng chúng có thể dễ dàng bị che giấu do kích thước cực kỳ nhỏ. Điều này khiến chúng trở thành công cụ hoàn hảo cho các lực lượng hoạt động đặc biệt thực hiện trinh sát bí mật.

Trung Quốc đã và đang phát triển công nghệ máy bay ornithopter. Vào tháng 3, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Tây Bắc của Trung Quốc đã giới thiệu một con chim ưng nhỏ có tên là “Chim ưng nhỏ” đang bay trong một cuộc thử nghiệm gần đây được cho là có những ứng dụng sâu rộng.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc cho biết loại máy bay này phù hợp cho các nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thậm chí là tấn công chính xác trong các hoạt động đặc biệt. Nó cũng sẽ làm tăng sự phức tạp trong nỗ lực của đối phương nhằm phát hiện nó một cách hiệu quả trên chiến trường.

Trong khi đó, chiếc máy bay điều khiển từ xa giống chim được Đội biệt kích Giao Long sử dụng đã thu hút sự chú ý ở Ukraine, nơi quân đội Nga và Ukraine tiến hành chiến tranh bằng máy bay điều khiển từ xa một cách mạnh mẽ.

Tờ báo Ukraine Kyiv Post cho biết một chiếc máy bay điều khiển từ xa siêu nhỏ giống chim sẽ khó phát hiện và phân loại là mối đe dọa. Các máy bay điều khiển từ xa tương tự được trang bị máy quay video hồng ngoại và kết nối vô tuyến đã cho thấy tính hiệu quả của chúng trong khả năng giám sát và trinh sát trong chiến tranh.

Sự phát triển của máy bay điều khiển từ xa giống chim có thể bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh, khi Hoa Kỳ và Liên Xô cố gắng do thám lẫn nhau bằng các nền tảng thu thập thông tin tình báo trên không. Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã phát minh ra Aquiline vào những năm 1960.

Theo CIA, Aquiline là chiếc đầu tiên thử nghiệm khái niệm máy bay điều khiển từ xa. Nó dựa trên nghiên cứu về đặc điểm bay của các loài chim và được hình dung như một phương tiện tầm xa có thể cung cấp cơ hội tiếp cận môi trường hoạt động thù địch một cách an toàn và lén lút.

Cơ quan này tuyên bố rằng Aquiline có thể có các khả năng như chụp ảnh và hỗ trợ các hoạt động của đại lý tại chỗ. Tuy nhiên, chiếc máy bay điều khiển từ xa giống chim này chưa bao giờ ở trạng thái hoạt động.