Hằng năm đến mùa càna chín thế nào hai đứa cũng trốn học hái càna. Trái nó giống trái ôliu và hột của nó cũng tương tự như hạt ôliu. Lúc còn xanh hương vị của nó chát đắng như trái ôliu, có lẽ chát ít hơn nhưng đủ làm co lưỡi lũ trẻ. Cả đám chùn lại không dám ăn trái càna xanh. Tuyệt chiêu này bảo đảm càna xanh không bị học trò ăn cắp, bẻ trộm vì không làm gì được ngoại trừ mất công bẻ rồi sau đó lại mất công vất đi. Càna, khi còn xanh, chát ít hơn trái ôliu vì cây càna thường mọc gần bờ nước nên dù gì nó cũng uống thoả thuê, không khát khô như thân ôliu. Trái càna khi chín lại chua dịu, không gắt như chanh, không chua như khế, không chát như ổi. Vị chua của nó pha lẫn vị ngọt. Mới cắn vào thấy vị chua trên lưỡi nhưng rồi cái vị chua vội biến mất, dành chỗ cho vị ngọt nhẹ nhàng, thanh thoát, lại toả cái mùi thơm nhẹ xông thẳng lên mũi khiến ăn một trái lại muốn trái thứ hai. Cơn cám dỗ nhè nhẹ nhưng khó tránh kia đã dụ được nhiều trò nhỏ dù có sợ trèo cao, leo xa đến mấy cũng vấp ngã. Khi tỉnh hồn người đã đeo lửng lơ giữa đất trời, một tay bám cành, tay kia hái trái bỏ miệng. Càna khi chín ít nhựa nhưng lúc còn xanh nhựa của nó khá dẻo. Những tay từng hái càna chuyên nghiệp cũng khó tránh khỏi hái sai. Hái sai có nghĩa là hái phải trái chưa chín. Bởi cái mầu xanh vàng lợt phơi mình trên lớp vỏ cong mọng làm cho mắt nhìn lầm. Không phải chỉ có con mắt nhìn lầm mà ngay cả ngón tay với hái cũng lầm nốt, cứ tuởng nó chín đến khi nhựa nó dính vào áo lúc đó mới biết là đã hái trái xanh. Trái xanh nằm trong đám trái kia đâu ngu gì nhận tội, nên khổ chủ của áo không biết trái nào là thủ phạm.

Càna xanh tươi mang về ngâm nước đường cho chút cơm thảo thì tuyệt vời. Chính cái hương vị tuyệt vời kia cám dỗ hai đứa trốn học đi hái càna. Thực ra cái hương vị tuyệt vời kia là chính yếu sau khi càna đã được ướp đường. Cái cám dỗ lớn hơn vẫn là leo cây hái trái. Càng lên cao trái càng lớn và trái càng gần đầu cành càng to, càng mọng và vị của nó cũng ngon mát hơn vì hứng được nhiều ánh nắng mặt trời.

Cây càna nhà ông Tư mọc ngay bờ sông cao chót vót. Tàn nó xum xue che cả một khúc sông. Đến mùa trái chín nếu không hái trái sẽ rụng xuống sông. Vì thế phía cuối dòng cá thường quy tụ khá nhiều ăn càna chín rụng. Thế mới biết không phải chỉ bọn trẻ mới thích càna mà ngay cả con chim, con cá cũng ghiền càna chín mọng.

Hai chị em con Thu trốn học đi hái càna.Nó trốn học vì hôm qua thằng Thi ăn càna mà em con Thu xin đến xùi bọt mép thằng Thi không cho một trái còn khích tướng đi hái lấy mà ăn. Con Thu tức lắm bảo em. Thôi đừng xin cái thằng đại kiết đó nữa. Mai chị hái cho, có mà ăn mệt vẫn chưa hết. Biết tính con Thu ít nói lại nhát nên thằng Thi thách thức. Mày mà hái được một quả tao gọi mày một tiếng chị, hai quả hai tiếng, cứ thế mà tính. Con Thu lên tiếng. Gọi ngay bây giờ đi là vừa đợi đến mai gọi hết ngày, mỏi miệng cũng chưa hết. Lỡ mạnh miệng hứa với thằng Thi. Ngày hôm sau hai chị em con Thu trốn học đi bẻ càna. Thằng Thi hôm qua trốn rồi, hôm nay không dám trốn nữa sợ bị phạt. Nó ngồi trong lớp không thấy con Thu đâu. Nhìn trước ngó sau không thấy. Đến giờ ra chơi thằng Thi phóng tuốt ra cây càna. Nhìn quanh quất không thấy đứa nào. Nó định phóng về suy nghĩ tìm cách móc họng con Thu thất hứa. Hai chị em Thu leo tuốt lên ngọn cây càna. Lúc đầu con em còn sợ, không dám leo cây. Con chị cứ quanh quẩn mãi rồi cũng phải leo vì con em đứng chỉ hết trái này khen ngon, lại chỉ đến trai kia khen ngon. Cái thèm khát của con em, cộng thêm cái thèm khát của chính nó khiến nó dạn hơn. Nó leo được hai ba bước, không leo quen lại tụt xuống. Đến lần thứ ba, tay nó chai hơn, bạo hơn và có lẽ cũng tại cành càna xé rách cái gấu quần nên nó không còn sợ quần bị dơ, nó rách rồi, dơ cũng vậy thôi. Nhờ rách quần mà nó leo lên được. Lúc đầu hái những trái nhỏ, xanh vì trái chín mọng bị lũ chim xơi sạch, còn sót thì đám thằng Thi lượm trước rồi. Con em đứng dưới gốc cây chỉ, trỏ hết trái này, đến trái kia. Chị nó thảy xuống cho nó ăn, đầy túi rồi, nó không muốn lượm thêm. Hơn nữa nó thấy con chị trèo khá cao, nó cũng hăng tiết tập leo. Những bước đầu khó khăn như chị nó, rồi thì cái khó qua đi. Nó leo lên cao. Phóng tầm mắt nhìn ra xa nó bị thu hút bởi cái chân trời mới đó nên nó cứ lên cao mãi, cao mãi. Len cao ngang con Thu, chị nó mới biết con em đã trên cây. Không làm cách nào khác con Thu dặn nó, cẩn thận nghe em. Nó vâng dạ cho có lệ. Mấy tiếng đồng hồ leo trèo nó mệt mỏi. Càna ăn chơi thì được, ăn no sẽ bị say, say như người lả thiếu cơm. Chân tay mau mệt, mau rã rời. Cả hai chị em đều trong hoàn cảnh đó. Con chị kêu, con em hoạ theo. Em cũng vậy, thấy mỏi tay, run chân quá. Cả hai bảo nhau bám chặt cành cây, nằm nghỉ bớt mệt rồi leo xuống. Gió mát từ nước sông hất lên ru hai đứa vào giấc ngủ.

Thằng Thi ngó quanh quất không thấy đâu, tính quay đầu về lớp nhưng nó lại tiếc mấy trái càna, định leo đại lên cây bẻ đầy túi về lớp vừa học vừa ăn càna. Ngẩng mặt lên nó thấy tuốt trên ngọn hai chị em Thu nằm vất vưởng như hai con khỉ con. Thi thét lớn. Con Thu trốn học. Giật mình bởi tiếng hét cả hai chị em tỉnh ngủ. Nó ngồi vắt vẻo trên cành, chân đu đưa như đu võng đấu láo với thằng Thi. Thu bảo em, thôi đi xuống. Trong lúc đi xuống, con em bất cẩn vì chưa tỉnh ngủ, trượt chân rơi tòm xuống giòng sông. Cả Thi lẫn Thu la thất thanh. Con em thì nhào lên, lặn xuống trong giòng nước, nhấp nhô như cụm lục bình. May cho nó, nhờ tiếng kêu la thất thanh, ông cụ đang câu cá cuối nguồn nước nghe được vớt nó lên. Cả ba đứa mặt xanh như tầu lá. Bao nhiêu càna trong túi theo nước trôi sạch. Tin chị em Thu hái càna té sông lan nhanh tới trường rồi tới nhà. Nhờ té sông mà cả ba thoát nạn. Thầy giáo không trách móc thằng Thi và cha mẹ Thu cũng không hạch tội đứa sống sót trở về. Từ đó về sau ông Tư không bao giờ bán càna cho học sinh nữa. Đứa nào muốn ăn thì đưa tiền chính ông Tư hái cho. Trước đây chỉ cần mười xu là leo cây hái thả dàn. Bây giờ mười xu ông Tư cho vài ba chục trái. Ăn không hết nhưng cái thú hái đến đâu ăn đến đó, còn dư mang về không còn nữa.

Bố mẹ Thu sợ con có ngày chết trôi sông nên gởi cả hai đứa đi thành phố học. Nhờ thế cả hai thành tài. Gia đình một phần vì chiến tranh leo thang, phần khác nhớ con cũng bỏ xóm làng lên thành phố tìm việc, từ giã xóm làng nó có lần suýt nữa con chết đuối. Sau ngày mất nước gia đình nó đi vượt biên làm ăn khá thành đạt. Có lần về thăm quê cũ, đến gốc cây càna, cả hai chị em không dám leo, nhưng đứng ngó. Con bé Tí đang lúi húi mò ốc, bắt cua gần đó nhìn nó mắt trừng mở như nhìn bà hoàng. Em nhìn gì kĩ vậy em? .Dạ, em nhìn chị có quần áo đẹp như bà hoàng. Nó liến thoắng, chị có mua càna em leo hái cho. Không được đâu, lỡ em té sông thì sao. Con nhỏ bướng bỉnh. Tè sông thì có, té thì không thể nào. Thu nhìn em kể lại chuyện xưa. Nhắc đến ông già câu cá vớt nó từ giòng sông lên. Hai chị biết ông già câu cá sao? Phải, ông giờ rao sao rồi? Ngoại chết rồi, căn chòi đó giờ gia đình con ở. Ông già câu cá là ngoại con hả. Dạ. Hai đứa chưa bao giờ đến căn chòi đó, chỉ biết danh ông già câu cá sau lần thoát chết. Bố mẹ Thu đến cám ơn ông già và thỉnh thoảng mang gạo chuối cho nhưng hai chị em chưa từng vào căn chòi đó. Thu muốn đến xem tận mắt nơi ông già câu cá ở ra sao. Con dẫn cô về coi chòi nhà con được không? Được chớ, đâu có gì đâu mà coi. Thì hai cô muốn coi cho biết vậy mà. Quả thực, đến nơi, đúng như lời con nhỏ nói. Không có gì để coi, ngoài mái chòi ra, trong nhà trống trơn. Vài ba bộ quần áo cũ mèn treo đinh đóng cột nhà. Phía trên cao là bàn hương cho ngoại, hình trắng đen, cũ mèm, vàng úa. Các gốc nhang cũ đóng bụi, chứng tỏ lâu lắm rồi không thắp nhang cho ngoại. Con bé nói, má con đi làm. Con ở nhà câu cá, bắt ốc tối về má nấu cơm.

Nhìn lối sống đó chị em Thu mủi lòng, định tâm tìm cách giúp gia đình con nhỏ như là cách trả ơn cứu mạng năm xưa. Nghĩ thế nhưng chưa biết phải làm thế nào. Thu đề nghị hay là kêu con bé hái càna rồi cho nó ít tiền. Quả thực, con nhỏ thiện nghệ leo cây. Nó leo nhanh thoăn thoắt. Một tay bám cành, tay kia hái trái, đã thế nó còn vòng ngang người qua cành cây cúi mặt xuống đất nói chuyện với hai chị em. Hai chân con nhỏ uốn cong bám vào thân cây như hai cái vòng sắt khiến toàn thân nó thăng bằng, vững chắc ngay cả khi gió lay cành chuyển động, người nó cũng đong đưa trong gió mà không hề sợ bị rớt.

Tối đến hai chị em thấy con bé dẫn mẹ nó đến cám ơn. Nghe qua câu chuyện gia đình thuật lại. Thu bỏ tiền ra xây mộ cho ông già câu cá và hứa hàng năm sẽ giúp con bé con học đến nơi đến chốn với điều kiện là thầy giáo của nó phải báo cáo cho Thu biết lực học của nó.

Thu không liên lạc với gia đình nữa vì con nhỏ đã học xong đại học và có việc làm. Bẵng đi một thời gian con nhỏ tìm đến nhà Thu một buổi chiều chào hỏi. Nó đã lột xác, trắng trẻo không còn đen đủ, dính phèn như xưa. Nó cũng diện đẹp không thua gì ai trong xứ này. Hỏi ra mới biết con nhỏ dính phèn năm xưa được công ty tuyển cho đi tu nghiệp và nó mò đến vừa thăm chị em Thu vừa cám ơn giúp nuôi nó ăn học thành thân.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org