1. Thủ lĩnh Isis 'chủ mưu' vụ thảm sát Karrada năm 2016 bị bắt

Trong bản tin hôm 19 tháng 10, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết trong một diễn biến đáng phấn khởi, lực lượng an ninh Iraq đã bắt giữ một tên nguy hiểm hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo, được coi là chủ mưu của vụ đánh bom tự sát đẫm máu ở Baghdad năm 2016 khiến khoảng 300 người thiệt mạng.

Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đã phá vỡ sự im lặng sau các báo cáo cho rằng Ghazwan al-Zawbaee đã bị bắt trong những ngày gần đây “trong một hoạt động tình báo” được thực hiện “bên ngoài đất nước.” Thủ tướng đã xác nhận tin này và cho biết tên bị bắt là “thủ phạm nguy hiểm nhất” của những hành động tàn bạo ở Karrada “và nhiều nơi khác.”

Cuộc tấn công năm 2016 ở trung tâm thủ đô là cuộc tấn công đẫm máu nhất kể từ cuộc xâm lược năm 2003 của Hoa Kỳ. Một chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ đã nổ tung gần đám đông tụ tập tại một trung tâm mua sắm để ăn mừng kết thúc thời gian nhịn ăn hàng ngày trong tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Nhiều nạn nhân thiệt mạng do ngọn lửa bùng phát bên trong tòa nhà ngay sau khi quả bom phát nổ. “Đưa ra trước công lý những kẻ đồng lõa trong việc đổ máu đồng bào chúng ta là một nghĩa vụ quốc gia”. Người đứng đầu chính phủ không muốn làm rõ vụ bắt giữ diễn ra ở đâu, nhưng hai quan chức tình báo giấu tên giải thích với AP rằng hoạt động này được thực hiện bởi các lực lượng Iraq “với sự hợp tác của một chuyên gia tình báo nước ngoài” và ông ta đã đến Iraq “ ba ngày trước.”

Ngoài vụ thảm sát ở Karrada, Zawbaee phải chịu trách nhiệm cho một loạt vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô và các tỉnh khác của Iraq từ năm 2016 đến năm 2017. Chúng bao gồm vụ nổ một quả bom trên xe hơi cũng ở Karrada vào ngày 30 tháng 5 năm 2017, và vụ tấn công vào một nhóm người Shiite hành hương có ý định đi qua một cây cầu ở khu vực Shawaka, khiến 26 người chết.

Tuần trước, các quan chức tình báo đã bắt giữ người đứng đầu tài chính của Nhà nước Hồi giáo, Sami Jasim al-Jaburi, trong một hoạt động tương tự bên ngoài biên giới của nó. Các nguồn tin an ninh nói với Reuters rằng Jasim, cũng được coi là phó của thủ lĩnh thánh chiến Abu Bakr al-Baghdadi, đang ẩn náu ở tây bắc Syria và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp trong việc bắt giữ hắn.

Bất chấp thất bại quân sự, ngày nay bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn có những tên nằm vùng hoạt động biệt lập và những con sói đơn độc tiếp tục các cuộc tấn công ở Iraq. Chúng hoạt động trên tất cả các vùng nông thôn và thực hiện các cuộc tấn công nhanh chóng và bất ngờ chống lại Lực lượng An ninh và phá hủy các cơ sở hạ tầng.
Source:Asia News

2. Dưới áp lực của bọn cầm quyền Bắc Kinh, các ứng dụng Kinh thánh, Kinh Qur'an bị xóa khỏi Apple Store dành cho Trung Quốc

Dưới áp lực của luật pháp Trung Quốc, một công ty Kinh thánh kỹ thuật số đã xóa ứng dụng của mình khỏi các dịch vụ trên cửa hàng ứng dụng của Apple tại Trung Quốc trong khi bản thân Apple cũng xóa ứng dụng Kinh Qur'an khỏi cửa hàng Trung Quốc theo yêu cầu của các quan chức Trung Quốc.

Công ty nói với BBC News: “Trong tiến trình tái xét của Apple Store, Olive Tree Bible Software đã bị buộc phải cung cấp giấy phép chứng minh quyền phân phối một ứng dụng có nội dung từ sách hoặc tạp chí ở Trung Quốc đại lục”.

“Vì chúng tôi không có giấy phép và chúng tôi cần phải làm sao để bản cập nhật ứng dụng của mình được phê duyệt và cung cấp cho khách hàng, nên chúng tôi đành chấp nhận giải pháp xóa ứng dụng Kinh thánh khỏi Apple Store ở Trung Quốc”.

Công việc của Olive Tree Bible Software trên các phiên bản kỹ thuật số của Kinh thánh đã có từ nhiều thập kỷ trước. Người sáng lập Drew Haninger đã phát triển các chương trình Kinh thánh cho Palm Pilot và các thiết bị di động đầu tiên khác vào cuối những năm 1990. Nó cũng cung cấp nhiều bản dịch Kinh thánh. Trang web của công ty có trụ sở tại Spokane liệt kê một số ấn bản Công Giáo bằng tiếng Anh của Kinh thánh, mặc dù công ty nói thêm là một số phiên bản vẫn chưa hoàn tất.

Những khó khăn tương tự cũng đã ảnh hưởng đến một công ty sản xuất phiên bản kỹ thuật số của Kinh Qur'an.

Quran Majeed, do Pakistan Data Management Services sản xuất, có hơn 35 triệu người dùng và 1 triệu người dùng ở Trung Quốc. Công ty cho biết theo Apple, ứng dụng đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc của Apple “vì nó bao gồm các nội dung đòi hỏi các giấy phép bổ sung từ các cơ quan chức năng Trung Quốc”. Công ty cho biết họ đang làm việc để liên hệ với Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và các quan chức Trung Quốc có liên quan để giải quyết vấn đề.

Apple từ chối bình luận với BBC, lưu ý rằng: “Chúng tôi buộc phải tuân thủ luật pháp địa phương và đôi khi có những vấn đề phức tạp mà chúng tôi có thể không đồng ý với các chính phủ nhưng vẫn phải chấp nhận.”

Audible, một dịch vụ sách nói và podcast do Amazon sở hữu cũng vấp phải vấn đề tương tự. Audible đã xóa ứng dụng của mình khỏi cửa hàng Apple ở Trung Quốc đại lục vào tháng 9.

Microsoft gần đây đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa mạng xã hội tập trung vào nghề nghiệp LinkedIn ở Trung Quốc vì những thách đố trong việc tuân thủ các quy tắc của Trung Quốc. LinkedIn bị chỉ trích vì chặn hồ sơ của một số nhà báo.

BBC News đưa tin rằng: các ứng dụng bị cấm ở Trung Quốc bao gồm các ứng dụng liên quan đến các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, phong trào tôn giáo Pháp Luân Công, Đức Đạt Lai Lạt Ma và các hoạt động đòi độc lập cho Tây Tạng và Đài Loan.
Source:Catholic News Agency

3. Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh giá các tôn giáo có tổ chức như thế nào

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang xem các tôn giáo có tổ chức như một mối đe dọa – vì thế chúng đang tìm cách “thay đổi” hoặc “chuyển hóa” các tôn giáo thành một bộ máy trung thành với đảng. Một nhóm chuyên gia chính sách đối ngoại cho biết như trên hôm thứ Hai 18 tháng 10.

Đảng, vốn “quản lý các tôn giáo một cách hà khắc trong lịch sử” Trung Quốc, hiện đang thực hiện một đường lối khắc nghiệt hơn nhiều và “cố gắng thay đổi hoặc phá hủy các tôn giáo”, Nury Turkel, Phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết tại một phiên khoáng đại của Viện Hudson. Turkel, một nhà đấu tranh cho nhân quyền người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ, đã chào đời trong một trại cải tạo ở Trung Quốc.

Đối với đảng, bất kỳ tôn giáo có tổ chức nào cũng “đều bị coi là một mối đe dọa”, Turkel nói và nhấn mạnh rằng đảng đang cố gắng “tạo ra một loại tôn giáo mới”. Các thành viên Viện Hudson lưu ý rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi “vô hiệu hóa tôn giáo” trong một bài phát biểu năm 2016, và cảnh báo rằng đảng của ông ta đang tích cực tìm cách thay đổi các thực hành tôn giáo để thúc đẩy lợi ích xã hội chủ nghĩa của mình.

Các diễn giả tham dự phiên khoáng đại đã đề cập đến những diễn biến quan yếu như việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu là người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương phía tây bắc của đất nước, cũng như các cáo buộc cưỡng bức mổ cướp nội tạng các nhóm dân tộc thiểu số và những người có niềm tin tôn giáo, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Kitô Giáo.

Turkel nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải chú ý đến những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nói về Tân Cương. Trích dẫn các nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình, Turkel nhận định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc “hoàn toàn không thể hiện chút lòng thương xót nào” đối với người Duy Ngô Nhĩ. Bí thư Đảng Cộng sản Tân Cương Trần Quang Thành là một thí dụ, y đã ra lệnh “bắt đi cải tạo tất cả những ai cần được cải tạo”.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo khác đã bị đưa vào các trại lao động, trong khi hai triệu người khác phải chịu “cải tạo” vào ban ngày.

Nina Shea, thành viên cấp cao và là giám đốc của Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, cho biết trong khi đảng không giam giữ hàng loạt các tín hữu Kitô như người Duy Ngô Nhĩ, nhiều nhà lãnh đạo Kitô Giáo đã bị bắt giam mà không cần xét xử vì không tuân theo các yêu cầu của đảng.
Source:Catholic News Agency