Ngày 30 tháng 9 năm 2008, tại Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 tại Québec, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đã đọc một bài diễn văn về chủ đề “Thánh Thể: Hồng Ân từ Thiên Chúa cho Thế Gian Được Sống”.

Chủ đề Do Đức Đương Kim Giáo Hoàng chọn cho Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 này lấy từ Tin Mừng Thánh Gioan, trong đoạn Chúa Giêsu tuyên bố rằng “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống (…) và bánh Ta ban chính là thịt Ta, cho thế gian được sống” (Ga 6:51-52).

Thánh thể, hồng ân Thiên Chúa, Đấng muốn ban sự sống cho mọi người, đó là chủ đề chính của Thông Điệp “Sacramentum Caritatis”. Trong phần đầu, tựa là “Thánh Thể, mầu nhiệm phải tin”, Đức Giáo Hoàng khuyên ta thờ lạy Thánh Thể như là “Hồng ân nhưng không của Ba Ngôi Chí Thánh cho thế gian được sống”. Và ở cuối, tức phần thứ ba, tựa là “Thánh Thể, mầu nhiệm phải sống”, ngài khuyên ta cùng với Chúa, hiến mình như Thánh Thể cho người khác, vì “ơn gọi của mỗi người chúng ta hệ ở việc, cùng với Chúa Giêsu, trở nên bánh được bẻ ra cho thế gian được sống”. Như thế, Thánh Thể vừa là hồng ân vừa là nghĩa vụ, hồng ân sự sống được nhận lãnh và hồng ân sự sống được trao ban cho mọi người.

Sự sống trong Chúa Giêsu Kitô này, “để những ai ở trong Người đều được sống”, cũng là điều đang đập nhịp trong tâm điểm Văn Kiện Aparecida (cuộc họp của các giám mục Châu Mỹ La Tinh), với cung điệu biết ơn ngợi khen và nhiệt thành truyền giáo, vì “sự sống là hồng ân do Chúa ban, vừa là hồng ân vừa là nghĩa vụ…”.

Thánh Alberto Hurtado, Dòng Tên, quen nói rằng “Thánh Thể là tâm điểm sinh tử của vũ trụ, có khả năng thoả mãn mọi khát khao sống và hạnh phúc: ‘ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, sẽ ở trong Ta, và Ta ở trong họ’(Ga 6:57). Trong bàn tiệc hạnh phúc này, ta tham dự vào sự sống đời đời và nhờ thế, cuộc sống hằng ngày của ta trở nên một Thánh Lễ kéo dài”.

Ở giữa, tức ở giữa hồng ân và sứ vụ, Giáo Hội là động lực chính của bài giáo lý dành cho ngày nay: Thánh Thể và Giáo Hội, mầu nhiệm của Giao Ước.

Nói một cách đơn giản, tôi xin đề nghị ba bước để biến bài giáo lý này thành một “bài đọc thánh” (lectio divina). Bước đầu tiên là vắn tắt suy niệm về Giao Ước. Bước thứ hai tôi muốn nó trở thành một tổng hợp có tính chiêm niệm trong đó ta sẽ ngắm nhìn và thưởng ngoạn bằng con mắt tâm hồn một vài hình ảnh về Đức Nữ Trinh, Mẹ chúng ta, “Người Phụ Nữ Thánh Thể”. Và bước thứ ba hệ ở việc rút ra một số kết luận mục vụ hữu ích cho cuộc sống bản thân và cuộc sống trong Giáo Hội của ta.

1. Chiều kích giáo hội và hôn ước của Thánh Thể

“Thánh Thể và Giáo Hội, mầu nhiệm của Giao Ước”, với chữ “giao ước”, ta có ý nhấn mạnh tới chiều kích giáo hội và phu thê của hồng ân Thánh Thể, một hồng ân Chúa muốn dùng để với tới mọi người. Thánh Thể là bánh hằng sống để thế gian được sống và là máu giao ước đổ ra để tha tội cho mọi người. Như thế, sau khi để tâm trí dựa chặt vào bản chất nhưng không (theo nghĩa hoàn toàn “cho không”) của hồng ân này và tính năng động truyền giáo phổ quát của nó, ta hãy dừng lại để suy niệm về mầu nhiệm giao ước.

Giao Ước không sự gì và không ai có thể bẻ gẫy

“Như thế ai có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô?” (Rm 8:35). Điều đầu tiên làm ta cảm động về Phép Thánh Thể là mối liên quan tới Giao Ước “mới và vĩnh cửu” như Chúa nói tại Bữa Tiệc Ly. Điều này được Phụng Vụ trong Lời Nguyện Thánh Thể Hòa Giải diễn tả như sau: “Nhiều lần, chúng con đã vi phạm Giao Ước của Cha, nhưng, thay vì bỏ rơi chúng con, Cha đã lặp lại như mới với gia đình nhân loại, qua Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con, một giao ước bền vững đến độ không điều gì có thể phá vỡ được”.

Lòng thèm khát một Giao Ước mà không một ai và không một điều gì có thể phá vỡ chính là điều Chúa vốn nhào nặn trong tâm hồn Israel hàng bao thế kỷ qua, và Chúa Giêsu đã thỏa mãn lòng thèm khát ấy và làm nó hoàn thiện đến nỗi không còn một cơ hội nào để tan vỡ.

Trong tính chắc chắn của Giao Ước này, việc thiết lập ra nó trước ngày Khổ Nạn đóng một vai trò trung tâm. Khi tự hiến mình trước trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã biến thời điểm và không gian trong đó các giao ước từng bị phá vỡ (lúc Giuđa phản bội Người) thành thời điểm và không gian thánh trong đó Giao Ước Mới sẽ được đóng ấn vĩnh viễn.

Dự phóng Thánh Thể (The eucharistic anticipation)

Để có thể suy niệm mầu nhiệm này, ta nên dựa vào sự hướng dẫn nơi một số cái nhìn thông sáng của Đức Gioan Phaolô II. Các cái nhìn này sẽ giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc “dự phóng” Thánh Thể… Ý muốn nồng nàn nhất trong thông điệp “Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể” của ngài là để gợi hứng cho việc “thờ kính Thánh Thể”. Việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể trước cuộc Khổ Nạn của Người lúc ấy và hiện vẫn là động lực chính của lòng thờ kính (awe) này. Ta hãy đọc một ít dòng bằng con mắt của linh hồn:

“Giáo Hội được hạ sinh từ mầu nhiệm vượt qua. Chính vì lý do đó, Phép Thánh Thể, vốn là bí tích tuyệt vời của mầu nhiệm vượt qua, nằm ngay tại tâm điểm của đời sống Giáo Hội… sau hai ngàn năm, chúng ta vẫn tiếp tục tái sản sinh ra hình ảnh nguyên khởi đó của Giáo Hội. Và, trong khi chúng ta làm việc đó tại các cử hành Thánh Thể, con mắt linh hồn ta hướng về Tam Nhật Vượt Qua: hướng về những gì đã xẩy ra vào buổi tối Thứ Năm Tuần Thánh, trong Bữa Tiệc ly và sau đó. Quả thế, việc lập Phép Thánh Thể đã dự phóng một cách bí tích các biến cố sẽ xẩy ra sau đó, bắt đầu với việc hấp hối tại vườn Diệtsimani.

Ta thấy Chúa Giêsu từ Nhà Tiệc Ly bước ra, cùng các môn đệ đi xuống phía dưới, băng qua suối Cedron và dừng lại Vườn Cây Dầu. Tại vườn này, cho đến nay, vẫn còn những Câu Dầu rất cổ xưa. Có thể chúng đã chứng kiến những gì xẩy ra dưới bóng chúng vào cái đêm định mệnh ấy, khi Chúa Kitô, trong lúc cầu nguyện, đã cảm nghiệm nỗi thống khổ đến chết người “và mồ hôi Người trở thành những giọt máu, nhiễu xuống đất” (Lc 22:44). Máu mà trước đó ít phút đã từng được ban cho Giáo Hội làm của uống cứu rỗi trong Bí Tích Thánh Thể, nay đang bắt đầu đổ ra; và việc tràn đổ này sẽ được hoàn tất không bao lâu sau trên Đồi Golgotha, trở thành dụng cụ cứu chuộc ta”.

Sau đó, Đức Gioan Phaolô còn cho ta thấy tại sao có tựa đề này cho Thông Điệp của ngài: “ ‘Đây là mầu nhiệm Đức Tin’ khi linh mục đọc hay hát lời này, các người hiện diện tuyên xưng: ‘Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến’. Với những lời như thế hay tương tự, Giáo Hội đã cùng một lúc nhắc đến Chúa Kitô trong mầu nhiệm Khổ Nạn của Người, cũng cho thấy mầu nhiệm của chính mình: Giáo Hội Từ Thánh Thể mà ra (Ecclesia de Eucharistia)”

Chính ở đây, ta khám phá ra ba đặc điểm không thời gian từng làm cho Thánh Thể trở thành hạch nhân thâm hậu nhất trong đời sống Giáo Hội hiểu như một hồng ân và một trách vụ: “Nếu, cùng với việc Chúa Thánh Thần hiện xuống [chiểu tự là “trao ban”) trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội đã được sinh ra và bắt đầu bước đi trên đường đời, thì giây phút quyết định xây nền cho Giáo Hội chắc chắn là lúc lập ra Phép Thánh Thể tại Phòng Tiệc Ly. Việc xây nền và khởi điểm của Giáo Hội tuy là toàn bộ Tam Nhật Phục Sinh, nhưng việc này đã được bao gồm, dự ứng và cô đọng mãi mãi vào hồng ân Thánh Thể. Trong hồng ân này, Chúa Giêsu Kitô ban cho Giáo Hội việc hiện thực hóa mãi mãi mầu nhiệm vượt qua. Người thiết lập ra “tính đương thời” (contemponabeousness) đầy mầu nhiệm giữa Tam Nhật kia và suốt dòng thời gian của mọi thế kỷ”.

Đức Gioan Phaolô kết thúc đoạn này bằng cách khiến ta bỡ ngỡ và ngạc nhiên trước “khả năng cứu chuộc” của biến cố này, một khả năng trong đó “trọn bộ lịch sử”, tức mọi sự sống của thế giới, đều được tham dự: “Tư tưởng này dẫn ta tới cảm quan tôn kính và biết ơn. Biến cố vượt qua và Phép Thánh Thể nhằm hiện thực hóa nó trong mọi thế kỷ có một 'khả năng thực sự vĩ đại' trong đó mọi lịch sử đều được tham dự như những người được dự tính thụ hưởng ơn cứu chuộc”.

Được bao gồm/dự phóng/cô đọng

Cái nhìn thông sáng của Đức Gioan Phaolô II hết sức độc đáo và việc trình bày nó quả bao gồm một tổng hợp khá khó hiểu. Làm thế nào rút tỉa được lợi ích từ nó mà không làm thiệt hại tới nó? Thiển nghĩ chỉ còn cách bước vào qua ngả sư phạm. Chúa Giêsu từng cho ta thấy ý định sư phạm trong việc rửa chân, khi Người phán rằng: “Là Chúa và là Thầy các con […] Ta đã làm gương cho các con…” (Ga 13:13-15). Do đó, ta có thể tự hỏi đâu là giá trị sư phạm của việc “bao gồm-dự phóng-và cô đọng” của Tam Nhật Vượt Qua trong hồng ân Thánh Thể? Tôi xin thưa ngay rằng ý định của Chúa Giêsu là nhằm chuẩn bị và điều kiện hóa kẻ tiếp nhận Hồng Ân này: chuẩn bị tâm hồn các môn đệ để họ đón nhận chiều kích bản thân và chiều kích Giáo Hội của Hồng Ân.

Khi dự phóng việc hiến mình của Người và bao gồm các bằng hữu của Người vào việc hiệp thông Bữa Tiệc Ly và cô đọng (concentrate) mọi yêu thương của Người vào hồng ân Thánh Thể này, Chúa Giêsu đã thành công trong việc làm cho họ trở thành những người tham dự vào hy lễ cứu chuộc, khi họ ý thức được điều Chúa Giêsu dâng hiến trong cuộc Khổ Nạn, cũng như hiểu ra điều họ đã được nhận lãnh. Ý Chúa muốn có Giao Ước, việc Người hiến mình hoàn toàn bằng cách chết trên Thập Giá, trở nên hiển nhiên đối với các môn đệ, không phải như một biến cố riêng rẽ và sau hết, nhưng tràn ngập ký ức họ đủ mọi điều họ từng chiêm ngưỡng, về đức Maria, về Thánh Gioan và về các phụ nữ thánh thiện, và sau này về toàn thể Giáo Hội, cùng với mỗi và mọi hành vi hiến mình của Chúa (Người không làm gì khác ngoài việc tốt), và một cách hết sức đặc biệt, tràn ngập tâm trí tín hữu một ký ức về sự hiến mình trong Phép Thánh Thể tại Bữa Tiệc Ly. Nếu không, hành vi cuối cùng kia sẽ xa cách chúng ta. Vì nó chỉ là một hành vi hoàn toàn nhưng một chiều, hành vi của Thiên Chúa, mà không có người xứng đáng để lãnh nhận. Rượu mới như thế liều mình sẽ làm bể bình cũ…

Nhưng không, hành vi hiến mình hoàn toàn của Chúa Giêsu trên Thập Giá đi vào bình rượu mới của các tâm hồn biết tiếp nhận và nếm trước Thánh Thể. Một Thánh Thể “cô đọng” được cuộc Khổ Nạn sẽ mang lại cho nó một “tỷ lệ tương xứng” với khả năng của ta, có thể nói như thế. Vì điều này, toàn bộ Khổ Nạn có thể và nên được coi như có tính cứu rỗi, bởi những ai chiêm ngắm nó đã được “bao gồm” trong hiệp thông với tình yêu cứu rỗi vốn đập nhịp trong Chúa đầy cảm thương rồi. Theo nghĩa này, ta có thể chiêm niệm việc rửa chân như là hành vi thanh tẩy, tương ứng với việc đổ máu cứu chuộc trên Thập Giá. Sự căng thẳng giữa lớn và nhỏ, giữa tầm thường và ngoại thường cô đọng tình yêu của Chúa và đặt nó vào thiên hướng của đức tin ta, ngăn cản không để trí hiểu của ta đi lệch về phía ngoại thường hoặc bị cái tầm thường làm loãng nhạt đi.

Có một sự tương tự sâu xa với điều trên trong công thức của bí tích hôn phối. Trong đó, các người phối ngẫu tự hiến cho nhau và hứa với nhau một lòng trung thành bao gồm, dự phóng và cô đọng đối với nhau, bất chấp sự gì xẩy ra trong đời: mạnh khỏe hay tàn tật, thịnh vượng hay gian nan. Là hình ảnh Giao Ước của Chúa Kitô từng được báo trước trong Phép Thánh Thể, vợ chồng cũng báo trước Tình Yêu của Chúa và làm nó bao gồm tất cả, khiến cho Giao Ước thành bất phản hồi.

Các bình rượu cũ

Thiên Chúa là hồng ân. Để hồng ân này có khả năng cho đi, Chúa đã làm cho bình đựng, tức người nhận, đồng hình đồng dạng với của ban, một thứ bình sẽ không vỡ, một thứ bình mới. Một thứ bình là hoa trái của Giao Ước giữa ơn thánh và tự do. Căn cứ vào viễn tượng “bình đựng” này, ta có thể chiêm niệm “mầu nhiệm Giao Ước giữa Thánh Thể và Giáo Hội”.

Như thế, ta hãy chú tâm vào điểm này: trong Thánh Thể, ta được của ăn biến đổi, như lời trích dẫn Thánh Leo Cả trong hiến chế Lumen Gentium: “tham dự mình và máu Chúa Kitô khiến ta bước vào diễn trình trở thành điều ta vừa tiếp nhận”. Khi ăn mình Chúa Kitô, dù Người đã trở nên cùng tầm cỡ với ta, nhưng Người không hề bị ‘gia giảm’. Phép lạ Thánh Thể hệ ở điều này: “bình đất xét” bắt đầu tiêu hóa của “châu báu” chứ không phải của xẩy ra trong thiên nhiên. Khi lãnh nhận Thánh Thể, ta là người được tiêu hóa vào Chúa Kitô. Bằng cách này, qua việc Người tự ban mình làm của ăn như Bánh Hằng Sống, Chúa khởi sự làm nên Giáo Hội. Người khởi sự biến đổi trong Nhiệm Thể của Người, trong một diễn trình tiêu hóa đầy mầu nhiệm và bí ẩn giống diễn trình nuôi dưỡng. Đồng thời, bất cứ khi nào diễn trình này có được sự “xin vâng” đầy tự do của Giáo Hội, một sự tin tưởng thuận tình đối với Giao Ước của Phu Quân, Giáo Hội cũng biến đổi thành nàng dâu của Người.

2. Tầm nhìn của Đức Maria, người phụ nữ Thánh Thể

Muốn chiêm niệm mầu nhiệm Giao Ước này tốt hơn, ta nên tập chú vào Đức Maria. Một lần nữa, ta có thể dựa vào tầm nhìn của Đức Gioan Phaolô II, người từng mời gọi ta bước vào “trường học của Đức Maria, người phụ nữ Thánh Thể”: “Muốn khám phá ra mối liên hệ thân thiết vốn kết hợp Giáo Hội với Thánh Thể trong tất cả mọi vẻ phong phú của nó, ta không thể quên được Đức Maria, là Mẹ và khuôn mẫu của Giáo Hội […] Đức Mẹ có thể hướng dẫn ta một cách hữu hiệu tới Bí Tích Cực Thánh này vì ngài vốn có mối liên hệ thâm sâu với Phép này”.

Dựa vào lối xếp lồng búpbê vào nhau (nesting dolls) của người Nga trong đó, những búpbê nhỏ hơn nhưng hoàn toàn đồng dạng được lần lượt lồng vào những búpbê lớn hơn, ta hãy bắt đầu với “người nhỏ nhất” là Đức Mẹ, để nhận ra điều đã hiển hiện nơi ngài, tức mầu nhiệm Giao Ước từng cho phép hồng ân Thiên Chúa được chấp nhận và thông truyền cho thế gian được sống, đã được biểu lộ ra sao nơi Giáo Hội phổ quát và nơi từng mỗi tâm hồn. Ta sẽ theo phương châm của các Giáo Phụ, theo đó, ít nhiều các vị đã nói như sau: “những gì được nói một cách phổ quát về Giáo Hội, cũng đã được nói một cách chuyên biệt về Đức Maria và một cách cá thể về mỗi tâm hồn tín hữu”.

Trong mối liên hệ giữa Đức Maria và Thánh Thể, ta thấy ba hình ảnh có thể cho thấy rõ các đặc tính của Giao Ước mà ta có thể áp dụng sau đó vào Giáo Hội phổ quát và vào chính linh hồn ta cách riêng.

Giao ước là đồng hành (company)

Hình ảnh Thánh Thể đầu tiên của Đức Maria cho ta thấy một người được “bao gồm” vào Giáo Hội, nhưng đồng thời, ngài cũng bao gồm trong đó sự nhỏ bé của ngài nữa, một cách đầy mầu nhiệm. Đức Gioan Phaolô II đề cập tới việc Đức Maria “tham dự” Phép Thánh Thể của cộng đoàn tiên khởi như sau: “Ngài hiện diện với các Tông Đồ, ‘đồng tâm nhất trí cầu nguyện’ (Cv 1:14), trong cộng đoàn đầu tiên, tụ tập nhau sau khi Chúa lên trời để chờ mong Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chắc chắn không thể thiếu sự hiện diện của ngài trong các cử hành Thánh Thể của các tín hữu thuộc thế hệ Kitô hữu đầu tiên, những người có thói quen chuyên chăm ‘bẻ bánh’ (Cv 2:42)”.

Cộng đoàn của các Tông Đồ này kiên tâm cầu nguyện trong tinh thần “đồng hành” với Đức Maria: “Vào tới trong thành, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Các ông ấy là: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Máthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thần mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu” (Cv 1:13-14).

Mầu nhiệm Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người là một mầu nhiệm “đồng hành”, chia sẻ cơm bánh, “ở với” người khác, trong gia đình, tại bàn ăn, một mầu nhiệm hiệp thông liên tục. Cuộc đồng hành này rất thích hợp đối với nền sư phạm của Chúa Giêsu, một sư phạm nhằm biến đổi mỗi người như đã áp dụng vào các môn đệ Emmau khi Người cùng đồng hành với họ tới lữ quán.

Giao Ước là tin tưởng (confidence)

Hình ảnh Thánh Thể thứ hai của Đức Maria cho ta thấy một nàng dâu hoàn toàn đặt tin tưởng vào Phu Quân của mình. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh tới “thái độ Thánh Thể bên trong” mà Đức Mẹ từng sống suốt cuộc đời ngài, một thái độ đã định nghĩa chính xác việc “phó thác cho Lời Chúa”. Đức Maria cô đọng trong chính ngài mọi “việc làm” liên quan tới Lời Chúa. Phó thác hàm nghĩa “không làm”, rất thích hợp với người hoàn toàn sẵn sàng tiếp nhận một hồng ân, “xin làm cho tôi như lời ngài nói”. Phó thác cũng hàm nghĩa “làm”, rất thích hợp với người hiến mình không tính toán hay không cân đo và khuyên nhủ người khác cũng làm như thế, “hãy làm bất cứ điều gì Người bảo các anh”.

Đối với Giáo Hội và đối với mỗi người chúng ta: “Sống cuộc tưởng niệm cái chết của Chúa Kitô trong Thánh Thể cũng hàm nghĩa liên tục lãnh nhận hồng ân này. Nó có nghĩa, theo gương Thánh Gioan, ta đem theo ta đấng đã được ban cho ta làm Mẹ. Nó cũng đồng thời có nghĩa phải cam kết cùng đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, học hỏi từ Mẹ Thánh Người và để ngài cùng đồng hành với ta”.

Việc hoàn toàn tin tưởng và vâng phục đức tin này biến Trái Tim Mẹ Maria thành bình chứa hoàn hảo để Ngôi Lời trở thành xác phàm và từ từ biến đổi Mẹ Người một cách toàn diện.

Giao ước là hy vọng (hope)

Hình ảnh Thánh Thể thứ ba của Đức Maria cho ta thấy một điều chỉ riêng Giao Ước mới có đó là sống trong dự phóng (anticipation), trong hy vọng điều đã được hứa. Đức Gioan Phaolô II nhắc đến mầu nhiệm “dự phóng” này khi ngài viết: “bằng cách ngày ngày chuẩn bị lên Canvariô, Đức Maria đã như sống một thứ ‘dự phóng Thánh Thể’, có thể nói như vậy, một thứ ‘hiệp thông thiêng liêng’ cả trong ước muốn lẫn trong hiến dâng, một hiệp thông sẽ lên đến cao điểm với việc kết hợp cùng Con trong Khổ Nạn và sau đó tự biểu lộ ra trong thời hậu Vượt Qua, trong lúc tham dự vào cử hành Thánh Thể, một cử hành do các Tông Đồ chủ tọa, để ‘tưởng niệm’ cuộc khổ nạn”.

Ước muốn và hiến dâng là hai thái độ dự phóng sẽ biến cải Giáo Hội và linh hồn mỗi tín hữu thành “bình rượu mới”. Giống như Đức Maria, nhờ ước muốn và hiến dâng này, ta trở thành bình chứa xứng hợp để Ngôi Lời mặc lấy xác phàm ở trong ta. Sự hiện diện khiêm nhường và dấu ẩn của Chúa trong Đức Maria, trong Giáo Hội và trong mỗi linh hồn, toả ánh sáng và hy vọng ra khắp thế gian. Đức Gioan Phaolô II diễn tả điều này cách tuyệt vời khi đề cập tới biến cố Thăm Viếng: “ ‘và phúc cho chị vì chị đã tin’ (Lc 1:45): Đức Maria đã dự phóng đức tin Thánh Thể của Giáo Hội trong mầu nhiệm Nhập Thể. Trong biến cố Thăm Viếng, khi mang trong mình Ngôi Lời đã mang xác phàm, ngài đã trở thành một thứ ‘nhà tạm’, nhà tạm đầu tiên trong lịch sử, nơi đó, Con Thiên Chúa, tuy vẫn vô hình đối với con mắt phàm nhân, nhưng đã được tỏ bày để Elisabeth thờ kính, như đang ‘tỏa’ ánh sáng từ đôi mắt và giọng nói của Đức Maria”.

Bởi thế, Đức Maria là mẫu mực của Giao Ước giữa Chúa và Nàng Dâu của Người là Giáo Hội, giữa Thiên Chúa và mỗi con người. Ngài là mẫu mực của Giao Ước đồng hành trong yêu thương, phó thác một cách tin tưởng và đầy hiệu quả, và hy vọng tròn đầy toả sáng hân hoan. Tất cả những đức tính này đã trở thành âm nhạc trong Kinh Ngợi Khen, một kinh mà Đức Gioan Phaolô II đã đem lại một viễn kiến Thánh Thể tuyệt diệu: “Dù gì, trong Kinh Ngợi Khen, vẫn có sự căng thẳng cánh chung của Thánh Thể. Mỗi lần Con Thiên Chúa được trình bày dưới tính nghèo hèn của hình bí tích, tức bánh và rượu, thế giới đều nhận được trong mình mầm giống của lịch sử mới, trong đó, ‘Người đã hạ bệ những ai quyền thế’ và ‘nâng cao mọi kẻ khiêm nhường’ (xem Lc 1:52). Đức Maria ca ngợi ‘trời mới’ và ‘đất mới’ từng được dự phóng trong Phép Thánh Thể, và theo một nghĩa nào đó, từng cho phép ta thoáng nhận ra ‘kế sách’ đã lên chương trình cho chúng. Vì Kinh Ngợi Khen nói lên linh đạo của Đức Maria, nên không điều gì giúp ta sống Mầu Nhiệm Thánh Thể tốt hơn nền linh đạo này. Thánh Thể đã được ban cho ta để nuôi sống ta, như đã nuôi sống Đức Maria, tất cả đều đã được Kinh Ngợi Khen nói đến!”.

Đức Gioan Phaolô II mời gọi ta bước vào “trường học của Đức Maria, người phụ nữ Thánh Thể”. Giờ đây, ta được chỉ cho thấy trong Kinh Ngợi Khen, “cùng đích” hay chương trình của trường này đã hiện diện một cách sống động ra sao. Một cùng đích có tính dự phóng, nghĩa là Tin Mừng hân hoan, đó là Thánh Thể, được sống như một bài ca vinh danh và cảm tạ. Như thế, Đức Maria quả đã ‘dự phóng chương trình của Thiên Chúa” dành cho thế gian, tức kế hoạch cứu rỗi của Người, và đã sống kế hoạch đó như nó vốn đã hiện diện một cách tiên tri. Sống bằng một niềm hân hoan tràn ngập viễn kiến đức tin của ngài. Theo Đức Gioan Phaolô đây cũng là cách Thánh Thể dự phóng việc sáng tạo ra lịch sử mới “trong tính nghèo hèn của mình”.

Tư tưởng trên cũng đã được Đức Bênêđíctô XVI diễn tả một cách sâu sắc trong Thông Điệp về đức cậy của ngài, khi ngài nhấn mạnh rằng đức cậy của Kitô Giáo đem lại một điều hết sức có chất lượng cho thời hiện đại của ta, vì đã dự phóng ơn cứu rỗi bằng cách không những chỉ cung cấp tín liệu về tương lai mà còn “tiến hành” cuộc sống hiện nay của ta nữa: “Chỉ khi nào tương lai trở thành chắc chắn như một thực tại tích cực, nó mới đồng thời mang theo hiện tại. Theo cách này, ta có thể nói rằng: Kitô Giáo không phải chỉ là ‘tin mừng’, để truyền đạt các nội dung tới đó chưa ai biết đến. Theo ngôn từ ngày nay, ta có thể nói rằng: sứ điệp Kitô Giáo không chỉ nhằm ‘thông tri’ mà còn nhằm ‘tiến hành’ (performative) nữa. Điều này có nghĩa: các Tin Mừng không phải chỉ là truyền đạt những điều nên biết, mà còn truyền đạt những điều lên khuôn cho các biến cố và thay đổi đời sống ta nữa. Những ô cửa tối tăm của thời gian, của tương lai, đều được mở rộng. Ai có lòng hy vọng sẽ sống cách khác hẳn; họ nhận được một đời sống mới”.

Những điều Thánh Thể hoàn thành trong sự nghèo hèn bí tích của nó đều được Đức Maria ca hát trong Kinh Ngợi Khen và khi ngài hát kinh đó, thì Giáo Hội và mỗi người chúng ta trong đó trở thành “đồng thời” với Đức Mẹ và sống nền linh đạo của ngài, là chính cuộc sống trong Thần Khí: “Là nguồn và đỉnh sự sống và sứ mệnh của Giáo Hội, Thánh Thể phải được diễn dịch thành hạn từ tâm linh, thành sự sống ‘theo Thần Khí’ (xem Rm 8:4; Gl 5:16; 5:25)”.

Tôi xin kết thúc phần này với câu trích bài giảng của Đức Gioan Phaolô II nhân dịp kỷ niệm 150 năm việc công bố tín điều Vô Nhiễm, trong đó, Đức Maria được định tính như là “hình ảnh cánh chung của Giáo Hội”, như người nói lên lời “xin vâng” đầu tiên đối với Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại và đi trước dân Thiên Chúa trên đường về Trời, và Giáo Hội nhận ra nơi ngài ơn cứu rỗi “đã được dự phóng” của mình: “Ngài, người đầu tiên được Con mình cứu chuộc, hoàn toàn tham dự vào sự thánh thiện của Người và trở nên điều được toàn thể Giáo Hội mong ước và hy vọng. Ngài là hình ảnh cánh chung của Giáo Hội. Vì thế, Đấng Vô Nhiễm chính là ‘nguồn và là hình ảnh của Giáo Hội, nàng dâu của Chúa Kitô, đầy ắp tuổi trẻ và vẻ đẹp trong sáng’ (Kinh Tiền Tụng), luôn đi trước dân Thiên Chúa trong hành trình đức tin tiến về Nước Trời. Trong việc Đức Maria được tượng thai cách vô nhiễm, Giáo Hội thấy mình được dự phóng, dự ứng trước ơn thánh cứu rỗi của Phục Sinh trong chi thể cao đẹp nhất của mình. Trong biến cố Nhập Thể, ta thấy Con và Mẹ kết hợp với nhau một cách không thể hủy tiêu: ‘Người, Đấng là Chúa và là đầu của Giáo Hội, và ngài, đấng nói lên lời xin vâng đầu tiên đối với Giao Ước, đã tiên niệm (prefigure) thân phận làm nàng dâu và làm Mẹ của Giáo Hội’”.

3. Các hậu quả mục vụ cụ thể

a. Các hậu quả có tính bản thân

Trong suốt bài giáo lý này, lúc ta chiêm niệm mầu nhiệm Giao Ước nơi Đức Maria, dần dần ta đã được thấy các phong phú của Thánh Thể và của Giáo Hội. Nơi Mẹ Thánh của ta, mọi sự đều trở nên cụ thể và “khả hữu”. Tại trường học của ngài, các mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa được mang một bộ mặt và một âm sắc mẫu thân và trở nên khả niệm đối với một niềm tin được đổ đầy bằng Tình Yêu, mà trong tư cách dân trung tín của Thiên Chúa, ta ngỏ với Đức Maria. Thiển nghĩ trong các kết luận cần được rút ra cho cuộc sống thiêng liêng của bản thân, mỗi người chúng ta phải chọn những kết luận nào mang đến niềm vui lớn lao nhất, như lời Thánh Inhaxiô viết trong Linh Thao. Kết hợp Thánh Thể và việc hiệp thông bí tích với Đức Maria là một điều ta làm hết sức tự nhiên. Thâm hậu hóa cái hiểu của ta về điều này là điều mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta.

Do đó, ta nên cầu xin cho được Ơn Hiệp Lễ như Đức Maria đã nhận lãnh Ngôi Lời, và để Thánh Thể lên xương thịt mới trong ta; ơn được lãnh nhận Thánh Thể từ tay Giáo Hội, với ta làm đĩa thánh, trong ý thức chính Đức Mẹ đặt đĩa ấy ở đây và trao phó nó cho ta; ơn được cùng Đức Maria hát Kinh Ngợi Khen trong lúc thinh lặng sau Hiệp Lễ; ơn biết dự phóng nơi Thánh Thể mọi sự sẽ trở thành ngày sống hay tuần sống của ta, mọi điều tốt lành và tích cực được dâng chung với bánh thánh, mọi đau khổ nhọc nhằn được dâng chung với rượu thánh; ơn được tin và yêu thương đặt trọn hy vọng vào tiền đề và biểu tượng cứu rỗi mà ta vốn đặt nơi từng Thánh Thể, để sau đó làm đời ta đồng hình đồng dạng với hình ảnh ta vừa lãnh nhận. Như thế, mỗi người chúng ta có thể rút tỉa được công phúc từ điều ta vừa chiêm niệm.

b. Các hậu quả có tính Giáo Hội

Ta cũng có thể rút ra một số kết luận có thể có ích cho đời sống Giáo Hội, căn cứ vào những phong phú đã thấy. Tình âu yếm và tôn kính mà tất cả chúng ta cảm nhận gần như tự phát đối với Đức Trinh Nữ, thì trước Thánh Thể, ta cũng phải vun xới đối với Giáo Hội. Hai loại tình cảm ấy phải như nhau vì như đã thấy, Đức Maria và Giáo Hội đều là “bình chứa” được biến đổi từ trong cốt lõi dành cho Đấng khát khao được “ngụ cư” trong đó. Hiệu quả của việc nhập thể này phát sinh từ sự kiện: các “bình rượu” này được biến đổi hoàn toàn thành những thực tại cao cấp nhất bao gồm cả chính chúng. Ngôi Lời khi nhận xác phàm từ Đức Maria đã thánh hóa ngài một cách hoàn toàn như thế nào (trước khi có Thánh Thể, đã được bao gồm trong việc Vô Nhiễm Thai), thì Giáo Hội cũng thánh thiện và thánh hóa như thế nhờ Giao Ước Thiên Chúa muốn ký với ngài.

Bởi thế, người Kitô hữu, mỗi khi nhìn Giáo Hội, đều thấy Giáo Hội thánh thiện, không tì vết, không vết nhơ, như Đức Maria, nàng dâu và là Mẹ. Người Kitô hữu coi Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, là bình đựng gìn giữ kho tàng đức tin luôn được vẹn tuyền, là Hiền Thê trung tín sẵn sàng thông truyền không thêm không bớt mọi điều Chúa Kitô ủy thác. Trong các bí tích, Giáo Hội thông truyền cho ta trọn vẹn sự sống mà Chúa Kitô đã đem đến cho ta. Mặc dù trong tư cách con cái, ta thường hay đôi khi phá vỡ Giao Ước với Chúa trên bình diện cá nhân, Giáo Hội vẫn là nơi trong đó Giao Ước này, giao ước ta nhận lãnh lúc rửa tội, vẫn nguyên vẹn và ta vẫn có thể tái lập được nó với bí tích Hòa Giải.

Từ viễn kiến toàn bộ này, có tính công giáo theo nghĩa đầy đủ nhất (“phổ quát một cách cụ thể”), một viễn kiến coi Giáo Hội như bình chứa mà phẩm chất và dung lượng được đo lường bởi chính Đấng đang cư ngụ và đang duy trì mãi mãi Giáo Ước của Người với Giáo Hội, ta thấy trào dâng nhiều khía cạnh khác có thể dùng để cải tiến hoặc sửa chữa hay diễn tả một cách minh nhiên hơn các khía cạnh thường thấy của Giáo Hội (như các khía cạnh phiến diện, rờ mó được, có tính lịch sử hay văn hóa). Nhưng luôn phải có Thần Khí Giao Ước không thể phá vỡ được, giống như trong cuộc hôn nhân tốt đẹp trong đó, mọi sự đều có thể mang ra thảo luận và cải thiện miễn là chúng chuyển động theo hướng Tình Yêu quan yếu vốn giữ gìn Giao Ước.

Tuyên xưng Chúa Kitô đã đến trong xác phàm là tuyên xưng rằng mọi thực tại nhân bản đều đã được “cứu thoát” và được thánh hóa trong Chúa Kitô. Vì điều đó, Chúa Giêsu đã muốn chết 3 ngày và trong ba ngày ấy đã xuống ngục tổ tông, nơi xa Thiên Chúa nhất mà con người có thể đạt được. Giáo Hội, trong tư cách một thực tại hoàn toàn “được thánh hóa” và, dù rất nghèo hèn, thậm chí tội lỗi nữa, nhưng có khả năng tiếp nhận và thông truyền một cách không lầm lẫn hay thiếu sót sự thánh thiện trọn vẹn của Thiên Chúa, vẫn không phải là một “bổ túc” hay một “thêm thắt có tính định chế” vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng là người tham dự đầy đủ vào chính việc Nhập Thể của Người, vào chính đời sống của Người, vào cuộc khổ nạn, cái chết và việc sống lại của Người. Không có những “bình rượu mới” này là Giáo Hội và Đức Maria thì việc Ngôi Lời vĩnh cửu đến thế gian và mang lấy xác phàm, một Ngôi Lời thuận tai ta và một sự sống thuận lịch sử ta, sẽ khó có thể được tiếp nhận cách thỏa đáng.

Để có thể chiêm niệm mầu nhiệm Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, một Giao Ước xuất hiện từ Cựu Ước và hiện được nới rộng cho mọi người có thiện chí, việc đầu tiên là định vị Giáo Hội vào giữa mầu nhiệm này như chiếc “bình chứa hoàn toàn được thánh hóa và có thể thánh hóa”, giống Đức Maria, từ đó trào dâng hồng ân Thiên Chúa cho thế gian được sống. Như lời Đức Giáo Hoàng từng trích dẫn Vatican II.

Như thế, ta hãy xem sét thực tại Giáo Hội – Maria này, một thực tại tại vốn lấy Thánh Thể làm trung tâm: sống bằng Thánh Thể và giúp ta sống nhờ Thánh Thể. Ta hãy xem thực tại Giáo Hội – Maria từng tiếp nhận từ phu quân mình trọn bộ hồng ân Bánh hằng sống cùng với sứ vụ phân phối nó cho mọi người, để thế gian được sống.

Trong thực tại này, Giao Ước của Thiên Chúa với nhân loại đã được ban hành, được tiếp nhận và được truyền đạt nguyên tuyền, không sứt mẻ. Việc chú rể tự hiến cho tới cùng đã làm cho nàng dâu Maria/ Giáo Hội nên thánh thiện hoàn toàn, đã thanh tẩy và luôn đổi mới trong đức tin và đức ái và các cửa hoả ngục sẽ chẳng làm gì được.

Tôi xin kết thúc bằng cách thưa rằng sự chắc chắn đối với tính thánh thiện của Giáo Hội này không phải chỉ là chuyện đặc ân bản thân hay xã hội, mà đúng hơn Giáo Hội được sắp đặt để phục vụ. Tôi xin được giải thích đôi chút. Vì Giáo Hội luôn tìm cách bảo vệ sự tinh tuyền của mình, bởi vẫn luôn có những kẻ lạm dụng sức mạnh của Giáo Hội (đây là chuyện đáng khinh vì đã dùng một điều chỉ có lợi cho cuộc sống vĩnh cửu để phục vụ thèm muốn chóng qua), nên thế gian thường có ấn tượng Giáo Hội luôn tìm cách bảo vệ quyền lực của mình, chứ thực sự không phải như thế. Khi bảo vệ sự tinh tuyền, sự không thể thiếu sót của mình, sự thánh thiện trong tư cách nàng dâu của mình, Giáo Hội chỉ bảo vệ “nơi chốn” qua đó hồng ân sự sống của Thiên Chúa được chuyển tới thế gian và hồng ân sự sống thế gian được chuyển lên Thiên Chúa. Hồng ân này, mà biểu thức trọn vẹn nhất được tìm thấy nơi Thánh Thể, không phải là một ân phúc nữa giữa chúng ta mà là hồng ân tối cao là chính sự sống thâm hậu nhất của Chúa Ba Ngôi được đổ ra cho thế gian được sống và là sự sống thế gian do Chúa Con mặc lấy nay được dâng lên Chúa Cha.

Balthasar từng viết rằng: “Hành vi trao ban, qua đó Chúa Cha đổ tràn Chúa Con xuống toàn bộ không gian và thời gian của sáng thế, là việc dứt khoát mở rộng hành vi Ba Ngôi theo nghĩa ‘Các Ngôi’ chính là ‘các liên hệ’ của Thiên Chúa, các hình thức, có thể nói như thế, cho đi, tuyệt đối tự hiến và lưu chuyển Yêu Thương (Loving fluidity)”.

Chính bản chất bất khả cân xứng, bất khả đáp đền của hồng ân từng được thông truyền cho ta này đã thúc đẩy Chúa thánh hóa Giáo Hội một cách không thể thiếu sót, như Người đã làm cho Mẹ Người, một cách chắc chắn phải khiến cho hồng ân này vừa được tiếp nhận vừa được thông truyền “cho thế gian được sống”. Mầu nhiệm Giao Ước khiến Giáo Hội hoàn toàn thánh thiện chính là mầu nhiệm vừa phục vụ vừa sống. Ta không bao giờ được phép ngừng thán phục sự kiện này là việc dứt khoát mở rộng sự sống Ba Ngôi đã được ban cho và đang được đổ xuống không phải trên một số người mà là cho trọn thế gian được sống. Đây là trường hợp không phải ai cũng biết hay cũng lợi dụng được hoa trái Tự Do khôn lường của Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, Đấng tự ban hoàn toàn cho mọi người.

“Khi kết hợp với Chúa Kitô, thay vì khóa kín mình, Dân của Giao Ước Mới được hoán cải thành “bí tích” đối với toàn thể nhân loại, thành dấu chỉ và dụng cụ của cứu rỗi trong công trình của Chúa Kitô, thành ánh sáng cho thế gian và muối cho đời (xem Mt 5:13-16), để mọi người được cứu chuộc. Sứ mệnh của Giáo Hội tiếp nối sứ mệnh của Chúa Kitô: “Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con” (Ga 20:21). Bởi thế, Giáo Hội tiếp nhận sức mạnh bí tích cần thiết để hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc đời đời hóa hy lễ Thập Giá trong Phép Thánh Thể và trong việc hiệp thông mình và máu Chúa Kitô. Như thế, Thánh Thể chính là nguồn, và đồng thời là đỉnh điểm của mọi công cuộc phúc âm hóa, vì mục tiêu của nó là sự hiệp thông mọi người với Chúa Kitô và nơi Người, với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần.