Năm nay, một lần nữa việc loan báo về sự Phục sinh của Chúa Kitô lại được thực hiện tại Giêrusalem và lan rộng khắp thế giới. Mộ Thánh là nơi đầu tiên trên thế giới cử hành Lễ Vọng Phục Sinh. Theo truyền thống trước Công đồng, được duy trì bởi thỏa ước Nguyên Trạng, Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa của Tòa Thượng phụ La tinh tại Giêrusalem đã chủ sự nghi thức Canh thức, được coi là “mẹ của tất cả các Canh thức Phục sinh trên toàn thế giới” vào lúc 7 giờ 30 sáng. Mọi thứ bắt đầu với nghi thức “Lucernarium”, tức là thắp sáng những ngọn nến Vượt qua với ngọn lửa tượng trưng cho sự Phục sinh của Chúa Giêsu, soi sáng bóng tối tội lỗi.
Tiếp theo là bảy bài đọc từ Cựu ước và hai bài từ Tân ước: trong đó, Giáo hội suy niệm về những kỳ công Chúa đã thực hiện cho dân Người và tin tưởng vào lời hứa của Người. Vào lúc hát kinh “Vinh Danh”, tiếng chuông vang lên rộn rã, cùng với tiếng nhạc từ đàn organ: Tin mừng về sự Phục sinh của Chúa để cứu rỗi thế giới được loan báo trước ngôi Mộ trống, nơi diễn ra Sự sống lại. Trong buổi cử hành, cũng có việc lặp lại các lời hứa khi rửa tội, trước khi ngâm mình trong nước, được làm phép bằng việc ngâm Nến Vượt Qua.
Trong bài giảng, Đức Thượng Phụ nói:
“Anh chị em thân mến của tôi, dù có vẻ lạ lùng đến đâu, những gì chúng ta đang trải qua trong những ngày đại dịch này rất gần với kinh nghiệm Phục sinh và với dấu chỉ, rất thân yêu và luôn luôn mạnh mẽ, của chúng ta là Mộ Thánh của Chúa Kitô nơi chúng ta đang cử hành. Sự vắng mặt của các nghi thức, của các khuôn mặt không có ở đây, cũng như tình trạng mà mỗi chúng ta đang sống, do những hạn chế của tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, đang gây ra sự sợ hãi, lo lắng và hoang mang. Đó không phải là cảm giác của những người phụ nữ vào buổi bình minh của lễ Phục sinh đầu tiên đó sao? Đó chẳng phải là cảm xúc của các môn đệ sau nỗi đau buồn của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và sự im lặng của ngày Thứ Bảy sao? Chẳng lẽ tình cảnh của họ không giống với những gì chúng ta đang trải qua sao?”. Tuy nhiên, theo Đức Thượng Phụ niềm vui của lễ Phục sinh nằm chính xác nơi khả năng đối diện với nỗi đau. “Vì vậy, tại đây, hôm nay, tôi muốn cầu xin Chúa ban cho tôi, cho anh chị em, cho Giáo phận của chúng ta, cho Giáo hội và thế giới, một cách nhìn Phục sinh, một tầm nhìn mới để trả lời tốt hơn lời mời gọi mà Người không ngừng nói với chúng ta: Hãy đến mà xem”.