Hãng tin CNA vừa đăng tải toàn bộ chuyến tông du lần thứ 37 của Đức Phanxicô tại Gia Nã Đại.



Ngày 24 tháng 7, 9 giờ 33 phút: Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu “chuyến hành hương đền tội” tới Gia Nã Đại.

Trong chuyến đi 6 ngày, Đức Giáo Hoàng dự tính sẽ gặp gỡ và xin lỗi các người Bản địa Gia Nã Đại vì các việc lạm dụng phạm phải tại các trường nội trú do Giáo Hội Công Giáo điều khiển trong thế kỷ 20. Hành trình của Đức Giáo Hoàng bao gồm các địa điểm dừng chân tại Edmonto, Quebec City, và Inqualit, thủ phủ của Nanavut. Ngài sẽ về Rôma thứ Bẩy, 30 tháng Bẩy.

Đức Phanxicô tweet trước khi khởi hành, “Anh chị em thân mến của Gia Nã Đại. Tôi đến giữa anh chị em để gặp gỡ các dân tộc bản địa. Tôi hy vọng, với ơn Chúa, cuộc hành hương sám hối của tôi có thể góp phần vào cuộc hành trình hòa giải đã bắt đầu tiến hành. Xin vui lòng đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện”.

Đức Giáo Hoàng ngồi xe lăn khi lên máy bay của Hãng Hàng không ITA, nhưng ngài chống gậy đi lại bên trong lòng máy bay, đích thân chào hỏi hơn 70 nhà báo tháp tùng ngài trong chuyến đi.

Máy bay cất cánh từ Rome lúc 9:16 sáng theo giờ Rome. Sau chuyến bay khoảng 10 giờ, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Edmonton ở miền tây Canada lúc 11:20 sáng MT (7:20 tối theo giờ Rome).

Thay vì bài suy gẫm thường lệ vào Chúa nhật trước việc đọc kinh Sai Thiên Thần như ở Vatican, vị giáo hoàng 85 tuổi đã có những nhận xét ngắn gọn trên máy bay về việc giữ Chúa nhật mừng Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi.

Theo một bản dịch tiếng Anh không chính thức, Đức Giáo Hoàng nói, “Không có Kinh Sai Thiên Thần, nhưng hãy làm nó ở đây, Kinh Sai Thiên thần”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Đó là Ngày mừng Ông Bà: những ông, bà, những người đã lưu truyền lịch sử, truyền thống, phong tục và rất nhiều điều”.

Ngài tiếp tục khuyến khích những người trẻ giữ liên lạc với ông bà của họ, so sánh thực hành này với một “cây lấy sức từ gốc rễ và mang nó về phía trước để sinh hoa kết trái”.

“Và tôi, trong tư cách một tu sĩ, cũng muốn nhớ đến các bậc nam nữ tu sĩ già, các‘ ông bà ’của đời sống thánh hiến: Xin đừng giấu giếm các ngài, các ngài là túi khôn của gia đình tu trì...”

Khi đến Edmonton, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến sẽ được Thủ tướng Justin Trudeau và Phó Thống đốc tỉnh Alberta, Salma Lakhani, nghinh đón ngài chính thức tới Canada. Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc gặp gỡ của mình với các dân tộc bản địa vào thứ Hai.

Ngày 24 tháng 7, 12:58 tối

Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada tại Sân bay Quốc tế Edmonton và tham dự một buổi lễ chào đón.

Ngày 25 tháng 7, 2:17 chiều:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin lỗi về những tổn hại đã gây ra cho người Canada tại các trường nội trú bản địa.

Trong một bài phát biểu ở vùng nông thôn Canada trước đám đông người Canada bản địa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công khai xin lỗi về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc điều hành phần lớn hệ thống trường nội trú do chính phủ Canada tài trợ.

Trong hơn một thế kỷ điều hành, hệ thống đã làm việc để loại bỏ các khía cạnh văn hóa, ngôn ngữ và thực hành tôn giáo bản địa.

“Tôi ở đây bởi vì bước đầu tiên của cuộc hành hương sám hối của tôi giữa các anh chị em là một lần nữa cầu xin sự tha thứ, để nói với anh chị em một lần nữa rằng tôi xin lỗi sâu xa,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như thế, trong cuộc gặp gỡ của ngài với những người Canada bản địa ở Maskwacis, Alberta.

“Xin lỗi vì những cách thức trong đó, rất tiếc, nhiều Kitô hữu đã ủng hộ não trạng thực dân hóa của các thế lực đã đàn áp các dân tộc Bản địa. Tôi xin lỗi. Đặc biệt, tôi cầu xin sự tha thứ đối với những cách thức mà nhiều thành viên của Giáo hội và các cộng đồng tu sĩ đã hợp tác, một cách thờ ơ không ít, trong các dự án phá hủy văn hóa và cưỡng bức đồng hóa do các chính phủ thời đó thúc đẩy, mà đỉnh cao là hệ thống các trường nội trú.”

Bài phát biểu trên là bài phát biểu trước công chúng lần đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô kể từ khi đến Canada vào ngày 24 tháng 7 trong chuyến thăm kéo dài một tuần. Địa điểm tổ chức ở Maskwacis, một thị trấn nông thôn cách Edmonton khoảng một giờ lái xe về phía nam, là một sân vận động hình tròn thường được sử dụng cho các cuộc trình diễn văn hóa bản địa (pow vow).

Trước khi lên khán đài, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện thầm lặng tại địa điểm của Trường Nội trú Ermineskin trước đây, nơi có mộ của một số học sinh cũ.

Tham dự bài diễn văn của Đức Thánh Cha, cùng với vài trăm người bản địa trong trang phục truyền thống, có Toàn quyền Canada, Mary Simon và Thủ tướng Justin Trudeau. Vị giáo hoàng 85 tuổi này đã bị các vấn đề sức khỏe gần đây và thường xuyên phải sử dụng xe lăn trong nhiều tháng do chấn thương đầu gối. Để đọc bài phát biểu này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được đẩy lên khán đài trên chiếc xe lăn của ngài và đứng với sự trợ giúp của một cây gậy.

Đức Phanxicô mô tả lời xin lỗi của ngài như một “điểm khởi đầu” trên con đường hàn gắn, một con đường bao gồm “một cuộc điều tra nghiêm túc về các sự kiện thuộc những gì đã xảy ra trong quá khứ và để hỗ trợ những người sống sót của các trường nội trú trải nghiệm được việc hàn gắn khỏi các chấn thương mà họ phải chịu đựng.”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Mặc dù đức bác ái Kitô giáo không khiếm diện, và có nhiều trường hợp nổi bật về sự tận tâm và chăm sóc trẻ em, nhưng tác động tổng thể của các chính sách liên kết với các trường nội trú là rất thảm khốc”.

“Điều mà đức tin Kitô giáo của chúng ta nói với chúng ta là: đây là một sai lầm tai hại, không phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Thật đau lòng khi nghĩ đến cơ sở vững chắc của các giá trị, ngôn ngữ và văn hóa từng tạo nên bản sắc đích thực của các dân tộc của anh chị em đã bị xói mòn xiết bao, và anh chị em đã tiếp tục phải trả giá cho điều này. Trước sự xấu xa đáng trách này, Giáo hội quỳ gối trước Thiên Chúa và cầu xin Người tha thứ cho tội lỗi của con cái mình… Bản thân tôi muốn khẳng định lại điều này, với sự xấu hổ và không hàm hồ. Tôi khiêm tốn cầu xin sự tha thứ cho tội ác của rất nhiều Kitô hữu chống lại người dân bản địa”.

Trưởng Wilton Littlechild, một nhà lãnh đạo và tranh đấu bản địa nổi tiếng của Canada và là người từng tới Vatican yết kiến Đức Phanxicô, đã mở đầu buổi lễ tại Maskwacis bằng cách chào đón Đức Phanxicô đến quê hương của ông.

Littlechild nói, “Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã đến vùng đất của chúng con để đáp lại lời mời của chúng con, và như Đức Thánh Cha đã hứa. Đức Thánh Cha đã nói rằng Đức Thánh Cha đến như một người hành hương, tìm cách đi cùng chúng con trên con đường của sự thật, công lý, hàn gắn, hòa giải và hy vọng. Chúng con vui mừng chào đón Đức Thánh Cha tham gia cùng chúng con trong cuộc hành trình này”.

“Như Đức Thánh Cha đã thừa nhận trong bài phát biểu của Đức Thánh Cha với chúng con tại Rome, chúng con, người bản địa, luôn cố gắng xem xét tác động của các biến cố hiện nay và các cân nhắc đối với thế hệ tương lai. Với tinh thần đó, chúng con chân thành hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của chúng ta sáng nay, và những lời Đức Thánh Cha chia sẻ với chúng con, sẽ vang vọng với sự hàn gắn thực sự và hy vọng thực sự trong suốt nhiều thế hệ sau này”.

Buổi trình diễn tại Maskwacis bao gồm một đám rước với một biểu ngữ lớn màu đỏ, mang tên của hơn 4,000 trẻ em đã chết tại các trường nội trú.

Đức Giáo Hoàng ca ngợi ý thức cộng đồng và truyền thống của cộng đồng bản địa, đã truyền lại “kho tàng phong tục và giáo lý lành mạnh”, theo “cách sống tôn trọng trái đất mà anh chị em đã nhận được như một di sản từ các thế hệ trước và đang gìn giữ cho những người sẽ đến.”

Đức Phanxicô nói tiếp, “Tôi tin tưởng và cầu nguyện rằng các Kitô hữu và xã hội dân sự ở vùng đất này có thể lớn lên về khả năng chấp nhận và tôn trọng bản sắc cũng như kinh nghiệm của người dân bản địa. Tôi hy vọng có thể tìm ra những cách cụ thể để làm cho những dân tộc đó được biết đến và quý trọng hơn, để tất cả có thể học cách cùng nhau bước đi. Về phần mình, tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các nỗ lực của tất cả những người Công Giáo để hỗ trợ người dân bản địa”.

Ngày 25 tháng 7, 7:42 chiều.

Phát biểu trước một nhóm người Công Giáo tại giáo xứ Sacred Heart ở Edmonton ngày 25 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại “sự xấu hổ” và đau buồn của ngài trước những tổn thương do người Công Giáo gây ra trong thời kỳ hệ thống trường nội trú của Canada, và ca ngợi cộng đồng giáo xứ là “ngôi nhà cho tất cả mọi người, cởi mở và hòa nhập, giống như Giáo hội nên là như thế."

Đức Thánh Cha nói “Tôi thật đau lòng khi nghĩ rằng những người Công Giáo đã góp phần vào các chính sách đồng hóa và giải phóng nhằm nhồi sọ cảm thức tự ti, cướp đi bản sắc văn hóa và tinh thần của các cộng đồng và cá nhân, cắt đứt cội nguồn và nuôi dưỡng thái độ thành kiến và kỳ thị; và điều này cũng đã được thực hiện dưới danh nghĩa của một hệ thống giáo dục được cho là Kitô giáo”.

“Nhân danh Chúa Giêsu, cầu mong điều này không bao giờ xảy ra nữa trong Giáo hội. Cầu mong Chúa Giêsu được rao giảng như Người mong muốn, trong tự do và bác ái. Trong mỗi người bị đóng đinh mà chúng ta gặp gỡ, mong sao chúng ta thấy không phải là một vấn đề cần giải quyết, nhưng là một anh chị em cần được yêu thương, là xác thịt của Chúa Kitô được yêu thương. Xin cho Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, là một thân thể hòa giải sống động!”



Giáo xứ Sacred Heart ở Edmonton vào năm 1991 được chỉ định là Giáo xứ Toàn quốc của các Quốc gia Đầu tiên, Métis và Inuit, giáo xứ đầu tiên thuộc loại này ở Canada.

Đức Thánh Cha nói tại Sacred Heart, “Không gì có thể lấy đi sự vi phạm nhân phẩm, trải nghiệm tội ác, sự phản bội lòng tin. Hoặc loại bỏ sự xấu hổ của chính chúng ta, trong tư cách là các tín hữu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đặt ra một cuộc sống mới, và Chúa Giêsu không đưa ra cho chúng ta những lời tốt đẹp và ý định tốt, mà là thập giá: tình yêu tai tiếng khiến tay chân bị đinh thâu qua, và đầu đội mão gai. Đây là con đường phía trước: cùng nhau nhìn lên Chúa Kitô, yêu thương người bị phản bội và bị đóng đinh vì chúng ta; nhìn lên Chúa Kitô, bị đóng đinh trong nhiều học sinh của các trường nội trú”.

“Nếu chúng ta muốn được hòa giải với nhau và với chính mình, được hòa giải với quá khứ, với những sai trái đã phải chịu đựng và những kỷ niệm bị thương, với những kinh nghiệm đau thương mà không một sự an ủi nào của con người có thể chữa lành, thì mắt chúng ta phải ngước lên nhìn Chúa Giêsu bị đóng đinh; Sự bình an phải đạt được nơi bàn thờ thập giá của Người”.

“Vì chính trên cây thập giá, nỗi buồn đau được biến đổi thành tình yêu, sự chết thành sự sống, thất vọng thành hy vọng, từ bỏ thành hiệp thông, xa cách thành hiệp nhất. Sự hòa giải không chỉ đơn thuần là kết quả của những nỗ lực của chính chúng ta; đó là một ân phúc tuôn chảy từ Chúa chịu đóng đinh, một sự bình an tỏa ra từ trái tim của Chúa Giêsu, một ân sủng cần phải được tìm kiếm. ”

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng có vẻ “dễ dàng ép buộc Chúa trên con người hơn là để họ đến gần Chúa”, nhưng phương pháp này “không bao giờ hữu hiệu, bởi vì đó không phải là cách Chúa hành động”.

“[Thiên Chúa] không ép buộc chúng ta, Người không đàn áp hoặc áp đảo; thay vào đó, Người yêu thương, Người giải phóng, Người để chúng ta tự do. Người không nâng đỡ bằng Thánh thần của mình những kẻ thống trị người khác, những kẻ đã nhầm lẫn Tin Mừng về sự hòa giải của chúng ta với chủ nghĩa cải đạo. Người ta không thể công bố Thiên Chúa theo cách trái ngược với chính Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với mọi người rằng cách thức của Công Giáo là “không phải quyết định thay cho người khác, không đóng khung mọi người trong định kiến của chúng ta, nhưng tự đặt mình trước Chúa bị đóng đinh và trước anh chị em của chúng ta, để học cách cùng nhau bước đi. Đó là điều mà Giáo hội nên và luôn phải như vậy – là nơi mà thực tế luôn vượt trội hơn các ý tưởng. Đó là điều mà Giáo hội là, và luôn luôn phải như vậy - không phải là một tập hợp các ý tưởng và giới luật để khoan sâu vào con người, mà là một ngôi nhà chào đón cho tất cả mọi người!”

Cung thánh của Nhà thờ Thánh Tâm có hình ảnh của một chiếc lều bạt, một loại lều điển hình của người bản địa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói Hình ảnh chiếc lều mang tính biểu tượng sâu sắc trong Kinh thánh là nơi gặp gỡ - gặp gỡ cả người khác, nhưng cũng là nơi gặp gỡ Thiên Chúa.

Ngài kết luận bằng cách cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, bị đóng đinh và sống lại, Chúa ngự ở đây, giữa dân tộc của Ngài, và Ngài muốn vinh quang của Ngài tỏa sáng qua các cộng đồng và trong các nền văn hóa của chúng con. Xin nắm tay chúng con, và thậm chí băng qua những sa mạc của lịch sử, tiếp tục hướng dẫn các bước đi của chúng con trên con đường hòa giải. Amen.”

Trước phát biểu của Đức Giáo Hoàng, hai giáo dân - Bill Perdue và Candida Shepherd, cả hai đều thuộc Quốc gia Đầu tiên Metis - đã phát biểu để chào mừng Đức Giáo Hoàng, và nhấn mạnh vai trò của Giáo Hội như một nơi chào đón không chỉ người bản địa và những người sống sót sau các trường nội trú, mà còn cho những người nhập cư đến Canada như người Croatia và người Eritrean. Họ cũng lưu ý rằng Giáo Hội đã phục hồi sau hai trận hỏa hoạn lớn trong lịch sử của nó, vào năm 1966 và năm 2020.

Ngày 26 tháng 7, 4:24 chiều:

Đức Thánh Cha Phanxicô thuyết giảng về việc yêu thương chia sẻ đức tin trước 50,000 người tại sân vận động lớn nhất ở Canada.

Giảng trong một thánh lễ được cử hành tại sân vận động lớn nhất Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về những người cao tuổi, những người mà ngài cho rằng cần được tôn vinh, và là tấm gương cho Giáo hội về cách truyền lại đức tin một cách yêu thương.

Đức Thánh Cha nói: “Ngoài việc là những đứa con của một lịch sử cần được bảo tồn, chúng ta còn là tác giả của một lịch sử chưa được viết ra.

“Những ông bà đi trước, những người cao tuổi có ước mơ và hy vọng cho chúng ta, và đã hy sinh rất nhiều cho chúng ta, hỏi chúng tôi một câu hỏi thiết yếu như sau: các anh chị muốn xây dựng một xã hội như thế nào?”

Khai triển một chủ đề mà ngài đã giới thiệu hôm thứ Hai trong bài phát biểu tại giáo xứ Thánh Tâm, Đức Thánh Cha đã suy tư về tầm quan trọng của việc trình bày đức tin cho người khác một cách yêu thương, thay vì theo chủ nghĩa cải đạo.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Từ ông bà của chúng ta, chúng ta học được rằng tình yêu không bao giờ bị ép buộc; nó không bao giờ tước đi tự do nội tâm của người khác. Đó là cách thánh Gioakim và thánh Anna yêu Đức Maria; và đó là cách Đức Maria yêu Chúa Giêsu, với một tình yêu không bao giờ bóp chết hay kìm hãm Người, nhưng đồng hành với Người trong việc đón nhận sứ mệnh mà Người đã đến trong thế gian”.

“Chính trong nhà của ông bà chúng ta, nhiều người trong chúng ta đã hít thở hương thơm của Tin Mừng, sức mạnh của một đức tin khiến chúng ta cảm thấy như ở nhà. Nhờ các ngài, chúng ta khám phá ra loại đức tin ‘quen thuộc’ đó. Bởi vì đó là cách đức tin được truyền lại một cách căn bản, tại gia đình, qua tình âu yếm và sự khích lệ, quan tâm và gần gũi… Chúng ta hãy cố gắng học hỏi điều này, trong tư cách cá nhân và trong tư cách Giáo hội. Mong chúng ta học cách không bao giờ gây áp lực lên lương tâm người khác, không bao giờ hạn chế quyền tự do của những người xung quanh. "



Thánh lễ đánh dấu ngày thứ hai trong các hoạt động công khai của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến công du kéo dài một tuần đến Canada.

Sân vận động Commonwealth, sân nhà của đội bóng Edmonton Elks, là vận động trường ngoài trời lớn nhất ở Canada. Chính quyền địa phương ước tính có khoảng 50,000 người tham dự Thánh lễ ngày 26 tháng Bảy.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thuyết giảng về tầm quan trọng của việc công nhận những hy sinh mà các thế hệ trước đã thực hiện và “bảo vệ kho tàng” đức tin mà họ đã truyền lại.

Đức Thánh Cha kết luận, “Xin thánh Gioakim và thánh Anna cầu bầu cho chúng ta. Xin các ngài giúp chúng ta trân trọng lịch sử đã cho chúng ta sự sống, và về phần chúng ta, xây dựng một lịch sử trao ban sự sống”.

“Xin các ngài nhắc nhở chúng ta về bổn phận thiêng liêng của chúng ta là kính trọng ông bà và những người lớn tuổi của chúng ta, quý trọng sự hiện diện của họ nơi chúng ta để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn. Một tương lai mà người cao tuổi không bị gạt sang một bên vì theo quan điểm “thực tế”, họ “không còn hữu ích nữa”. Một tương lai không phán đoán giá trị của con người chỉ đơn giản bằng những gì họ có thể tạo ra. Một tương lai không thờ ơ với nhu cầu được quan tâm và lắng nghe người già. Một tương lai trong đó lịch sử bạo lực và hắt hủi mà các anh chị em bản xứ của chúng ta phải gánh chịu sẽ không bao giờ lặp lại. Tương lai đó là khả hữu nếu, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta không cắt đứt mối dây liên kết giữa chúng ta với những người đi trước và nếu chúng ta thúc đẩy đối thoại với những người sẽ đến sau chúng ta. "

Cuối ngày hôm nay, 26 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia một cuộc hành hương đến Hồ Ste. Anne, một địa điểm tổ chức hàng năm cho hàng nghìn người hành hương, được coi là nơi tụ họp hàng năm của Công Giáo lớn nhất ở miền tây Canada. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ cử hành Phụng vụ Lời Chúa tại địa điểm này.

Ngày 26 tháng 7, 7:00 tối

Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Hồ Ste. Anne, một địa điểm hành hương Công Giáo nổi tiếng ở Canada có ý nghĩa tinh thần đối với người dân bản địa của quốc gia.

Đức Giáo Hoàng đã làm phép một bát nước của hồ, được đưa lên một công trình kiến trúc nhỏ bằng gỗ, có hình dạng giống như một túp lều của người bản địa, nhìn ra hồ. Ngài đã làm Dấu Thánh giá về phía bốn phương hướng, theo phong tục bản địa. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện bên mép nước trên chiếc xe lăn của ngài trước khi rẩy nước đã làm phép lên đám đông.

Ngày 26 tháng 7, 8:45 tối:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc ngày thứ hai của ngài ở Canada với chuyến thăm Hồ Ste. Anne, địa điểm diễn ra một trong những cuộc hành hương Công Giáo nổi tiếng nhất Canada và là nơi có ý nghĩa tâm linh đối với người dân bản địa của quốc gia.

Đức Giáo Hoàng đã cử hành một buổi Phụng vụ Lời Chúa tại Đền thờ Ste. Anne, với một đám đông chủ yếu là người bản địa tham dự, ước tính khoảng 10,000 người.

Trong bài giảng của mình trong Phụng vụ Lời Chúa, Đức Thánh Cha nhận định rằng phần lớn sứ vụ của Chúa Giêsu diễn ra bên một hồ nước – Hồ Galilê - một nơi “nhiều dân tộc khác nhau lúc đó, cũng như ngày nay, đổ xô đến từ những nơi khác nhau; trong một địa điểm thiên nhiên giống như thế này, [Chúa Giêsu] đã giảng cho mọi người."

“Thiên Chúa đã chọn bối cảnh đa dạng phong phú đó để loan báo cho thế giới một điều mang tính cách mạng: 'Hãy đưa má bên kia, hãy yêu kẻ thù của mình, sống như anh chị em để trở thành con cái của Thiên Chúa, Chúa Cha, Đấng làm cho mặt trời của Người chiếu sáng cả người tốt lẫn người xấu, và giáng mưa cho người công chính và người bất lương' (Mt 5: 38-48). Hồ này, với tất cả sự đa dạng của nó, do đó đã trở thành địa điểm của việc công bố chưa từng có về tình huynh đệ; không phải một cuộc cách mạng mang lại cái chết và thương tật sau khi nó xảy ra, mà là một cuộc cách mạng của tình yêu."

“Ở đây, bên bờ hồ này, âm thanh những chiếc trống qua nhiều thế kỷ và đoàn kết các dân tộc khác nhau, đưa chúng ta trở lại thời điểm đó. Nó nhắc nhở chúng ta rằng tình huynh đệ là chân chính nếu nó liên kết những người ở xa nhau, thông điệp hiệp nhất mà thiên đàng gửi xuống trần gian không sợ sự khác biệt, nhưng mời gọi chúng ta hiệp thông, để bắt đầu lại với nhau, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người hành hương trên một hành trình."

Nhắc lại lời ca ngợi và công nhận ông bà từ bài giảng trong thánh lễ đầu ngày hôm đó, Đức Thánh Cha nói về tầm quan trọng của đức tin được truyền lại qua chứng từ yêu thương của ông bà.

Ngài nói, “Niềm tin hiếm khi đến từ việc đọc sách một mình trong góc; thay vào đó, nó lan tỏa trong các gia đình, được truyền đi bằng ngôn ngữ của những người mẹ, trong giọng điệu trữ tình ngọt ngào của những người bà. Tôi thấy ấm lòng khi nhìn thấy rất nhiều ông bà và cụ cố ở đây. Tôi cảm ơn anh chị em và muốn nói với tất cả những gia đình có người già ở nhà: anh chị em đang sở hữu một kho báu! Hãy bảo vệ nguồn sống này trong ngôi nhà của anh chị em: hãy chăm sóc nó, như một di sản quý giá cần được yêu thương và trân trọng”.

Nhà thờ đầu tiên tại Hồ Ste. Anne được xây dựng vào năm 1844, và cuộc hành hương Công Giáo đầu tiên được tổ chức vào năm 1889, vào Lễ các Thánh Gioakim và Anna. Kể từ đó, một cuộc hành hương, dưới sự chăm sóc của Dòng Hiến sĩ Đức Maria, đã diễn ra hàng năm. Theo Vatican, cuộc hành hương đã trở thành một trong những cuộc gặp mặt tinh thần quan trọng nhất đối với những người hành hương ở Bắc Mỹ, và đặc biệt thân qúy đối với các thành viên của Các Quốc gia Đầu tiên, những người tiếp tục tham gia hàng năm. Nhà thờ bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn vào năm 1928, được xây dựng lại vào năm 2009.

Nhận xét về danh tiếng chữa bệnh của nước hồ, Đức Giáo Hoàng kêu gọi quyền năng chữa lành của Chúa Kitô. “ Buổi tối nay, chúng ta hãy hình dung mình ở quanh hồ này với Chúa Giêsu, khi Người đến gần, cúi xuống và với lòng kiên nhẫn, lòng cảm thương và sự dịu dàng, đã chữa lành nhiều người bị bệnh về thể xác hoặc tinh thần: kẻ bị quỷ ám, kẻ bại liệt, người mù lòa và người phong hủi, nhưng cả các cõi lòng tan nát và thất vọng, mất mát và tổn thương. Chúa Giêsu đã đến lúc đó, và bây giờ Người vẫn đến, để chăm sóc chúng ta, cũng như để an ủi và chữa lành cho gia đình nhân loại cô đơn và mệt mỏi của chúng ta ”.

“Những đám đông ở Hồ Galilê tụ tập xung quanh Chúa Giêsu đa phần là những người bình thường, đơn sơ, những người mang đến cho Người các nhu cầu và nỗi đau của riêng họ. Nếu chúng ta muốn chăm sóc và chữa lành cuộc sống của cộng đồng mình, chúng ta cần bắt đầu từ những người nghèo và bị thiệt thòi nhất. Thông thường, chúng ta cho phép mình được hướng dẫn bởi sở thích của một số ít người cảm thấy thoải mái. Chúng ta cần nhìn nhiều hơn đến những vùng ngoại vi và lắng nghe tiếng khóc của những người anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích những người tham dự hãy tiếp cận với tình yêu thương với người khác, và đồng hành với họ khi họ cần, để “những dòng nước sống có thể chảy ra” từ trái tim của họ.

Ngài kết thúc bài phát biểu của ngài, “Các anh chị em bản xứ thân mến, tôi đến đây với tư cách là một người hành hương cũng để nói với anh chị em rằng anh chị em quý giá như thế nào đối với tôi và đối với Giáo hội”.

“Tôi muốn Giáo hội tương liên với anh chị em, được dệt chặt chẽ với nhau như những sợi chỉ của những dải màu mà nhiều người trong số các anh chị em đeo trên mình. Cầu xin Chúa giúp chúng ta tiến lên trong diễn trình hàn gắn, hướng tới một tương lai ngày càng lành mạnh và đổi mới. Tôi tin rằng đây cũng là mong muốn của những người ông, người bà của anh chị em. Xin ông bà của Chúa Giêsu, Thánh Gioakim và Anna, phù hộ chúng ta trên hành trình của chúng ta ”.

Vào thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ rời Edmonton và bay đến Thành phố Quebec, thủ phủ của Quebec. Ngài dự kiến sẽ được đón tiếp bởi Toàn quyền Canada và sẽ gặp gỡ Thủ tướng Justin Trudeau. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự, đại diện của người dân bản địa, và các thành viên của đoàn ngoại giao.

Còn tiếp