Cuộc cải tổ tài chánh của Vatican đang có chiều hướng tốt đẹp thì việc Đức Hồng Y Pell phải ra toà và nhất là sau đó bị kết án và ngồi tù hơn một năm trời tại Úc, đã làm cho cuộc cải tổ này gần như ngừng lại. Hậu quả, ai cũng đã thấy: trong lúc khựng lại như vậy, liên tiếp có những vụ việc không tốt diễn ra đưa đến tai tiếng Becciu.
Tháng 4 năm 2020, khi Đức Hồng Y Pell được toàn bộ Tòa Án Tối Cao Úc nhất trí giải oan, lập lại danh thơm tiếng tốt, thì dường như “bóng tối sự ác” ở Vatican cũng rục rịch bị vạch mặt nạ. Khí thế ánh sáng dường như sống lại, quét đủ mọi góc xó, và các con chuột bắt đầu phải chường mặt ra.
Có thể đó chỉ là một lối nói cường điệu. Nhưng người bình tĩnh nhất cũng thấy có những biến chuyển thuận lợi cho cuộc cải tổ tài chánh tại Tòa Thánh bắt đầu với tin Đức Hồng Y Pell được minh oan.
Ngay hôm sau khi ra khỏi tù, ngài cho biết sẽ trở lại Vatican. Dĩ nhiên, lúc ấy, ngài không thể nói gì ngoài việc cho rằng để thu dọn đồ đạc khỏi căn phòng vốn dành cho ngài tại Tòa Thánh trong tư cách người đứng đầu văn phòng Kinh tế. Nhưng là lúc nào? Ngài không nói rõ, vì ai mà dám nói rõ, khi Covid-19 đang tung hoành khắp nơi.
Vậy mà, dù Covid-19 vẫn còn rất hung hăng, ngài vẫn đã lên đường qua Vatican vào cuối tháng 9. Tại sao vậy? Chắc chắn không phải vì phải dọn đồ gấp. Mà vì thời cơ đã đến, lúc thế lực chống đối cuộc cải tổ do ngài, vâng lệnh Đức Phanxicô, khởi xướng và thi hành bắt đầu đi vào đường cùng: Becciu bị tố cáo biển thủ!
Gerard O’Connell, của tạp chí America, lúc ấy, trả lời cho câu hỏi “Tại sao Đức Hồng Y trở lại Rôma?”, đã cho rằng dù cuộc trở lại này không liên quan gì đến việc Hồng Y Becciu bị lột mặt nạ, nhưng dựa vào một nguồn tin thông thạo, thì sau khi được minh oan hồi tháng Tư, ngài “nhận được khích lệ” từ một số viên chức cao cấp Vatican “muốn ngài trở lại Rôma”, nơi, cũng theo O’Connell, Đức Hồng Y vẫn còn là một nhân vật gây phân cực.
Hình ảnh người ủng hộ người chống đối ở Vatican như trên là hình ảnh trung thực. Không có sự ủng hộ trên, chắc chắn Đức Hồng Y Pell không thể qua Rôma giữa lúc Covid-19 đang tung hoành. Vì không có lời mời “nặng ký” nào đó từ ít nhất một cơ quan cao cấp của Vatican, thì làm sao Kiểm Soát Biên Giới Úc để ngài đáp máy bay ra ngoài nước? Cho nên, dù Lực Lượng Bảo Vệ Biên Giới Úc từ chối không xác nhận điều trên, Tuần báo The Weekly Catholic của tổng giáo phận Sydney vẫn cho rằng có lời mời Đức Hồng Y Pell qua Rôma từ Tòa Thánh.
Nhưng cơ quan cao cấp ấy nhất định không phải là Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nơi Hồng Y Becciu từng là nhân vật thứ hai sau Hồng Y Parolin cả gần chục năm (từ 2011 tới 2018). Vì theo Elise Ann Allen của tạp chí Crux Now, ngày 2 tháng 10, chỉ mấy ngày sau khi Đức Hồng Y Pell đặt chân lên Kinh Thành Muôn Thuở, Hồng Y Parolin lên tiếng cho rằng: không hề có nối kết nào giữa việc Đức Hồng Y Pell trở lại Rôma và việc từ chức gần đây của Hồng Y Becciu. Quốc vụ Khanh Tòa Thánh cũng quả quyết rằng sau khi ra khỏi tù, Pell “yêu cầu trở lại Rôma. Đức Giáo Hoàng không hề mời Pell trở lại. Chính Pell yêu cầu được tới Rôma để kết thúc việc ngài cư trú ở đây, vì ngài vẫn còn căn hộ, nên ngài tới đây để đóng cửa nó”.
Chỉ có thế, rõ ràng để hạ giá chuyến trở về Rôma của Đức Hồng Y Pell. Dọn đồ thì cùng lắm là 2, 3 ngày là xong. Nhưng cho đến nay, Đức Hồng Y Pell đã ở Rôma gần 2 tháng, đã được hội kiến với Đức Phanxicô. Nhưng vẫn chưa trở về Sydney để vui hưởng tuổi già. Chắc chắn vì Vatican đang cần đến ngài, dù nhất định là không ban tặng ngài bất cứ chức vụ chính thức nào, điều mà ngài không cần. Điều ngài cần là cuộc cải tổ tài chánh của Tòa Thánh được tiếp tục tiến hành.
Và điều đó đang diễn ra ngay trong thời gian ngài tạm dừng chân ở Kinh Thành Muôn Thuở. Thực vậy, đầu tiên là tin Hồng Y Parolin hết còn đứng chân trong Hội đồng quản trị Ngân Hàng Vatican. Bạn đọc chỉ cần vào Google để thấy nhiều nguồn tin thông báo việc này.
Khi loan tin trên ngày 12 tháng 10, CNA cho hay: vào hôm Thứ Bẩy, câu chuyện dài về cuộc cải tổ tài chánh của Vatican tiếp diễn với việc chấp thuận một số thay đổi mới đối với luật lệ của Thị Quốc Vatican về minh bạch và giám sát kinh tế.
Hãng in trên viết thêm “nó cũng bao gồm việc thông báo rằng Hồng Y Pietro Parolin không còn ngồi ở hội đồng giám sát mới được tái dựng của Viện Các Công Trình Dòng Tu (IOR) quen gọi là Ngân Hàng Vatican, lần đầu tiên Quốc Vụ Khanh không có ghế ở đó. Lời thông báo này là một trong các dấu ấn cho thấy Hồng Y và cơ quan của ngài, cả hai, trong nhiều năm, vốn là trung tâm của việc quản trị Giáo Hội, đang mất dần ảnh hưởng và sự tín nhiệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.
CNA cũng tiên đoán: không bao lâu nữa, ngài sẽ phải đối đầu với “những câu hỏi khó nhá về việc làm và việc giám sát của ngài ở Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh”. Vì theo Enrico Crasso, một nhà kinh doanh Ý có nhiệm vụ điều tra hàng triệu dollars trong các qũy của Vatican, thẩm quyền hành động của Becciu được Parolin trực tiếp dành cho ngài.
CNA viết thêm rằng: Parolin có tiếng là nhận trách nhiệm bản thân đối với các vấn đề do các thuộc hạ tạo ra, đưa uy tín cá nhân của mình ra để che chở các lỗi lầm của cơ quan. Nhưng nay dường như ngài không còn đủ tín dụng để trả hết hóa đơn đang lên cao”.
CNA cũng còn thêm chi tiết này: trước đó, ngày 5 tháng 10, Đức Phanxicô tước khỏi Parolin vai trò giám sát tài chánh ở Ủy Ban Các Vấn Đề Dành Riêng, nghĩa là Ủy Ban giám sát các hoạt động tài chánh nằm bên ngoài các qui định thông thường của Vatican và trao vai trò này cho Hồng Y Kevin Farrell, vốn là Hồng Y “camerlengo” (quản trị tài sản và lợi tức của tòa thánh khi tòa Phêrô trống ngôi).
Chưa hết, ngày 5 tháng 11, 2020, Catholic Herald đưa tin: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lấy hết túi tiền ra khỏi Phủ Quốc Vụ Khanh. Thực vậy, ngài đã chuyển các trách nhiệm quản trị và giám sát các tài sản trước đây do Phủ Quốc Vụ Khanh nắm giữ và kiểm soát cho nhiều bộ sở khác nhau của Giáo triều.
Động thái trên, theo tờ báo, diễn ra giữa việc khảo sát kỹ lưỡng nền tài chánh của Vatican và tai tiếng kéo dài liên quan đến một số khía cạnh khác nhau của việc quản trị tài sản.
Trong một lá thư gửi cho Hồng Y Quốc Vụ Khanh đề ngày 25 tháng 8 năm 2020 và được Phòng Báo Chí Toà Thánh công bố trưa ngày 5 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô truyền cho Phủ Quốc Vụ Khanh “chuyển giao việc quản lý và quản trị mọi qũy tài chánh và mọi bất động sản cho APSA (Cơ quan Quản Trị Gia Sản của Tông Toà), là cơ quan dù sao sẽ duy trì mục tiêu hiện nay của chúng”.
Lá thư cũng định rằng “mọi qũy từ trước đến nay do Phủ Quốc Vụ Khanh quản trị sẽ được hòa nhập vào ngân sách chung của Tòa Thánh”. Thành thử, “trong mọi vấn đề kinh tế và tài chánh, Phủ Quốc Vụ Khanh sẽ hoạt động nhờ một ngân sách được chấp thuận qua các cơ chế thông thường, với các thủ tục thích đáng riêng của mình vốn được đòi hỏi nơi bất cứ bộ sở nào, ngoại trừ các vấn đề dành riêng lệ thuộc tính bí mật được Ủy Ban bổ nhiệm vì mục đích này chấp thuận”.
Điều đặc biệt được Catholic Herald nhấn mạnh là “Văn phòng Kinh Tế (do Đức Hồng Y Pell điều hành lúc mới thành lập) từ nay sẽ có trách nhiệm kiểm soát và giám sát đối với mọi cơ quan của Tòa Thánh, kể cả những cơ quan từ trước đến nay vốn dưới phạm vi hoạt động độc quyền của Phủ Quốc Vụ Khanh.
Lá thư còn viết tiếp: “nhớ rằng Phủ Quốc Vụ Khanh sẽ không còn quản trị các tài sản nữa, nên điều thích đáng đối với nó là tái định nghĩa chức vụ quản trị của mình, hay lượng định sự cần thiết của việc nó hiện hữu”.
Trong một bản tuyên bố gửi cho các nhà báo hôm thứ Năm kèm theo lá thư, giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh, Matteo Bruni, nói rằng sáng nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thiết lập một “Ủy Ban chuyển giao và kiểm soát, sẽ bắt đầu hoạt động ngay tức khắc, để hoàn tất, trong 3 tháng kế tiếp, các dự liệu trong lá thư gửi cho Phủ Quốc Vụ Khanh”.
Catholic Herald nhận định rằng động thái trên không hẳn là bất ngờ, nhưng độ mau lẹ của hành động được loan báo, theo tiêu chuẩn giáo triều, kể là nghẹt thở và nêu lên nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề quản trị tại Tòa Thánh.
Mặc dù trong lời nói đầu của lá thư ngày 25 tháng 8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng các quyết định về phương diện này đã được đưa ra “trong khuôn khổ cuộc cải tổ Giáo Triều Rôma”, nhưng theo sự nhất trí của các quan sát viên Vatican và các giáo sĩ cao cấp từng được xem các dự thảo sau cùng của tông hiến mới về giáo triều, Phủ Quốc Vụ Khanh sắp sửa trở thành cơ quan nhiều quyền hành hơn trước.
Lá thư của Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng “Phủ Quốc Vụ Khanh chắc chắn là Bộ Sở hỗ trợ gần gũi và trực tiếp nhất hoạt động của Đức Thánh Cha trong sứ mệnh của ngài, đại diện cho một điểm qui chiếu thiết yếu đối với sinh hoạt của giáo triều và các bộ sở thành phần của nó”. Tuy nhiên, đối với Đức Giáo Hoàng, “xem ra không cần thiết và thích đáng để Phủ Quốc Vụ Khanh thi hành mọi chức năng vốn đã được chỉ định cho các bộ sở khác”.
Đức Giáo Hoàng viết tiếp “Điều thích đáng hơn là nguyên tắc phụ đới được thực thi cả trong các vấn đề kinh tế và tài chánh, không làm hại tới vai trò chuyên biệt của Phủ Quốc Vụ Khanh và trách vụ không thể miễn chước nó đang thi hành”.
Thiển nghĩ, các động thái trên diễn ra lúc Đức Hồng Y Pell hiện diện tại Rôma rõ ràng là một bằng chứng cho thấy Tòa Thánh thừa nhận chỗ đứng của ngài trong cố gắng cải tổ nền tài chánh khá tối tăm và phức tạp của Tòa Thánh