Ba đàng thánh giá và ba nhân vật tiêu biểu
Trong khi ấy, Cha Victor Feltes tập chú vào ba Đàng Thánh Giá và ba nhân vật tiêu biểu. Cha viết:
Với hy vọng được Chúa Thánh Thần trợ giúp, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những bài suy niệm về những người hiện diện cách cá nhân trong Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Đặc biệt, tôi sẽ suy nghĩ về những người được đề cập trong Chặng Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Tám của Đàng Thánh Giá; Simong thành Kyrênê, người đã giúp vác Thập giá của Chúa Giêsu; Veronica, người lấy khăn che mặt lau mặt Chúa Giêsu; và những người phụ nữ của Giêrusalem, những người đã đi theo và công khai khóc thương Chúa Giêsu trên Đường Thánh Giá. Trong khi xem xét những suy gẫm này, tôi khuyến khích bạn tìm kiếm hai hoặc ba viên kim cương lấp lánh phù hợp với bạn. Nhét chúng vào túi của tâm trí bạn hoặc sổ ghi của bạn và sau đó mang chúng vào cầu nguyện để suy gẫm.
Lời mở đầu – Phôngxiô Philatô và những người lính La Mã
Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh, đám đông thù nghịch kêu gào đòi máu Chúa Giêsu. Giống như những người anh em của Giuse trong Cựu Ước, đám đông này có ý định làm điều ác cho Chúa Giêsu, nhưng Thiên Chúa lại có ý định biến điều này thành điều tốt lành, với hy vọng đạt được sự cứu rỗi cho những tội nhân này và cả thế giới. Tổng trấn Phôngxiô Philatô, cả sau khi Chúa Giêsu bị đánh đòn dã man, đã không thể xoa dịu đám đông. Vì vậy, Philatô đã rửa tay và kết án tử hình Chúa Giêsu mặc dù thừa nhận rằng Người không phạm tội. Nhiều điều ác trên thế giới không chỉ đến từ sự thù hận tích cực như đám đông mà còn từ sự thờ ơ nhẫn tâm của những người như Philatô. “Phúc cho những kẻ đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đủ.”
Sau đó, Thánh Gioan ghi lại trong Tin Mừng của mình, những người lính “bắt Chúa Giêsu, và chính Người vác Thập giá đi ra nơi gọi là Đồi Sọ, tiếng Do Thái là Gôngôtha.” Người La Mã sẽ buộc những người đàn ông bị kết án tử hình phải mang dụng cụ tra tấn của chính họ, đó là cây thập tự. Đây là một hình phạt tâm lý và sỉ nhục cộng thêm. Nó giống như việc bạn phải tự thắt thòng lọng trước khi họ dùng nó để treo cổ bạn. Nó giống như bị buộc phải đào mồ chôn mình trước khi họ giết và chôn bạn. Nó giống như các nhà nước toàn trị hiện đại hành quyết người ta bằng một phát súng vào sau đầu và sau đó gửi cho gia đình hóa đơn thanh toán viên đạn. Việc sửa sai và trừng phạt những hành vi sai trái có thể cần thiết trong cả quốc gia lẫn gia đình, nhưng chúng ta không bao giờ được làm cả hai điều đó mà không tôn trọng phẩm giá của người khác.
Chúa Giêsu buộc phải vác Thánh Giá của chính Người, Thánh Giá mà Người vác cho chúng ta là những kẻ tội lỗi. Người vác Thánh Giá đến một nơi gọi là Gôngôtha, hay đồi Canvê. Gôngôtha là một gò đá trong một mỏ đá vôi dọc theo một con đường dẫn đến và đi từ Giêrusalem. Người La Mã đã chọn địa điểm hành quyết này cách một trong những cổng thành một quãng ngắn để nhiều người qua đường có thể dễ dàng nhìn thấy. Những người lính canh Chúa Giêsu được lệnh đóng đinh Người ở đó cùng với hai người bị kết án khác. Nhưng sau khi Chúa Giêsu bị đánh đòn dữ dội, Người đau đớn, mất nước và suy nhược về thể chất. Người đã ngã xuống ít nhất một lần dưới sức nặng của Thập giá.
Có lẽ những người lính canh Người mất kiên nhẫn vì Chúa Giêsu bước đi quá chậm. Những người lính cũng có thể sợ rằng Chúa Giêsu sẽ ngã quỵ vì kiệt sức và không thể đứng dậy đi tiếp. Và họ có thể gặp rắc rối lớn với cấp trên nếu Chúa Giêsu chết trên đường đến Gôngôtha mà không nhận bản án do tổng trấn đã tuyên. Chúng ta có thể cảm thấy nản lòng trước sức mạnh của những kẻ và nhóm độc ác trong thế giới của chúng ta nhưng tôi nghĩ chúng ta đã đánh giá thấp những điểm yếu cố hữu của họ, giống như những nhược điểm được phản ảnh trong những người lính La Mã này. “Sự dại dột của Thiên Chúa khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của con người, và sự yếu kém của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn sức mạnh của con người.” Khoảng ba trăm năm mươi năm sau khi những người La Mã ngoại giáo hùng mạnh hành quyết Chúa Kitô và bắt đầu bách hại Giáo hội hòa bình của Người, Chúa Kitô đã chinh phục Đế quốc La Mã; Kitô giáo đã trở thành quốc giáo chính thức của nó. “Phúc cho những kẻ hiền lành, vì họ sẽ thừa hưởng trái đất.”
Trạm thứ 5 – Simong thành Kyrênê
Các Thánh Mátthêu, Máccô và Luca đều lưu ý trong Tin Mừng của các ngài rằng lính canh La Mã đã tìm được một người trợ giúp Chúa Giêsu. Khi họ đang đi ra ngoài, họ gặp một khách bộ hành từ miền quê tới. Họ bắt giữ ông và ép ông giúp vác Thánh giá của Người. Theo luật, một người lính La Mã có thể buộc một người đàn ông ở vùng đất bị chinh phục phải mang vác cho anh ta trong vòng một dặm. Dám từ chối sẽ chuốc lấy đòn roi, nên người bộ hành đến Giêrusalem này đã phục tùng. Đặt Thánh giá lên vai ông, họ bắt ông vác theo sau Chúa Giêsu. Người đàn ông này tên là Simong, một người quê ở Kyrênê. Kyrênê là một khu vực ở Bắc Phi. Nó có một khu thuộc địa của La Mã và một lượng lớn dân Do Thái.
Có lẽ Simong người Kyrênê, giống như rất nhiều người Do Thái khác, đang hành hương đến Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua. Nhưng dù cuộc hành trình trước đó của ông có xa đến đâu, ngày hôm đó Simong đã có một nơi để hiện diện và những việc cần làm trước ngày lễ. Việc phải vác Thánh giá vào ngày thứ Sáu đó có vẻ như là một điều bất tiện lớn đối với Simong, nhưng đó rất có thể là điều tuyệt vời nhất mà ông đã từng làm. Một số điều vĩ đại nhất mà bạn đã làm trong đời có lẽ cũng khó chịu và bất tiện. Trong tâm trí, chúng ta hãy lên khuôn lại các gián đoạn phát sinh trong ngày và trong cuộc sống của chúng ta như những cơ hội có tính quan phòng. Bằng cách này, chúng ta có thể tận dụng chúng tối đa và xử lý chúng một cách tốt nhất.
Người ta có thể tưởng tượng Simon cảm thấy rất miễn cưỡng khi vác thập giá của người lạ. Vì Simong là một người tự do và chưa bị kết tội gì nên có thể ông đã coi việc bắt làm nô lệ này là hèn hạ gấp đôi. Simong cũng có thể đã sợ rằng những khách bàng quan thiếu hiểu biết có thể sẽ ném những lời lăng mạ, khạc nhổ, bẩn thỉu và đá vào ông khi ông thực hiện hành động của mình qua các đường phố trong cuộc diễn hành của những người bị kết án. Tuy nhiên, dù không muốn, Simong đã vác Thập giá và đi theo Chúa Giêsu. Simong đã không tự do lựa chọn gánh nặng này, nhưng vì nó, Simong có lẽ gần gũi với Chúa Giêsu trong hầu hết cuộc hành trình đến Gôngôtha hơn là Mẹ Maria, Gioan Người Môn Đệ Yêu Dấu, hay Maria Mađalêna. Chúng ta sẽ không chọn các gánh nặng trong cuộc sống của mình, đặc biệt là bệnh tật hoặc những mất mát bản thân, nhưng những gánh nặng này có thể là phương tiện quan phòng của Thiên Chúa để mang chúng ta đến gần Chúa hơn.
Tôi thấy thật thú vị khi Simong người Kyrênê được chọn vác Thánh giá của Chúa Giêsu vào buổi sáng sau khi một Simong khác, Simong Phêrô, chối Chúa Giêsu ba lần và rút lui một thời gian vì xấu hổ. Có lẽ đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một tông đồ khác, Simong Nhiệt Thành, cũng chia sẻ cái tên đó. Nhưng tôi tự hỏi liệu Simong Kyrênê có phải là người thay thế cho Simong Phêrô không. Nếu Simong Phêrô đã không chối Chúa, hoặc đã trở lại với Người mau lẹ hơn, thì ông có phải là người vác Thánh giá của Chúa Giêsu không? Điều đó sẽ đẹp đẽ và đầy cảm hứng biết bao! Tôi không đề cập đến khả năng này để khuyến khích bạn tư lự ngẫm nghĩ, than thở một quá khứ không thể thay đổi và bất cứ điều tốt đẹp nào không được thực hiện vì tội lỗi của bạn. Tôi đề cập đến điều này để trong một thời điểm bị thử nghiệm, bạn có thể xem xét việc thực hiện bước tốt tiếp theo giúp tạo ra nhiều con đường tốt như thế nào.
Thiên Chúa đã quan phòng cho phép Simong tham gia vào công việc vinh quang của Chúa Giêsu để cứu rỗi thế giới vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúa cũng mời bạn và tôi đóng một vai trò trong sự cứu rỗi và giao phó một phần trong công việc cứu rỗi của Người cho chúng ta ngày nay. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Cả đã ghi nhận điều này vào năm 2001 trong khi suy niệm về Chặng Đàng Thứ Năm của Thánh Giá tại Coliseum ở Rôma:
“Chúa Giêsu có thể vác Thập giá một mình, nếu Người muốn; nhưng Người cho phép Simong giúp Người, để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải tham gia vào những đau khổ của Người và thông công vào công việc của Người. Công lao của Người vô lượng, vậy mà Người lại hạ mình để cho người dân của Người thêm phần công đức vào đó. Sự thánh thiện của Đức Trinh Nữ, máu của các vị tử đạo, những lời cầu nguyện và đền tội của các thánh, những việc làm tốt của tất cả các tín hữu, tham gia vào công việc đó, một công việc, tuy nhiên, vẫn hoàn hảo dù không có họ. Người cứu chúng ta bằng máu của Người, nhưng Người cứu chúng ta qua và với chính chúng ta.”
Nếu Simong không biết hoặc không tin vào Chúa Giêsu trước đây, thì có vẻ như kinh nghiệm vác thập giá của ông đã giúp dẫn đến việc Simong hoán cải theo Kitô giáo và cả gia đình ông cũng hoán cải. Trong bốn sách Tin Mừng, chỉ có Thánh Máccô lưu ý rằng Simong thành Kyrênê là “cha của Alexandrô và Rufô.” Các học giả Kinh thánh tin rằng tên của các con trai của Simong đã được đề cập ở đây vì thính giả đầu tiên, mà Tin Mừng Máccô được viết cho, biết Alexandrô và Rufô là ai. Truyền thống Giáo hội tường thuật rằng Thánh Máccô, tác giả Tin Mừng, là thư ký cho Thánh Phêrô Tông đồ, vị giám mục đầu tiên của Rôma. Và Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Rôma viết: “Xin chào Rufô, người được chọn trong Chúa, và chào mẹ của anh ấy, người cũng đã từng là một bà mẹ của tôi.” Sự chịu đựng của Simong qua thử thách với Chúa Kitô đã làm tăng thêm đức tin của ông nơi Người. Simong đã chia sẻ chứng ngôn này với gia đình của mình. Và nhờ gương trung thành của ông, họ cũng trở thành những tín hữu trung thành của Chúa Kitô. Những đứa con không thực hành của bạn đã biết rằng bạn tin, nhưng chúng có nghe bạn nói tại sao bạn tin và sự khác biệt mà đức tin tôn giáo đã tạo ra trong cuộc đời bạn chưa? Bạn nên chắc chắn nói với chúng.
Trạm thứ 6 – Bà Veronica
Trạm Thứ Sáu của Đàng Thánh Giá thuật lại một sự kiện không được ghi lại trong Tin Mừng. Bất chấp đám đông và quân lính, một phụ nữ đến gần Chúa Giêsu. Khuôn mặt của Người dính đầy máu, mồ hôi, bụi và nước bọt. Động lòng trắc ẩn, bà bỏ khăn che đầu và dâng nó cho Chúa Giêsu lau mặt. Chúng ta biết người phụ nữ này là Thánh Veronica. Giáo hội phương Tây gọi bà là Veronica, trong khi Giáo hội phương Đông gọi bà là Berenike. Chúa Quan Phòng có thể đã sắp xếp để điều này phản ảnh tên riêng của bà, nhưng có vẻ như chúng ta biết bà qua danh hiệu mà Giáo hội đã đặt cho bà. Chúng ta biết điều này nhờ những người khác cũng hiện diện tại Cuộc Khổ nạn. Tên của Thánh Longinus, người lính đã đâm vào cạnh sườn của Chúa Giêsu, có nghĩa là “Dài, Kéo dài”, gợi ý là “Người cầm giáo”. Và tên của người trộm lành bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu, Thánh Dismas, có nghĩa là “Hoàng hôn” hay “Cái chết”. Về phần mình, cái tên Veronica là tiếng Latinh có nghĩa là “Hình ảnh thật”, trong khi cái tên Berenike trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Người mang chiến thắng”. Cầu mong những việc tốt chúng ta làm sẽ có tác động đến trái đất như của bà, để rất lâu sau khi thế giới quên tên chúng ta, thành quả của chúng ta vẫn sẽ được nhìn thấy.
Veronica là một nữ đối tác với Simong thành Kyrênê trong các Trạm Đàng Thánh Giá. Cả hai đều giúp đỡ Chúa Giêsu theo cách phù hợp với các đặc điểm nữ tính và nam tính của họ. Simong phục vụ Chúa Giêsu bằng sức mạnh thể chất của mình, trong khi Veronica phục vụ Người bằng sự dịu dàng tuyệt đẹp của bà. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Cả đã chia sẻ bài suy niệm này về Veronica và Chặng Đàng Thánh Giá Thứ Sáu vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2003:
“Là một người phụ nữ, bà không thể vác Thánh Giá theo thể xác hoặc thậm chí không được kêu gọi làm như vậy, nhưng thực tế bà đã vác Thánh Giá với Chúa Giêsu: bà vác Thánh Giá theo cách duy nhất có thể của mình vào thời điểm đó và tuân theo tiếng gọi của trái tim mình: bà đã lau mặt cho Người”.
Mặc dù các đặc điểm của chúng ta có thể khác nhau, nhưng cả nam và nữ đều có những món quà quý giá để trao tặng. Đôi khi bạn nên cân nhắc những món quà độc đáo của bạn trong tư cách đàn bà hay đàn ông.
Khi Veronica đưa khăn che mặt cho Chúa Giêsu, Người áp nó vào mặt Người. Máu, mồ hôi, bụi và nước bọt trên mặt Chúa Giêsu được lau sạch trên tấm vải của bà, để lại một khuôn mặt giống Người, một bức chân dung tự họa của Chúa Giêsu. Ngày nay, một số nơi tuyên bố sở hữu thánh tích này, hoặc nếu không thì là một bản sao đầu tiên của Thánh Nhan. Việc Veronica dâng tấm khăn che mặt của mình cho Chúa đã mang lại một món quà lớn hơn để đáp lại. Veronica đã nhận lại những gì bà đã cho đi và bên cạnh đó còn nhận được nhiều hơn nữa, vì Thiên Chúa sẽ không thua kém về lòng quảng đại. Như Chúa Giêsu từng nói:
“Hãy cho đi và những món quà sẽ được ban lại cho anh em; một đấu tốt, được nén, được lắc, và đầy tràn, sẽ đổ vào vạt áo anh em. Anh em đong đấu nào sẽ được đong lại đấu ấy”.
Với suy nghĩ này, chúng ta nên quảng đại ra sao?
Tấm khăn che mặt thánh thiện là vật kỷ niệm hành động tốt của Veronica, một vật kỷ niệm đã mặc khải Chúa Giêsu Kitô. Tất cả những việc làm tốt của chúng ta trong Chúa Kitô đều để lại ấn tượng về Chúa của chúng ta. Theo lời suy niệm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô Cả về Veronica từ Đàng Thánh Giá Tuần Thánh năm 2000:
“Chính hành động tốt lành, mọi cử chỉ yêu thương đích thực đối với người lân cận, đều củng cố hình ảnh Đấng Cứu Chuộc thế giới nơi người hành động cách đó. Hành động của tình yêu không qua đi. Mỗi hành vi tốt bụng, hiểu biết, phục vụ đều để lại trong lòng con người một dấu ấn không thể xóa nhòa và làm cho chúng ta ngày càng giống Đấng 'đã tự bỏ mình đi, mang lấy hình tôi tớ'. Đó là điều lên khuôn bản sắc ta và cho chúng ta tên chân thực của mình”.
Trạm thứ 8 – Những người phụ nữ Giêrusalem
Cuối cùng, chúng ta đến Trạm thứ tám. Tin Mừng Thánh Luca ghi lại việc một đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu, trong đó có nhiều phụ nữ than khóc Người. Chúa Giêsu quay lại họ và nói:
“Hỡi những người con gái của Giêrusalem, đừng khóc thương tôi; thay vào đó hãy khóc cho chính mình và cho con cái các chị, vì sẽ đến ngày người ta nói: 'Phúc cho đàn bà son sẻ, cho lòng không sinh không đẻ, cho vú không cho bú!' Lúc bấy giờ, người ta sẽ nói với núi non: 'Hãy đổ xuống trên chúng tôi!' và với các ngọn đồi, 'Hãy phủ lấp chúng tôi!' vì nếu những điều này xảy ra khi gỗ còn tươi tốt thì điều gì sẽ xảy ra khi cây khô héo?'”
(Điều này có nghĩa là: 'Điều ác mà các chị thấy bây giờ xảy ra khi tôi ở với các chị; điều ác khủng khiếp nào sẽ xảy ra sau này khi tôi không còn được thấy rõ ở đây nữa?') Chúa Giêsu nói một cách tiên tri về bốn mươi năm sau khi bắt đầu thừa tác vụ công khai của Người, Giêrusalem sẽ bị phá hủy. Người La Mã đã chinh phục thành phố nổi loạn vào năm 70 sau Công nguyên, phá hủy ngôi đền của nó và dùng gươm sát hại người dân của nó. Trước khi vào thành Giêrusalem vào Chúa Nhật Lễ Lá, Chúa Giêsu đã khóc thương thành phố và phán rằng:
“Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”.
Mọi người từ chối Chúa Kitô tự nhiên dẫn đến các hậu quả bản thân và quốc gia.
Chúa Giêsu đã bị kết án sai lầm như một kẻ dị giáo, Người đã bị kết án sai lầm như một kẻ nổi loạn chính trị, nhưng những người phụ nữ này đã không ngại công khai than khóc Người. Một số phụ nữ này đã tháp tùng Người trong thừa tác vụ công khai của Người. Khi Chúa Giêsu “đi từ thành này đến làng khác, rao giảng và công bố tin mừng về Nước Thiên Chúa… một số phụ nữ đã được chữa lành khỏi tà thần và bệnh tật (đi cùng với Người. Chẳng hạn), Maria, gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy con quỷ, Gioanna, vợ của Chuza, quản gia của Hêrốt, Susanna, và nhiều người khác đã cung cấp cho [Chúa Giêsu và các tông đồ của Người] bằng nguồn lực của họ”.
Một nhận xét đáng lưu ý là xuyên suốt các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu không có kẻ thù nào là phụ nữ. Chắc chắn là có một số phụ nữ ở Nadarét hay Giêrusalem khinh thường Chúa Giêsu, nhưng Tin Mừng không giới thiệu cho chúng ta bất cứ ai trong số họ. Ngay cả vợ của Philatô cũng biện hộ cho Chúa Giêsu, gọi Người là “người công chính!” Điều này phản ảnh việc cả nam lẫn nữ đều được mời gọi đến gần Chúa Kitô. Mặc dù Chúa Giêsu dành riêng Bí Tích Truyền Chức cho nam giới, nhưng nếu không có lời cầu nguyện và việc làm của các thánh nữ thì sứ mạng của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người sẽ bị đình trệ, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Chỉ cần thử tưởng tượng các sách Tin Mừng hoặc Giáo Hội Công Giáo không có họ, thì sẽ ra sao.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, các phụ nữ Giêrusalem giờ đây đã thấy Chúa Giêsu vất vả. Họ đã hơn một lần chứng kiến Người ngã xuống. Họ công khai khóc thương Người và ước mong họ có thể làm được nhiều hơn thế. Mặc dù biết ơn và được khích lệ bởi sự hỗ trợ đầy yêu thương của những người phụ nữ, nhưng thay vào đó, Chúa Giêsu bày tỏ sự quan tâm đối với họ:
“Hỡi các con gái Giêrusalem, đừng khóc thương tôi; thay vào đó, hãy khóc thương cho các chị và con cái các chị...”
Sự cởi mở của tâm hồn phụ nữ đối với người khác thật đẹp, nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở họ rằng quan tâm đến hạnh phúc của bản thân và của người thân của bạn không phải là ích kỷ. Ngay Chúa Giêsu cũng ngủ trưa. Ngay Chúa Giêsu cũng chấp nhận sự giúp đỡ. Ngay Chúa Giêsu cũng dành thời gian để giao tiếp với Chúa Cha. Những người vợ và người chồng được kêu gọi đặt ưu tiên cho sự cứu rỗi của người phối ngẫu và con cái của họ trước các vấn đề của thế giới. Và nếu bạn không chăm sóc bản thân, bạn không thể chăm sóc tốt cho người khác.
Trong những ngày sắp bước vào Tuần Thánh, tôi mời bạn suy niệm về những suy tư gắn bó với bạn này. Hãy chiêm ngưỡng những bài học của Simong thành Kyrênê, Veronica, và các phụ nữ Giêrusalem trên đường tới Gôngôtha.
Còn một kỳ