Giải đáp phụng vụ: Khi linh mục đọc "Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi...", thì cộng đoàn đứng phải không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Sau khi linh mục rửa tay sau phần dâng bánh rượu, ngài đứng hướng về cộng đoàn và đọc lời mời: "Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em...". Tôi muốn hỏi rằng, tại thời điểm này của phụng vụ, cộng đoàn ở trong tư thế ngồi hay đứng? Trong nhiều cộng đoàn và quốc gia khác nhau, cộng đoàn giữ việc này trong nhiều tư thế khác nhau. Một số nơi đứng ngay ở lời mời "Anh chị em hãy cầu nguyện”, một số nơi đứng tại thời điểm lời nguyện trên lễ vật, và một số nơi đứng tại thời điểm kinh tiền tụng. Có một số nhầm lẫn vì hương không được sử dụng trong thánh lễ ngày thường. – G. S., Shkoder, Albania.


Đáp: Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói như sau trong số 43:

"43. Tín hữu đứng: từ đầu ca nhập lễ, hoặc khi vị tư tế tiến tới bàn thờ, cho đến hết lời nguyện nhập lễ; khi hát A-lê-lu-ia trước Tin Mừng; khi công bố Tin Mừng; khi đọc kinh Tin Kính và lời nguyện cho mọi người; từ lời mời Orate, fratres (Anh em hãy cầu nguyện) trước lời nguyện tiến lễ cho đến hết lễ, trừ những gì sẽ nói sau.

“Còn ngồi: khi đọc các bài đọc và thánh vịnh đáp ca trước Tin Mừng, khi nghe diễn giảng và khi sửa soạn lễ phẩm cho phần dâng lễ; và tùy nghi khi giữ thinh lặng thánh sau hiệp lễ.

“Sẽ quỳ, khi truyền phép Mình Thánh, Máu Thánh, trừ khi vì lý do sức khoẻ, vì nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng khác, không thể quỳ được. Những người không quì khi truyền phép thì phải cúi mình sâu khi vị tư tế quì gối sau truyền phép.

“Tuy nhiên, Hội Ðồng Giám Mục được quyền thích nghi các cử chỉ và điệu bộ ghi trong phần Thường Lễ của Sách Lễ Rôma, sao cho phù hợp với cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc. Nhưng cũng phải liệu sao cho phù hợp với ý nghĩa và tính chất của từng phần Thánh Lễ. Ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô Thánh Thánh Thánh cho đến hết Kinh Nguyện Thánh Thể, thì đó là điều đáng khen nên duy trì.

“Ðể có sự đồng nhất về cử chỉ và điệu bộ trong cùng một cử hành, các tín hữu phải tuân theo lời hướng dẫn của phó tế hay thừa tác viên giáo dân, hay vị tư tế theo như các sách phụng vụ qui định” (Bản dịch tiếng Việt của linh mục P.X. Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Tiêu chuẩn chung này được làm rõ thêm trong số 146:

"146. Trở lại giữa bàn thờ, vị tư tế đứng hướng về giáo dân, dang tay ra, rồi chắp lại, mời gọi họ cầu nguyện, mà rằng: "Anh chị em hãy cầu nguyện...". Giáo dân đứng lên và thưa "Xin Chúa nhận lễ vật...". Sau đó, vị tư tế dang tay đọc lời nguyện tiến lễ; cuối lời nguyện, giáo dân tung hô "A-men" (bản dịch của cha Cần).

Qui định này nói chưa rõ ràng hoàn toàn, là liệu giáo dân đứng lên ngay khi linh mục đọc “Anh chị em hãy cầu nguyện”, hay liệu giáo dân chờ cho đến khi linh mục đọc xong lời mời rồi giáo dân mới đứng lên và thưa lại “Xin Chúa nhận hi lễ bởi tay cha...”

Tuy nhiên, chữ đỏ của thánh lễ, khi đặt qui định rằng giáo dân đứng lên và thưa giữa "Anh chị em hãy cầu nguyện" và lời thưa của giáo dân, hàm ý rằng giáo dân nên đợi cho đến khi linh mục đọc xong thì mới đứng lên, hoặc thưa kinh trong khi đứng lên ngay khi linh mục đọc gần xong.

Phải nhìn nhận rằng điều này đòi hỏi một cộng đồng khá kỷ luật, để mọi người đứng lên đồng loạt với nhau khi linh mục kết thúc lời mời, và rằng các khoảnh khắc thinh lặng hoặc nhầm lẫn là không khó xảy ra.

Vì vậy, tôi không coi đây là một vấn đề đặc biệt, nếu ở một số nơi cộng đoàn đứng ngay lên khi linh mục đang đọc "Orate, fratres, Anh chị em hãy cầu nguyện". Bởi vì cả lời mời và lời thưa đều ngắn, chúng hầu như không gây bất kỳ khó khăn nào.

Người ta không tiên liệu rằng cộng đoàn đứng lên sau lời thưa, mặc dầu Hội đồng Giám mục hợp pháp có thể đề xuất để chọn sự thay đổi trên so với sách lễ Rôma.

Thật là không phù hợp với truyền thống phụng vụ khi cộng đoàn vẫn ngồi trong lời nguyện trên lễ vật. Cộng đoàn thường đứng, hoặc đôi khi quỳ gối, khi linh mục đọc bất kỳ lời nguyện chủ sự nào trong thánh lễ. (Zenit.org 23-4-2013)

Nguyễn Trọng Đa