LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Lc 1, 26-38

Bài Tin mừng Lễ Mân Côi hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đức Ma-ri-a trong bối cảnh của ngày Truyền Tin, khởi đầu cho mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa hiện diện trong cung lòng Đức Nữ trinh, thực hiện chương trình Cứu chuộc nhân loại.

Khác với việc truyền tin cho Da-ca-ri-a, diễn ra trong sự huy hoàng của Đền thờ Giê-ru-sa-lem, xảy ra trong phiên dâng hương Đền thờ của Tư tế Da-ca-ri-a để rồi chương trình của Thiên Chúa được thực hiện trước hết qua việc “Vị Tiên tri của Đấng Tối Cao” xuất hiện, loan báo Đấng Cứu thế sẽ đến; Sứ thần Gab-ri-el truyền tin cho Đức Ma-ri-a ở một nơi thật khiêm tốn trong “một thành xứ Ga-li-lê” trong gian nhà đơn sơ tại Na-za-rét. Đây là một khung cảnh tuyệt vời, trong đó mầu nhiệm cao siêu nhất lại sát cánh với sự nghèo khó trần trụi nhất.

Trái với tôn ti thứ bậc thời đó, Đức Ma-ri-a được nêu tên đầu tiên như người nhận sứ điệp của Thiên Chúa. Thánh Lu-ca đã hai lần nhấn mạnh người thiếu nữ này là một trinh nữ. Từ Trinh nữ ở đây phải hiểu như thế nào?

Trinh nữ tiếng Hy-lạp là Par-the-nos: chỉ mọi thiếu nữ mặc nhiên được coi là đồng trinh. Điều này càng được khẳng định cách vững chắc trước câu nói của Đức Me với sự thần: “Việc ấy xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

Đấng đẩy ân sủng được coi là danh hiệu của Đức Mẹ, vì được Thiên Chúa đặt tên. Chúng ta thấy kiểu nói này chỉ gặp hai lần trong Kinh thánh (x. Hc 18,17; Ep 1,16) để chỉ đặc sủng của nhà vua và lòng sủng ái của người yêu. Đây chính là ân sủng và lòng ưu ái nhưng không mà Thiên Chúa đã dành cho mẹ Như vậy là, tôn danh cao quý mà Đức mẹ nhận được từ nơi Thiên Chúa một lần nữa cho thấy vai trò hết sức quan trọng của mẹ trong sức điệp Truyền tin cũng như trong suốt chiều dài lịch sử Cứu độ xuất phát từ thánh ý Thiên Chúa.

Trước sứ điệp của sứ thần, chúng ta thấy là Đức Mẹ chỉ bối rối chứ không sợ hãi như trường hợp Da-ca-ri-a. Sự sợ hãi và nghi ngờ pha chút giễu cợt của Da-ca-ri-a đã làm cho ông trờ nên người câm trong suốt thời kỳ vợ ông mang thai. Trái lại, nơi Đức Ma-ri-a, chút bối rối thoáng quạ để rồi Mẹ ra sức để tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm mà Mẹ vừa được Thiên sứ mạc khải một cách bất ngờ.

Cũng như Da-ca-ri-a, Đức Mẹ cũng đặt vấn đề với Sứ thần nhưng khác với Da-ca-ri-a, Đức Mẹ không hoài nghi mà xuất phát từ lòng tin đi tìm ánh sáng. Câu hỏi của Đức Mẹ không gì khác hơn là nhằm đưa đến một mạc khải rõ ràng về Chúa Giê-su- Người mà Mẹ phải lãnh trách nhiệm cưu mang và sinh thành dưỡng dục.

Tước hiệu “Con Thiên Chúa” là một tước hiệu mà Kinh thánh Cựu ước và thánh sử Lu-ca dùng để chỉ Đấng Mê-si-a, tức Chúa Giê-su. Điều này cho chúng ta thấy ngay từ đầu của việc truyền tin, Thiên Chúa - qua lời sứ thần- đã mạc khải nguồn gốc Thần linh cũng như mối quan hệ Phụ - Tử từ đời đời của Chúa Giêsu

Qua tiếng thưa “Xin vâng” của Đức Ma-ri-a cho chúng ta thấy đó chính là thái độ tin kính và mến yêu hơn là thái độ khiêm tốn, vì trong Kinh thánh, được làm tôi tớ Thiên Chúa là một vinh dự. Bằng niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối vào thánh ý Thiên Chúa, Mẹ đã để cho Lời đó được thực hiện qua việc để Con thiên Chúa được trở nên Người giữa muôn muôn người.

Sứ thần Gab-ri-el loan báo việc Chúa Giê-su sinh ra nhằm thực hiện hai lời tiên tri quan trọng đã được loan báo trong Cựu ước:

- Lời thứ nhất của Isaia 7, 14 “Này đây một Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con, và ngài sẽ đặt tên cho con trẻ là Em-ma-nu-el”

- Lời thứ hai là sấm ngôn của Na-than, Thiên Chúa tuyên bố cùng Đa-vid :”Đối với Ta, nó sẽ là Con… ngai vàng nó sẽ tồn tại mãi mãi. (x. 2 Sm 7,14tt)

Mừng Lễ Mân Côi hôm nay, mỗi người trong chúng ta hướng nhìn lên Đức Ma-ri-a như mẫu guơng để noi gương Mẹ, chúng ta biết lắng nghe và tuân hành thánh ý Chúa. Cũng như Mẹ và nhờ mẹ, chúng ta phó thác đường đời đầy gian lao vất vả cho Chúa, xin Người hướng dẫn và nâng đờ chúng ta trong mọi sự ngõ hầu danh Chúa được tôn vinh.