1. Những giờ phút cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 'Cảm ơn vì đã đưa tôi trở lại Quảng trường'
Hoạt động công khai cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô là ban phước lành cho toàn thế giới vào Chúa Nhật Phục sinh, được thực hiện tại loggia của Đền Thờ Thánh Phêrô — chính nơi ngài được giới thiệu là Đức Giáo Hoàng cách đây 12 năm.
Sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời, Vatican đã công bố thêm thông tin chi tiết về những giờ phút cuối cùng của ngài.
Theo Vatican News, “Grazie” hay “Cảm ơn” là một trong những lời cuối cùng của Đức Giáo Hoàng. Ngài nói với Massimiliano Strappetti, y tá Vatican, người đã phục vụ với tư cách là trợ lý sức khỏe cá nhân của ngài từ năm 2022.
“Cảm ơn vì đã đưa tôi trở lại Quảng trường,” Đức Phanxicô nói với Strappetti, người đã khuyến khích ngài chào đám đông từ xe popemobile vào Chúa Nhật Phục Sinh sau buổi đọc sứ điệp “urbi et orbi” truyền thống.
Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng xe popemobile kể từ khi phải vào bệnh viện 39 ngày vào đầu năm nay vì bệnh viêm phổi. Hơn 15 phút vẫy tay chào 50.000 người tụ tập tại quảng trường cuối cùng cũng là chuyến đi sau chót của ngài.
Lời cuối cùng của ngài trước công chúng rất đơn giản: “Anh chị em thân mến, chúc mừng lễ Phục sinh.”
Theo Vatican, Đức Giáo Hoàng 88 tuổi đã dành phần còn lại của buổi chiều lễ Phục sinh để nghỉ ngơi và dùng bữa tối yên bình.
Vào lúc 5:30 sáng giờ địa phương ngày Thứ Hai, 21 tháng 4, tức là 10:30 sáng theo giờ Việt Nam, sức khỏe của Đức Giáo Hoàng đột nhiên chuyển biến xấu, khiến ngài phải được chăm sóc y tế ngay lập tức. Chỉ hơn một giờ sau, vẫn nằm trên giường trong căn phòng ở tầng hai của ngài tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa tay ra hiệu tạm biệt Strappetti trước khi hôn mê.
Ngài qua đời lúc 7:35 sáng trong căn phòng của mình. Theo giấy chứng tử, nguyên nhân tử vong là do đột quỵ dẫn đến hôn mê và suy tim không hồi phục.
“Ngài không đau đớn. Mọi chuyện diễn ra nhanh chóng”, Vatican News đưa tin hôm thứ Ba, trích lời những người có mặt trong những giây phút cuối cùng của ngài.
Trong những giờ sau khi ngài qua đời, nhiều người Công Giáo đã suy ngẫm về những lời trong phép lành Urbi et Orbi Phục sinh cuối cùng của ngài, được đọc to thay mặt ngài từ loggia vào Chúa Nhật Phục sinh.
“Sự phục sinh của Chúa Giêsu thực sự là nền tảng cho hy vọng của chúng ta. Vì dưới ánh sáng của biến cố này, hy vọng không còn là ảo tưởng nữa. Nhờ Chúa Kitô — bị đóng đinh và sống lại từ cõi chết — hy vọng không làm chúng ta thất vọng! Spes non confundit! (x. Rm 5:5),” thông điệp nói.
“Chúa Kitô đã sống lại! Những lời này tóm lược toàn bộ ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng ta, vì chúng ta không được tạo ra để chết mà là để sống. Lễ Phục sinh là lễ mừng sự sống! Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta để sống và muốn gia đình nhân loại sống lại! Trong mắt Người, mọi sự sống đều quý giá! Sự sống của một đứa trẻ trong bụng mẹ, cũng như sự sống của người già và người bệnh, những người ở ngày càng nhiều quốc gia bị coi là những người phải bị loại bỏ”.
“Trong mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, sự chết và sự sống đã đấu tranh trong một cuộc chiến đấu phi thường, nhưng Chúa hiện đang sống mãi mãi (x. Ca Tiếp Liên Phục Sinh). Người lấp đầy chúng ta với sự chắc chắn rằng chúng ta cũng được kêu gọi để chia sẻ trong cuộc sống không có hồi kết, khi tiếng súng và tiếng gầm rú của cái chết sẽ không còn được nghe thấy nữa. Chúng ta hãy phó thác bản thân mình cho Người, vì chỉ một mình Người có thể làm cho mọi sự trở nên mới mẻ (x. Kh 21:5). Chúc mừng lễ Phục Sinh đến tất cả mọi người!”
Source:Catholic News Agency
2. 'Cái chết không phải là kết thúc của mọi thứ': Vatican công bố suy tư của Đức Giáo Hoàng về sự lão hóa, cái chết
Vatican đã công bố một văn bản chưa từng được công bố của Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi ngài qua đời, trong đó có những suy tư của Đức cố Giáo Hoàng về tuổi già và cái chết.
“Chúng ta không được sợ tuổi già; chúng ta không được sợ chấp nhận sự già nua, vì cuộc sống là cuộc sống, và tô hồng thực tế có nghĩa là phản bội sự thật của mọi thứ,” Đức Phanxicô đã viết trong lời tựa cho một cuốn sách bằng tiếng Ý của Hồng Y Angelo Scola, có nhan đề “Chờ đợi một khởi đầu mới: Suy ngẫm về tuổi già,” được ra mắt vào ngày thứ năm 24 Tháng Tư.
Trong lời giới thiệu cuốn sách của Đức Hồng Y Scola, Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng biết ơn đối với cựu Tổng giám mục Milan vì đã tìm cách khôi phục niềm tự hào về tuổi già, là điều mà ngài ghi nhận “thường bị coi là không lành mạnh”.
Đức Phanxicô khẳng định rằng vấn đề, không phải là chúng ta già đi mà là cách chúng ta già đi. Để tuổi già trở thành thời gian “thực sự có ích và có khả năng tỏa ra sự tốt lành”, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng tuổi già phải được sống “như một ân sủng, chứ không phải với sự oán giận”, và phải chấp nhận “với cảm giác biết ơn và tri ân” mặc dù phải chịu đau khổ.
“Bởi vì ‘già’ không có nghĩa là ‘bị loại bỏ’, như một nền văn hóa lãng phí suy thoái đôi khi khiến chúng ta nghĩ như thế,” Đức Phanxicô viết. “‘Già’ thay vào đó có nghĩa là kinh nghiệm, sự khôn ngoan, kiến thức, sự sáng suốt, sự chu đáo, sự lắng nghe, sự chậm rãi… Những giá trị mà chúng ta rất cần!”
Về vấn đề này, Đức Phanxicô đã chỉ ra vai trò của ông bà trong xã hội, nhấn mạnh vai trò của họ trong việc thúc đẩy “sự phát triển cân bằng của thế hệ trẻ” và văn hóa hòa bình.
Ngài viết: “Giữa sự điên cuồng của xã hội ta, thường dành cho những thứ phù du và sở thích không lành mạnh về hình thức, trí tuệ của ông bà trở thành ngọn hải đăng sáng ngời, soi rọi sự bất định và định hướng cho cháu chắt, những người có thể rút ra từ kinh nghiệm của mình điều gì đó 'thêm vào' cho cuộc sống hàng ngày của chúng”.
Ngài cho biết, tác phẩm của Đức Hồng Y Scola “xuất phát từ suy nghĩ và tình cảm”, mang viễn cảnh về tuổi già và cái chết vào bối cảnh của Kitô giáo, mà ngài cho rằng “không hẳn là sự lựa chọn về mặt trí tuệ hay đạo đức mà đúng hơn là tình cảm dành cho một con người — chính Chúa Kitô đã đến gặp chúng ta và quyết định gọi chúng ta là bạn”.
Cuối cùng, Đức Phanxicô viết, “chính phần kết luận của những trang này của Đức Hồng Y Angelo Scola, một lời thú nhận chân thành về cách ngài chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa Giêsu, mang đến cho chúng ta một sự chắc chắn an ủi: Cái chết không phải là kết thúc của mọi thứ mà là sự khởi đầu của một điều gì đó.”
“Đây là một khởi đầu mới, như tiêu đề của cuốn sách đã nêu bật một cách khôn ngoan, bởi vì cuộc sống vĩnh hằng, mà những ai yêu thương đã bắt đầu trải nghiệm trên trái đất này trong những công việc thường ngày của cuộc sống — chính là khởi đầu cho một điều gì đó sẽ không bao giờ kết thúc.”
“Và chính vì lý do này mà đây là một sự khởi đầu ‘mới’, bởi vì chúng ta sẽ sống điều mà chúng ta chưa từng sống trọn vẹn trước đây: đó là sự vĩnh hằng,” Đức Giáo Hoàng viết.
Source:Catholic News Agency
3. Hai ngày trước khi qua đời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gọi cuối cùng tới cha xứ giáo xứ Gaza
“Ngài nói với chúng tôi rằng ngài đang cầu nguyện cho chúng tôi, chúc lành cho chúng tôi và cảm ơn chúng tôi đã cầu nguyện thay cho ngài,” Cha Gabriel Romanelli, cha sở Giáo xứ Thánh Gia tại Gaza, tóm tắt cuộc gọi cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tối thứ Bảy, ngày 19 tháng 4, vài phút trước khi ngài đến Đền Thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện trước Lễ Vọng Phục Sinh.
Vị linh mục người Á Căn Đình vô cùng xúc động đã giải thích chi tiết với Vatican News về cử chỉ gần gũi cuối cùng của Đức Thánh Cha đối với họ, hai ngày trước khi ngài qua đời.
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một mục tử yêu thương và theo dõi cộng đồng nhỏ bé này của chúng tôi. Ngài cầu nguyện và làm việc vì hòa bình”, Cha Romanelli nói, lưu ý rằng kể từ khi Đức Giáo Hoàng qua đời, các cộng đồng Kitô giáo ở Gaza — Công Giáo và Chính thống giáo — đã cùng nhau cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Linh mục của Viện Ngôi Lời Nhập Thể đã không ngần ngại chuyển đổi khu phức hợp giáo xứ ở Gaza thành nơi trú ẩn tạm thời trong cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas. Giáo xứ hiện có 500 người. Phần lớn là người Chính thống giáo, Tin lành và Công Giáo, nhưng cũng là nơi trú ẩn cho hơn 50 trẻ em Hồi giáo khuyết tật và gia đình của các em.
Cha Romanelli nhớ lại cách Đức Thánh Cha đã duy trì liên lạc thường xuyên với Gaza trong suốt 19 tháng qua. “Ngài quan tâm đến việc chúng tôi đang làm gì, chúng tôi đã ăn chưa, về những đứa trẻ…”, vị linh mục kể lại.
Trên thực tế, ngài thậm chí còn không ngừng gọi điện để an ủi họ trong suốt 38 ngày ngài nằm tại Bệnh viện Gemelli để điều trị bệnh viêm phế quản dẫn đến viêm phổi kép.
Cha Romanelli cho biết: “Chúng tôi hy vọng lời kêu gọi của ngài sẽ không bị bỏ qua: rằng các cuộc ném bom sẽ dừng lại, rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc, rằng các con tin sẽ được thả và rằng viện trợ nhân đạo sẽ đến được với những người đang đau khổ”.
Source:Catholic News Agency
4. Công Nghị Chung bắt đầu với 60 Hồng Y. Các vị đình chỉ việc phong chân phước, tuyên thệ giữ bí mật
Tại Công Nghị Chung Các Hồng Y (Congregazione Generale Dei Cardinali) đầu tiên ở Rôma vào hôm Thứ Ba, 22 Tháng Tư, quy tụ 60 Hồng Y, các ngài đã chọn ngày tang lễ cho Đức Thánh Cha Phanxicô là ngày Thứ Bẩy 26 Tháng Tư, và hoãn các lễ phong Chân Phước và phong Thánh cho đến khi có Giáo Hoàng mới.
Cuộc họp kín để thảo luận về mật nghị sắp tới và các vấn đề khác liên quan đến thời kỳ chuyển tiếp diễn ra lúc 9 giờ sáng giờ địa phương, một ngày sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời, khi các Hồng Y vội vã từ khắp nơi trên thế giới đến Thành phố vĩnh cửu.
Trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng, các Hồng Y sẽ họp thường xuyên để đưa ra nhiều quyết định khác nhau về tang lễ và mật nghị sắp tới của Đức Giáo Hoàng.
Các Hồng Y ấn định lễ tang của Đức Giáo Hoàng vào thứ Bảy, ngày 26 tháng 4, lúc 10 giờ sáng giờ Rôma tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được chôn cất tại Đền Thờ Đức Bà Cả, theo di nguyện của ngài.
Một quyết định khác được Công Nghị Chung Các Hồng Y đưa ra là việc dời thi hài của Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ nhà nguyện của nhà trọ Santa Marta ra Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng thứ Tư để các tín hữu đến tỏ lòng thành kính.
Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell đã cử hành các nghi thức vào sáng Thứ Tư, 23 Tháng Tư, trước khi di chuyển thi hài của Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô ra Đền Thờ Thánh Phêrô.
Lễ tang của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là Thánh lễ đầu tiên trong “Novendiales” — nghĩa là Tuần Cửu Nhật than khóc vị Giáo Hoàng quá cố, và chuẩn bị về phụng vụ và tinh thần cho mật nghị. Các Hồng Y sẽ tiếp tục đến từ khắp nơi trên thế giới để tham gia vào các phiên họp của Công Nghị Chung Các Hồng Y trước mật nghị.
Buổi họp kéo dài một tiếng rưỡi vào thứ Ba bắt đầu bằng khoảnh khắc cầu nguyện thầm lặng cho linh hồn Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô.
Trong cuộc họp, các Hồng Y đã tuyên thệ tuân thủ các quy tắc của thời kỳ giữa hai triều Giáo Hoàng, được nêu chi tiết trong tông hiến Universi Dominici Gregis hay Đoàn Chiên Phổ Quát của Chúa được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị công bố năm 1996. Các quy tắc này bao gồm việc giữ “bí mật nghiêm ngặt” xung quanh cuộc bầu cử vị Giáo Hoàng tiếp theo.
Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan đã đọc di chúc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Trong các phiên họp chung, các Hồng Y sẽ họp để đưa ra những quyết định quan trọng như ngày triệu tập mật nghị và phê duyệt các khoản chi phí cần thiết.
Theo Universi Dominici Gregis, mật nghị có thể bắt đầu sớm nhất là 15 ngày sau khi Đức Thánh Cha qua đời để tất cả các Hồng Y có quyền bỏ phiếu có thể tham dự. Sau khi tối đa 20 ngày trôi qua, các Hồng Y có nghĩa vụ phải bắt đầu mật nghị. Tuy nhiên, các quy tắc cũng cho phép bắt đầu sớm hơn nếu các Hồng Y đồng ý và tất cả các cử tri đã đến.
Tất cả các Hồng Y đều được mong đợi tham gia vào mật nghị trừ khi có trở ngại nghiêm trọng ngăn cản họ. Trong số 252 Hồng Y Công Giáo, 135 vị có quyền bỏ phiếu trong mật nghị.
Source:Catholic News Agency