Nhà báo kỳ cựu chuyên viết về Vatican, Andrea Gagliarducci, vừa có một bài giá trị nói về lịch sử ngành truyền thông của Tòa Thánh và động thái mới đây của Đức Phanxicô (http://www.mondayvatican.com/vatican/pope-francis-a-new-model-for-vatican-communication).

Theo nhà báo này, các việc bổ nhiệm Ông Matteo Bruni làm Giám Đốc Phòng Báo Chí và hai Ông Alessandro Gisotti và Sergio Centofanti làm phó giám đốc xã luận của Bộ Truyền Thông cho thấy ngành truyền thông của Tòa Thánh đã diễn biến ra sao.

Trong Pastor Bonus (Mục tử Nhân lành), là tông hiến, cho đến nay, quy định các chức năng và nhiệm vụ của các bộ sở của Giáo Triều, Văn phòng Báo chí Tòa thánh được liên kết trực tiếp với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Tin tức cho các bản tin hàng ngày, hướng dẫn về việc tin tức nào sẽ được cung cấp, các hướng dẫn về quản trị tin tức, tất cả đều xuất phát từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Giám đốc của Văn phòng Báo chí được kêu gọi lên khuôn thông tin này và truyền đạt nó.

Do đó, Văn phòng Báo chí Tòa thánh không chỉ là một văn phòng báo chí. Nó cũng hoạt động như một văn phòng truyền thông, và là trung gian giữa “cung điện” và các phương tiện truyền thông.

Vai trò của Văn phòng Báo chí Tòa thánh là một phần của một kế sách toàn diện hơn: Tòa thánh có một loạt các phương tiện truyền thông, tất cả đều độc lập, được giao cho nhiệm vụ cung cấp một viễn ảnh tin tức bao quát hơn nhìn theo quan điểm của Giáo hội.

Tờ L'Osservatore Romano, tờ báo của Tòa thánh, cuối cùng, được hạ sinh để bảo vệ Tòa thánh khỏi những gì Đức Piô IX gọi là “cuộc tấn công vào sự thật” - nghĩa là sự thao túng lịch sử đi kèm với Vương quốc Savoy trong mưu toan sát nhập Lãnh địa Giáo hoàng.

Đài phát thanh Vatican được thành lập bởi nhà phát minh ra truyền thanh, Guglielmo Marconi, và được thiết kế như một công cụ để truyền bá viễn kiến của Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh cho thế giới.

Cả hai công cụ đều rất quan trọng thời chủ nghĩa phát xít ở Ý và trong Thế chiến thứ hai. Tòa Thánh đã có thể cung cấp một viễn kiến sáng suốt và có thực chất về cuộc chiến nhờ Osservatore Romano, một tờ báo đã có thể vượt qua các bản tin chính thức của Ý.
Đức Piô XII đã phát động qua đài phát thanh các thông điệp hòa bình của ngài, các thông điệp hiện vẫn đang làm sáng tỏ nhiều thách thức của thời đại.

Cả Đài Vatican lẫn tờ báo đều là những công cụ liên kết với Tòa thánh, nằm trong lãnh thổ Vatican. Cả Văn phòng Báo chí cũng nằm trong lãnh thổ Vatican. Thực ra, ban đầu, nó là một văn phòng báo chí liên kết với Osservatore Romano, nơi các nhà báo đưa tin về Vatican có thể nhận được các bản tin và thông tin.

Nghịch lý thay, Công đồng Vatican II đã thay đổi mọi thứ. Các phương tiện truyền thông đã nhảy vào cuộc thảo luận của Công đồng và cố gắng giải quyết và chỉ đạo một số quyết định của các Nghị phụ. Đức Phaolô VI hiểu được sự nguy hiểm. Ngài quyết định chuyển Văn phòng Báo chí ra ngoài tường thành Vatican, và đưa ra nhiều bộ máy lọc lựa truyền thông, trong khi vẫn để đài phát thanh và tờ báo tự do phát biểu.

Sau Công đồng Vatican II, tác động mới của ngành truyền thông xã hội dẫn đến một văn phòng mà sau đó trở thành một Hội đồng Giáo hoàng, nghĩa là một loại thánh bộ ở Giáo Triều. Đài phát thanh bắt đầu phát sóng từ Palazzo Pio, bên ngoài Bức tường Vatican, trong khi các tòa nhà lịch sử của nó bị bỏ lại bên trong các bức tường này.

Do đó, các phương tiện truyền thông của Vatican phần nào vẫn liên kết với lãnh thổ nhỏ bé của Thị Quốc, một ngôi làng đã mang xác thịt lại cho linh hồn của Tòa Thánh.

Quyết định nối kết Văn phòng Báo chí Tòa thánh với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ra đời từ lý do này. Bộ Truyền thông mới đã thay đổi mọi thứ, vì nhiều lý do.

Trước hết, tất cả các cơ quan truyền thông của Vatican đã được thống nhất, để có sự phối hợp đáng kể về nội dung. Các nội dung cũng đã được thống nhất. Từng bước, hướng xã luận đã chiếm ưu thế hơn việc quản trị thông tin. Được củng cố với việc bổ nhiệm Alessandro Gisotti và Sergio Centofantias làm phó giám đốc xã luận, hướng xã luận sẽ là nơi khởi đầu của tất cả các hoạt động truyền thông của Vatican.

Như thế, Bộ Truyền thông của Vatican sẽ là người sẽ quản trị thông tin, trong khi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh - nơi các bản tin và thông tin chính thức phát xuất - mất trọng lượng về phương diện truyền thông. Một điều gì đó bị mất về phía báo chí; một điều gì đó đạt được về phía truyền thông định chế.

Biểu tượng của sự thay đổi này là quyết định di chuyển tất cả các phương tiện truyền thông của Vatican ra ngoài lãnh thổ của Thị quốc Vatican. Bắt đầu từ năm tới, các văn phòng của đài phát thanh, truyền hình và báo chí của Vatican sẽ được đặt tại Palazzo Pio, tại trụ sở của Đài phát thanh Vatican. Chỉ có bộ phận hành chánh là được giữ lại trong các bức tường của Vatican.

Gần như có một cảm thức rằng điều này có nghĩa là một sự chuyển tiếp để bước sang một ngành truyền thông chuyên nghiệp và và có tính định chế hơn, mặc dù là một ngành truyền thông ít liên kết với Tòa Thánh hơn. Để có cái nhìn xa hơn, người ta có thể đọc trong đó thấy việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô thích các các khu ngoại vi hơn là trung tâm. L’Osservatore Romano và ấn bản tiếng Ý của nó đang dành nhiều không gian hơn cho các tin tức phát xuất từ Giáo hội ở các vùng ngoại vi. Các thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các biến cố hoặc lễ kỷ niệm được phát hành bởi các Giáo hội địa phương hoặc bởi các phương tiện truyền thông của Vatican, nhưng chúng không xuất hiện trong các bản tin chính thức của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.

Các bộ phận truyền thông của Vatican cân bằng động thái này bằng cách nâng cao địa vị của tiếng Latinh - hiện đã có chương trình phát sóng hàng tuần bằng tiếng Latinh - để hiển thị lịch sử của Tòa thánh và tính đặc thù của nó.

Gagliarducci nhận định rằng đây có thể là mô hình truyền thông mới cho Tòa Thánh, một mô hình cũng xuất phát từ nhu cầu hợp lý hóa bộ phận truyền thông. Tuy nhiên, mô hình này không nhằm chứng minh rằng chỉ đến nay, Tòa Thánh mới mở ra với thế giới: Tòa Thánh luôn luôn làm điều đó. Thay vào đó, Tòa Thánh muốn cho thấy việc mình từ bỏ viễn cảnh Vatican. Viễn cảnh này có nhiều lý do để hiện hữu. Bây giờ, nó có nguy cơ bị lãng quên.