Ký giả Sandro Magister, một ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican, của tờ L’Espresso có trụ sở ở Rôma có bài tường trình nhan đề “Ucraina, la svolta di Francesco. A sostegno della lotta armata di un popolo martire”, nghĩa là “Ukraine, sự thay đổi sâu sắc của Đức Phanxicô. Ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của một dân tộc tử đạo.” Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Không mệt mỏi, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục cống hiến mình như một người trung gian cho hòa bình. Nhưng đối với đề xuất đàm phán mới nhất của ngài, được đưa ra cách đây một tuần trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo “America Magazine” của Dòng Tên ở New York, phản ứng từ Mạc Tư Khoa chẳng có gì khác hơn là một sự tàn bạo.“Đây thậm chí không chỉ là bài Nga, mà còn là xuyên tạc sự thật”, với những lời này, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, đã bác bỏ lập luận của Đức Giáo Hoàng. Đại sứ Nga tại Tòa thánh Alexander Avdeyev cũng bày tỏ “sự phẫn nộ” trước “những lời bóng gió” của Đức Giáo Hoàng. Và cuối cùng, chính bộ trưởng ngoại giao Sergey Lavrov đã coi những lời của Đức Giáo Hoàng là “không theo tinh thần Kitô”, và ông ta nói thêm rằng “Vatican đã nói rằng điều này sẽ không xảy ra nữa và có lẽ đã có sự hiểu lầm, nhưng điều này không giúp tăng thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng”.
Điều khiến Mạc Tư Khoa phản ứng là đoạn phỏng vấn trong đó Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài có “rất nhiều thông tin về sự tàn ác của quân đội Nga” được gửi đến để tấn công Ukraine, với một mô tả thật đáng tiếc rằng “nói chung những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không theo truyền thống Nga, như người Chechnya, Buryats, v.v. Do đó, không chỉ “lính đánh thuê”, như Đức Thánh Cha đã đôi lần than thở, mà cả quân đội của các nhóm dân tộc cụ thể, mà nhà lãnh đạo người Chechnya, Ramzan Kadyrov, cũng đã lớn tiếng phản đối.
Thực tế là – bỏ qua tất cả những sai lầm quá thường xuyên trong truyền thông – gần đây đã có nhiều thay đổi trong những gì Đức Phanxicô nói và nghĩ về cuộc chiến ở Ukraine.
Sự thay đổi được bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ mà Đức Giáo Hoàng đã có tại Vatican vào ngày 7 tháng 11 với Đức Tổng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, Sviatoslav Shevchuk. Và điều đó được hiện thực hóa trong “Thư của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Ukraine” được công bố vào ngày 24 tháng 11 mà chính Đức Cha Shevchuk đã yêu cầu Đức Phanxicô viết, và lá thư này rất gần với văn phong và nội dung của các thông điệp mà người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương gửi đến các tín hữu của mình.
Ngày 24 tháng 11 là hai ngày trước lễ kỷ niệm Holodomor, “nạn diệt chủng khủng khiếp, sự hủy diệt bởi nạn đói năm 1932-33, do Stalin gây ra một cách giả tạo ở Ukraine,” như Đức Phanxicô đã gọi nó không chỉ trong thư gửi người dân Ukraine mà còn cả trong buổi tiếp kiến chung vào ngày Thứ Tư 23 tháng 11, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27, và trong cuộc phỏng vấn với tờ “America” vào ngày 28.
Và bản thân điều này là một bước phát triển mới có ý nghĩa to lớn, trong các phán quyết của Đức Giáo Hoàng về hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, hơn nữa điều có ý nghĩa ngoại thường là việc sử dụng nhãn hiệu “diệt chủng”, mà cho đến nay chỉ có một số quốc gia trên thế giới áp dụng đối với Holodomor, được Đức Phanxicô nhắc lại “như một tiền đề lịch sử của cuộc xung đột” ngày nay.
Hơn nữa, đã có những lời độc đáo của Đức Thánh Cha mô tả cuộc chiến này, và hoàn toàn đứng về phía những người Ukraine “tử vì đạo” và chống lại nhà nước khác đang “tử đạo họ”.
Trên hết, trong bức thư của Đức Phanxicô gửi người Ukraine, có một câu nói mà đối với ngài là chưa từng có. Đó là nơi ngài viết: “Tôi nghĩ về các bạn, những người trẻ tuổi, những người dũng cảm bảo vệ tổ quốc của mình đã phải cầm vũ khí thay vì theo đuổi những ước mơ ấp ủ cho tương lai”.
Và ngài tiếp tục: “Tôi ngưỡng mộ sự phản kháng kiên định của anh chị em. Ngay cả khi trải qua thảm kịch to lớn này, người dân Ukraine chưa bao giờ nản lòng hay tủi thân. Thế giới đã công nhận một dân tộc táo bạo và mạnh mẽ, một dân tộc chịu đau khổ và cầu nguyện, khóc lóc và chiến đấu, kháng cự và tiếp tục hy vọng, một dân tộc cao cả của các vị tử đạo. Tôi vẫn gần gũi với anh chị em”.
Lần đầu tiên, tại đây, sau chín tháng chiến tranh, Đức Phanxicô nói những lời rõ ràng ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của người Ukraine chống lại người Nga. Trái ngược với đường lối hòa bình vẫn được hầu hết các tổ chức Công Giáo Ý tuyên bố, khi họ cho rằng họ đang theo đuổi đường lối của Đức Giáo Hoàng.
Nhưng Đức Giáo Hoàng nào? Phải chăng là vị Giáo Hoàng mà cách đây một tháng còn đổ lỗi cho phương Tây và NATO đã khiêu khích Nga, “sủa” ngay cửa ngõ nước này? Người đã truy nguyên cuộc xung đột này, giống như tất cả các cuộc xung đột khác, cho đến nguyên ủy là “sự điên rồ” của sản xuất và buôn bán vũ khí toàn cầu? Người đã bác bỏ quan điểm cho rằng có thể tiến hành một cuộc chiến “chính nghĩa”?
Hay vị Giáo Hoàng ngày nay thông cảm với những người lính Ukraine đang bảo vệ quê hương của họ bằng vũ khí?
Với tư cách là giám mục của Rôma và là giáo chủ của Ý, Đức Phanxicô có một số người Công Giáo đứng sau lưng ngài, những người mà các nhà lãnh đạo nổi bật nhất, các cơ cấu hiệp hội và các cơ quan báo chí đều kêu gọi hòa bình và quyết liệt không chấp nhận việc gửi vũ khí đến Ukraine.
Ngay từ ngày đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine của Putin, Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đồng Thánh Egidio, đã hô hào Ukraine đầu hàng, đưa ra lời kêu gọi yêu cầu Ukraine tuyên bố Kyiv là một “thành phố mở”, tức là mời quân xâm lược vào xâm lược mà không đưa ra bất kỳ kháng cự nào.
Vào ngày 5 tháng 11, một lần nữa Riccardi lại đọc diễn văn bế mạc cuộc biểu tình quy mô lớn theo chủ nghĩa hòa bình - với sự tham gia của hầu hết các hiệp hội Công Giáo - diễn hành qua các đường phố ở Rôma đến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, với hàng chục lá cờ của cộng đoàn Thánh Egidio trên đường phố, nhưng có thể hiểu được rằng thậm chí không có một người Ukraine nào vẫy tay chào.
Đó là tờ “Avvenire,” nghĩa là “Tương Lai”, tờ báo chính thức của Hội Đồng Giám Mục Ý do Marco Tarquinio chỉ đạo, hàng ngày lên tiếng vì hòa bình ở Ukraine, nhưng luôn chống lại việc gửi vũ khí đến quốc gia đó.
Đó là Stefano Zamagni và Mauro Magatti, hai trí thức Công Giáo lỗi lạc – người đầu tiên là kinh tế gia và là chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, còn người thứ hai là giáo sư xã hội học tại Đại học Công Giáo Milan và là thư ký của Tuần báo Xã hội Công Giáo Ý – người vào tháng 10 đã đưa ra một kế hoạch hòa bình sáu điểm bao gồm, trong số những điều khác, cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự trị của các vùng Lugansk và Donetsk nói tiếng Nga, thành lập một cơ quan chung Nga-Ukraine để khai thác tài nguyên khoáng sản của Donbas, và sự nhượng bộ trên thực tế bán đảo Crimea cho Nga.
Cho đến một tháng trước, thế giới Công Giáo này đã có một ngày thực địa để tuyên bố sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng dành cho mình.
Nhưng hôm nay thì sao? Không có gì ngạc nhiên khi bức thư ngày 24 tháng 11 của Đức Phanxicô gửi cho người dân Ukraine đã gặp phải sự đón nhận lạnh nhạt từ chính thế giới Công Giáo này.
Một thế giới đương nhiên không thiếu những tiếng nói bất hòa có hiệu quả, mặc dù rất hiếm. Trong số đó có Vittorio Emanuele Parsi, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Công Giáo Milan và giám đốc, tại cùng một trường đại học, Trường Cao học Kinh tế và Quan hệ Quốc tế.
Sau đây là một đoạn trích ngắn từ cuốn sách mới nhất của ông, “Nơi chiến tranh và cái giá của tự do,” do Bompiani xuất bản.
CHI PHÍ CỦA SỰ TỰ DO
Vittorio Emanuele Parsi
Nếu cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine dạy cho chúng ta chỉ một điều thôi, thì điều đó là các quy tắc cho phép loại bỏ chiến tranh khỏi Âu Châu thực sự hoạt động giữa các nền dân chủ và có hồi kết cho các cuộc chiến. Hãy lấy ví dụ về mối thù lâu đời giữa Pháp và Đức. [...] Điều khiến bất kỳ đề xuất nào về xung đột giữa Pháp và Đức ngày nay trở nên vô lý đơn giản là vì thực tế cả hai đều có chung thể chế chính trị, cùng giá trị và là các “xã hội mở” trong đó nhà nước là người bảo vệ dân sự, tự do chính trị và xã hội của công dân.
Đây là những gì đã làm xoay chuyển tình hình, trong quá khứ, nỗi sợ chiến tranh là thường trực, thì giờ đây người ta có niềm tin tuyệt đối vào hòa bình. Và chính từ đó mà có thể phát triển các thể chế quốc tế và xuyên quốc gia - Liên minh Đại Tây Dương và Liên minh Âu Châu - đã cung cấp các phương tiện để củng cố, tăng cường và bảo đảm an ninh của Âu Châu mà chúng ta đã sống cho đến ngày 24 tháng 2 vừa qua và trong đó chúng ta nên tiếp tục sống ngay cả sau đó.
Có vẻ như những người Âu Châu chúng ta đang gặp khó khăn trong việc hiểu làm thế nào mà chính lục địa của chúng ta lại là bên hưởng lợi nhất từ trật tự quốc tế tự do xuất hiện sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Không những vậy nhiều người cũng chẳng hiểu về cách thức các thể chế của chúng ta tạo thành trụ cột chính thứ hai của nó, cùng với trụ cột được đại diện bởi Hoa Kỳ, quốc gia đứng đầu về mặt quân sự. Giá như chúng ta nhận thức rõ hơn về điều này, có lẽ chúng ta sẽ gặp ít khó khăn hơn nhiều trong việc nhận ra rằng những gì đang bị đe dọa ở Ukraine không chỉ là quyền hợp pháp của người dân Ukraine được làm chủ trong chính ngôi nhà của họ, tương lai chính trị của người anh hùng và dũng cảm đó, của đất nước bất hạnh đó, mà còn là sự tồn tại của trật tự đã tạo nên bối cảnh và khuôn khổ mà trong đó chúng ta đã phát triển Âu Châu hòa bình và dân chủ “của chúng ta”, và sự ra đi của nó sẽ khiến việc duy trì tiến trình này là điều không tưởng.
Và do đó? Và do đó, người ta phải tin rằng hòa bình ở Âu Châu chỉ có thể thực hiện được nếu không ai đe dọa biên giới của nó và cố gắng làm gián đoạn sự phát triển tự chủ của nền dân chủ trong biên giới được xác định của nó. Bởi vì điều cơ bản cần nhắc lại hôm nay là Ukraine đã bắt đầu tự chủ trong quá trình phát triển theo hướng dân chủ, trong đó định vị hướng về phương Tây là một sự bổ sung tự nhiên, xét rằng các nền dân chủ vững mạnh đều nằm ở phía tây Ukraine và không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của nó đến từ phương Tây.
Bất kể tuyên truyền của Nga có thể nói gì về Ukraine và những con ngựa thành Troia ở quốc gia này lải nhải rằng, không có triển vọng cho Ukraine gia nhập NATO, vào năm 2008 Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là George W. Bush đã đề xuất cho Ukraine gia nhập; và đề xuất của ông đã bị các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của các quốc gia chính ở Âu Châu, bao gồm Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, bác bỏ. Nếu ngày đó, không có sự phản đối này, cuộc chiến hiện nay đã không xảy ra vì chính tình trạng dằng dai trong liên kết cấu trúc của Ukraine với Liên minh Âu Châu đã gây ra sự can thiệp mạnh tay của Nga vào tiến trình chính trị Ukraine vào năm 2014, cuộc xâm lược Crimea và hỗ trợ quân sự cho lực lượng ly khai Donbas.
Chúng ta - phương Tây, Âu Châu – phải quyết tâm chiến thắng trong kế hoạch tội ác của Điện Cẩm Linh, trong đó họ cố làm cho chúng ta không tin vào sự tốt đẹp của chính nghĩa của chúng ta mà tại thời điểm này là một với chính nghĩa của người dân Ukraine. Chúng ta không thể nhượng bộ những mối đe dọa được che đậy trong những lập luận tinh vi và xảo quyệt của Vladimir Putin.
Dưới sự xuyên tạc núp dưới những chiêu bài trấn an của chủ nghĩa hiện thực, sự thận trọng và chủ nghĩa hòa bình, là những gì lẽ ra phải gọi thẳng thừng là chủ nghĩa hoài nghi, sự hèn nhát, và vô trách nhiệm, chúng ta nghĩ rằng chúng ta vô tội mặc dù hai tay đang dâng vào lòng bàn tay hắn ta chiến lợi phẩm, kèm theo giấy phép kính ngưỡng hắn ta.
Bất kể chiến tranh có thể kéo dài, chúng ta phải giúp người Ukraine, để họ có thể lựa chọn sống như nô lệ hay chiến đấu đến cùng để sống trong tự do.
Source:L'.espresso