*Tiếng Khóc Nhân Sinh - Dòng Lệ Tâm Hồn*

- Nước mắt là sự đau khổ cùng cực của trái tim.
 - Sao bông phượng nở trong màu huyết,
  Nhỏ xuống lòng tôi những hạt châu.
(Hàn Mặc Tử)
  
* Ý nghĩa & Phân loại
 
Khóc là trạng thái chảy nước mắt tùy thuộc theo một cảm xúc nào đó,đa số là buồn nhưng cũng có thể là vui. Hành động khóc được định nghĩa là một hiện tượng vận tiết (secretomotor) phức tạp được biểu thị bởi việc chảy nước mắt từ bộ máy tiết lệ (lacrimal apparatus), mà không có dị ứng nào ở cấu trúc mắt.
       
Khóc có 2 kiểu:
        - Khóc thật nhiều rồi thôi.
        - Khóc thầm trong lòng và nỗi buồn kéo dài.
 
     Khóc cũng là hành động rơi nước mắt. Theo nghĩa bóng, khóc cũng    có nghĩa là hối tiếc, cảm thấy sâu sắc và thậm chí phàn nàn cay đắng hoặc đau lòng, và gây ra sự thương hại đặc biệt cho một cái gì đó.
 
Khóc có nhiều loại: khóc rên rỉ, khóc om sòm, khóc ai oán, khóc nức nở, khóc thút thít, khóc sụt sùi, khóc nhè, khóc gào, khóc than…
 
Bàn về trạng thái Khóc thật là đa  dạng bao trùm trên nhiều lãnh vực từ văn chương, khoa học, phong tục…và cả tôn giáo.
 
     * Danh ngôn
- Đừng khóc về những chuyện đã qua,
Hãy cười lên tất cả chuyên đã qua rồi.   
TS Suess
 
 - Đối xử với vợ chồng có nhiều điều làm khác nhau,làm đau buồn, có thể che dối nhau, nhưng tuyệt đối không được lừa dối nhau.
Khuyết danh
 
- Tôi thích đi dưới mưa để không ai thấy tôi đang khóc.
Charlie Chaplin
 
- Nếu bạn khóc vì mặt trời đã rời khỏi đời bạn, nước mắt sẽ ngăn bạn thấy được những vì sao.
Rabindranath Tagore
 
- Người bận rộn chẳng còn thời gian để khóc.
Lord Byron
 
- Tôi sẽ không nói, đừng khóc, bởi không phải giọt nước mắt nào cũng xấu.
Tolkien
 
- Nước mắt là ngôn ngữ câm lặng của đau buồn.
Voltaire
 
- Có vô số người khiến bạn cười- Có vài người khiến bạn khóc.
Nhưng rất ít người có thể làm bạn cười mà trong khóe mắt có những giọt lệ nhỏ xuống.
Khuyết danh
  
+ Qua ca dao tục ngữ
 
- Mấy lời than của anh nghe sao mà thiết yếu
Nước mắt em riu ríu tuôn ra
Anh ơi, không nhớ thuở xưa kia anh Vân Tiên mắc nạn, 
chị Nguyệt Nga đợi chờ
 
·        - Khóc hổ ngươi cười ra nước mắt
Vuốt mặt kêu trời, trời ắt có hay
Chẳng qua duyên số ông trời đày
Đêm đêm trách gió, ngày ngày hờn mưa. 
 
·        -Nhớ nhau lụy ứa hai hàng
Thương nhau luống những đoạn tràng thiết tha
 
·        - Người về em vẫn khóc thầm
Ðôi bên vạt áo ướt dầm như mưa
Người về em vẫn trông theo
Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi
Người về em dặn tái hồi:
Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai!
 
·        - Phù sa nước đục khó dòm
Nhớ anh em khóc đỏ lòm con ngươi
  
- Con tôi buồn ngủ buồn nghê
Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà
Nhà còn có một quả cà
Làm sao đủ miếng cơm và hơn không.

 - Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gội đưa chồng tiếng khóc nỉ non,
Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trẩy nước non Cao bằng.
 
- Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dứa vai mang súng dài.
Một vai thi khóa hỏa mai,
Một vai khoác giáo quan sai xuống thuyền,
Tùng tùng trống đánh nguc liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
 
* Qua thơ văn:
 
Trong thơ văn Đông Tây kim cổ đã ghi lại biết bao thiên tình sử đong đầy nước mắt- Với khuôn khổ hạn hẹp chỉ xin giới thiệíu những dòng thơ trong một số tác phẩm tiêu biểu:
 
- Trước hết giới thiệu Đại Thi Hào Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Ngay phần đầu truyện, nàng Kiều đã bị ám ảnh trước cái chết ‘Hồng nhan bạc mệnh’ và đeo đuổi nàng suốt 15 lưu lạc âm thầm khóc thương Đạm Tiên chính là khóc cho số phận minh.
 
- Khóc than khôn siết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là minh với ta.
 
Đến nỗi cô em Thúy Vân phải phiền trách:
 
- Vân rằng: “Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.” 
         
- Nguyễn Du còn âm thầm nhỏ lệ qua “Độc tiểu thanh ký”
 
          - Bản dịch của Vũ Tam Tài
 
Hồ  Tây cảnh đẹp hoá gò  hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
 
* Bà Đoàn thị Điểm- Chinh Phụ ngâm:
Sống vào thời vương đế độc tài chuyên quyền, quan lại nhũng loạn, dân tinh cực khổ, nên bà đã gửi tâm sự mình qua tiếng khóc cô đơn của người chinh phụ lo lắng cho chồng đang chinh chiến ngoài biên ải, quên cả bản thân:
 
- Biếng trang điểm lòng người sầu tủi,
Xót xa chàng ngoài cõi trùng quan,
Khác gì ả Chức chị Hằng,
Bến Ngân sùi sụt, cung trăng chốc mòng.
 
Và hy vọng ngày đoàn tụ chia sẻ những năm tháng đã âm thầm rơi lệ chờ mong:
 
- Mở khăn lệ chàng trông từng tấm.
Đọc thơ sầu chàng thấm từng câu,
Câu vui đổi với câu sầu,
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.
 
* Nguyễn Gia Thiều- Cung Oán Ngâm Khúc.
Dưới chế độ quân chủ xưa kia, vua độc quyền chuyên chế, nắm giữ sinh sát.  Hàng ngàn cung tần mỹ nữ mua vui phục vụ thân xác.
 
Khi đã chán chường kẻ xấu số bị giam vào lãnh cung chỉ còn biết than cho số phận và oán trách cả trời xanh:
 
- Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra,
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,      
Ai bày trò bãi bể nương dâu.
 
- Và muốn quên nỗi sầu tủi nhờ cung nhạc lời ca cũng đành vô vọng:
 
Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ,      
Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn,
Muốn đem ca tiếu giải phiền,
Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu.
 
+ Rồi còn biết bao thiên tình sử ghi lại trong nhân gian,từ lớp người bình dân đến kiều nữ vương tôn:
 
- Hòn vọng phu,  thiếu phụ bồng con đứng trên núi chờ chồng năm tháng quá lâu biến thành tượng đá.
 
- Thiếu phụ Nam Xương,  dùng bóng mình in trên vách tường hàng đêm dậy con nhớ đến cha. Khi chồng trở về hiểu lầm vợ ngoại tình nên nàng đã gieo mình xuống sông để minh oan. Khi vua Lê Thái Tôn tuần du qua đó, nghe câu chuyện cảm động, vua đã ứng khẩu bài thơ viếng miếu thờ nàng:
 
Nghi ngút đầu gềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương,
Ngọn đèn dầu nhắn đừng nghe trẻ,
Dòng nước chi cho lụy đến nàng,      
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyết,
Giải oan tuy mượn đến đàn tràng,
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng !
 
- Trương Chi Mỵ Nương,  mối tình tan vỡ vì không ‘môn đăng hộ đối’ và chàng tuy xấu nhưng tiếng hát thật hay. Chàng đã quyên sinh để quên đi mối tình oan trái, hồn chàng nhập vào cây bạch đằng, thợ đẽo thành chén trà quan mua về cùng tiểu thư trà đàm, bỗng bóng chàng hiện lên khiến nàng thương cảm lệ rơi làm tan chén trà:
 
Chén không có nước thì thôi,
Hễ chén có nước thây người hò khoan,
Mỹ Nương sực nhớ đến chàng,
Rơi hai dòng lệ là tan mối tình !
 
- Trọng Thủy- Mỵ Châu:
Thiên tình sử xảy ra sau khi An Dương vương nước Âu Lạc được thần Kim Qui ban móng thần để giữ nước. Nhưng Triệu Đà vua  phía Nam biết được liền cho con trai Trọng Thủy sang ở gửi rể, rồi âm mưu chiếm lấy móng thần.
 
Triệu Đà đem quân sang đánh Âu Lạc, An Dương vương thua trận cùng con gái là Mỵ Nương lên ngựa chạy, ra tới biển thần Kim Qui hiện lên bảo ‘Giặc phía sau’
 
Vua hiểu rút gươm giết con gái.
Sau đó Trọng Thủy nhớ lại lời dặn trước kía của vợ cứ theo vết lông ngỗng mà tìm, vì mỗi chiếc lông rơi xuống là một giọt lệ rơi theo. Nên có thơ rằng:
 
Tấm áo lông ngỗng em mang,
Cánh lông theo gió làm tan nát lòng,
Đôi ta duyên kiếp đã xong,
Đó là định phận đừng trông mong gì.
 
- Huyền Trân công chúa:
Huyền Trân công chúa là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam. Bà là con gái của Trần Nhân Tông, em gái của Trần Anh Tông.
 
Bằng cuộc hôn nhân của mình với vua Chiêm là Chế Mân (năm 1306), bà đã đem về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên - Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay).
 
Một năm sau, Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa được Trần Anh Tông (anh trai) sai Trần Khắc Chung cướp về.
 
Chế Mân (hay Jaya Simhavarman III), là vị vua thứ 34 của vương quốc Chiêm Thành. Ông là một vị vua hùng tài đại lược của xứ Chiêm. Khi còn là thái tử, đã đứng đầu quân đội Chiêm chống lại sự xâm lăng của Mông Cổ vào năm 1282, và được coi như là anh hùng dân tộc. Trị vì từ năm 1288 đến năm 1307, Chế Mân được đánh giá là một trong những vị vua giỏi nhất của lịch sử Chiêm Thành, với ngoại giao là hòa hiếu với các nước láng giềng thông qua các cuộc hôn nhân chính trị.
 
Năm 1306, vua Chế Mân dâng hai châu Ô và châu Lý cho Đại Việt làm của hồi môn.
 
Nhiều người đã tiếc thương công chúa cành vàng lá ngọc nên có câu than biến thành như ca dao:
 
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thăng Mán thằng Mường nó leo !
 
Nhưng lại có nhiều người nói đến công lao hy sinh của Huyền Trân công chúa mở rộng cõi bờ Nước Việt:
 
Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm,
Một gái thuyền quyên đáng mấy mươi.
 
* Ngọc Hân công chúa.
Lê Ngọc Hân, 1770 – 1799), còn gọi Công chúa Ngọc Hân hay Bắc cung Hoàng hậu, là một nhân vật lịch sử nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời thế kỷ 18. Bà là công chúa nhà Hậu Lê, sau trở thành Thứ hậu nhà Tây Sơn với tư cách là vợ thứ của Quang Trung hoàng đế Nguyễn Huệ – một nhân vật quân sự nổi tiếng.
 
Cuộc đời bà thường được thêu dệt nên thành giai thoại cuộc tình đẹp đẽ giữa bà với Nguyễn Huệ, vì bà là công chúa một triều đại lớn suy thoái, lại kết hôn với người đứng đầu Tây Sơn khi ấy đang đe dọa nền chính trị của nhà Hậu Lê. Dân gian còn lưu truyền tên gọi bà là Bà Chúa Tiên khi bà ở Phú Xuân vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên.
 
Khi vua Quang Trung băng hà, bà có làm bài  Ai Tư Vấn tế vua Quang Trung, xin trích đoạn đầu:
 
Gió hiu hắt, phòng tiêu lạnh lẽo,
Trước thềm lan hoa héo ron ron!
Cầu Tiên khói toả đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu!
Nỗi lai lịch dễ hầu than thở,
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao,
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!

………………..
 
* TIẾNG KHÓC TRONG THÁNH KINH*
                                                                                                                                     
- Giờ đây cùng Giáo Hội  sám hối
Xin lượng từ bi ghé mắt nhìn,
Ðấm ngực cúi đầu, than khóc tội
Ngài thương giải cứu, đỡ nâng lên.
  
- Phúc cho những ai khóc lóc,   sẽ được an ủi.  (Tám mối Phúc Thật)
 
- Sau khi Phê-rô chối Chúa 3 lần, Chúa đã quay mặt nhìn Phê-rô, ông đã ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
 
- Trên đường lên núi Sọ Chúa dừng lại an ủi các phụ nữ đi theo khóc lóc.
 
- Thánh Vịnh 29: 2-3
 Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ.
- Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.
 
 + Chúa khóc thương thành Giêrusalem
  Phúc âm: Lc.19: 41- 44
Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”
 
 
+ Chúa khóc Ladarô.
  Phúc Âm:  Ga.11: 32- 45
 
32Khi đến gần Đức Giêsu, cô Maria vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. 33Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. 34Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. 35Đức Giêsu liền khóc. 36Người Do-thái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!” 37Có vài người trong nhóm họ nói: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?” 38Đức Giêsu lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. 39Đức Giêsu nói: “Đem phiến đá này đi”. Cô Mátta là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. 40Đức Giêsu bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” 41Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giêsu ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. 42Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con” 43Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” 44Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”.
 
45Trong số những người Do-thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.
 
 * Tiên tri than khóc.
Đại tiên tri tiếp theo trong Cựu ước là Giêrêmi. Ông được mệnh danh là “tiên tri than khóc” bởi vì ông từng than khóc nhiều lần. Vì thế, lời tiên tri của Giêrêmi thật sự là “những lời than khóc”. Sách của ông hầu như không thể lập được dàn ý, vì người ta không thể khóc theo dàn ý được. Sau khi khóc trong năm mươi hai chương, Giêrêmi đã viết một bài thơ đáng ngạc nhiên, đó là phụ lục cho các lời tiên tri cua  ông,  được  gọi  la  sách  Ca  thương,  co  nghĩa  la  ”than  khóc”.  Qua khúc bi thương tuyệt diệu và cũng là một kiệt tác văn chương nầy, Giêrêmi đã than khóc rất nhiều.
  
* Ác vương Hêrôđê
 PHÚC ÂM:  Mt 2, 13-18
 
“Hêrôđê giết hết các con trẻ ở Bêlem”.
 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
 
Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.
 
Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
 
 
* Agar nữ tì của Abraham bị đuổi đi.
 
    Thánh Kinh (St.16: 3- 16)
Sáng sớm, Abraham chỗi dậy,lấy bánh mì và bầu nước, đặt lên vai người nữ tì, trao con trẻ cho nàng rồi bảo nàng đi.
 Sau khi ra đi, nàng đến rừng Bersabê.
 Và khi đã uống hết bầu nước, nàng bỏ con trẻ dưới gốc cây trong rừng.
 Nàng ra ngồi cách xa đó khoảng tầm một tên bắn.
 Vì nàng nói: “Tôi chẳng nỡ thấy con tôi chết”, và nàng ngồi đó, thì bên trong đứa bé cất tiếng khóc.
 Chúa đã nghe tiếng khóc của đứa trẻ, và thiên thần Chúa từ trời gọi Agar mà rằng: “Agar, ngươi làm gì thế? Ngươi đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nghe tiếng đứa trẻ khóc từ chỗ nó đang nằm kia.
 
Ngươi hãy chỗi dậy, ẵm con đi, và giữ chặt tay nó, vì Ta sẽ cho nó trở thành một dân tộc vĩ đại”.
 
Và Thiên Chúa mở mắt cho Agar, nàng thấy một giếng nước và đến múc đầy bầu nước cho đứa trẻ uống.
 
Chúa phù trợ đứa trẻ; nó lớn lên, cư ngụ trong rừng vắng, và trở thành người có tài bắn cung tên.
 
* Dòng lệ nguyện cầu.
 
Sống trong tu viện, Vêrônica hoan lạc như con nai tìm thấy suối nước. Ngài thánh hoá đời sống hằng ngày bằng nhiều cách. Nhưng phương pháp sở trường
 
nhất là suy niệm sự thương khó của Chúa. Mà vì suốt ngày tâm trí hằng triền miên trong việc suy niệm sốt sắng, nên lòng ngài hằng thao thức đến nỗi đôi mắt lúc nào cũng đẫm lệ. Có nhiều lần, vì vâng lời bà mẹ, Vêrônica cố hãm mình bớt khóc thì liền ngã bệnh nặng. Đó phải chăng là ơn riêng Chúa ban cho thánh nữ! Mà thực, có một ngày Chúa đã hiện ra với ngài trong giờ nguyện ngắm và nói: “Ái nữ của Cha, Cha rất hài lòng thấy nước mắt của con trào ra vì từng suy niệm sự đau thương của Cha. Nhưng Cha thích hơn, nếu con biết hoà lệ hương mến của con vào tình yêu bao la của Mẹ Cha!”. Từ đó thánh nữ hằng chuyên tâm suy niệm với Đức Mẹ và càng khóc nhiều hơn. Theo lời chị Thađê (Thadée) một bạn tâm sự của thánh nữ thì có nhiều lần Vêrônica khóc nhiều quá, đến nỗi quần áo ướt đầm đìa.
 
 
*Nhà thờ Chúa khóc
 
Nguyễn Tri Khoan chuyển Việt ngữ
*

 
Ở Giêrusalem, trên Núi Olives, có một nhà thờ được xây dựng tại nơi Chúa Giêsu đã khóc khi tiến vào thành.
 
Gần các bức tường của Thành Giêrusalem Cổ, trên đỉnh Núi Olives, có một Nhà thờ Công Giáo khá mới, được xây dựng vào giữa những năm 50 bởi kiến trúc sư người Ý Antonio Barluzzi. Đó là nhà thờ Dominus Flevit, tiếng Latinh có nghĩa là “Chúa khóc.”
 
Theo truyền thống và Phúc âm Thánh Luca (Lc 19:41-44), đây là nơi Chúa Giêsu, khi đang đi về hướng thành Giêrusalem vào Chúa nhật Lễ Lá, xúc động trước vẻ đẹp của Đền thờ và đã khóc khi tiên đoán về sự phá hủy sắp xảy ra:
“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”
 
Lời Chúa Giêsu đã được ứng nghiệm vào năm 70 của thế kỷ thứ nhất dưới bàn tay của người La Mã trong cuộc chiến tranh Do Thái-La Mã lần thứ nhất. Địa điểm Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem không được đánh dấu cho mãi đến kỷ nguyên Thập tự chinh, khi một nhà nguyện nhỏ đầu tiên được xây dựng. Sau khi người Hồi giáo chiếm được Giêrusalem vào năm 1187, nhà thờ – cũng như nhiều địa điểm Kitô giáo – đã bị bỏ hoang và rơi vào cảnh đổ nát. Trong thời kỳ cai trị của đế quốc Ottoman sau này, một đền thờ Hồi giáo đã được lên kế hoạch xây dựng tại địa điểm này, nhưng cuối cùng nó cũng bị hủy bỏ.
 
Vào giữa thế kỷ 19, Tòa Thượng phụ Latinh được thành lập tại Giêrusalem. Các tu sĩ dòng Phanxicô – những người có trách nhiệm trông coi các địa điểm Kitô giáo ở Đất Thánh – bắt đầu mua và sửa sang lại những địa điểm hành hương truyền thống và các nhà thờ. Họ đã cố gắng mua lại các di tích nơi Chúa Giêsu thương khóc, nhưng không thể. Thay vào đó, vào cuối những năm 1800, họ mua được một mảnh đất nhỏ ở vùng lân cận. Gần 60 năm sau, nhà thờ Dominus Flevit cuối cùng cũng được xây dựng. Nhà thờ có hình dạng giống như một giọt nước mắt.



 
                   Bức tường than khóc tại Jerusalem
 
 
* Dòng lệ Tình Yêu
 
* Hồn con thổn thức băn khoăn,
Mỏi mòn trông Chúa viếng thăm cho tường,
Tay con tội ác còn vương,
Lệ sầu hối cải đoạn trường ăn năn.
 
Đây dòng lệ Tình Yêu,
Khóc thương con đã nhiều,
Chúa giang tay chờ đợi,
Nhân từ đón con về.
 
Đây dòng lệ Tình Yêu,
Tội con biết bao nhiêu,
Mùa Chay xin sám hối,
Chúa tha thứ hết lòng.
 
Đây dòng lệ Tình Yêu,
Người cha mỗi buổi chiều,
Tâm hồn buồn tê tái,
Đợi con trai trở về.

 
Đây dòng lệ Tình Yêu,
Mo-ni-ca thổn thức,
Chờ người con trác táng,
Sớm bỏ đường đam mê.
 
Đây dòng lệ Tình Yêu,
Phê-rô từ chối Chúa,
Giật mình nghe gà gáy,
Mong được Chúa thứ tha.
 
Đây dòng lệ Tình Yêu,
Hồi tâm được ơn gọi,
Mai-Đệ-liên đổi mới,
Lòng yêu Chúa thật nhiều.
 


Đây dòng lệ Tình Yêu,
Tâm hồn Chúa thổn thúc,
La-Ja-Rô sống lại,
Chúa thương biết bao nhiêu.
 
Đây dòng lệ Tình Yêu,
Trên con đường thập giá,
Chịu khổ hình nhục nhã,
Trái Tim cứu loài người.
 
Đây dòng lệ Tình Yêu,
Khổ hình trên núi Sọ,
Xin cho kẻ thù nghich,
Được Chúa Cha nhận lời.
 
Đây dòng lệ Tình Yêu,
Con ăn năn thống hối,
Sẵn sàng chờ Chúa gọi,
Khi đời đã xế chiều.
 
Đây dòng lệ Tình Yêu,
Con biết mình tội lỗi,
Thánh Tâm Chúa chờ đợi,
Đón nhận con trở về.
 
* Con chót dại bao lần sa ngã,
Ôi Giê-su! Lượng cả đoái nhìn,
Con nguyền can đảm đứng lên,
Lệ sầu rửa sạch tội khiên làu làu.
  
Suy niệm:

 Người ta có thể khóc vì nhiều lý do.
Khóc vì buồn thương, khóc vì tình yêu của mình bị từ chối.
Khóc vì tiếc nuối một điều tốt đẹp bị hủy hoại.
Một người đàn ông khóc là chuyện không thường xảy ra.
Chính vì thế chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Giêsu khóc.
Con Thiên Chúa nhập thể biết đến nỗi đau của phận người.
Giọt nước mắt của Ngài cho thấy Ngài thật sự có một trái tim.
Đức Giêsu khóc khi đến gần và trông thấy thành phố Giêrusalem.

Trong thành Giêrusalem có ngôi Đền thờ lộng lẫy (Lc 21, 5).
Đền thờ ấy là Đền thờ thứ hai được xây sau khi dân lưu đày trở về.
Còn Đền thờ thứ nhất do Salômôn xây, đã bị quân Babylon phá hủy.
Vua Hêrôđê Cả đã trùng tu và nới rộng Đền thờ thứ hai này.
Công việc sửa sang kéo dài từ năm 20 trước công nguyên,
đến năm 64 sau công nguyên mới hoàn tất.
Vào thời gian này, người Do Thái nổi dậy chống lại quân Rôma.
Vào lễ Vượt qua năm 70, thành phố bị vây hãm (c. 43).
Đền thờ bị thiêu hủy sau tám mươi tư năm tu sửa.
Đây là một bi kịch lớn mà Đức Giêsu đã linh cảm với nỗi đớn đau.
  
Đinh văn Tiến Hùng - Tổng hợp