THƯỢNG HẢI - Tại thành phố Macareta, Ý Ðại Lợi, nơi sinh trưởng của linh mục Matteo Ricci, đang có cuộc triển lãm nhằm vinh danh nhà truyền giáo lỗi lạc của dòng Tên, đã vào Trung Hoa trong thế kỷ 16 để rao giảng tin mừng. Ðồng thời tại Thượng Hải, Trung Quốc cũng có một cuộc triển lãm tương tự nhằm trình bày những thành quả và sứ vụ đầy qủa cảm của nhà truyền giáo Matteo Ricci.

Ðây là lần đầu tiên từ năm 1949, chính quyền cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải cho phép mở một cuộc triển lãm về những hoạt động của cha Ricci. Trong cuộc triển lãm này, người ta trưng bày những bài viết, những sách vở của cha Ricci đã mang vào Trung Quốc, những tác phẩm nghệ thuật, những bức họa và các cổ vật đời Minh.

Cơ sở đứng ra tổ chức cuộc triển lãm là Thư Viện Thượng Hải. Thư viện này trước đây là của Tổng Giáo Phận Thượng Hải, nhưng bị chính quyền Cộng Sản Trung Quốc tịch thu vào năm 1949.

Khi bị trục xuất khỏi Trung Hoavào năm 1949, các nhà truyền giáo Dòng Tên đã đem theo một số kỷ vật, nhưng để lại hầu hết những vật dụng cá nhân của cha Ricci và chính quyền Trung Quốc đã quốc hữu hoá những vật dụng này và nay họ đem ra triển lãm cho công chúng xem.

Trong số những sách vở qúy giá nhất được đem ra trưng bày, người ta thấy các cuốn từ điển Pháp - Latin - Hán, từ điển Latin - Hán, và từ điển Bồ Ðào Nha - Hán. Các từ điển này do các cha dòng Tên viết vào thế kỷ 18 và 19. Ðồng thời cũng có những hình ảnh nói lên các hoạt động và sự phát triển của chi nhánh Dòng Tên ở Trung Quốc. Cũng có những hình ảnh mô tả việc xây dựng Vương Cung Thánh Ðường Ignatius tại Thượng Hải vào năm 1896 đến năm 1910. Hiện nay nhà thờ này vẫn lớn nhất Trung Quốc, có 2500 chỗ ngồi.

Cuộc triển lãm đã lôi kéo rất đông du khách, các học giả, các nhà trí thức, các tín hữu Công Giáo cũng như không Công Giáo.

Tưởng cũng nên nói thêm cha Matteo Ricci là người Âu Châu đầu tiên có thể viết và nói tiếng Tàu lưu loát. Ngài cũng là người đầu tiên đem vào Trung Hoa các môn học của Âu Châu như triết học, khoa học, nghệ thuật, và thần học.