1. Lời kêu gọi 'quyền tự do sinh sản' của Kamala Harris có nghĩa là khôi phục phán quyết Roe

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kamala Harris’ call for ‘reproductive freedom’ means restoring Roe”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Kamala Harris đã nhảy vào cuộc đua tổng thống với cam kết rộng rãi là “khôi phục quyền tự do sinh sản”. Chiến dịch tranh cử của Harris đã nêu rõ rằng bà ấy đang kêu gọi khôi phục phán quyết Roe chống Wade.

Trong khi nhiều nhóm ủng hộ quyền phá thai đang ủng hộ nỗ lực của bà vào Tòa Bạch Ốc, một số nhà hoạt động lại thất vọng với quan điểm của bà về vấn đề này và cảnh giác rằng bà ấy có kế hoạch tiếp tục tiến xa hơn so với Tổng thống Joe Biden.

Chiến dịch tranh cử của Harris nói với POLITICO rằng lập trường mà phó tổng thống đưa ra trong cuộc phỏng vấn vào tháng 9 năm ngoái với “Face the Nation” không thay đổi – đó là ủng hộ việc khôi phục phán quyết Roe, vốn bảo vệ việc phá thai cho đến tận tuần thứ 22 của thai kỳ.

“Tôi đang nói chính xác. Chúng ta cần đưa ra luật để bảo vệ các biện pháp được đề cập đến trong vụ Roe kiện Wade,” Harris nói trong cuộc phỏng vấn đó. “Và đó là việc quay trở lại vị trí trước khi có quyết định Dobbs.”

Các chi tiết được đưa ra khi Harris tìm kiếm chỗ đứng của mình với tư cách là một ứng cử viên tổng thống tách biệt với Tổng thống Biden. Các nhóm ủng hộ quyền phá thai ủng hộ chiến dịch của bà ấy và khẳng định rằng việc khôi phục phán quyết Roe luôn là nền tảng và trách nhiệm thuộc về các nhà hoạt động ủng hộ phá thai.

Mini Timmaraju, chủ tịch và Giám đốc điều hành của nhóm “Tự do Sinh sản cho Tất cả mọi người”, là người thường xuyên vận động cho và cùng với Harris, cho biết: “Sự nhiệt tình của phong trào ủng hộ quyền phá thai đối với Harris không phải do sự khác biệt về chính sách của bà ấy với Tổng thống Biden mà nhiều hơn về thực tế là bà ấy có lịch sử ủng hộ lâu dài hơn và bà ấy cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều với vấn đề này”.

Tổ chức của Timmaraju, EMILY's List và Planned Parenthood đã ủng hộ Harris làm tổng thống. Một liên minh bao gồm các nhóm này gần đây đã phát động một chiến dịch kéo dài nhiều năm trị giá 100 triệu Mỹ Kim để bảo vệ luật phá thai cấp liên bang.

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động vì quyền phá thai gọi quan điểm của Harris về việc khôi phục phán quyết Roe là “chưa đi đủ xa”. Họ cho rằng các biện pháp bảo vệ của Roe đã gây tổn hại cho bệnh nhân bằng cách cho phép các tiểu bang áp đặt các hạn chế như thời gian chờ đợi bắt buộc và các quy định liên quan đến phòng khám khiến nhiều phòng khám phải đóng cửa trong quá khứ.

Jenni Villavicencio, một bác sĩ sản phụ khoa và đồng sáng lập của Raven Lab for Reproduction Reducation, cho biết: “Chính phủ không có quyền đưa ra quyết định về sức khỏe và cơ thể của người mang thai. Chúng tôi sẽ mạnh mẽ nhất có thể để bảo đảm phong trào của chúng tôi thống nhất khi nói rằng chính sách mở rộng là điều duy nhất chúng tôi sẽ chấp nhận.”

Villavicencio, cùng với hàng chục nhóm bao gồm Sinh viên Y khoa phò Lựa chọn và Viện Sức khỏe Sinh sản Quốc gia, đang tán thành một loạt chính sách mà họ gọi là Công lý Phá thai trong đó đòi phải có các biện pháp bảo vệ sâu rộng của liên bang cho phá thai.

Các cuộc thăm dò cho thấy mặc dù có sự ủng hộ rộng rãi đối với việc tiếp cận phá thai nhưng hầu hết mọi người đều tin rằng cần phải có một số hạn chế. Một cuộc thăm dò của YouGov và The Times tuần trước cho thấy 31% cử tri cho rằng không nên hạn chế phá thai, trong khi 32% khác ủng hộ việc phá thai trong hầu hết các trường hợp với một số hạn chế và 30% tin rằng thủ tục này chỉ nên được phép trong những trường hợp đặc biệt.

Sự liên kết của Harris với chính sách phá thai khiến cựu tổng thống Donald Trump gọi bà là “người cực đoan tuyệt đối”. Tại một cuộc vận động tranh cử ở St. Cloud, Minnesota, hôm Chúa Nhật, Ông Trump cho biết Harris muốn phá thai “vào tháng thứ tám và thứ chín của thai kỳ, cho đến khi sinh và thậm chí cả sau khi sinh”

Ngược lại, bà Harris cáo buộc Ông Trump là mối nguy hiểm thực sự đối với quyền phá thai và thề sẽ ngăn ông áp đặt lệnh cấm phá thai trên toàn quốc.

Trong tuần đầu tiên với tư cách là ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ, Harris đã tập trung vào quyền phá thai tại một cuộc vận động tranh cử ở Milwaukee, bài phát biểu trước một hội nữ sinh ở Indianapolis và một buổi gây quỹ ở Massachusetts, nơi bà cảnh báo rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Ông Trump sẽ tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bà nhấn mạnh vai trò của cựu Tổng thống Trump trong việc bổ nhiệm ba thẩm phán Tòa án Tối cao, những người đã giúp lật đổ Roe. Harris nói rằng bà đưa quyền phá thai vào chủ đề vĩ mô chiến dịch tranh cử của bà là để bảo vệ nền dân chủ.

Harris nói tại sự kiện ở Massachusetts hôm thứ Bảy: “Chúng tôi, những người tin vào quyền tự do sinh sản, sẽ chấm dứt lệnh cấm phá thai cực đoan của Donald Trump vì chúng tôi tin tưởng phụ nữ sẽ đưa ra quyết định về cơ thể của chính họ và không để chính phủ yêu cầu họ phải làm gì”. “Nếu có những người dám giành quyền tự do đưa ra quyết định cơ bản như vậy đối với một cá nhân, về cơ thể của chính mình, thì những quyền tự do nào khác có thể được đặt ra?”

Hôm thứ Hai, khi Iowa trở thành tiểu bang thứ 18 cấm gần như tất cả các hoạt động phá thai, chiến dịch của Harris đã công bố tuần hành động “Đấu tranh cho Tự do Sinh sản” sẽ bao gồm hàng chục sự kiện trên khắp các bang chiến trường. Harris, trong một video phát hành hôm thứ Hai, đã chỉ trích luật Iowa là một “lệnh cấm phá thai khác của Trump”.


Source:Politico

2. Hiệp sĩ Thánh Mộ tại Áo giúp 645.000 Euro cho Thánh địa

Trong năm 2023, các Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem tại Áo đã tài trợ 645.000 Euro cho các dự án cứu trợ tại Thánh địa, như trường học, vườn trẻ, các tổ chức xã hội tại Israel, Giordani, và Palestine.

Phúc trình hoạt động năm 2023 của các Hiệp sĩ, công bố trong những này cũng cho biết Hội cũng tài trợ việc bảo trì các thánh đường, giúp đỡ các học sinh trong tình trạng tài chính khó khăn, cũng như con cái của các gia đình nghèo, đồng thời cộng tác với quỹ nhân đạo của Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem.

Ông Andreas Leiner, Trưởng Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ ở Áo, nói rằng: những trợ giúp trên đây, đứng trước chiến tranh ở Gaza và những khó khăn đi kèm, là điều rất thời sự. Ban lãnh đạo của Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ ở Roma đã kêu gọi mở chiến dịch nơi các hiệp sĩ hoàn cầu để có thể trợ giúp nhân đạo thích hợp.

Hằng năm, các hiệp sĩ Thánh Mộ ở Áo cũng mua các đồ thủ công bằng gỗ Oliu cũng như các nông phẩm như trái chà là hoặc dầu ôliu, rồi bán lại tại Áo. Việc làm này cũng có nghĩa là bảo đảm một lợi tức chắc chắn cho các nông dân và các nhà thủ công tại Thánh địa. Số tiền bán các đồ đó lại được Hội Hiệp sĩ dùng để tài trợ các dự án giúp Thánh địa.

Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem có từ thời Trung cổ, qua đó các tín hữu hành hương quí tộc được phong tại Thánh Mộ. Ngày nay, Hội là một pháp nhân độc lập theo giáo luật, gồm đa số là các giáo dân nhận sứ mạng hỗ trợ các tín hữu Kitô tại Thánh địa, thường là nạn nhân của những xung đột chính trị.

Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem đặc trách Giáo hội Latinh Israel, Palestine, Giordani, đảo Cipro, và duy trì 33 vườn trẻ, 44 trường học, với 20.000 học sinh, với khoảng 1.600 giáo viên. Các hiệp sĩ Thánh Mộ cũng tài trợ 95% chi phí của Tòa Thượng phụ.

Hội hiện có 30.000 Hiệp sĩ trên thế giới và vị Thủ lãnh hiệp hội từ 5 năm nay là Đức Hồng Y Fernando Filoni, nguyên là Tổng trưởng Bộ Truyền giáo. Tại Áo, có 531 Hiệp sĩ nam và nữ.

3. Bức tranh đằng sau tai tiếng Olympic: 5 đặc điểm tâm linh trong bức tranh ‘Bữa Tiệc Ly’ của Leonardo da Vinci

Với sự quan tâm lớn đến tác phẩm nghệ thuật, chúng ta nên xem xét lại chính xác bức tranh mô tả điều gì — và việc chiêm nghiệm bức tranh có thể giúp tất cả chúng ta phát triển lòng sùng kính Thánh Thể như thế nào. Sau đây là năm đặc điểm tâm linh quan trọng trong kiệt tác của da Vinci.

‘Bữa Tiệc Ly’ của Leonardo da Vinci được nhìn thấy trong phòng ăn của Tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan, Ý. (ảnh: ảnh năm 2017, posztos/Shutterstock

Jonathan Liedl, trên National Catholic Register, cho hay: Lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 đã gây sốc cho các Ki-tô hữu và những người khác trên khắp thế giới khi mô tả một phiên bản khiêu dâm của Việc Thiết Lập Bí tích Thánh Thể.

Đặc biệt, màn trình diễn bôi bác Bữa Tiệc Ly đáng lo ngại đã chiếm đoạt một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất về khoảnh khắc cao trào này trong lịch sử cứu rỗi: đó là kiệt tác thế kỷ 15 của Leonardo da Vinci, Bữa Tiệc Ly.

Trớ trêu thay, mặc dù có những lo ngại nghiêm trọng rằng buổi lễ là một ví dụ rõ ràng về sự báng bổ, nhưng nó có thể sẽ khơi dậy sự quan tâm mới đối với tác phẩm nghệ thuật thời Phục hưng — và bí tích mà nó mô tả. Các tìm kiếm trên Google về Bữa Tiệc Ly của da Vinci đã tăng vọt trong vài ngày qua.

Với quá nhiều sự quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật, chúng ta nên xem xét lại chính xác nó mô tả điều gì — và việc chiêm nghiệm nó có thể giúp tất cả chúng ta phát triển lòng sùng kính Thánh Thể như thế nào. Sau đây là năm đặc điểm có ý nghĩa về mặt tâm linh của Bữa Tiệc Ly của da Vinci.

1. Bức tranh mô tả khoảnh khắc gây sốc trong Bữa Tiệc Ly.

Bữa Tiệc Ly là một họa tiết phổ biến đối với các nghệ sĩ thời của da Vinci. Nhưng họa sĩ tài ba này đã quyết định tập trung vào một khoảnh khắc cụ thể với sự kịch tính của con người từ bữa ăn quan trọng: phản ứng của các tông đồ trước sự mặc khải gây sốc của Chúa Kitô rằng một trong số họ sẽ phản bội Người.

Khoảnh khắc này được nhắc đến trong cả bốn phiên bản Tin Mừng, và một số đoạn văn liên quan trở nên sống động trong bức tranh của da Vinci: “Và khi họ đang ngồi vào bàn và ăn, Chúa Giêsu nói, ‘Amen, Ta bảo các ngươi, một người trong các ngươi sẽ phản bội Ta, một người đang ăn cùng Ta.’ Họ bắt đầu buồn rầu và lần lượt hỏi Người, ‘Chắc chắn không phải là con chứ?’” (Mc 14:18-19); “‘Nhưng kìa, bàn tay của kẻ sẽ phản bội Ta đang ở cùng Ta trên bàn’” (Lc 22:21); “Các môn đệ nhìn nhau, không biết Người muốn ám chỉ ai” (Ga 13:22).

Giống như tất cả các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo vĩ đại, Bữa Tiệc Ly của da Vinci bắt đầu bằng những gì Chúa đã tiết lộ trong Kinh thánh và sử dụng cách diễn đạt nghệ thuật để giúp người xem chiêm nghiệm những điều bí ẩn được mô tả theo những cách mới mẻ và hiệu quả. Giữa lúc da Vinci đang thực hiện bức tranh, người bạn và tu sĩ dòng Phanxicô Luca Pacioli của ông gọi bức tranh là “biểu tượng cho khát vọng cháy bỏng của con người về sự cứu rỗi”.

2. Chúa Kitô là trọng tâm – về mặt tâm linh và nghệ thuật.

Mặc dù bức tranh mô tả những phản ứng khác nhau của các tông đồ trước lời tuyên bố của Chúa Kitô, nhưng chúng không phải là điểm nhấn; không có gì ngạc nhiên khi đối với một bức tranh về Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu là trọng tâm. Da Vinci đã nỗ lực hết sức để thu hút ánh mắt của người xem vào Chúa Kitô, người có biểu cảm thanh thản trái ngược hoàn toàn với sự hỗn loạn và náo động của các tông đồ xung quanh.

Họa sĩ người Ý đã đạt được sự tập trung này thông qua việc sử dụng “phối cảnh một điểm”. Má phải của Chúa Kitô, hơi nghiêng sang một bên, nằm ở “điểm biến mất” đối với tất cả các đường phối cảnh, trước tiên thu hút mọi ánh mắt vào giữa bức tranh, nơi Chúa Giêsu ngồi trên phông nền sáng của một cửa sổ mở. Để giúp ông giữ được điểm nhấn duy nhất, da Vinci đã đóng một chiếc đinh vào giữa tấm vải bạt nơi đầu Chúa Giêsu được vẽ và xâu chỉ theo các hướng khác nhau để duy trì cùng một phối cảnh trong suốt bức tranh. Trong khi Chúa Giêsu không được mô tả với vầng hào quang, mà một số người cho rằng da Vinci đã phủ nhận thần tính của Người, Chúa được vẽ mặc những màu truyền thống là xanh lam và đỏ, biểu thị cả bản chất con người và thần thánh của Người.

Chúa Kitô ở giữa, nhưng ngược lại, khuôn mặt hướng xuống của Người dẫn dắt ánh mắt của người xem xuống cánh tay trái của Người đến bàn tay trái, hướng về thứ dường như là một miếng bánh mì: Bí tích Thánh Thể. Ý nghĩa tâm linh có vẻ rõ ràng: Giữa những thử thách và đau khổ của cuộc sống, chúng ta nên tập trung vào Chúa Kitô, người hiện diện với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.

3.Phản ứng của các tông đồ cho chúng ta biết họ là ai.

Mặc dù Chúa Giêsu là trọng tâm, da Vinci không bỏ qua bất cứ chi tiết nào khi mô tả những phản ứng kịch tính của các tông đồ, bao gồm sợ hãi, nghi ngờ và tức giận. Nghệ sĩ đã viết rằng mục đích của ông là để tiết lộ những “chuyển động của tâm hồn” khác nhau của các tông đồ tại thời điểm định mệnh này. Mười Hai Vị có thể được nhận dạng bằng những hành động khác nhau của họ (mặc dù một bản sao thế kỷ 16 có ghi tên của họ cũng hữu ích), minh họa cho những gì các tác giả Tin Mừng mô tả trong Kinh thánh. Sau đây là một số:

• Thánh Gioan: Ngay bên trái Chúa Giêsu (theo góc nhìn của người xem), “vị tông đồ được yêu mến” đang “ngả mình bên cạnh Chúa Giêsu” (Ga 13:23). Tuy nhiên, chúng ta thấy ngài nghiêng người ra xa khỏi Giêsu, hướng về phía Thánh Phê-rô, người mà chúng ta biết “gật đầu với ngài để tìm hiểu xem [Chúa Giêsu] ám chỉ ai” sẽ phản bội Người.

• Thánh Phê-rô: Da Vinci đưa vào một chi tiết quan trọng khác về Thánh Phê-rô, người có đầu thứ hai từ Chúa Giêsu về bên trái: Vị tông đồ đang cầm một con dao. Điều này báo trước những gì Thánh Phê-rô sẽ làm ngay sau khi bữa ăn kết thúc, khi Chúa Giêsu bị bắt trong Vườn Diêt si ma ni, và Thánh Phê-rô rút lưỡi dao ra và cắt đứt tai của người hầu của vị tư tế tối cao.

• Giu-đa Iscariot: Không giống như một số mô tả khác về Bữa Tiệc Ly, trong đó Giu-đa ở rìa bàn, da Vinci đưa kẻ phản bội (người có đầu thứ ba từ Chúa Giêsu bên trái) vào giữa hành động và mô tả sự lừa dối của mình theo cách tượng trưng hơn: Giu-đa đang ngả người vào bóng tối, khuôn mặt bị che khuất. Ngoài ra, hắn được nhìn thấy đang với tay lấy cùng một chiếc bình nhỏ như Chúa Giêsu, người đã nói “kẻ đã nhúng tay vào cùng một đĩa với Ta chính là kẻ sẽ phản bội Ta” (Mt 26:23).

Giuđa cũng đang cầm một túi tiền, có thể ám chỉ đến 30 đồng bạc mà hắn được trả để phản bội Chúa Kitô. Và hắn đang làm đổ một chiếc chén muối nhỏ, một hình ảnh mô tả câu chuyện về nguồn gốc của mê tín phổ biến rằng việc làm đổ muối sẽ mang lại vận rủi.

• Thánh Tôma: Có lẽ như một điềm báo trước về sự nghi ngờ của ngài khi tiếp nhận Chúa Kitô phục sinh, Thánh Tôma (người có đầu ngay bên phải Chúa Giêsu) đã giơ ngón tay lên trời, như thể đang đặt câu hỏi làm thế nào mà Chúa có thể tiết lộ sự phản bội Người.

• Thánh Phillip: Đứng thứ ba bên phải Chúa Giêsu, Thánh Phillip luôn tò mò đang cầu xin Chúa Giêsu giải thích. Chúng ta gần như có thể thấy những lời được cho là của các tông đồ trong Kinh thánh trong khoảnh khắc gây sốc này được vẽ trên môi ông: “Chắc chắn không phải là con chứ?” (Mc 14:19).

4. Có thể nhận ra chủ đề về Chúa Ba Ngôi.

Tất nhiên, Da Vinci không chỉ là một họa sĩ. Trong số nhiều thứ khác, ông cũng là một nhà toán học lỗi lạc và các con số đóng vai trò lớn trong Bữa Tiệc Ly.

Đặc biệt, số 3 nổi bật. Các tông đồ ngồi thành nhóm ba người, có ba cửa sổ phía sau bàn và hình bóng của Chúa Kitô trông gần giống như một hình tam giác. Sự tham chiếu ở đây có thể là về Chúa Ba Ngôi, trong đó Chúa Kitô là Ngôi Hai. Số ba cũng có thể tượng trưng cho thần tính, thiên đường và sự trọn vẹn, vì ba đường là số tối thiểu cần thiết để vẽ một hình dạng khép kín, một hình tam giác.

5. Bức tranh trang trí một nơi cầu nguyện và cộng đồng.

Da Vinci đã vẽ kiệt tác của mình trực tiếp lên tường của một phòng ăn trong Tu viện Santa Maria della Grazie (“Đức Mẹ Maria của Ân sủng”) ở Milan, từ năm 1495 đến năm 1498. Căn phòng là nơi các tu sĩ dòng Đa Minh dùng bữa. Được vẽ hình Chúa Giêsu và các tông đồ của Người ở một bên bàn, những người ăn xin bên dưới được mời ngắm nhìn bức tranh có kích thước 15 x 29 feet trong bữa ăn im lặng của họ và tưởng tượng “bản thân” đang ngồi ở phía bên kia của bàn.

Chúng ta được mời làm như vậy ngày hôm nay. Du khách chắc chắn có thể nhìn thấy Bữa Tiệc Ly, được phục chế vào năm 1998, trong tu viện Ý nơi nó vẫn còn. Tuy nhiên, các bản sao của tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng, hoặc ít nhất là các biến thể về chủ đề, rất phổ biến trong các phòng ăn và phòng ăn Công Giáo trên khắp thế giới.

Lễ khai mạc của Olympia có thể đã cố gắng chế giễu Bữa Tiệc Ly, như được thể hiện trong tác phẩm của da Vinci. Nhưng có lẽ những gì đã xảy ra ở Paris sẽ làm hồi sinh sự quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật mạnh mẽ này — và đến cảnh Thánh Thể mà nó mô tả một cách ấn tượng như vậy.