Trong chuyến viếng thăm Papua New Guinea ngày 7 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Đền Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (Port Moresby), để gặp gỡ hàng giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của đất nước nghèo nhất thế giới nhưng rất quan trọng về chiến lược về đủ mọi phương diện kể cả tôn giáo. Tại đây, ngài đã ngỏ lời với các giới lãnh đạo Giáo Hội tại Papua New Guinea.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi tối!
Tôi gửi lời chào trân trọng đến tất cả anh chị em: Các giám mục, linh mục, nam nữ thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên. Tôi cảm ơn Chủ tịch Hội đồng Giám mục về những lời phát biểu của ngài, cũng như James, Grace, Sơ Lorena và Cha Emmanuel về những chứng từ của họ.
Tôi rất vui khi được ở đây, trong nhà thờ Salêdiêng xinh đẹp này: Những người Salêdiêng biết cách làm tốt mọi việc. Tôi xin chúc mừng anh chị em! Đây là đền thờ giáo phận dành riêng cho Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu – Tôi đã được rửa tội tại giáo xứ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu ở Buenos Aires – một tước hiệu rất được Thánh Gioan Bosco yêu quý; hoặc Maria Helpim như anh chị em trìu mến cầu khẩn ngài ở đây. Năm 1844, khi Đức Mẹ truyền cảm hứng cho Don Bosco xây dựng một nhà thờ để tôn vinh ngài ở Turin, ngài đã hứa với thánh nhân: "Đây là nhà của Mẹ, từ đây tỏa vinh quang của Mẹ". Đức Mẹ đã hứa với ngài rằng nếu ngài có can đảm bắt đầu xây dựng nhà thờ, thì những ân sủng lớn lao sẽ theo sau. Và điều đó đã xảy ra: nhà thờ đã được xây dựng - thật tuyệt vời - nhưng nhà thờ ở Buenos Aires đẹp hơn! - và nó đã trở thành trung tâm cho phép Tin Mừng tỏa sáng, đào tạo những người trẻ tuổi và thực hiện các công việc từ thiện, một điểm tham chiếu cho rất nhiều người.
Ngôi đền tuyệt đẹp mà chúng ta đang ở hiện tại, được truyền cảm hứng từ câu chuyện đó, cũng có thể là biểu tượng cho chúng ta về ba khía cạnh của hành trình truyền giáo và Kitô giáo của chúng ta đã được nêu bật trong các chứng từ mà chúng ta vừa nghe: lòng can đảm để bắt đầu, vẻ đẹp của sự hiện diện và hy vọng phát triển.
Đầu tiên, lòng can đảm để bắt đầu. Những người xây dựng ngôi đền này đã bắt đầu công việc của họ bằng một hành động đức tin lớn lao, đã đơm hoa kết trái. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nhờ rất nhiều khởi đầu can đảm khác của những người đã đi trước họ. Các nhà truyền giáo đã đến đất nước này vào giữa thế kỷ XIX, và những bước đầu tiên trong thừa tác vụ của họ không hề dễ dàng. Thật vậy, một số nỗ lực đã thất bại. Tuy nhiên, họ đã không bỏ cuộc; với đức tin lớn lao, lòng nhiệt thành tông đồ và nhiều hy sinh, họ tiếp tục rao giảng Tin Mừng và phục vụ anh chị em của mình, bắt đầu lại nhiều lần bất cứ khi nào họ thất bại.
Các cửa sổ kính màu trong đền thờ nhắc nhở chúng ta về điều này - điều mà bây giờ không thể nhìn thấy vì trời đã tối -, ánh sáng mặt trời mỉm cười với chúng ta qua khuôn mặt của các vị thánh và chân phước, những người đàn bà và đàn ông từ mọi hoàn cảnh, gắn liền với lịch sử cộng đồng của anh chị em: Phê-rô Chanel, Gioan Mazzuccini và Phê-rô To Rot, các vị tử đạo của New Guinea, và cả Teresa thành Calcutta, Gioan Phaolô II, Maria McKillop, Maria Goretti, Laura Vicuña, Zeffirino Namuncurà, Phanxicô de Sales, Gioan Bosco, Maria Domenica Mazzarello. Tất cả đều là những anh chị em, những người, theo những cách khác nhau và vào những thời điểm khác nhau, đã bắt đầu các sáng kiến và mở đường, chỉ để bắt đầu lại nhiều lần. Họ đã góp phần mang Tin Mừng đến cho anh chị em, cùng với một kho tàng đầy màu sắc của các đặc sủng được thúc đẩy bởi cùng một Thần Khí và cùng một lòng bác ái của Chúa Kitô (x. 1 Cr 12:4-7; 2 Cr 5:14). Nhờ họ, nhờ những “khởi đầu” và “khởi động lại” của họ, – các nhà truyền giáo là những người nam và người nữ của “khởi đầu”, và nếu họ quay trở lại, của “khởi động lại”: đây là cuộc sống của các nhà truyền giáo, khởi đầu và khởi động lại –, nhờ họ mà chúng ta ở đây và bất chấp những thách thức hiện tại, không thiếu, chúng ta vẫn tiếp tục tiến về phía trước mà không sợ hãi – tôi không biết liệu chúng ta có luôn làm như vậy không –, biết rằng chúng ta không đơn độc. Chính Chúa là Đấng hành động trong chúng ta và với chúng ta (x. Gl 2:20), biến chúng ta, giống như họ, thành những khí cụ của ân sủng Người (x. 1 Pr 4:10). Đây là ơn gọi của chúng ta: trở thành những khí cụ.
Về vấn đề này, và dựa trên những gì chúng ta đã nghe, tôi muốn đề xuất một hướng đi quan trọng cho “điểm khởi đầu” của riêng anh chị em, cụ thể là các vùng ngoại vi của đất nước này. Tôi nghĩ đến những người thuộc về những bộ phận dân cư đô thị nghèo đói nhất, cũng như những người sống ở những vùng xa xôi và bị bỏ rơi nhất, nơi đôi khi thiếu thốn những nhu cầu cơ bản. Tôi cũng nghĩ đến những người bị thiệt thòi và bị tổn thương, cả về mặt đạo đức và thể chất, do định kiến và mê tín, đôi khi đến mức phải liều mạng sống của mình, như James và Sơ Lorena đã nhắc nhở chúng ta. Giáo hội đặc biệt mong muốn gần gũi với những anh chị em này, bởi vì Chúa Giêsu hiện diện trong họ theo một cách đặc biệt (x. Mt 25:31-40). Và nơi nào Người, đầu của chúng ta, hiện diện, thì ở đó có chúng ta, các chi thể của Người, vì chúng ta thuộc về cùng một thân thể, “được kết hợp và gắn bó với nhau bằng mọi dây chằng” (Ep 4:16). Và xin đừng quên: sự gần gũi, sự gần gũi! Anh chị em biết rằng ba thái độ đẹp nhất là sự gần gũi, lòng cảm thương và sự dịu dàng. Nếu một người phụ nữ thánh hiến hoặc một người đàn ông thánh hiến, một linh mục, một giám mục hoặc các phó tế không gần gũi, không cảm thương và không dịu dàng, họ không có Thần Khí của Chúa Giêsu. Đừng quên điều này: sự gần gũi, lòng cảm thương, sự dịu dàng.
Điều này đưa chúng ta đến khía cạnh thứ hai: vẻ đẹp của sự hiện diện. Chúng ta có thể thấy điều đó được tượng trưng trong những chiếc vỏ sò kina, một dấu hiệu thịnh vượng tô điểm cho nhà thờ của giáo xứ này. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là báu vật đẹp nhất trong mắt Chúa Cha. Gần gũi với Chúa Giêsu và dưới áo choàng của Đức Maria, chúng ta được hiệp nhất về mặt tinh thần với tất cả anh chị em mà Chúa đã giao phó cho chúng ta, và với những người không thể ở đây, được thắp sáng bởi mong muốn rằng toàn thể thế giới có thể biết đến Tin Mừng và chia sẻ sức mạnh và ánh sáng của nó.
James hỏi làm thế nào chúng ta có thể truyền đạt sự nhiệt tình truyền giáo cho những người trẻ tuổi. Tôi không nghĩ rằng có "kỹ thuật" nào cho điều đó. Tuy nhiên, một cách đã được chứng minh là vun đắp và chia sẻ với họ niềm vui của chúng ta khi là Giáo hội (x. Bê-nê-đic-tô XVI, Bài giảng tại Thánh lễ khai mạc Hội nghị chung lần thứ năm của Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh và Caribe, Aparecida, ngày 13 tháng 5 năm 2007), một ngôi nhà chào đón được tạo nên từ những viên đá sống động, được Chúa chọn và quý giá, được Chúa đặt cạnh nhau và được gắn kết bằng tình yêu của Người (x. 1 Pr 2:4-5). Như kinh nghiệm của Grace về Thượng hội đồng nhắc nhở chúng ta, bằng cách tôn trọng và quý mến lẫn nhau và phục vụ lẫn nhau, chúng ta có thể cho mọi người chúng ta gặp gỡ thấy rằng việc cùng nhau theo Chúa Giêsu và công bố Tin Mừng của Người đẹp đẽ biết bao.
Vậy thì, vẻ đẹp của sự hiện diện không phải được trải nghiệm nhiều ở những sự kiện lớn lao và những khoảnh khắc thành công, mà là ở lòng trung thành và tình yêu mà chúng ta cố gắng cùng nhau phát triển mỗi ngày.
Bây giờ chúng ta đến với khía cạnh thứ ba và cuối cùng: hy vọng phát triển. Trong đền thờ này có một "bài giáo lý qua hình ảnh" thú vị kết hợp việc vượt qua Biển Đỏ và các nhân vật Áp-ra-ham, I-sa-ac và Mô-sê. Họ là các Tổ phụ đã sinh hoa trái qua đức tin, những người đã nhận được món quà nhiều con cháu vì họ đã tin (x. St 15:5; 26:3-5; Xh 32:7-14). Đây là một biểu tượng quan trọng, vì nó cũng khuyến khích chúng ta ngày nay tin tưởng vào sự sinh hoa trái của công việc tông đồ của mình, tiếp tục gieo những hạt giống nhỏ bé của điều tốt lành vào những luống đất của thế giới. Chúng có vẻ nhỏ bé, giống như một hạt cải, nhưng nếu chúng ta tin tưởng và không ngừng gieo rắc chúng, thì nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng sẽ nảy mầm, cho một mùa gặt bội thu (x. Mt 13:3-9) và sinh ra những cây có khả năng chào đón chim trời (x. Mc 4:30-32). Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng sự phát triển của những gì chúng ta gieo không phải là công trình của riêng chúng ta, mà là của Chúa (x. 1 Cr 3:7). Giáo hội Mẹ Thánh cũng dạy điều tương tự khi nhấn mạnh rằng ngay cả với những nỗ lực của riêng chúng ta, Thiên Chúa là Đấng “làm cho vương quốc của Người ngự đến trên trái đất” (Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, 42). Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục truyền giáo một cách kiên nhẫn, không để mình nản lòng trước những khó khăn hoặc hiểu lầm, ngay cả khi chúng phát sinh ở những nơi mà chúng ta đặc biệt không muốn gặp phải: chẳng hạn như trong gia đình, như chúng ta đã nghe.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Chúa vì Tin Mừng đã bén rễ và tiếp tục lan rộng ở Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. Hãy tiếp tục sứ mệnh của mình như những chứng nhân của lòng can đảm, vẻ đẹp và hy vọng! Và đừng quên phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Hãy luôn tiến về phía trước với phong cách này của Chúa! Tôi cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em đang làm, và tôi chúc lành cho tất cả anh chị em từ tận đáy lòng tôi. Và tôi xin anh chị em, làm ơn, đừng quên cầu nguyện cho tôi, vì tôi cần điều đó. Cảm ơn anh chị em!