Camille Dalmas, trên Aleteia, ngày 2/9/2024, nhìn lại một số chuyến đi đáng nhớ nhất của các giáo hoàng, bắt đầu bằng chuyến đi của vị giáo hoàng đầu tiên trong thời hiện đại, Đức Phaolô VI.
Trung Quốc, với hàng triệu người Công Giáo, là quốc gia đứng đầu trong danh sách các quốc gia mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô hy vọng sẽ đến thăm một ngày nào đó. Là người đứng đầu bộ phận ngoại giao của giáo hoàng, Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin gần đây đã nói rằng nếu chính phủ Trung Quốc "cởi mở", Giáo hoàng sẽ đến đó "ngay lập tức". Nhưng hiện tại, và mặc dù Bắc Kinh và Rome đã có sự xích lại gần nhau đáng kể vào năm 2018 với việc ký kết một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục, một chuyến đi như vậy vẫn có vẻ còn quá sớm.
Tuy nhiên, nếu một ngày nào đó, Đức Phanxicô hoặc một trong những người kế nhiệm ngài thành công trong việc phá vỡ bức tường ngoại giao và tư tưởng lớn ngăn cản mọi chuyến thăm của giáo hoàng đến Trung Quốc, thì ngài vẫn sẽ không phải là giáo hoàng đầu tiên đến thăm Trung Quốc. Thật vậy, người tiên phong ở Trung Quốc là Giáo hoàng Phaolô VI, người đã dừng chân tại Hồng Kông trong hơn ba giờ vào ngày 4 tháng 12 năm 1970.
Một hòn đảo có một chân ở hai thế giới
Tất nhiên, "Cảng Thơm" khi đó là một thuộc địa dưới sự bảo vệ của Nữ hoàng Elizabeth II, và vẫn như vậy cho đến khi được bàn giao vào ngày 1 tháng 7 năm 1997. Vương quốc Anh đã chiếm đóng hòn đảo chiến lược Hồng Kông, nơi mà họ đã giành được từ triều đại nhà Thanh vào cuối Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất vô cùng nhục nhã (1839-1842). Và thực sự là chính quyền địa phương, đáng chú ý là thư ký thuộc địa của Hồng Kông, Ngài Hugh Norman-Walker, đã chào đón giáo hoàng. Tuy nhiên, diễn biến của chuyến thăm cho thấy rằng thực ra ngài đến để gặp người dân Trung Quốc.
Máy bay của giáo hoàng đã bay qua Iran, Pakistan, Philippines, Samoa, Úc, Indonesia và Papua New Guinea trong chuyến đi quốc tế dài nhất và cuối cùng của Đức Phaolô VI. Nó đã hạ cánh khó khăn tại sân bay Kai Tak cũ vào giữa buổi chiều. Sau đó, Đức Giáo Hoàng lên trực thăng, hạ cánh giữa sân vận động Happy Valley, sau đó ngài được diễu hành trên xe jeep, cùng với Đức Giám Mục Francis Hsu, giám mục người Hoa đầu tiên của Hồng Kông, người mà Đức Phaolô VI đã bổ nhiệm một năm trước đó.
“Tất cả mọi người đều là anh em”
Trong một Thánh lễ có sự tham dự của khoảng 40,000 người tại trường đua ngựa nổi tiếng, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ rõ ràng mục đích chuyến thăm của mình.
"Chúng tôi rất vui mừng được nhân cơ hội của chuyến tông du [...] để đến thăm, dù bằng cách nào, giáo phận Trung Quốc lớn nhất thế giới." Bài giảng của ngài tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Giáo hội, có sứ mệnh là "yêu thương". Ngài nói thêm, "Trong khi chúng ta nói những lời giản dị và cao cả này, chúng ta có xung quanh mình — chúng ta gần như cảm nhận được điều đó — tất cả người dân Trung Quốc ở bất cứ nơi nào họ có thể ở."
Cuối cùng, ngài kết luận bằng cách giải thích rằng nếu một giáo hoàng "đến vùng đất xa xôi này, lần đầu tiên trong lịch sử", thì đó là vì "Chúa Kitô là một người thầy, một người chăn chiên, một đấng cứu chuộc yêu thương cho cả Trung Quốc nữa."
“Hạnh phúc như tia nắng”
Vừa mới cử hành Thánh lễ, Giáo hoàng đã lên đường đến Sri Lanka, điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình của mình. Trên đường băng tại Kai Tak, ngài đã có bài phát biểu rất ngắn trong đó ngài nói rằng Hồng Kông "rất xa về khoảng cách, nhưng rất gần về tinh thần". Khi nói rằng mình "hạnh phúc như tia nắng" (một bình luận bằng tiếng Ý bị thiếu trong bản dịch tiếng Anh chính thức), ngài đã trích dẫn một câu châm ngôn của túi khôn Trung Quốc: "Tất cả mọi người đều là anh em" — và do đó, khi nhìn lại, quả ngài đã dự ứng thông điệp Fratelli tutti (2020) của Đức Phanxicô. Đối với người Trung Quốc, câu nói này thúc đẩy sự phát triển dựa trên công lý, thịnh vượng và hòa bình.
Hoàn toàn trái ngược với những gì người dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dường như đang trải qua chỉ cách đó vài dặm. Từ năm 1966, đất nước này đã ở giữa "Cách mạng Văn hóa", cuộc tiếp quản về mặt tư tưởng của Mao Trạch Đông đối với chế độ đã dẫn đến hàng triệu cái chết.
Đức Phaolô VI không bao giờ đề cập trực tiếp đến chế độ này, nhưng tờ South China Morning Post đã đưa tin đầy cảm xúc về những lời Đức Giáo Hoàng nói bằng tiếng Quảng Đông ở cuối bài phát biểu của mình: "T'in Chue Po Yau," có nghĩa là "Xin Chúa ban phước cho tất cả mọi người anh chị em!”