2013-05-21 Vatican Radio
(Vatican Radio) Quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là đặt tay trên một em bé có bệnh và cầu nguyện cho em, đã khiến cho nhiều người nghĩ rằng ngài có thể đã thực hiện việc trừ quỷ.
Linh mục Federico Lombardi, Dòng Tên, giám đốc văn phòng truyền thông Tòa Thánh đã xác nhận ngày thứ ba là Đức Thánh Cha không làm việc trừ quỷ trong dịp này. Cha nói: “Đức Thánh Cha không có ý định làm việc trừ qủy, nhưng như thường lệ ngài luôn luôn làm như thế với những ai bệnh tật và đau khổ đến với ngài, ngài chỉ muốn cầu nguyện cho một người đau yếu được mang đến với ngài."
Trừ quỷ, đúng nghĩa là “tống xuất” các thần dữ. Quyền năng trừ quỷ được Chúa Giêsu ban cho các môn đệ, và được hiểu là quyền năng này được chuyển giao cho các giám mục là những người kế vị các tông đồ, và các linh mục là các cộng sự viên.
Nói như vậy, Giáo Hội đã có qua nhiều thế kỷ, một nghi thức chính xác cho việc trừ quỷ: không phải là một hình thức có tính cách kịch nghệ hay trình diễn, mà chú ý đặc biệt, cẩn thận, trung thành và có phương pháp với các kinh nguyện, động tác và việc sử dụng các bí tích đã được chỉ định như nước phép và Thánh Giá. Linh mục Bernd Hagenkord, Dòng Tên giải thích thêm về câu hỏi: Ai có thể thi hành việc trừ quỷ?
Cha nói: Mặc dầu bất cứ linh mục nào cũng có thể trừ quỷ - thực vậy, có một hình thức trừ quỷ nằm ngay trong Nghi Thức Rửa Tội, do đó các linh mục tương đối thi hành việc trừ quỷ rất thường xuyên – Luật Giáo Hội đòi hỏi mỗi giáo phận phải có ít nhất một người được huấn luyện đặc biệt về công tác này, và phải là người biết phân biệt các dấu chỉ của người bị quỷ ám thay vì có bệnh tâm thần hay thể lý.
Thực vậy,ngay cả ngày hôm nay, khi có nhiều luận điệu cho là sự kiện bị quỷ ám dường như gia tăng, việc trừ quỷ vẫn rất hiếm, rất ít xẩy ra. Đa số các trường hợp được điều tra cho thấy chỉ là do bệnh tâm thần mà thôi.
Như vậy, vì có một nghi thức đăc biệt được ấn định, việc trừ quỷ có phải là một bí tich không?
Không, trừ quỷ tuyệt nhiên không phải là một bí tích.
Như vậy còn cử chỉ của Đức Thánh Cha ngày Chúa Nhật vừa qua thì sao?
Cha Hagenkord trả lời: Tôi không có mặt, nhưng tôi có thể nói là “việc đặt tay” là một tục lệ có từ lâu đời. Theo Cựu Ước, có thể có ý nghĩa là lựa chọn người kế vị – như khi Isaac chúc lành cho Jacob, hay truyền chức – như khi Môisen truyền chức cho Joshua.
Theo truyền thống Kitô giáo, đây tiếp tục là một hành động chúc lành, và là một phần của các nghi thức truyền chức cho linh mục và giám mục. Cũng thế, việc này có ý nghiã chữa lành nữa – chính ra là chữa lành về tinh thần, nhưng cũng có thể chữa lành về thể xác (như đã có những phép lạ trước đây). Tuy nhiên, đây là một việc thường được các linh mục hay giám mục thực hiện – “rất kín đáo” và không có hình thức trình diễn. Chính cử chỉ này cũng có thể dùng cho các phụ huynh khi chúc lành cho con cháu của họ.