Lễ Phục sinh năm ngoái, Tạp chí The Pillar đã phỏng vấn Cha Francesco Voltaggio, một linh mục thuộc tòa thượng phụ Latinh của Giêrusalem và là viện trưởng Chủng Viện Redemptoris Mater ở Galilê (https://www.pillarcatholic.com/p/triduum-in-the-holy-land-celebrating?s=r). Nhận thấy bài phỏng vấn chứa nhiều thông tin bổ ích, chúng tôi xin chuyển nó sang tiếng Việt:
Có gì khác khi trở thành một linh mục ở Đất Thánh?
Đó là một ân sủng to lớn khi được ở Đất Thánh, được ở lại đây.
Các Giáo phụ gọi Đất Thánh là Tin Mừng thứ năm. Thượng Phụ của chúng tôi thực sự gọi nó là một bí tích, theo nghĩa hồng phúc quan trọng nhất được ở đây tại Đất Thánh là hiểu rằng đức tin của chúng ta có tính lịch sử, đức tin của chúng ta tất cả đều dựa vào lịch sử, dựa vào Tin mừng rằng Chúa Giêsu Kitô thực sự đã sống lại.
Vì vậy, được ở những địa điểm Thánh là điều rất quan trọng, được chạm tới những địa điểm thánh, vì Tin Mừng mời gọi chúng ta làm điều đó, chẳng hạn như khi các thiên thần nói với những người phụ nữ hãy đi xem nơi Chúa Giêsu đã được an táng.
Điều đó cũng đúng trong truyền thống Giáo hội. Các giáo phụ của Giáo hội đã coi trọng những nơi thánh, nhưng đồng thời họ cũng dạy rằng, theo một nghĩa nào đó, chúng là một điều nghịch lý. Các thiên thần bảo những người phụ nữ đến thăm ngôi mộ, nhưng đó là một ngôi mộ trống. Đó là một nơi trống rỗng, nhưng điều quan trọng là phải thấy rằng nơi này trống rỗng, ngôi mộ này trống không. Vì vậy, đây chỉ là một thí dụ về tầm quan trọng của các nơi thánh, trong chúng có ân sủng đặc biệt lớn lao.
Thiên Chúa muốn bày tỏ chính mình trong một vùng đất cụ thể - vùng đất này, với tất cả những vấn đề của nó, giống như cuộc sống của chính chúng ta. Và đối với tôi, thật là một ân sủng khi được sống Tuần Thánh trong thứ toàn vẹn này, tại những nơi thánh thiện này.
Cha nói rằng đó là một vùng đất thánh thiêng và đồng thời là vùng đất có vấn đề, cộng đồng Kitô giáo ở nơi cha đang ở hiện nay ra sao?
Vâng, đó là một sự phong phú lớn bởi vì trước hết, các cộng đồng Kitô giáo có các Giáo hội khác nhau: Giáo hội Chính thống, Giáo Hội Công Giáo, và cả các cộng đồng Tin lành nhỏ hơn với các tuyên tín khác nhau.
Ở đây ở tại Galilê này, đa số người Công Giáo phát xuất từ Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp và Giáo Hội Byzantine, họ có nghi thức giống như người Chính thống Hy Lạp, nhưng tất nhiên, họ theo Công Giáo.
Và vì vậy, ở đây, chúng ta có các Giáo Hội Hy Lạp, Giáo Hội Latinh và Giáo Hội Maronite, mỗi Giáo Hội đều có sự phong phú trong các nghi lễ: Thứ Năm Tuần Thánh và Thứ Sáu Tuần Thánh, và cả lễ vọng Phục sinh nữa, nhưng với các truyền thống khác nhau vốn rất phong phú, vì việc cử hành sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô ở trung tâm đức tin của chúng ta, tức mầu nhiệm Vượt qua, được phát biểu dưới nhiều hình thức khác nhau vì nó quá lớn, quá mạnh mẽ, không thể diễn tả nó chỉ bằng một hình thức.
Tôi nghĩ điều này rất quan trọng đối với Giáo hội của chúng ta ngày nay, vì chúng ta luôn bị cám dỗ đề cao một hình thức, hoặc một hình thức truyền thống, hơn và chống lại các hình thức khác. Nhưng, kể từ những thế kỷ đầu tiên trong Giáo Hội, đã có rất nhiều nghi thức khác nhau để diễn đạt những gì không thể diễn đạt được.
Giống như bốn sách Tin Mừng đều là Lời của Thiên Chúa, nhưng chúng cũng là những cách diễn đạt khác nhau, bởi vì kinh nghiệm về sự Phục sinh, hay kinh nghiệm mạnh mẽ mà các môn đồ có được về Chúa Giêsu Kitô không thể diễn tả chỉ bằng một hình thức.
Trên bình diện thực tế, cha cử hành Thánh lễ trong Tam Nhật Phục sinh bằng bao nhiêu ngôn ngữ khác nhau?
Vâng, ở đây là tiếng Ả Rập, vì đa số Kitô hữu ở Galilê là người Ả Rập thuộc Israel, họ nói tiếng Ả Rập như ngôn ngữ mẹ đẻ, cũng như ngôn ngữ của phụng vụ, nhưng họ cũng nói tiếng Do Thái. Ngoài ra, còn có nghi lễ Byzantine bằng tiếng Hy Lạp và nghi thức Maronite bằng tiếng Ả Rập, nhưng với nhiều phần rất quan trọng của phụng vụ bằng tiếng Syria, rất giống với tiếng Aram, vốn là ngôn ngữ của Chúa Giêsu.
Mỗi người trong số họ đều có các phụng vụ và truyền thống riêng của họ và các nghi thức thích hợp rất mạnh mẽ. Thí dụ, vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp sẽ đọc sách Tin Mừng về cuộc khổ nạn cả ngày và có điều được họ gọi là “đám tang Chúa Kitô”.
Đó là một lễ kỷ niệm rất, rất cảm động và vào Lễ Phục sinh, họ có một nghi thức đặc biệt gọi là “nghi thức Phục sinh”, trong đó họ đi ra ngoài nhà thờ và công bố Tin Mừng về Sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Sau đó, linh mục, trong con người của Chúa Kitô, gõ cửa Nhà thờ để mở nó ra, và dẫn dân chúng vào, như một dấu chỉ cho thấy Chúa Giêsu Kitô, nhờ Sự phục sinh của Người, cho phép chúng ta vào nơi Cực Thánh trên thiên đàng.
Người ta thường thấy những bức ảnh chụp các buổi cử hành phụng vụ lớn tại các địa điểm Thánh chính ở Giêrusalem. Đó có phải là kinh nghiệm của một Kitô hữu bình thường sống ở Đất Thánh không?
Thông thường, [trước đại dịch] tất cả chúng ta sẽ cố gắng tham gia ít nhất một số nghi lễ của Tuần Thánh, bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá. Nhưng Tam Nhật Thánh thường được giữ theo địa phương và thân mật hơn, với các nghi lễ trong các giáo xứ và làng mạc thích hợp của họ, bởi vì họ có truyền thống rất mạnh mẽ liên quan đến gia đình của họ vì ở đây, Lễ Phục sinh giống như Lễ Giáng sinh ở nhiều xã hội phương Tây. Đó là một bữa tiệc truyền thống và tập trung vào gia đình.
Những tưởng năm nay sẽ rất ít người đến Giêrusalem, nhưng ngược lại, vào Chúa Nhật Lễ Lá rất đông người. Chúng tôi đã thoát ra khỏi tình trạng rất khó khăn của coronavirus với cuộc rước kiệu rất cổ xưa này.
Lễ rước Lễ Chúa Nhật Lễ Lá ở Giêrusalem, bắt đầu từ Núi Ôliu, từ Bêtania từ đỉnh Núi Ôliu rồi đi xuống thành phố cổ và tiến vào toàn bộ thành phố Giêrusalem, dĩ nhiên là rất truyền thống, nhưng nó cũng là một điều rất, rất cảm động. Có một sự gần gũi và thân thiết với phụng vụ, chúng tôi sống nó một cách sâu sắc.
Tất nhiên đây là sự chuẩn bị cho Tuần Thánh và đặc biệt là Thứ Năm Tuần Thánh ở Giêrusalem, trước hết, vào buổi sáng tại Mộ Thánh. Tất cả các linh mục Công Giáo của Thánh địa sẽ đến cử hành với Thượng Phụ.
Vào buổi chiều, có việc cử hành tại nhà tiệc ly [địa điểm truyền thống của Bữa Tiệc Ly]. Đó là dịp duy nhất để người Công Giáo đến và có một nghi thức phụng vụ tại Nhà tiệc ly, không phải là Bí tích Thánh Thể, nhưng để cử hành việc rửa chân và có một nghi thức phụng vụ.
Vào buổi tối, thật là điều rất cảm động được cầu nguyện tại cùng một nơi Chúa Giêsu đã cầu nguyện lời cầu nguyện này với Chúa Cha - Abba — vào Thứ Năm Tuần Thánh. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, có lễ kỷ niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, bắt đầu từ khoảng tám giờ sáng, và sau đó là Đàng thánh giá. Đối với các Kitô hữu ở Đất Thánh, việc tổ chức Tam Nhật tại giáo xứ của họ là điều rất quan trọng, nhưng hầu như tất cả người dân ở Israel và Palestine đều cố gắng ít nhất một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đến để tham dự Đàng thánh giá.
Lễ vọng Phục sinh ra sao đối với cha?
Chúng tôi cử hành Lễ Vọng Phục sinh suốt đêm. Buổi canh thức bắt đầu lúc 11 giờ và kéo dài đến bốn năm giờ sáng.
Vì sự phong phú của cộng đồng Công Giáo địa phương, tôi phải có nhiều sự cho phép của Tòa thánh để có thể cử hành theo tất cả các nghi thức khác nhau. Đó là một trải nghiệm rất mạnh mẽ đối với tôi với tư cách là một linh mục, nhưng cũng không dễ dàng vì tôi phải cử hành bằng tiếng Ả Rập và theo nghi thức Công Giáo Hy Lạp. Tôi phải dành nhiều thời gian trong Tuần Thánh để nghiên cứu phụng vụ.
Có một phần rất cảm động trong nghi thức Công Giáo Hy Lạp, đó là nghi thức đốt lửa. Họ thường tổ chức lễ này vào sáng thứ Bảy, và nó có liên quan đến lễ đón Lửa Thánh từ Mộ Thánh ở Giêrusalem của Chính thống giáo. Trong Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, chúng tôi làm phép ngọn lửa, và có một điều tương tự như trong phụng vụ Latinh, chúng ta đón nhận và làm phép cho ngọn lửa mới này, ánh sáng mới, trong nhà thờ không đốt đèn.
Có một lời cầu nguyện tuyệt vời về ánh sáng này, mà Ađam và Evà đã đánh mất trong vườn Địa đàng, nhưng trong đêm nay, ánh sáng này của Chúa Kitô đã xuất hiện trở lại cho nhân loại để giải phóng họ khỏi nô lệ của bóng tối.
Cha nói rằng, ở Thánh địa, lễ Phục sinh là văn hóa đối với cộng đồng Kitô hữu giống như lễ Giáng sinh ở các nước khác. Điều đó như thế nào?
Lễ Phục sinh là điều chính yếu đối với gia đình. Mọi người tụ họp ăn tối sau giờ lễ vọng, và sau đó, một lần nữa vào Chúa Nhật, tất cả các gia đình lại tụ họp với nhau; không những chỉ gia đình trực tiếp gồm cha, mẹ và con cái, mà là gia đình theo nghĩa rộng hơn tức chi tộc.
Nhưng, vì trong văn hóa Ả Rập, văn hóa của gia đình là điều rất quan trọng, nên ngày lễ Phục sinh làm cho mọi điều trở nên rất phức tạp.
Có vấn đề giữa các lịch với nhau, vì các Giáo Hội Chính thống theo lịch Julian, còn chúng tôi theo lịch Gregorian. Và đây là một vấn đề lớn bởi vì, thí dụ, năm nay Lễ Phục sinh của Chính thống giáo rất xa so với lễ của Công Giáo và điều này tạo ra một vết thương rất sâu ở đây giữa các Kitô hữu ở Đất Thánh.
Ở một số giáo xứ, nhiều gia đình Kitô hữu theo các tuyên tín khác nhau. Thí dụ, một người Chính thống giáo kết hôn với một phụ nữ Công Giáo. Và vì vậy việc phải ăn mừng Lễ Phục sinh ra sao với tất cả gia đình, nếu họ có hai ngày khác nhau, trở thành một vấn đề thực sự. Một số giáo xứ Công Giáo đã yêu cầu được cử hành lễ Phục sinh với ngày của Chính thống giáo, nhưng điều này tạo ra một vấn đề khác là làm thế nào để giữ sự hợp nhất với Giáo Hội Công Giáo của chúng ta nếu họ cử hành sau những người khác một tháng. Tôi muốn đề cập đến vấn đề này bởi vì Đức Thánh Cha Phanxicô đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề lớn này ở bình diện Rome, nhưng nó đặc biệt quan trọng ở đây ở Đất Thánh.
Nhưng khi gia đình đến với nhau thì đó là một bữa tiệc lớn, và vì một lý do quan trọng.
Những người anh em phương Đông của chúng tôi, đặc biệt là Công Giáo Hy Lạp, Chính thống giáo Hy Lạp và người Maronites, họ ăn chay hết cả Mùa Chay một cách đặc biệt - một cách cũng đã từng phổ biến ở phương Tây. Họ kiêng ăn thịt suốt Mùa Chay, nhưng cũng kiêng ăn trứng, ăn cá, và đủ mọi thứ. Vì vậy, điều đầu tiên họ làm sau Lễ Phục sinh là đãi tiệc - đặc biệt là với món thịt cừu nướng.
Và khi tôi nói bữa tiệc, tôi thực sự muốn nói bữa nịt nướng, đó là món chuyên biệt ở đây. Thịt nướng rất quan trọng ở đây, ở Galilê này; Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu, điều đầu tiên Người làm cho các môn đệ khi hiện ra ở đây, trước Biển Galilê vào sáng sớm, là chuẩn bị món cá nướng. Họ là những người chuyên về nướng thịt cá ở đây, tin tôi đi.
Vì vậy, mùa kỷ niệm này, sẽ có một bữa tiệc lớn và lời chúc Lễ Phục sinh rất quan trọng trong toàn bộ nền văn hóa: họ không nói với nhau "xin chào", "bạn khỏe không" hoặc "chúc buổi sáng” nhưng luôn luôn là “Chúa Kitô đã sống lại! ” và câu đáp lễ là “Người thật sự đã sống lại!” Đây có thể là điều lạ thường xảy ra ở các nước phương Tây, dù theo Kitô giáo, nhưng ở đây điều này rất quan trọng. Theo truyền thống, khi họ công bố sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, họ sẽ hát câu này 100 lần, 1000 lần, để thực sự công bố nó.
Điều này cũng xảy ra trong xã hội rộng lớn hơn, cả với những người không tin nhiều vào Chúa Kitô.
Ở đây, trở thành Kitô - chúng ta phải hiểu - cũng là một bản sắc văn hóa. Đôi khi đây là một vấn đề mục vụ và thực tế, nhưng theo một nghĩa khác, đó là một điều tốt.
Người Kitô hữu đã phải chịu nhiều đau khổ trong suốt lịch sử, chẳng hạn, do sự thống trị của Hồi giáo hoặc do áp lực từ bên ngoài, và cả những áp lực từ người dân Israel.
Bản sắc của con người là theo Kitô giáo, và điều tốt là có nền tảng tôn giáo này, cảm thấy rằng bạn là một Kitô hữu, bạn đã được rửa tội, nhưng theo một nghĩa khác, đó cũng là một vấn đề, bởi vì đôi khi họ chỉ có thứ đức tin theo truyền thống, rất có thể là một đức tin của truyền thống, nhưng không phải là một đức tin sống động thực sự.
Thí dụ, tôi nhớ có lần ai đó nói với tôi, "Tôi là một người vô thần, nhưng tôi là Kitô hữu." Ý tưởng sau đây rất đáng lưu ý, "Tôi không thực hành đức tin của mình, tôi không tin vào Thiên Chúa, nhưng tôi là Kitô hữu." Một cách nào đó, giống như một số người Do Thái, họ cảm thấy họ là người Do Thái, dù họ không tin vào Thiên Chúa chút nào. Đối với các Kitô hữu Ả Rập ở đây, một điều tương tự như thế cũng đang diễn ra.
Có một điều gì đó rất sâu đậm trong con người về Kitô giáo, điều mà chúng ta có thể đang đánh mất ở một số nơi trên thế giới, chẳng hạn như ở Châu Âu, nơi cội nguồn của Kitô giáo cần được tái truyền bá Tin Mừng.
Nhưng ở đây, chúng ta phải giúp họ khám phá lại đức tin ở trung tâm của mầu nhiệm Vượt Qua. Chúng ta phải giúp những Kitô hữu vốn chỉ có một đức tin “truyền thống” để mang đức tin truyền thống của họ trở nên sống động trong họ, và tất nhiên đây là thách thức đối với tất cả các Giáo hội ở khắp mọi nơi.