Lm Nguyễn Trung Tây
Papua New Guinea, Một Nơi Người Cười


Tôi đã sinh hoạt ở nhiệm sở mới, Papua New Guinea (PNG), gần một năm rồi.

Tôi cũng đã nhắc đến tên quốc gia PNG mấy lần trong những bài chia sẻ. Nhưng nhiều giáo dân vẫn không nhớ tên của quốc gia này. Thậm chí, có người còn tưởng PNG thuộc châu Phi. Không chỉ là người Việt, ngay cả người Mỹ, và người Việt ở quốc nội, những người tôi đã gặp, họ đều không có khái niệm về quốc đảo PNG thuộc vùng Châu Đại Dương.

PNG nằm về phía bắc Úc Châu, và phía đông Indonesia. PNG bao gồm rất nhiều bộ lạc, có ngôn ngữ riêng, tôn giáo địa phương khác biệt, và những nền văn hóa riêng biệt của mỗi bộ lạc, thí dụ, ẩm thực riêng, trang phục riêng, nghệ thuật riêng, v.v. Dòng Ngôi Lời đặt chăn lên đảo quốc PNG vào năm 1896. Cùng với những nỗ lực của Dòng Thánh Tâm (MSC), Dòng Sư Huynh Marist, và nhiều giáo hội Kitô khác, PNG dần dần trở thành một quốc gia Kitô giáo.

Người PNG nói tiếng Pidgin, ngôn ngữ chính nối kết tất cả các bộ tộc PNG. Thức ăn chính của dân PNG là khoai lang và sago (sagsag). Cạnh đó là rau, khóm, bắp, chuối, và đu đủ. Vào những ngày lễ hội, họ ăn thịt heo hoặc gà. Heo có giá trị rất cao trong xã hội. Nhà gái thường thách cưới nhà trai từ 2, hoặc 5 tới 10 chú heo. Nếu đàng gái thuộc giới thượng lưu, số heo thách cưới có thể tăng cao hơn nữa.

PNG một thời bị Đức, Hòa Lan, Anh, Nhật đô hộ. Sau thế chiến thứ 2, PNG thuộc về Úc Châu. Năm 1975, chính quyền Úc trả lại độc lập cho người PNG. Thuộc khối Thịnh Vượng Chung của Anh, PNG có Thủ Tướng, người đứng đầu Quốc Hội. Nhưng bởi nét bộ lạc còn đậm sâu, tinh thần địa phương vẫn còn nằm sâu trong huyết quản của dân bản xứ.

Người dân PNG hiền hòa, hiếu khách. Gặp người lạ mặt trên đường, họ đứng đó nhìn mải miết. Nét ngạc nhiên xuất hiện đậm trên khuôn mặt. Phần lớn người dân sống ở thôn làng. Nếu cần, họ đi bộ tới phố, mua những thứ cần thiết, cho vào trong bilum (đọc bí-lùm), mang về nhà. Tới quốc đảo PNG, người ta nhận ra dọc theo hai bên đường người dân vai đeo bilum đi bộ khá nhiều. Họ đi từng đoàn, hoặc cá nhân riêng lẻ. Họ đi dép có, đi chân không có. Cứ thế họ đi tới phố, rồi lại đi bộ về tới làng.

Điểm đặc biệt nhất về xã hội PNG là thanh niên PNG có phong tục cầm theo một con dao dài trong khi đi trên đường. Con dao rất dài này chính là một phương tiện để người dân phát cỏ, chặt cây, và làm vườn. Nói ngắn gọn đó là một dụng cụ thường nhật tương tự cái cuốc mà người Việt Nam vác trên vai trên đường đi xuống ruộng.

Nhưng trong con mắt người ngoại quốc, nhìn người thanh niên cầm dao dài đi trên đường phố, dễ cảm thấy ớn lạnh. Đến ngày hôm nay, gần một năm rồi, tôi vẫn chưa quen với hình ảnh văn hóa thanh niên PNG cầm dao dài đi lại dọc ngang trên đường phố. Chắc phải thêm một thời gian nữa, may ra mới quen được…

Công việc chính của tôi ở PNG là dạy học tại Đại Chủng Viện Good Shepherd. Các thầy nói chung chăm học và đạo đức. Cuối tuần, tôi cũng vô trong những thôn làng sinh hoạt mục vụ với giáo dân PNG.

Cũng như bất cứ một nền văn hóa nào trên thế giới. PNG có những nét văn hóa riêng biệt phản ảnh môi trường sống. Là đất nông nghiệp thuộc vùng nhiệt đới, người dân sở hữu và làm việc trong vườn, đơn vị căn bản của văn hóa PNG. Trong khu vườn này, người dân trồng bắp, đu đủ, cà chua, rau quả, lương thực căn bản trong những bữa ăn hằng ngày xuất hiện trên mâm cơm. Người dân phát triển y phục và ngôn ngữ riêng của từng bộ lạc. Mỗi bộ lạc lại có những niềm tin riêng biệt.

Người dân PNG căn bản sống vào ngày hôm nay. Ngày mai, họ lại ra vườn, đào khoai lang, nhặt rau, bẻ bắp mang về mâm cơm gia đình. Sống đơn giản và vui với đời sống hiện tại, người dân PNG dễ cười. Gặp nhau, họ chuyện trò vang vang, nói cười không ngớt. Đây là một đặc điểm nổi bật của người dân đảo quốc PNG. Thêm một đặc điểm nổi bật về PNG là quốc đảo này mặc dù đời sống vật chất hạn hẹp, nhưng không thấy dân homeless ngủ dọc đường hoặc hành khất sống nhờ lòng hảo tâm.

Khi viết những dòng chữ này, tôi cũng đã sinh hoạt ở PNG được gần một năm rồi (25/11/2022). Tôi vẫn còn lạ lùng với nền văn hóa riêng biệt này lắm. Nhưng tương tự như Môisen, khi bước vào sa mạc, Thiên Chúa đã yêu cầu ông cởi đôi săng-đan bởi vùng đất ông đang đứng là vùng đất thiêng. Tôi cũng thế, khi bước vào văn hóa PNG, tôi cũng đang từ từ bước vào ngôi vườn riêng biệt của dân PNG. Tôi cũng phải học lại từ đầu, từ ngôn ngữ cho tới những nét tổng quát về một nền văn hóa riêng biệt. Mi mas lainim kaikai kaokao/Tôi cũng phải tập ăn khoai. Tôi cũng phải sẵn sàng để lại sau lưng những hành trang dư thừa cho đời sống mục vụ truyền giáo với người dân hay cười PNG. Trên tất cả, tôi tâm niệm tôi đến vùng đất này để chia sẻ Tin Mừng tới người dân Niugini. Điện, nước và internet dư thừa tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng không phải PNG. Tôi do đó cũng phải có khả năng sống hòa nhập vào nền văn hóa đặc thù PNG, một nền văn hóa cười.

Và bao giờ cũng vậy, những nhà truyền giáo rất cần những lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa cho ơn bền đỗ và lòng khiêm nhường để phục vụ tín hữu của những vùng đất hoàn toàn xa lạ.

Good Shepherd Seminary, PNG
11/14/2023