Chúa Nhật XI THƯỜNG NIÊN C

2 Sm 12,7-10.13 ; Gl 2,16.19-21 ; Lc 7,36-8,3


ĐƯỢC THA NHIỀU VÌ YÊU MẾN NHIỀU

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 7,36-8,3

(36) Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. (37) Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. (38) Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. (39) Thấy vậy. Ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! (40) Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-mon, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. (41) Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. (42) Vì họ không có gì để trả, nên chủ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? (43) Ông Si-mon đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.: Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm”. (44) Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-mon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. (45) Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. (46) Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy đã lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. (47) Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít. (48) Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”. (49) Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” (50) Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”.

(1) Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai (2) và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, (3) bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giê-su tỏ lòng nhân từ đối với một kẻ có tội biết chạy đến xin Người tha thứ. Đức Giê-su đã công khai bênh vực hành động bày tỏ lòng sám hối của người phụ nữ tội lỗi và còn khẳng định: Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.

3. CHÚ THÍCH:

- C 36: + Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu: Chỉ Tin Mừng Lu-ca mới ghi lại việc Đức Giê-su 3 lần được người Pha-ri-sêu (Biệt Phái) mời đến nhà dùng bữa (x Lc 7,36; 11,37; 14,1). Ta không nên lẫn lộn câu chuyện Luca kể ở đây với câu chuyện xảy ra tại nhà ông Simon tật phong (x Mt 26,6-13). + Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn: Việc Chúa Giêsu đến dùng bữa ở đây cho thấy Người không phân biệt đối xử khi sẵn sàng đến nhà mọi người: Người đến với những người Biệt Phái vốn chống đối Người (x Lc 7,36); Đến với người tội lỗi bị xã hội khi rẻ (x Lc 19,5-6); Đến với gia đình La-da-rô ở Bê-ta-ni-a là bạn thân quen (x Lc 10,38). Đức Giê-su đến nhà người ta dùng bữa là để biểu lộ sự thân tình của Người, miễn là họ tỏ thiện chí mời Người đến và sẵn sàng đón tiếp Người.

- C 37-39: + Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành...: Người phụ nữ này có thể vào nhà vì theo phong tục Do thái, nhà nào có đãi tiệc thì người ngoài đều có thể tự do ra vào. + đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm: Bên Cận Đông, do khí hậu nóng nực, nên người ta thích dùng dầu thơm khi nhà có đông người. + Chị đứng đằng sau, sát chân Người: Đức Giê-su nằm trên giường đối mặt với bàn tiệc. Còn người phụ nữ thì đứng phía ngoài. + Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên: Điều ông chủ nhà Pha-ri-sêu quan tâm ở đây chính là thân phận tội lỗi của người phụ nữ, chứ không phải những cử chỉ chị làm để biểu lộ lòng quý mến Đức Giê-su. Ta không nên đồng hóa người phụ nữ này với cô Ma-ri-a em cô Mác-ta (x 10,39), hay với Ma-ri-a Mác-đa-la (x 8,2). Cũng không nên lẫn lộn việc xức dầu ở đây với việc xức dầu ở Bêtania (x Mt 26,7-13). Vì việc xức dầu ở đây làm nổi bật sự thống hối của tội nhân. Còn việc xức dầu ở Bêtania do cô Ma-ri-a làm, là để tiên báo cuộc khổ nạn Người sắp phải chịu. + Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai: một người tội lỗi! : Đối với người Pha-ri-sêu, người phụ nữ này là một người bị ô uế chiếu theo Luật Mô-sê, và một ngôn sứ chân chính lẽ ra không được để cho một người như thế chạm đến mình để tránh khỏi bị ô uế theo.

- C 40-43: + Một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục: Quan tiền là công nhật của một nông dân (x Mt 20,2).

- C 44-46: + Nước lã..., cái hôn...: Đây là phong tục tỏ lòng hiếu khách của người Đông phương (x St 18,4). Nơi khác, Lu-ca cũng nhấn mạnh đến tính hiếu khách của Mác-ta, Ma-ri-a (x 10,38-42) và của ông Da-kêu (x 19,1-10) đối với Đức Giê-su.

- C 47-50: + Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều: Lòng yêu mến là thành quả và dấu chỉ của ơn tha thứ (x 19,8-9). + “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”: Khi đến với Đức Giê-su, người phụ nữ đã công khai bày tỏ lòng tin, và chính lòng tin này đã làm cho chị từ bỏ con đường tội lỗi. Thay vì làm cho Đức Giê-su bị ô uế theo Luật, chị lại được Người thanh tẩy và ban ơn bình an, nghĩa là được tràn đầy sự sống và được cứu độ (x 1,79). Trong Kinh Thánh, bình an là mức sung mãn của sự sống, là món quà cao quý nhất mà Đấng Mê-si-a ban tặng (x Is 9,5-6).

- C 1-3: + Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh: Đức Giê-su hoàn thành sứ mệnh có nhóm môn đệ cùng đi theo. Về sau, các nhà truyền giáo cũng noi gương Người làm như vậy (x Cv 8,14). Đức Giê-su cũng chính thức trao trách nhiệm truyền giáo cho Nhóm Mười Hai (x Lc 9,1-2). + và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh: Tin mừng Mt 27,55 và Mc 15,41 cũng nói đến nhóm phụ nữ này. Đây là một sự kiện khác thường ở Pa-lét-tin. + Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la: Bà này sẽ đứng dưới chân thập giá (x Mt 27,56), hiện diện trong cuộc mai táng Đức Giê-su (x Mt 27,61), chứng kiến ngôi mộ trống (x Lc 24,10) và là người đầu tiên gặp gỡ Đấng Phục Sinh (x Ga 20,11-18). + Người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ: Một người có thể bị nhiều quỷ ám cùng một lúc (x Lc 8,27.30; 11,26). Trong Kinh Thánh, số 7 là số chỉ sự viên mãn. Có lẽ đây là cách người Do thái hình dung về sức ám hại ghê gớm của Xa-tan trên nạn nhân. Đối với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, Lu-ca không nói rõ bà có bị quỷ ám thực sự hay không, hoặc bà có phải là người đàn bà tội lỗi được nói tới trong Lc 7,36-50 hay không. + Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ: Đây là một trong những việc làm cụ thể mà các bà đã thực hiện để cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su.

4. CÂU HỎI: 1-Việc Đức Giê-su đến nhà một người Pha-ri-sêu trong Tin Mừng Lu-ca ở đây có đồng hóa với việc Người đến dùng bữa tại nhà Si-mon tật phong trong Tin Mừng Mát-thêu không? Việc Đức Giê-su đến dùng bữa tại nhà một người Pha-ri-sêu nói lên điều gì? 2- Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay có phải là cô Ma-ri-a Bê-ta-ni-a hay bà Ma-ri-a Mác-đa-la hay không? 3- Phân biệt ý nghĩa của hai việc xức dầu: một do người phụ nữ tội lỗi làm ở đây và hai do cô Ma-ri-a làm ở Bê-ta-ni-a trước khi Đức Giê-su chịu khổ nạn. 4- Trước hành động biểu lộ lòng quý mến của người phụ nữ tội lỗi đối với Đức Giê-su, ông Pha-ri-sêu chủ nhà tỏ vẻ khó chịu vì lý do gì? 5- Khi so sánh hành động của ông chủ nhà Pha-ri-sêu và người phụ nữ, Đức Giê-su chứng minh ông có phải là người chủ nhà hiếu khách không? 6- Đức Giê-su cho biết kết quả của lòng mến tin của người phụ nữ là gì? 7- Trong Tin Mừng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã biểu lộ đức tin và lòng mến đối với Đức Giê-su thế nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Vì thế, tôi nói cho ông hay: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47).

2. CÂU CHUYỆN:

Trong cuốn “Mặt trận phía đông hoàn toàn yên tĩnh” có thuật lại câu chuyện xảy ra trong cuộc thế chiến giữa quân đội hai nước Đức và Pháp. Câu chuyện ấy như sau: Một người lính Đức trẻ kia đang năm trong hố tránh đạn pháo. Đột nhiên anh ta thấy một người lính Pháp cũng nhảy vào trong hố đó để tránh đạn. Anh lính Đức liền dùng lưỡi lê đâm chết kẻ thù. Đây là lần đầu tiên anh ta giết người và cảm thấy lương tâm rất áy náy. Anh muốn biết rõ hơn về người lính Pháp vừa bị giết kia là ai, liền lục tứi áo và lấy ra một chiếc bóp. Trong đó có hình một phụ nữ trẻ đang ôm đứa con thơ bụ bẫm là vợ con của anh ta. Người lính Đức cảm thấy một sự xúc động tự nhiên dâng cao trong lòng khiến anh càng thêm hối hận! thì ra người bị anh giết kia thực sự không phải là kẻ thù của anh, nhưng là một người cha, một người chông giống như anh: một con người đang yêu và được yêu! Chính nhờ có cái nhìn mới mẻ về kẻ từng là “kẻ thù” đã biến đổi người linh Đức trở nên một người mới biết cảm thông và đầy tình người.

3. SUY NIỆM:

Câu chuyện Đức Giê-su đến nhà một người Biệt Phái dùng bữa, cho chúng ta bài học về lòng bao dung của Chúa, để mời gọi chúng ta cũng phải sẵn lòng mở rộng vòng tay thân ái, cư xử thân thiện với hết mọi người, bất kể họ là ai, khác biệt về mầu da, tiếng nói, môi trường sống và làm việc, về tính tình, sở thích hay về tín ngưỡng tôn giáo... để từ đó chúng ta sẽ nhận ra mọi người đều là anh em, con cùng một Cha Chung trên trời, và mọi người có bổn phận phải cư xử với nhau trong tình bác ái huynh đệ như người ta thường nói: “Tứ hải giai huynh đệ”- Bốn bể đều là anh em.

Đức Giê-su cũng muốn chúng ta hãy mời Người đến thăm và ở lại trong gia đình của chúng ta bằng việc trưng bày ảnh tượng của Người tại phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ... Người cũng sẵn sàng đến viếng thăm nhà linh hồn của chúng ta mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ và rước lễ. Miễn là ta có thiện chí dọn dẹp nhà cửa, loại khỏi ngôi nhà của mình những hình ảnh thiếu đứng đắn hay những việc làm ăn bất chính, chừa bỏ những thói hư tật xấu cùng những tội lỗi bất xứng khác.

Đức Giêsu đã để cho người phụ nữ tội lỗi đến gần vì Người không xét đoán người khác theo hình thức bên ngoài như người Pha-ri-sêu đã làm. Trái lại Người nhìn thấu tâm can của người tội lỗi kia. Noi gương Chúa, chúng ta cũng phải tránh xét đoán tha nhân qua dáng vẻ bên ngoài. Cần tránh xét đoán ý trái và cư xử bất công khi hùa theo đám đông để lên án những người cô thế cô thân. Vì thực tế đã chứng mình: có nhiều trường hợp người ta đã bị kết án oan sai. Có người đã bị tòa kết án và ở tù nhiều năm, cho đến khi kẻ thực sự phạm tội bị bắt và thú nhận tội lỗi thì mới được giải oan.

4. THẢO LUẬN: 1- Người ta thường hay xét đoán dựa theo tình cảm: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Để tránh xét đoán bất công và để noi gương Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần xử sự thế nào khi nghe một người nói xấu về một kẻ vắng mặt? 2- Dâng một lời cầu nguyện cho một người mình đang ác cảm, để xin Chúa giúp ta sống Lời Chúa dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”(Mt 5,44).

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng con thường hay xét đoán người khác cách bất công, do ảnh hưởng của định kiến xã hội hay do mối ác cảm tự nhiên với họ. Nhiều lần chúng con đã có cách cư xử hẹp hòi, đầy thành kiến đối với một số người có quá khứ không mấy tốt đẹp. Chúng con đã không đủ dũng cảm để lội ngược dòng, để chọn cách ứng xử nhân ái công minh noi gương Chúa.

- LẠY CHÚA. Hôm nay xin cho chúng con học tập theo Chúa, để dám đứng về phía những người bị xã hội khinh dể, can đảm bênh vực những kẻ cô thế cô thân và đối xử nhân hậu với những tội nhân thực lòng sám hối... Nhờ đó, chúng con xứng đáng mang danh là Ki-tô hữu và trở nên môn đệ đích thực của Chúa trước mặt người đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.