Hàng năm đã thành truyền thống, vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng đi đàng thánh giá tại Hý trường Colosseo. Đây là di tích nổi danh trên toàn thế giới và được xây dựng cách đây gần 2000 năm dưới thời hoàng đế La Mã Vespasian (69-79). Hý trường có sức chứa 60 ngàn chỗ ngồi. Đây là nơi để hoàng đế và dân chúng theo dõi trò tiêu khiển bằng chính mạng sống của các võ sĩ giác đấu. Không biết con số chính thức các võ sĩ thiệt mạng là bao nhiêu, tuy nhiên con số này không phải là nhỏ. Thật ý nghĩa khi chọn nơi đây để cử hành chặng đường thánh giá của Chúa Giêsu, Người đã chịu khổ hình vì tội lỗi loài người. Năm nay có hàng chục ngàn người tham dự nghi thức này cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và có trên 60 hãng truyền hình phát sóng buổi cử hành này.

Từ sự kiện này cũng còn giúp chúng ta ngược thời gian trở về hơn 2000 năm trước trong bối cảnh lịch sử của thời Chúa Giêsu. Từ đây lại ngược về trước đó mấy chục năm với biến cố Ngài giáng trần. Vào thời ấy, dân tộc Do Thái của Người đã bị thống trị bởi đế quốc Rôma. Bị áp bức trong kiếp nô lệ, theo cái nhìn hoàn toàn thế tục, họ khao khát trông chờ Đấng Mêssia đến để giải thoát họ khỏi nổi tủi nhục này. Quả thật, cũng có rất nhiều môn đệ của Chúa Giêsu cũng vẫn còn trĩu nặng trong cách suy nghĩ này và tưởng rằng Ngài sẽ khôi phục đất nước của mình. Tuy nhiên điều ấy lại không xảy ra. Thay vào đó, họ cũng chỉ nhìn thấy Thầy mình chết tức tưởi trên thập giá với bản án bất công dưới thời quan tổng trấn Philatô của đế chế Rôma.

Hai hình ảnh thật trái ngược nhau. Thoạt đầu xem ra quyền lực con người thắng thế. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi sâu hơn nữa, chúng ta lại khám phá ra một nghịch lý không thể phủ nhận giữa sức mạnh quyền lực của con người và sự hạn chế của Thiên Chúa làm người, giữa giới hạn chế quyền lực con người và vô giới hạn của Chúa Phục Sinh.

Sức mạnh quyền lực và hạn chế của Thiên Chúa nhập thể

Khi đọc lịch sử liên quan đến đế quốc Rôma, chúng ta không khỏi trầm trồ thán phục về tuổi thọ và mức độ bành trướng của một đế chế được xếp vào hạng hùng mạnh nhất trong các chế độ của lịch sử nhân loại. Một đế chế trải rộng trên phạm vi vượt ra ngoài ranh giới Châu Âu để vươn đến tận vùng Trung Cận Đông và Phi Châu. Sử sách và địa danh di tích còn lưu lại một thời huy hoàng của đế quốc Rôma. Ngay khi Chúa Giêsu sinh ra, chúng ta cũng thấy tác giả sách Phúc Âm kể lại hoàn cảnh ấy diễn ra trong thời hoàng đế nào của đế chế này. Hay như khi thời gian sống công khai rao giảng Nước Trời, thì tên của Xêdarê cũng được nhắc đến. Đặc biệt là biến cố khổ nạn được gắn liền với danh tánh vị tổng trấn Philatô.

Rồi nữa, khắp đó đây trên khắp Châu Âu, vẫn còn đó những công trình kiến trúc thời Rôma. Chẳng hạn tại Pháp, các rạp hát ngoài trời có độ tuổi trên hai ngàn năm vẫn còn sờ sờ, như Théâtre d’antique ở thành phố Orange, ở thành phố Autun, hay thành phố Lyon…Sự trụ lại với thời gian của các công trình ấy làm chúng ta lầm tưởng chúng được xây dựng cách đây không lâu. Hơn hai ngàn năm mà giống hệt như mới chỉ là hôm qua.

Những tưởng với sự hùng mạnh vô song và chạy suốt chiều dài lịch sử trên diện rộng của khắp châu lục, với con mắt người đời, đế quốc La Mã chắc hẳn phải tồn tại muôn năm. Thế nhưng ngày nay các di tích lừng danh thời đó vẫn trụ lại theo năm tháng thời gian, còn chủ nhân của chúng thì đã trôi vào dĩ vãng xa xôi.

Trong khi đó, một Thiên Chúa làm người sinh ra trong chốn nghèo hèn. Ngay sau đó đã phải chạy chốn khỏi cuộc sát hại mà giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, tiếp đến phải long đong nơi đất khách quê người. Lại nữa, Ngài trải qua hàng mấy thập niên trong đời sống âm thầm lao động tầm thường. Mọi người chỉ được biết đến Ngài vỏn vẹn trong mấy năm cuối đời khi Ngài sống công khai để rảo giảng Tin Mừng. Nhưng ngay sau đó, một bản án bất công đã trút lên Ngài dẫn đến cái chết tức tưởi trên thập giá ô nhục, khiến cho những môn đệ thân tín nhất cũng phải cao chạy xa bay. Những tưởng câu chuyện về nhân vật chết yểu này chấm dứt từ đó.

(còn nữa)

Vọng Phục Sinh 2013