Thưa Tổng thống,
Thưa Thủ tướng
Các Thành viên của Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
Qúy Nhà Cầm Quyền,
Đại diện các tôn giáo khác nhau và của xã hội dân sự,
Thưa quý bà và qúy ông,

Tôi gửi lời chào thân ái tới Tổng thống Cộng hòa Madagascar. Tôi cảm ơn ngài, thưa Tổng thống, vì lời mời tốt đẹp của ngài đến thăm đất nước xinh đẹp này, và vì những lời chào mừng của ngài. Tôi cũng xin chào Ngài Thủ tướng, các thành viên của Chính phủ và Ngoại giao đoàn và các đại diện của xã hội dân sự. Tôi cũng gửi lời chào huynh đệ đến các Giám mục và các thành viên của Giáo Hội Công Giáo, và đến các đại diện của các tín phái Kitô giáo khác và của các tôn giáo khác. Tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến tất cả những người và định chế đã làm cho chuyến thăm này thành khả hữu, và đặc biệt là người dân Madagascar, những người đã chào đón chúng tôi với lòng hiếu khách đầy ấn tượng.



Trong Lời nói đầu của Hiến pháp Cộng hòa của qúy vị, qúy vị muốn lưu giữ như của thánh thiêng một trong những giá trị căn bản của nền văn hóa Madagascar: fihavanana, một hạn từ gợi lên tinh thần chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và liên đới. Nó cũng gợi lên tầm quan trọng của gia đình, tình bạn và thiện chí giữa con người và với thiên nhiên. Nó tiết lộ “linh hồn” của dân tộc qúy vị, bản sắc riêng biệt của nó vốn làm nó có khả năng đối đầu với những vấn đề và khó khăn khác nhau mà nó phải đối đầu hàng ngày một cách can đảm và đầy hy sinh. Nếu chúng ta phải công nhận, quý trọng và đánh giá cao vùng đất diễm phúc này vì vẻ đẹp và tài nguyên thiên nhiên vô giá của nó, thì chúng ta cũng phải làm điều y như thế với “linh hồn” này, một linh hồn, như Cha Antoine de Padoue Rahajarizafy, SJ, đã nhận sét một cách đúng đắn, đã cho qúy vị sức mạnh để tiếp tục ôm lấy “aina”, sự sống.

Kể từ khi quốc gia của qúy vị giành được độc lập, nó vốn khao khát sự ổn định và hòa bình, qua một diễn trình luân phiên dân chủ hữu hiệu, một diễn trình biết tôn trọng tính bổ sung của nhiều phong cách và tầm nhìn. Điều này chứng tỏ rằng “chính trị là một phương tiện chủ yếu để xây dựng cộng đồng và định chế nhân bản” (Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới 2019, ngày 1 tháng 1 năm 2019), khi nó được thực hành như một phương tiện phục vụ xã hội như một toàn thể. Rõ ràng, chức vụ chính trị và trách nhiệm chính trị đại diện cho một thách thức không ngừng đối với những người được giao sứ mệnh phục vụ và bảo vệ đồng bào của họ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và tạo điều kiện cho sự phát triển có giá trị và công chính với sự can dự của mọi tác nhân trong xã hội dân sự. Như Thánh Phaolô VI đã lưu ý, sự phát triển của một quốc gia “không thể bị giới hạn ở mức tăng trưởng kinh tế mà thôi. Để được chân chính, nó phải có tính toàn diện; nó phải cổ vũ sự phát triển của mỗi con người và của toàn bộ con người” (Populorum Progressio, 14).

Về phương diện này, tôi khuyến khích qúy vị đấu tranh một cách mạnh mẽ và đầy quyết tâm chống lại mọi hình thức tham nhũng và đầu cơ cố hữu vốn làm gia tăng sự chênh lệch xã hội, và đối mặt với những tình huống bất ổn và loại trừ vốn luôn tạo ra các điều kiện nghèo đói vô nhân đạo. Ở đây chúng ta thấy sự cần thiết phải thiết lập các cơ cấu trung gian khác nhau có thể bảo đảm việc phân chia thu nhập tốt hơn và một sự phát triển toàn diện mọi con người, đặc biệt là những người nghèo nhất. Sự phát triển này không thể bị giới hạn ở các cơ cấu trợ giúp xã hội có tổ chức, mà còn đòi hỏi sự thừa nhận các chủ thể của luật pháp được kêu gọi tham dự đầy đủ vào việc xây dựng tương lai của họ (xem Evangelii Gaudium, 204-205).

Chúng ta cũng đã nhận ra rằng chúng ta không thể nói tới sự phát triển toàn diện mà không cho thấy sự quan tâm và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Điều này kêu gọi không những việc tìm tòi các phương cách để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn tìm tòi các “giải pháp toàn diện biết quan tâm đến các tương tác trong chính các hệ thống tự nhiên và với các hệ thống xã hội. Chúng ta đang đối đầu không phải với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một khủng hoảng môi trường và khủng hoảng kia có tính xã hội, mà là với một cuộc khủng hoảng phức tạp, vừa có tính xã hội vừa có tính môi trường (Laudato Si’, 139).

Hòn đảo Madagascar đáng yêu của qúy vị rất phong phú về tính đa dạng sinh học thực vật và động vật, tuy nhiên, kho tàng này đang đặc biệt bị đe dọa bởi nạn phá rừng quá mức, mà một số người được hưởng lợi nhờ đó. Sự suy thoái của tính đa dạng sinh học đó làm tổn hại đến tương lai của đất nước và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Như qúy vị đã thấy, những khu rừng cuối cùng bị đe dọa bởi những vụ cháy rừng, săn trộm, việc chặt phá những khu rừng có giá trị. Tính đa dạng sinh học thực vật và động vật đang bị đe dọa bởi buôn lậu và xuất khẩu bất hợp pháp. Tuy nhiên, điều cũng đúng là, đối với các dân tộc liên hệ, một số hoạt động gây hại cho môi trường hiện đang bảo đảm sự sống còn của họ. Vì vậy, điều quan trọng là tạo ra việc làm và các hoạt động phát sinh thu nhập, đồng thời bảo vệ môi trường và giúp người ta thoát cảnh nghèo đói. Tắt một điều, không thể có cách tiếp cận sinh thái đích thực hoặc các nỗ lực hữu hiệu để bảo vệ môi trường nếu không đạt được một nền công bằng xã hội có khả năng tôn trọng quyền được phân phối chung của cải của trái đất, không những của thế hệ hiện nay, mà của cả các thế hệ sắp tới.

Về phương diện này, mọi người có phận sự phải can dự vào, kể cả cộng đồng quốc tế, mà nhiều thành viên của nó hiện có mặt ở đây ngày hôm nay. Phải thừa nhận rằng viện trợ được các tổ chức quốc tế cung cấp cho sự phát triển của đất nước là rất lớn, và cho thấy sự cởi mở của Madagascar đối với thế giới rộng lớn hơn. Tuy nhiên, sự cởi mở này có thể có nguy cơ biến thành “một nền văn hóa cầm bằng phổ quát” chỉ biết khinh miệt, khuất phục và đàn áp gia tài văn hóa của các dân tộc cá thể. Một việc hoàn cầu hóa kinh tế, mà các hạn chế của nó ngày càng hiển nhiên, không nên dẫn đến sự độc dạng văn hóa. Nếu chúng ta tham gia vào một diễn trình biết tôn trọng các giá trị và cách sống của địa phương và hoài mong của người dân, chúng ta sẽ bảo đảm rằng viện trợ do cộng đồng quốc tế cung cấp sẽ không phải là sự bảo đảm duy nhất cho sự phát triển của đất nước. Người dân sẽ dần dần chịu trách nhiệm và trở thành nghệ nhân tạo ra tương lai cho chính mình.

Đó là lý do tại sao chúng ta nên chứng tỏ sự quan tâm và tôn trọng đặc biệt đối với xã hội dân sự địa phương. Khi hỗ trợ các sáng kiến và hành động của nó, tiếng nói của những người không có tiếng nói sẽ được lắng nghe, cùng với sự hòa hợp đa dạng và thậm chí bất đồng của cộng đồng quốc gia trong nỗ lực đạt được sự thống nhất. Tôi mời qúy vị tưởng tượng ra con đường này, trên đó không ai bị gạt sang một bên, hoặc bị bỏ lại một mình hoặc trở nên bị di hại.

Là một Giáo hội, chúng tôi muốn bắt chước thái độ đối thoại của người đồng công dân của qúy vị, Chân phước Victoire Rasoamanarivo, người mà Thánh Gioan Phaolô II đã phong chân phước trong chuyến viếng thăm của ngài ở đây ba mươi năm trước. Chứng tá tình yêu của bà đối với lãnh thổ này và các truyền thống của nó, việc phục vụ người nghèo của bà như một dấu chỉ đức tin của bà vào Chúa Giêsu Kitô, cho chúng ta thấy con đường mà chúng ta cũng được mời gọi bước theo.

Thưa Tổng thống, thưa quý bà và qúy ông, tôi muốn tái khẳng định lòng mong muốn và sự sẵn sàng của Giáo Hội Công Giáo ở Madagascar, trong cuộc đối thoại liên tục với các Kitô hữu của các tín phái khác, những người theo các tôn giáo khác nhau và tất cả các thành phần của xã hội dân sự, để đóng góp vào bình minh của một tình huynh đệ thực sự luôn luôn coi trọng fihavanana. Bằng cách này, một sự phát triển con người toàn diện có thể được cổ vũ, để không có ai còn bị loại trừ.

Với niềm hy vọng đó, tôi xin Thiên Chúa chúc phúc cho Madagascar và những người sống ở đây, giữ cho hòn đảo đáng yêu của qúy vị được bình an và đầy chào đón, và làm cho nó thịnh vượng và hạnh phúc!