Trước đây chúng tôi đã loan tin rằng có 16 thừa sai hy sinh trên đường truyền giáo theo số liệu cập nhật tính đến ngày 28 tháng 12. Hôm 30 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đưa ra con số cuối cùng là 22 vị, trong đó có 13 linh mục, 1 nam tu sĩ, 2 nữ tu, 6 giáo dân truyền giáo. Năm nay, số nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất được ghi nhận ở Phi Châu, nơi 11 vị bị sát hại bao gồm 7 linh mục, 2 nữ tu, và 2 giáo dân bị giết, tiếp theo là Mỹ Châu, nơi có 7 nhà truyền giáo 4 linh mục, 1 nam tu sĩ, và 2 giáo dân bị giết. Ở Á Châu, 3 nhà truyền giáo gồm 1 linh mục, và 2 giáo dân đã bị giết, và Âu Châu, có một linh mục bị giết. Từ năm 2000 đến năm 2020, theo dữ liệu của chúng tôi, 536 nhà truyền giáo đã bị giết trên thế giới.

Như đã từng xảy ra trong một thời gian, danh sách các thừa sai bị giết hàng năm không chỉ xem xét các nhà truyền giáo theo nghĩa hạn hẹp, nhưng cố gắng ghi lại tất cả những người đã được rửa tội tham gia vào đời sống của Giáo hội đã bị giết một cách bạo lực, không chỉ “vì lòng thù hận đức tin”. Vì lý do này, chúng tôi không muốn sử dụng thuật ngữ “những vị tử vì đạo”, theo nguyên nghĩa là các “chứng nhân”, để không gây trở ngại cho sự phán xét mà cuối cùng Giáo hội có thể đưa ra đối với một số vị trong tiến trình tuyên phong sau này. Đồng thời, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “truyền giáo” cho tất cả những người đã được rửa tội, ý thức rằng “nhờ Bí tích Rửa tội của họ, mọi thành phần dân Chúa đều trở thành môn đệ truyền giáo. Tất cả những người đã được rửa tội, bất kể vị trí của họ trong Giáo Hội hay mức độ giảng dạy đức tin của họ, đều là những tác nhân của việc truyền bá Phúc Âm hóa”

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, cho đến nay, chúng tôi có rất ít thông tin có thể thu thập được về tiểu sử và hoàn cảnh cái chết của các vị. Có thể, có những vị không hề thực hiện những chiến công hay hành động nổi bật, mà chỉ “đơn giản là” làm chứng về đức tin của các ngài trong bối cảnh xã hội nghèo khó, suy thoái, nơi bạo lực là quy luật của cuộc sống, quyền lực của nhà nước không có hoặc suy yếu do tham nhũng và các thỏa hiệp và trong đó hoàn toàn thiếu sự tôn trọng đối với sự sống và mọi quyền của con người. Một lần nữa những linh mục này, các nam nữ tu sĩ và giáo dân này, nhận thức được tất cả điều này, họ thường sinh ra ở cùng một vùng đất nơi họ chết, vì vậy họ không ngây thơ, nhưng bất chấp “mọi thứ khuyên bảo, răn đe buộc im lặng, cấm cản không cho tuyên bố đức tin, họ không thể không làm chứng” (Diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại Budapest, ngày 14 tháng 9 năm 2021). Từ Phi Châu đến Mỹ Châu, từ Á Châu đến Âu Châu, họ chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em của họ, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng.

Các linh mục giáo xứ bị giết hại trong cộng đồng của các ngài, ở Phi Châu và Mỹ Châu, bị bọn tội phạm tra tấn, bắt cóc để tìm kiếm các tài sản không tồn tại. Các linh mục tham gia vào các công việc xã hội, như ở Haiti, đã bị giết để cướp đi những gì cần thiết để thực hiện các hoạt động đó, hoặc thậm chí bị giết bởi những người mà họ đang giúp đỡ, như ở Pháp, hoặc ở Venezuela, nơi một tu sĩ bị giết bởi những tên trộm trong cùng một ngôi trường nơi ngài dạy những người trẻ xây dựng tương lai; các nữ tu bị bọn cướp ở Nam Sudan rượt đuổi và giết chết một cách nhẫn tâm. Và vẫn còn nhiều giáo dân, với số lượng ngày càng tăng: các giáo lý viên bị giết trong các cuộc đụng độ vũ trang cùng với các cộng đồng họ đã hoạt động ở Nam Sudan; những thanh niên bị tay súng bắn tỉa giết chết trong khi cố gắng đưa hàng cứu trợ cho những người di tản chạy trốn khỏi các cuộc đụng độ giữa quân đội và du kích ở Miến Điện; một nhà truyền giáo giáo dân bị giết hại dã man bởi một tên ăn cắp điện thoại di động ở Peru; một thanh niên thiệt mạng vì mìn nổ ở Cộng hòa Trung Phi khi đi trên xe truyền giáo; một giáo lý viên bản địa, nhà hoạt động cho việc tôn trọng nhân quyền theo hình thức bất bạo động, đã bị giết ở Mễ Tây Cơ. Tất cả họ đều “không thể không làm chứng”
Source:Fides