□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Chuyện Vợ Chuyện Chồng
Cây Nho & Hạt Gạo


Chuyện thời bây giờ kể rằng, ở thung lũng điện tử Silicon, San Jose, California của Hoa Kỳ có một đôi vợ chồng, con trai tên Bòn, bốn tuổi, con gái tên Bon, mười tháng. Chồng là Kỹ Sư điện. Vợ làm Assembler trong hãng điện tử. Cả hai vợ chồng là những thành viên trung thành trong Ban Giáo Lý giáo xứ Việt Nam.



Tháng Mười Một, mầu xanh ngăn ngắt bầu trời chuyển sang màu xam xám buồn thiu. Thu về, bầu không khí lành lạnh kéo tới thổi tung bay những chiếc lá phong vàng tươi trong sân vườn của hai vợ chồng. Nhìn lá phong vàng che phủ kín mặt đất, vợ mặt phấn hồng bởi gió lạnh le lưỡi,

— Khổ rồi! Chồng tôi lại phải cong lưng trên sân vườn hốt đống của nợ.

Chồng không chần chừ, không ngần ngại, phản đối ngay,

— Ơ hay! Cứ tự nhiên như ruồi… Nè! Nè! Nói cho đằng ấy biết, tui cũng người tử tế, có công ăn việc làm đàng hoàng, cày bừa, đầu tắt mặt tối...

Vợ cắt lời chồng,

— Rồi thì sao?

Bất ngờ bị vợ phản ứng thẳng thừng, chồng ấp úng, kiếm cách chống chế,

— Thì sao? Thì… thì… ông bà mình nói, vợ chồng không chỉ là đầu ấp tay gối, mà còn là…

Vợ đang đà thắng thế, nương theo chiều gió, tung thêm một chưởng,

— Còn là cái gì? Sao tự nhiên cứ ấp a ấp úng như ngồi phải cọc vậy…

Bị châm chọc, chồng làm mặt lạnh, tỉnh bơ đọc bài thơ lục bát tự chế,

— Thì…thì… “Thu về… vợ quét lá vàng. Chồng buồn đứng ngó, thương mình cực thân”.

Vợ sắn tay áo, tưởng để làm gì, hóa ra thản nhiên sờ trán chồng,

— Để em “dzờ dzờ” xem coi anh có cảm cúm, nóng lạnh hay không?

Vợ giọng kịch,

— Chết rồi! Sao lại nóng dãy như người phải bỏng thế kia!…

Vợ buông lời, nhanh chóng kết luận vở kịch một màn,

— Hèn chi… Mát nặng!

Chồng quê, quyết liệt ăn miếng trả miếng,

— Anh lạy em! Đừng có dê đạo lộ như vậy nhé! Nhìn mặt đẹp như thế mà lại có máu…dê. Thành thật khai báo đi, có phải sinh năm con dê hay không?

Vợ cười tỉnh queo,

— Có anh dê thì có! Mà này, đừng có ăn mày mà lại mơ xôi gấc. Em chỉ muốn chẩn mạch xem coi anh hồi xưa có sanh ngược hay không, mà sao ăn nói ngượng ngùng, ngược ngạo. Bài thơ con cóc của anh phải đọc cho nó chính xác là như thế này, “Thu về, chồng quét lá vàng. Vợ buồn đứng ngó, thương chàng cực thân”.

Thấy vợ đi lỡ một đường binh, chồng vội vàng sửa lưng vợ,

— Người đẹp ơi! Đụng tới tác quyền của người ta rồi. Dám lấy thơ của tui ra xài mà không buồn xin phép. Lại còn dám sửa lời thơ… Bây giờ mà mang nàng ra tòa là đời nàng lúa…

Vợ không nhường nhịn, mở miệng thách thức,

— Xin mời! Cứ tự nhiên… Đằng này vác chiếu theo hầu. Cửa nào tui cũng theo…

Chồng làm mặt ngầu,

— Tui ngán ai mà không dám… Nhưng thôi…

Chồng đấu dịu, giọng điệu con nhà đạo,

— …Cũng phải tha thứ, bởi vì Chúa dạy phải tha tới bẩy mươi lần bẩy cơ mà.

Chồng cúi mặt, lầu bầu trong miệng,

— Rõ là khổ! Ai biểu sinh ra làm người Công Giáo.

Vợ chộp lấy cơ hội ngàn vàng,

— Amen. À! Mà quên, em có phải vỗ tay khen hay không?

Chồng biết mình lỡ một đường binh, lắc đầu cười,

— Không! Em không phải làm chi hết. Nom nom và nghe nghe chồng em giảng đạo là được rồi.

Chồng dĩ hòa vi quý,

— Nhưng nói chơi vậy thôi, chứ anh là người yêu vợ nhất trên trần gian, ai nỡ để vợ còng lưng hốt lá vàng?

Nhìn lên bầu trời xám xịt, chồng nhận xét,

— Mùa thu ở đâu thì cũng đẹp. Nhưng ước chi lá đừng có vàng thì đỡ khổ bao nhiêu. Hồi xưa lúc chưa có nhà, hai đứa sống ở căn apartment, anh yêu mùa thu hơn, bởi vì không phải quét lá vàng.

Vợ phản đối,

— Mùa thu mà, lá phải đổi màu xanh sang màu vàng thì mới là mùa thu chứ.

Vợ cúi xuống, nhặt lên chiếc lá phong màu vàng tươi cầm trên tay,

— Lá vàng mùa thu làm em nhớ tới bài Phúc Âm Chúa ví Ngài với cây nho. Chúa nói nếu cành nho mà lìa cây là cành nho vàng úa, héo tàn.

Vợ mơ màng,

— Tại sao Chúa lại ví mình với cây nho nhỉ? Tại sao không là cây xoài, cây bưởi, hay là cây chôm chôm?

Chồng phá ra cười,

— Người đẹp ơi! Đừng có quên Chúa là người Do Thái. Chúa đâu có phải người Việt Nam để mà có vụ xoài với bưởi ở đây. Sao không mang ổi với me ra luôn cho đủ bộ?

Vợ lườm chồng,

— Chưa chi mà đã ra vẻ ta đây rồi. Nói như vậy, ở bên Do Thái, nho mọc đầy ngoài sân vườn hay sao?

Chồng giải thích,

— Ơ! Đã qua Do Thái bao giờ đâu để mà biết bên đó cây nho mọc đầy sân vườn. Nhưng cần gì phải qua mới biết. Đọc sách thì biết liền. Mà hồi đó tụi mình hai đứa đi học lớp Kinh Thánh Frere dậy, Frere cũng nói nho biểu tượng cho vùng đất hứa (Psalm 80:8), cho nên mình mới thấy Chúa hay dùng cây nho để diễn tả mối liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Không có Chúa làm thân cây ban phát nhựa sống, cả cành và cả lá đều chết khô…

Chồng đánh đàn,

— Tứng tưng! Tưng tưng! Tưng từng… Hiểu chưa, người đẹp vườn nho?

Vợ cười tí toáy,

— Ừ, anh nhắc mới nhớ. Hồi đó tụi mình đi học lớp Kinh Thánh Frere dậy… Lâu quá rồi tự nhiên quên bẵng đi luôn. Hèn chi Chúa hay nhắc tới cây nho, người làm vườn nho, rồi người con trai của ông chủ, cũng lại, vườn nho (Matt 20:1-16, 21:33-42)…

Chồng gật đầu,

— Bây giờ đố vui để học, xem coi vợ tôi chỉ số thông minh IQ số mấy…

Chồng đằng hắng cổ, lên giọng Ban Giám Khảo,

— Chúa nói, “Ta là bánh hằng sống”. Bánh ở trong câu nói này là bánh chi vậy? Đội A, vợ tôi trả lời. Chuông bấm, “Keng!”…

Nghe chồng hỏi, vợ yên lặng, vầng trán trán nhăn nhăn thoáng nét suy tư,

— Em nghĩ…chắc bánh này là…là bánh cây lúa?

Chồng lắc,

— Lúa! Cho em lúa đời em luôn! Nope! Wrong! Đội A còn ba mươi giây cho câu trả lời…

Vợ tiếp tục suy nghĩ, trả lời lưỡng lự, lửng lơ con cá vàng,

— Nếu vậy bánh này là Mình Thánh Chúa...

Chồng vừa gật vừa lắc,

— Đúng mà cũng không hoàn toàn đúng cho lắm. Cho em biết chữ bánh ở trong câu này có liên quan đến thức ăn của người Do Thái đó.

Như người chết đuối, vớ được phao cứu, vợ nói ngay,

— Vậy là bánh mì…

Chồng giơ tay lên trán trong tư thế như đang chào, gật đầu,

— Yes, ma’am. Bánh này là bánh mì đó. Gớm! Vợ tôi vừa đẹp lại vừa thông minh, vừa được cả thanh lại còn được cả sắc. Thế mà cứ kêu ca càm ràm là Chúa chỉ bố thí quẳng cho con được có một nén à, còn Chúa rộng tay ban phát dư dả năm nén, mười nén cho khắp cùng thiên hạ...

Vợ khó chịu,

— Nè, đừng có mà mượn gió bỏ măng nhé… Lạc đường mùa chay rồi…

Chồng cười cười,

— Yes, ma’am…

Rồi nghiêm trang giải thích,

— Người Do Thái không ăn khoai tây, họ cũng không ăn cơm, nhưng bánh mì. Em còn nhớ hồi xưa Chúa làm phép lạ “mưa” Manna trong sa mạc để dân Do Thái lấy bột Manna làm bánh mì ăn hay không? Hay chuyện Chúa làm phép lạ năm ổ bánh mì nuôi đám đông trong sa mạc…? Nhớ chưa? Anh hỏi em, tại sao hồi đó Chúa lại không làm phép lạ mưa…khoai tây, hoặc là cơm tấm cho đám đông hơn năm nghìn người trong hoang địa?

Vợ chép miệng,

— Dễ òm, ai mà chẳng biết…

Chồng hỏi tới,

— Biết thì nói đi!

Vợ đáp ngay,

— Thì bởi vì họ là người Do Thái, và Chúa cũng là người Do Thái...

Vợ chống chế,

— Nhưng có mấy ai mà để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt như vậy.

Chồng nhún vai, “mặt nghiêm và buồn”,

— “Có mấy ai mà để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt như vậy”. Nói cứ như tây! Em nói như vậy mà không sợ Chúa buồn thiu trên cây thánh giá. Mình làm người Công Giáo nhưng mù lòa Lời Chúa thì cũng giống y như sẩm đi xem voi mà thôi. Kẻ nói cái vòi là con voi, người nói cái tai mới là voi. Đặc biệt trong câu tuyên bố bất hủ “Ta là bánh hằng sống” của Đức Giêsu mà không hiểu chữ bánh ở trong câu này là bánh gì thì cũng giống như hai vợ chồng mình, anh nói một đàng em hiểu một nẻo. Anh nói em quét lá vàng, em thì lại ù ù cạc cạc cứ y như vịt nghe sấm. Đến là chán!

Vợ cản lại ngay,

— Anh đừng có nói ngược. Phải nói là giống như hai vợ chồng mình, em nói một đường, anh làm một nẻo thì đúng hơn.

Chồng giơ cao hai tay,

— Thôi, thôi, được rồi. Em đúng! Em lúc nào cũng đúng.

Vợ lắc đầu, cười nho nhỏ,

— Không! Không phải lúc nào em cũng đúng. Nhưng trong trường hợp này thì em đúng. Nhưng mà thôi, quay lại chuyện bánh hằng sống đi. Nói như anh, nếu Chúa sinh ra làm người Nga, Chúa đã nói, “Ta là khoai tây hằng sống”, và nếu Chúa sinh ra làm người Việt Nam, Chúa đã nói, “Ta là cơm hằng sống”, có đúng hay không?

Chồng suy nghĩ,

— Thật sự ra ai mà biết Chúa sẽ nói gì nếu Chúa sinh ra là người Nga hay là người Việt Nam. Cái này thì phải đi mà hỏi Chúa, thì may ra mới có câu trả lời chính xác. Nhưng có thể…

Chồng ngẫm nghĩ một hồi, rồi nói,

— Nhưng có thể… Chúa đã nói, “Ta là Cơm hằng sống”, nếu Chúa là người Việt, bởi vì người Việt Nam không ăn bánh mì, mà là ăn cơm. Không có gạo, không có cơm thì ai tui không biết, chứ hai vợ chồng nhà mình thì “khí” vất vả!

Vợ gật đầu,

— Em cũng đồng ý, em nhớ hồi xưa cứ mỗi lần khám phá gạo cạn đáy lu, mặt mẹ em lại tái xanh…

Chồng mặt trầm ngâm, suy nghĩ,

— Đương nhiên! Không có Chúa, thì mặt mũi linh hồn cũng sẽ xanh, không phải là màu xanh của “Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi” hay là “Khi ta yêu, trái tim ta màu xanh”, nhưng là cái xanh lét của người chết đói năm Ất Dậu 1945.

Vợ sáng nét mặt,

— Anh làm em chợt nhớ tới bộ phim nói về cảnh chết đói năm Ất Dậu. Anh có nhớ cảnh Sở Vệ Sinh Hà Nội đang khiêng một người chết đói ra xe chở xác mang đi chôn. Ông này thì gầy ơi là gầy, gần chết rồi. Thế mà khi nhân viên Sở Vệ Sinh khiêng ông ra xe, ông ấy cứ mở miệng thều thào năn nỉ, “Con chưa chết, xin đừng chôn con!”…

Chồng nói chen vào,

— Đương nhiên! Nếu không có Chúa Giêsu, không có Cơm Trời, vợ chồng mình cũng sẽ rút hết thịt da, gầy trơ xương trơ thịt, mở miệng năn nỉ với ma quỷ, “Con chưa chết, xin đừng chôn con”…

Vợ nhăn nhăn mặt,

— Khiếp! Anh nói nghe thấy mà sợ.



Lời Nguyện

Lạy Chúa, hồi xưa, bởi có Thiên Chúa làm Manna rơi xuống đất cát sa mạc, người Do Thái đã không chết đói trên cuộc hành trình bốn mươi năm tiến về đất hứa; hồi xưa, bởi có Thiên Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều trong hoang địa, người Do Thái có bánh mì hằng sống ăn no nê, ăn dư thừa.
Cám ơn Chúa đã làm Cơm Trời nuôi sống chúng con trong ngày hôm nay. Lạy Chúa, xin hãy tiếp tục làm Cơm Trời để linh hồn chúng con không chết đói xanh xao, nhưng trưởng thành khỏe mạnh bước đi những bước vững chắc với đời sống trần gian và đời sống đức tin.

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com.