[Cái chết của bé Lazare.]
“Pax huic domini et omnibus environmentantibus in ea… (Bình an cho ngôi nhà này và cho tất cả những ai ở trong đó…) Lạy Chúa, Chúa sẽ dùng cây hương thảo tắm gội cho con và con sẽ được sạch; Chúa sẽ làm sạch con và con sẽ trắng hơn tuyết… Xin lắng nghe chúng con, Lạy Chúa là Cha chúng con, Đấng Toàn năng, Thiên Chúa Hằng hữu, và hạ cố, từ Thiên đàng của Người, sai thánh thiên thần của Người xuống để sưởi ấm trong lòng ngài, bảo vệ, thăm và bênh vực những người sống trong nhà này. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con.”
Đêm tiếp theo lời chúc phúc trên thật yên bình, nhưng đêm sau đó— lạy Chúa Giêsu Đấng có tinh thần bổn phận nhất, Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết và ngôi mộ, thật là một đêm kinh hoàng!
Một tiếng kêu không phải của con người, tiếng kêu như cóc nhái của một linh hồn bị ma quỷ hành hạ, làm người phụ nữ nghèo ngồi thẳng dậy, hai mắt mở to, răng run cầm cập, tứ chi như rụng rời rời rạc vì run rẩy, và trái tim nàng đập mạnh, như tiếng chuông báo động địa ngục, trước hai bên của cơ thể từng mang một đứa con của Thiên Chúa. Nàng vội vàng chạy đến nôi của con trai mình. Đứa trẻ thơ ngây vẫn nằm ngủ, và những tia nắng nhạt của ánh sáng ban đêm cho thấy nó xanh xao đến nỗi ngay lập tức nàng quan sát để biết chắc nó còn thở hay không.
Rồi, nàng bị đánh động khi nhận ra rằng một tuần này, nó đã ngủ quá nhiều, nó ngủ gần như liên tục và bàn chân luôn lạnh lẽo. Kìm nén những giọt nước mắt đang trào ra, nàng nhẹ nhàng nâng nó lên trong vòng tay và đưa nó đến gần đống lửa.
Lúc này có thể là lúc mấy giờ? Nàng không bao giờ phát hiện ra. Sự im lặng bao la bao trùm lên mọi sự, một trong những thứ im lặng có thể làm cho người ta nghe thấy tiếng chuyển động mơ hồ của những dòng máu tí hon lưu chuyển trong các động mạch … Đứa trẻ rên rỉ. Mẹ nó cố gắng bắt nó uống một cách vô ích, nó bắt đầu vật lộn, dường như đột nhiên hoàn toàn bị phân tâm, giơ đôi cánh tay nho nhỏ xinh xinh của mình lên Đấng Vô hình, như những người mạnh khỏe quen làm khi hấp hối, và bắt đầu tiếng nấc hấp hối.
Clotilde, áp đảo bởi nỗi kinh hoàng, nhưng vẫn chưa nhận ra rằng đây là lúc kết thúc, đặt đầu của người đau khổ thân yêu của nàng lên vai, ở vị trí mà hơn một lần từng xoa dịu nó, và đi đi lại lại một lúc lâu trong nước mắt, cầu xin sự hộ giúp của Các Trinh Nữ Tử Đạo từng bị hổ dữ và cá sấu ăn thịt để mua vui cho đám quần chúng.
Nàng hết sức mong muốn có sự hiện diện của chồng mình, nhưng không dám lớn tiếng, và cầu thang rất khó leo trong bóng tối, đặc biệt là với một gánh nặng như vậy trên vai! Cuối cùng, tạo vật nhỏ bé rơi từ cổ xuống ngực nàng, nàng hiểu ngay.
“Leopold! con chúng ta sắp chết!” nàng kêu lên bằng một giọng sợ hãi. Sau này, Leopold nói rằng tiếng kêu lớn này đã ập đến với chàng trong giấc ngủ như một khối đá hoa cương đâm vào người thợ lặn dưới đáy vực sâu đầy đá. Chạy như bay xuống cầu thang như một viên đạn, chàng chỉ đủ thời gian để tiếp nhận cái rùng mình cuối cùng của sự sống chớm nở đó, cái liếc mắt không nhìn cuối cùng của đôi mắt quyến rũ mà màu xanh trong veo đã bắt đầu nứt nẻ, phủ men bằng một lớp màng trắng đục dập tắt chúng….
Đối mặt với cái chết của một đứa trẻ nhỏ, Nghệ thuật và Thi ca thực sự giống như nỗi khốn cùng sâu xa nhất. Một ít người mơ mộng, những người dường như chính họ cũng lớn lao như mọi khốn khổ tột cùng của thế giới, đã làm những gì họ có thể làm. Nhưng những lời than thở của các bà mẹ và thậm chí hơn thế nữa, sự trào dâng thầm lặng trong lòng các ông bố có sức mạnh khác xa so với ngôn từ hay màu sắc, đến nỗi nỗi sầu khổ của con người thuộc về thế giới vô hình.
Không hẳn sự đụng chạm của cái chết mang lại cho con người sự đau khổ như vậy, vì hình phạt này đã được thánh hóa bởi Đấng tự xưng là Sự sống. Trọn niềm vui đã qua, một niềm vui đang nhô lên và gầm gừ như một con hổ, đang tự xổ lồng như một cơn bão. Chính xác hơn, đó là ký ức tuyệt vời và đau buồn về việc được nhìn thấy Thiên Chúa, vì lạy Chúa, mọi dân tộc đều thờ ngẫu thần, như Ngài vẫn thường nghe nói! Những hình ảnh buồn rầu của Ngài chỉ có thể tôn kính những gì họ nghĩ họ nhìn thấy, bao lâu họ nhìn thấy Ngài, và con cái họ đối với họ là Thiên đường của Vui thú.
Tuy nhiên, không có nỗi buồn nào khác hơn nỗi buồn được kể trong Sách của Ngài. In capito Libri scriptum est de me (ở đầu Cuốn sách chép về Ta). Hãy tìm kiếm như chúng ta sẽ tìm, không một nỗi buồn đơn nhất nào chúng ta sẽ tìm thấy bên ngoài vòng lửa của Thanh gươm xoay đủ chiều canh giữ Khu vườn đã đánh mất. Mọi khốn khổ của thể xác hay linh hồn đều là một tệ nạn đày ải, và lòng trắc ẩn tàn khốc ban tặng cho những chiếc quan tài nhỏ bé chắc chắn là điều thuyết phục nhất gợi nhớ lại Sự đày ải nổi tiếng mà vì nó loài người, bị tước mất sự trong trắng, đã không bao giờ có thể tự an ủi mình.
Họ đã tự tay mặc quần áo cho nó để nằm vào chiếc nôi tối hậu được Ngôi Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng đu đưa giữa các chòm sao. Rồi họ ngồi đối diện nhau chờ bình minh tới. Trong hai hoặc ba giờ, họ đã trải nghiệm sự tắt dần hữu ích các suy nghĩ và cảm giác, vốn là giai đoạn đầu tiên của bất cứ nỗi buồn vô bờ bến nào.
Một chữ duy nhất được thốt ra, chữ phúc lành, từ môi của người mẹ phát ra và Leopold hiểu rất rõ. Phụng vụ cho biết: “Chính những người đã không làm bẩn quần áo của họ… Những người này đi theo Con Chiên không tì vết bất cứ nơi nào Người đi tới.” Các Kitô hữu có niềm an ủi khi biết rằng trên hết có những người nhỏ bé trong Nước Trời, và tiếng nói của các Anh Hài đã chết “làm cho trái đất vang dội…” Tuy nhiên, kể từ nay bất cứ họ có thể đã phải chịu đau khổ bao nhiêu, họ có thể đã phải mò mẫm tìm kiếm linh hồn của họ bao nhiêu dọc theo những con đường tồi tệ nhất ở bên dưới thiên đường, tuy nhiên họ biết chắc rằng một điều gì đó của chính họ đang tỏa sáng trong một vinh quang diễm phúc vượt quá mọi thế giới.
Máu Người Nghèo
[Tiền.] Máu Người Nghèo là tiền. Mọi người đã sống nhờ nó và chết vì nó cả hàng thế kỷ nay. Nó tóm tắt một cách hùng hồn tất cả mọi đau khổ. Nó là Vinh quang, nó là Quyền lực. Nó là Công lý và Bất công. Nó là Tra tấn và Vui thú. Nó phải được ghê tởm và được tôn thờ, biểu tượng chói lọi và tuôn chẩy của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, In quo omnia constant (trong Người mọi vật đứng vững).
Máu của người giầu là một thứ mủ hôi hám, chảy ra từ những vết loét của Cain.
Người giàu là người nghèo đã thất bại, một gã đầu đường xó chợ có mùi thấp hèn mà các ngôi sao đều sợ hãi.
Mạc khải dạy chúng ta rằng chỉ có một mình Thiên Chúa là người nghèo và Con Một của Người là người ăn mày duy nhất. Máu của Người là máu của Người Nghèo nhờ đó loài người được “mua với giá đắt”. Máu quý giá của Người, có màu đỏ và tinh khiết vô hạn, có thể trả giá cho mọi thứ!
Vì vậy, điều hoàn toàn cần thiết là tiền phải đại diện cho nó: tiền mà người ta cho đi, người ta cho vay, người ta bán, người ta kiếm được hoặc đánh cắp; tiền giết chết và ban sự sống như Ngôi Lời, tiền được thờ phượng, tiền thánh thể mà người ta uống và ăn. Là tiền lương du hành của việc tò mò lưu động và của ăn đàng khi chết. Mọi khía cạnh của tiền bạc là một khía cạnh của Con Thiên Chúa đổ Máu nhờ đó Người lãnh lấy mọi sự cho chính Người.
[Thập giá của sự khốn cùng.]—
Về một lãnh thổ tối đen và bao phủ bằng sương mù chết chóc: một lãnh thổ khốn cùng và đen tối, nơi bóng tối sự chết, và không trật tự nhưng chỉ có kinh hoàng vĩnh viễn ngự trị.- Gióp
Cảnh nghèo tụ tập người ta, cảnh khốn cùng cô lập họ, vì cảnh nghèo là của Chúa Giêsu, cảnh khốn cùng là của Chúa Thánh Thần. Cảnh nghèo là điều tương đối, thiếu điều dư thừa. Cảnh khốn cùng là điều tuyệt đối, thiếu điều cần thiết. Cảnh nghèo bị đóng đinh, cảnh khốn cùng là chính thánh giá. Chúa Giêsu vác Thánh giá, chính là cảnh nghèo vác cảnh khốn cùng. Chúa Giêsu trên Thánh giá, chính là cảnh nghèo rỉ máu trên cảnh khốn cùng.
Những người trong số những người giàu không bị trầm luân, theo nghĩa chặt chẽ, có thể hiểu được cảnh nghèo, vì bản thân họ vốn nghèo, một cách nào đó; nhưng họ vẫn không thể hiểu được cảnh khốn cùng. Có lẽ, họ có khả năng bố thí, nhưng họ không có khả năng tự làm mình trần truồng, họ có thể xúc động, trước âm thanh âm nhạc tuyệt đẹp, trước các đau khổ của Chúa Giêsu, nhưng Thập giá của Người, thực tại của Thập giá Người, làm họ kinh hoàng.
Họ muốn nó hoàn toàn bằng vàng, tắm trong ánh sáng, đắt tiền và nhẹ nhàng; dễ chịu thấy nó lủng lẳng trên cổ họng xinh đẹp của một người phụ nữ.
Các linh mục thời thượng tránh xa khỏi họ chiếc giường tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, thập giá của cùng khổ, vô cùng đau thương, dựng ở giữa nơi chôn cất dành cho phạm nhân, giữa cứt đái và hôi thối, Thập giá đích thực, thập giá của sự từ bỏ tuyệt đối, thập giá của sự từ bỏ và bác bỏ vĩnh viễn tất cả của những người, bất luận họ là ai, những người không muốn bất cứ điều gì trong số này; thập giá của việc ăn chay gây mệt mỏi, của việc hy sinh hoàn toàn các giác quan, của việc thương tiếc bất cứ điều gì có thể an ủi; thập giá của cây cọc, của dầu sôi, của chì nóng chảy, ném đá, chết đuối, lọc da sống, phanh thây, bị chặt thành từng mảnh, bị thú dữ ăn thịt, thập giá của tất cả các cực hình do những đứa con hoang của ác quỷ sáng chế…. Thập giá đê tiện và đen đúa, giữa sa mạc sợ hãi bao la như thế giới; không còn sáng láng như trong các bức tranh của trẻ em, nhưng choáng ngợp dưới bầu trời đen tối tia chớp cũng không làm sáng lên, Thập giá đáng sợ bị bỏ rơi của Con Thiên Chúa, Thập giá của Nghèo cùng cực và Khốn cùng!
Ước chi những người giàu đáng nguyền rủa này bằng lòng với việc không muốn chút gì của cây Thập giá!
Nhưng họ lập luận rằng nó không được dành cho họ, tự hào về tiền bạc của họ, vốn là Máu quý giá nhất của Chúa Kitô, để đặt vào nơi của họ một đoàn dân nghèo mà họ đã hút máu và đưa vào chỗ tuyệt vọng! Và họ dám nói về bác ái, thốt ra chữ Bác ái, vốn là chính Thánh Danh của Ngôi Ba chí thánh! Một việc đánh đĩ lời nói đủ để làm cho Ác quỷ phát sợ!
Thiên Chúa đã bao dung tất cả những điều ấy cho đến tận đêm nay, rất có thể là “Đêm vĩ đại” như những nhãi ranh của Vô Chính Phủ thường nói. Tuy nhiên, vẫn còn ánh sáng ban ngày. Bây giờ chỉ là ba giờ, giờ Hiến tế của Người Nghèo. Các nô lệ trong hầm mỏ và nhà máy vẫn đang làm việc. Hàng triệu cánh tay đang lao công vất vả trên toàn trái đất để tạo vui hưởng cho một số ít người, và hàng triệu linh hồn này bị vùi dập bởi nỗi thống khổ của lao động, tiếp tục không biết rằng có một Thiên Chúa ban phước cho những kẻ đè bẹp họ: Thiên Chúa của sự phóng đãng và thời trang, Đấng có “ách thật ngọt ngào và gánh thật nhẹ nhàng” cho những kẻ áp bức.
[Sự Phẫn nộ của Thiên Chúa.]
Sự phẫn nộ của Thiên Chúa không tìm được nơi ẩn thân.
Nó là một cô gái có mái tóc cực kỳ rối bời, đói khát và mọi cánh cửa đều đóng chặt đối với nó, một người con gái thực sự của sa mạc không ai biết đến. Những con sư tử mà giữa chúng, nó được sinh ra đã chết, đã bị giết vì sự phản bội của chúng, bởi nạn đói và sâu bọ. Nó đã chắp tay trước mọi ngưỡng cửa, cầu xin được đưa vào, nhưng nó không tìm được ai thương hại cho sự Phẫn nộ của Thiên Chúa.
Tuy thế, nó vẫn xinh đẹp, nhưng không quyến rũ được ai và không biết mệt mỏi, nó vẫn gây ra nỗi sợ hãi đến mức đất phải rung chuyển khi nó đi ngang qua. Sự Phẫn nộ của Thiên Chúa ăn mặc rách rưới và hầu như không có gì để che giấu sự khỏa thân của nó. Đôi mắt nó là những hố sâu và miệng nó không còn thốt ra được lời nào. Bất cứ khi nào gặp một linh mục, nó trở nên nhợt nhạt hơn và im lặng hơn, vì các linh mục lên án nó, nhận thấy nó không chải chuốt, thiếu điều độ và ít bác ái: Nó biết rất rõ ràng rằng từ nay trở đi mọi sự đều vô ích. Thỉnh thoảng nó ôm những đứa trẻ nhỏ vào vòng tay của mình, dâng chúng cho thế giới, nhưng thế giới đã ném những đứa trẻ vô tội đó vào đống phân, nói với nó: “ngươi quá tự do không thể làm vừa lòng ta! Ta có luật lệ, hiến binh, người đưa trát đòi, chủ nhà! Ngươi sẽ phải lấy giấy phép hành nghề mãi dâm và trả tiền thuê nhà khi đến hạn. "
Sự Phẫn nộ của Thiên Chúa trả lời, “Ngày của tôi đã đến gần và tôi sẽ trả tiền thuê nhà của tôi đúng hẹn.”
[Mong muốn của Người nghèo.] Điều một ngày nào đó phải có một bản cáo trạng hết sức khủng khiếp đối với người giàu là sự Mong muốn của người nghèo. Đây là một nhà triệu phú, người, ngoài các nhu cầu của anh ta, bám lấy hoặc chi tiêu trong một phút điều mà trong năm mươi hay sáu mươi năm vốn là đối tượng cho những lời cầu nguyện tuyệt vọng của một người nghèo. Chỉ riêng ở Pháp đã có hàng trăm nghìn người như vậy - chưa kể hàng triệu người trong số họ thiếu thốn. Tất cả những ai sở hữu quá và trên những điều không thể thiếu đối với đời sống vật chất và tinh thần của mình đều là triệu phú, và do đó là kẻ mắc nợ đối với những người không sở hữu gì.
Không ai có quyền có dư thừa ngoại trừ Con Thiên Chúa Nhập Thể. Người đã được đặc ân trên tất cả những gì có thể nói hoặc tưởng tượng, đến độ đặc ân của Người chỉ có thể được biết qua mạc khải. Nữ tiên tri nổi tiếng Agreda cho biết: “Số lượng roi quất mà Đấng Cứu Rỗi nhận được, từ chân đến đầu là 5,115 roi”! Một số người còn thiết lập con số cao hơn. Thời ấy hình phạt roi khủng khiếp của Rôma, như đã được thực hiện ở Giuđêa, không được quá 39 —quadragenas una minus (ít hơn 40). Đó là mong muốn quá đáng của Vua người nghèo, sự thừa thãi của Người! Chúng ta không biết gì về số lần Chúa Kitô bị vả vào mặt và bị đấm và khạc nhổ, nhưng chúng ta có thể cho rằng nó cũng giống như thế.
Điều mà con người khao khát là chính con người, và mong muốn của Thiên Chúa Làm Người đương nhiên là đem lại sự đền tội cho tất cả mọi người, bất kể giá của phép lạ có thể là bao nhiêu. Theo quan điểm này, mong muốn của người giàu ít nhất phải là những gì cần thiết cho anh ta từ những đau khổ của người nghèo, và mong muốn của người nghèo phải là những gì cần cho anh ta từ những an ủi tràn đầy đang đè nặng lên người giàu.
Liệu có một linh mục nào dám rao giảng về bản văn này: "Vae vobis divitibus quia habetis consolationem vestram!" (Khốn cho các ngươi, hỡi những người giàu có, các ngươi đã được niềm an ủi của các ngươi rồi!) Bản văn này quá nghiêm trọng, quá Tin Mừng, quá không bác ái chút nào. Người giàu không mong người nghèo có được niềm an ủi hay thú vui.
Ý tưởng về một người nghèo nào đó có thể mua cho mình thuốc lá hoặc uống một tách cà phê là điều họ chịu không được. Họ đúng, tuy không biết điều đó, vì người nghèo đang đau khổ thay cho họ. Nhưng họ giữ niềm an ủi cho riêng mình, niềm an ủi làm thất kinh của họ, và họ sẽ phải chịu loại thống khổ nào khi, với từng mẩu giàu có giết người của họ đòi được chuộc bằng những cuộc đền tội khôn tả, họ sẽ thấy cả hàng núi hành khổ đang tiến về phía họ!
Consolationem vestram — niềm an ủi của các ngươi. Quả là một phiền muộn đảo ngược được ngụ ý trong cụm từ khó xóa nhòa này, và ở mặt trước, quả là một mong muốn! Mong muốn một ít cơm bánh, một chút rượu ngon làm vui lòng người, mong muốn có hoa và không khí đồng ruộng, vì tất cả những điều này Thiên Chúa đã tạo ra cho loài người, không phân biệt; mong muốn ít nhất được nghỉ ngơi sau khi lao nhọc, khi tiếng chuông báo kinh sai thiên thần buổi tối. “Các con tôi, vợ tôi sắp chết, bị kết án bởi hàng ngàn những người anh em có thể cứu họ chỉ bằng cách cho họ những mảnh vụn vẫn dành cho những con chó của họ ăn. Chính tôi cũng đang ở cuối đường xoay xở của mình, và cũng có thể không sở hữu một linh hồn quý giá, một linh hồn vinh quang mà các tầng trời sẽ không bỏ qua, nhưng lòng tham của đứa con đầu lòng của Ma quỷ đã làm cho mù, điếc và câm.
Nhưng họ vẫn chưa thể giết được mong muốn đang hành hạ tôi!”…
[Ly nước.] Con người đứng gần Thiên Chúa đến nỗi chữ nghèo là một biểu thức nói lên sự dịu dàng. Khi trái tim của người ta đang bừng bừng lòng trắc ẩn hoặc yêu thương, khi người ta khó có thể cầm được nước mắt, đó là chữ xuất hiện trên đôi môi.
Ladarô không chỉ là biểu tượng của Tin Mừng về Người ăn mày được Thiên Chúa yêu thương, ngược với Người giàu tham lam và ưa khoái nhục bị Người nguyền rủa. Ông là nguyên mẫu của người ăn xin đó. Ladarô này là con của chính Thiên Chúa, ông chính là Chúa Giêsu Kitô “trong lòng Ápraham”, nơi ông “được các Thiên thần đưa lên.” Ông nằm ở cửa thế giới, người đầy những vết lở loét. Ông rất muốn lấp đầy bụng bằng những mảnh vụn rơi từ bàn ăn nơi người giàu có đó đang chè chén say sưa với của cải của mình, nhưng không ai cho anh ta dù chỉ một mảnh vụn. Anh vẫn còn may mắn khi không bị những con chó ăn thịt.
Bạn có thể nghĩ rằng người giàu và người nghèo này không thể cách xa nhau hơn. Nhưng cái chết đã đến với cả hai, nó chia cắt họ một cách rất khác, khi nó tách thân xác khỏi linh hồn, và “sự Hỗn mang” vĩ đại tiến vào, nó và vực thẳm mầu nhiệm và không thể bắc cầu qua không ai có thể tưởng tượng được— chính cái chết, mãi mãi không thể hiểu nổi. Giờ đây, người giàu có đang ở giữa những cực hình kinh hoàng từng được báo trước một cách trái ngược bởi những khoái cảm trên bàn ăn của ông ta, đã khẩn khoản nài xin người ăn mày vinh quang, thậm chí không dám xin ông ta cho trọn khối nước lạnh chứa trong “chén” Tin Mừng, nhưng chỉ là một giọt nước lạnh trên đầu ngón tay để làm mát lưỡi mình, và ông ta trông cậy ở sự cầu bầu của Ápraham để có được nó. Ông ta quả đã không chọn một người trung gian tệ hơn. Ápraham nhắc đến chướng ngại vật là vực thẳm. “Và vực thẳm đó chính là sự từ chối của chính ngươi. Ladarô từng xin ngươi y như thế khi ngươi vui hưởng trong khi nó đau khổ. Niềm an ủi không mủi lòng của ngươi đã trở thành niềm an ủi của nó, và không thể làm gì hơn được nữa. "
Chén nước của Tin Mừng! Nó đã được biến thành một lẽ thường tình, như rất nhiều những Câu Nói khác. Đó là chiếc ly tràn đầy những giọt nước mắt cảm thương, lời khiêm nhường từ một trái tim run rẩy vì yêu thương và chỉ có thể cho đi điều đó, cử chỉ của đứa trẻ nhỏ, kẻ được mẹ nâng lên trên đám đông ghê tởm trên đường đi tới máy chém, gửi một nụ hôn tới nữ hoàng nghèo đang đi đến cái chết của mình.
Ôi! bất cứ điều gì từ bất cứ ai, ngay từ một con thú, khi người ta tràn ngập buồn sầu! Những người khốn cùng biết rõ rằng không có gì quý hơn.
“Ta cần sự trợ giúp mạnh mẽ và điều con cho lại rất yếu ớt, nhưng ta biết rằng đó là tất cả những gì con có thể làm, dù rất ít ỏi, con hãy dâng cho ta chiếc ly kim cương đó là trái tim của con. ‘Con sẽ được phần thưởng của con', Thầy chí thánh đã nói như thế, và tôi nói với bạn rằng tôi sẽ say xỉn với thứ nước này suốt Đời sống vĩnh cửu. Một ly nước có giá cao ngất ngưởng, đến nỗi nếu được người có thể làm tốt hơn đưa cho thì nó vẫn có một giá trị không thể tính toán được.
“Bạn muốn làm tôi trở thành một hoàng tử, vào tuần tới, và tôi thừa nhận ý tưởng này làm tôi thích thú. Một chiếc vương miện sẽ phù hợp với tôi hoàn toàn; nhưng trong khi chờ đợi, há bạn không thể cho tôi một mảnh năm mươi xu, một mảnh, ngay lúc này, sẽ đáp ứng mọi mong muốn của tôi sao? Ở đằng kia, trên quầy đó là một chai rượu mà tôi phải phân cách bởi vực thẳm bao la của Dụ ngôn. Bạn sẽ tốn ít hơn ly nước đó, ít hơn giọt nước trên ngón tay Ladarô, người đã phải đau khổ suốt đời để có quyền từ chối nó. Nhưng bạn không cho tôi giọt nước đó, sự mong muốn nó làm trầm trọng thêm các cực hình ngày xưa của tôi, vì bụng bạn được nhồi nhét, vì bạn không biết đói và khát, và ở đây, thưa ngài, chúng ta ở hai bên của Hỗn mang!”
Hệ thống xưởng đổ mồ hôi [sweatshop]! Thật khó tin những chữ ô nhục này lại có thể được viết ngay cả bằng tiếng Anh. Vâng, ngay cả bằng tiếng Anh, điều đó thật không thể tin được.
Nhưng là mồ hôi nào? Trời đất, sau chữ này, không thể nào không nghĩ tới Diệtsimani, không nghĩ đến việc Môsê, người muốn toàn bộ Ai Cập trào máu để hình dung trước các cơn đau đớn dữ dằn lúc chết của Con Thiên Chúa. Có phải Người, Đấng đã gánh lấy tất cả những nỗi buồn có thể tưởng tượng được và tất cả những nỗi buồn không thể tưởng tượng được, lúc đó đã đổ mồ hôi máu theo kiểu này hay không? Mồ hôi máu như một hệ thống! Mồ hôi máu của Chúa Giêsu dự định trở thành đối tác thầm lặng của các nạn đói và thảm sát! … Có thể nghĩ rằng con người đã phát điên vì đã nghiêng người qua bờ vực này…
Điều khó hiểu nhất trên thế giới là sự kiên nhẫn của người nghèo, dấu ấn đen tối và lạ lùng của Sự kiên nhẫn nơi Thiên Chúa đang ngự trong các cung điện sáng láng của Người. Khi sự đau khổ đã đi quá xa, hình như điều này đơn giản đủ để người ta đánh vỡ sọ hay moi ruột con thú hoang. Những điều như vậy đã xảy ra. Thật vậy, chúng thường xuyên xảy ra trong lịch sử. Nhưng những cuộc nổi dậy đó luôn là những phong trào gây rối loạn và diễn ra trong thời gian ngắn. Ngay lập tức, sau cuộc tấn công dữ dội của họ, Mồ hôi máu của Chúa Giêsu lại âm thầm bắt đầu nhỏ xuống trong đêm, dưới những cây ô liu thầm lặng trong Vườn, với các môn đệ mê ngủ. Người phải tiếp tục với nỗi Hấp hối này thay cho rất nhiều con người không ai chống đỡ, đàn ông, đàn bà và nhất là trẻ em!
Vì đây là nỗi kinh hoàng của mọi kinh hoàng: lao động trẻ em, sự khốn cùng tột độ của những đứa trẻ nhỏ bị bóc lột bởi một ngành sản xuất tạo ra giàu có. Và điều này diễn ra ở mọi quốc gia. Chúa Giêsu từng nói: "Hãy để chúng đến với tôi." Người giàu nói: “Gửi chúng đến nhà máy, đến xưởng làm, đến những nơi tăm tối và chết chóc nhất trong tất cả các địa ngục của chúng ta. Các cố gắng của những cánh tay yếu ớt của chúng sẽ đem thêm một điều gì đó cho sự giàu có của chúng ta.”
Người ta thấy những đứa trẻ tội nghiệp như vậy, những đứa trẻ có thể bị đánh gục bằng một hơi thở, đã phải làm việc hơn ba mươi giờ một tuần, và những người lao động này, hỡi Thiên Chúa hay báo thù! lên tới con số hàng trăm nghìn. Để không ai có thể nói tôn giáo bị lãng quên, các xưởng đổ mồ hôi dành cho các cô gái nhỏ, vượt quá phạm vi hiểu biết của Dante, thường được quản lý bởi các nữ tu, các trinh nữ thánh hiến, khô như cây nho của Quỷ và là những người biết mọi cách hữu hiệu để có kết quả…. Người đàn bà trẻ của thế giới có lẽ cũng không biết — như Dante không biết —trang phục và đồ lót mịn màng của nàng đã làm tốn phí những gì. Tại sao ai đó phải nói cho nàng biết về sự kiệt sức chết người, cơn đói khát không bao giờ được thỏa mãn của những cô gái nhỏ khốn cùng, tất cả đều quá vui mừng khi tự giết mình cho vẻ đẹp của nàng? Tiếng kêu vù vù có lẽ sẽ đảm nhiệm việc làm cho con thú xinh đẹp này hiểu được vị đắng đót của những giọt nước mắt phải nuốt ngược vào trong và sự co rút vĩnh viễn của những trái tim bé bỏng ấy? Nhưng bởi vì những điều không là gì cả này lớn hơn nàng vô tận và bởi vì sau tất cả những điều này sẽ có công lý, người ta có thể chắc chắn rằng nàng sẽ không luôn không biết về chúng. Và khi nàng phát hiện ra!… Thánh sử Luca đã nghe Mồ hôi máu của Chúa Giêsu Kitô rơi xuống đất, từng giọt một. Tiếng động này quá nhẹ, không đủ đánh thức các môn đệ đang ngủ, hẳn đã được các chòm sao xa nhất nghe thấy và đã đặc biệt thay đổi hành trình lang thang của chúng. Chúng ta phải nghĩ gì về âm thanh, nhẹ nhàng và ít được lắng nghe hơn, của vô số bước chân những trẻ em tội nghiệp đi làm nhiệm vụ đau buồn và khốn khổ của chúng do những kẻ đáng nguyền rủa đòi hỏi, nhưng tất cả đều không hề hay biết và những người khác cũng không hề hay biết, là các em đang tiến về phía người anh trai của các em trong Vườn Hấp Hối, người kêu gọi các em và chờ đợi các em trong vòng tay đẫm máu của Người? Sinite pueros venire ad ơi. Talium est enim regnum Dei (Hãy để các trẻ nhỏ đến ới Thầy. Sinite pueros venire ad me. Talium est enim regnum Dei (Vì nước Thiên Chúa là như thế).
[Người phối ngẫu của Con Thiên Chúa.] Nếu ở trong hoang địa, ai nói một cách âu yếm về cảnh nghèo ắt có thể khiến đông đảo quần chúng lắng nghe, cũng như Hơi thở của Chúa, Đấng đã ban sự sống lại cho bộ xương cằn cỗi và bụi bặm của Êdêkien.
Vì Cảnh Nghèo chẳng kém gì Người Phối ngẫu của Con Thiên Chúa, và khi đám cưới vàng của nàng diễn ra, những người đi chân đất và đói rách cơ cực sẽ chạy đến từ tận cùng trái đất để chứng kiến.
Bà biết điều này, hỡi Nữ hoàng Do Thái, Mẹ của Thiên Chúa Nghèo Nhất, người mà những tên tư sản ở Bêlem không tiếp đón, và là người đã sinh hạ, trên đống rơm của động vật, đứa con đáng yêu của ngài.
Vì vậy, con xin trao cho ngài cuốn sách này được viết bởi một người nghèo để vinh danh Cảnh Nghèo. Nếu vị đắng có trong nó, ngài sẽ hòa quyện vào đó Vị Ngọt của ngài, và nếu có giận dữ, ngài sẽ giảm bớt nó bằng Nỗi Buồn của ngài. Nhưng đừng quên điều đó, con là người cùng thời với Sự xuất hiện Núi Nước mắt của ngài. Rồi, con được đặt dưới Bàn chân của ngài. Bởi dấu hiệu này, Sự Phẫn nộ của ngài và Bẩy Lưỡi Đòng của ngài thuộc về con. Những sợi dây chuyền bằng đồng nhìn thấy trên Vai của ngài mà ngài đã để lại cho con khi ngài ra đi, và trong sáu mươi ba năm nay con đã kéo chúng đi khắp thế gian. Chính tiếng ồn của chúng quấy nhiễu những kẻ hèn nhát và những kẻ mê ngủ. Nếu còn có thể, xin biến chúng thành tiếng sét sẽ một lần và mãi mãi đánh thức họ Ăn Năn hoặc chịu Khủng Bố — Hỡi Sao Mai của những người nghèo, những người “sẽ cười vào Ngày Sau Hết!”
Lễ Truyền tin, 25 tháng 3 năm 1909