1. Các giám mục Công Giáo Hà Lan hủy bỏ các Thánh lễ lúc nửa đêm Giáng sinh do lo sợ biến thể Omicron

Các giám mục Công Giáo ở Hà Lan đã quyết định hủy bỏ các Thánh lễ Nửa đêm Giáng sinh một lần nữa trong năm nay như một biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Hôm thứ Tư, 1 tháng 12, các giám mục Hà Lan đã thông báo rằng không có Thánh lễ, và cũng không có các sinh hoạt giáo xứ khác được phép diễn ra sau 5 giờ chiều. Tất cả các địa điểm công cộng của Giáo Hội được yêu cầu đóng cửa từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng theo các biện pháp mới của chính phủ kéo dài đến ít nhất là ngày 19 tháng 12.

Trang web của Hội đồng Giám mục Hà Lan giải thích rằng quyết định được đưa ra nhằm ngăn chặn các cuộc tụ tập lớn cho các Thánh lễ buổi tối vào đêm Giáng sinh. Thông báo nói thêm rằng rất khó để duy trì sự thông gió tốt trong các thánh lễ buổi tối.

Thực tế là do công ăn việc làm, các buổi họp mặt khác của Giáo hội, chẳng hạn như các buổi họp dạy giáo lý và các buổi họp hội đồng giáo xứ, hầu như chỉ có thể diễn ra sau 5 giờ chiều. Các thánh lễ buổi tối các ngày trong tuần và các ngày thứ Bảy sẽ được chuyển sang kết thúc lúc 5 giờ chiều.

Các quan chức Hà Lan thông báo rằng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đã có những trường hợp biến thể omicron mới của COVID-19 xảy ra ở Hà Lan ngay cả trước khi biến thể này được phát hiện ở Nam Phi.

Chính phủ cho biết hơn 84% dân số ở Hà Lan được tiêm chủng đầy đủ và tổng cộng 587 người mắc COVID-19 hiện đang ở các đơn vị chăm sóc đặc biệt của bệnh viện.

Những hạn chế mới được đưa ra trong khi Giáo Hội Công Giáo ở Hà Lan đang gặp khó khăn về tài chính.

Hôm 30 tháng 11, tờ Trouw của Hà Lan đưa tin 640 giáo xứ Công Giáo ở Hà Lan đã chịu thiệt hại 15 triệu euro, tức là khoảng 17 triệu Mỹ Kim, vào năm ngoái do đại dịch và dân số già.

Tờ này cho biết 80% các giáo xứ Công Giáo ở Hà Lan đang gặp khó khăn về tài chính và kết quả là một số giáo xứ đang phải bán các nhà thờ.

Theo Dutch News, có 3.7 triệu người Công Giáo ở Hà Lan, nhưng chỉ 4% thường xuyên tham dự Thánh lễ
Source:Catholic News Agency

2. Tổng giám mục Ấn Độ cảnh báo người Công Giáo về lễ giả, nhà thờ giả, và linh mục giả

Một tổng giám mục ở Ấn Độ cho biết một nhà thờ mới trong giáo phận của ngài đang thực hiện một “kiểu lừa dối” bằng cách tự gọi mình là Nhà thờ Công Giáo Đại kết của Chúa Kitô.

Nhóm này được thành lập tại Vasai bởi Donald Rodrigues, một cựu linh mục của Tổng giáo phận Bombay, là người đã kết hôn với một người đàn bà vào ngày 1 tháng 3 năm 2021. Trung tâm này cũng bao gồm các cựu linh mục và chủng sinh Công Giáo khác, và thờ phượng theo phong cách Công Giáo, bao gồm cả việc sùng kính Đức Mẹ như lần hạt Mân Côi.

Vasai, nằm gần Mumbai, có một lịch sử Công Giáo lâu đời từ khi có một khu định cư của người Bồ Đào Nha.

Đức Tổng Giám Mục Felix Machado của Vasai đã đưa ra lời kêu gọi người Công Giáo “tránh xa trung tâm này, không được có các liên hệ với Trung tâm này hoặc bất kỳ trung tâm nào khác mà nhóm này có thể sẽ mở rộng.”

Đức Cha Machado cho biết mọi người “có thể bối rối và có thể thiếu hiểu biết khi tham dự các chương trình của trung tâm này.”

Đức Cha Machado nhấn mạnh rằng Donald Rodrigues không còn là một linh mục Công Giáo, không có năng quyền thực hiện các thừa tác vụ công khai. Theo giáo luật, một linh mục hoặc giám mục được xem là vi phạm giáo luật khi kết hôn dân sự, vì điều đó trái với lời thề độc thân của đương sự khi lãnh nhận bí tích truyền chức thánh.

Điều 194, triệt 3 của Bộ Giáo luật quy định rằng “giáo sĩ đã mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân theo luật dân sự,” sẽ “bị loại khỏi chức vụ Giáo hội.”

Điều 1394, triệt 1, nói thêm rằng “một giáo sĩ mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân dân sự, thì bị vạ huyền chức tiền kết; nếu đương sự không hối cải và vẫn tiếp tục gây gương xấu, sau khi đã bị cảnh cáo, thì có thể phải chịu những hình phạt tước đoạt càng ngày càng nặng, và kể cả việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ.”

Phát biểu với Crux, Đức Tổng Giám Mục cho biết trung tâm này đang gây ra “sự chia rẽ và mất đoàn kết” trong cộng đồng Công Giáo gắn bó chặt chẽ với nhau ở Vasai.

“Đây là một kiểu lừa dối, bởi vì dù sử dụng các thuật ngữ giống nhau, và các cử hành giống nhau, chúng ta không trở thành một. Chủ nghĩa đại kết chân chính tin vào sự thống nhất, và điều này gây hiểu lầm cho mọi người khi sử dụng cùng một thuật ngữ, cùng một cử hành. Việc sử dụng các hình thức diễn đạt giống nhau là chưa đủ, điều quan trọng hơn là phải tuân theo tinh thần của các diễn đạt ấy”.

“Vasai cũng là một nơi truyền thống, một cuộc sống cộng đồng nhỏ gọn, hào phóng và luôn chào đón bất cứ ai đến. Nơi mà nhóm này đã bắt đầu, đây là một cộng đồng rất gần gũi, đa số là người Công Giáo. Những người theo Ấn Giáo và anh chị em Công Giáo đã sống với nhau qua nhiều thế hệ. Các mối quan hệ thân tình không chỉ với người Công Giáo mà còn cả những người Ấn Giáo, và tôi đến thăm họ nhân dịp lễ ánh sáng Diwali. Họ giống như anh chị em với tôi.”

Ngài nhấn mạnh rằng tuyên bố của ngài không chống đại kết, và ngài cam kết làm việc cho sự thống nhất của các Kitô hữu.

“Giáo hội cam kết không thể đảo ngược cho công cuộc đại kết, nhưng nếu những nhóm như thế này tiếp tục mọc lên như nấm, thì Giáo hội sẽ không bao giờ đi theo Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Đấng đã cầu nguyện với Cha Ngài, 'để họ có thể nên một',”
Source:Crux

3. Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Thánh Giuse, người công chính và hôn phu của Đức Maria

Lúc 9 giờ sáng thứ Tư 1 tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 4,000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 38 tính từ đầu năm nay đến nay.

Sau khi Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá khai mạc, tám linh mục lần lượt đọc tám ngôn ngữ đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu (1:18-19): “Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”.

Tiếp đó là bài giáo lý về thánh Giuse. Bài thứ ba này tựa đề là: “Thánh Giuse, người công chính và hôn phu của Đức Maria”.

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình suy tư của chúng ta về con người của Thánh Cả Giuse. Hôm nay, tôi muốn đào sâu thêm về việc ngài là “người công chính” và là “người phối ngẫu đã hứa hôn của Đức Maria”, và do đó cung cấp một thông điệp cho mọi cặp đính hôn và cả những cặp mới cưới nhau. Nhiều biến cố liên quan đến Thánh Giuse đã trám đầy các câu chuyện ngụy thư, tức các sách Tin Mừng không có trong qui điển, nhưng vẫn đã gây ảnh hưởng đến nghệ thuật và những nơi thờ phượng khác nhau. Những trước tác không có trong Kinh thánh này là những câu chuyện do lòng đạo đức Kitô giáo cung cấp vào thời điểm đó và là lời đáp lại mong muốn lấp đầy chỗ trống trong các bản văn Tin mừng qui điển, những bản văn có trong Kinh thánh, cung cấp cho anh chị mọi điều chủ yếu về đức tin và đời sống Kitô giáo.

Thánh sử Mátthêu - đây là điều quan trọng. Tin Mừng nói gì về thánh Giuse? Không phải những gì các sách Tin Mừng ngụy thư này nói đều là điều gì đó xấu xí hay xấu xa, không! Chúng đẹp lắm, nhưng chúng không phải là Lời Chúa. Thay vào đó, các sách Tin Mừng trong Kinh thánh là Lời của Thiên Chúa. Trong số này, thánh sử Mátthêu định nghĩa thánh Giuse là một người “công chính”. Chúng ta hãy lắng nghe lời tường thuật của ngài: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô : bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (1: 18-19). Vì những người đã đính hôn, khi vị hôn thê không chung thủy, hoặc có thai, họ có thể buộc tội cô ấy! Họ phải làm thế. Và người phụ nữ sau đó bị ném đá. Nhưng Thánh Giuse là người công chính. Ngài nói: “Không, tôi sẽ không làm điều này. Tôi sẽ ra đi lặng lẽ”.

Để hiểu cách cư xử của Thánh Giuse đối với Đức Maria, điều hữu ích là nhớ các phong tục hôn nhân của dân Israel xưa. Hôn nhân bao gồm hai giai đoạn được xác định rõ ràng. Giai đoạn đầu tiên giống như cuộc đính hôn chính thức đã ngụ ý một tình huống mới. Đặc biệt, trong khi tiếp tục sống ở nhà cha mẹ thêm một năm nữa, người phụ nữ trên thực tế đã được coi là “vợ” của người bạn đời đã hứa hôn của mình rồi. Họ chưa sống với nhau, nhưng giống như cô ấy đã là vợ của một ai đó rồi. Giai đoạn thứ hai là chuyển cô dâu từ nhà cha mẹ sang nhà của người phối ngẫu. Điều này diễn ra với một đám rước lễ hội kết thúc đám cưới. Và những người bạn của cô dâu đã tháp tùng cô đến đó. Trên cơ sở các phong tục này, sự kiện “trước khi họ về chung sống với nhau, người ta đã phát hiện ra Đức Maria có thai” khiến Đức Trinh nữ bị buộc tội ngoại tình. Và, theo Luật cổ xưa, tội của bà phải chịu hình phạt bằng cách bị ném đá (x. Đnl 22: 20-21). Tuy nhiên, một cách giải thích ôn hòa hơn đã được áp dụng sau điều này trong thực hành của người Do Thái sau này vốn chỉ áp đặt hành vi rẫy bỏ với các hậu quả dân sự và hình sự đối với người phụ nữ, chứ không bị ném đá nữa.

Tin Mừng nói rằng Thánh Giuse là người “công chính” vì ngài phải tuân theo luật pháp như bất cứ người Israel ngoan đạo nào khác. Nhưng bên trong ngài, tình yêu của ngài dành cho Đức Maria và sự tin tưởng của ngài đặt nơi Đức Maria đã đề ra một cách ngài vừa có thể tuân thủ lề luật vừa cứu được danh dự của cô dâu mình. Ngài quyết định bỏ cô một cách bí mật, không gây ồn ào, không khiến cô phải chịu sự sỉ nhục trước công chúng. Ngài đã chọn con đường bảo mật, không đưa ra tòa xét xử hay trả đũa. Thánh Giuse thánh thiện biết bao! Còn chúng ta, ngay khi chúng ta có một chút chuyện tầm phào, một điều gì đó tai tiếng về người khác, chúng ta sẽ bàn tán về nó ngay lập tức! Thánh Giuse thì im lặng. Ngài im lặng.

Nhưng thánh sử Mátthêu nói thêm ngay lập tức: “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : ‘Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’”(1: 20.21). Tiếng nói của Thiên Chúa can thiệp vào sự biện phân của Thánh Giuse. Trong một giấc mơ, Người mạc khải một ý nghĩa lớn hơn sự công chính của thánh nhân. Quan trọng xiết bao đối với mỗi người trong chúng ta là vun đắp một cuộc sống công chính, đồng thời, luôn cảm thấy cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa để mở rộng tầm nhìn của chúng ta và suy xét các hoàn cảnh của cuộc sống từ một quan điểm luôn khác, rộng lớn hơn. Nhiều lần, chúng ta cảm thấy bị giam cầm bởi những gì đã xảy ra với mình: "Nhưng hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra với tôi!" - và chúng ta mãi bị giam cầm trong điều tồi tệ đã xảy ra với chúng ta. Nhưng một cách đặc biệt, trước một số hoàn cảnh trong cuộc sống ban đầu có vẻ bi thảm, nhưng một ơn Quan phòng giấu ẩn sẽ thành hình theo thời gian và soi sáng ý nghĩa cho cả nỗi đau của chúng ta. Cơn cám dỗ là khép mình vào nỗi đau đó, cứ nghĩ rằng những điều tốt đẹp không bao giờ xảy ra với chúng ta. Và điều này không tốt cho chúng ta. Điều này dẫn anh chị em đến buồn bã và cay đắng. Trái tim cay đắng thật là xấu xí.

Tôi muốn chúng ta dừng lại để suy gẫm về một chi tiết của câu chuyện này được kể lại trong Tin Mừng mà thường chúng ta hay bỏ qua. Đức Maria và Thánh Giuse đã đính hôn với nhau. Có lẽ các ngài đã nuôi dưỡng những ước mơ và kỳ vọng về cuộc sống và tương lai của các ngài. Thật bất ngờ, Thiên Chúa dường như đã tự chen mình vào cuộc sống của các ngài và, dường như thoạt đầu các ngài khó mở lòng mình ra đón nhận thực tại đang đặt ra trước mặt các ngài.

Anh chị em thân mến, cuộc sống của chúng ta thường không như những gì chúng ta tưởng tượng. Nhất là trong các liên hệ yêu đương, khó có thể chuyển từ luận lý si tình sang luận lý tình yêu trưởng thành. Chúng ta cần chuyển từ mê đắm sang tình yêu trưởng thành. Anh chị em mới cưới nhau, anh chị em hãy nghĩ tới điều đó. Giai đoạn đầu tiên luôn được đánh dấu bằng một sự mê hoặc nào đó khiến chúng ta sống chìm đắm trong tưởng tượng thường không dựa trên thực tại và sự kiện, đây là giai đoạn si tình. Nhưng chính lúc si tình với những hoài mong dường như kết liễu, đó là lúc tình yêu đích thực bắt đầu hoặc tình yêu đích thực bước vào đó. Thực vậy, yêu không phải là kỳ vọng rằng người kia, hay cuộc sống kia, phải tương ứng với trí tưởng tượng của chúng ta. Đúng hơn, nó có nghĩa là hoàn toàn tự do lựa chọn để lãnh trách nhiệm cho cuộc sống mình khi nó xảy ra. Đó là lý do tại sao Thánh Giuse cho chúng ta một bài học quan trọng. Ngài chọn Đức Maria với “đôi mắt mở rộng của ngài”. Chúng ta có thể nói "với mọi rủi ro". Anh chị em hãy suy nghĩ về điều này: trong Tin Mừng Thánh Gioan, một lời khiển trách mà các tiến sĩ luật ngỏ với Chúa Giêsu là: “chúng tôi đâu phải là con cái từ đó”, ám chỉ mãi dâm. Họ biết Đức Maria mang thai như thế nào và họ muốn bôi bẩn lên mẹ của Chúa Giêsu. Đối với tôi, đây là đoạn tồi tệ nhất, ma quỷ nhất, trong Tin Mừng. Và rủi ro của Thánh Giuse cho chúng ta bài học này: hãy đón nhận cuộc sống như nó xẩy đến. Chúa có can thiệp vào đó không? Tôi chấp nhận điều đó. Và Thánh Giuse thực hiện những gì sứ thần của Chúa đã ra lệnh: “ông đón vợ về nhà. Nhưng không ăn ở với bà”, bà đang mang thai con trai khi chưa chung sống với nhau, “cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1: 24-25). Các cặp đính hôn Kitô hữu được kêu gọi làm chứng cho một tình yêu như thế, phải có can đảm chuyển từ luận lý si tình sang luận lý của tình yêu trưởng thành. Đây là một sự lựa chọn đầy đòi hỏi, nhưng thay vì giam cầm cuộc sống, nó có thể củng cố tình yêu để tình yêu bền vững khi đối đầu với các thử thách của thời gian. Tình yêu lứa đôi tiến triển trong cuộc sống và trưởng thành hàng ngày. Tình yêu trong thời gian đính hôn có một chút - cho phép tôi sử dụng chữ này - một chút lãng mạn. Anh chị em đều đã trải qua điều này, nhưng rồi tình yêu trưởng thành bắt đầu, tình yêu sống mỗi ngày, từ việc làm, từ những đứa con sẽ đến… Và đôi khi tính lãng mạn đó biến mất một chút, phải không? Nhưng há đó không phải là tình yêu sao? Có, nhưng là tình yêu trưởng thành. “Nhưng Cha biết không, thưa Cha, đôi khi chúng con đánh nhau...” Điều này đã xảy ra từ thời ông Ađam và bà Evà cho đến ngày nay, đúng không! Vợ chồng đánh nhau là chuyện cơm bữa của chúng ta, đúng không! "Nhưng há chúng con không nên đánh nhau sao?" Có, có, anh chị em phải. Nó xảy ra. Tôi không nói anh chị em nên đánh nhau, nhưng nó sẽ xảy ra. “Và, thưa Cha, đôi khi chúng con lớn tiếng…” Điều đó cũng xảy ra. “Và thậm chí có những lúc đĩa bay”. Nó sẽ xảy ra. Nhưng có thể làm gì để điều này không làm tổn hại đến đời sống hôn nhân? Hãy nghe tôi nói: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau. "Chúng mình đã đánh nhau. Chúa ơi, anh đã nói những lời tồi tệ. Anh đã nói những điều khủng khiếp. Nhưng bây giờ, để kết thúc một ngày, anh phải làm hòa ”. Anh chị em biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh vào ngày hôm sau rất nguy hiểm. Đừng để chiến tranh bắt đầu vào ngày hôm sau. Vì vậy, hãy làm hòa trước khi đi ngủ. “Nhưng, thưa Cha, Cha biết đấy, con không biết phải nói năng ra sao để làm hòa sau một tình huống khủng khiếp mà chúng con đã trải qua”. Rất dễ. Làm điều này (Đức Giáo Hoàng vuốt ve má của mình) thì hòa bình sẽ được lặp lại. Hãy luôn nhớ điều này. Hãy luôn nhớ rằng: không bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau. Và điều này sẽ giúp ích cho anh chị em trong cuộc sống hôn nhân. Cho họ và cho tất cả các cặp vợ chồng đang ở đây. Sự chuyển dịch từ si tình qua tình yêu trưởng thành này là một sự lựa chọn đầy đòi hỏi, nhưng chúng ta phải chọn con đường đó.

Lần này cũng vậy, chúng ta hãy kết thúc bằng lời cầu nguyện với Thánh Giuse.

Lạy Thánh Giuse,

Ngài đã tự do yêu thương Đức Maria,

và chọn từ bỏ những tưởng tượng của mình để nhường chỗ cho thực tại,

xin ngài giúp mỗi người chúng con biết ngạc nhiên trước Thiên Chúa

và chấp nhận cuộc sống không phải như một điều không lường trước được để tự bảo vệ mình,

nhưng như một mầu nhiệm che giấu bí quyết của niềm vui đích thực.

Xin ngài cầu bầu cùng Chúa ban niềm vui và tính triệt để cho mọi Kitô hữu đính hôn,

trong khi luôn ý thức

rằng chỉ có lòng thương xót và sự tha thứ mới làm cho tình yêu trở nên khả hữu. Amen.


Cảm ơn anh chị em.