Đức Tổng Giám Mục Fisichella, Chủ tịch Hội đồng giáo hoàng thúc đẩy Tân Phúc Âm Hóa, đã gửi thư cho Đức Giám Mục Antonio Marto cuả địa phận Leiria-Fatima với nội dung như sau:
"Đức Thánh Cha ước ao được cử hành Ngày Thánh Mẫu với một dấu chỉ đặc biệt là có sự hiện diện cuả bức tượng cuả Mẹ mà các Kitô hữu trên toàn thế giới tôn kính một cách đặc biệt, do đó, chúng tôi nghĩ ngay tới bức tượng nguyên thủy đáng yêu dấu của Mẹ Fatima."
Theo trang web của đền thánh Fatima thì đó là bức tượng đang được lưu giữ ở Nhà Nguyện Nhỏ (Capelinha, Chapel of the Apparitions), là nhà nguyện dựng lên tại nơi Đức Mẹ hiện ra. Bức tượng sẽ được cung nghinh qua Roma vào sáng ngày 12 tháng 10 và sẽ được rước trở về ngay chiều hôm sau, ngày 13 tháng 10..
Đức Tổng Giám Mục nói rằng "tất cả các hội đoàn Đức Mẹ" được mời tham dự Ngày Thánh Mẫu trọng đại này.
Tin sơ khởi từ Đền Thánh Đức Mẹ Fatima cho biết đã có hàng trăm phong trào và tổ chức sùng kính Đức Mẹ sẽ đến Roma tham gia ngày lễ.
Lễ 'Ngày Thánh Mẫu' được cử hành hai ngày, ngày Thứ Bảy 12 tháng 10 là cuộc hành hương viếng mộ Thánh Phêrô và nhiều chương trình cầu nguyện và suy gẫm. Vào sáng Chuá Nhật, 13 tháng 10, là thánh lễ đại trào tại Quảng trường Thánh Phêrô do Đức Thánh Cha cử hành.
Nhắc lại vào năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ mục đồng ở làng Fatima Bồ Đào Nha. Đức Mẹ cảnh báo về những bạo lực trong thế kỷ hai mươi nếu thế giới không ăn năn đền tội. Đức Mẹ nhắn nhủ hãy đọc kinh Mân Côi và làm việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.
Ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin đức Hồng Y Jose Polycarp, Thượng Phụ cuả Lisbon, thay mặt Ngài thánh hiến triều đại giáo hoàng của mình cho Đức Mẹ Fatima vào ngày 13 tháng 5, là ngày lễ Đức Mẹ Fatima.
Xem tin video cuả RomeReports
Note*: Đây là bức tượng đầu tiên được khắc bằng gỗ và được đem ra tôn kính tại Nhà Nguyện Nhỏ (Capelinha) kể từ ngày 13 tháng 5 năm 1920. Bức tượng đã được ĐGH Pius XII đặt vương miện vào năm 1946 (tại Roma.)
Cũng vào năm đó (1946), sau khi kết thúc một đại hội giới trẻ, các thanh niên Bồ Đào Nha đã cung nghinh bức tượng (trên vai) từ Fatima đến Lisbon, đi qua và dừng lại ở nhiều thị trấn. Dân chúng đã tụ tập để nghinh đón bức tượng mới được đặt vương miện và cầu nguyện sốt sắng.
3 con chim bồ câu được người ta tung lên trong buổi lễ ở một thị xã gọi là Bombazral gần Fatima, đã không bay đi mà đã bay vòng vòng nhiều lần rồi xà xuống nằm dưới chân bức tượng, không ăn uống trong suốt 2 tuần lễ và cũng không rời chỗ cho dù có nhiều tiếng kèn trống inh ỏi cuả hàng chục ban nhạc.
Báo chí Bồ đào Nha đã bàn luận và thêu dệt ồn ào về hiện tượng lạ lùng này.
Khi đến nhà thờ Chính Toà ở Lisbon, trong buổi lễ nghinh đón có nhiều giám mục tham dự, ngay lúc vị chủ tế đọc lời truyền phép Thánh Thể thì 2 con chim đã bất ngờ quạt cánh bay lên và đáp xuống hai bên bàn thờ, nằm phủ phục như thể chiêm bái Mình Thánh Chuá vậy và chúng đã nằm như vậy cho đến hết buổi lễ, còn con thứ ba thì trong lúc hiệp lễ đã đậu trên đỉnh bức tượng, giang đôi cánh ra rất lâu trông giống như một thiên thần.
Sau buổi lễ, chúng bay đi mất.
Bức tượng được đưa về Fatima và được cung nghinh trong các cuộc rước trọng thể, đặc biệt là các ngày 13 tháng 5 và 13 tháng 10 mỗi năm. Ngoài bức tượng nguyên thủy vừa kể, còn có 2 bức tượng gỗ khác gọi là tượng Thánh Du, lai lịch như sau:
Để đáp ứng với những yêu cầu muốn được thực hiện các cuộc thánh du ở nhiều nơi trên Thế Giới, Đức Giám Mục cuả Fatima đã viết thư cho chị Lucia có ý muốn gửi bức tượng 'nguyên thủy' đi, nhưng chị Lucia đã khuyên nên dùng một bức tượng khác đang được nhà điêu khắc trứ danh là Jose Thedim thực hiện theo lời mô tả cuả chị. Và do đó một bức tượng thứ hai được gọi là tượng ĐM Fatima Thánh Du Quốc Tế (International Pilgrim Virgin Statue of Our Lady of Fatima) đã được làm phép và gửi đi vào ngày 13 tháng 5 năm 1947.
Cũng cùng năm 1947, nhân dịp mừng lễ 30 năm ngày phép lạ Mặt Trời Xoay, ngày 13 tháng 10, người ta lại thánh hiến một bức tượng thứ ba gọi là tượng Thánh Du 'Phương Tây' (the Western statue, chắp tay giống như tượng nguyên thủy) và trao cho Đạo Binh Xanh cuả Hoa Kỳ. Bức Tượng Phương Tây thường du hành các xứ Mỹ Châu.
Cả hai bức tượng Thánh Du đã đi qua trên 100 quốc gia, kể cả Nga và Trung Quốc.