Elise Ann Allen, của tạp chí Crux, ngày 15 tháng 2 năm 2024, cho rằng một sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Vatican và Israel đã trở nên trầm trọng hơn hôm thứ Tư, khi đại sứ Israel tại Tòa thánh phản ứng lại một viên chức hàng đầu của Vatican, người đã nói rằng cuộc tấn công quân sự đang diễn ra của Israel ở Gaza là không tương xứng.



Thực vậy, bên lề sự kiện ngày 13 tháng 2 kỷ niệm 95 năm Hiệp ước Lateran, bình thường hóa mối quan hệ giữa Tòa thánh và nước tân Cộng hòa Ý vào năm 1929, Quốc vụ khanh Vatican, Hồng Y người Ý Pietro Parolin, nói với các phóng viên rằng đã đến lúc Israel thay đổi chiến lược ở Gaza.

Đức Hồng Y Parolin cho biết những lời kêu gọi rộng rãi để Israel ngăn chặn cuộc tàn sát đã trở thành “tiếng nói chung, rằng nó không thể tiếp tục như thế này và phải tìm ra những con đường khác để giải quyết vấn đề Gaza, vấn đề Palestine”.

Ngài lặp lại “sự lên án gay gắt và không cần thêm bớt chi” của Vatican đối với cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10 của Hamas nhằm vào Israel và mọi hình thức bài Do Thái nhưng vẫn tiếp tục chỉ trích chính sách của Israel.

Ngài trích dẫn số liệu thống kê chưa được xác nhận do Bộ Y tế Gaza cung cấp: “Quyền tự vệ của Israel, vốn được viện dẫn để biện minh cho hoạt động này, phải tương xứng, và với 30,000 người chết thì chắc chắn là không tương xứng”.

Trong một tuyên bố ngày hôm sau, Đại sứ quán Israel tại Tòa thánh đã đáp lại nhận xét của Đức Hồng Y Parolin, gọi đó là “một tuyên bố đáng trách”.

Họ nói: “Việc đánh giá tính hợp pháp của một cuộc chiến mà không tính đến TẤT CẢ các tình huống và dữ liệu liên quan chắc chắn sẽ dẫn đến những kết luận sai lầm,” đồng thời lưu ý một số điểm mà họ cho rằng phải được xem xét.

Đại sứ quán cho biết Gaza đã bị Hamas biến “thành căn cứ khủng bố lớn nhất từng thấy. Hầu như không có cơ sở hạ tầng dân sự nào chưa được Hamas sử dụng cho các kế hoạch tội phạm của họ,” bao gồm bệnh viện, trường học và nơi thờ phượng, cùng những nơi khác.

Tuyên bố cho biết mục tiêu xây dựng một chiến dịch khủng bố chưa từng có của Hamas đã được “dân thường địa phương tích cực duy trì”, đồng thời cho biết chính dân thường đã tích cực tham gia vào cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 nhằm vào Israel, “giết người, hãm hiếp và bắt dân thường làm con tin”.

Đại sứ quán cho biết: “Tất cả những hành động này được xác định là tội ác chiến tranh”, đồng thời nhấn mạnh rằng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang tiến hành hoạt động quân sự trả đũa của riêng mình “hoàn toàn tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Để đạt được mục đích này, đại sứ quán đã so sánh số liệu thống kê từ cuộc chiến hiện tại ở Gaza với số liệu từ các cuộc xung đột khu vực do phương Tây lãnh đạo trước đây.

Trích dẫn thông tin có sẵn, đại sứ quán cho biết ở Gaza, cứ một chiến binh Hamas thiệt mạng thì có ba thường dân thiệt mạng.

“Tất cả các nạn nhân dân sự đều phải được thương tiếc, nhưng trong các cuộc chiến tranh và các hoạt động trước đây của lực lượng NATO hoặc của các lực lượng phương Tây ở Syria, Iraq hoặc Afghanistan, tỷ lệ là 9 hoặc 10 thường dân cho mỗi kẻ khủng bố. Do đó, tỷ lệ phần trăm nỗ lực của IDF nhằm tránh cái chết của dân thường cao hơn khoảng ba lần, bất chấp thực tế là chiến trường ở Gaza phức tạp hơn nhiều”, đại sứ quán cho biết.

Cân nhắc những điểm này, đại sứ quán nói rằng “bất cứ quan sát khách quan nào cũng không thể đưa ra kết luận rằng trách nhiệm về cái chết và sự tàn phá ở Gaza thuộc về Hamas và chỉ Hamas mà thôi”.

Họ nói: “Điều này bị lãng quên quá thường xuyên và quá dễ dàng”, đồng thời cho biết, việc Vatican “lên án vụ thảm sát diệt chủng ngày 7 tháng 10 và sau đó chỉ tay vào Israel để ám chỉ quyền hiện hữu và tự vệ của họ, như một nhiệm vụ đơn giản và không xem xét đến bức tranh toàn cảnh hơn là chưa đủ”

Cuộc tranh cãi về những nhận xét của Đức Hồng Y Parolin là bước ngoặt mới nhất trong mối quan hệ Công Giáo-Do Thái ngày càng rạn nứt kể từ khi chiến tranh Gaza nổ ra, với một loạt những bước đi sai lầm được cho là của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tòa thánh khiến cộng đồng Do Thái tức giận.

Chẳng hạn, cuối tuần qua, Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, 81 tuổi, và cựu chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa của Vatican, đã vô tình tạo nên làn sóng khi trích dẫn lời một nhạc sĩ nhạc rap người Ý chỉ trích các hành động của Israel ở Gaza.

Đức Hồng Y Ravasi, hôm Chúa nhật, đã theo dõi đêm chung kết của lễ hội âm nhạc thường niên Sanremo lớn nhất đất nước và đã viết trên mạng truyền thông xã hội X, trước đây gọi là Twitter, chứa lời bài hát của một nhạc sĩ nhạc rap người Ý gốc Tunisia tên là Ghali, người đứng thứ tư trong cuộc thi.

Sau khi kết thúc màn trình diễn của mình, Ghali đã sử dụng ánh đèn sân khấu để đưa ra một tuyên bố chính trị ngắn gọn nhưng bùng nổ, nói rằng: “Hãy chấm dứt nạn diệt chủng,” ám chỉ cuộc tấn công của Israel ở Gaza.

Nhận xét của Ghali đã gây ra phản ứng dữ dội ngay lập tức và mặc dù, qua bài đăng, ngài không có ý định đưa ra tuyên bố chính trị, Đức Hồng Y Ravasi cũng bị chỉ trích vì đã đưa ra lời cảm ơn công khai đối với bằng nhạc sĩ nhạc rap.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng liên tục bị chỉ trích vì cách xử lý cuộc chiến ở Gaza, gần đây nhất là nhà thần học cấp tiến nổi tiếng người Đức Gregor Maria Hoff, người đã viết một bài tiểu luận ngày 9 tháng 2 trên tạp chí uy tín Communio chỉ trích hành động của Đức Giáo Hoàng.

Hoff đặc biệt đặt vấn đề với bức thư ngày 3 tháng 2 của Đức Giáo Hoàng gửi người Do Thái ở Israel, nói rằng Đức Giáo Hoàng đã thất bại trong việc “gọi con bích là con bích”, phân biệt rõ ràng giữa chủ nghĩa khủng bố Hamas và quyền tự vệ của Israel.

Trong bức thư của mình, Đức Phanxicô đã cố gắng đưa một cành ô liu đến với cộng đồng Do Thái, lên án thái độ bài Do Thái và chống Do Thái giáo đã nảy sinh kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra vào năm ngoái.

“Con đường mà Giáo hội đã đi cùng với các bạn, những dân tộc cổ xưa của giao ước, bác bỏ mọi hình thức chống Do Thái giáo và chủ nghĩa bài Do Thái, lên án một cách dứt khoát những biểu hiện thù hận đối với người Do Thái và Do Thái giáo là một tội chống lại Thiên Chúa”, Đức Phanxicô nói.

Bức thư này được công bố sau khi có sự phản đối của nhiều nhà lãnh đạo Do Thái đối với điều mà họ cho là sự đánh đồng về mặt đạo đức đáng bối rối của Giáo hoàng đối với cuộc chiến ở Gaza, than thở về bạo lực ở tất cả các bên nhưng không xác định Hamas là kẻ xâm lược và Israel tham gia vào hoạt động tự vệ hợp pháp.

Nhiều nhà lãnh đạo Do Thái đã bị xúc phạm vào tháng 11 sau khi một phái đoàn Palestine đến thăm Vatican và báo cáo rằng Đức Phanxicô đã dùng từ “diệt chủng” để mô tả cuộc tấn công của Israel, một tuyên bố mà người phát ngôn của Vatican đã cố gắng bác bỏ nhưng không thành công.

Trong tiểu luận của mình, Hoff đã đặt câu hỏi về sự chân thành trong cam kết của Đức Phanxicô đối với “mối quan hệ đặc biệt” với Do Thái giáo, nói rằng nếu điều đó không có nghĩa là “lòng trung thành đáng tin cậy trong trường hợp khẩn cấp” thì đó chỉ là lời nói suông và điều mà người Do Thái thực sự muốn nghe từ Đức Giáo Hoàng rất đơn giản: “Ai tấn công người Do Thái, cũng tấn công chúng tôi!”

Như hiện tại, bức thư của Đức Thánh Cha đã thu hút rất ít phản ứng từ cộng đồng Do Thái và có thể khiến nhiều người không hài lòng. Những nhận xét của Đức Hồng Y Parolin và phản ứng ngay lập tức của Israel chỉ làm tăng thêm những gì đang trở thành một cuộc khủng hoảng mưng mủ mà Đức Giáo Hoàng và các phụ tá của ngài ngày càng khó bỏ qua.