Giải đáp phụng vụ: Ngoài Giám mục, ai có thể cung hiến nhà thờ?

Nói thêm về ai cầm Sách Tin Mừng.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Giám mục của chúng con đã qua đời cách đây hai năm. Hiện Giáo phận đang trống tòa. Chúng con chỉ có một Hội Đồng Tư Vấn, được Giám mục chỉ định trước khi ngài qua đời. Mới đây vị niên trưởng của Hội Đồng Tư Vấn đã làm phép hoặc cung hiến một nhà thờ. Câu hỏi của con là, vị này có thể dùng công thức cung hiến nhà thờ mà Giám mục thường dùng không? Đó là sự làm phép, hay là cung hiến nhà thờ trong trường hợp này? Liệu hiệu quả của nghi thức này là có khác gì so với nghi thức do Giám mục thực hiện không? - D. Z., Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đáp: Đây có lẽ là một câu hỏi về giáo luật hơn là về phụng vụ, nhưng tôi sẽ cố gắng trả lời tốt nhất có thể.

Trước hết, chúng ta có thể xem giáo luật nói gì về ai là người có thẩm quyền trong giáo phận, và điều gì xảy ra khi giáo phận trống tòa.

“Ðiều 134 §1. Trong luật, tiếng "Bản Quyền" ám chỉ, ngoài Ðức Giáo Hoàng ra, cả Giám Mục giáo phận và những người đứng đầu - dù là lâm thời - một Giáo Hội địa phương hay một cộng đoàn tương đương nói ở điều 368, cùng những người hưởng quyền hành pháp thông thường tổng quát trong những nơi ấy, tức là: các tổng đại diện và đại diện Giám Mục; lại nữa, đối với các phần tử của mình, các Bề Trên cao cấp của các dòng tu giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng và các Bề Trên cao cấp của các tu đoàn tông đồ giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng, tức những người nắm giữ ít là quyền hành pháp thông thường.

“§2. Tiếng "Bản Quyền sở tại" ám chỉ tất cả những người nói ở trong §1, trừ các Bề Trên của các dòng và của các tu đoàn tông đồ.

“§3. Trong phạm vi quyền hành pháp, điều gì luật quy gán cho các Giám Mục giáo phận thì chỉ được ám chỉ cho thẩm quyền của Giám Mục giáo phận và những người được đồng hóa theo điều 381, §2, chứ không được áp dụng cho tổng đại diện hay đại diện Giám Mục, trừ khi có ủy nhiệm đặc biệt.

“Ðiều 368: Các Giáo Hội địa phương, trong đó và từ đó mà một Giáo Hội Công Giáo duy nhất hiện hữu, ám chỉ trước hết là các giáo phận; các lãnh thổ thuộc giám hạt tòng thổ và đan viện tòng thổ, Ðại Diện Tông Tòa và Phủ Doãn Tông Tòa và cả Giám Quản Tông Tòa được thiết lập cách thường trực cũng được đồng hóa với các giáo phận, trừ khi đã rõ cách nào khác.

“Ðiều 416: Tòa Giám Mục trở nên trống hay khuyết vị vì sự mệnh một của Giám Mục giáo phận, sự từ chức đã được Ðức Thánh Cha chấp nhận, sự thuyên chuyển hoặc cách chức được thông báo cho Giám Mục.

“Ðiều 419: Kể từ khi trống tòa, việc quản trị giáo phận, cho tới khi đặt được Giám Quản giáo phận, được chuyển sang Giám Mục Phụ Tá; nếu có nhiều Giám Mục Phụ Tá thì vị nào cao niên hơn cả xét theo thứ tự được tiến cử; nhưng nếu không có Giám Mục Phụ Tá, thì việc quản trị giáo phận chuyển sang Hội Ðồng Tư Vấn, trừ khi Tòa Thánh dự liệu thể khác. […]

“Ðiều 421 §1. Trong vòng tám ngày kể từ khi nhận được tin trống tòa; Hội Ðồng Tư Vấn phải bầu một Giám Quản giáo phận, tức là người tạm thời quản trị giáo phận, đừng kể quy định của điều 502 §3.

“§2. Nếu vì bất cứ lý do nào Giám Quản giáo phận chưa được bầu cử hợp lệ trong vòng thời gian đã ấn định, thì sự chỉ định Giám Quản sẽ chuyển sang Tổng Giám Mục; nếu chính tòa Tổng Giám Mục bị khuyết vị, hay tòa Tổng Giám Mục bị trống cùng một lúc với một tòa thuộc hạt, thì việc chỉ định Giám Quản thuộc quyền Giám Mục thuộc hạt cao niên nhất xét theo sự tiến cử.

“Ðiều 422: Giám Mục Phụ Tá, và nếu không có Giám Mục Phụ Tá thì Hội Ðồng Tư Vấn, phải lo thông báo cho Tòa Thánh sớm hết sức biết tin Giám Mục đã từ trần; và ai đã được bầu làm Giám Quản giáo phận cũng phải thông tri sớm hết sức cho Tòa Thánh biết việc mình đã được bầu.

“Ðiều 423 §1. Chỉ được chỉ định một Giám Quản giáo phận mà thôi; mọi thói quen trái ngược đều phải bị bài bác; nếu không, thì sự bầu cử sẽ vô hiệu. […]

“Ðiều 425 §1. Ðể có thể được chỉ định hữu hiệu vào chức vụ Giám Quản giáo phận, cần phải là tư tế nào đã đủ ba mươi lăm tuổi, và chưa bao giờ được bầu, được bổ nhiệm hoặc được đề cử cho chính tòa bị trống ấy.

“§2. Tư Tế được chọn làm Giám Quản giáo phận phải là người trổi vượt về đạo lý và khôn ngoan.

“§3. Nếu mọi điều kiện ấn định trong §1 không được tôn trọng thì Tổng Giám Mục, hoặc nếu chính tòa Tổng Giám Mục khuyết vị thì Giám Mục thuộc hạt cao niên hơn cả xét theo ngày tiến cử, sau khi đã kiểm chứng sự việc, sẽ chỉ định Giám Quản cho lần đó. Những hành vi thực hiện do người được bầu lên trái ngược với quy định ở §1trên đây, đều vô hiệu do chính luật.

“Ðiều 426: Trong thời gian trống tòa, trước khi Giám Quản giáo phận được chỉ định, người nào quản trị giáo phận thì có quyền hành mà luật dành cho Tổng Ðại Diện.

“Ðiều 427 §1. Giám Quản giáo phận có mọi nghĩa vụ và quyền hành như Giám Mục giáo phận, ngoại trừ những gì xét theo bản tính sự việc hoặc chính luật pháp đã loại trừ.

“§2. Giám Quản giáo phận được hưởng quyền hành do việc đã ưng thuận sự bầu cử và không cần sự phê chuan của ai khác, nhưng phải giữ bổn phận nói ở điều 833, số 4.

“Ðiều 428 §1. Trong khi trống tòa, thì không được đổi mới gì cả.

“§2. Cấm những ai đảm nhiệm việc quản trị tạm thời giáo phận không được làm bất cứ việc gì có thể gây tổn thiệt cho giáo phận hoặc cho các quyền lợi của Giám Mục; đặc biệt cấm các vị đó và bất cứ ai khác nữa không được đích thân hay nhờ người khác lấy ra, tiêu hủy, sửa chữa bất cứ các tài liệu nào của phủ giáo phận.

“Ðiều 429: Giám Quản giáo phận có nghĩa vụ cư trú trong giáo phận và phải dâng thánh lễ cầu cho dân, chiếu theo luật điều 388” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh.)

Mặc dù bạn đọc này không nêu rõ vấn đề, tôi nghĩ rằng, do tình trạng trống tòa đã kéo dài hơn hai năm, chúng ta có thể đoán rằng linh mục mà bạn này gọi là thành viên cao cấp của Hội Đồng Tư Vấn, trong thực tế, là vị Giám quản của giáo phận, và do đó ngài có hầu hết các quyền bính của Giám mục, ngoại trừ trong một số vấn đề đặc biệt - thí dụ, các vấn đề đòi hỏi phải có đặc tính giám mục, như việc ban bí tích truyền chức thánh. Ngoài ra còn có một số hành vi pháp lý khác mà ngài không bao giờ thực hiện, và làm các hành vi khác chỉ với sự đồng ý của Hội Đồng Tư Vấn, và làm các hành vi khác ấy chỉ sau khi một năm trống tòa.

Sách Nghi thức của Giám mục, số 867, nói như sau về sự cung hiến nhà thờ:

“Bởi vì Giám mục đã được giao phó sự chăm sóc Giáo hội địa phương, nên ngài có trách nhiệm cung hiến lên Chúa các nhà thờ mới được xây dựng trong giáo phận của mình. Nếu ngài không thể chủ sự nghi thức, ngài nên giao chức năng này cho một Giám mục khác, đặc biệt là Giám mục phó hay Giám Mục Phụ Tá, là các vị giúp ngài chăm sóc mục vụ cộng đoàn, mà nhà thờ mới được xây dựng cho, hoặc, trong hoàn cảnh đặc biệt, ngài giao việc cung hiến cho một linh mục, mà ngài trao cho ủy nhiệm đặc biệt.”

Trong ánh sáng các điều trên đây, và đặc biệt nhận thấy thời gian trống tòa đã hơn hai năm, và không rõ khi nào tình hình hiện tại sẽ thay đổi, vị Giám quản giáo phận sẽ có thẩm quyền và quyền tài phán để cử hành nghi thức cung hiến một nhà thờ mới.

Khi cử hành nghi thức, ngài có thể bỏ qua các yếu tố nghi thức, vốn gắn liền với chức Giám mục, như sử dụng mũ Giám mục và gậy Giám mục. Trong việc này, vị Giám quản giáo phận là khác với các linh mục khác, những người tương đương về luật với các Giám mục một cách ổn định, chẳng hạn một vị Viện phụ tòng thổ hay vị Phủ Doãn Tông Tòa. Các vị này thường được cấp quyền sử dụng một số phù hiệu giám mục, trong việc thực hiện chức năng của họ.

Tuy nhiên, ngoài các yếu tố bên ngoài này, việc cung hiến nhà thờ sẽ là hoàn toàn hợp lệ, và không cần nghi thức bổ sung nào được yêu cầu sau khi một Giám mục mới sẽ đến giáo phận.

Sau khi tôi trả lời ngày 16-7-2019 cho câu hỏi về liệu ai mang Sách Tin Mừng khi rước vào nhà thờ, một độc giả từ Wagga Wagga, Australia, đã hỏi: “Liệu là đúng chăng để nói rằng khi Hội Thánh, trong các sách phụng vụ của mình, nói đến “một thầy đọc sách” (lector) mang Sách Tin mừng, Hội Thánh đề cập cụ thể đến một người chính thức được thiết định trong thừa tàc ấy, chứ không đơn giản là một "người đọc sách” (reader)? Trong trường hợp đó, dường như chỉ có một phó tế hoặc một thầy đọc sách đã được trao tác vụ mới mang Sách Tin Mừng trong đoàn rước đầu lễ. Hơn nữa, trong trường hợp không có phó tế hoặc thầy đọc sách, liệu linh mục có thể mang Sách Tin Mừng không?”

Mặc dù Sách Lễ cho rằng lý tưởng là sự hiện diện của các thừa tác viên được trao tác vụ, tôi không nghĩ rằng các quy chế là quá hạn chế, đến mức loại trừ rằng một người đọc được ủy quyền có thể thực hiện chức năng này. Theo Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM):

“101. Nếu không có thầy đọc sách, các giáo dân khác có thể được cử để đọc các bài Thánh Kinh. Họ phải có khả năng để chu toàn nhiệm vụ này và được chuẩn bị cẩn thận, để tín hữu khi nghe đọc sách thánh thì trong lòng nhận được tác động êm dịu và sống động của Thánh Kinh.”

Và Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma mô tả nghi thức đầu lễ như sau:

“120. Khi giáo dân đã tập hợp, vị tư tế và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới bàn thờ theo thứ tự sau đây:

“a. Người mang bình hương có đốt hương sẵn, nếu có xông hương;

“b. Các thừa tác viên cầm nến và thầy giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm thánh giá đi giữa họ;

“c. Các thầy giúp lễ và các thừa tác viên khác;

“d. Thầy đọc sách, thầy này có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách Bài Ðọc, nâng cao lên một chút;

“e. Vị chủ tế.

“Nếu có xông hương, linh mục sẽ bỏ hương trước khi đi rước, chúc lành bằng dấu thánh giá, mà không nói chi hết” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

Trong ánh sáng của điều trên, nếu người làm luật muốn giới hạn việc mang Sách Tin Mừng cho các thầy đọc sách đã có tác vụ, thì họ đã phải nói rõ ràng điều này trong luật phụng vụ rồi. Tuy nhiên, nếu các thầy đọc sách có mặt tại đó, rõ ràng họ sẽ được ưu tiên thực hiện chức năng này.

Mặc dù sẽ có một số trường hợp hơi bất thường, mà trong đó không có phó tế hoặc người đọc sách nào, hoặc người đọc, vì lý do nào đó, không thể tham gia vào cuộc rước, một linh mục có thể mang Sách Tin Mừng. Thông thường việc sử dụng Sách Tin Mừng là vào Chúa Nhật và ngày lễ trọng, mà trong đó hầu như khi nào cũng có một người đọc sách.

Tuy nhiên, nếu không có cuộc rước đầu Thánh lễ, Sách Lễ cũng đưa ra khả năng đặt Sách Tin Mừng lên bàn thờ, trước khi Thánh lễ bắt đầu. (Zenit.org 30-7-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/dedication-rites-for-a-church/