Mexico City

Phái đoàn chúng tôi sau khi từ Nam Mỹ Châu, bay về Houston qua 9 tiếng đồng, đáp phi trường George Bush,Texas, sau đó chuyển máy bay. Vì phái đoàn có gần 70 người, nên bị quầy check in trong phi trường George Bush chia ra thành 2 nhóm:

Nhóm Cha Quảng hướng dẫn đi máy bay nhỏ xuống Mexico

Nhóm do Cha Liêm hướng dẫn đi bằng Airbus 320.

Nhóm cha Quảng đến Mexico trước 1 tiếng. Từ Houston Texasbay xuống Mexico city, thủ đô của nước Mễ Tây Cơ mất 02 tiếng 45’ bay. Chúng tôi đáp xuống phi trường quốc tế Mexico vào lúc 01 giờ chiều.

Cả hai nhóm gặp nhau trong phi trường Mexico, nhưng toàn bộ hành lý của phái đoàn bị thất lạc, vì lý do hãng máy bay United chuyển thẳng hành lý từ Rio De Janeiro về Mexico bằng chuyến bay khácMặc dù phái đoàn bị thất lạc hành lý, nhưng chúng tôi vẫn phải lên 2 xe bus lớn, do hai hướng dẫn viên du lịch người Mễ đã chờ đón sẵn ở cửa phi trường và chở chúng tôi vào thành phố và đưa đi thăm quan một vòng thành phố Mexico city, sau đó về khách sạn nhận phòng.

Mãi đến tối, thì hành lý được công ty United giao đến tận khách sạn, nhưng các Vali đều bị cắt khóa mở tung, để kiểm soát. Các đồ đạc bên trong bị giũ lộn xà ngầu, tuy nhiên đồ đạc không bị mất nhiều, chỉ có 2 người bị mất đồ: Một người bị mất chiếc Mobilephone bỏ trong Vali lớn và một người mất một gói quà kỷ niệm mua từ Rio đem về Úc để làm quà cho thân nhân.

XEM HÌNH

Trong thời gian chờ hành lý, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm thành phố Mexico. Thủ đô Mexico nằm trong tiểu bang cũng có tên là Mexico và có nét sinh hoạt tương tự như Sàigòn VN, với dân số gần 30 triệu người. Theo hướng dẫn viên du lịch cho biết, có lẽ Mexico City là thành phố có đông dân cư nhất thế giới. Theo ước tính, thì trong nội thành có khoảng 16 đến 18 triệu dân. Người vô gia cư và thất nghiệp rất nhiều, nên không thể kiểm kê chính xác được. Ngoại thành có khoảng hơn 10 triệu.

Các khu phố dân cư lao động, nhà cửa lụp xụp, tồi tàn, xây cất vô trật tự. Đa số người dân buôn bán trên hè phố, chợ trời. Chợ hè phố mọc trên các phố phường san sát bên nhau, như các khu phố ở Sàigòn bên VN, có những khu phố giống như phố Hàm Nghi chợ cũ, chợ Thiếc, Đông An Sàigòn và Cầu Muối bên VN. Ngay cả các đại lộ chính của trung tâm thành phố họ cũng buôn bán như vậy. Nhà cửa thì xây cất nham nhở, nửa chừng. Xây cất vô trật tự, mạnh ai người nấy cất. Nhất là trong các đường phố nhỏ và khu nhà ổ chuột, nhỏ hẹp như khu Bàn Cờ hay Khánh Hội VN. Đây là một kẽ hở trong luật pháp của chính phủ. Nếu bất cứ căn nhà nào, hay cao ốc nào đang xây cất, hoặc xây cất dở dang, chưa hoàn tất, thì không phải đóng thuế. Do đó các chủ nhà cứ phè ra, nhà chỉ cần có vách tường và mái che là kéo nhau vô ở, sinh sống, không cần phải vào áo, tô tường làm đẹp nhà cửa, mục đích để trốn thuế. Hầu hết các khu gia cư bình dân lao động, thì coi như không có căn nhà nào, mà có bàn tay của các kiến trúc sư vẽ kiểu. Họ tự xây cất lấy không cần kỹ thuật và an toàn.Vì dân số quá đông cho nên nhà cửa xây cất dính sát vào nhau. Các khu vực ngoại ô, từ đỉnh núi xuống trườn núi và chân núi, nhà mọc lên như nấm, vô trật tự, nhìn xa như những đống rác khổng lồ.

Đường xá cầu cống trong trung tâm thành phố thì cũ kỹ, tồi tệ, ít được sửa chữa và bảo trì, hầu như từ khi xây cất cho đến nay không ai để ý đến tu sửa. Xe cộ giao thông, luật lệ lỏng lẻo, các ngã tư lớn có đèn xanh đèn đỏ, con buôn tràn xuống bán hàng. Mỗi khi xe cộ dừng lại, thì các con buôn nhào xuống đường, chèo kéo, mời mọc hành khách mua hàng, không an toàn, rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cảnh sát vẫn làm ngơ. Lại có cả một nhóm chuyên trấn át tài xế, khi xe dừng lại ở đèn đỏ, thì họ bu lại, kẻ thì lật quạt nước lên, người thì xịt nước xà bông lên kiếng, kẻ thì lau kiếng, không cần biết tài xế có đồng ý hay không? Họ làm rất nhanh. Rồi một người thò tay đòi tiền tài xế. Nếu tài xế không cho tiền, chúng để quạt nước của kiếng trước xe dương trên trời, không thèm kéo xuống, khiến tài xế bực mình, phải cho tiền họ. Cảnh sát đứng gần, tỉnh bơ, coi như không có chuyện gì xảy ra. Xe Taxi rất cũ, còn xe Mini Bus thì cổ lỗ sĩ giống như những chiếc xe đò thời Pháp thuộc bên VN trước năm 1975 đón khách liên tỉnh. Nhiều xe có tuổi cao cỡ 4 – 50 năm, mui, cửa đã rỉ xét, chắp vá lung tung. Xe Mini bus đón và thả khách xuống giữa đường, không cần trạm stop. Đường phố thì ổ gà, ổ vịt, rác rến bay lung tung, xe chạy tứ tung. Nhưng toàn là xe hơi không có bóng dáng xe gắn máy hoặc xe hai bánh nào cả. Xe hơi cũ rích khá nhiều, đủ màu sắc, thượng vàng hạ cám, cho đến xe mới toanh, tràn lan trên đường phố.

Trên các đại lộ chính, chỗ nào có bồn cỏ và công viên giữa đường, có ghế ngồi nghỉ chân cho khách bộ hành hoặc ghế ngồi hóng mát ngắm cảnh, thì nơi đó có các xe đẩy: bán kiếng, quầy bán Gift, ghế hớt tóc và ghế ngồi đánh giầy mọc lên. Con buôn xuất hiện chèo kéo hành khách qua lại, để bán hàng.

Rất nhiều ghế ngồi đánh giầy rất cao có mui và có nệm, cũng xuất hiện khá nhiều trên hè phố. Người chủ giầy ngồi trên cao như vua, còn người đánh giầy thì quỳ hoặc ngồi thật thấp để đánh giầy. Các con buôn rao bán hàng và mời khách như bên VN. Họ nói thách trên trời dưới đất, họ nói giá 10, nhưng người mua chỉ trả 5 hoặc 6, họ cũng bán, đa số là hàng giả, hàng nhái, hàng sản xuất từ Tàu và Mễ.

Ngày thứ Hai ở Mexico, phái đoàn chúng tôi đến viếng linh địa Đức Mẹ Guadalupe, nơi Đức Mẹ hiện ra với thánh Diego trên cánh đồng Guadalupe.

Linh địa Mẹ Guadalupe rất đông khách hành hương đến tấp nập. Quảng trường và trung tâm hành hương Guadalupe lớn hơn Fatima và đông khách hành hương hơn Fatima.

Trên thế giới, người Công Giáo đa số chỉ nghe và biết nhiều về Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Mẹ Fatima, chứ ít người biết đến Đức Mẹ Guadalupe. Cho nên khách hành hương đến đây, đa số những người Công Giáo thuộc vùng Châu Mỹ La Tinh, Nam Mỹ và những người Mễ đến kính viếng Đức Mẹ Guadalupe. Lắng tai nghe kỹ, thì thấy họ nói chuyện với nhau, toàn bằng tiếng Tây Ban Nha. Chứng tỏ họ là dân Châu Mỹ La Tinh.

Dân Mễ có 85% theo đạo Công Giáo, ngay trong thành phố Mexico city đã có tới 30 giám mục. Tại Guadalupe, cứ cách ½ tiếng đồng hồ thì có một thánh lễ đồng tế, được cử hành trong đại Vương Cung Thánh Đường. Vương Cung thánh đường được xây cất, theo kiến trúc hình tròn, có sức chứa lên đến 5 – 6 ngàn người. Thánh lễ giờ nào cũng đông nghẹt người.

Phái đoàn chúng tôi được tham dự thánh lễ đồng tế do Đức Hồng Y Mexico chủ tế. Ngài giảng rất hùng hồn. Tôi có thể đoán được bài giảng của Ngài có sức thu hút người nghe, vì có rất nhiều đợt vỗ tay vang dội tán thưởng. Nhưng Ngài giảng cũng khá dài, tôi bấm đồng hồ, ước tính bài giảng của Ngài dài khoảng 20’ mới chấm dứt. Nhìn lên trên gian cung thánh, có những linh mục đồng tế đã ngáp dài và có vị cúi mặt xuống buồn ngủ.

Đền thờ Mẹ Guadalupe cũ, nằm kế bên Vương Cung Thánh Đường, được xây cất theo kiểu Gothic, đã khá cũ có thể trên 200 năm. Đền thờ đã bị lún, tháp nghiêng sang phải, có độ nghiêng khoảng gần 2 độ, nhìn thấy rõ.

Quảng trường Guadalupe có nhiều địa điểm ghi lại các dấu tích nơi Đức Mẹ hiện ra, trao cánh hoa hồng cho thánh Diego.

Vùng Guadalupe thời thánh Diego là một cánh đồng bao la, hoang dại, toàn cỏ cây, thế mà khi Đức Mẹ hiện ra đã trao cho thánh Diego một bông hồng xinh tươi thơm ngát. Thánh Diego là một người ngoại giáo, không biết gì về Thiên Chúa, tổ tiên của Ngài chỉ thờ thần khí và trời đất.

Gần cuối quảng trường có một núi thánh rất đẹp, có hồ nước nhân tạo và tượng Đức Mẹ ngay trên trườn núi, phía dưới chân Mẹ là một đoàn con cái sắc dân Da Đỏ tạc bằng tượng đá, đến kính viếng Đức Mẹ.

Ngày thứ Ba chúng tôi đi thăm khu làm thủ công nghệ, điêu khắc đá cẩm thạch và làm đồ gốm, cách thành phố 2 tiếng lái xe, đến thăm hai ngọn núi Kim Tự Tháp Mexico, nơi giữa cánh đồng hoang vắng bát ngát bao la.

Kim Tự Tháp Mexico có hai ngọn núi:

Núi mặt Trời và núi mặt Trăng được xây cất từ năm thứ I trước Chúa Giáng Sinh đến năm 250 sau Chúa Giáng Sinh mới hoàn tất.Kim Tự Tháp Mexico có hai ngọn núi:

Kim Tự Tháp mặt Trời và Kim Tự Tháp mặt Trăng được xây cất từ năm thứ Nhất trước Thiên Chúa Giáng Sinh đến năm 250 sau Chúa Giáng Sinh mới hoàn tất.

Kim Tự Tháp mặt Trời được nằm ở hướng Bắc với hơn 2,000 năm tuổi và lớn hơn Kim Tự Tháp Ai Cập.

Kim Tự Tháp mặt Trăng nằm hướng Nam nhỏ hơn và cách xa nhau khoảng một cây số.

Từ núi Bắc xuống núi Nam, du khách phải đi bộ trên một đại lộ khá lớn và rộng, được trải nhựa và đá đất. Hai bên đại lộ là những bức tường gạch cổ kính, có tường đã đổ xuống theo thời gian. Đây là một dãy nhà, hay hoàng thành đã được xây cất dang dở từ thời cổ đại, hoặc các hang động thời tiền sử.

Phái đoàn cùng nhau hò hét và cố gắng leo lên đến trên đỉnh núi Mặt Trời với gần 200 bậc thang. Lên đến đỉnh thì mọi người thở hơi ra đàng tai, đầu gối muốn lung lay bởi bậc thang bước lên thật dốc, phải bám vào giây cáp hai bên để đu theo cho đỡ mỏi gối. Khi xuống, phải bám vào giây cáp và bước ngang, xuống từng bậc. Mọi người, ai cũng sợ, trượt chân, sẽ lộn nhào xuống đáy vực thẳm. Sau khi leo lên Sun Pyramid, Tour Guiders hỏi chúng tôi, có ai muốn leo lên Lunar Pyramid nữa không? Mọi người đều lắc đầu say: NO vì đã qúa đừ.

Sau khi thăm viếng Kim Tự Tháp Mexico, phái đoàn được dẫn về nhà hàng ăn trưa, sau đó phái đoàn được phân chia thành hai nhóm:

Nhóm trở lại kính viếng Đền Mẹ Guadalupe và thăm nhà thờ chính tòa Tổng Giáo Phận Mexico city do cha Liêm và Soeur Nga hướng dẫn, rồi đi dạo shopping chung quanh khu nhà thờ.

Nhóm đi thăm viện bảo tàng quốc gia do Cha Quảng và Soeur Thủy hướng dẫn.

Trong viện bảo tàng, đa số là lưu giữ những di tích lịch sử văn hóa cổ đại của người dân da đỏ Mỹ Châu thời tiền sử và những di tích văn hóa của người Tây Ban Nha khi đổ bộ xâm chiếm vùng Mexico này.

Buổi chiều chúng tôi trở về city thăm các khu phố chợ trời & shopping centre. Đa số hàng hóa bên Mễ cũng sản xuất từ Tàu. Nhưng hàng hóa bên Mễ rất rẻ. Thuốc Tây sản xuất theo tên Pháp. Nếu muốn mua, chỉ cần vào tiệm thuốc Tây nói tên thuốc là họ bán cho, không cần phải có toa bác sĩ. Y tế Mễ giống như VN là thế đó. Trong các shopping lớn, bán hàng hiệu, thì họ bán đúng giá không nói thách.

Sau 3 ngày thăm viếng Mexico city. Sáng thứ Năm ngày 01 tháng 8, phái đoàn chúng tôi check out, rời khách sạn từ 5 giờ sáng, ra phi trường quốc tế Mexico bay về Los Angeles, California.

12 giờ trưa thứ Năm ngày 01/8/2013, chúng tôi đến Little Sàigòn Wesminter, được trưởng phái đoàn dẫn vào nhà hàng Mỹ Nguyên khu Gardens Grove dùng một bữa cơm thịnh soạn với các món ăn Việt Nam thuần túy như: canh chua, cá kho tộ, cải xào dầu hào, cá hấp tương gừng, cá chiên chấm nước mắm gừng tỏi ớt..vv.. Ai cũng khen ngon. Vì sau 6 tuần hành hương trên các vùng trời Trung Đông, Âu Châu, Nam Mỹ. Hơn một tháng rưỡi chưa được ăn bữa cơm nào thuần túy của VN. Trưa nay được trưởng phái đoàn dẫn đến nhà hàng Việt, ăn một bữa cơm thuần túy quê hương. Ôi sao! mà nó ngon miệng chi lạ. Mọi người đánh chén không ngừng, cho đến khi căng da bụng mà vẫn còn thèm.

Buổi tối Cha trưởng đoàn lại dẫn bà con đi ăn bánh xèo ở Little Sàigòn và bánh cuốn chả cá Lã Võng nước mắm cà cuống.

Sáng thứ Sáu ngày 02/8 cả phải đoàn lên chục chiếc xe lớn nhỏ, chở đến Phở 45 ở Little Sàigòn uống cà phê ăn sáng.

Sau khi ăn sáng xong, mọi người bắt tay nhau, từ gĩa, tan hàng, mạnh ai người nấy dông. Mỗi người đi một phương. Người ở lại, kẻ đi tiếp.

Còn ½ phái đoàn thì đi dạo shop Phúc Lộc Thọ, rồi chuẩn bị đến chiều ra phi trường LAX lên đường về lại Úc Châu. Chấm dứt chuyến hành hương và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013.

Hẹn gặp lại trong chuyến đi tới Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Krakow, Poland quê hương của ĐGH John Paul II