Theo tin Tòa Thánh, Thứ tư, ngày 17 tháng 8 năm 2022, tại Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về tuổi già. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào Bản Tiếng Anh của Tòa Thánh.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Những lời chúng ta nghe về giấc mơ của Đanien gợi lên một thị kiến mầu nhiệm, và đồng thời, vinh quang về Thiên Chúa. Thị kiến này được lấy ở phần đầu Sách Khải Huyền liên quan đến Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đã hiện ra với Người thị kiến trong tư cách Mêxia, Linh mục và Vương đế, vĩnh cửu, toàn tri và bất biến (1: 12-15). Người đặt tay lên vai Người Thị kiến và trấn an vị này: ““Đừng sợ ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời”(câu 17-18). Do đó, làm biến mất rào cản cuối cùng của nỗi sợ hãi và thống khổ mà việc thần hiện luôn gây ra. Đấng Hằng Sống trấn an chúng ta, Người ban cho chúng ta sự an toàn. Người cũng đã chết, nhưng bây giờ chiếm được nơi vốn định sẵn cho Người - nơi Đầu tiên và nơi Cuối cùng.
Trong sự đan xen các biểu tượng này - có rất nhiều biểu tượng ở đây - có một khía cạnh có lẽ có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối liên hệ của việc thần hiện này, của việc Thiên Chúa hiện ra này, với chu kỳ sự sống, thời gian lịch sử, quyền chúa tể của Thiên Chúa đối với thế giới thụ tạo. Và khía cạnh này được nối kết một cách đặc biệt với tuổi già. Nó được nối kết ra sao? Ta hãy xem.
Thị kiến truyền đạt một ấn tượng về sinh lực và sức mạnh, cao quý, đẹp đẽ và quyến rũ. Y phục của Người, đôi mắt Người, giọng nói Người, đôi chân Người - mọi thứ đều vinh hiển trong thị kiến này: tất cả đều là về một thị kiến! Tuy nhiên, tóc của Người trắng - như len, như tuyết - như tóc của một ông già. Thuật ngữ Kinh thánh được sử dụng rộng rãi nhất để chỉ một ông già là "zaqen", bắt nguồn từ "zaqan", và có nghĩa là "râu". Tóc trắng như tuyết là một biểu tượng cổ xưa của trường thọ, của thời gian xa xăm không ai nhớ nổi, của một sự hiện hữu vĩnh cửu. Đối với trẻ em, chúng ta không cần phải phi huyền thoại hóa mọi sự - hình ảnh của một vị Thiên Chúa, Đấng che chở mọi sự với mái tóc trắng như tuyết, không phải là một biểu tượng ngớ ngẩn, nó là một hình ảnh trong Kinh thánh, một hình ảnh cao quý, thậm chí là một hình ảnh dịu dàng. Hình ảnh trong sách Khải huyền đứng giữa các chân đèn vàng gối đầu lên hình ảnh "Cụ già xưa" trong lời tiên tri của Đanien. Cụ già như nhân loại, và thậm chí còn già hơn. Cụ cổ xưa và mới mẻ như sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Vì sự vĩnh cửu của Thiên Chúa là như thế, cổ xưa và mới mẻ, bởi vì Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên với sự mới mẻ của Người, Người luôn đến gặp chúng ta mỗi ngày theo cách đặc biệt dành cho chúng ta, trong thời điểm đó. Người luôn luôn đổi mới chính Người: Thiên Chúa là vĩnh cửu, Người đến từ mọi thời đại, có khi chúng ta nói có một điều gì giống như tuổi già nơi Thiên Chúa, điều đó không đúng, vì Người là vĩnh cửu, Người đổi mới chính Người.
Trong các Giáo hội Đông phương, Lễ Gặp gỡ với Chúa được cử hành vào ngày 2 tháng Hai, là một trong mười hai đại lễ của năm Phụng vụ. Lễ này nhấn mạnh vào cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông già Simeon trong Đền thờ, nó nhấn mạnh vào cuộc gặp gỡ giữa nhân loại, được đại diện bởi người trông chờ Simeon, và Anna, với Chúa Kitô hài đồng, Con Thiên Chúa vĩnh cửu, đã làm người. Một bức ảnh cực kỳ đẹp đẽ vẽ cảnh này có thể được chiêm ngưỡng ở đây ở Rôma trong số các bức tranh ghép tại nhà thờ Santa Maria ở Trastevere.
Trong phụng vụ Byzantine, Đức Giám Mục cùng với Simeon cầu nguyện: “Người là con sinh ra bởi Đức Trinh Nữ. Người là Ngôi Lời và là Thiên Chúa của Thiên Chúa, Đấng Duy nhất, vì chúng con, đã nhập thể và cứu rỗi nhân loại”. Và phụng vụ này tiếp tục, “Cánh cửa thiên đàng hôm nay đã mở ra: Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, sau khi mang bản tính trần gian, nhưng không từ bỏ thần tính của Người, do ý muốn của Người, đã được Đức Trinh Nữ Maria dâng vào đền thờ theo Luật pháp, và người trông chờ ẵm Người trong vòng tay của mình”. Những lời này nói lên lời tuyên xưng đức tin của bốn Công đồng chung đầu tiên, vốn thánh thiêng đối với mọi Giáo hội. Nhưng hành động của Simeon cũng là ảnh tượng đẹp nhất cho ơn gọi đặc biệt của tuổi già. Nhìn vào Simeon, chúng ta được chiêm ngưỡng ảnh tượng đẹp nhất của tuổi già – dâng các trẻ em bước vào đời như một của lễ không gián đoạn lên Thiên Chúa, biết rằng một trong số chúng là Chúa Con vốn được sinh ra trong tình thân mật của chính Thiên Chúa, trước mọi thời đại.
Tuổi già, đang trên đường đi tới một thế giới nơi tình yêu do Thiên Chúa phú bẩm vào Sáng thế cuối cùng sẽ tỏa chiếu không gặp trở ngại, phải hoàn thành cử chỉ này của Simeon và Anna, trước khi từ giã. Tuổi già phải làm chứng - đối với tôi đây là cốt lõi, là khía cạnh trung tâm nhất của tuổi già - tuổi già phải làm chứng cho con cháu rằng mình là một phước lành. Chứng tá này hệ ở sự khai tâm chúng – một việc đẹp đẽ nhưng khó khăn - vào mầu nhiệm đích đến của chúng ta trong cuộc sống mà không ai có thể tiêu diệt được, ngay cả cái chết. Mang chứng tá đức tin đến trước một đứa trẻ là gieo mầm sống đó. Làm chứng cho nhân loại cũng như cho đức tin, là ơn gọi của người cao niên. Cho trẻ em thấy thực tại mình đã sống như một chứng nhân, để làm chứng. Chúng ta, những người già, được kêu gọi thực hiện điều này, để làm chứng, để chúng có thể đưa nó tiến lên.
Chứng tá của người già đáng tin đối với trẻ em. Người trẻ và người lớn không có khả năng làm chứng một cách chân thực, dịu dàng, cảm kích như những người cao niên có thể làm. Quả không thể cưỡng được khi một người già chúc phúc cho cuộc sống lúc nó diễn tiến, gạt bỏ mọi oán hận đối với sự sống lúc nó trôi đi. Không có gì cay đắng vì thời gian trôi qua và vị này vẫn sắp bước tiếp. Không cay đắng. Vẫn có niềm vui được là rượu ngon, rượu lâu năm. Chứng tá của người cao niên kết hợp các thế hệ sống, vẫn là một với mọi chiều kích của thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai, vì chúng không chỉ là ký ức, chúng là hiện tại cũng như lời hứa hẹn. Thật đau đớn - và tai hại - khi thấy rằng các tuổi đời bị coi là những thế giới riêng biệt, trong sự cạnh tranh giữa chúng với nhau, mỗi người tìm cách sống bằng cái giá của người kia: điều này không đúng. Nhân loại là cổ xưa, rất cổ xưa, nếu chúng ta coi thời gian được đo bằng đồng hồ. Nhưng Con Thiên Chúa, Đấng sinh ra bởi một người phụ nữ, là Đầu tiên và Cuối cùng cho mọi thời đại. Điều này có nghĩa là không ai nằm ngoài thế hệ vĩnh cửu của Người, ngoài sức mạnh vinh quang của Người, ngoài sự gần gũi yêu thương của Người.
Liên minh - và tôi đang nói tới việc liên minh - liên minh giữa người già và người trẻ sẽ cứu gia đình nhân loại. Có một tương lai, trong đó trẻ em, trong đó người trẻ nói chuyện với người già. Nếu cuộc đối thoại này không diễn ra giữa người già và người trẻ, thì không thể nhìn thấy tương lai rõ ràng. Liên minh giữa người già và người trẻ sẽ cứu gia đình nhân loại. Chúng ta có vui lòng trả lại cho trẻ em, những người cần được học để được sinh ra, chứng tá dịu dàng của những người già sở hữu sự khôn ngoan được chết đi không? Liệu nhân loại này, với tất cả sự tiến bộ của nó, dường như là một thiếu niên mới sinh ra ngày hôm qua, có thể lấy lại được ân sủng của một thời xưa cũ vốn giữ vững chân trời đích đến của chúng ta không? Cái chết chắc chắn là một cuộc vượt qua khó khăn trong cuộc sống đối với tất cả chúng ta, nó là một cuộc vượt qua khó khăn. Tất cả chúng ta phải đến đó, nhưng nó không phải là dễ dàng. Nhưng cái chết cũng là một cuộc vượt qua kết thúc thời gian bất định và ném bỏ đồng hồ. Điều này rất khó vì đây là cuộc vượt qua cái chết. Vì một phần tươi đẹp của cuộc sống, không còn thời hạn, bắt đầu từ lúc đó. Nhưng nó bắt đầu từ sự khôn ngoan của người đàn ông đó và của người đàn bà đó, người già, những người có khả năng làm chứng cho người trẻ. Chúng ta hãy nghĩ tới đối thoại, tới liên minh giữa người già và trẻ em, người già và người trẻ, và chúng ta hãy làm điều đó sao cho mối dây liên kết này không bị phá vỡ. Cầu xin cho người già có được niềm vui được nói, được phát biểu mình với người trẻ, và cầu xin cho người trẻ tìm đến người già để nhận được sự khôn ngoan của cuộc sống từ các ngài.